Đức Giê-hô-va tiết lộ “những điều không lâu nữa sẽ phải xảy ra”
“Đây là sự mạc khải bởi Chúa Giê-su Ki-tô mà Đức Chúa Trời đã ban cho ngài, để tỏ cho các tôi tớ ngài thấy những điều không lâu nữa sẽ phải xảy ra”.—KHẢI 1:1.
BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?
Phần nào của pho tượng tượng trưng cho Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ?
Giăng miêu tả thế nào về mối liên hệ giữa Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ và Liên Hiệp Quốc?
Đa-ni-ên và Giăng cho biết các chính phủ của loài người sẽ bị hủy diệt như thế nào?
1, 2. (a) Khi so sánh những lời tiên tri của Đa-ni-ên và Giăng, chúng ta hiểu được điều gì? (b) Sáu đầu trước tiên của con thú dữ tượng trưng cho những cường quốc nào?
Mối tương quan giữa các lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên và Giăng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của nhiều biến cố trên thế giới đang xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng ta học được gì khi so sánh khải tượng của Giăng về con thú dữ, lời tường thuật của Đa-ni-ên về con thú dữ tợn có mười sừng và sự thông giải của Đa-ni-ên về pho tượng khổng lồ? Sự hiểu biết rõ ràng về những lời tiên tri ấy thúc đẩy chúng ta làm gì?
2 Chúng ta hãy cùng xem xét khải tượng của Giăng về con thú dữ (Khải huyền chương 13). Như chúng ta đã thấy trong bài trước, sáu đầu trước tiên của con thú tượng trưng cho Ai Cập, A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, Hy Lạp và La Mã. Tất cả các cường quốc này đều tỏ ra thù ghét dòng dõi của người nữ (Sáng 3:15). Sau khi Giăng ghi lại khải tượng về con thú dữ thì La Mã, đầu thứ sáu, vẫn có thế lực trong nhiều thế kỷ. Cuối cùng, đầu thứ bảy chiếm vị trí của La Mã. Vậy, đó là cường quốc nào, và cường quốc ấy sẽ đối xử với dòng dõi của người nữ ra sao?
ANH QUỐC VÀ HOA KỲ NỔI LÊN
3. Con thú đáng sợ, có mười sừng tượng trưng cho cường quốc nào? Mười sừng tượng trưng cho điều gì?
3 Chúng ta có thể nhận diện đầu thứ bảy của con thú dữ trong chương 13 của sách Khải huyền bằng cách so sánh khải tượng của Giăng với khải tượng của Đa-ni-ên về con thú đáng sợ, có mười sừnga. (Đọc Đa-ni-ên 7:7, 8, 23, 24). Con thú mà Đa-ni-ên thấy tượng trưng cho La Mã. (Xem biểu đồ trang 12, 13). Vào thế kỷ thứ năm CN, đế quốc La Mã bắt đầu tan rã. Mười sừng mọc trên đầu con thú dữ tợn tượng trưng cho các nước ra từ đế quốc đó.
4, 5. (a) Cái sừng nhỏ đã làm gì? (b) Đầu thứ bảy của con thú dữ là cường quốc nào?
4 Có bốn sừng, tức bốn nước, mọc trên đầu con thú dữ tợn được đề cập cụ thể. Ba sừng bị một “cái sừng nhỏ” nhổ đi. Điều này được ứng nghiệm khi Anh Quốc, trước đây là vùng lãnh thổ xa xôi của đế quốc La Mã, dần nổi lên. Cho đến thế kỷ 17, thế lực của Anh Quốc vẫn chưa đáng kể. Ba lãnh thổ khác từng thuộc đế quốc La Mã—Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp—có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Nhưng Anh Quốc đã lần lượt “nhổ” bỏ và làm mất đi vị thế của các thế lực ấy. Đến giữa thế kỷ 18, Anh Quốc có triển vọng trở thành thế lực chính trị đứng đầu thế giới. Thế nhưng, Anh Quốc vẫn chưa là đầu thứ bảy của con thú dữ.
5 Dù Anh Quốc nắm thế lực, nhưng các vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ đã giành độc lập. Tuy vậy, Anh Quốc cho phép Hoa Kỳ trở thành một nước mạnh. Thậm chí, Anh Quốc còn dùng lực lượng hải quân để che chở Hoa Kỳ. Khi ngày của Chúa bắt đầu vào năm 1914, Anh Quốc là đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử và Hoa Kỳ là cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giớib. Trong Thế Chiến I, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác đặc biệt với Anh Quốc. Lúc này, đầu thứ bảy xuất hiện, đó là Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ. Đầu này đối xử với dòng dõi của người nữ như thế nào?
6. Đầu thứ bảy của con thú dữ đối xử thế nào với dân Đức Chúa Trời?
6 Không lâu sau khi ngày của Chúa bắt đầu, đầu thứ bảy tấn công dân Đức Chúa Trời, là những anh em của Đấng Ki-tô còn sót lại trên đất (Mat 25:40). Chúa Giê-su nói rằng trong thời gian ngài hiện diện thì ở trên đất, một phần của dòng dõi vẫn còn thi hành công việc ngài giao (Mat 24:45-47; Ga 3:26-29). Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ đã gây chiến với các người thánh ấy (Khải 13:3, 7). Trong Thế Chiến I, cường quốc này đàn áp dân Đức Chúa Trời, cấm đoán một số ấn phẩm của họ, và bỏ tù những người đại diện cho lớp đầy tớ trung tín. Đầu thứ bảy của con thú dữ hầu như làm công việc rao giảng bị gián đoạn trong một thời gian. Đức Giê-hô-va thấy trước biến cố này và đã tiết lộ cho Giăng. Đức Chúa Trời cũng cho Giăng biết phần phụ của dòng dõi sẽ được phục hồi và khởi xướng lại công việc rao giảng (Khải 11:3, 7-11). Lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va thời hiện đại chứng minh điều đó đã thật sự ứng nghiệm.
CƯỜNG QUỐC THẾ GIỚI ANH-MỸ VÀ BÀN CHÂN BẰNG SẮT TRỘN ĐẤT SÉT
7. Đầu thứ bảy của con thú dữ tương ứng thế nào với pho tượng khổng lồ?
7 Đầu thứ bảy của con thú dữ tương ứng thế nào với pho tượng khổng lồ? Vì Anh Quốc ra từ La Mã và Hoa Kỳ ra từ Anh Quốc nên có thể nói là cả hai đều ra từ đế quốc La Mã. Thế còn bàn chân của pho tượng thì sao? Nó được miêu tả là hỗn hợp của sắt và đất sét. (Đọc Đa-ni-ên 2:41-43). Sự miêu tả này trùng khớp với thời kỳ mà đầu thứ bảy, là Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, chiếm ưu thế. Độ cứng của hỗn hợp sắt và đất sét không bằng sắt nguyên chất, cũng thế, Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ yếu hơn cường quốc trước nó là La Mã. Như thế nào?
8, 9. (a) Làm thế nào cường quốc thế giới thứ bảy đã tỏ ra mạnh như sắt? (b) Đất sét trong bàn chân của pho tượng tượng trưng cho điều gì?
8 Có lúc đầu thứ bảy của con thú đã tỏ ra mạnh như sắt. Chẳng hạn, cường quốc đôi đã cho thấy sức mạnh của mình bằng sự chiến thắng trong Thế Chiến I. Trong Thế Chiến II, sức mạnh như sắt của đầu thứ bảy cũng được thấy rõc. Sau Thế Chiến II, có những lúc đầu thứ bảy vẫn thể hiện sức mạnh này. Tuy nhiên, từ giai đoạn đầu cường quốc đôi xuất hiện, “sắt” đã bị trộn với “đất sét”.
9 Lâu nay, tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã cố gắng hiểu bàn chân của pho tượng có ý nghĩa gì. Đa-ni-ên 2:41 gọi hỗn hợp sắt và đất sét là “một nước”, chứ không phải nhiều nước. Vì thế, đất sét tượng trưng cho các thành phần nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, các thành phần này làm cho cường quốc đôi yếu hơn sắt nguyên chất là đế quốc La Mã. Đất sét ám chỉ “giống loài người”, tức những thường dân (Đa 2:43). Trong Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, người dân đã đấu tranh đòi quyền lợi của mình qua phong trào dân quyền, công đoàn lao động và phong trào giành độc lập. Người dân làm cho Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ khó có thể hành động mạnh mẽ như sắt. Ngoài ra, sự đối lập về hệ tư tưởng và kết quả sít sao trong những cuộc bầu cử cũng làm giảm uy quyền của những nhà lãnh đạo, ngay cả các nhà lãnh đạo được lòng dân, nên họ không có uy quyền rõ ràng để thi hành chính sách của mình. Đa-ni-ên báo trước: “Nước đó cũng nửa mạnh nửa giòn”.—Đa 2:42; 2 Ti 3:1-3.
10, 11. (a) Điều gì sẽ xảy đến cho “bàn chân”? (b) Chúng ta có thể kết luận thế nào về số ngón chân?
10 Vào thế kỷ 21, Anh Quốc và Hoa Kỳ vẫn là đối tác đặc biệt của nhau, thường đồng hành trên chính trường thế giới. Những lời tiên tri về pho tượng khổng lồ và con thú dữ chứng minh rằng sau Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, sẽ không có bất cứ cường quốc thế giới nào khác. Cường quốc cuối cùng này yếu hơn cường quốc được tượng trưng bởi ống chân bằng sắt, nhưng nó sẽ không tự vụn nát ra.
11 Số ngón chân của pho tượng có ý nghĩa gì không? Hãy xem điều này: Trong các khải tượng khác, Đa-ni-ên đề cập cụ thể các con số, chẳng hạn như số sừng trên đầu của các con thú. Những con số ấy có ý nghĩa. Tuy nhiên, khi miêu tả pho tượng, Đa-ni-ên không đề cập đến số ngón chân. Vì thế, giống như số cánh tay, bàn tay, ngón tay, ống chân và bàn chân của pho tượng không có ý nghĩa đặc biệt thì dường như số ngón chân cũng vậy. Tuy nhiên, Đa-ni-ên nói rõ các ngón chân được làm bằng sắt và đất sét. Qua sự miêu tả của ông, chúng ta có thể kết luận rằng Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ vẫn còn làm bá chủ vào thời điểm “hòn đá” tượng trưng cho Nước Đức Chúa Trời đến, đập vào bàn chân của pho tượng.—Đa 2:45.
ANH-MỸ VÀ CON THÚ CÓ HAI SỪNG
12, 13. Con thú dữ có hai sừng tượng trưng cho cường quốc nào, và nó đã làm gì?
12 Dù Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ là hỗn hợp gồm sắt và đất sét, nhưng những khải tượng mà Chúa Giê-su cho Giăng chứng tỏ cường quốc này sẽ tiếp tục đóng vai trò chính yếu trong những ngày sau cùng. Như thế nào? Giăng thấy một khải tượng về một con thú dữ có hai sừng và nói như con rồng. Con thú kỳ lạ này tượng trưng cho nước nào? Vì có hai sừng nên nó là cường quốc đôi. Vậy, Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ lại được nhắc đến nhưng lần này cường quốc đôi đóng một vai trò đặc biệt.—Đọc Khải huyền 13:11-15.
13 Con thú dữ có hai sừng này thúc đẩy việc tạc tượng con thú có bảy đầu mười sừng. Giăng viết rằng tượng của con thú có bảy đầu mười sừng sẽ xuất hiện, biến mất và rồi xuất hiện trở lại. Điều này được ứng nghiệm chính xác khi một tổ chức được thành lập với sự ủng hộ của Anh Quốc và Hoa Kỳ, mục đích là làm sứ giả và hợp nhất các nước trên thế giớid. Tổ chức này xuất hiện sau Thế Chiến I và có tên là Hội Quốc Liên. Tổ chức này biến mất khi Thế Chiến II bùng nổ. Trong cuộc chiến đó, dân Đức Chúa Trời công bố rằng, theo lời tiên tri trong sách Khải huyền, tượng của con thú dữ sẽ xuất hiện trở lại. Và đúng như vậy, tượng của con thú dữ đã xuất hiện trở lại, đó là Liên Hiệp Quốc.—Khải 17:8.
14. Tượng của con thú dữ là “vị vua thứ tám” theo nghĩa nào?
14 Giăng miêu tả tượng của con thú là “vị vua thứ tám”. Theo nghĩa nào? Nó không được miêu tả là đầu thứ tám của con thú dữ đầu tiên mà chỉ là tượng của con thú đó thôi. Quyền lực của nó đến từ các nước thành viên, đặc biệt hậu thuẫn chính của nó là Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ (Khải 17:10, 11). Tuy nhiên, nó được ban quyền hành động như vua để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt, nhiệm vụ của nó gây ra một chuỗi biến cố làm thay đổi lịch sử.
TƯỢNG CỦA CON THÚ CẮN NUỐT Ả KỸ NỮ
15, 16. Ả kỹ nữ tượng trưng cho điều gì? Ngày nay tầm ảnh hưởng của nó như thế nào?
15 Giăng cũng miêu tả một ả kỹ nữ cưỡi một con thú dữ sắc đỏ, là tượng của con thú dữ. Ả kỹ nữ được gọi là “Ba-by-lôn Lớn” (Khải 17:1-6). Ả kỹ nữ này là biểu tượng thích hợp tượng trưng cho tất cả các tôn giáo sai lầm, đi đầu là khối đạo tự nhận theo Chúa Giê-su. Các tôn giáo sai lầm công khai ủng hộ tượng của con thú và cố điều khiển nó.
16 Tuy nhiên, trong ngày của Chúa, các dòng nước của Ba-by-lôn Lớn, tức những người ủng hộ nó, đã cạn đi cách đáng kể (Khải 16:12; 17:15). Chẳng hạn, khi tượng của con thú xuất hiện lần đầu thì khối đạo tự nhận là theo Chúa Giê-su có ảnh hưởng lớn trên các nước phương Tây. Ngày nay, khối đạo ấy và giới lãnh đạo của nó không còn được coi trọng nhiều như trước đây. Thậm chí, nhiều người tin rằng tôn giáo góp phần hoặc trực tiếp gây ra xung đột. Cũng có một nhóm người trí thức phương Tây công khai cho rằng xã hội sẽ tốt hơn nếu không có tôn giáo.
17. Không lâu nữa, điều gì sẽ xảy ra với tôn giáo sai lầm, và tại sao?
17 Tuy nhiên, các tôn giáo sai lầm sẽ không tự biến mất. Ả kỹ nữ sẽ vẫn có uy lực, cố sai khiến các vua làm theo ý nó cho đến khi Đức Chúa Trời đặt kế hoạch vào lòng các vua này. (Đọc Khải huyền 17:16, 17). Chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ khiến các thành phần chính trị trong thế giới của Sa-tan, đại diện là Liên Hiệp Quốc, tấn công tôn giáo sai lầm. Các thành phần chính trị sẽ phá tan tầm ảnh hưởng cũng như sự giàu có của tôn giáo sai lầm. Chỉ vài thập kỷ trước, ít ai nghĩ điều này có thể xảy ra. Nhưng ngày nay, ả kỹ nữ đang chao đảo trên lưng con thú sắc đỏ. Tuy vậy, ả kỹ nữ sẽ không bị tuột dần xuống mà sẽ bị ngã một cú mạnh và bất thình lình.—Khải 18:7, 8, 15-19.
CÁC CON THÚ BỊ HỦY DIỆT
18. (a) Con thú dữ sẽ làm gì, và kết cuộc như thế nào? (b) “Các nước trước kia” mà Đa-ni-ên 2:44 nói là sẽ bị hủy diệt là những nước nào? (Xem khung trang 17).
18 Sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, con thú dữ (hệ thống chính trị trên đất do Sa-tan thiết lập) sẽ bị thúc đẩy để tấn công Nước Đức Chúa Trời. Vì không thể với tới trời nên các vua sẽ gây chiến với những người trên đất ủng hộ Nước Đức Chúa Trời. Kết cuộc là họ tranh chiến với Đức Chúa Trời trong trận cuối cùng (Khải 16:13-16; 17:12-14). Đa-ni-ên miêu tả một khía cạnh của trận chiến đó. (Đọc Đa-ni-ên 2:44). Con thú dữ được đề cập nơi Khải huyền 13:1, tượng của nó và con thú dữ có hai sừng đều sẽ bị hủy diệt.
19. Chúng ta có thể tin chắc điều gì? Và đây là lúc để chúng ta làm gì?
19 Chúng ta đang sống trong thời kỳ của đầu thứ bảy của con thú. Sẽ không có thêm đầu nào của con thú này xuất hiện trước khi nó bị hủy diệt. Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ sẽ là thế lực đứng đầu thế giới khi tôn giáo sai lầm bị xóa bỏ. Những lời tiên tri của Đa-ni-ên và Giăng đã được ứng nghiệm từng chi tiết nhỏ. Chúng ta có thể tin chắc rằng sự hủy diệt tôn giáo sai lầm và cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn sắp xảy ra. Đức Chúa Trời đã tiết lộ những điều ấy cho chúng ta. Vậy, chúng ta sẽ chú ý đến thông điệp cảnh báo từ những lời tiên tri này không? (2 Phi 1:19). Đây chính là lúc để đứng về phía Đức Giê-hô-va và ủng hộ Nước của ngài.—Khải 14:6, 7.
[Chú thích]
a Trong Kinh Thánh, số mười thường ám chỉ sự trọn vẹn. Trong trường hợp này, mười sừng nói đến tất cả các nước ra từ đế quốc La Mã.
b Đế quốc Anh và Hoa Kỳ đã tồn tại từ thế kỷ 18, nhưng Giăng cho biết chỉ khi ngày của Chúa bắt đầu, hai nước này mới trở thành cường quốc thế giới đôi. Thật vậy, những khải tượng trong sách Khải huyền được ứng nghiệm trong “ngày của Chúa” (Khải 1:10). Chỉ đến khi Thế Chiến I nổ ra thì Anh Quốc và Hoa Kỳ mới bắt đầu hoạt động với tư cách là một cường quốc hợp nhất.
c Đa-ni-ên thấy trước sự tàn phá khủng khiếp do vua này gây ra trong cuộc chiến ấy. Ông viết: “Người làm những sự tàn-phá lạ thường” (Đa 8:24). Chẳng hạn, Hoa Kỳ gây ra sự tàn phá khủng khiếp trên bình diện rộng lớn chưa từng thấy khi dội hai quả bom nguyên tử xuống một đối thủ của cường quốc đôi.
d Xin xem sách Khải huyền gần đến cực điểm vinh quang! (Revelation—Its Grand Climax at Hand!), trang 240, 241,253; Tháp Canh ngày 1-6-1987, trang 5, 6.
[Khung nơi trang 17]
“CÁC NƯỚC TRƯỚC KIA” LÀ NƯỚC NÀO?
Lời tiên tri nơi Đa-ni-ên 2:44 cho biết Nước Đức Chúa Trời “sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia”. Lời tiên tri ấy chỉ ám chỉ các nước được tượng trưng bởi các phần của pho tượng.
Còn về các chính phủ khác của loài người thì sao? Lời tiên tri tương ứng nơi Khải huyền cho biết thêm rằng “các vua trên khắp đất” sẽ quy tụ để chống lại Đức Giê-hô-va trong “ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng” (Khải 16:14; 19:19-21). Vậy, trong trận Ha-ma-ghê-đôn, không những các nước được tượng trưng bởi pho tượng sẽ bị hủy diệt mà tất cả các chính phủ khác của loài người cũng đồng chịu kết cục ấy.