Lời Đức Giê-hô-va là lời sống
Những điểm nổi bật trong sách Khải-huyền—Phần II
Điều gì đang chờ đợi những người thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời và những người không thờ phượng Ngài? Tương lai của Sa-tan và các quỉ là gì? Những người biết vâng lời sẽ nhận được ân phước nào trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ? Lời giải đáp cho những câu hỏi này và những câu hỏi quan trọng khác được tiết lộ nơi Khải-huyền 13:1–22:21a. Những chương này chứa đựng 9 trong số 16 sự hiện thấy mà sứ đồ Giăng nhận được gần cuối thế kỷ thứ nhất CN.
Giăng viết: “Phước cho kẻ đọc cùng những kẻ nghe lời tiên-tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây” (Khải 1:3; 22:7). Đọc và áp dụng những gì học được trong sách Khải-huyền có thể tác động đến lòng chúng ta, giúp củng cố đức tin nơi Đức Chúa Trời và Con Ngài là Chúa Giê-su, đồng thời cho chúng ta hy vọng tươi sáng về tương laib.—Hê 4:12.
TRÚT BẢY BÁT THẠNH NỘ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Khải-huyền 11:18 nói: “Các dân-tộc vốn giận-dữ, nhưng cơn thạnh-nộ của Ngài đã đến: Giờ đã tới, là giờ... hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”. Cung cấp thêm thông tin về điều này, sự hiện thấy thứ tám cho biết về hoạt động của “một con thú có mười sừng bảy đầu”.—Khải 13:1.
Trong sự hiện thấy thứ chín, Giăng thấy “Chiên Con đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người”. Họ “đã được chuộc từ trong loài người” (Khải 14:1, 4). Sau đó là những thông điệp của thiên sứ. Trong sự hiện thấy tiếp theo, Giăng thấy “bảy thiên-sứ cầm bảy tai-nạn”. Dường như chính Đức Giê-hô-va ra lệnh cho các thiên sứ này “trút bảy bát thạnh-nộ của Đức Chúa Trời” lên những thành phần khác nhau trong thế gian của Sa-tan. Bảy bát này chứa đựng những lời tuyên bố và cảnh báo về sự phán xét của Đức Chúa Trời (Khải 15:1; 16:1). Hai sự hiện thấy này cho biết chi tiết về những sự phán xét khác nữa của Nước Trời có liên quan đến nạn thứ ba và tiếng loa thứ bảy.—Khải 11:14, 15.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
13:8—“Sách sự sống của Chiên Con” là gì? Đây là sách tượng trưng chỉ ghi tên của những người cai trị với Chúa Giê-su Christ trong Nước Trời. Sách ấy có tên của những tín đồ Đấng Christ được xức dầu còn sống trên đất, những người có hy vọng được lên trời.
13:11-13—Con thú có hai sừng hành động như con rồng và khiến lửa từ trên trời rơi xuống đất như thế nào? Sự kiện con thú có hai sừng—Cường quốc Thế giới Anh-Mỹ—nói như con rồng cho thấy nó dùng sự đe dọa, áp lực và vũ lực để buộc người ta chấp nhận chính thể của nó. Con thú này khiến lửa từ trời rơi xuống nghĩa là nó làm như thể mình giữ vai trò tiên tri bằng cách tuyên bố mình đã chế ngự các thế lực hung ác trong hai cuộc thế chiến của thế kỷ 20 và đã chiến thắng những thể chế đối lập.
16:17—“Không-khí” mà bát thứ bảy trút vào trong đó là gì? “Không-khí” tượng trưng cho lối suy nghĩ theo Sa-tan, “là thần [“tinh thần”, NW] hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch”. Toàn thể hệ thống gian ác của Sa-tan đang hít thở không khí độc hại này.—Ê-phê 2:2.
Bài học cho chúng ta:
13:1-4, 18. “Con thú” tượng trưng cho các chính phủ loài người “ở dưới biển lên”, tức ra từ nhân loại xáo động (Ê-sai 17:12, 13; Đa 7:2-8, 17). Con thú này do Sa-tan tạo ra và ban quyền, mang số 666, nhấn mạnh mức độ bất toàn của nó. Hiểu ý nghĩa của con thú giúp chúng ta không đi theo, ca tụng và thờ phượng nó như nhân loại nói chung đang làm.—Giăng 12:31; 15:19.
13:16, 17. Dù gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như việc ‘mua bán’, chúng ta đừng để mình bị áp lực mà chịu sự cai trị của con thú. ‘Chịu ghi dấu của con thú hoặc trên tay hữu, hoặc trên trán’ tương đương với việc để cho con thú kiểm soát hành động hay ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của chúng ta.
14:6, 7. Lời rao báo của thiên sứ cho thấy chúng ta phải cấp bách công bố tin mừng về Nước Trời. Chúng ta nên giúp những học viên Kinh Thánh vun trồng lòng kính sợ lành mạnh với Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài.
14:14-20. Khi “mùa-màng dưới đất”—tức việc thu nhóm những người sẽ được cứu—hoàn tất, đó sẽ là thời điểm mà thiên sứ ‘hái những chùm nho ở dưới đất và ném vào thùng lớn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời’. Nho—hệ thống các chính phủ xấu xa của Sa-tan cai trị trên nhân loại cùng với những “chùm” trái xấu—sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn. Chúng ta nên quyết tâm không để mình bị ảnh hưởng bởi nho ở dưới đất.
16:13-16. “Tà-thần” ra từ miệng rồng, miệng thú tượng trưng cho sự tuyên truyền của ma quỉ nhằm đảm bảo các vua thế gian không bị dao động bởi bảy bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời, mà bị lôi kéo để chống lại Ngài.—Mat 24:42, 44.
16:21. Khi sự kết liễu của thế gian này gần kề, việc công bố sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên hệ thống gian ác của Sa-tan có thể bao gồm những lời rất mạnh, thẳng thắn, rất có thể được tượng trưng bởi mưa đá. Dù vậy, phần đông nhân loại vẫn nói phạm đến Đức Chúa Trời.
VỊ VUA CHIẾN THẮNG CAI TRỊ
“Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo sai lầm thế giới, là một phần gớm ghê trong thế gian gian ác của Sa-tan. Sự hiện thấy thứ 11 mô tả nó như một “đại dâm-phụ... ngồi trên lưng một con thú sắc đỏ sậm”. Y thị sẽ bị hủy diệt hoàn toàn bởi “mười cái sừng” của con thú đang chở y thị (Khải 17:1, 3, 5, 16). Ví dâm phụ này như một “thành lớn”, sự hiện thấy tiếp theo thông báo sự sụp đổ của y thị và kêu gọi dân Đức Chúa Trời nhanh chóng “ra khỏi Ba-by-lôn”. Sự sụp đổ của thành lớn này khiến nhiều người than khóc. Tuy nhiên, trên trời có sự vui mừng lớn vì “lễ cưới Chiên Con” (Khải 18:4, 9, 10, 15-19; 19:7). Trong sự hiện thấy thứ 13, người cưỡi “ngựa bạch” sẽ tranh chiến với các dân. Ngài sẽ kết liễu thế gian gian ác của Sa-tan.—Khải 19:11-16.
Còn về “con rắn đời xưa, là ma-quỉ, là Sa-tan” thì sao? Khi nào nó sẽ “bị quăng xuống hồ lửa”? Đây là một trong các đề tài của sự hiện thấy thứ 14 (Khải 20:2, 10). Hai sự hiện thấy cuối cùng cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về sự sống trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Khi “sự mặc-thị” sắp kết thúc, Giăng thấy ‘sông nước sự sống chảy ra giữa phố thành’, và có một lời mời tuyệt vời dành cho những “ai khát”.—Khải 1:1; 22:1, 2, 17.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
17:16; 18:9, 10—Tại sao “các vua thế-gian” khóc lóc thở than cho đối tượng mà họ đã hủy diệt? Họ khóc lóc thở than chỉ vì ích kỷ. Sau khi hủy diệt Ba-by-lôn Lớn, các vua thế gian hẳn nhận ra y thị rất có lợi cho họ. Y thị dùng tôn giáo làm bức bình phong cho những hành động đàn áp của họ. Ba-by-lôn Lớn cũng giúp họ tuyển mộ thanh niên ra trận. Ngoài ra, y thị còn đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho dân chúng phục tùng.
19:12—Chúa Giê-su có một danh mà ngoài ngài ra không ai biết được, câu này có nghĩa gì? Danh này dường như tượng trưng cho địa vị và đặc ân, như một số vai trò được nói ở Ê-sai 9:5, mà Chúa Giê-su nhận được trong ngày của Chúa. Ngoài ngài không ai biết danh này vì những đặc ân ấy rất đặc biệt và chỉ có Chúa Giê-su mới hiểu được việc nắm giữ chức vụ cao như thế bao hàm điều gì. Tuy nhiên, Chúa Giê-su chia sẻ một số đặc ân này với những thành viên của lớp người vợ mới, như thể ngài lấy danh mới của mình mà viết trên họ.—Khải 3:12.
19:14—Ai sẽ cưỡi ngựa theo Chúa Giê-su tại Ha-ma-ghê-đôn? “Các đạo binh trên trời” cùng Chúa Giê-su tham gia trận chiến của Đức Chúa Trời sẽ bao gồm các thiên sứ và những người được xức dầu đã nhận phần thưởng trên trời.—Mat 25:31, 32; Khải 2:26, 27.
20:11-15—Tên của ai được biên vào “sách sự sống”? Sách này biên tên của tất cả những người có triển vọng nhận được sự sống vĩnh cửu—các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, thành viên của đám đông và những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời trong “sự sống lại của người công-bình” (Công 24:15; Khải 2:10; 7:9). Những người nằm trong ‘sự sống lại của người không công-bình’ sẽ được ghi tên vào “sách sự sống” chỉ khi nào họ hành động phù hợp với “lời đã biên trong những sách” hướng dẫn được mở ra trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Tuy nhiên, tên trong sách không được ghi bằng loại mực không thể tẩy xóa. Tên của những người được xức dầu sẽ được giữ vĩnh viễn chỉ khi họ chứng tỏ trung thành cho đến chết (Khải 3:5). Tên của những người được sống trên đất sẽ được lưu giữ mãi mãi khi họ vượt qua thử thách cuối cùng vào cuối thời kỳ một ngàn năm.—Khải 20:7, 8.
Bài học cho chúng ta:
17:3, 5, 7, 16. “Sự khôn-ngoan từ trên” giúp chúng ta hiểu “sự mầu-nhiệm của người đàn-bà cùng của con thú [sắc đỏ sậm] chở nó” (Gia 3:17). Con thú tượng trưng này lúc đầu là Hội Quốc Liên, về sau được thay bằng Liên Hiệp Quốc. Chẳng phải hiểu được lẽ mầu nhiệm này thúc đẩy chúng ta sốt sắng rao giảng tin mừng Nước Trời và công bố ngày phán xét của Đức Giê-hô-va sao?
21:1-6. Chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc những ân phước đã được báo trước về sự cai trị của Nước Trời sẽ trở thành hiện thực. Tại sao? Vì về điều này, Đức Giê-hô-va phán: “Xong rồi!”, hay hoàn tất rồi.
22:1, 17. “Sông nước sự sống” tượng trưng cho những sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm giải thoát những người biết vâng lời khỏi tội lỗi và sự chết. Một phần của nước này đã có ngày nay. Mong sao chúng ta không chỉ biết ơn nhận lời mời đến và “lấy nước sự sống cách nhưng không” mà còn sốt sắng chia sẻ nước này với người khác!
[Chú thích]
a Về Khải-huyền 1:1–12:17, xin xem “Những điểm nổi bật trong sách Khải-huyền—Phần I” trong Tháp Canh ngày 15-1-2009.
b Để tìm hiểu từng câu trong sách Khải-huyền, xin xem sách Revelation—Its Grand Climax At Hand! (Khải-huyền gần đến cực điểm vinh quang!).
[Hình nơi trang 5]
Dưới sự cai trị của Nước Trời, những người biết vâng lời sẽ nhận được ân phước tuyệt diệu biết bao!