“Ta đã làm gương cho các ngươi”
“Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi”.—HÊ-BƠ-RƠ 5:12.
1. Tại sao những lời trong Hê-bơ-rơ 5:12 tất nhiên khiến cho tín đồ Đấng Christ cảm thấy lo lắng phần nào?
KHI bạn đọc những lời được soi dẫn trong câu Kinh Thánh chủ đề này, bạn có cảm thấy lo lắng phần nào về chính mình không? Nếu có, thì không phải chỉ riêng bạn mới cảm thấy như vậy. Làm môn đồ của Đấng Christ, chúng ta biết rằng mình phải là thầy dạy. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Chúng ta biết rằng thời kỳ mình đang sống khiến cho việc dạy dỗ hữu hiệu là điều khẩn cấp. Và chúng ta biết rằng sự dạy dỗ của chúng ta có thể là vấn đề sinh tử cho những người mà chúng ta dạy! (1 Ti-mô-thê 4:16) Thế thì tất nhiên chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có thật sự là người dạy hữu hiệu không? Làm sao tôi có thể cải tiến?’
2, 3. (a) Một nhà giáo đã giải thích nền tảng của sự dạy dỗ tốt như thế nào? (b) Chúa Giê-su nêu gương nào cho chúng ta về việc dạy dỗ?
2 Chúng ta không nên để những lo lắng đó làm mình nản lòng. Nếu nghĩ rằng sự dạy dỗ hoàn toàn là một số phương pháp kỹ thuật nào đó, thì chúng ta có thể cảm thấy choáng ngợp khi phải cải tiến. Nhưng nền tảng của sự dạy dỗ tốt không phải là phương pháp mà là một điều quan trọng hơn. Hãy lưu ý một nhà giáo kinh nghiệm đã viết trong một cuốn sách về đề tài này: “Dạy tốt không phải là vấn đề phương pháp hay cách dạy, hoạch định hay hành động cụ thể... Dạy dỗ chủ yếu là vấn đề yêu thương”. Dĩ nhiên ông có quan điểm của một nhà giáo ngoài đời. Nhưng điểm ông nói còn có thể thích hợp hơn nữa cho sự dạy dỗ của chúng ta với tư cách là tín đồ Đấng Christ. Như thế nào?
3 Thầy dạy dỗ gương mẫu của chúng ta không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ, ngài phán với các môn đồ: “Ta đã làm gương cho các ngươi”. (Giăng 13:15) Ngài ám chỉ đến gương của ngài về việc tỏ sự khiêm nhường, nhưng gương mẫu Chúa Giê-su nêu cho chúng ta chắc chắn bao gồm công việc chính của ngài khi còn trên đất—đó là dạy dỗ người ta tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. (Lu-ca 4:43) Bây giờ, nếu phải chọn một từ miêu tả đặc điểm của thánh chức Chúa Giê-su, chẳng phải bạn sẽ chọn từ “yêu thương” hay sao? (Cô-lô-se 1:15; 1 Giăng 4:8) Tình yêu thương của Chúa Giê-su đối với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, là tối quan trọng. (Giăng 14:31) Tuy nhiên, với tư cách là thầy dạy, Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu thương trong hai cách khác nữa. Ngài yêu mến lẽ thật ngài dạy, và ngài yêu thương những người ngài dạy. Chúng ta hãy chăm chú tập trung vào hai khía cạnh này nơi tấm gương ngài để lại cho chúng ta.
Một sự yêu mến lâu dài đối với lẽ thật của Đức Chúa Trời
4. Chúa Giê-su đã tập yêu mến những sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va như thế nào?
4 Thái độ của người dạy đối với người học liên quan khá nhiều đến phẩm chất dạy dỗ. Bất cứ sự thờ ơ nào cũng sẽ lộ ra và truyền qua cho những người học. Chúa Giê-su không lãnh đạm đối với những lẽ thật quý giá ngài dạy về Đức Giê-hô-va và Nước Đức Chúa Trời. Ngài thiết tha yêu mến đề tài này. Ngài đã học để có được lòng yêu mến ấy. Trong thật nhiều năm trước khi xuống thế gian, con độc sanh của Đức Chúa Trời là một người ham học. Ê-sai 50:4, 5 ghi lại những lời thích hợp này: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy-dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học-trò vậy. Thật, Chúa Giê-hô-va đã mở tai ta, ta không trái-nghịch, cũng không giựt-lùi”.
5, 6. (a) Chúa Giê-su đã trải qua kinh nghiệm nào vào lúc báp têm, điều đó có tác động gì đến ngài? (b) Về việc dùng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta thấy có sự trái ngược nào giữa Chúa Giê-su và Sa-tan?
5 Trong thời gian lớn lên trên đất, Chúa Giê-su tiếp tục yêu mến sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. (Lu-ca 2:52) Rồi vào lúc báp têm, ngài đã trải qua một kinh nghiệm có một không hai. Lu-ca 3:21 nói: “Trời mở ra”. Chắc hẳn lúc ấy Chúa Giê-su có thể nhớ lại mọi việc trước khi xuống thế làm người. Sau đó ngài kiêng ăn 40 ngày trong đồng vắng. Chắc rằng ngài đã vui mừng tột độ khi suy ngẫm về nhiều dịp trên trời ngài nhận được sự chỉ dạy của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, lòng yêu mến của ngài đối với lẽ thật của Đức Chúa Trời đã bị thử thách.
6 Khi Chúa Giê-su mệt và đói, Sa-tan đã cố tìm cách cám dỗ ngài. Quả là một sự trái ngược chúng ta thấy giữa hai người con này của Đức Chúa Trời! Cả hai đều trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ—nhưng với tinh thần hoàn toàn khác hẳn. Sa-tan xuyên tạc Lời Đức Chúa Trời, dùng Lời ấy một cách bất kính cho mục tiêu ích kỷ của hắn. Thật vậy, kẻ phản nghịch đó đã khinh bỉ lẽ thật của Đức Chúa Trời. Trái lại, Chúa Giê-su tỏ lòng yêu mến rõ rệt khi trích dẫn Kinh Thánh, cẩn thận dùng Lời Đức Chúa Trời trong mỗi lời đáp lại. Chúa Giê-su đã hiện hữu rất lâu trước khi những lời ấy được viết, nhưng ngài vẫn tôn trọng. Đó là những lẽ thật quý giá đến từ Cha trên trời! Ngài nói với Sa-tan rằng những lời của Đức Giê-hô-va quan trọng hơn đồ ăn. (Ma-thi-ơ 4:1-11) Đúng vậy, Chúa Giê-su yêu mến mọi lẽ thật mà Đức Giê-hô-va đã dạy ngài. Nhưng làm sao ngài bày tỏ lòng yêu mến đó với tư cách là một thầy dạy?
Yêu mến những lẽ thật ngài dạy
7. Tại sao Chúa Giê-su không tìm cách dạy theo ý riêng?
7 Người ta luôn thấy rõ Chúa Giê-su yêu mến những lẽ thật ngài dạy. Nói cho cùng, rất dễ cho ngài có ý kiến riêng vì ngài có sự hiểu biết và khôn ngoan vô kể. (Cô-lô-se 2:3) Tuy nhiên, nhiều lần ngài nhắc nhở những người nghe rằng những điều ngài dạy không phải đến từ chính ngài mà đến từ Cha trên trời. (Giăng 7:16; 8:28; 12:49; 14:10) Ngài yêu mến những lẽ thật của Đức Chúa Trời nhiều đến độ không thể thay thế bằng những suy nghĩ riêng.
8. Khi bắt đầu thánh chức, Chúa Giê-su đã nêu gương trong việc dựa vào Lời Đức Chúa Trời như thế nào?
8 Khi bắt đầu thánh chức rao giảng, Chúa Giê-su đã nêu gương ngay. Hãy xem cách ngài lần đầu tuyên bố cho dân của Đức Chúa Trời biết ngài là Đấng Mê-si đã hứa. Có phải ngài chỉ xuất hiện trước đám đông, tuyên bố mình là Đấng Christ, và rồi làm những phép lạ đáng chú ý để chứng tỏ những lời ngài nói không? Không. Ngài đến nhà hội, nơi dân Đức Chúa Trời thường có thói quen đọc Kinh Thánh. Tại đó ngài đọc lớn tiếng lời tiên tri nơi Ê-sai 61:1, 2 và giải thích rằng những lẽ thật đã được tiên tri này áp dụng cho mình. (Lu-ca 4:16-22) Các phép lạ của ngài đã giúp cho thấy ngài được sự ủng hộ của Đức Giê-hô-va. Dù vậy, ngài luôn luôn dựa vào Lời Đức Chúa Trời khi dạy dỗ.
9. Khi tiếp xúc với người Pha-ri-si, Chúa Giê-su đã biểu lộ lòng yêu thương trung tín đối với Lời Đức Chúa Trời như thế nào?
9 Khi bị những kẻ thù tôn giáo thách đố, Chúa Giê-su không đọ trí so tài với họ dù ngài có thể dễ dàng thắng họ. Nhưng ngài dùng Lời Đức Chúa Trời để bắt bẻ họ. Chẳng hạn bạn còn nhớ khi những người Pha-ri-si buộc tội môn đồ của Chúa Giê-su đã vi phạm luật ngày Sa-bát bằng cách bứt bông lúa ăn trong khi đi ngang qua một cánh đồng. Chúa Giê-su đáp: “Chuyện vua Đa-vít đã làm trong khi vua với kẻ đi theo bị đói, các ngươi há chưa đọc đến sao?” (Ma-thi-ơ 12:1-5) Dĩ nhiên những người tự cho là công bình đó hẳn đã đọc lời tường thuật được soi dẫn ghi nơi 1 Sa-mu-ên 21:1-6. Nếu thế thì họ đã không nhận thấy bài học quan trọng trong đó. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không chỉ đọc lời tường thuật đó mà còn làm hơn nữa. Ngài đã suy nghĩ đến ý nghĩa lời ấy và để vào lòng. Ngài yêu mến những nguyên tắc mà Đức Giê-hô-va đã dạy qua đoạn đó. Vì vậy ngài dùng lời tường thuật đó, cũng như một thí dụ trong Luật Pháp Môi-se, để nêu ra tinh thần thăng bằng của Luật Pháp. Tương tự như thế, tình yêu thương trung tín của Chúa Giê-su đã khiến ngài bênh vực Lời Đức Chúa Trời trước những nỗ lực của các nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm xuyên tạc Lời đó hầu làm lợi cho mình hoặc che lấp nó trong bãi lầy của các truyền thống loài người.
10. Chúa Giê-su làm ứng nghiệm những lời tiên tri nói về phẩm chất dạy dỗ của ngài như thế nào?
10 Vì yêu mến những điều ngài dạy, Chúa Giê-su không bao giờ dạy bằng cách lặp lại như vẹt, với vẻ chán chường hoặc máy móc. Những lời tiên tri được soi dẫn cho thấy Đấng Mê-si nói với “ân-điển tràn ra môi Ngài”, dùng những “lời văn-hoa”. (Thi-thiên 45:2; Sáng-thế Ký 49:21) Chúa Giê-su làm ứng nghiệm những lời tiên tri ấy bằng cách làm cho thông điệp mình hấp dẫn và sống động, dùng “các lời đầy ơn lành” khi dạy dỗ lẽ thật mà ngài thật yêu mến. (Lu-ca 4:22) Chắc chắn nét mặt ngài biểu lộ sự nhiệt thành, ánh mắt ngài sáng ngời vẻ thích thú linh động về đề tài của mình. Thật là vui thích khi được nghe ngài, và quả là một gương tốt cho chúng ta noi theo khi nói với người khác những điều mình học được!
11. Tại sao khả năng dạy giỏi không bao giờ khiến cho Chúa Giê-su lên mình kiêu ngạo?
11 Việc Chúa Giê-su hiểu rộng về những lẽ thật của Đức Chúa Trời và nói những lời hấp dẫn có làm cho ngài lên mình kiêu ngạo không? Trường hợp này thường xảy ra với thầy giáo loài người. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Chúa Giê-su khôn ngoan theo cách của Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan đó ngăn cản một người trở nên kiêu ngạo, vì “sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”. (Châm-ngôn 11:2) Còn có một điều khác khiến cho Chúa Giê-su không kiêu ngạo hoặc tự cao.
Chúa Giê-su yêu thương những người ngài dạy
12. Chúa Giê-su làm gì để cho thấy ngài không muốn các môn đồ sợ mình?
12 Tình yêu thương sâu đậm của Chúa Giê-su dành cho dân chúng luôn luôn biểu lộ trong sự dạy dỗ của ngài. Sự dạy dỗ của ngài không bao giờ làm người khác cảm thấy thấp kém, sợ sệt, không giống như cách của những người kiêu ngạo. (Truyền-đạo 8:9) Sau khi chứng kiến một phép lạ của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ tràn đầy kinh ngạc và quì xuống chân Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su không muốn các môn đồ khiếp sợ mình. Ngài nhân từ nói: “Đừng sợ chi”, và rồi nói cho Phi-e-rơ biết về công việc đào tạo môn đồ đầy phấn khởi mà ông sẽ có phần tham gia. (Lu-ca 5:8-10) Chúa Giê-su muốn các môn đồ được thúc đẩy bởi chính lòng yêu thương của họ đối với lẽ thật quý giá về Đức Chúa Trời chứ không phải vì sợ người giảng dạy họ.
13, 14. Chúa Giê-su bày tỏ tính đồng cảm cho người khác qua những cách nào?
13 Chúa Giê-su yêu thương những người ngài dạy được thấy rõ qua việc ngài biểu lộ sự đồng cảm với họ. “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Ngài thương xót cho tình trạng đáng tội nghiệp của họ và đã động lòng giúp họ.
14 Hãy lưu ý tính đồng cảm của Chúa Giê-su trong một dịp khác. Khi một người đàn bà bị mất huyết đến gần ngài giữa đám đông và sờ gấu áo ngài, bà đã được chữa lành một cách kỳ diệu. Chúa Giê-su cảm thấy sức mạnh ra khỏi mình nhưng không thấy người được chữa lành. Ngài nhất định tìm ra người đàn bà đó. Tại sao? Không phải để mắng bà vì đã vi phạm Luật Pháp hoặc những quy luật của người Pha-ri-si và thầy thông giáo, là điều mà chắc bà đã sợ. Thay vì thế, ngài nói với bà: “Hỡi con gái ta, đức-tin con đã cứu con; hãy đi cho bình-an và được lành bịnh”. (Mác 5:25-34) Hãy chú ý những lời đầy thương xót ở đây. Trong tiếng gốc, ngài không chỉ nói “hãy lành bịnh” mà “hãy khỏi hẳn cơn bệnh trầm trọng của con”. Ở đây Mác dùng từ có thể theo nghĩa đen là “đánh bằng roi”, một hình thức trừng phạt thường dùng khi tra tấn. Qua câu đó, Chúa Giê-su nhận biết rằng cơn bệnh đã làm bà đau đớn nhiều, có lẽ về mặt thể xác và tình cảm. Ngài thương xót bà.
15, 16. Những trường hợp nào trong thánh chức của Chúa Giê-su cho thấy rằng ngài tìm điểm tốt của người ta?
15 Chúa Giê-su cũng bày tỏ tình yêu thương người khác bằng cách tìm những điểm tốt của họ. Hãy xem xét những gì xảy ra khi ngài gặp Na-tha-na-ên, người sau này trở thành một sứ đồ. “Đức Chúa Jêsus thấy Na-tha-na-ên đến cùng mình, bèn phán về người rằng: Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối-trá chi hết”. Nhờ có quyền phép kỳ diệu, Chúa Giê-su đã nhìn thấu vào lòng của Na-tha-na-ên, do đó biết rõ về ông. Dĩ nhiên Na-tha-na-ên không phải là người hoàn toàn. Ông lầm lỗi cũng như tất cả chúng ta. Thật vậy, khi nghe về Chúa Giê-su, ông đã nói thẳng thừng: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:45-51) Tuy nhiên, trong tất cả những gì có thể nói về Na-tha-na-ên, Chúa Giê-su đã chọn nói về điểm tích cực: tính chân thật của ông.
16 Tương tự như thế khi một thầy đội—có lẽ là người ngoại, người La Mã—đến hỏi xin Chúa Giê-su chữa lành người đầy tớ đang bệnh của ông, Chúa Giê-su biết rằng người lính này có nhiều tội lỗi. Thầy đội trong thời đó chắc hẳn có vô số hành động bạo ngược, làm đổ máu cũng như thờ phượng sai lầm. Nhưng Chúa Giê-su nhắm vào điểm tốt—đức tin nổi bật của ông. (Ma-thi-ơ 8:5-13) Sau đó, khi nói chuyện với một kẻ ác đang bị treo trên cây khổ hình cạnh ngài, Chúa Giê-su đã không quở trách người vì hành động gian ác trong quá khứ nhưng khuyến khích hắn bằng một hy vọng trong tương lai. (Lu-ca 23:43) Chúa Giê-su biết rõ rằng quan điểm tiêu cực, chỉ trích người khác chỉ làm người ta nản lòng. Chắc chắn nỗ lực của ngài tìm những điểm tốt nơi người khác đã khiến nhiều người cải thiện.
Sẵn sàng phục vụ người khác
17, 18. Khi nhận sứ mệnh đến trái đất, Chúa Giê-su cho thấy ngài sẵn sàng phục vụ người khác như thế nào?
17 Một bằng cớ mạnh mẽ cho thấy Chúa Giê-su yêu thương những người ngài dạy là việc ngài sẵn sàng phục vụ họ. Trong đời sống trước khi xuống thế, con của Đức Chúa Trời đã luôn yêu mến loài người. (Châm-ngôn 8:30, 31) Là “Ngôi-Lời” hoặc phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su có thể đã có nhiều dịp tiếp xúc với loài người. (Giăng 1:1) Tuy nhiên, một trong những lý do ngài đến trái đất là để trực tiếp dạy dỗ nhân loại, “chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ”, từ bỏ ngôi vị cao trọng trên trời. (Phi-líp 2:7; 2 Cô-rinh-tô 8:9) Khi ở trên đất, Chúa Giê-su đã không muốn được người ta hầu hạ phục vụ mình. Ngược lại, ngài nói: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Chúa Giê-su đã sống đúng theo những lời này.
18 Chúa Giê-su khiêm nhường phục vụ nhu cầu của những người ngài dạy, sẵn sàng quên mình vì họ. Ngài đi lại bằng đường bộ hằng trăm cây số trên Đất Hứa để rao giảng và cố gặp càng nhiều người càng tốt. Không giống như những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo kiêu hãnh, ngài vẫn khiêm nhường và dễ gần. Mọi thành phần—người quyền cao chức trọng, quân lính, thầy luật, đàn bà, trẻ con, người nghèo, bệnh và ngay cả những người bị xã hội ruồng bỏ—đều sốt sắng đến với ngài, không sợ hãi. Dù hoàn toàn, Chúa Giê-su là người cũng bị mệt và đói. Tuy nhiên, ngay dù mệt mỏi và cần nghỉ ngơi hoặc cần thì giờ yên tịnh để cầu nguyện, ngài cũng đặt nhu cầu người khác lên trên nhu cầu của chính mình.—Mác 1:35-39.
19. Chúa Giê-su đã làm gương như thế nào về cách cư xử khiêm nhường, kiên nhẫn và nhân từ với các môn đồ?
19 Chúa Giê-su cũng sẵn sàng hầu việc các môn đồ. Ngài làm thế bằng cách nhân từ và kiên nhẫn dạy dỗ họ. Khi họ chậm hiểu một bài học quan trọng nào đó, ngài không bỏ cuộc, nổi nóng hoặc nhiếc móc họ. Ngài tiếp tục tìm cách khác dạy cho họ hiểu. Thí dụ, hãy nghĩ đến việc bao lần các môn đồ gây gỗ nhau để xem ai lớn hơn hết trong vòng họ. Nhiều lần cho tới ngay cả trong đêm trước khi bị hành quyết, Chúa Giê-su cũng tìm những cách mới để dạy họ cư xử khiêm nhường với nhau. Trong vấn đề khiêm nhường này, như trong những vấn đề khác, Chúa Giê-su có thể chính đáng nói: “Ta đã làm gương cho các ngươi”.—Giăng 13:5-15; Ma-thi-ơ 20:25; Mác 9:34-37.
20. Phương pháp dạy dỗ nào đã khiến Chúa Giê-su khác với người Pha-ri-si, và tại sao phương pháp đó hữu hiệu?
20 Hãy chú ý rằng Chúa Giê-su không chỉ nói với các môn đồ gương mẫu là gì mà ngài còn “làm gương” cho họ. Ngài dạy họ bằng gương mẫu. Ngài không nói với họ bằng giọng kẻ cả, như thể xem mình quá cao trọng để làm công việc ngài sai bảo họ làm. Đó là cách của những người Pha-ri-si. Chúa Giê-su nói về họ: “Họ nói mà không làm”. (Ma-thi-ơ 23:3) Chúa Giê-su khiêm nhường cho những người học nơi ngài thấy chính xác ý nghĩa những điều ngài dạy bằng cách sống theo và thực hành những điều ấy. Vì vậy, khi ngài khuyến khích các môn đồ sống một đời sống đơn giản, không chạy theo chủ nghĩa vật chất, họ không cần phải đoán ngài muốn nói gì. Họ có thể thấy sự thật của lời ngài: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu”. (Ma-thi-ơ 8:20) Chúa Giê-su hầu việc các môn đồ bằng cách khiêm nhường làm gương cho họ.
21. Bài tới sẽ xem xét điều gì?
21 Không nghi ngờ gì cả, Chúa Giê-su là Thầy dạy dỗ vĩ đại đã từng sống trên đất! Những người chân thật đã thấy và nghe ngài nhận rõ tình yêu thương ngài dành cho những người và những điều ngài dạy. Điều đó cũng rõ ràng cho những người trong chúng ta ngày nay học hỏi về gương mẫu mà ngài đã nêu. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể theo gương mẫu hoàn toàn của Đấng Christ? Bài tới sẽ bàn về câu hỏi này.
Bạn trả lời thế nào?
• Nền tảng của sự dạy dỗ tốt là gì, và ai đã nêu gương?
• Chúa Giê-su biểu lộ lòng yêu mến lẽ thật ngài dạy bằng những cách nào?
• Chúa Giê-su cho thấy ngài yêu những người ngài dạy như thế nào?
• Những trường hợp nào cho thấy Chúa Giê-su khiêm nhường sẵn sàng phục vụ những người ngài dạy?
[Hình nơi trang 12]
Chúa Giê-su chứng tỏ ngài yêu mến những nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời như thế nào?