Hãy đứng vững trong sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho!
“Đấng Christ đã buông-tha [giải thoát] chúng ta cho được tự-do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi-mọi nữa” (GA-LA-TI 5:1).
1, 2. Sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho đã bị mất đi như thế nào?
DÂN SỰ của Đức Giê-hô-va được tự do. Nhưng họ không tìm kiếm sự độc lập tách rời khỏi Đức Chúa Trời, bởi vì như thế có nghĩa là làm nô lệ cho Sa-tan. Họ quí chuộng mối liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va và vui mừng trong sự tự do mà Ngài ban cho họ.
2 Thủy tổ của chúng ta là A-đam và Ê-va đã đánh mất sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho họ vì phạm tội và trở thành nô lệ cho tội lỗi, sự chết và Ma-quỉ (Sáng-thế Ký 3:1-19; Rô-ma 5:12). Thế là Sa-tan đã đưa toàn thể thế gian vào con đường tội lỗi dẫn đến sự hủy diệt! Nhưng những ai đứng vững trong sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho thì bước trên con đường dẫn đến sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 7:13, 14; I Giăng 5:19).
Tự do khỏi sự nô lệ
3. Đức Chúa Trời nêu ra hy vọng nào trong vườn Ê-đen?
3 Đức Giê-hô-va có ý định cho những ai tôn vinh danh Ngài sẽ được giải cứu khỏi vòng nô lệ cho Sa-tan, tội lỗi và sự chết. Đức Chúa Trời nêu ra hy vọng đó khi Ngài nói với con rắn mà Sa-tan đã dùng trong vườn Ê-đen: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Sáng-thế Ký 3:14, 15). Giê-su Christ là dòng dõi thuộc tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va bị cắn gót khi ngài chết trên cây khổ hình, nhưng nhờ vậy mà Đức Chúa Trời đã cung cấp một sự hy sinh làm giá chuộc để giải cứu những người có đức tin để họ thoát khỏi tội lỗi và sự chết (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16). Đến kỳ hạn, Chúa Giê-su sẽ giày đạp đầu Sa-tan, con Rắn xưa (Khải-huyền 12:9).
4. Áp-ra-ham vui hưởng sự tự do nào, và Đức Giê-hô-va hứa cho ông điều gì?
4 Khoảng 2.000 năm sau lời hứa trong vườn Ê-đen, Áp-ra-ham, là “bạn Đức Chúa Trời”, vâng lời Ngài và rời khỏi thành U-rơ để đi nơi khác (Gia-cơ 2:23; Hê-bơ-rơ 11:8). Bởi vậy ông nhận được sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho và không còn phải sống dưới ách nô lệ của thế gian theo Sa-tan, gồm tôn giáo giả, chính trị tham nhũng và thương mại tham lam. Thêm vào lời tiên tri trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời còn hứa là tất cả các gia đình và các nước sẽ nhờ Áp-ra-ham và Dòng dõi của ông mà được ban phước (Sáng-thế Ký 12:3; 22:17, 18). Áp-ra-ham không bị kết án, bởi vì ông “tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công-bình cho người” (Sáng-thế Ký 15:6). Ngày nay, một mối liên lạc mật thiết với Đức Chúa Trời cũng đem lại sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho, tránh khỏi án phạt và ách nô lệ của thế gian nằm dưới quyền Sa-tan.
Một vở kịch tượng trưng lý thú
5. Y-sác sanh ra trong hoàn cảnh nào?
5 Hầu cho Áp-ra-ham có con nối dõi, vợ ông là Sa-ra lúc đó không thể sanh con được nên đưa nàng hầu của mình là A-ga cho Áp-ra-ham để bà ấy sanh con hộ. A-ga sanh cho ông Ích-ma-ên, nhưng Đức Chúa Trời không chọn Ích-ma-ên làm Dòng dõi đã hứa. Thay vì thế, khi Áp-ra-ham 100 tuổi và Sa-ra 90 tuổi, Đức Giê-hô-va làm cho họ có được một con trai tên là Y-sác. Khi Ích-ma-ên chế nhạo Y-sác, A-ga và con trai của bà bị đuổi ra khỏi nhà, khiến không ai chối cãi con trai của Áp-ra-ham sanh ra bởi người nữ tự do Sa-ra là dòng dõi của Áp-ra-ham. Giống như Áp-ra-ham, Y-sác cũng có đức tin và vui hưởng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho (Sáng-thế Ký 16:1-16; 21:1-21; 25:5-11).
6, 7. Các giáo sư giả thuyết phục một số tín đồ đấng Christ tại Ga-la-ti tin gì, nhưng Phao-lô giải thích gì?
6 Các biến cố này là hình bóng của những việc rất quan trọng đối với những người yêu chuộng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho. Sứ đồ Phao-lô viết điều này trong lá thư gửi cho các hội-thánh miền Ga-la-ti khoảng năm 50 đến 52 công nguyên. Dạo đó, hội đồng lãnh đạo trung ương đã ra chỉ thị là tín đồ đấng Christ khỏi phải chịu phép cắt bì. Nhưng các giáo sư giả thuyết phục một số tín đồ miền Ga-la-ti tin rằng phép cắt bì là một khía cạnh trọng yếu của đạo thật đấng Christ.
7 Phao-lô nói với người Ga-la-ti: Một người được xưng công bình qua đức tin nơi đấng Christ, chứ không phải qua việc làm theo Luật pháp Môi-se (1:1 đến 3:14 Ga 1:1–3:14). Luật pháp đó không hủy bỏ lời hứa liên quan đến giao ước Áp-ra-ham, nhưng để biểu lộ rõ ràng các sự phạm pháp và giúp ích như một thầy giáo dẫn người ta đến đấng Christ (3:15-25 Ga 3:15-25). Bởi sự chết của ngài, Chúa Giê-su giải cứu những ai ở dưới Luật pháp khiến họ trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Bởi vậy, sự kiện quay trở lại giữ ngày, tháng, mùa và năm có nghĩa là trở lại làm nô lệ (4:1-20 Ga 4:1-20). Rồi Phao-lô viết:
8, 9. a) Xin dùng lời lẽ của chính mình để giải thích vắn tắt điều mà Phao-lô nói nơi Ga-la-ti 4:21-26. b) Trong vở kịch tượng trưng này, Áp-ra-ham và Sa-ra tượng trưng cho ai hoặc cái gì, và Dòng dõi được hứa là ai?
8 “Hãy nói cho tôi, anh em là kẻ ưa phục dưới luật-pháp, há không nghe luật-pháp sao? Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: một [Ích-ma-ên] là con của người nữ tôi-mọi [A-ga], một [Y-sác] là con của người nữ tự-chủ [Sa-ra]. Nhưng con của người nữ tôi-mọi sanh ra theo xác-thịt, con của người nữ tự-chủ sanh ra theo lời hứa. Cả điều đó có một nghĩa bóng: hai người nữ đó tức là hai lời giao-ước, một [giao ước Luật pháp] là lời giao-ước tại núi Si-na-i [nơi Đức Chúa Trời lập giao ước với người Y-sơ-ra-ên], sanh con ra để làm tôi-mọi, ấy là nàng A-ga. [Giao ước kia là giao ước lập với Áp-ra-ham về Dòng dõi của ông]. Vả, A-ga, ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con-cái mình [con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp] đều làm tôi-mọi. Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự-do, và ấy là mẹ chúng ta” (Ga-la-ti 4:21-26).
9 Trong vở kịch tượng trưng này, Áp-ra-ham tiêu biểu cho Đức Giê-hô-va. “Người nữ tự-chủ” là Sa-ra tiêu biểu cho “người nữ” của Đức Chúa Trời, hay tổ chức thánh hoàn vũ của Ngài. Đấng Christ ra từ tổ chức này, ngài là Dòng dõi của người nữ tượng trưng và của Áp-ra-ham Lớn (Ga-la-ti 3:16). Để chỉ cho dân chúng thấy con đường dẫn đến sự giải cứu khỏi sự thờ phượng ô uế, tội lỗi và Sa-tan, Chúa Giê-su dạy lẽ thật và vạch trần tôn giáo giả, nhưng Giê-ru-sa-lem và con con cái của thành này vẫn còn ở trong vòng nô lệ tôn giáo vì đã từ bỏ ngài (Ma-thi-ơ 23:37, 38). Những môn đồ người Do-thái của Chúa Giê-su được giải cứu khỏi luật pháp. Luật pháp để lộ ra việc họ làm nô lệ cho sự bất toàn, tội lỗi và sự chết. Tất cả những người nào chấp nhận Giê-su là đấng ra từ “người nữ” của Đức Chúa Trời để làm Vua Mê-si và làm đấng Giải cứu “rao cho kẻ phu-tù được tự-do” thì thật sự được tự do! (Ê-sai 61:1, 2; Lu-ca 4:18, 19).
Tránh ách nô lệ
10, 11. Đấng Christ giải cứu các môn đồ khỏi ách nô lệ nào, và ngày nay người ta có thể đưa ra một sự tương đương nào?
10 Phao-lô nói với những người cùng với Y-sác Lớn là đấng Christ hợp thành dòng dõi của Áp-ra-ham: “Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự-do, và ấy là mẹ chúng ta... Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa. Nhưng, như bấy giờ, kẻ sanh ra theo xác-thịt [Ích-ma-ên] bắt-bớ kẻ sanh ra theo Thánh-Linh [Y-sác], thì hiện nay cũng còn là thể ấy... Chúng ta chẳng phải là con-cái của người nữ tôi-mọi, bèn là con-cái của người nữ tự-chủ. Đấng Christ đã buông-tha chúng ta cho được tự-do [khỏi Luật pháp]; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi-mọi nữa” (Ga-la-ti 4:26 đến 5:1).
11 Bất cứ môn đồ nào của Giê-su nếu phục tùng Luật pháp ắt đã bị giữ dưới ách nô lệ. Tôn giáo giả hiện là một cái ách nô lệ, và giáo hội tự xưng theo đấng Christ tương đương với thành Giê-ru-sa-lem thuở xưa và con cái của thành đó. Nhưng những người được xức dầu là con cái thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao, tức tổ chức tự do của Đức Chúa Trời ở trên trời. Họ và những người khác cùng đức tin nhưng có hy vọng sống trên đất đều không thuộc về thế gian này và không làm nô lệ cho Sa-tan (Giăng 14:30; 15:19; 17:14, 16). Chúng ta được giải cứu nhờ lẽ thật và sự hy sinh của Chúa Giê-su, vậy hãy đứng vững trong sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho.
Quyết định ủng hộ sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho
12. Những người tin đạo làm theo đường lối nào, và bây giờ chúng ta thảo luận về điều gì?
12 Hàng triệu người hiện vui hưởng sự tự do với tư cách Nhân-chứng Giê-hô-va. Hàng triệu người khác đang học hỏi Kinh-thánh. Nhiều người trong số đó “được định sẵn [có tâm tình đúng] cho sự sống đời đời”. Khi trở thành những người tin đạo, họ sẽ quyết định ủng hộ sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho bằng cách làm báp têm (Công-vụ các Sứ-đồ 13:48; 18:8). Nhưng trước khi làm báp têm theo đạo đấng Christ, người ta cần phải sửa soạn làm những bước nào?
13. Giữa sự hiểu biết và phép báp têm có sự quan hệ nào?
13 Trước khi làm báp têm, một người phải thâu thập và hành động theo sự hiểu biết chính xác về Kinh-thánh (Ê-phê-sô 4:13). Bởi vậy, Giê-su nói với môn đồ: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
14. Làm báp têm nhân danh Cha, Con và thánh linh đòi hỏi sự hiểu biết nào?
14 Làm báp têm nhân danh Cha có nghĩa là nhìn nhận địa vị và thẩm quyền của Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo hóa, và là Đấng Thống trị Hoàn vũ (Sáng-thế Ký 17:1; II Các Vua 19:15; Khải-huyền 4:11). Làm báp têm nhân danh Con đòi hỏi nhìn nhận địa vị và thẩm quyền của đấng Christ như là một tạo vật thần linh được tôn lên cao, Vua Mê-si và đấng được Đức Chúa Trời dùng để cung cấp “giá chuộc mọi người” (I Ti-mô-thê 2:5, 6; Đa-ni-ên 7:13, 14; Phi-líp 2:9-11). Một người làm báp têm nhân danh thánh linh hiểu rằng thánh linh là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời được Đức Giê-hô-va dùng trong sự sáng tạo và để soi dẫn những người viết Kinh-thánh cũng như trong nhiều cách khác nữa (Sáng-thế Ký 1:2; II Phi-e-rơ 1:21). Dĩ nhiên, còn rất nhiều điều để chúng ta học về Đức Chúa Trời, đấng Christ và thánh linh.
15. Tại sao một người cần phải thực hành đức tin trước khi làm báp têm?
15 Trước khi làm báp têm, một người phải thực hành đức tin dựa trên sự hiểu biết chính xác. “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý [Đức Giê-hô-va]” (Hê-bơ-rơ 11:6). Người nào thực hành đức tin nơi Đức Chúa Trời, đấng Christ và ý định của Đức Chúa Trời nhất định sẽ muốn làm Nhân-chứng Giê-hô-va, sống phù hợp với Lời Đức Chúa Trời và tham gia rao giảng tin mừng. Người đó sẽ nói về sự vinh hiển của vương quyền Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 145:10-13; Ma-thi-ơ 24:14).
16. Sự ăn năn là gì, và có liên hệ gì với phép báp têm của tín đồ đấng Christ?
16 Sự ăn năn là một điều kiện tiên quyết khác để được làm báp têm. Ăn năn có nghĩa là “đổi ý của mình về hành động (hay hạnh kiểm) đã làm (hay định làm) vì hối tiếc hoặc không hài lòng”, hay “cảm thấy nuối tiếc, hối lỗi hoặc ân hận về điều mình đã làm hay đã không làm”. Những người Do-thái trong thế kỷ thứ nhất cần phải ăn năn về tội lỗi nghịch cùng Giê-su Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 3:11-26). Một số người tin đạo tại thành Cô-rinh-tô đã ăn năn về tội tà dâm, thờ hình tượng, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cắp, tham lam, say sưa, chưởi rủa và tống tiền. Thành thử họ đã được “rửa sạch” trong huyết của Chúa Giê-su, được “nên thánh” với tư cách những người được biệt riêng ra để phụng sự Đức Giê-hô-va và được “xưng công-bình” nhân danh Giê-su Christ và với thánh linh của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Vậy sự ăn năn là một bước tiến tới việc có một lương tâm trong sạch và sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho nhờ đó một người khỏi cảm thấy bị tội lỗi dày vò (I Phi-e-rơ 3:21).
17. Cải đạo có nghĩa gì và đòi hỏi điều gì nơi người dự định làm báp têm?
17 Một người cũng cần phải cải đạo trước khi được làm báp têm trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va. Sự cải đạo của một người ăn năn xảy ra sau khi người đó từ bỏ đường lối sai lầm và cương quyết làm những gì đúng. Các động từ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp liên quan đến sự cải đạo có nghĩa là “quay trở lại, đi ngược lại đường cũ, hoặc quanh lại”. Khi được áp dụng theo đúng nghĩa thiêng liêng, điều này nói đến việc từ một con đường sai lầm quay về cùng Đức Chúa Trời (I Các Vua 8:33, 34). Cải đạo đòi hỏi “làm công-việc xứng-đáng với sự ăn-năn”, có nghĩa là chúng ta làm điều mà Đức Chúa Trời sai khiến, từ bỏ tôn giáo giả và nhất quyết hướng lòng của chúng ta về Đức Giê-hô-va để chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi (Công-vụ các Sứ-đồ 26:20; Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:2, 8, 10; I Sa-mu-ên 7:3). Điều này đòi hỏi phải có “lòng mới và thần mới” để suy nghĩ, có tính tình và mục đích hoàn toàn khác trong đời (Ê-xê-chi-ên 18:31). Kết quả là nhân cách mới thay thế các tính nết không tin kính bằng các đức tính tin kính (Cô-lô-se 3:5-14). Đúng, sự ăn năn thật sự quả làm cho một người “trở lại” (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19).
18. Tại sao phải dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, và bước này có nghĩa gì?
18 Trước khi làm báp têm một người cần phải dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. (So sánh Lu-ca 3:21, 22). Dâng mình có nghĩa là biệt riêng mình ra nhằm một mục đích thánh. Bước này quan trọng như vậy cho nên chúng ta phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nói lên quyết định của chúng ta muốn dâng lên Ngài sự tin kính chuyên độc và phụng sự Ngài mãi mãi (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:8, 9; I Sử-ký 29:10-13). Dĩ nhiên chúng ta không dâng mình cho một công việc nhưng cho chính Đức Chúa Trời. Điểm này đã được làm sáng tỏ vào năm 1916 tại đám tang của ông Charles Taze Russell là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society). Vào dịp đó, viên thư ký kiêm thủ quỹ của Hội là W. E. Van Amburgh nói: “Công việc to tát này trên khắp thế giới không phải là công việc của một người nào. Công việc này thật quá lớn đối với một cá nhân. Đây là công việc của Đức Chúa Trời và mãi mãi là như vậy. Đức Chúa Trời đã dùng nhiều tôi tớ của Ngài trong quá khứ và chắc chắn Ngài sẽ dùng nhiều người trong tương lai. Chúng ta không dâng mình cho một người nào, hoặc cho công việc của một người nào, nhưng để làm ý muốn của Đức Chúa Trời, vì Ngài sẽ tiết lộ cho chúng ta biết ý muốn của Ngài qua Kinh-thánh và qua những sự hướng dẫn của Ngài. Đức Chúa Trời vẫn còn giữ cương vị lãnh đạo”. Nhưng cần phải làm gì nữa về sự dâng mình cho Đức Chúa Trời?
19. a) Làm thế nào một người công khai chứng tỏ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va? b) Phép báp têm trong nước biểu hiệu điều gì?
19 Một người công khai chứng tỏ là đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va khi làm báp têm. Phép báp têm là một biểu hiệu cho thấy người trầm mình đã dâng mình vô điều kiện cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua Giê-su Christ (So sánh Ma-thi-ơ 16:24). Khi ứng viên làm báp têm hụp xuống nước và rồi được nâng lên khỏi mặt nước, người đó chết đi đối với nếp sống cũ theo nghĩa bóng và được sống lại theo một nếp sống mới để bây giờ nhất quyết làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. (So sánh Rô-ma 6:4-6). Khi Giê-su làm báp têm, ngài tuyệt đối trình diện trước Cha trên trời (Ma-thi-ơ 3:13-17). Và Kinh-thánh cũng nhiều lần cho thấy là những người tin đạo hội đủ điều kiện đều làm báp têm (Công-vụ các Sứ-đồ 8:13; 16:27-34; 18:8). Bởi vậy, ngày nay một người muốn trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va thì phải tin đạo, thật sự thực hành đức tin và làm báp têm (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-39).
Hãy đứng vững!
20. Xin kể một số gương của Kinh-thánh chứng tỏ chúng ta sẽ nhận được ân phước vì ủng hộ sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho với tư cách các Nhân-chứng đã làm báp têm của Đức Giê-hô-va.
20 Nếu bạn cương quyết ủng hộ sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho bằng cách làm báp têm để trở thành một Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ ban phước cho bạn cũng như Ngài đã ban phước cho các tôi tớ của Ngài trong quá khứ. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho hai người lớn tuổi là Áp-ra-ham và Sa-ra bằng cách cho họ có một con là Y-sác biết kính sợ Đức Chúa Trời. Bởi đức tin Môi-se thà bị ngược đãi cùng với dân sự của Đức Chúa Trời “hơn là tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi: người coi sự sỉ-nhục về Đấng Christ [tức đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời] là quí hơn của châu-báu xứ Ê-díp-tô” (Hê-bơ-rơ 11:24-26). Môi-se có đặc ân được Đức Giê-hô-va dùng để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ tại xứ Ê-díp-tô. Hơn nữa, bởi vì trung thành phụng sự Đức Chúa Trời, ông sẽ được sống lại và phụng sự với tư cách một trong các “quan-trưởng trong khắp thế-gian” dưới quyền của Môi-se Lớn, tức Giê-su Christ (Thi-thiên 45:16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:17-19).
21. Chúng ta có những gương khích lệ nào về những người đàn bà tin kính thời xưa?
21 Tín đồ đấng Christ ngày nay đã dâng mình cũng có thể được khích lệ bằng cách xem xét gương của những người đàn bà đã trở nên tự do thật sự và vui vẻ. Trong số những người đàn bà đó có Ru-tơ là người Mô-áp. Bà đã trải qua kinh nghiệm đau buồn của sự góa bụa đồng thời hưởng được niềm vui về việc được tự do thoát khỏi tôn giáo giả. Sau khi từ bỏ dân tộc và các thần giả của bà, bà đi theo sát bên mẹ chồng góa bụa là Na-ô-mi. Ru-tơ nói: “Mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru-tơ 1:16). Là vợ của Bô-ô, Ru-tơ trở thành mẹ của Ô-bết tức ông nội Đa-vít (Ru-tơ 4:13-17). Đức Giê-hô-va quả đã thưởng cách trọn vẹn cho người đàn bà khiêm nhường không phải là người Y-sơ-ra-ên này bằng cách cho bà làm tổ mẫu của Chúa Giê-su đấng Mê-si! (Ru-tơ 2:12). Ru-tơ sẽ vui mừng biết bao khi được sống lại và biết được mình đã từng có đặc ân ấy! Ra-háp khi xưa là một kỵ nữ nhưng được giải cứu khỏi sự vô luân và sự thờ phượng giả, hẳn sẽ cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui tương tợ khi được sống lại. Cũng thế, Bát-Sê-ba tuy nhầm lẫn nhưng đã ăn năn sau đó, sẽ rất vui mừng khi được sống lại. Tất cả đều vui mừng vì họ sẽ được biết là Đức Giê-hô-va đã cho phép họ trở thành tổ mẫu của Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 1:1-6, 16).
22. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
22 Chúng ta không thể nào kể hết những người nhận được sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho. Chẳng hạn, những người đó gồm có những người đàn ông và đàn bà có đức tin được nói đến nơi Hê-bơ-rơ đoạn 11. Họ gặp phải sự gian nan và bị ngược đãi, “thế-gian không xứng-đáng cho họ ở”. Ngoài họ ra, phải kể thêm những môn đồ trung thành của đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất và những người trung thành khác từ đó về sau, gồm cả hàng triệu người hiện đang phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách Nhân-chứng của Ngài. Như chúng ta sẽ thấy trong bài kế tiếp, nếu bạn cùng họ ủng hộ sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho, bạn có nhiều lý do để vui mừng.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Đức Chúa Trời đưa ra hy vọng nào khi sự tự do mà Ngài ban cho bị đánh mất?
◻ Đấng Christ giải cứu các môn đồ được tự do, thoát khỏi “ách tôi-mọi” nào?
◻ Những bước nào dẫn đến phép báp têm để trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va?
◻ Các gương mẫu nào trong Kinh-thánh chứng minh rằng chúng ta sẽ nhận được ân phước vì ủng hộ sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho?
[Hình nơi trang 16]
Bạn có biết những bước nào dẫn đến phép báp têm để trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va không?