Đấng Christ nói với các hội thánh
“Nầy là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu”.—KHẢI-HUYỀN 2:1.
1, 2. Tại sao chúng ta nên chú ý đến những lời Đấng Christ nói với bảy hội thánh ở Tiểu Á?
CHÚA GIÊ-SU CHRIST, Con độc sanh của Đức Giê-hô-va, là Đầu hội thánh đạo Đấng Christ. Để giữ cho hội thánh, gồm những môn đồ xức dầu, không chỗ trách được, Đấng Christ thi hành quyền làm đầu qua việc khen ngợi và sửa sai họ. (Ê-phê-sô 5:21-27) Có những điển hình về điều này trong sách Khải-huyền chương 2 và 3. Trong hai chương này, chúng ta thấy những thông điệp yêu thương và mạnh mẽ, gửi cho bảy hội thánh ở Tiểu Á.
2 Trước khi nghe những lời Chúa Giê-su nói với bảy hội thánh, sứ đồ Giăng được ban cho một sự hiện thấy về “ngày của Chúa”. (Khải-huyền 1:10) “Ngày” đó bắt đầu khi Nước của Đấng Mê-si được thành lập vào năm 1914. Vậy những gì Đấng Christ nói với bảy hội thánh là tối quan trọng trong những ngày cuối cùng này. Lời khuyến khích và khuyên bảo của ngài giúp chúng ta đối phó với những thời kỳ khó khăn này.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.
3. “Ngôi sao”, “thiên-sứ” và “chân-đèn vàng” mà sứ đồ Giăng thấy, có ý nghĩa tượng trưng nào?
3 Giăng nhìn thấy Chúa Giê-su Christ vinh hiển “cầm bảy ngôi sao trong tay hữu” và “đi chính giữa bảy chân-đèn vàng”, tức bảy hội thánh. Các “ngôi sao” là “các thiên-sứ của bảy Hội-thánh”. (Khải-huyền 1:20; 2:1) Ngôi sao đôi khi tượng trưng cho các tạo vật thần linh, nhưng Đấng Christ chắc chắn không dùng người phàm để ghi thông điệp cho các tạo vật này. Do đó, hợp lý là những “ngôi sao” này tượng trưng cho những giám thị, tức các hội đồng trưởng lão được xức dầu bằng thánh linh. Từ “thiên-sứ” liên hệ đến vai trò của họ là sứ giả. Bởi vì tổ chức của Đức Chúa Trời đã lớn mạnh, nên “người quản-gia ngay-thật” cũng đã bổ nhiệm những anh hội đủ điều kiện thuộc “chiên khác” của Chúa Giê-su làm giám thị.—Lu-ca 12:42-44; Giăng 10:16.
4. Các trưởng lão được lợi ích như thế nào khi chú ý đến những lời Đấng Christ nói với các hội thánh?
4 Các “ngôi sao” nằm trong tay hữu của Chúa Giê-su—tức nằm dưới quyền, sự điều động, ưu ái và bảo vệ của ngài. Do đó, họ chịu trách nhiệm đối với ngài. Bằng cách để ý đến những lời ngài nói với mỗi hội thánh, các trưởng lão ngày nay có thể biết cách xử lý những tình huống tương tự. Tất nhiên, mọi tín đồ Đấng Christ cần lắng nghe Con Đức Chúa Trời. (Mác 9:7) Vậy, chúng ta có thể học được gì khi chú ý đến những lời Đấng Christ nói với các hội thánh?
Thông điệp gửi cho thiên sứ ở Ê-phê-sô
5. Thành Ê-phê-sô có những đặc điểm nào?
5 Chúa Giê-su khen ngợi và khiển trách hội thánh ở Ê-phê-sô. (Đọc Khải-huyền 2:1-7). Đền thờ đồ sộ của nữ thần Đi-anh tọa lạc ngay ở trung tâm tôn giáo và thương mại phồn thịnh này, một thành nằm ở miền duyên hải phía tây của Tiểu Á. Mặc dù thành Ê-phê-sô đầy dẫy vô luân, tôn giáo giả và thực hành ma thuật, Đức Chúa Trời đã ban phước cho việc rao giảng của sứ đồ Phao-lô và những người khác trong thành đó.—Công-vụ, chương 19.
6. Tín đồ Đấng Christ trung thành ngày nay giống người Ê-phê-sô ngày xưa như thế nào?
6 Đấng Christ khen ngợi hội thánh ở Ê-phê-sô: “Ta biết công-việc ngươi, sự khó-nhọc ngươi, sự nhịn-nhục ngươi; ta biết ngươi không thể dung được những kẻ ác, lại biết ngươi đã thử những kẻ tự-xưng là sứ-đồ mà không phải là sứ-đồ, ngươi đã rõ rằng chúng nó giả-dối”. Ngày nay, các hội thánh gồm những môn đồ thật của Chúa Giê-su cũng có thành tích tương tự về việc lành, công khó và sự chịu đựng. Họ không dung túng những anh em giả dối muốn được coi là sứ đồ. (2 Cô-rinh-tô 11:13, 26) Giống như người Ê-phê-sô, tín đồ Đấng Christ trung thành ngày nay “không thể dung được những kẻ ác”. Do đó, để giữ cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va được thanh sạch và để bảo vệ hội thánh, họ không kết hợp với những kẻ bội đạo không ăn năn.—Ga-la-ti 2:4, 5; 2 Giăng 8-11.
7, 8. Hội thánh ở Ê-phê-sô có vấn đề nghiêm trọng nào, và chúng ta có thể xử trí một tình huống tương tự như thế nào?
7 Thế nhưng, tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô có một vấn đề nghiêm trọng. Chúa Giê-su nói: “Điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính-mến ban đầu”. Các thành viên của hội thánh cần nhen lại lòng yêu mến ban đầu đối với Đức Giê-hô-va. (Mác 12:28-30; Ê-phê-sô 2:4; 5:1, 2) Tất cả chúng ta phải đề phòng việc mất đi lòng yêu mến ban đầu đối với Đức Chúa Trời. (3 Giăng 3) Nhưng nếu những điều như sự ham muốn của cải vật chất hoặc việc tìm kiếm thú vui trở thành trọng tâm trong đời sống chúng ta thì sao? (1 Ti-mô-thê 4:8; 6:9, 10) Chúng ta phải tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời giúp thay thế các khuynh hướng đó bằng tình yêu thương sâu xa đối với Đức Giê-hô-va và lòng biết ơn về tất cả những gì Ngài và Con Ngài đã làm cho chúng ta.—1 Giăng 4:10, 16.
8 Đấng Christ khuyến giục hội thánh Ê-phê-sô: “Hãy nhớ lại ngươi đã sa-sút từ đâu, hãy ăn-năn và làm lại những công-việc ban đầu của mình”. Nếu họ không làm như vậy thì sao? Chúa Giê-su nói: “Bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn-năn thì ta sẽ cất chân-đèn của ngươi khỏi chỗ nó”. Nếu mọi con chiên đều mất đi lòng yêu mến ban đầu thì “chân-đèn”, tức hội thánh, sẽ không còn tồn tại nữa. Do đó, là những tín đồ Đấng Christ sốt sắng, mong sao chúng ta hết sức cố gắng giữ cho hội thánh sáng chói về thiêng liêng.—Ma-thi-ơ 5:14-16.
9. Chúng ta phải xem tinh thần bè đảng như thế nào?
9 Hội thánh Ê-phê-sô đáng khen vì đã ghét “việc làm của đảng Ni-cô-la”. Ngoài những gì được nói trong sách Khải-huyền, không ai biết chắc nguồn gốc, sự dạy dỗ và thực hành của đảng này. Tuy nhiên, vì Chúa Giê-su lên án việc đi theo loài người, chúng ta cần tiếp tục ghét tinh thần bè đảng như các tín đồ ở Ê-phê-sô.—Ma-thi-ơ 23:10.
10. Những ai làm theo điều thánh linh phán sẽ được hưởng gì?
10 Đấng Christ nói: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh-Linh phán cùng các Hội-thánh”. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su nói dưới ảnh hưởng của thánh linh Đức Chúa Trời. (Ê-sai 61:1; Lu-ca 4:16-21) Vậy chúng ta phải chú ý đến những điều Đức Chúa Trời hiện nay phán qua Chúa Giê-su bằng thánh linh. Dưới sự soi dẫn của thánh linh, Chúa Giê-su hứa: “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời”. Đối với những người xức dầu làm theo điều thánh linh phán, điều này có nghĩa là sự sống bất tử ở trên trời trong “Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời”, tức nơi có sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. Còn đám đông “vô-số người” cũng lắng nghe điều thánh linh phán sẽ hưởng Ba-ra-đi, tức địa đàng, nơi họ sẽ uống “sông nước sự sống” và được chữa lành bằng “lá” của những cây trồng dọc theo bờ sông.—Khải-huyền 7:9; 22:1, 2; Lu-ca 23:43.
11. Chúng ta có thể làm tăng lòng yêu mến đối với Đức Giê-hô-va như thế nào?
11 Người Ê-phê-sô đã mất lòng yêu mến ban đầu, nhưng nếu tình trạng tương tự phát sinh trong một hội thánh ngày nay thì sao? Mỗi người chúng ta hãy làm tăng lòng yêu mến đối với Đức Giê-hô-va bằng cách nói về các đường lối yêu thương của Ngài. Chúng ta có thể biểu lộ lòng biết ơn đối với tình yêu thương Đức Chúa Trời bày tỏ khi cung cấp giá chuộc qua Con yêu dấu của Ngài. (Giăng 3:16; Rô-ma 5:8) Khi thích hợp, chúng ta có thể nói đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua lời bình luận và trong các phần chương trình tại buổi họp. Chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương của mình đối với Đức Giê-hô-va bằng cách ngợi khen danh Ngài trong thánh chức rao giảng. (Thi-thiên 145:10-13) Đúng vậy, lời nói và việc làm của chúng ta có thể đóng góp nhiều vào việc nhen lại hay củng cố lòng yêu mến ban đầu của hội thánh.
Thông điệp gửi thiên sứ ở Si-miệc-nơ
12. Lịch sử tiết lộ gì về Si-miệc-nơ và những thực hành tôn giáo tại đây?
12 Hội thánh ở Si-miệc-nơ được Đấng Christ khen, ngài là “Đấng trước hết và Đấng sau-cùng, Đấng chết rồi mà đã sống lại”. (Đọc Khải-huyền 2:8-11). Si-miệc-nơ (nay là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ) được xây dựng bên bờ biển phía tây của Tiểu Á. Người Hy Lạp định cư ở thành này, nhưng thành bị người Ly-đi phá hủy vào khoảng năm 580 TCN. Những người kế vị A-léc-xan-đơ Đại Đế xây dựng lại thành Si-miệc-nơ tại một địa điểm mới. Thành này được sáp nhập vào một tỉnh của La Mã ở Á Châu và là một trung tâm thương mại phồn thịnh, nổi tiếng là có những công ốc đẹp đẽ. Vì có đền thờ Ti-be-rơ Sê-sa, nên thành này là một trung tâm thờ hoàng đế. Những người thờ phượng phải đốt một nén hương và nói: “Sê-sa là Chúa”. Tín đồ Đấng Christ không thể tuân phục vì đối với họ “chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus”. Vì thế họ bị hoạn nạn.—1 Cô-rinh-tô 8:6.
13. Mặc dù nghèo về vật chất, tín đồ Đấng Christ ở Si-miệc-nơ giàu theo nghĩa nào?
13 Ngoài hoạn nạn, tín đồ Đấng Christ ở Si-miệc-nơ còn phải chịu đựng cảnh nghèo nàn, có thể là do phải chịu những hạn chế trong việc mưu sinh vì không tham gia thờ hoàng đế. Tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay cũng trải qua những thử thách tương tự. (Khải-huyền 13:16, 17) Mặc dù nghèo về vật chất, những ai giống như tín đồ Đấng Christ ở Si-miệc-nơ thì giàu có về thiêng liêng, và đây mới là điều thật sự quan trọng!—Châm-ngôn 10:22; 3 Giăng 2.
14, 15. Những người xức dầu có thể được niềm an ủi nào từ Khải-huyền 2:10?
14 Đa số người Do Thái ở Si-miệc-nơ thuộc “hội quỉ Sa-tan” vì họ giữ những truyền thống trái với Kinh Thánh, chối bỏ Con Đức Chúa Trời, và nhục mạ những môn đồ được xức dầu bằng thánh linh. (Rô-ma 2:28, 29) Nhưng những người xức dầu có thể được an ủi biết bao qua những lời kế tiếp của Đấng Christ! Ngài nói: “Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Này, ma-quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử-thách; các ngươi sẽ bị hoạn-nạn trong mười ngày. Khá giữ trung-tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều-thiên của sự sống”.—Khải-huyền 2:10.
15 Chúa Giê-su không sợ chết vì ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. (Phi-líp 2:5-8) Mặc dù hiện nay Sa-tan đang tranh chiến với lớp người xức dầu còn sót lại, nhưng nhóm người này không sợ những điều họ phải chịu—hoạn nạn, tù đày, hoặc chết. (Khải-huyền 12:17) Họ sẽ là những người thắng thế gian. Thay vì vòng hoa chóng tàn phai đội trên đầu những người thắng giải trong cuộc đua thuộc ngoại giáo, Đấng Christ hứa ban “mão triều-thiên của sự sống” cho những người xức dầu được sống lại với tư cách những tạo vật bất tử trên trời. Thật là một món quà vô giá!
16. Nếu đang kết hợp với một hội thánh giống như hội thánh ở Si-miệc-nơ xưa, chúng ta phải tập trung sự chú ý đến vấn đề nào?
16 Dù có hy vọng sống trên trời hay dưới đất, chúng ta xử trí ra sao nếu đang kết hợp với một hội thánh giống như hội thánh ở Si-miệc-nơ xưa? Thế thì chúng ta hãy giúp anh chị em cùng đức tin tập trung sự chú ý vào lý do chính tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự bắt bớ—đó là cuộc tranh chấp về quyền thống trị hoàn vũ. Mỗi Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va khi giữ lòng trung kiên sẽ chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối và chứng tỏ rằng ngay cả khi bị bắt bớ, một người vẫn có thể là người cương quyết ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời với tư cách Đấng Thống Trị Hoàn Vũ. (Châm-ngôn 27:11) Chúng ta hãy khuyến khích anh em tín đồ Đấng Christ chịu đựng sự bắt bớ, do đó tiếp tục có đặc ân “lấy sự thánh-khiết và công-bình mà hầu việc [Đức Giê-hô-va], trọn đời mình”—ngay cả mãi mãi—“không sợ-hãi gì hết”.—Lu-ca 1:68, 69, 74, 75.
Thông điệp gửi thiên sứ ở Bẹt-găm
17, 18. Bẹt-găm là trung tâm thờ phượng những gì, và việc từ chối tham dự vào sự thờ hình tượng như thế có thể đưa đến hậu quả nào?
17 Hội thánh ở Bẹt-găm nhận được cả lời khen lẫn sửa trị. (Đọc Khải-huyền 2:12-17). Cách Si-miệc-nơ khoảng 80 kilômét về phía bắc, Bẹt-găm là một thành chìm đắm trong tà giáo. Hình như các thuật sĩ (chiêm tinh gia) người Canh-đê đã từ Ba-by-lôn chạy trốn đến đó. Những người bệnh lũ lượt kéo đến ngôi đền nổi tiếng ở Bẹt-găm; đây là đền thờ thần Asclepius, một thần giả mà người ta cho là có thể chữa bệnh. Bẹt-găm, có đền thờ dành riêng để thờ Sê-sa Au-gút-tơ, từng được gọi là “trung tâm chính của sự thờ phượng hoàng đế trong đế quốc thời ban đầu”.—Bách khoa tự điển Anh Quốc (Anh ngữ), 1959, tập 17, trang 507.
18 Ở Bẹt-găm, có một bàn thờ dành cho thần Giu-bi-tê. Thành này cũng là nơi mà Ma-quỉ xúi giục người ta thần thánh hóa loài người. Không lạ gì khi hội thánh ở đó được nói là ở nơi có “ngôi của quỉ Sa-tan”! Đối với người ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, việc từ chối thờ hoàng đế có thể đưa đến hậu quả là bị tử hình. Thế gian vẫn còn nằm dưới quyền của Ma-quỉ, các biểu tượng quốc gia hiện đang được thần tượng hóa. (1 Giăng 5:19) Từ thế kỷ thứ nhất đến ngày nay, nhiều tín đồ Đấng Christ trung thành đã tử vì đạo, giống như một người mà Đấng Christ gọi là “An-ti-ba, kẻ làm chứng trung-thành của ta đã bị giết nơi các ngươi”. Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ chắc chắn nhớ đến những tôi tớ trung thành như thế.—1 Giăng 5:21.
19. Ba-la-am đã làm gì, và mọi tín đồ Đấng Christ phải đề phòng điều gì?
19 Đấng Christ cũng nói đến “đạo Ba-la-am”. Vì tham lam vật chất, tiên tri giả Ba-la-am cố rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Khi Đức Chúa Trời biến lời rủa sả thành lời chúc phước, Ba-la-am đã cộng tác với Vua Ba-lác của Mô-áp dụ dỗ nhiều người Y-sơ-ra-ên thờ hình tượng và phạm tình dục vô luân. Các trưởng lão đạo Đấng Christ cần kiên quyết bênh vực sự công bình như Phi-nê-a, là người đã hành động chống lại những điều Ba-la-am làm. (Dân-số Ký 22:1-25:15; 2 Phi-e-rơ 2:15, 16; Giu-đe 11) Thật vậy, mọi tín đồ Đấng Christ phải đề phòng việc thờ hình tượng và việc tình dục vô luân xâm nhập vào hội thánh.—Giu-đe 3, 4.
20. Nếu bất cứ tín đồ Đấng Christ nào bắt đầu nuôi dưỡng quan điểm bội đạo, người đó nên làm gì?
20 Hội thánh Bẹt-găm ở trong tình trạng rất nguy hiểm vì đã dung túng “những kẻ theo đạo Ni-cô-la” ở trong hội thánh. Đấng Christ bảo hội thánh: “Hãy ăn-năn đi, bằng chẳng, ta sẽ đến mau-kíp cùng ngươi, lấy thanh gươm ở miệng ta mà giao-chiến cùng chúng nó”. Những kẻ theo bè phái muốn làm hại tín đồ Đấng Christ về thiêng liêng, và những kẻ quyết tâm gây chia rẽ và bè phái sẽ không được hưởng Nước Đức Chúa Trời. (Rô-ma 16:17, 18; 1 Cô-rinh-tô 1:10; Ga-la-ti 5:19-21) Nếu bất cứ tín đồ Đấng Christ nào bắt đầu nuôi dưỡng quan điểm bội đạo và muốn truyền bá ra, người đó phải nghe lời cảnh cáo của Đấng Christ! Để cứu mình khỏi thảm họa, người đó phải ăn năn và tìm kiếm sự giúp đỡ về thiêng liêng nơi các trưởng lão trong hội thánh. (Gia-cơ 5:13-18) Cần phải hành động ngay, vì Chúa Giê-su đang mau chóng đến để thi hành sự phán xét.
21, 22. Ai được ăn “ma-na đương giấu-kín”, và điều này tượng trưng cho điều gì?
21 Tín đồ Đấng Christ được xức dầu và các bạn đồng hành trung thành của họ không phải sợ sự phán xét sắp tới. Ân phước đang chờ đón tất cả những ai vâng theo lời khuyên Chúa Giê-su ban cho dưới sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, những người xức dầu chiến thắng thế gian sẽ được mời ăn “ma-na đương giấu-kín” và được ban cho “hòn sỏi trắng” mang “một tên mới”.
22 Đức Chúa Trời đã cung cấp ma-na để nuôi dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc hành trình 40 năm trong đồng vắng. Một ít “bánh” đó được giữ trong một cái bình bằng vàng bên trong hòm giao ước, và vì vậy được giấu kín trong đền tạm tại nơi Chí Thánh, là nơi có ánh sáng lạ lùng tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:14, 15, 23, 26, 33; 26:34; Hê-bơ-rơ 9:3, 4) Không ai được phép ăn ma-na giấu kín đó. Tuy nhiên khi được sống lại, các môn đồ xức dầu của Chúa Giê-su sẽ nhận được sự bất tử, tượng trưng bởi việc ăn “ma-na đương giấu-kín”.—1 Cô-rinh-tô 15:53-57.
23. “Hòn sỏi trắng” và “tên mới” có ý nghĩa gì?
23 Trong các tòa án La Mã, hòn sỏi đen tượng trưng bị kết án, trong khi hòn sỏi trắng tượng trưng được tha bổng. Việc Chúa Giê-su ban “hòn sỏi trắng” cho những tín đồ xức dầu chiến thắng cho thấy ngài xem họ là vô tội, tinh khiết và trong sạch. Vì người La Mã cũng dùng hòn sỏi để được vào dự những cuộc thi thể thao hoặc giải trí nên “hòn sỏi trắng” có thể chỉ việc tín đồ xức dầu được phép vào một nơi ở trên trời chỗ có tiệc cưới của Chiên Con. (Khải-huyền 19:7-9) “Tên mới” dường như có nghĩa là vinh dự được hợp nhất với Chúa Giê-su với tư cách những người đồng thừa kế Nước Trời. Đối với những tín đồ xức dầu cũng như những người cộng tác với họ trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va, tức những người có hy vọng sống trong địa đàng, thì tất cả những điều này đem lại sự khích lệ biết bao!
24. Chúng ta phải có lập trường nào về sự bội đạo?
24 Nên nhớ là hội thánh Bẹt-găm bị lâm nguy bởi những kẻ bội đạo. Nếu một tình trạng tương tự đe dọa sự an toàn về thiêng liêng của hội thánh chúng ta đang kết hợp, chúng ta hãy triệt để bác bỏ sự bội đạo và tiếp tục làm theo lẽ thật. (Giăng 8:32, 44; 3 Giăng 4) Vì những thầy giáo giả hay những kẻ có khuynh hướng bội đạo có thể làm hư hỏng toàn thể hội thánh, chúng ta phải giữ vững lập trường chống lại sự bội đạo, không bao giờ để cho sự xui giục xảo quyệt ngăn cản chúng ta vâng theo lẽ thật.—Ga-la-ti 5:7-12; 2 Giăng 8-11.
25. Thông điệp của Đấng Christ gửi cho những hội thánh nào sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp?
25 Chúng ta vừa xem xét những lời khen ngợi và khuyên bảo mà Chúa Giê-su vinh hiển nói với ba trong bảy hội thánh ở Tiểu Á. Những lời ấy thật hàm súc biết bao! Tuy nhiên, được thánh linh hướng dẫn, ngài cũng có nhiều điều để nói với bốn hội thánh còn lại. Những thông điệp này, gửi cho Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê, sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.
Bạn trả lời thế nào?
• Tại sao chúng ta phải chú ý đến những lời Đấng Christ nói với các hội thánh?
• Làm sao chúng ta có thể giúp nhen lại lòng yêu mến ban đầu của một hội thánh?
• Tại sao có thể nói rằng những tín đồ Đấng Christ nghèo trong hội thánh Si-miệc-nơ xưa thật sự giàu có?
• Suy ngẫm về tình trạng của hội thánh ở Bẹt-găm, chúng ta nên xem ý tưởng bội đạo như thế nào?
[Bản đồ nơi trang 10]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
HY LẠP
TIỂU Á
Ê-phê-sô
Si-miệc-nơ
Bẹt-găm
Thi-a-ti-rơ
Sạt-đe
Phi-la-đen-phi
Lao-đi-xê
[Hình nơi trang 12]
Đám đông “vô-số người” sẽ được hưởng địa đàng
[Các hình nơi trang 13]
Tín đồ Đấng Christ bị bắt bớ là những người chiến thắng thế gian