“Đây là ngày trọng đại nhất trong mọi ngày”
“Tôi được thánh linh cho thấy ở trong ngày của Chúa” (KHẢI-HUYỀN 1:10, NW).
1. Chúng ta đang sống trong “ngày” gì, và tại sao sự kiện này gây phấn khởi như thế?
“Đây là ngày trọng đại nhất trong mọi ngày. Nhìn kìa, vị Vua trị vì!”. Những lời nghiêm trang này do vị chủ tịch thứ hai của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society) tuyên bố năm 1922 cách đây đã lâu mà nay vẫn còn gây sự phấn khởi cho chúng ta ngày nay. Những lời đó tiếp tục nhắc nhở là chúng ta đang sống trong một thời kỳ hào hứng nhất của suốt lịch sử, thời kỳ mà Kinh-thánh gọi là “ngày của Chúa” (Khải-huyền 1:10). Quả thật đây là “ngày trọng đại nhất trong mọi ngày”, vì đây là thời kỳ mà Đức Giê-hô-va qua trung gian Nước Trời trong tay đấng Christ sẽ thực thi tất cả các ý định cao cả của Ngài và sẽ làm sáng danh Ngài trong khắp hoàn vũ.
2, 3. a) Ngày của Chúa dài bao nhiêu? b) Chúng ta có thể tìm thấy nơi nào lời giải thích về ngày đó?
2 Ngày này đã bắt đầu năm 1914 khi Giê-su được lên ngôi làm Vua trong Nước Đức Chúa Trời. Và ngày đó sẽ tiếp tục cho đến hết triều đại Một Ngàn Năm, khi đấng Christ “sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha” (I Cô-rinh-tô 15:24). Các tín đồ trung thành của đấng Christ đã ao ước hằng thế kỷ muốn được nhìn thấy ngày của Chúa. Bây giờ, ngày đó đã đến! “Ngày trọng đại nhất trong mọi ngày” này có nghĩa gì đối với dân Đức Chúa Trời và cho nhân loại nói chung?
3 Cuốn sách trong Kinh-thánh nói nhiều nhất cho chúng ta biết về ngày của Chúa là sách Khải-huyền. Hầu hết những lời tiên tri trong sách này được ứng nghiệm trong ngày của Chúa. Nhưng sách Khải-huyền chỉ là tột điểm của hàng loạt sách tiên tri nói về ngày ấy. Trong số các sách đó có Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên, cũng nói về ngày ấy. Thường thì các sách tiên tri đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời tiên tri nơi sách Khải-huyền. Chúng ta hãy xem sách Ê-xê-chi-ên đặc biệt soi sáng thế nào về sự ứng nghiệm của sách Khải-huyền trong ngày của Chúa.
Bốn người cỡi ngựa
4. Theo Khải-huyền đoạn 6, điều gì đã xảy ra khi ngày của Chúa bắt đầu?
4 Chẳng hạn nơi Khải-huyền đoạn sáu, sứ đồ Giăng diễn tả một sự hiện thấy mạnh mẽ: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều-thiên, và người đi như kẻ thắng lại đến đâu cũng thắng” (Khải-huyền 6:2). Người cỡi ngựa toàn thắng này là ai? Không ai khác hơn Giê-su Christ, đấng được phong làm Vua của Nước Đức Chúa Trời và cỡi ngựa đi chinh phục kẻ thù nghịch (Thi-thiên 45:3-6; 110:2). Việc cỡi ngựa chiến thắng của Giê-su đã bắt đầu năm 1914, chính vào lúc ngày của Chúa bắt đầu (Thi-thiên 2:6). Cuộc chinh phục đầu nhất của ngài là việc quăng Sa-tan và các quỉ sứ hắn xuống trái đất. Hậu quả cho nhân loại là gì? “Khốn-nạn cho đất và biển!” (Khải-huyền 12:7-12).
5. Các hình ảnh ảm đạm nào tiếp theo Người Cỡi ngựa bạch, và mỗi người cỡi ngựa này được quyền gì?
5 Trong sự hiện thấy có ba hình ảnh ảm đạm tiếp theo: một con ngựa sắc hồng tượng trưng chiến tranh, một con ngựa ô tượng trưng sự đói kém và một con ngựa vàng vàng chở trên lưng một kẻ tên là “Sự chết”. Về con ngựa thứ tư này chúng ta đọc thấy: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa vàng-vàng hiện ra. Người cỡi ngựa ấy tên là Sự chết, và Âm-phủ theo sau người. Họ được quyền trên một góc tư thế-gian, đặng sát-hại dân-sự bằng gươm-dao, bằng đói-kém, bằng dịch-lệ và bằng các loài thú dữ trên đất” (Khải-huyền 6:3-8; Ma-thi-ơ 24:3, 7, 8; Lu-ca 21:10, 11).
6. Ba hình ảnh về các con ngựa và những người cỡi ngựa khủng khiếp này đã gây ảnh hưởng gì trên trái đất?
6 Đúng như lời tiên tri, nhân loại đã bị khổ sở khủng khiếp vì chiến tranh, đói kém và dịch lệ từ năm 1914. Nhưng người cỡi ngựa thứ tư cũng giết hại bằng “các loài thú dữ trên đất”. Điều này có thấy rõ từ năm 1914 không? Xem xét một lời tiên tri tương tự do Ê-xê-chi-ên viết ra giúp hiểu kỹ hơn khía cạnh này của lời tiên tri.
7. a) Ê-xê-chi-ên đã nói tiên tri gì về thành Giê-ru-sa-lem? b) Lời tiên tri này đã ứng được nghiệm thế nào?
7 Có lẽ viết vào khoảng 5 năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 trước tây lịch, Ê-xê-chi-ên tiên tri về một sự trừng phạt khủng khiếp dành cho người Do-thái vì cớ sự bất trung của họ. Ông viết dưới sự soi dẫn: “Ta lấy bốn sự đoán-phạt nặng-nề, tức là gươm-dao, đói-kém, thú dữ, và ôn-dịch mà giáng cho Giê-ru-sa-lem, đặng hủy-diệt khỏi nó người và thú-vật” (Ê-xê-chi-ên 14:21; 5:17). Điều này có được ứng nghiệm thời đó hiểu theo nghĩa đen không? Chắc chắn thành Giê-ru-sa-lem đã chịu khổ vì đói kém và chiến tranh khi sắp bị hủy diệt. Và sự đói kém thường gây ra nạn dịch lệ (II Sử-ký 36:1-3, 6, 13, 17-21; Giê-rê-mi 52:4-7; Ca-thương 4:9, 10). Phải chăng cũng có một tai họa về thú dữ thời ấy? Rất có thể đã xảy ra những trường hợp người ta bị thú vật tha đi hoặc có lẽ ngay cả giết chết, vì Giê-rê-mi cũng có tiên tri điều này (Lê-vi Ký 26:22-33; Giê-rê-mi 15:2, 3).
8. Các thú dữ đã làm hại tới đâu trong ngày của Chúa kể đến nay?
8 Ngày nay thì sao? Tại những nước tiền tiến, thú dữ không còn là một sự đe dọa như xưa. Tuy nhiên, tại những những nước khác, thú dữ vẫn còn tiếp tục làm hại loài người, đặc biệt nếu chúng ta kể ra các con rắn, cá sấu trong số “các loài thú dữ trên đất”. Báo chí quốc tế ít khi đăng tải các vụ chết người thê thảm như thế, nhưng việc này được nhiều người biết đến. Cuốn sách «Lụt lội trên hành tinh trái đất» (Planet Earth—Flood) nói đến nhiều người sống tại Ấn-độ và Hồi quốc “đã chết đau đớn trong cơn hấp hối vì bị rắn độc cắn” khi tìm phương thoát thân trong các trận lụt lội. Tờ «Ấn-độ ngày nay» (India Today) thuật lại có chừng 60 người đàn bà sống trong một làng ở miền Tây Bengal đã góa chồng vì những cuộc tấn công của các con cọp. Các thảm họa như thế có thể trở nên thông thường hơn trong tương lai khi xã hội loài người suy đồi và nạn đói gia tăng.
9. Loài “thú” nào khác đã phá hoại và gây đau khổ cho nhân loại trong thế kỷ này?
9 Nhưng Ê-xê-chi-ên ám chỉ tới một loài “thú” khác khi ông nói: “Những tiên-tri của nó lập mưu giữa nó; như sư-tử hay gầm cắn-xé mồi của nó, chúng nó nuốt các linh-hồn... Các quan-trưởng ở giữa nó giống như muông-sói xé mồi” (Ê-xê-chi-ên 22:25, 27). Như thế loài người cũng có thể hành động giống như thú vật, và trong thế kỷ này nhân loại đã chịu khổ biết bao trong tay những kẻ hung dữ như ác thú! Nhiều người đã chết bởi tay của các kẻ giết người và bọn khủng bố man rợ như ác thú. Đúng, sự chết đã gặt được nhiều nạn nhân bằng nhiều cách bởi “các loài thú dữ trên đất”.
10. Sự liệt kê của Giăng về chiến tranh, đói kém, bệnh tật và thú dữ là nguyên nhân gây ra sự chết giúp chúng ta hiểu gì?
10 Sự liệt kê về chiến tranh, đói kém, bệnh tật và thú dữ trong sự hiện thấy của Giăng giúp chúng ta hiểu được việc thành Giê-ru-sa-lem đã chịu sự thống khổ trong cơn hấp hối năm 607 trước tây lịch được so sánh thế nào với nhiều tình trạng diễn ra thời nay. Vậy ngày của Chúa đã đem lại sự đau khổ rồi cho thế gian, phần lớn bởi vì những kẻ cầm quyền trên nhân loại từ chối phục tùng đấng Cỡi ngựa thứ nhất, vị Vua đương kim Giê-su Christ (Thi-thiên 2:1-3). Tuy vậy, về phần dân sự Đức Chúa Trời thì sao? Ngày của Chúa có nghĩa gì đối với họ?
Đo đền thờ
11. Nơi Khải-huyền 11:1 Giăng được lệnh làm gì, và điều này liên hệ tới đền thờ nào?
11 Nơi Khải-huyền 11:1 sứ đồ Giăng nói: “Bấy giờ có người ban cho tôi một cây lau giống như cây gậy, và biểu tôi rằng: Hãy đứng dậy, đo đền-thờ Đức Chúa Trời, bàn-thờ và những kẻ thờ-lạy tại đó”. Việc đo đền thờ trong sự hiện thấy này rất có ý nghĩa đối với dân sự Đức Chúa Trời. Giăng đo đền thờ nào? Không phải đền thờ Do-thái hiểu theo nghĩa đen, nơi mà Giăng đã thờ phượng trước khi trở thành tín đồ đấng Christ. Đức Giê-hô-va đã từ bỏ đền thờ đó, và nó đã bị hủy diệt năm 70 tây lịch (Ma-thi-ơ 23:37 đến 24:2). Thay vì thế, đó là sự sắp đặt về đền thờ thiêng liêng lớn của Đức Giê-hô-va. Trong đền thờ theo nghĩa bóng này, các tín đồ được xức dầu phụng sự với tư cách thầy tế lễ phụ trong sân đền thờ tức trên đất (Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 24; 10:19-22; Khải-huyền 5:10).
12. Đền thờ xuất hiện khi nào, và có diễn biến nào liên hệ tới đền thờ trong thế kỷ thứ nhất?
12 Đền thờ đó đã xuất hiện năm 29 tây lịch khi Giê-su được xức dầu làm thầy tế lễ thượng phẩm (Hê-bơ-rơ 3:1; 10:5). Đền thờ sẽ có 144.000 thầy tế lễ phụ, và trong thế kỷ thứ nhất nhiều người trong họ đã được chọn, đóng ấn và rồi chết đi trong sự trung thành (Khải-huyền 7:4; 14:1). Nhưng khi các tín đồ trong thế kỷ thứ nhất chết, họ ngủ trong mộ, chứ không được sống lại ngay để lên trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15). Hơn nữa, sau thế kỷ thứ nhất có một sự bội đạo lớn xảy ra, và lớp người tín đồ được xức dầu làm thầy tế lễ đã bị bủa vây bởi những kẻ bội đạo giống như “cỏ lùng” tràn lan (Ma-thi-ơ 13:24-30). Trong suốt các thế kỷ từ đó về sau, người ta có thể thắc mắc: «Tất cả 144.000 thầy tế lễ phụ sẽ được đóng ấn thật không?» «Những người đã chết trong sự trung thành sẽ được sống lại để phụng sự trong đền thờ trên trời thật không?» Việc đo đền thờ trong sự hiện thấy chứng tỏ lời giải đáp cho mỗi câu hỏi này là có. Tại sao?
13. Sự kiện Giăng do đền thờ cam kết gì, và ngay từ lúc đầu trong ngày của Chúa điều gì đã xảy ra?
13 Vì trong lời tiên tri của Kinh-thánh về việc đo lường một cái gì thường cho thấy rằng ý định Đức Giê-hô-va đối với điều đó chắc chắn phải được thi hành cho đến cùng (II Các Vua 21:13; Giê-rê-mi 31:39; Ca-thương 2:8). Vậy việc đo đền thờ trong sự hiện thấy của Giăng là lời cam kết rằng trong ngày của Chúa tất cả các ý định của Đức Giê-hô-va về đền thờ đều sẽ được hoàn thành. Phù hợp với điều này và thể theo tất cả các sự kiện hiển nhiên, những người được xức dầu nào đã chết trong sự trung thành bắt đầu được sống lại để nhận lấy địa vị được hứa trước cho họ trong đền thờ ở trên trời kể từ năm 1918 (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; Khải-huyền 6:9-11). Nhưng nói gì về phần còn lại trong số 144.000 người?
14. Điều gì đã xảy ra cho các tín đồ được xức dầu trước thế chiến thứ nhất và trong thời kỳ đó?
14 Ngay trước khi ngày của Chúa bắt đầu, các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã ra khỏi các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ và bắt đầu nhóm lại trong một tổ chức biệt lập. Họ đã lập một thành tích tốt về sự trung thành trong việc thông báo tầm quan trọng của năm 1914, nhưng trong chính năm quyết liệt ấy, khi thế chiến thứ nhất diễn ra dữ dội, họ bắt đầu bị áp bức, bị “giày-đạp”. Điều này lên đến tột đỉnh năm 1918 khi các vị giám đốc của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) bị bỏ tù, và công việc rao giảng được tổ chức gần như ngừng. Lúc đó, có thể nói họ bị “giết” chết (Khải-huyền 11:2-7). Việc đo đền thờ có ý nghĩa gì đối với các tín đồ này?
15. Việc đo đền thờ diễn ra trong sự hiện thấy có ý nghĩa gì đối với dân Đức Chúa Trời thời Ê-xê-chi-ên?
15 Năm 593 trước tây lịch, tức 14 năm sau khi đền thờ Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, Ê-xê-chi-ên nhận được một sự hiện thấy về nhà Đức Giê-hô-va. Ông được dẫn đi giáp vòng đền thờ này và được quan sát người ta đo kỹ lưỡng kích thước mỗi phần của đền thờ (Ê-xê-chi-ên, đoạn 40-42). Điều này có nghĩa gì? Chính Đức Giê-hô-va giải thích: Đo đền thờ ngụ ý thử thách dân của Ê-xê-chi-ên. Nếu họ tự hạ mình xuống, ăn năn về các lỗi lầm của họ và giữ trọn luật pháp Đức Giê-hô-va, họ sẽ được nói cho biết kích thước của đền thờ. Hiển nhiên điều này khuyến khích họ trong sự hy vọng rằng một ngày kia dân Đức Giê-hô-va sẽ được giải cứu khỏi Ba-by-lôn và thờ phượng Đức Giê-hô-va trở lại trong đền thờ thiệt thọ của Ngài (Ê-xê-chi-ên 43:10, 11).
16. a) Sự kiện Giăng đo đền thờ cam đoan điều gì cho dân Đức Chúa Trời hồi năm 1918? b) Điều này hoàn thành thế nào?
16 Tương tự như thế, nếu các tín đồ bị nản lòng năm 1918 tự hạ mình xuống và ăn năn về các lỗi lầm mà họ đã phạm, họ sẽ được giải cứu để nhận ân phước của Đức Giê-hô-va và đóng trọn vai trò của họ trong sự sắp đặt về đền thờ của Ngài. Và điều này đã xảy ra. Theo Khải-huyền 11:11, họ đã “đứng thẳng dậy”, hoặc được sống lại hiểu theo nghĩa bóng. Một sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên liên hệ tới sự sống lại đó làm hình bóng trước cho việc phục hưng những người Do-thái trong đất của họ (Ê-xê-chi-ên 37:1-14). “Sự sống lại” thời nay tương ứng với việc phục hưng dân Đức Chúa Trời ra khỏi trạng thái chán nản, gần như ngừng hoạt động, bước sang một trạng thái sống động, hào hứng trong đó họ có thể đóng trọn vai trò trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. “Sự sống lại” ấy diễn ra năm 1919.
Cuốn sách nhỏ
17. a) Hãy tả sự hiện thấy của Giăng nơi Khải-huyền 10:1. b) Ai là vị thiên sứ mà Giăng nhìn thấy, và sự hiện thấy này phải được ứng nghiệm trong ngày nào?
17 Nơi Khải-huyền 10:1 Giăng nhìn thấy một “vị thiên-sứ khác mạnh lắm, ở từ trời xuống, có đám mây bao-bọc lấy. Trên đầu người có mống; mặt người giống như mặt trời và chơn như trụ lửa”. Điều này giống phần nào với các sự hiện thấy về Đức Giê-hô-va mà trước đó Ê-xê-chi-ên và chính sứ đồ Giăng nữa cũng nhận được (Ê-xê-chi-ên 8:2; Khải-huyền 4:3). Nhưng ở đây Giăng thấy một thiên sứ, chứ không phải Đức Giê-hô-va. Bởi vậy đây hẳn phải là vị thiên sứ lớn, Con của Đức Giê-hô-va, tức Giê-su Christ, đấng “là hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được” (Cô-lô-se 1:15). Hơn nữa, Khải-huyền 10:2 tả Giê-su trong tư thế đầy quyền phép lớn, đặt “chơn hữu mình trên biển, chơn tả mình trên đất”. Vậy vị thiên sứ này tượng trưng cho Giê-su trong ngày của Chúa. (Xem Thi-thiên 8:4-8; Hê-bơ-rơ 2:5-9).
18. a) Giăng được lệnh ăn gì? b) Trong một sự hiện thấy tương tự, Ê-xê-chi-ên được lệnh ăn gì, và hiệu quả là gì?
18 Trong sự hiện thấy rực rỡ này Giê-su cầm trong tay một cuốn sách nhỏ, và Giăng được lệnh lấy cuốn sách để ăn (Khải-huyền 10:8, 9). Bằng cách này Giăng trải qua kinh nghiệm giống như Ê-xê-chi-ên, người cũng đã được lệnh ăn một cuốn sách trong sự hiện thấy. Trong trường hợp Ê-xê-chi-ên, chính Đức Giê-hô-va cầm cuốn sách trao vào tay nhà tiên tri, và Ê-xê-chi-ên thấy “có chữ đã chép, cả trong và ngoài; ấy là những lời ca thương, than-thở, khốn-nạn đã chép vào đó” (Ê-xê-chi-ên 2:8-10). Ê-xê-chi-ên thuật lại: “Ta ăn lấy, thì trong miệng ngọt như mật” (Ê-xê-chi-ên 3:3). Sự kiện Ê-xê-chi-ên ăn cuốn sách bao hàm gì?
19. a) Sự kiện Ê-xê-chi-ên ăn cuốn sách tượng trưng cho gì? b) Ai đã phải nghe thấy thông điệp cay đắng mà Ê-xê-chi-ên nhận được sứ mạng rao giảng?
19 Rõ ràng là cuốn sách chứa đựng những lời tiên tri được soi dẫn. Khi Ê-xê-chi-ên ăn cuốn sách, ông nhận lãnh sứ mạnh rao truyền tin này nhiều đến nỗi cuốn sách trở thành một phần của con người ông. (So sánh Giê-rê-mi 15:16). Nhưng nội dung của cuốn sách không ngọt đối với những người khác. Sách chứa đầy “những lời ca thương, than-thở, khốn-nạn”. Thông điệp đắng này dành cho ai? Trước nhất, Ê-xê-chi-ên được nghe phán: “Hỡi con người, hãy đi, hãy đến cùng nhà Y-sơ-ra-ên, đem những lời ta thuật lại cho chúng nó” (Ê-xê-chi-ên 3:4). Sau đó, thông điệp của Ê-xê-chi-ên phổ biến đến các nước ngoại đạo ở chung quanh (Ê-xê-chi-ên đoạn 25-32).
20. Chuyện gì xảy ra khi Giăng ăn cuốn sách nhỏ, và làm thế đem lại kết quả gì?
20 Trong trường hợp của Giăng, việc ăn cuốn sách cũng đem lại kết quả tương tự. Ông thuật lại: “Tôi lấy quyển sách nhỏ khỏi tay vị thiên-sứ và nuốt đi; trong miệng tôi nó ngọt như mật, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì đắng ở trong bụng” (Khải-huyền 10:10). Ăn cuốn sách cũng ngọt đối với Giăng. Có lời Đức Giê-hô-va trở thành một phần của thân thể của ông thật là hào hứng. Tuy nhiên thông điệp cũng có một cảm giác đắng. Đắng đối với ai? Giăng được nghe nói: “Ngươi phải nói tiên-tri về nhiều dân, nhiều nước, nhiều tiếng và nhiều vua” (Khải-huyền 10:11).
21. a) Các tín đồ được xức dầu của đấng Christ đã làm gì năm 1919 tương ứng với việc Giăng ăn cuốn sách nhỏ, và hiệu quả là gì? b) Hậu quả của điều này là gì đối với các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và thế gian nói chung?
21 Tất cả những điều này đã ứng nghiệm thế nào trong ngày của Chúa? Theo các sự kiện lịch sử, hồi năm 1919 các tín đồ trung thành của đấng Christ đã nhận lãnh đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va cách trọn vẹn đến nỗi điều này trở thành một phần của con người họ, và điều này ngọt lắm. Nhưng các ân phước và đặc ân của họ gây ra sự cay đắng đối với những người khác—đặc biệt là cho giới chức giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Tại sao? Bởi vì các tín đồ được xức dầu trung thành này của đấng Christ công bố toàn thể thông điệp của Đức Giê-hô-va cho nhân loại. Họ không chỉ rao giảng “tin mừng này về nước Đức Chúa Trời” nhưng họ cũng vạch trần tình trạng đang chết về thiêng liêng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và thế gian nói chung (Ma-thi-ơ 24:14; Khải-huyền 8:1 đến 9:21; 16:1-21).
22. a) Những người được xức dầu đã hưởng đặc ân lớn được Đức Giê-hô-va dùng thế nào trong ngày của Chúa kể đến nay? b) Ngày của Chúa có nghĩa gì cho thế gian của Sa-tan và có nghĩa gì cho dân sự Đức Chúa Trời?
22 Đoàn thể tín đồ đấng Christ trung thành này đã được Đức Giê-hô-va dùng để thâu nhóm những người cuối cùng trong số 144.000 người để được đóng ấn, và họ dẫn đầu trong công việc gom góp đám đông có hy vọng sống trên đất (Khải-huyền 7:1-4, 9, 10). Đám đông này giữ vai trò quan trọng trong ý định của Đức Giê-hô-va đối với trái đất này, và sự kiện họ xuất hiện đã đem lại sự vui mừng lớn ở trên trời và ở dưới đất (Khải-huyền 7:11-17; Ê-xê-chi-ên 9:1-7). Vậy, “ngày trọng đại nhất trong mọi ngày” này có nghĩa là đau khổ cho thế gian này của Sa-tan nhưng có nghĩa là ân phước dư dật cho dân sự Đức Giê-hô-va. Bây giờ, chúng ta hãy xem điều này tiếp tục chứng tỏ là thật thế nào khi xem tiếp ngày của Chúa (trong bài kỳ tới).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Ngày của Chúa là gì?
◻ “Các loài thú dữ trên đất” góp phần hủy phá thế nào trong ngày của Chúa?
◻ Đức Giê-hô-va cung cấp lời cam kết chắc chắn nào qua việc Giăng đo đền thờ?
◻ Việc Giăng ăn cuốn sách nhỏ có nghĩa gì đối với những người được xức dầu còn sót lại năm 1919?
◻ Kể đến nay, ngày của Chúa có nghĩa gì cho dân sự Đức Chúa Trời và có nghĩa gì cho thế gian nói chung?
[Hình nơi trang 21]
Việc Giăng đo đền thờ cung cấp lời cam kết chắc chắn về ngày của Chúa cho những người được xức dầu