Hãy chứng tỏ bạn sẵn sàng cho ngày của Đức Giê-hô-va
“Các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ”.—MA-THI-Ơ 24:44.
1. Tại sao chúng ta nên quan tâm đến ngày của Đức Giê-hô-va?
ĐÓ LÀ ngày chiến tranh và thịnh nộ, ngày đau đớn và thống khổ, ngày tối tăm và tàn phá. “Ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va” chắc chắn sẽ đến trên hệ thống gian ác này, cũng như Nước Lụt đã làm đắm thế gian thời Nô-ê. Chắc chắn người ta không thể nào tránh khỏi. Nhưng “ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu”. (Giô-ên 2:30-32; A-mốt 5:18-20) Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt các kẻ thù và sẽ cứu dân Ngài. Với tinh thần khẩn trương, nhà tiên tri Sô-phô-ni tuyên bố: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp”. (Sô-phô-ni 1:14) Thế thì khi nào Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét này?
2, 3. Tại sao chuẩn bị chính mình cho ngày của Đức Giê-hô-va là điều trọng yếu?
2 Chúa Giê-su nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi”. (Ma-thi-ơ 24:36) Vì chúng ta không biết chính xác ngày giờ, điều trọng yếu là chúng ta nghe theo lời của câu Kinh Thánh cho năm 2004: “Hãy tỉnh-thức... Hãy chực cho sẵn”.—Ma-thi-ơ 24:42, 44.
3 Ám chỉ việc những người có tinh thần sẵn sàng sẽ được thu nhóm lại một cách bất ngờ ở nơi an toàn trong khi những người khác bị bỏ lại, Chúa Giê-su nói: “Hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại”. (Ma-thi-ơ 24:40, 41) Trong thời điểm quyết định đó, tình trạng cá nhân chúng ta ra sao? Chúng ta có sẵn sàng hay là ngày đó sẽ đến với mình một cách bất ngờ? Phần lớn tùy thuộc nơi những bước mà chúng ta thực hiện ngay bây giờ. Chứng tỏ mình sẵn sàng cho ngày của Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta tránh một thái độ được xem là thông thường ngày nay, phải cưỡng lại để không rơi vào tình trạng nguy hiểm về thiêng liêng, và phải tránh lối sống nào đó.
Tránh thái độ tự mãn
4. Những người thời Nô-ê có thái độ nào?
4 Hãy xem xét thời của Nô-ê. Kinh Thánh nói: “Bởi đức-tin, Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. (Hê-bơ-rơ 11:7) Chiếc tàu rất lạ thường và dễ thấy. Hơn nữa, Nô-ê là “thầy giảng đạo công-bình”. (2 Phi-e-rơ 2:5) Cả công việc đóng tàu lẫn rao giảng của Nô-ê đã không khiến người ta thay đổi. Tại sao? Vì họ “ăn, uống, cưới, gả như thường”. Những người mà Nô-ê rao giảng đã mải mê trong những thú vui và việc riêng đến độ họ “không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”.—Ma-thi-ơ 24:38, 39.
5. Dân thành Sô-đôm trong thời Lót đã có quan điểm nào?
5 Thời của Lót cũng như vậy. Kinh Thánh nói: “Người ta ăn, uống, mua, bán, trồng-tỉa, cất-dựng; đến ngày Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và diêm-sinh, giết hết dân thành ấy”. (Lu-ca 17:28, 29) Sau khi các thiên sứ báo trước cho Lót về sự hủy diệt sắp đến, ông nói với các con rể về những gì sắp xảy ra nhưng họ “tưởng người nói chơi”.—Sáng-thế Ký 19:14.
6. Chúng ta phải tránh thái độ nào?
6 Chúa Giê-su nói cũng như thời Nô-ê và Lót, thời “Con người hiện diện” cũng như vậy. (Ma-thi-ơ 24:39, NW; Lu-ca 17:30) Thật vậy, thái độ của nhiều người ngày nay là tự mãn. Chúng ta phải đề phòng tránh bị nhiễm thái độ đó. Không có gì sai khi thưởng thức đồ ăn thức uống ngon một cách tiết độ. Tương tự như thế, hôn nhân là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu những vấn đề ấy trở thành quan trọng nhất trong đời sống và lợi ích thiêng liêng bị bỏ qua, cá nhân chúng ta có sẵn sàng cho ngày kinh khiếp của Đức Giê-hô-va không?
7. Chúng ta nên đặt câu hỏi thiết yếu nào trước khi thực hiện bất cứ điều gì, và tại sao?
7 Sứ đồ Phao-lô nói: “Thì-giờ ngắn-ngủi. Từ nay về sau, kẻ có vợ hãy nên như kẻ không có”. (1 Cô-rinh-tô 7:29-31) Chúng ta chỉ còn ít thì giờ để hoàn tất công việc rao giảng về Nước Trời mà Đức Chúa Trời đã giao phó. (Ma-thi-ơ 24:14) Phao-lô khuyên nhủ ngay cả những người đã có vợ có chồng không nên chỉ quan tâm đến người hôn phối mà để quyền lợi Nước Trời xuống hàng thứ yếu trong đời sống họ. Rõ ràng, Phao-lô khuyên nên có thái độ khác hẳn với tính tự mãn. Chúa Giê-su nói: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”. (Ma-thi-ơ 6:33) Trước khi quyết định hay thực hiện bất cứ điều gì, chúng ta nên đặt câu hỏi thiết yếu là: ‘Điều này ảnh hưởng thế nào đến việc tôi đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống?’
8. Nếu những việc hàng ngày trong đời sống trở thành mối quan tâm chính, chúng ta nên làm gì?
8 Nếu chúng ta nhận thấy rằng mình đã bận rộn với những việc bình thường hàng ngày trong đời sống đến độ không còn thì giờ cho vấn đề thiêng liêng thì sao? Có phải lối sống của chúng ta không khác gì với những người lân cận thiếu sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh và không phải là những người công bố Nước Trời? Nếu là thế, thì chúng ta cần phải cầu nguyện về vấn đề này. Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta có thái độ đúng. (Phi-líp 3:15) Ngài có thể giúp chúng ta đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, làm điều đúng và làm tròn bổn phận với Ngài.—Rô-ma 12:2; 2 Cô-rinh-tô 13:7.
Cưỡng lại sự buồn ngủ về thiêng liêng
9. Theo Khải-huyền 16:14-16, tại sao cưỡng lại sự buồn ngủ về thiêng liêng là điều quan trọng?
9 Chính lời tiên tri về “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” sắp đến tại Ha-ma-ghê-đôn cảnh báo rằng một số người có thể không tỉnh thức. Chúa Giê-su nói: “Kìa, ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh-thức và giữ-gìn áo-xống mình, đặng khỏi đi lõa-lồ và người ta không thấy sự xấu-hổ mình!” (Khải-huyền 16:14-16) Áo xống hay áo ngoài nói ở đây ám chỉ dấu hiệu nhận diện chúng ta là tín đồ Đấng Christ, Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này bao gồm việc công bố về Nước Trời và hạnh kiểm tín đồ Đấng Christ của chúng ta. Nếu rơi vào tình trạng không hoạt động, như ngủ, chúng ta có thể bị tước mất dấu hiệu nhận diện mình là tín đồ Đấng Christ. Điều này đáng xấu hổ và nguy hiểm. Chúng ta phải cưỡng lại không để mình rơi vào tình trạng buồn ngủ hoặc không tỉnh táo về thiêng liêng. Làm thế nào chúng ta có thể cưỡng lại khuynh hướng đó?
10. Tại sao đọc Kinh Thánh hàng ngày giúp chúng ta giữ tỉnh táo về thiêng liêng?
10 Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh đến việc cần tỉnh thức và dè giữ. Thí dụ, lời tường thuật trong Phúc Âm nhắc nhở chúng ta: “Hãy tỉnh-thức” (Ma-thi-ơ 24:42; 25:13; Mác 13:35, 37); “hãy chực cho sẵn” (Ma-thi-ơ 24:44); “hãy giữ mình, tỉnh-thức” (Mác 13:33); “chực cho sẵn-sàng” (Lu-ca 12:40). Sau khi nói rằng ngày của Đức Giê-hô-va sẽ đến một cách bất ngờ cho thế gian này, sứ đồ Phao-lô khuyên anh em đồng đức tin: “Chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh-thức và dè-giữ”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6) Trong sách cuối cùng của Kinh Thánh, Chúa Giê-su Christ vinh hiển nhấn mạnh đến việc ngài đến bất thình lình. Ngài nói: “Ta đến mau-chóng”. (Khải-huyền 3:11; 22:7, 12, 20) Nhiều tiên tri Hê-bơ-rơ cũng mô tả và cảnh báo về ngày phán xét lớn của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 2:12, 17; Giê-rê-mi 30:7; Giô-ên 2:11; Sô-phô-ni 3:8) Đọc Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, mỗi ngày và suy nghĩ về những gì chúng ta đọc là điều tốt để giúp mình giữ tỉnh táo về thiêng liêng.
11. Tại sao việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân là cần thiết để có sự tỉnh táo về thiêng liêng?
11 Đúng vậy, việc siêng năng học hỏi Kinh Thánh cá nhân dùng những ấn phẩm do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp quả là điều kích thích chúng ta tỉnh táo về thiêng liêng! (Ma-thi-ơ 24:45-47) Tuy nhiên, để việc học hỏi cá nhân được bổ ích, chúng ta cần phải học đều đặn và không ngừng. (Hê-bơ-rơ 5:14–6:3) Chúng ta phải đều đặn tiếp thu đồ ăn đặc về thiêng liêng. Trong thời buổi này có thể khó tìm ra thì giờ học hỏi. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Nhưng nếu đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh chỉ khi nào thuận tiện thì không đủ. Học hỏi cá nhân đều đặn rất cần thiết để chúng ta giữ “đức-tin vẹn-lành” và tiếp tục tỉnh thức.—Tít 1:13.
12. Các buổi họp, hội nghị và đại hội đạo Đấng Christ giúp chúng ta chống lại sự buồn ngủ về thiêng liêng bằng cách nào?
12 Các buổi họp, hội nghị và đại hội đạo Đấng Christ cũng giúp chúng ta chống lại sự buồn ngủ về thiêng liêng. Bằng cách nào? Qua những dạy dỗ mà chúng ta nhận được. Trong những buổi họp này, chẳng phải chúng ta được nhắc nhở đều đặn về ngày của Đức Giê-hô-va gần kề hay sao? Các buổi họp đạo Đấng Christ hàng tuần cũng cho chúng ta cơ hội để ‘khuyên-giục nhau về lòng yêu-thương và việc tốt-lành’. Sự khuyên giục, hoặc sự khích lệ đó giúp chúng ta giữ mình tỉnh thức về thiêng liêng. Chẳng lạ gì khi chúng ta được dạy bảo hãy nhóm lại đều đặn khi “thấy ngày ấy hầu gần”.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
13. Thánh chức của tín đồ Đấng Christ giúp chúng ta giữ tỉnh thức về thiêng liêng như thế nào?
13 Chúng ta cũng được giúp giữ mình tỉnh thức khi hết lòng tham gia vào thánh chức của tín đồ Đấng Christ. Có cách nào tốt hơn để ghi nhớ dấu chỉ thì giờ và ý nghĩa của nó bằng cách nói cho những người khác biết hay không? Và khi chúng ta thấy những người mình giúp học Kinh Thánh tiến bộ và bắt đầu hành động theo những điều họ học, tinh thần khẩn trương của chúng ta được nâng cao. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức” để làm công việc này. (1 Phi-e-rơ 1:13, Tòa Tổng Giám Mục) “Làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn” là một biện pháp tốt để chống lại sự mê ngủ về thiêng liêng.—1 Cô-rinh-tô 15:58.
Tránh lối sống tai hại về thiêng liêng
14. Như miêu tả nơi Lu-ca 21:34-36, Chúa Giê-su cảnh báo về lối sống nào?
14 Trong lời tiên tri quan trọng nói về điềm hiện diện của ngài, Chúa Giê-su cho lời cảnh báo khác. Ngài nói: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người”. (Lu-ca 21:34-36) Chúa Giê-su miêu tả chính xác lối sống mà người ta nói chung theo đuổi: ăn uống quá độ, say sưa và lối sống mang lại nhiều lo âu.
15. Tại sao chúng ta nên tránh ăn uống quá độ?
15 Ăn uống quá độ không phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh và cần phải tránh. Kinh Thánh nói: “Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu, hoặc với những kẻ láu ăn”. (Châm-ngôn 23:20) Nhưng không phải ăn uống nhiều đến mức độ đó mới là nguy hiểm, nó có thể làm một người buồn ngủ lâu trước đó. Câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Lòng kẻ biếng-nhác mong-ước, mà chẳng có chi hết”. (Châm-ngôn 13:4) Một người như thế có thể muốn làm theo ý Đức Chúa Trời nhưng ước muốn không thành vì có tính lơ đễnh.
16. Làm sao chúng ta có thể tránh bị những mối lo âu về gia đình đè nặng?
16 Chúa Giê-su cảnh báo về mối lo lắng nào trong đời sống? Ấy là những điều bao hàm mối quan tâm cá nhân, nuôi gia đình và những điều tương tự. Thật thiếu khôn ngoan khi để những việc ấy đè nặng tâm trí chúng ta! Chúa Giê-su hỏi: “Có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?” Ngài khuyên những người nghe ngài: “Các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi”. Đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống và tin tưởng Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp giúp chúng ta kiềm chế mối lo âu và giữ mình tỉnh thức.—Ma-thi-ơ 6:25-34.
17. Việc theo đuổi vật chất có thể mang lại lo âu như thế nào?
17 Những theo đuổi vật chất cũng có thể đem lại lo âu. Thí dụ, một số người làm cho đời sống phức tạp bằng cách chi tiêu quá giới hạn mình có. Những người khác bị cám dỗ vào những mánh khóe làm giàu nhanh chóng, và đầu tư tiền bạc liều lĩnh. Đối với một số người, việc học hành ngoài đời là một phương tiện đưa đến thành công về tài chính trở thành một cạm bẫy cho họ. Đành rằng một trình độ học vấn nào đó có thể giúp mình tìm được việc làm. Tuy nhiên, sự thật là trong khi dành nhiều thì giờ theo đuổi việc học cao, một số người tự hại mình về phương diện thiêng liêng. Quả là đặt mình trong một tình huống nguy hiểm khi ngày của Đức Giê-hô-va gần kề! Kinh Thánh cảnh báo: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất”.—1 Ti-mô-thê 6:9.
18. Để tránh bị lôi cuốn vào lối sống duy vật, chúng ta phải vun trồng khả năng nào?
18 Một yếu tố cần thiết để một người không bị lôi cuốn vào lối sống duy vật là vun trồng khả năng phân biệt điều đúng và sai khi phải quyết định việc gì. Khả năng này được phát triển nhờ đều đặn thu thập ‘thức ăn đặc về thiêng liêng dành cho người trưởng thành’ và nhờ “luyện tập được khả năng phân biệt”. (Hê-bơ-rơ 5:13, 14, Bản Dịch Mới) Nhận rõ “những sự tốt-lành hơn” khi đặt thứ tự ưu tiên cũng sẽ giúp chúng ta tránh lựa chọn sai lầm.—Phi-líp 1:10.
19. Nếu nhận biết mình có rất ít thì giờ theo đuổi những điều thiêng liêng, chúng ta nên làm gì?
19 Lối sống duy vật có thể làm chúng ta mê muội, khiến mình còn ít hay không còn thì giờ cho những điều thiêng liêng. Làm sao chúng ta có thể tự xem xét và tránh bị mắc vào lối sống như thế? Chúng ta cần cầu nguyện xem xét làm sao có thể đơn giản hóa đời sống và đến mức nào? Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Làm việc vất vả thì ngủ ngon: ăn ít hay nhiều thì cũng vậy; lắm bạc nhiều tiền đâu được ngủ yên”. (Truyền-đạo 5:11, TTGM) Việc chăm lo những của cải vật chất không cần thiết có làm chúng ta mất nhiều thì giờ và năng lực không? Càng có nhiều, chúng ta càng phải bảo trì, bảo hiểm và bảo vệ. Đơn giản hóa đời sống bằng cách bỏ bớt những đồ nào đó có thể có lợi cho chúng ta không?
Hãy chứng tỏ mình sẵn sàng
20, 21. (a) Sứ đồ Phi-e-rơ cho chúng ta lời cam đoan nào về ngày của Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta phải tiếp tục làm gì để chứng tỏ mình sẵn sàng cho ngày của Đức Giê-hô-va?
20 Thế gian thời Nô-ê đã chấm dứt và hệ thống mọi sự hiện tại cũng sẽ chấm dứt. Sứ đồ Phi-e-rơ cam đoan với chúng ta: “Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang-rầm mà qua đi, các thể-chất bị đốt mà tiêu-tán, đất cùng mọi công-trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả”. Trời tượng trưng—chính phủ gian ác—và đất tượng trưng—nhân loại tách rời khỏi Đức Chúa Trời—sẽ không sống sót qua cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Cho biết chúng ta có thể làm thế nào để chứng tỏ mình sẵn sàng cho ngày ấy, Phi-e-rơ tuyên bố: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến!”—2 Phi-e-rơ 3:10-12.
21 Đều đặn tham dự buổi họp đạo Đấng Christ và tham gia vào công việc rao giảng tin mừng là những việc bao hàm trong các hành động tin kính. Mong rằng chúng ta làm công việc ấy với lòng sùng kính chân thành đối với Đức Chúa Trời trong khi kiên nhẫn chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va. Chúng ta hãy “làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy [chúng ta] ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”.—2 Phi-e-rơ 3:14.
Bạn có nhớ không?
• Tại sao chúng ta nên chứng tỏ mình sẵn sàng cho ngày của Đức Giê-hô-va?
• Nếu những theo đuổi bình thường trong đời sống trở thành mối quan tâm chính, chúng ta nên làm gì?
• Điều gì sẽ giúp chúng ta cưỡng lại sự buồn ngủ về thiêng liêng?
• Chúng ta cần phải tránh lối sống tai hại nào và bằng cách nào?
[Các hình nơi trang 20, 21]
Những người thời Nô-ê không lưu ý đến sự phán xét sắp xảy ra cho họ—còn bạn thì sao?
[Hình nơi trang 23]
Bạn có thể đơn giản hóa đời sống để có thêm thì giờ theo đuổi những điều thiêng liêng không?