CHƯƠNG 2
Nước Trời được thành lập ở trên trời
1, 2. Biến cố lớn nhất trong lịch sử thế giới là gì, và tại sao con người không thấy biến cố ấy?
Có bao giờ bạn thắc mắc đời sống sẽ thế nào nếu mình sống trong một thời khắc lịch sử? Nhiều người thắc mắc như thế. Nhưng hãy thử nghĩ: Dù sống trong một thời điểm trọng đại, liệu bạn có tận mắt chứng kiến những biến cố quan trọng làm nên lịch sử không? Có lẽ không. Những biến cố đánh dấu sự chấm dứt của các chế độ cũ và được lưu vào sử sách thường không xảy ra trước mắt công chúng. Có thể nói nhiều sự kiện lịch sử diễn ra đằng sau những cánh cửa khép kín của triều đình, phòng họp của giới chức sắc hoặc chính phủ. Thế nhưng, những sự kiện ấy ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người.
2 Còn biến cố lớn nhất trong lịch sử thế giới thì sao? Biến cố đó đã tác động đến đời sống của hàng triệu người. Dù vậy, nó không xảy ra trước mắt con người. Dĩ nhiên chúng ta đang nói đến sự thành lập của Nước Đức Chúa Trời ở trên trời, chính phủ của Đấng Mê-si được hứa từ lâu sắp hủy diệt thế gian này. (Đọc Đa-ni-ên 2:34, 35, 44, 45). Có phải vì không chứng kiến biến cố quan trọng ấy mà chúng ta kết luận rằng Đức Giê-hô-va che giấu nhân loại điều đó? Hay ngược lại, ngài đã giúp dân trung thành của ngài chuẩn bị sẵn sàng cho biến cố ấy? Chúng ta hãy cùng xem.
‘Sứ giả ta sẽ dọn một con đường trước mặt ta’
3-5. (a) “Sứ giả của giao ước” được đề cập nơi Ma-la-chi 3:1 là ai? (b) Chuyện gì xảy ra trước khi “sứ giả của giao ước” đến đền thờ?
3 Từ thời xưa, Đức Giê-hô-va đã có ý định giúp dân ngài chuẩn bị cho sự ra đời của Nước Đấng Mê-si. Chẳng hạn, hãy xem xét lời tiên tri nơi Ma-la-chi 3:1 (NW): “Kìa! Ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn một con đường trước mặt ta; và thình lình Chúa chân thật mà các ngươi tìm kiếm sẽ đến đền thờ ngài; và sứ giả của giao ước mà các ngươi yêu mến cũng sẽ đến”.
4 Theo sự ứng nghiệm vào thời hiện đại, khi nào Đức Giê-hô-va, “Chúa chân thật”, đã đến thanh tra những người phụng sự trong sân trên đất của đền thờ thiêng liêng? Lời tiên tri giải thích rằng Đức Giê-hô-va đến với “sứ giả của giao ước”. Đó là ai? Không ai khác, chính là Vua Mê-si, Chúa Giê-su Ki-tô! (Lu 1:68-73). Là Đấng Cai Trị mới được phong ngôi, Chúa Giê-su thanh tra và tinh luyện dân trên đất của Đức Chúa Trời.—1 Phi 4:17.
5 Nhưng “sứ giả” được đề cập đầu tiên nơi Ma-la-chi 3:1 là ai? Nhân vật này xuất hiện trước khi Vua Mê-si hiện diện. Trong những thập kỷ trước năm 1914, có người nào ‘dọn đường’ cho Vua Mê-si không?
6. Ai hành động với tư cách là “sứ giả” đầu tiên đến giúp dân Đức Chúa Trời chuẩn bị cho những biến cố phía trước?
6 Qua sách này, chúng ta sẽ tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi như thế khi xem xét lịch sử đầy hào hứng của dân Đức Giê-hô-va thời hiện đại. Lịch sử cho thấy vào cuối thế kỷ 19, có một nhóm nhỏ những người có lòng thành nổi lên giữa đám đông tín đồ giả hiệu và chứng tỏ là những tín đồ chân chính. Với thời gian, nhóm ấy được biết đến là Học viên Kinh Thánh. Thật vậy, những anh dẫn đầu trong vòng họ, là anh Charles T. Russell và các cộng sự thân cận, đã hành động với tư cách là “sứ giả” được báo trước, cung cấp sự hướng dẫn về thiêng liêng cho dân Đức Chúa Trời và giúp họ chuẩn bị cho những biến cố phía trước. Hãy xem bốn cách “sứ giả” này đã thực hiện.
Thờ phượng theo đúng sự thật
7, 8. (a) Vào thế kỷ 19, ai bắt đầu vạch trần sự giả dối của giáo lý linh hồn bất tử? (b) Anh Russell và các cộng sự thân cận đã vạch trần những dạy dỗ sai lầm nào khác?
7 Học viên Kinh Thánh cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn khi nghiên cứu. Họ nhất trí với nhau, thu thập thông tin và xuất bản tài liệu về những sự thật rõ ràng liên quan đến giáo lý. Trong nhiều thế kỷ, khối Ki-tô giáo chìm trong bóng tối thiêng liêng, nhiều sự dạy dỗ của họ bắt nguồn từ ngoại giáo. Một ví dụ điển hình là giáo lý linh hồn bất tử. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, một vài người có lòng thành đã nghiên cứu kỹ và thấy sự dạy dỗ đó không dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Ông Henry Grew, George Stetson và George Storrs đã viết và nói những bài giảng hùng hồn, vạch trần sự dối trá đến từ Sa-tana. Công việc của họ đã tác động mạnh đến anh Russell và các cộng sự thân cận.
8 Nhóm nhỏ Học viên Kinh Thánh thấy những giáo lý liên quan đến linh hồn bất tử cũng sai và gây bối rối, chẳng hạn như sự dạy dỗ là mọi người tốt đều lên trời hoặc Đức Chúa Trời hành hạ linh hồn kẻ ác trong hỏa ngục đến đời đời. Anh Russell và các cộng sự đã can đảm vạch trần những điều giả dối ấy trong nhiều bài viết, sách, sách mỏng, bài chuyên đề và bài giảng được đăng báo.
9. Tháp Canh đã vạch trần sự sai lầm của giáo lý Chúa Ba Ngôi như thế nào?
9 Học viên Kinh Thánh cũng phơi bày một giáo lý sai lầm rất phổ biến là Chúa Ba Ngôi. Năm 1887, Tháp Canhb có bài viết: “Kinh Thánh cho biết rõ sự khác biệt giữa Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su cũng như mối quan hệ giữa hai đấng”. Bài cũng nói thật ngạc nhiên là “ý niệm tam vị nhất thể—ba Chúa trong một và một Chúa trong ba—lại chiếm ưu thế và được đông đảo tín đồ chấp nhận. Nhưng thật ra điều đó chỉ cho thấy giáo hội ngủ say trong khi bị kẻ thù xiềng xích bằng sự dạy dỗ sai lầm”.
10. Tháp Canh nhấn mạnh điều gì về năm 1914?
10 Tên “Tháp Canh Si-ôn và sứ giả loan báo sự hiện diện của Đấng Ki-tô” (Zion’s Watch Tower and Herald of Christ’s Presence) cho thấy tạp chí này rất quan tâm đến những lời tiên tri liên quan đến sự hiện diện của Đấng Ki-tô. Những soạn giả được xức dầu trung thành đã hiểu rằng lời tiên tri của Đa-ni-ên về “bảy kỳ” có liên quan đến thời điểm mà ý định của Đức Chúa Trời về Nước Đấng Mê-si được thực hiện. Ngay từ thập niên 1870, họ đã nói rằng năm 1914 sẽ là thời điểm bảy kỳ ấy kết thúc (Đa 4:25; Lu 21:24). Dù anh em thời đó không hiểu hết ý nghĩa của năm ấy nhưng họ công bố khắp nơi về sự thật Kinh Thánh mà họ biết, và điều đó mang lại lợi ích lâu dài.
11, 12. (a) Anh Russell quy công trạng cho ai về những điều anh dạy? (b) Công việc anh Russell và các cộng sự thực hiện trước năm 1914 quan trọng ra sao?
11 Cả anh Russell và các cộng sự trung thành đều không cho rằng họ lập công khi khám phá và hiểu được những sự thật quan trọng ấy. Anh quy công trạng cho những tiền bối về thiêng liêng. Trên hết, anh quy công trạng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đấng dạy dỗ dân ngài những điều họ cần biết vào đúng thời điểm. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho anh Russell và các cộng sự trong nỗ lực tách sự thật ra khỏi sự dạy dỗ sai lầm. Thời gian qua đi, họ ngày càng khác biệt với khối Ki-tô giáo.
12 Công việc mà những người trung thành ấy thực hiện nhằm bênh vực sự thật về giáo lý trong những thập niên trước năm 1914 thật đáng kinh ngạc! Nhìn lại những năm tháng ấy, Tháp Canh ngày 1-11-1917 bình luận: “Giờ đây hàng triệu người được giải thoát khỏi nỗi sợ, sự kìm kẹp của giáo lý hỏa ngục và những dạy dỗ sai lầm khác... Làn sóng Sự thật bắt đầu từ hơn bốn mươi năm trước, vẫn đang tiếp tục dâng lên cho đến khi tràn khắp trái đất; còn những kẻ chống đối thì giống như đang ra sức dùng chổi để quét làn sóng ấy xuống đại dương hùng mạnh”.
13, 14. (a) “Sứ giả” đã dọn đường cho Vua Mê-si như thế nào? (b) Chúng ta học được gì từ những anh em sống cách đây hơn một thế kỷ?
13 Hãy suy nghĩ điều này: Nếu không nhận ra sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và Cha ngài là Đức Giê-hô-va thì liệu dân Đức Chúa Trời có thể sẵn sàng cho sự hiện diện của Đấng Ki-tô không? Chắc chắn không! Họ cũng không được chuẩn bị sẵn sàng nếu tin rằng sự sống bất tử là điều ai cũng nhận được chứ không phải là món quà quý giá mà chỉ số ít môn đồ Chúa Giê-su mới có, hoặc tin rằng Đức Chúa Trời hành hạ người ta trong hỏa ngục đến đời đời! Không nghi ngờ gì nữa, “sứ giả” ấy đã dọn đường cho Vua Mê-si!
14 Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta học được gì từ những anh em sống cách đây hơn một thế kỷ? Chúng ta cũng phải là những học viên và độc giả khát khao Lời Đức Chúa Trời (Giăng 17:3). Thế gian duy vật này đang tàn lụi về thiêng liêng, mong sao chúng ta ngày càng khao khát thức ăn thiêng liêng hơn nữa!—Đọc 1 Ti-mô-thê 4:15.
“Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó”
15. Học viên Kinh Thánh dần nhận ra điều gì? (Cũng xem chú thích).
15 Học viên Kinh Thánh dạy là phải ra khỏi các giáo hội. Năm 1879, Tháp Canh đề cập đến “giáo hội Ba-by-lôn”. Có phải tạp chí đang nói đến giáo hoàng? Hay Giáo hội Công giáo Rô-ma? Trong nhiều thế kỷ, đạo Tin Lành cho rằng Ba-by-lôn, được đề cập trong lời tiên tri của Kinh Thánh, ám chỉ Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, Học viên Kinh Thánh dần nhận ra là tất cả giáo hội của khối Ki-tô giáo đều thuộc “Ba-by-lôn” tân thời. Tại sao? Vì họ đều dạy những điều sai lầm, chẳng hạn như những giáo lý được nhắc đến ở trênc. Với thời gian, ấn phẩm của chúng ta càng nói thẳng về những điều mà mọi giáo dân có lòng thành trong các giáo hội thuộc Ba-by-lôn phải làm.
16, 17. (a) Quyển số 3 trong bộ Bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm và Tháp Canh thúc giục người ta ra khỏi tôn giáo sai lầm như thế nào? (b) Yếu tố nào làm giảm hiệu lực của những lời cảnh báo thời đó? (Xem chú thích).
16 Chẳng hạn, năm 1891, quyển số 3 trong bộ Bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm (Millennial Dawn) thảo luận về việc Đức Chúa Trời bác bỏ Ba-by-lôn tân thời và nhận xét rằng những giáo dân nào “không đồng tình với các dạy dỗ và thực hành sai lầm của [Ba-by-lôn] nay được kêu gọi ra khỏi nó”.
17 Tháng 1 năm 1900, Tháp Canh đưa ra lời khuyên cho những người vẫn giữ tên trong danh sách của các giáo hội Ki-tô giáo nhưng lại biện hộ rằng: “Tôi hoàn toàn đồng tình với sự thật và tôi hiếm khi đi nhà thờ”. Bài nêu lên câu hỏi: “Nhưng có đúng không nếu đặt một chân bên trong và một chân bên ngoài Ba-by-lôn? Đó có phải là sự vâng lời mà Đức Chúa Trời đòi hỏi,... hài lòng và chấp nhận không? Chắc chắn không. Khi gia nhập giáo hội, người ấy đã công khai cam kết và phải trung thành làm theo mọi điều lệ giáo hội đưa ra cho đến khi... công khai hủy bỏ tư cách thành viên”. Qua nhiều năm, thông điệp ấy ngày càng mạnh mẽ hơnd. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải từ bỏ mọi ràng buộc với tôn giáo sai lầm.
18. Tại sao người ta phải ra khỏi Ba-by-lôn Lớn?
18 Nếu lời cảnh báo ra khỏi Ba-by-lôn Lớn không được rao ra đều đặn thì liệu Đấng Ki-tô, Vua mới lên ngôi, sẽ có những tôi tớ được xức dầu ở trên đất trong tư thế sẵn sàng không? Chắc chắn không, vì chỉ những tín đồ thoát khỏi sự kìm kẹp của Ba-by-lôn mới có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va “theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí” (Giăng 4:24). Tương tự, ngày nay chúng ta có quyết tâm tách biệt khỏi tôn giáo sai lầm không? Mong sao chúng ta tiếp tục vâng theo mệnh lệnh: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó”!—Đọc Khải huyền 18:4.
Nhóm lại để thờ phượng
19, 20. Về việc nhóm lại để thờ phượng, Tháp Canh đã khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô như thế nào?
19 Học viên Kinh Thánh dạy rằng anh em đồng đạo phải nhóm lại để thờ phượng ở những nơi có thể. Đối với những tín đồ chân chính thì ra khỏi tôn giáo sai lầm vẫn chưa đủ. Họ cũng phải tham gia vào sự thờ phượng thanh sạch. Từ những số đầu, Tháp Canh khuyến khích độc giả nhóm lại để thờ phượng. Chẳng hạn, trong số Tháp Canh tháng 7 năm 1880, anh Russell báo cáo về một chuyến đi thuyết giảng của anh và nhận xét về sự khích lệ của nhiều buổi nhóm họp. Sau đó, anh khuyên độc giả gửi vài dòng cho biết về sự tiến bộ của họ, một số trường hợp sẽ được đăng lên tạp chí. Mục đích là gì? “Để mọi người biết rằng... Chúa hỗ trợ bạn như thế nào và bạn có tiếp tục nhóm lại với anh em đồng đức tin hay không”.
20 Năm 1882, một bài có tựa đề “Cùng nhóm lại” xuất hiện trong Tháp Canh. Bài khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô tham dự các buổi nhóm họp “để học hỏi, khích lệ và củng cố lẫn nhau”. Bài viết: “Nếu không có người hiểu biết và tài năng trong vòng các bạn cũng không sao. Mỗi người hãy mang Kinh Thánh, giấy bút và tận dụng càng nhiều sự trợ giúp càng tốt, chẳng hạn như Sách tra cứu từ ngữ Kinh Thánh... Hãy chọn chủ đề, cầu xin thần khí giúp để hiểu, rồi đọc và suy ngẫm, đối chiếu những câu Kinh Thánh. Như vậy chắc chắn các bạn sẽ được dẫn vào sự thật”.
21. Hội thánh ở Allegheny, Pennsylvania đã nêu gương nào về việc nhóm họp và chăn chiên?
21 Học viên Kinh Thánh có trụ sở trung ương ở Allegheny, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Tại đây, họ nêu gương khi vâng theo lời khuyên về việc nhóm lại được ghi nơi Hê-bơ-rơ 10:24, 25. (Đọc). Sau này, một anh lớn tuổi tên Charles Capen nhớ lại những buổi nhóm họp mà hồi nhỏ anh tham dự. Anh viết: “Tôi vẫn nhớ một trong những câu Kinh Thánh được viết trên tường phòng hội nghị của Hội, đó là: ‘Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em’. Những lời này luôn nhắc tôi nhớ rằng không có hàng giáo phẩm trong vòng dân Đức Giê-hô-va” (Mat 23:8). Anh Capen cũng nhớ lại những buổi nhóm họp lý thú, sự khích lệ nồng ấm và những nỗ lực không ngừng của anh Russell để chăn dắt mỗi thành viên trong hội thánh.
22. Những người trung thành hưởng ứng ra sao trước lời khuyến khích tham dự nhóm họp, và chúng ta học được gì từ họ?
22 Những người trung thành đã làm theo gương ấy và chỉ dẫn nhận được. Các hội thánh được thành lập ở những bang khác, như Ohio và Michigan, sau đó là ở khắp Bắc Mỹ và những nơi khác. Hãy thử nghĩ: “Nếu không được huấn luyện để vâng theo lời khuyên được soi dẫn là nhóm lại cho sự thờ phượng, những người trung thành có thật sự được chuẩn bị sẵn sàng cho sự hiện diện của Đấng Ki-tô không?”. Chắc chắn không! Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta cần quyết tâm tham dự các buổi nhóm họp, tìm mọi cơ hội để cùng thờ phượng và khích lệ nhau về thiêng liêng.
Sốt sắng rao giảng
23. Về nhiệm vụ rao giảng sự thật của mọi tín đồ được xức dầu, Tháp Canh nói rõ như thế nào?
23 Học viên Kinh Thánh dạy rằng mọi tín đồ được xức dầu đều phải rao giảng sự thật. Năm 1885, Tháp Canh bình luận: “Chúng ta không nên quên rằng mình được xức dầu là để rao giảng (Ê-sai 61:1), được kêu gọi để thi hành thánh chức”. Số Tháp Canh trong năm 1888 khuyên: “Nhiệm vụ của chúng ta rất rõ ràng... Nếu lờ đi và viện cớ để không làm, chắc chắn chúng ta là những đầy tớ biếng nhác, vì thế không xứng đáng với vị trí cao trọng mà mình được mời gọi”.
24, 25. (a) Ngoài việc khuyến khích người ta rao giảng, anh Russell và các cộng sự thân cận còn làm gì? (b) Một người phân phát sách đạo nói gì về công việc của anh trong thời hiếm có ô-tô?
24 Anh Russell và các cộng sự thân cận không chỉ khuyến khích người ta rao giảng. Họ cũng bắt đầu xuất bản Các bài chuyên đề của Học viên Kinh Thánh (Bible Students’ Tracts), sau này gọi là Giáo lý thời ban đầu hàng quý (Old Theology Quarterly). Độc giả của Tháp Canh nhận những bài chuyên đề này để phân phát miễn phí cho công chúng.
Hãy tự hỏi: “Đời sống mình có tập trung vào việc rao giảng không?”
25 Những người tham gia thánh chức trọn thời gian được gọi là người phân phát sách đạo. Anh Charles Capen, được đề cập ở trên, nằm trong số đó. Sau này anh kể: “Tôi dùng những bản đồ của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ để có thể rao giảng khắp khu vực ở Pennsylvania. Những bản đồ này cho thấy tất cả các con đường, giúp tôi đi bộ đến mọi vùng của mỗi tỉnh thành. Đôi lúc, sau hành trình ba ngày tại vùng nông thôn để nhận đặt những sách thuộc bộ Khảo cứu Kinh Thánh (Studies in the Scriptures), tôi thuê một xe ngựa để mang ấn phẩm đến cho người ta. Tôi thường dừng chân và ngủ qua đêm ở nhà của các nông dân. Thời đó hiếm có ô-tô”.
26. (a) Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự cai trị của Đấng Ki-tô, tại sao dân Đức Chúa Trời cần tham gia công việc rao giảng? (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì?
26 Những nỗ lực rao giảng trong thời ban đầu chắc chắn đòi hỏi sự can đảm và sốt sắng. Nếu không được dạy về tầm quan trọng của công việc rao giảng, các tín đồ chân chính có được chuẩn bị sẵn sàng cho sự cai trị của Chúa Giê-su không? Chắc chắn không! Suy cho cùng, công việc đó phải trở thành một đặc điểm nổi bật cho thấy sự hiện diện của Đấng Ki-tô (Mat 24:14). Dân Đức Chúa Trời phải được trang bị để tập trung đời sống vào công việc cứu mạng ấy. Chúng ta hãy tự hỏi: “Đời sống mình có tập trung vào việc rao giảng không? Mình có hy sinh để tham gia trọn vẹn vào thánh chức không?”.
Nước Đức Chúa Trời ra đời!
27, 28. Sứ đồ Giăng thấy gì trong khải tượng? Sa-tan cùng các ác thần phản ứng thế nào trước sự ra đời của Nước Trời?
27 Cuối cùng, năm 1914 trọng đại cũng đến. Như thảo luận ở đầu chương, không người nào chứng kiến những sự kiện vinh hiển ở trên trời. Tuy nhiên, sứ đồ Giăng thấy một khải tượng miêu tả các sự kiện ấy bằng những hình ảnh tượng trưng. Hãy hình dung: Giăng thấy “một dấu hiệu lớn” ở trên trời. Người “phụ nữ” của Đức Chúa Trời—tổ chức của ngài gồm các tạo vật thần linh ở trên trời—mang thai và sinh một bé trai. Như chúng ta biết, không lâu nữa bé trai tượng trưng sẽ “cai trị mọi dân bằng cây gậy sắt”. Nhưng khi vừa chào đời, bé trai ấy “được đưa ngay đến chỗ Đức Chúa Trời và ngai của ngài”. Có một tiếng lớn trên trời: “Nay sự cứu rỗi đã đến, quyền năng của Đức Chúa Trời chúng ta đã được biểu dương, Nước ngài đã thành lập, và Đấng Ki-tô của ngài đã bắt đầu sử dụng uy quyền”.—Khải 12:1, 5, 10.
28 Chắc chắn, trong khải tượng ấy, Giăng đã thấy sự ra đời của Nước Đấng Mê-si. Đó quả là sự kiện vinh hiển, nhưng không phải ai cũng vui mừng về điều này. Sa-tan và các ác thần gây chiến cùng các thiên sứ trung thành đang ở dưới sự lãnh đạo của Mi-chen, tức Đấng Ki-tô. Kết quả là gì? Kinh Thánh cho biết: “Con rồng lớn ấy đã bị quăng xuống; đó là con rắn xưa kia, gọi là Kẻ Quỷ Quyệt và Sa-tan, là kẻ lừa gạt toàn thể dân cư trên đất; hắn đã bị quăng xuống trái đất, các sứ hắn cũng bị quăng xuống cùng với hắn”.—Khải 12:7, 9.
29, 30. Sau khi Nước của Đấng Mê-si ra đời, có sự thay đổi nào (a) trên đất? (b) trên trời?
29 Từ lâu trước năm 1914, Học viên Kinh Thánh nói rằng một thời kỳ khốn khổ sẽ bắt đầu vào năm đặc biệt đó. Nhưng họ không biết là dự đoán của mình sẽ chính xác đến mức nào. Khải tượng của Giăng cho thấy vào lúc đó, Sa-tan bắt đầu gây ảnh hưởng lớn hơn trên xã hội loài người: “Khốn thay cho đất và biển, vì Kẻ Quỷ Quyệt đã xuống chỗ các người, hắn đang giận dữ vì biết mình chỉ còn một thời gian ngắn” (Khải 12:12). Năm 1914, Thế Chiến I bùng nổ và dấu hiệu về sự hiện diện của Đấng Ki-tô trong vương quyền Nước Trời bắt đầu được ứng nghiệm trên toàn cầu. “Những ngày sau cùng” của thế gian này khởi đầu.—2 Ti 3:1.
30 Tuy nhiên, có sự vui mừng ở trên trời. Sa-tan và các ác thần bị đuổi khỏi trời vĩnh viễn. Lời tường thuật của Giăng cho biết: “Hỡi các tầng trời cùng những ai ở đó, hãy vui mừng đi!” (Khải 12:12). Trời được làm sạch và Chúa Giê-su đã lên ngôi, giờ đây Nước của Đấng Mê-si sẵn sàng hành động vì lợi ích của dân Đức Chúa Trời trên đất. Nước ấy sẽ làm gì? Như phần mở đầu chương cho biết, là “sứ giả của giao ước”, trước tiên Đấng Ki-tô sẽ hành động với tư cách là thợ luyện của các tôi tớ Đức Chúa Trời trên đất. Điều đó có nghĩa gì?
Thời kỳ thử thách
31. Ma-la-chi báo trước điều gì về giai đoạn tinh luyện, và lời tiên tri ấy bắt đầu được ứng nghiệm như thế nào? (Cũng xem chú thích).
31 Ma-la-chi báo trước rằng giai đoạn tinh luyện sẽ không dễ dàng. Ông viết: “Ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra? Vì Ngài giống như lửa của thợ luyện, như tro thợ giặt” (Mal 3:2). Những lời này thật đúng làm sao! Từ năm 1914, dân Đức Chúa Trời bước vào giai đoạn đầy thử thách và cam go. Khi Thế Chiến I bùng nổ, nhiều Học viên Kinh Thánh bị chống đối dữ dội và bị bỏ tùe.
32. Có sự xáo trộn nào trong vòng dân Đức Chúa Trời sau năm 1916?
32 Bên trong tổ chức thì có sự xáo trộn. Năm 1916, anh Russell qua đời khi mới 64 tuổi, khiến nhiều người trong vòng dân Đức Chúa Trời bị sốc. Cái chết của anh cho thấy một số người quá chú trọng vào một người gương mẫu. Dù anh Russell không muốn nhưng những người xung quanh đã tôn sùng anh. Nhiều người nghĩ rằng sau khi anh mất thì ánh sáng sự thật tắt hẳn, và một số còn cay đắng cản bước tiến của tổ chức. Thái độ đó góp phần tạo nên sự bội đạo gây chia rẽ nội bộ.
33. Hy vọng không thành đã thử thách dân Đức Chúa Trời ra sao?
33 Hy vọng không thành cũng là một thử thách. Dù Tháp Canh đã nói đúng là Thời Kỳ Dân Ngoại chấm dứt vào năm 1914, nhưng các anh em chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra vào năm đó (Lu 21:24). Họ nghĩ rằng vào năm 1914, Đấng Ki-tô sẽ đưa lớp cô dâu được xức dầu lên trời cùng cai trị với ngài. Kỳ vọng ấy đã không xảy ra. Vào cuối năm 1917, Tháp Canh thông báo thời kỳ gặt hái 40 năm sẽ chấm dứt vào mùa xuân năm 1918. Nhưng công việc rao giảng không kết thúc mà tiếp tục phát triển sau năm đó. Tạp chí giải thích rằng mùa gặt đã thật sự chấm dứt nhưng thời kỳ mót lúa vẫn còn. Dù vậy, nhiều người ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va vì thất vọng.
34. Thử thách gay go nào đã xảy ra vào năm 1918? Tại sao khối Ki-tô giáo nghĩ rằng dân Đức Chúa Trời bị “chết”?
34 Một thử thách gay go đã xảy ra năm 1918. Anh Rutherford, người thay anh Russell dẫn đầu dân Đức Chúa Trời, đã bị bắt cùng với bảy anh có trách nhiệm khác. Họ bị kết án bất công và bị giam một thời gian dài tại nhà tù của bang ở Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ. Công việc của dân Đức Chúa Trời gần như bị tê liệt trong một thời gian. Nhiều chức sắc trong hàng giáo phẩm của khối Ki-tô giáo rất đắc chí. Họ cho rằng khi “đầu tàu” bị bỏ tù, trụ sở trung ương ở Brooklyn phải đóng cửa, và khi công việc rao giảng bị chống đối ở Hoa Kỳ và châu Âu, những Học viên Kinh Thánh đáng gờm ấy bị “chết”, tức không còn là mối đe dọa nữa (Khải 11:3, 7-10). Nhưng họ đã lầm!
Thời kỳ hồi sinh!
35. Tại sao Chúa Giê-su để cho khó khăn xảy đến với các môn đồ, và ngài làm gì để giúp họ?
35 Kẻ thù không biết rằng Chúa Giê-su để những khó khăn ấy xảy đến với dân ngài chỉ vì lúc đó Đức Giê-hô-va đang “ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch” (Mal 3:3). Đức Giê-hô-va và Con ngài tin chắc rằng trong nhóm người được tinh luyện qua thử thách cam go, sẽ có những tín đồ giữ lòng trung thành và càng hội đủ điều kiện để hầu việc Vua Giê-su. Rõ ràng, từ đầu năm 1919, thần khí của Đức Chúa Trời đã làm điều ngoài sức tưởng tượng của kẻ thù. Những người trung thành được hồi sinh! (Khải 11:11). Lúc đó, Đấng Ki-tô đã làm ứng nghiệm đặc điểm chính của dấu hiệu về những ngày sau cùng. Ngài bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, nhóm nhỏ tín đồ được xức dầu, để dẫn đầu dân Đức Chúa Trời qua việc cấp phát thức ăn thiêng liêng đúng giờ.—Mat 24:45-47.
36. Điều gì cho thấy dân Đức Chúa Trời được hồi sinh về thiêng liêng?
36 Anh Rutherford và các cộng sự được phóng thích vào ngày 26-3-1919. Không lâu sau, các anh lên kế hoạch tổ chức hội nghị vào tháng 9 năm đó. Họ bắt tay vào xuất bản tạp chí thứ hai, gọi là Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age). Song hành với Tháp Canh, tạp chí “Thời Đại Hoàng Kim” được biên soạn để dùng cho thánh chứcf. Cũng trong năm đó, số đầu tiên của tờ Bản tin (Bulletin), nay là chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức, được ra mắt. Ngay từ đầu, tờ Bản tin luôn là công cụ trợ giúp đắc lực cho thánh chức. Chắc chắn, từ năm 1919, việc rao giảng từng nhà càng được ưu tiên.
37. Những năm sau năm 1919, một số tín đồ tỏ ra bất trung như thế nào?
37 Công việc rao giảng tiếp tục tinh luyện tôi tớ của Đấng Ki-tô, vì những người ngạo mạn và tự cao trong vòng họ không sẵn lòng làm công việc khiêm tốn ấy. Những tín đồ không muốn đi rao giảng đã tách khỏi anh em trung thành. Những năm sau năm 1919, một số kẻ bất trung đã cay đắng và quay sang vu khống cũng như phỉ báng các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, thậm chí đứng về phía bọn chống đối.
38. Những thành quả và thắng lợi của môn đồ Đấng Ki-tô giúp chúng ta tin chắc điều gì?
38 Bất kể những chông gai thử thách, số môn đồ trên đất của Đấng Ki-tô tiếp tục gia tăng và thịnh vượng về thiêng liêng. Mọi thành quả và thắng lợi của họ kể từ đó giúp chúng ta tin chắc rằng Nước Đức Chúa Trời đang cai trị! Nhờ Đức Giê-hô-va hỗ trợ và ban phước (qua Con ngài và Nước của Đấng Mê-si) mà nhóm nhỏ những người bất toàn ấy mới chiến thắng Sa-tan và thế gian gian ác của hắn hết lần này đến lần khác!—Đọc Ê-sai 54:17.
39, 40. (a) Một số đặc điểm của sách này là gì? (b) Bạn sẽ nhận được lợi ích nào khi học sách này?
39 Các chương kế tiếp sẽ xem xét những điều Nước Trời đã thực hiện trên đất trong thế kỷ Nước này ra đời. Mỗi phần của sách này sẽ thảo luận một khía cạnh nổi bật của công việc Nước Trời ở trên đất. Mỗi chương đều có khung ôn lại giúp chúng ta kiểm tra xem Nước Trời có thật với mình đến mức nào. Các chương cuối sẽ thảo luận những điều chúng ta có thể trông mong khi Nước Trời đến trong tương lai gần đây để hủy diệt kẻ ác và thiết lập địa đàng. Bạn sẽ nhận được lợi ích nào khi học sách này?
40 Sa-tan muốn làm xói mòn đức tin của bạn nơi Nước Trời. Nhưng Đức Giê-hô-va muốn giúp bạn củng cố đức tin, nhờ thế bạn sẽ được bảo vệ và vững vàng (Ê-phê 6:16). Vì vậy, chúng tôi khuyến khích bạn xem xét kỹ sách này. Hãy luôn tự hỏi: “Nước Đức Chúa Trời có thật với mình không?”. Nước Trời càng có thật với bạn bây giờ thì bạn càng có cơ hội có mặt trong Nước ấy. Lúc đó, bạn sẽ tích cực và trung thành ủng hộ Nước Trời khi mọi người trên đất thấy Nước ấy có thật và đang cai trị!
a Để biết thêm về ông Grew, Stetson và Storrs, xin xem sách Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời (Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom), trang 45, 46.
b Xuyên suốt sách này, chúng tôi sẽ dùng tựa Tháp Canh, dù tựa của tạp chí này đã được thay đổi nhiều lần kể từ khi ra mắt vào năm 1879.
c Dù Học viên Kinh Thánh thấy cần rút khỏi các tôn giáo làm bạn với thế gian, nhưng trong nhiều năm họ vẫn xem tín hữu Ki-tô giáo là anh em, dù những người ấy không phải là Học viên Kinh Thánh, tự cho là tin vào giá chuộc và hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời.
d Một yếu tố làm giảm hiệu lực của những lời cảnh báo thời ban đầu là chúng chủ yếu được áp dụng cho bầy nhỏ của Đấng Ki-tô gồm 144.000 người. Chương 5 sẽ cho thấy rằng trước năm 1935, các tín đồ đã nghĩ “đám đông” nơi Khải huyền 7:9, 10 là vô số thành viên của các giáo hội thuộc Ki-tô giáo, và những người đó sẽ hợp thành nhóm thứ hai nhận được phần thưởng trên trời vì đã sát cánh bên Chúa Giê-su vào thời điểm kết thúc.
e Tháng 9 năm 1920, “Thời Đại Hoàng Kim”, nay là Tỉnh Thức!, ra số đặc biệt, nói đến nhiều trường hợp bị bắt bớ trong thời chiến, một số rất tàn bạo, tại Anh Quốc, Canada, Đức và Hoa Kỳ. Trái lại, những thập niên trước Thế Chiến I có rất ít kiểu bắt bớ như vậy.
f Trong nhiều năm, Tháp Canh chủ yếu dành cho những thành viên thuộc bầy nhỏ để họ được khai sáng.