“Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời và tôn-vinh Ngài”
“Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài” (KHẢI-HUYỀN 14:7).
1. Chúng ta nên sợ ai, và không nên sợ ai?
CHÚNG TA NÊN SỢ AI? Chắc chắn không phải sợ con rồng màu đỏ lửa Sa-tan và bè lũ quỉ sứ của hắn! Giê-su Christ đã ném chúng khỏi trời sau khi Nước Trời được thành lập năm 1914. Nhưng các sự hiện thấy nơi sách Khải-huyền kế đến tiết lộ về tổ chức mà Sa-tan dùng trên đất trong sự cố gắng cuối cùng nhằm phá rối ý định của Đức Chúa Trời. Nổi bật nhất trong khung cảnh này có hai con thú dữ dằn và một dâm phụ say rượu—Ba-by-lôn Lớn. Chúng ta nên sợ những kẻ này không? Không đâu! Thay vì thế, chúng ta nên sợ Đức Giê-hô-va và đấng Christ của Ngài, vì Nước Trời nay đã đưa thế gian bại hoại của Sa-tan ra xét xử quyết liệt (Châm-ngôn 1:7; Ma-thi-ơ 10:28; Khải-huyền 12:9-12).
Các con thú phạm thượng
2. Trong sự hiện thấy thứ tám có con thú dữ nào hiện ra, và tượng trưng cho gì?
2 Khi sự hiện thấy thứ tám của sách Khải-huyền mở màn, một con thú dữ vương lên từ dưới biển hỗn loạn tức nhân loại. Nó có bảy đầu và mười sừng gắn đầy vương niệm, có nghĩa Sa-tan ban cho nó quyền làm vua. Nó nói phạm đến Đức Giê-hô-va, cắn xé các tôi tớ của Ngài như con beo, con gấu, hoặc con sư tử cắn xé vậy; nhưng quyền của nó chỉ tạm bợ, bởi vì đến từ con rồng Sa-tan và nó giống hắn lắm. Nhà tiên tri Đa-ni-ên trước đó đã miêu tả các chính phủ chính trị trên đất như những con thú, và chính các chính phủ thường chọn thú rừng làm biểu tượng cho quốc gia của họ, như nước Anh chọn con sư tử và nước Mỹ chọn chim đại bàng (Đa-ni-ên 8:5-8, 20-22). Tuy vậy, bây giờ chúng ta thấy một con thú tổng hợp bao gồm tất cả các cương quốc chính trị được lịch sử Kinh-thánh nói đến mà đã rất thường đàn áp các tôi tớ thật của Đức Chúa Trời trên đất. Những cái “đầu” nổi bật nhất trong số đó là các cường quốc Ê-díp-tô (Ai-cập), A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, Gờ-réc (Hy-lạp), La-mã và cuối cùng là Cường quốc đôi Anh-Mỹ (Khải-huyền 13:1, 2; 12:3, 7-9).
3. a) Một trong những cái đầu của con thú dữ “bị thương bằng gươm” thế nào? b) Con thú có hai sừng dẫn đầu thế nào trong việc tạc tượng cho con thú dữ thứ nhất? c) Con thú dữ thứ nhất tên gì và tên đó có nghĩa gì?
3 Trong thế chiến 1914-18 cường quốc thế giới thứ bảy là nước Anh đã “bị thương bằng gươm” có thể làm cho chết luôn. Nhưng nước Hoa-kỳ đến giải cứu. Từ đó về sau Mỹ và Anh hợp tác thành một cường quốc đôi được Giăng miêu tả tiếp như một con thú dữ có hai sừng từ “đất” vương lên theo nghĩa từ phần của xã hội loài người được thiết lập từ trước. Con thú hai sừng này dẫn đầu trong việc tạc tượng cho con thú dữ thứ nhất và hà hơi sống lên trên nó, có nghĩa Cường quốc đôi Anh-mỹ trở thành kẻ bảo trợ và ủng hộ đắc lực cho cả Hội Quốc Liên lẫn Liên Hiệp Quốc là tổ chức nối vị sau đó. Con thú dữ thứ nhất có một cái tên bằng số là 666. Số sáu là một số bất toàn—thua kém số bảy theo Kinh-thánh là một số nói lên sự hoàn toàn—vậy thì nâng số sáu lên đến hàng trăm gợi lên ý tưởng về sự bất toàn của các nhà cầm quyền gây khốn khổ cho nhân loại ngày nay. Dù Nhân-chứng Giê-hô-va kính trọng chính quyền và làm gương tốt trong việc vâng phục luật pháp của nước họ sống, họ can đảm từ chối thờ phượng “con thú” hay ảnh tượng của nó (Khải-huyền 13:3-18; Rô-ma 13:1-7).
Tại sao kính sợ Đức Chúa Trời?
4. a) Trong sự hiện thấy có những ai đang đứng trên núi Si-ôn ở trên trời, và 24 trưởng lão trước ngai Đức Chúa Trời tượng trưng cho ai? b) Có sự khác biệt nào giữa “bài ca mới” do những người được xức dầu hát lên và “bài ca mới” do đám đông hát lên?
4 Nay hãy tạm rời các con thú đó! Sự hiện thấy thứ chín cho thấy một sự tương phản thích thú vì chú ý đến Chiên Con. Ngài đứng trên Núi Si-ôn với 144.000 người mà ngài đã chuộc từ giữa nhân loại như trái đầu mùa. Dù một số trong những người này vẫn còn phụng sự trên đất, hiểu theo nghĩa thiêng liêng toàn thể 144.000 người đã “tới gần núi Si-ôn, gần thành... Giê-ru-sa-lem trên trời” (Hê-bơ-rơ 12:22). Thích hợp thay, trong sự hiện thấy cũng có 24 trưởng lão trước ngai Đức Chúa Trời, vì họ tượng trưng cho cung một nhóm người được xức dầu theo một quan điểm khác—với tư cách những người đã được sống lại, lên ngôi vua và nhận chức thầy tế lễ rồi. 144.000 người hát “một bài ca mới”. Bài ca nói lên kinh nghiệm độc nhất của họ là được chuộc lại từ đất để trở thành những người thừa kế trong Nước Trời. Đám đông cũng “hát một bài ca mới cho Đức Giê-hô-va”, nhưng khác ở chỗ là bài ca nói lên triển vọng nhận được sự sống đời đời trong lãnh vực trên đất của Nước Trời (Khải-huyền 7:9; 14:1-5; Thi-thiên 96:1-10; Ma-thi-ơ 25:31-34).
5. a) Thiên sứ rao truyền tin tức nào ở giữa trời, và tại sao đó là tin mừng đời đời? b) Thiên sứ rao báo lớn tiếng mệnh lệnh nào, và tại sao thật hợp lý vậy?
5 Bây giờ cảnh tượng của sự hiện thấy nới rộng. Giăng thấy một thiên sứ khác bay giữa trời. Và thiên sứ này rao báo những ân phước lớn! Đó là tin mừng đời đời cho những người đến từ mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng nói và mọi dân tộc, họ vâng phục Đức Chúa Trời trong giờ phán xét này. Tương phản với các con thú khủng khiếp mà Giăng vừa mới miêu tả, tại sao lại không nên thờ phượng, đúng, tôn thờ Đức Chúa Trời huyền diệu này? Ngài là Đấng đã tạo ra trời và đất. Ngài là Cội nguồn của mọi vật hiện hữu, vật có tri giáo và vật vô tri. Vậy thật hợp lý là thiên sứ ra lệnh với giọng dõng dạc: “HÃY KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI”! Tiếng của thiên sứ vang rền khắp nơi trên đất, và các Nhân-chứng Giê-hô-va dùng khoảng 200 thứ tiếng để nhắc lại lời kêu gọi nồng nhiệt của thiên sứ cho toàn thể nhân loại (Khải-huyền 14:6, 7; Ê-sai 45:11, 12, 18).
Ba-by-lôn Lớn sụp đổ
6. Một thiên sứ khác rao truyền tin tức nào đáng gây sửng sốt?
6 Một thiên sứ khác xuất hiện. Thông điệp mà thiên sứ rao truyền thật đáng gây sửng sốt: “Ba-by-lôn lớn kia, đã đổ rồi, đã đổ rồi, vì nó có cho các dân-tộc uống rượu tà-dâm thạnh-nộ của nó” (Khải-huyền 14:8). Ba-by-lôn Lớn là “ai” mà lại có thể quyến rũ ngay cả các nước và cho chúng uống rượu say?
7. Ba-by-lôn Lớn là gì, và phát triển thế nào?
7 Thành Ba-by-lôn xưa là nơi xuất phát tôn giáo giả sau này lan rộng trên khắp đất đến độ trở thành một đế quốc thế giới dưới quyền của ma quỉ và mang danh thích hợp là “Ba-by-lôn Lớn”. Theo giòng thời gian, cường quốc La-mã trở nên một kẻ dẫn đầu trong đế quốc tôn giáo đó, vì Giáo hội bội đạo tự xưng theo đấng Christ đã phát triển dưới thời cai trị của La-mã. Thành Rô-ma ngày nay tiếp tục là trung tâm thế giới của tôn giáo gốc Ba-by-lôn. Điều này thấy rõ năm 1986 khi các lãnh tụ tôn giáo thế giới hưởng ứng lời kêu gọi của giáo hoàng Rô-ma bằng cách họp mặt với ông tại Assisi gần thành phố Rô-ma để cầu nguyện cho Năm Quốc tế Hòa bình do Liên Hiệp Quốc hô hào.
8. a) Ba-by-lôn Lớn bị sụp đổ một cách nặng nề thế nào, và kể từ khi nào người ta thấy rõ điều này? b) Điều gì cho thấy những lời cầu nguyện của các lãnh tụ tôn giáo để có hòa bình tỏ ra vô hiệu?
8 Tuy nhiên, Ba-by-lôn Lớn đã bị sụp đổ một cách thê thảm! Ta thấy rõ điều này vì kể từ năm 1919 sự ủng hộ dành cho tôn giáo giả trên thế giới đã giảm thiểu. Chủ nghĩa cộng sản vô thần hiện kiểm soát những vùng rộng lớn trên đất. Giới trẻ ngày nay được dạy cho học thuyết tiến hóa đi ngược lại Lời Đức Chúa Trời. Tại các nước Âu Châu theo đạo Tin lành không mấy ai đi dự giáo lễ nhà thờ nữa, và người ta thấy một ông giáo hoàng lưu động đang cố gắng giữ cho đế quốc Công giáo khỏi bị tan vỡ. Hiển nhiên những lời cầu nguyện cho nhiều thần thánh này nọ của thế gian không có hiệu nghiệm. Bà Ruth L. Sivard tường trình: “Năm 1987 chứng kiến 22 cuộc chiến tranh tiếp diễn, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đây trong lịch sử. Tổng số người chết trong các cuộc chiến đó tính đến nay ít lắm là 2.200.000—và còn gia tăng nhanh chóng”a. Quả thật cuộc hội họp để cầu nguyện tại Assisi vô hiệu làm sao! Thế mà năm 1987 ông giáo hoàng lại đánh dấu ngày lễ kỷ niệm đúng một năm sau cuộc hội họp đó bằng cách sản xuất một huy chương một mặt có khắc hình ông ta và mặt kia có khắc hình biểu tượng của cuộc hội họp nọ để cầu nguyện. Người ta cứ nói mãi: “Bình-an! bình-an! mà không có bình-an chi hết” (Giê-rê-mi 6:14)
Phô bày sự dâm loạn của Ba-by-lôn
9. Các giới chúc giáo phẩm của Ba-by-lôn Lớn đã trở nên nổi tiếng vì những sự dâm dật bậy bạ như thế nào?
9 Khải-huyền 14:8 cho thấy Ba-by-lôn Lớn là một đàn bà tà dâm. Các giới chức giáo phẩm của nó được nổi tiếng nhiều vì các đường lối dâm dật bậy bạ. Những nhà truyền bá Phúc-âm trên đài truyền hình đã vơ vét cả triệu đô-la nơi các giáo dân, đồng thời phạm tội vô luân một cách lộ liễu. Giới linh mục Công giáo cũng bị dính líu nhiều, như bản phóng sự sau đây in trong một tờ báo tại Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania (báo The Beacon Journal), số ra ngày 3-1-1988 cho thấy: “Các bậc cha mẹ, những nhà tâm lý học, sĩ quan cảnh sát và luật sư liên can đến các vụ kiện nói rằng hằng trăm trẻ em bị các linh mục Công giáo dở trò dâm dục tại Hoa-kỳ trong năm năm vừa qua đã bị tổn thương về tình cảm”. Tình dục vô luân đã làm mất phẩm giá của nhiều người trong giới chức giáo phẩm của Ba-by-lôn Lớn.
10. a) Khải-huyền 18:3 cho thấy gì về sự “tà-dâm” của Ba-by-lôn Lớn? b) Như Khải-huyền 18:24 cho thấy, tại sao giới chức giáo phẩm của Ba-by-lôn Lớn gánh một món nợ máu nặng?
10 Tuy vậy, “rượu tà-dâm thạnh-nộ của nó” đặc biệt liên hệ đến việc tôn giáo giả ve vãn những nhà cai trị, ủng hộ các cuộc vận động chính trị và chiến tranh của họ và ép giáo dân thờ phượng vài khối quốc gia của con thú dữ. Các nhà chính trị thường cảm thấy tôn giáo là một đồng minh đắc lực để đạt đến các mục đích của họ, như có thể thấy qua hiệp ước giữa Hitler với Vatican năm 1933 và qua cuộc Nội chiến Tây-ban-nha năm 1936-39. Trong Thế Chiến thứ II các giới chức giáo phẩm của Công giáo, Tin lành, Phật giáo và của các tôn giáo khác ở hai bên chiến tuyến đã hành động hệt như bị say rượu bởi tinh thần hiếu chiến của các quốc gia. Họ gánh một món nợ máu nặng về hằng chục triệu quân lính và thường dân bị chiến tranh giết chết kể từ năm 1914. Các giới chức giáo phẩm đã từng ủng hộ quân Phát-xít và Đức quốc-xã cũng mang nợ máu đối với các Nhân-chứng Giê-hô-va và những người khác bị hành quyết hay chết trong các trại tập trung (Giê-rê-mi 2:34; Khải-huyền 18:3, 24).
11. a) Tín đồ được xức dầu của đấng Christ và đám đông đã từ chối thờ phượng gì? b) Có hai triển vọng huy hoàng nào ban cho lý do vững chắc để kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài?
11 Trong 75 năm qua các tín đồ được xức dầu và trung thành của đấng Christ cùng với đám đông có nhân số ngày càng gia tăng đã tiếp tục KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI. Chúng ta đã cương quyết từ chối thờ phượng bất cứ khối quốc gia nào của con thú dữ. Chúng ta đã từ chối tôn vinh ảnh tượng của con thú—HỘI QUỐC LIÊN và LHQ—vì chúng ta hiểu rằng chỉ có “nước [Trời]... thuộc về Chúa chúng ta [Đức Giê-hô-va] và đấng Christ của Ngài” mới có thể đem lại hòa bình và an ninh thật sự. Chúng ta cương quyết vâng giữ “điều-răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin [nơi] Chúa Giê-su”. Sự bền bỉ đem lại phần thưởng! Các tín đồ được xức dầu của đấng Christ mà “chết trong Chúa” được coi như có phước, vì “việc làm mình theo sau”. Còn về nhiều người trong đám đông mà chết vì sự bạc đãi, bệnh tật hay gặp tai nạn, sự kiện họ vun trồng tình bạn với Đức Chúa Trời bảo đảm cho họ sớm nhận được sự sống lại trong xã hội “đất mới”. Các triển vọng huy hoàng này ban cho lý do vững chắc để KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI (Khải-huyền 15:1 đến 16:21).
12. Có hai cuộc gặt hái nào diễn ra, và khi nào?
12 Trong khi sự phán xét tiến hành, các thiên sứ báo hiệu bắt đầu hai cuộc gặt hái. Vị trông coi việc gặt thứ nhất rõ ràng là Giê-su lên ngôi vinh hiển trên trời từ năm 1914 vì ngài cỡi lên mây trắng, được đội mão triều thiên và “giống như một con người”. Giờ đây, trong ngày của Chúa, ngài gặt hái trên đất tức thâu nhóm trước nhất số còn lại trong những tín đồ được xức dầu và rồi hằng triệu người thuộc đám đông. (So sánh Ma-thi-ơ 25:31-34; Giăng 15:1, 5, 16). Ngược lại, mùa gặt thứ hai là việc hái “những chùm nho ở dưới đất”, nho đó bị ném vào “thùng lớn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời”. Đây là sự phán xét diễn ra tại Ha-ma-ghê-đôn, khi một xã hội loài người gian ác, rối loạn bị nhổ bật rễ và bông trái độc hại của nó bị nghiền nát bấy. Mong Đức Giê-hô-va được tôn vinh nhờ việc diệt hết nho độc hại này khỏi trái đất! (Khải-huyền 14:14-20; 16:14, 16).
“Đức Giê-hô-va...là công-bình và chơn-thật”
13. a) Trong sự hiện thấy thứ mười, những người được xức dầu sống lại hát bài ca nào, và nói gì? b) Những sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời được thấy rõ thế nào trong sự hiện thấy này?
13 Trong sự hiện thấy thứ mười chúng ta lại thấy các biến cố trên trời diễn ra trước ngai Đức Chúa Trời. Trước mặt Ngài có sự vui vẻ biết bao! Những người được xức dầu sống lại—họ đã chiến thắng vì KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI—hát ‹‹bài ca Môi-se và bài ca Chiên Con›› mà rằng: “Hỡi Chúa [Đức Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời Toàn-năng, công việc Chúa lớn-lao và lạ-lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường-lối Ngài là công-bình và chơn-thật! Lạy Chúa [Đức Giê-hô-va], ai là kẻ không kính-sợ và không ngợi-khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh, mọi dân-tộc sẽ đến thờ-lạy trước mặt Ngài, vì các sự đoán-xét Ngài đã được tỏ ra”. Sự phán xét của Đức Chúa Trời thật là công bình và chân thật, như thấy rõ trong sự hiện thấy này! Các thiên sứ trút bảy chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời xuống, dẫn đến việc gom góp tất cả các nước tại Ha-ma-ghê-đôn và nhắc nhở rằng ‹‹Đức Chúa Trời nhớ đến Ba-by-lôn lớn”! Hợp thời thay là lời kêu gọi KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI (Khải-huyền 15:1 đến 16:21).
14. Trong sự hiện thấy thứ 11 và 12, Ba-by-lôn Lớn đóng vai trò lộ liễu nào, và tại sao cần khẩn cấp rời bỏ y thị?
14 Ba-by-lôn Lớn được nêu đi nêu lại trong sách Khải-huyền. Chúng ta lại thấy y thị một lần nữa trong một khung cảnh then chốt trong sự hiện thấy thứ 11 và 12. Y thị “ngồi trên các dòng nước”, kiểm soát dân cư và cho người ta uống say sưa các giáo lý độc hại và giả dối. Chính y thị thì say “huyết các thánh-đồ” mà y thị đã giết trong các cuộc bắt bớ (bạc hành) và y thị phải gánh nợ máu đối với “hết thảy những kẻ đã bị giết trong thế-gian” bởi cớ y thị xúi giục tham gia chiến tranh. Sự kiện y thị hùn hiệp buôn bán với giới đại kinh doanh và việc hút máu dân bằng cách vơ vét tiền bạc càng khiến y thị làm giàu một cách trái phép thêm. Tội nặng hơn cả là việc y thị tán tỉnh giới chính trị, ngay đến độ mưu mô tranh giành ưu thế để cỡi trên con thú chủ trương hòa bình và an ninh lá LHQ. Nhưng các sừng quân sự của chính con thú đó sẽ đến lúc phân thây y thị ra từng mảnh và hủy diệt y thị. Đây là thời kỳ khấn cấp cho tất cả những người KINH SỘ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI phải rời bỏ y thị, “vì tội-lỗi nó chất cao tày trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian-ác nó” (Khải-huyền 17:1 đến 18:24).
15. Việc hủy diệt đại dâm phụ dẫn đến bài ca ngợi khen nào, và rồi có biến cố vui sướng nào diễn ra sau đó?
15 Do đó việc hành quyết Ba-by-lôn Lớn là sự phán xét công bình đến từ Đức Giê-hô-va. Có tiếng tung hô “A-lê-lu-gia” vang rền trên trời và sau đó dưới đất tán dương Đức Giê-hô-va về sự cứu rỗi, vinh hiển và uy quyền của Ngài. Những tiếng hô đồng thanh “Hết thảy các ngươi... đều hãy ngợi-khen Ngài!” biểu lộ sự vui mừng lớn trước sự hủy diệt đời đời giáng trên đại dâm phụ. Thật là một sự tương phản lớn giữa việc mụ kia bị tàn phá và biến cố vui sướng nhất ở trên trời—le cưới của Chiên Con là Giê-su Christ và nàng dâu là 144.000 người trung thành đã chiến thắng! Một bài ca ngợi khen vang như tiếng sấm rền được dâng lên cho “Chúa [Đức Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn-năng”, đúng, “chúng ta hãy hớn-hở vui-mừng, tôn-vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ ngài đã sửa-soạn” (Khải-huyền 19:1-10).
16. Theo sự hiện thấy thứ 13, cuộc tranh chấp nào cuối cùng sẽ được giải quyết, và giải quyết thế nào?
16 Tuy nhiên, trước khi lễ cưới trên trời diễn ra sự hiện thấy thứ 13 cho thấy cuộc tranh chấp liên hệ tới quyền bá chủ của Đức Giê-hô-va được giải quyết thế nào. Vua của các vua và Chúa của các chúa là Giê-su cùng với các đạo binh thiên sứ “lấy lẽ công-bình mà xét-đoán và chiến-đấu” giẫm chân lên thùng rượu thạnh nộ của Đức Chúa Trời Toàn năng. Ngay đến Ngay đến phần còn lại của hệ thống trên đất của Sa-tan cũng bị đập tan ra từng mảnh vụn và nghiền nát! (Khải-huyền 19:11-21). Trong khi chúng ta nhìn cảnh tượng chiến thắng vinh quang này tiến đến gần qua các sự hiện thấy của sách Khải-huyền, chắc chắn chúng ta có mọi ly do để KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI!
Tôn vinh Đức Chúa Trời cho đến đời đời
17. Các sự hiện thấy thứ 14 và 15 tiết lộ gì về kết cuộc vui sướng của tất cả những người kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài?
17 Các sự hiện thấy thứ 14 và 15 của sách Khải-huyền tiết lộ kết cuộc vui sướng của tất cả những người KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI. Sau khi Sa-tan và các quỉ sứ của hắn bị quăng xuống vực sâu 1.000 năm, lễ cưới của Chiên Con và vợ ngài diễn ra, và 144.000 vị vua và thầy tế lễ đó trị vì 1.000 năm và nâng nhân loại đến sự hoàn toàn. Sau một cuộc thử thách cuối cùng, những người tiếp tục KINH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN VINH NGÀI sẽ được chấp nhận cho sống đời đời. Những người này sẽ gồm hằng tỷ người chết sống lại “cả lớn và nhỏ” mà tỏ ra xứng đáng được ghi tên vào sách sự sống. “Trời mới và đất mới” sẽ đem lại cho nhân loại ân phước vô tả, ân phước chắc chắn, vì Đấng làm “mới lại hết thảy muôn vật” là Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Hãy chép; vì những lời nầy đều trung-tín và chơn-thật” (Khải-huyền 20:1 đến 21:8).
18. Theo sự hiện thấy thứ 16, cao điểm của sách Khải-huyền là gì?
18 Sự hiện thấy thứ 16 cho xem cao điểm của sách Khải-huyền. Gì thế? Đó là sự hiện thấy về một cái thành. Thành này là thành Giê-ru-sa-lem Mới, khác xa bất cứ thành nào con người đã từng dựng lên trên đất đây—khác xa, rất xa với Ba-by-lôn Lớn, thành chứa đầy sự bội đạo, luân lý nhơ nhớp và tà dâm chính trị đã bôi nhọ Đức Chúa Trời. Thành thánh này tinh khiết, sạch sẽ, quí báu. Đó là vợ mới cưới của Chiên Con, hợp tác với ngài trong việc ban bố sự sống đời đời cho thế gian nhân loại (Giăng 3:16). Không lạ gì tiếng gọi vang dội lớn tiếng, rõ ràng khuyến giục ra khỏi thành giả mạo là Ba-by-lôn Lớn! (Khải-huyền 18:4; 21:9 đến 22:5).
19. a) Lời mời nào được chuyển đến qua trung gian lớp người vợ mới cưới, và những người nhu mì hưởng ứng thế nào? b) Sự kiện chúng ta tích cực hưởng ứng mệnh lệnh “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài” sẽ đưa đến gì?
19 Thánh linh mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va hành động qua trung gian lớp người vợ mới cưới chuyển đến lời mời quyết liệt: “Hãy đến!” Đúng, tất cả các bạn là những người nhu mì ước ao được sống đời đời trong địa-đàng trên khắp đất, hãy đến bên dòng “sông nước sự sống”, bằng cách chấp nhận toàn thể các sắp đặt của Đức Giê-hô-va qua trung gian đấng Christ và vợ mới cưới của ngài để đạt đến sự sống đời đời! Thật là một triển vọng huyền diệu—sự sống làm người trong sự hoàn toàn trong địa-đàng trên đất! Đó sẽ là phần thưởng cho nhiều người tích cực hưởng ứng mệnh lệnh: “HÃY KÍNH-SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TÔN-VINH NGÀI”! (Khải-huyền 22:6-21).
[Chú thích]
a World Military and Social Expenditures 1987-88.
BẠN SẼ TRẢ LỜI THẾ NÀO?
□ Có chỉ thị nào đến đúng lúc cho chúng ta trong sự hiện thấy về hai con thú dữ?
□ Chúng ta nên hưởng ứng thế nào trước lời rao truyền của thiên sứ bay giữa trời?
□ Ba-by-lôn Lớn dính líu thế nào tới sự tà dâm, và những người kính sợ Đức Chúa Trời coi điều này thế nào?
□ Có việc gặt trên đất thế nào trong ngày của Chúa?
□ Có những biến cố vui sướng nào kết thúc sách Khải-huyền, và dân sự của Đức Chúa Trời có thể dự phần thế nào?
[Hình nơi trang 21]
Huy chương đồng này được phát hành vào tháng 10 năm 1987 nhân ngày kỷ niệm đúng một năm sau Buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi. Một mặt có khắc hình “Đức Cha”, chung quanh có ghi năm và hàng chữ: “Giáo chủ Tối cao Gioan Phao-lồ II”. Mặt kia có hình “Thánh Phăng-xi-cô” cầu khẩn “Hòa bình, sự ban cho của Thiên-Chúa” trong Buổi họp cầu nguyện hòa bình diễn ra tại Assisi