BÀI HỌC 19
Sách Khải huyền có nghĩa gì cho anh chị ngày nay?
“Hạnh phúc cho những người đọc lớn tiếng… lời tiên tri này”.—KHẢI 1:3.
BÀI HÁT 15 Khen ngợi Con Đầu Lòng của Đức Giê-hô-va!
GIỚI THIỆUa
1, 2. Một lý do chúng ta nên chú ý đến sách Khải huyền là gì?
Đã bao giờ anh chị được mời xem an-bum hình của người khác chưa? Khi mới nhìn sơ qua, anh chị thấy hầu hết những gương mặt trong hình không quen. Tuy nhiên, có một bức hình thu hút sự chú ý của anh chị. Tại sao? Vì có anh chị trong đó. Khi xem bức hình ấy, anh chị cố gắng nhớ xem hình này đã được chụp khi nào và ở đâu. Anh chị cũng cố gắng nhận ra những người khác ở trong hình. Bức hình ấy rất có ý nghĩa với anh chị.
2 Sách Khải huyền giống như bức hình đó. Tại sao? Vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, sách này được viết cho chúng ta. Ngay câu đầu tiên có ghi: “Đây là sự mạc khải qua Chúa Giê-su Ki-tô mà Đức Chúa Trời đã ban cho ngài, để tỏ cho các đầy tớ ngài biết những điều không lâu nữa sẽ phải xảy ra” (Khải 1:1). Thế nên, những gì được viết trong sách ấy không dành cho người ta nói chung mà dành cho chúng ta, là những tôi tớ đã dâng mình của Đức Chúa Trời. Là dân Đức Chúa Trời, chúng ta không nên ngạc nhiên khi biết mình đang góp phần làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong cuốn sách thú vị đó. Nói cách khác, chúng ta thấy chính mình “trong bức hình”.
3, 4. Theo sách Khải huyền, khi nào những lời tiên tri trong đó được ứng nghiệm, và điều ấy nên thúc đẩy chúng ta làm gì?
3 Lý do thứ hai liên quan đến thời điểm những lời tiên tri này sẽ được ứng nghiệm. Sứ đồ Giăng cho biết về thời điểm đó khi nói: “Nhờ được thần khí tác động, tôi thấy mình đang ở trong ngày của Chúa” (Khải 1:10). Khi Giăng viết những lời này vào khoảng năm 96 CN, “ngày của Chúa” vẫn còn xa (Mat 25:14, 19; Lu 19:12). Nhưng theo lời tiên tri trong Kinh Thánh, ngày đó bắt đầu vào năm 1914 khi Chúa Giê-su lên ngôi Vua Nước Trời. Từ đó trở đi, những lời tiên tri trong sách Khải huyền, là những lời tiên tri liên quan đến dân Đức Chúa Trời, bắt đầu được ứng nghiệm. Thật vậy, hiện nay chúng ta đang sống trong “ngày của Chúa”!
4 Vì đang sống trong thời kỳ hào hứng này, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến lời khuyên yêu thương nơi Khải huyền 1:3: “Hạnh phúc cho những người đọc lớn tiếng và những người nghe lời tiên tri này cùng những người vâng giữ các điều ghi trong đó, vì thời điểm ấn định đã gần rồi”. Quả thật, chúng ta cần “đọc lớn tiếng”, “nghe lời tiên tri này” và “vâng giữ” các điều ghi trong đó. Vậy, chúng ta cần vâng giữ một số điều nào?
HÃY ĐẢM BẢO SỰ THỜ PHƯỢNG CỦA ANH CHỊ ĐƯỢC CHẤP NHẬN
5. Làm thế nào sách Khải huyền nhấn mạnh việc chúng ta cần đảm bảo rằng sự thờ phượng của mình được Đức Giê-hô-va chấp nhận?
5 Ngay từ chương đầu tiên của sách Khải huyền, chúng ta học được rằng Chúa Giê-su biết rõ những gì đang xảy ra trong các hội thánh gồm các môn đồ ngài (Khải 1:12-16, 20; 2:1). Điều này được thấy qua những thông điệp mà ngài gửi cho bảy hội thánh ở Tiểu Á. Trong những thông điệp ấy, ngài đưa ra chỉ dẫn cụ thể để giúp các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đảm bảo rằng sự thờ phượng của họ được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Ngoài ra, điều ngài nói trong những thông điệp ấy cũng áp dụng cho tất cả dân Đức Chúa Trời ngày nay. Bài học là gì? Đấng Lãnh Đạo là Chúa Giê-su Ki-tô biết rõ tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta ở dưới sự giám sát và bảo vệ của Chúa Giê-su; mọi điều đều nằm trong tầm mắt của ngài. Ngài biết chúng ta cần làm gì để tiếp tục được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Chúa Giê-su đưa ra chỉ dẫn nào mà chúng ta cần vâng giữ ngày nay?
6. (a) Như được nói nơi Khải huyền 2:3, 4, vấn đề nào được tiết lộ trong thông điệp Chúa Giê-su gửi cho hội thánh ở Ê-phê-sô? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ điều này?
6 Đọc Khải huyền 2:3, 4. Đừng đánh mất tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lúc ban đầu. Thông điệp của Chúa Giê-su gửi cho hội thánh ở Ê-phê-sô cho thấy các tín đồ ở đó đã thể hiện sự chịu đựng và tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể thử thách khác nhau. Dù vậy, họ đã đánh mất tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lúc ban đầu. Họ cần khơi dậy tình yêu thương ấy; nếu không, sự thờ phượng của họ sẽ không được chấp nhận. Ngày nay cũng vậy, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ chịu đựng. Chúng ta cần chịu đựng vì những lý do đúng đắn. Đức Chúa Trời không chỉ quan tâm đến điều chúng ta làm mà còn lý do mình làm điều ấy. Động cơ của chúng ta rất quan trọng đối với ngài, vì ngài muốn sự thờ phượng của chúng ta phải dựa trên tình yêu thương và lòng biết ơn sâu xa dành cho ngài.—Châm 16:2; Mác 12:29, 30.
7. (a) Như Khải huyền 3:1-3 cho thấy, hội thánh ở Sạt-đe có vấn đề nào? (b) Chúng ta cần làm gì?
7 Đọc Khải huyền 3:1-3. Chúng ta cần luôn tỉnh thức và cảnh giác. Những thành viên trong hội thánh ở Sạt-đe có vấn đề khác. Dù tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va trong quá khứ, nhưng giờ đây họ lại lơ là trong việc phụng sự ngài. Vì thế, Chúa Giê-su bảo họ hãy “thức dậy”. Bài học cảnh báo cho chúng ta là gì? Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ không quên công việc của chúng ta (Hê 6:10). Tuy vậy, chúng ta không nên nghĩ những gì mình làm để phụng sự ngài trong quá khứ là đủ rồi. Dù có lẽ chúng ta có nhiều hạn chế hơn trước kia, nhưng chúng ta cần tiếp tục bận rộn trong “công việc Chúa”, giữ tinh thần tỉnh thức và cảnh giác cho đến cuối cùng.—1 Cô 15:58; Mat 24:13; Mác 13:33.
8. Chúng ta học được gì từ những lời được viết cho anh em ở Lao-đi-xê, như được ghi nơi Khải huyền 3:15-17?
8 Đọc Khải huyền 3:15-17. Chúng ta cần sốt sắng và hết lòng trong việc thờ phượng. Thông điệp của Chúa Giê-su gửi cho các tín đồ ở Lao-đi-xê nêu bật một vấn đề khác nữa. Đó là họ “hâm hẩm” trong việc thờ phượng. Vì sự thờ ơ của họ nên Chúa Giê-su nói rằng họ ở trong tình trạng “khốn khổ, đáng thương hại”. Họ cần thể hiện lòng sốt sắng trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va (Khải 3:19). Bài học là gì? Nếu mất đi phần nào lòng sốt sắng, chúng ta cần khơi dậy lòng quý trọng đối với kho báu thiêng liêng mà mình có (Khải 3:18). Chúng ta không bao giờ muốn để cho việc theo đuổi đời sống thoải mái khiến mình bị phân tâm và đặt các hoạt động thiêng liêng xuống hàng thứ yếu.
9. Như được thấy trong thông điệp mà Chúa Giê-su gửi cho các tín đồ ở Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ, chúng ta cần tránh mối nguy hiểm nào?
9 Chúng ta cần bác bỏ sự dạy dỗ của những kẻ bội đạo. Chúa Giê-su quở trách một số tín đồ ở Bẹt-găm vì đã cổ xúy sự chia rẽ (Khải 2:14-16). Ngài khen các tín đồ ở Thi-a-ti-rơ đã tránh “điều sâu nhiệm của Sa-tan”, và ngài khuyến giục họ “nắm chắc” chân lý (Khải 2:24-26). Những tín đồ yếu đức tin trong các hội thánh này mà đã bắt đầu theo sự dạy dỗ sai lầm thì cần ăn năn. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta cần bác bỏ bất cứ sự dạy dỗ nào trái ngược với lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Những kẻ bội đạo “bề ngoài có vẻ sùng kính nhưng lại không thể hiện trong đời sống” (2 Ti 3:5). Nếu siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ dễ nhận ra và bác bỏ sự dạy dỗ sai lầm.—2 Ti 3:14-17; Giu 3, 4.
10. Chúng ta rút ra bài học nào khác từ những gì Chúa Giê-su nói với hội thánh ở Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ?
10 Đừng thực hành hoặc dung túng bất cứ hình thức vô luân nào. Có một vấn đề khác nữa ở Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ. Chúa Giê-su lên án một số tín đồ trong các hội thánh này vì đã không bác bỏ sự vô luân (Khải 2:14, 20). Bài học là gì? Chúng ta không thể mong đợi Đức Giê-hô-va dung túng việc mình dính líu đến điều vô luân, cho dù chúng ta đã phụng sự ngài lâu năm và hiện có nhiều đặc ân (1 Sa 15:22; 1 Phi 2:16). Ngài đòi hỏi chúng ta giữ tiêu chuẩn đạo đức cao dù tiêu chuẩn của thế gian xuống dốc đến mức nào.—Ê-phê 6:11-13.
11. Đến đây chúng ta đã học được gì? (Cũng xem khung “Bài học cho chúng ta ngày nay”).
11 Đến đây chúng ta đã học được gì? Chúng ta cần đảm bảo rằng sự thờ phượng của mình được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Nếu đang làm điều gì đó có thể khiến cho sự thờ phượng của mình không được chấp nhận, chúng ta cần lập tức hành động để sửa đổi (Khải 2:5, 16; 3:3, 16). Tuy nhiên, Chúa Giê-su nêu bật một điều khác trong những thông điệp mà ngài gửi cho các hội thánh. Đó là gì?
HÃY SẴN SÀNG CHỊU ĐỰNG SỰ NGƯỢC ĐÃI
12. Chúng ta học được gì từ thông điệp Chúa Giê-su gửi cho anh em ở Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi-a? (Khải huyền 2:10)
12 Giờ đây, hãy xem những thông điệp Chúa Giê-su gửi đến hội thánh ở Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi-a. Ngài bảo các tín đồ ở đó đừng sợ sự ngược đãi, vì lòng trung thành của họ sẽ được ban thưởng. (Đọc Khải huyền 2:10; 3:10). Bài học là gì? Đó là chúng ta đừng ngạc nhiên khi bị ngược đãi và cần sẵn sàng chịu đựng (Mat 24:9, 13; 2 Cô 12:10). Tại sao lời nhắc nhở này quan trọng?
13, 14. Những sự kiện nơi Khải huyền chương 12 ảnh hưởng thế nào đến dân Đức Chúa Trời?
13 Sách Khải huyền cho biết dân Đức Chúa Trời sẽ bị ngược đãi trong “ngày của Chúa”, tức vào thời chúng ta đang sống. Khải huyền chương 12 cho thấy có một cuộc chiến diễn ra ở trên trời ngay sau khi Nước Trời ra đời. Mi-ca-ên, tức Chúa Giê-su đã được vinh hiển, cùng đạo quân của ngài chiến đấu với Sa-tan và các quỷ (Khải 12:7, 8). Kết cuộc là các kẻ thù ấy của Đức Chúa Trời bị đánh bại và bị quăng xuống trái đất; chúng gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại (Khải 12:9, 12). Biến cố này ảnh hưởng thế nào đến dân Đức Chúa Trời?
14 Tiếp theo, sách Khải huyền cho biết về cách phản ứng của Sa-tan. Vì không còn được phép trở về trời, nên hắn trút giận lên những người được xức dầu còn sót lại trên đất. Họ là những người đại diện cho Nước Trời và “có nhiệm vụ làm chứng về Chúa Giê-su” (Khải 12:17; 2 Cô 5:20; Ê-phê 6:19, 20). Lời tiên tri này ứng nghiệm như thế nào?
15. Ai được tượng trưng bởi “hai nhân chứng” được nói đến nơi Khải huyền chương 11, và điều gì đã xảy ra cho họ?
15 Sa-tan là kẻ chủ mưu trong cuộc tấn công các anh được xức dầu đang dẫn đầu công việc rao giảng về Nước Trời lúc bấy giờ. Những anh này được tượng trưng bởi “hai nhân chứng” bị giết được nói đến nơi sách Khải huyềnb (Khải 11:3, 7-11). Vào năm 1918, tám trong số những anh có trách nhiệm bị kết tội oan và phải lãnh án tù nhiều năm. Theo quan điểm của con người, công việc của các anh được xức dầu ấy như thể bị “giết đi”.
16. Điều đáng kinh ngạc nào xảy ra vào năm 1919, nhưng Sa-tan vẫn tiếp tục làm gì kể từ đó?
16 Lời tiên tri trong Khải huyền chương 11 cũng cho biết “hai nhân chứng” được làm cho sống lại sau một thời gian ngắn. Lời tiên tri đó được ứng nghiệm một cách đáng kinh ngạc chưa đầy một năm sau khi các anh này bị bỏ tù. Vào đầu năm 1919, những anh được xức dầu ấy được trả tự do, và sau này các cáo buộc về họ bị bãi bỏ. Các anh lập tức trở lại với công việc Nước Trời. Dù vậy, Sa-tan vẫn tiếp tục tấn công dân Đức Chúa Trời. Kể từ đó, Sa-tan đã gây ra một ‘dòng sông’ sự bắt bớ nhắm vào dân của ngài (Khải 12:15). Thật vậy, “điều này đòi hỏi sự chịu đựng và đức tin” của mỗi chúng ta.—Khải 13:10.
THAM GIA HẾT LÒNG VÀO CÔNG VIỆC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIAO
17. Dân Đức Chúa Trời đã nhận được sự trợ giúp bất ngờ nào, dù họ là mục tiêu tấn công của Sa-tan?
17 Kế tiếp, Khải huyền chương 12 cho thấy dân Đức Chúa Trời sẽ nhận được sự trợ giúp từ một nguồn không ngờ đến. Chương này cho biết “đất” sẽ nuốt “dòng sông” sự bắt bớ, và điều này đã xảy ra đúng như vậy (Khải 12:16). Đôi khi, những thành phần phải lẽ hơn của thế gian Sa-tan, như một số hệ thống tòa án, đã giải cứu dân Đức Chúa Trời. Nhiều lần, tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã có những chiến thắng pháp lý giúp họ có được tự do phần nào. Họ đã dùng sự tự do này ra sao? Họ đã tận dụng mọi cơ hội để thực hiện công việc mà Đức Giê-hô-va giao (1 Cô 16:9). Công việc ấy bao hàm điều gì?
18. Công việc chính của chúng ta trong những ngày sau cùng này là gì?
18 Chúa Giê-su tiên tri rằng môn đồ ngài sẽ rao truyền ‘tin mừng về Nước Trời’ ra khắp đất trước khi sự kết thúc đến (Mat 24:14). Khi làm thế, họ nhận được sự trợ giúp từ các thiên sứ mà Kinh Thánh miêu tả là “có tin mừng vĩnh cửu để loan báo cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng cùng mọi dân”.—Khải 14:6.
19. Những người yêu mến Đức Giê-hô-va cần công bố thông điệp nào khác?
19 Tin mừng về Nước Trời không phải là thông điệp duy nhất mà dân Đức Chúa Trời phải rao truyền. Họ cũng cần ủng hộ công việc được thực hiện bởi các thiên sứ được nói đến nơi Khải huyền chương 8 đến 10. Các thiên sứ này loan báo một loạt cơn khốn cho những người chối bỏ Nước Đức Chúa Trời. Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va đang công bố thông điệp phán xét được ví như “mưa đá và lửa”. Thông điệp này cho thấy sự phán xét của Đức Chúa Trời trên những thành phần thuộc thế gian gian ác của Sa-tan (Khải 8:7, 13). Người ta cần biết sự kết thúc đã gần kề để họ có thể thay đổi đời sống và sống sót qua ngày nổi giận của Đức Giê-hô-va (Xô 2:2, 3). Nhưng thông điệp này không mấy được ưa chuộng, nên chúng ta cần sự can đảm để chia sẻ cho người khác. Trong hoạn nạn lớn, thông điệp phán xét cuối cùng sẽ càng mạnh mẽ hơn.—Khải 16:21.
HÃY VÂNG GIỮ LỜI TIÊN TRI NÀY
20. Hai bài tới sẽ xem xét điều gì?
20 Chúng ta thật sự cần vâng giữ “lời tiên tri này” vì sự ứng nghiệm của những gì mình đọc trong sách Khải huyền có liên quan đến chúng ta (Khải 1:3). Nhưng làm thế nào chúng ta có thể trung thành chịu đựng sự ngược đãi và tiếp tục dạn dĩ rao truyền những thông điệp này? Chúng ta sẽ được vững mạnh qua hai điều: thứ nhất, qua những gì sách Khải huyền tiết lộ về các kẻ thù của Đức Chúa Trời; và thứ hai, qua những ân phước mà mình sẽ nhận được trong tương lai nếu giữ trung thành. Chúng ta sẽ xem xét những điều này trong hai bài tới.
BÀI HÁT 32 Hãy đứng về phía Đức Giê-hô-va!
a Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy hào hứng! Những lời tiên tri trong sách Khải huyền đang được ứng nghiệm ngày nay. Những lời tiên tri ấy ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Bài này và hai bài tới sẽ cho chúng ta cái nhìn bao quát về sách Khải huyền. Những bài này sẽ cho thấy để sự thờ phượng của mình luôn được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta cần làm theo những gì được viết trong sách đó.
b Xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-11-2014, trg 30.