“Không hổ thẹn về tin mừng”
“Thật vậy, tôi không hổ-thẹn về [tin mừng] đâu, vì quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (RÔ-MA 1:16).
1. Người ta đón nhận tin mừng như thế nào, nhưng những người thiếu đức tin xem tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ra sao?
TIN MỪNG đối với người này có thể không là tin mừng đối với một người khác. Thường thì người ta tiếp rước nồng nhiệt người mang tin mừng, và nóng lòng muốn biết tin mừng đem lại cho mình chứa đựng điều gì. Tuy nhiên, Kinh-thánh tiên tri về việc những người thiếu đức tin sẽ không thích nghe nói đến tin mừng về Nước Đức Chúa Trời và thông điệp về sự cứu chuộc. (So sánh II Cô-rinh-tô 2:15, 16).
2. Phao-lô nói gì về tin mừng mà ông rao truyền, và tại sao thông điệp mà ông rao truyền khi xưa vẫn còn là tin mừng thời nay?
2 Sứ đồ Phao-lô là một người được phái đi rao giảng tin mừng cho công chúng. Ông nghĩ sao về sứ mạng này? Ông nói: “Tôi... sẵn lòng rao [tin mừng] cho anh em, là người ở thành Rô-ma. Thật vậy, tôi không hổ-thẹn về [tin mừng]” (Rô-ma 1:15, 16). Để tin mừng có thể vẫn còn là tin mừng ngày nay, gần 2.000 năm sau khi Phao-lô viết cho tín đồ đấng Christ thời xưa ở thành Rô-ma, thì tin mừng đó phải là tin mừng lâu dài. Thật thế, đó là “[tin mừng] đời đời” (Khải-huyền 14:6).
3, 4. Tại sao Phao-lô nói là ông không hổ thẹn về tin mừng?
3 Tại sao sứ đồ Phao-lô nói ông không hổ thẹn về tin mừng? Tại sao ông đã có thể hổ thẹn được? Bởi đó không phải là một thông điệp được ưa chuộng, vì liên can đến một người bị đóng đinh trên một cây khổ hình như thể một người phạm tội bị khinh miệt, quả thật dưới mắt thiên hạ thì là một chuyện rất xấu. Suốt ba năm rưỡi người đó đã đi lên đi xuống miền Pha-lê-tin rao giảng tin mừng và bị người Do-thái chống đối dữ dội, đặc biệt các lãnh tụ tôn giáo. Và bây giờ Phao-lô mang danh môn đồ của chính người bị khinh miệt đó, cũng bị chống đối giống vậy (Ma-thi-ơ 9:35; Giăng 11:46-48, 53; Công-vụ các Sứ-đồ 9:15, 20, 23).
4 Vì cớ sự chống đối dường ấy, Phao-lô và anh em cùng là môn đồ của Giê-su Christ đã có thể xem đó như là một điều đáng bị hổ thẹn. Thật thế, bây giờ Phao-lô ủng hộ cái mà trước kia chính ông xem như là đáng hổ thẹn. Chính ông đã tham gia vào việc gây sỉ nhục cho môn đồ của Giê-su Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 26:9-11). Nhưng bây giờ ông đã ngưng làm thế. Kết quả là ông cùng những người khác đã trở thành tín đồ đấng Christ, chịu sự bắt bớ dữ tợn (Công-vụ các Sứ-đồ 11:26).
5. Phao-lô giải thích thế nào lời tuyên bố rằng ông không hổ thẹn về tin mừng?
5 Nếu một người tự cảm thấy hổ thẹn làm môn đồ của Giê-su Christ thì người đó hẳn đang nhìn theo quan điểm của loài người. Sứ đồ Phao-lô không giống vậy. Thay vì thế, để giải thích rằng ông không cảm thấy hổ thẹn về tin mừng mà ông rao giảng, ông nói: “Thật vậy,... [tin mừng]... là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). Quyền phép Đức Chúa Trời không phải là cớ để hổ thẹn nếu hoạt động qua môn đồ của Giê-su, nhằm thực hiện ý định đáng ngợi khen của Đức Chúa Trời vinh hiển được chính Giê-su Christ thờ phượng và ngợi khen. (So Sánh I Cô-rinh-tô 1:18; 9:22, 23).
Tin mừng được rao giảng khắp đất
6, 7. a) Nhân-chứng Giê-hô-va cố gắng gánh vác cho tròn trách nhiệm nào, và với thành quả gì? b) Dù chúng ta không bao giờ muốn để cho sự sợ hãi ngăn cản chúng ta rao giảng làm chứng, đôi khi cần phải làm gì? (Xem phụ chú).
6 Giống như Phao-lô, các Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va ngày nay là môn đồ của Con vinh hiển Ngài là Giê-su Christ. Đức Giê-hô-va đã phó thác cho các Nhân-chứng này của Ngài kho tàng chứa đựng “[tin mừng] vinh-hiển” (I Ti-mô-thê 1:11). Nhân-chứng Giê-hô-va xứng đáng gánh vác trách nhiệm nặng nề này, và họ được khuyên không nên lấy đó làm hổ thẹn (II Ti-mô-thê 1:8). Việc trọng yếu là đừng bao giờ để cho sự sợ hãi ngăn cản chúng ta rao giảng làm chứng và tự nhận diện mình là Nhân-chứng Giê-hô-va.a
7 Thành quả của việc làm chứng dạn dĩ và không sợ sệt như thế là sự kiện danh Đức Chúa Trời Chí Cao được rao truyền ra trên khắp đất và tin mừng về Nước Ngài được rao giảng trên bình diện thế giới. Con của Đức Chúa Trời nói: “[Tin mừng] nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”, và không bao giờ lời tiên tri này của ngài có thể bị thất bại (Ma-thi-ơ 24:14). Tin mừng hiện đang được rao giảng trên hơn 210 nước, và công việc rao giảng này chưa làm xong. Không hổ thẹn về tin mừng và đối phó với tương lai, lòng đầy can đảm, chúng ta cầu nguyện như các môn đồ sốt sắng của Giê-su Christ trong thế kỷ thứ nhất: “Nầy, xin Chúa [Đức Giê-hô-va]... ban cho các đầy-tớ Ngài rao-giảng đạo Ngài một cách dạn-dĩ” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:29).
8. Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va không nên chán nản trước sự chống đối của tất cả các nước trên đất?
8 Dù có xảy ra thật là Nhân-chứng Giê-hô-va bị ghét và bị bắt bớ trong tất cả các nước trên đất, có lời nói trước rằng đó là dấu hiệu để nhận ra những người thờ phượng chân thật của Đức Chúa Trời có một và thật (Giăng 15:20, 21; II Ti-mô-thê 3:12). Vậy thay vì chán nản và mỏi mệt vì bị ghét và bị chống đối, những người rao giảng về tin mừng được cam kết rằng Đức Chúa Trời chấp nhận họ và cho phép ở trong tổ chức của Đức Giê-hô-va là Đấng Bá chủ hoàn vũ.
9. Tại sao không hề gì nếu cả thế gian chống lại chúng ta?
9 Đừng bao giờ quên điều này: Chúng ta có sự trợ giúp của Đức Chúa Trời Chí Cao của toàn thể vũ trụ. Vậy có hề gì không nếu thế gian với tất cả các giáo phái và đảng phái chính trị đều chống chúng ta? Con một của Đức Chúa Trời xưa kia đã bị cả thế gian chống lại, và chúng ta không thấy hổ thẹn khi ở trong cùng cảnh ngộ. Ngài nói với các sứ đồ: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế-gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi” (Giăng 15:18, 19).
10. Phần lớn các cuộc bắt bớ liên hệ đến các Nhân-chứng bắt nguồn từ đâu, và tại sao họ không lấy đó làm hổ thẹn?
10 Vậy thì Nhân-chứng Giê-hô-va đã chịu đựng sự bắt bớ khắp thế giới nhưng nhất là trong những nước có phần đông dân tự xưng theo đạo đấng Christ. Những sự bắt bớ ấy về phía các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ không chứng tỏ rằng các Nhân-chứng không phải là tín đồ thật của đấng Christ. Thay vì thế, việc này chứng minh cho việc họ nói mình là tín đồ thật của đấng Christ, là Nhân-chứng cho Đức Chúa Trời và Cha của Giê-su Christ tức là Đức Giê-hô-va. Bởi lẽ họ là Nhân-chứng của Đức Chúa Trời, họ không hổ thẹn khi bị bắt bớ vì lý do tôn giáo thể ấy. Do đó, lời khuyên nhủ của sứ đồ Phao-lô cho các tín đồ trong thế kỷ thứ nhất là đừng hổ thẹn cũng áp dụng thích đánh cho Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay (Phi-líp 1:27-29).
Tin mừng tốt nhất có thể được rao báo
11. Bằng cách lấy danh hiệu Nhân-chứng Giê-hô-va, tại sao chúng ta không ngưng làm môn đồ của Giê-su Christ?
11 Nhân-chứng Giê-hô-va đã can đảm chấp nhận danh hiệu của họ để thực hiện lời hứa của Đức Giê-hô-va cho dân ở trong giao ước Ngài ghi nơi Ê-sai 43:10. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ không còn theo Giê-su Christ nữa. Giê-su là Lãnh tụ của họ, và là đấng đã đặt ra mẫu mực cho họ theo. Chính ngài là một nhân-chứng của Đức Giê-hô-va. Thật thế, ngài là Nhân-chứng số một của Đức Giê-hô-va (I Ti-mô-thê 6:13; Khải-huyền 1:5).
12. Nhân-chứng Giê-hô-va rao giảng tin tức loại nào trên khắp thế giới, và tại sao?
12 Thông điệp do Nhân-chứng Giê-hô-va rao giảng trên khắp thế giới là tin mừng tốt nhất đã từng có thể được rao báo. Không chính phủ nào có thể tốt hơn đối với nhân loại bằng Nước Trời do đấng Mê-si mà Đức Giê-hô-va đã thành lập để cai trị trên thế gian nhân loại, mà Ngài đã phái Con một Ngài xuống để cứu chuộc (Ê-sai 9:5, 6). Dân cư trên đất đang được công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời cho họ có cơ hội chấp nhận tin mừng đó và tỏ ra xứng đáng với sự ban cho về sự sống đời đời làm người hoàn toàn trên đất trở thành địa-đàng.
13. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng chính phủ Nước Trời do đấng Mê-si sẽ là chính phủ tốt nhất, và Nhân-chứng Giê-hô-va không hổ thẹn mà kêu gọi người ta nên làm gì?
13 Chắc chắn nếu Giê-su xưa kia sẵn lòng gánh chịu một sự chết kinh khủng để cứu chuộc những người trở thành thần dân của ngài thì ngài phải tin chắc sẽ đem lại cho họ chính phủ tốt nhất có thể được. Chúng tôi kêu gọi mỗi tạo vật làm người trên đất: Hãy trở nên một thần dân trung thành, biết phục tùng chính phủ đó. Chúng tôi không hổ thẹn về chính phủ đó mà chúng tôi chân thành kêu gọi toàn thể nhân loại lưu ý. Chúng ta không thối lui mà cứ tiếp tục rao giảng về Nước Trời, dù làm thế chúng ta có thể bị bắt bớ. Giống như sứ đồ Phao-lô, mỗi người trong chúng ta nói: “Tôi không hổ-thẹn về [tin mừng] đâu”.
14. Giê-su đã nói trước công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời sẽ diễn ra đến mức nào thời nay?
14 Giê-su đã tiên tri rằng công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời sẽ diễn ra trên bình diện thế giới, và lời tiên tri bao quát, toàn diện này thật thích hợp cho một thông điệp thể ấy (Mác 13:10). Ngài đã không ngần ngại nói cho biết trước công việc rao giảng về Nước của Đức Giê-hô-va đến tận cùng trái đất—đúng, đến nơi xa xôi nhất (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Giê-su biết bất cứ nơi nào có thể tìm ra người nghe thì môn đồ ngài sẽ làm các cố gắng chân thành để mang tin mừng về Nước Trời đến cho họ.
15, 16. a) Ai đáng được nghe nói đến tin mừng? b) Tại sao công việc rao giảng sẽ được thực hiện bất kể sự bắt bớ của tổ chức thuộc Ma-quỉ?
15 Ngày nay, dân số trái đất lên đến hàng tỷ người và sống khắp các lục địa và hải đảo chính của các đại dương. Tuy vậy, đối với Nhân-chứng Giê-hô-va thì không có nơi nào trên đất có người ở là quá xa đến nỗi họ không cố gắng đem tin mừng đến đó được. Toàn thể trái đất có người ở là bệ chân theo nghĩa bóng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Ê-sai 66:1). Các tạo vật làm người sống bất cứ vùng nào trên bệ chân Ngài đều xứng đáng nghe nói đến thông điệp về sự cứu chuộc.
16 Tin mừng ngày nay là tin đem lại hạnh phúc nói về một chính phủ có vua cai trị, đã được thành lập rồi trong tay của đấng Mê-si. Giê-su biết rằng bất kể sự bắt bớ hùng hổ nhất của tổ chức thuộc Ma-quỉ, thánh linh Đức Chúa Trời sẽ thúc đẩy các môn đồ thật của đấng Mê-si đi đến ranh giới chót hầu cho “[tin mừng] nầy về nước Đức Chúa Trời” nay đã được thành lập có thể “được giảng ra khắp đất [có người ở]” (Ma-thi-ơ 24:14).
Không hổ thẹn về Giê-su Christ và Đức Giê-hô-va
17. a) Những người thờ phượng thật không hổ thẹn về gì? b) Giê-su đặt ra luật nào nơi Mác 8:38, và điều này có nghĩa gì?
17 Đức Chúa Trời Chí Cao không ngần ngại tự đặt cho mình một danh xưng là Giê-hô-va; những người trung thành thờ phượng Ngài cũng không nên hổ thẹn về danh đó. Những người thờ phượng thật sung sướng được thiên hạ biết và nhận ra rằng họ là những người thờ phượng Ngài cách chuyên độc và vâng lời Ngài. Nơi Mác 8:38 Giê-su đặt ra luật hay nguyên tắc này liên quan đến chính ngài: “Vì giữa dòng-dõi gian-dâm tội-lỗi nầy, hễ ai hổ-thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ-thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh-hiển của Cha mà đến với các thiên-sứ thánh”. Cũng thế, hễ ai hổ thẹn về Đức Chúa Trời và Cha của Chúa Giê-su Christ thì Đức Giê-hô-va lấy làm phải mà hổ thẹn về kẻ ấy. Và bất cứ tạo vật mà Đức Giê-hô-va thấy hổ thẹn vì hành vi bất trung của kẻ đó thì y không xứng đáng hiện hữu trong bất cứ nơi nào thuộc lãnh vực hoặc trên trời hoặc dưới đất của Đức Chúa Trời (Lu-ca 9:26).
18. a) Tại sao chúng ta nên in sâu vào lòng và trí những lời của Giê-su nơi Ma-thi-ơ 10:32, 33? b) Chuyện gì xảy ra cho những kẻ chối bỏ Giê-su và Đức Giê-hô-va vì sợ loài người? (Cho thí dụ dựa trên phụ chú).
18 Chúng ta hãy để cho những lời sau đây của Giê-su Christ in sâu vào trong lòng và trí chúng ta: “Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên-hạ, thì ta cũng xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; còn ai chối ta trước mặt thiên-hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 10:32, 33; Lu-ca 12:8, 9). Dựa trên cùng căn bản này, bất cứ ai chối bỏ Đức Chúa Trời và Cha của Chúa Giê-su Christ thì sẽ bị Ngài chối bỏ lại. Kẻ đó sẽ không được kể là xứng đáng làm người trong nhà của Đức Chúa Trời trong đó Giê-su Christ là Con trưởng. Do đó y sẽ bị hủy diệt đến kỳ Đức Chúa Trời đã định trước.b
19, 20. a) Tại sao những người đã cầu nguyện cho danh Đức Giê-hô-va được thánh sẽ không có gì để hổ thẹn? b) Những người không sợ hãi rao giảng về Nước Trời đã thực hiện được gì, và với sự ủng hộ nào?
19 Lời cầu nguyện mẫu mà Giê-su đã dạy cho các môn đồ sẽ được nhậm lời: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Khi điều đó xảy ra thì các môn đồ yêu thương của Giê-su sẽ không có gì để hổ thẹn. Danh Đức Giê-hô-va sẽ được sùng kính, tôn thánh, bởi không chỉ hằng triệu người hiện đang sống và sẽ không bao giờ cần phải chết, nhưng cũng bởi hằng tỷ người trong vòng nhân loại sẽ nghe tiếng Giê-su mà ra khỏi mồ mả trong triều đại trị vì Một Ngàn Năm của ngài. Họ sẽ có cơ hội sống đời đời trong địa-đàng trên đất.
20 Không hổ thẹn, những người không sợ sệt rao giảng tin mừng này về Nước Trời đã có thể thực hiện một sự làm chứng toàn diện bất kể sự chống đối khắp thế giới vì họ có quyền lực siêu nhân yểm trợ phía sau họ—sự ủng hộ của các thiên sứ trên trời. Bởi vậy, Nhân-chứng Giê-hô-va “kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài” (Khải-huyền 14:6, 7).
Không hổ thẹn mà kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài
21. Nhân-chứng Giê-hô-va đã không hổ thẹn mà làm gì, và với kết quả nào?
21 Nhân-chứng Giê-hô-va đã chứng tỏ họ không hổ thẹn mà kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài, ngay cả dùng đến danh xưng riêng của chính Ngài là Đức Giê-hô-va. Điều này đã đem lại kết quả là các ân phước vô tả dành cho họ. Những ân phước này đã đến với hình thức sự ứng nghiệm trung tín của các lời hứa của Đức Chúa Trời Chí Cao. Thật là một sự biện minh cao cả thay cho Ngài như là Đức Chúa Trời hằng sống và có một, Đấng Bá chủ hoàn vũ!
22. Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ đương đầu với sự bắt bớ hiểm độc, nhưng họ sẽ biết được niềm vui nào?
22 Trong tương lai sắp đến các chính phủ đời này sẽ quay lại chống các thẩm quyền tôn giáo và dẹp tan chúng hết thảy—kể cả giáo hội tự xưng theo đấng Christ (Khải-huyền 17:16, 17). Thành thử ra Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ đương đầu với một giai đoạn bị bắt bớ hiểm độc bởi tay các phần tử thế gian. Họ sẽ không đủ sức chịu đựng và sống sót nếu Đức Chúa Trời đời đời không ở cùng họ. Nhưng Ngài ở cùng họ, và như vậy họ sẽ vui sướng chứng kiến cảnh tất cả những kẻ nghịch chống lại đấng Christ, chống lại Đức Giê-hô-va bị đánh tan bởi Đức Chúa Trời, Đấng mà các Nhân-chứng Giê-hô-va thờ phượng một cách thật trung thành. Họ sẽ không chịu khổ vì hổ thẹn bởi bị vạch trần và bị hủy diệt với tư cách kẻ nghịch của chế độ thần quyền thật, nhưng sẽ hưởng được niềm vui vô tả khi hát cho Đức Giê-hô-va: “Từ trước vô-cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 90:2).
23. Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va không có gì để hổ thẹn, và kết quả là gì?
23 Họ sẽ tự hào về Đức Chúa Trời là Cha của Giê-su Christ, đấng nhờ đó mà gia đình nhân loại được chuộc lại để hưởng sự sống đời đời làm người hoàn toàn và hạnh phúc trong địa-đàng trên đất. Quả thật, Đức Giê-hô-va đã tỏ ra là một Đức Chúa Trời quyền năng làm sao qua trung gian của Giê-su Christ! Thật Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ một cách tốt đẹp làm sao, rằng Ngài đã dùng quyền năng Ngài một cách đầy yêu thương chứ không lạm quyền đó! Vì thế mà chúng ta không có gì để hổ thẹn liên quan đến Ngài và Con một của Ngài là Giê-su Christ! Chúng ta không hổ thẹn làm người rao giảng tin mừng vinh hiển, tin mừng biểu dương quyền lực toàn chiến toàn thắng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua trung gian Giê-su Christ là đấng đã từng nói trong giờ phút cuối trong đời sống của ngài trên đất: “Hãy cứ vững lòng ta đã thắng thế-gian rồi!” (Giăng 16:33). Khi làm theo chiều hướng này, chúng ta hãy luôn luôn noi gương sứ đồ Phao-lô là người đã không bao giờ hổ thẹn về tin mừng. Bởi thế Đức Chúa Trời Toàn năng sẽ không hổ thẹn về chúng ta.
[Chú thích]
a Dù không muốn hổ thẹn mà che giấu sự kiện chúng ta là Nhân-chứng, có khi chúng ta phải “khôn-ngoan như rắn” (Ma-thi-ơ 10:16). Các Nhân-chứng thời Đức Quốc xã biết rằng có khi nên tự nhận diện, có khi lại không nên làm thế. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 9:23-25).
b Nhiều lần có những kẻ chối bỏ Giê-su và Đức Giê-hô-va vì sợ loài người để rồi cũng không được thế gian này trọng vọng chút nào. Để thí dụ, hãy đọc Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 1-5-1989, trang 12; Niên giám 1982 (Anh-ngữ) trang 168; Niên giám 1977 (Anh-ngữ) trang 174-176; Niên giám 1974 (Anh-ngữ) trang 149, 150, 177, 178. Mặt khác, ngay đến những kẻ nhất định chống đối tin mừng tiên đoán trước là các Nhân-chứng sẽ không chối bỏ Giê-su và Đức Giê-hô-va (Niên giám 1989 [Anh-ngữ], trang 116-118). Cũng đọc Ma-thi-ơ 10:39 và Lu-ca 12:4.
Câu hỏi tóm lược
◻ Giống như sứ đồ Phao-lô, chúng ta nên có thái độ nào đối với việc rao truyền tin mừng, và tại sao?
◻ Tại sao thông điệp mà Nhân-chứng Giê-hô-va rao giảng là tin mừng tốt nhất hơn bao giờ hết?
◻ Giê-su đã ra lời cảnh giác nào cho bất cứ ai hổ thẹn về ngài, khi ngài đến trong sự vinh hiển của Nước Trời?
◻ Chuyện gì xảy ra cho những kẻ chối bỏ Giê-su và Đức Giê-hô-va?
◻ Những người rao giảng tin mừng đã có thể thực hiện gì mà không hổ thẹn, và tại sao?