-
“Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”!Tháp Canh—2008 | 15 tháng 7
-
-
“Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”!
“Người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”.—1 CÔ 3:7.
1. Chúng ta là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” theo nghĩa nào?
“Bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. Đó là lời sứ đồ Phao-lô miêu tả đặc ân mà tất cả chúng ta có thể nhận được. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:5-9). Công việc mà Phao-lô nói đến là đào tạo môn đồ. Ông ví nó như việc gieo và tưới hạt giống. Nếu muốn thành công trong việc quan trọng này, chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Phao-lô nhắc chúng ta rằng “Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”.
2. Tại sao sự kiện ‘Đức Chúa Trời làm cho lớn lên’ giúp chúng ta có quan điểm đúng về thánh chức của mình?
2 Sự kiện đó giúp chúng ta có quan điểm khiêm nhường và đúng đắn về thánh chức của mình. Chúng ta có thể siêng năng rao giảng và dạy dỗ, nhưng cuối cùng chỉ Đức Giê-hô-va mới xứng đáng được ngợi khen về bất cứ kết quả tốt nào. Tại sao? Vì dù cố gắng đến đâu, không ai trong chúng ta có thể hiểu rõ quá trình phát triển đức tin của một người, chứ đừng nói gì đến việc kiểm soát quá trình ấy. Vua Sa-lô-môn diễn tả điều này chính xác khi ông viết: “Ngươi chẳng hiểu biết công-việc của Đức Chúa Trời, là Đấng làm nên muôn vật”.—Truyền 11:5.
3. Có sự tương tự nào giữa việc gieo hạt và đào tạo môn đồ?
3 Việc chúng ta không hiểu rõ quá trình phát triển ấy có làm cho công việc của chúng ta trở nên nặng nề không? Không. Thay vì thế, điều đó còn làm cho công việc trở nên hấp dẫn và lý thú. Vua Sa-lô-môn nói: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt” (Truyền 11:6). Thật vậy, khi gieo hạt giống, chúng ta không biết hạt giống ấy mọc lên ở nơi nào hoặc có nẩy mầm không. Có nhiều yếu tố nằm ngoài vòng kiểm soát của chúng ta. Cũng có thể nói như thế về việc đào tạo môn đồ. Chúa Giê-su lưu ý đến sự kiện này qua hai minh họa đã được ghi trong chương 4 sách Phúc âm của Mác. Hãy xem chúng ta có thể học được gì qua hai minh họa này.
Những loại đất khác nhau
4, 5. Hãy tóm tắt minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống.
4 Như được ghi nơi Mác 4:1-9, Chúa Giê-su miêu tả một người gieo giống; những hạt ông rải rơi xuống những nơi khác nhau: “Hãy nghe. Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim đến ăn hết. Một phần khác rơi nhằm nơi đất đá-sỏi, chỉ có ít đất thịt, tức thì mọc lên, vì bị lấp không sâu; nhưng khi mặt trời đã mọc, thì bị đốt, và bởi không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai; gai mọc rậm lên làm cho nghẹt-ngòi, và không kết quả. Một phần khác nữa rơi nhằm nơi đất tốt, thì kết quả, lớn lên và nẩy-nở ra; một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm”.
5 Vào thời Kinh Thánh, người ta thường gieo giống bằng cách rải hạt. Người gieo đựng hạt trong vạt áo hoặc trong một cái túi và vung tay tung hạt ra. Theo minh họa này, người gieo không cố tình gieo hạt trên những loại đất khác nhau. Đúng hơn, hạt rơi vào những chỗ khác nhau.
6. Chúa Giê-su giải thích thế nào minh họa về người gieo giống?
6 Chúng ta không phải tự đoán ý nghĩa của minh họa này. Chúa Giê-su đã giải thích, như được ghi nơi Mác 4:14-20: “Người gieo giống ấy là gieo đạo. Những kẻ ở dọc đường là kẻ đã chịu đạo gieo nơi mình; nhưng vừa mới nghe đạo, tức thì quỉ Sa-tan đến, cướp lấy đạo đã gieo trong lòng họ đi. Cũng vậy, những người chịu giống gieo nơi đất đá-sỏi, là những kẻ nghe đạo, liền vui-mừng chịu lấy; song vì trong lòng họ không có rễ, chỉ tạm-thời mà thôi, nên nỗi gặp khi vì cớ đạo mà xảy ra sự cực-khổ, bắt-bớ, thì liền vấp-phạm. Còn những kẻ chịu giống gieo nơi bụi gai, là kẻ đã nghe đạo; song sự lo-lắng về đời nầy, sự mê-đắm về giàu-sang, và các sự tham-muốn khác thấu vào lòng họ, làm cho nghẹt-ngòi đạo, và trở nên không trái. Nhưng, những người chịu giống gieo vào nơi đất tốt, là kẻ nghe đạo, chịu lấy và kết quả, một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm”.
7. Hạt giống và những loại đất khác nhau tượng trưng cho điều gì?
7 Hãy lưu ý là Chúa Giê-su không nói rằng người gieo dùng nhiều loại giống. Ngài chỉ nói về một loại giống rơi trên những loại đất khác nhau, mỗi loại đất sinh ra một kết quả. Loại thứ nhất là đất cứng, loại thứ nhì chỉ có ít đất thịt, loại thứ ba có nhiều gai gốc và loại thứ tư là đất tốt, màu mỡ (Lu 8:8). Hạt giống là gì? Đó là thông điệp Nước Trời được ghi trong Lời Đức Chúa Trời (Mat 13:19). Những loại đất khác nhau tượng trưng cho điều gì? Chúng tượng trưng cho người ta với tình trạng lòng khác nhau.—Đọc Lu-ca 8:12, 15.
8. (a) Người gieo giống tượng trưng cho ai? (b) Tại sao có những phản ứng khác nhau đối với thông điệp Nước Trời?
8 Người gieo giống tượng trưng cho ai? Đó là những người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, những người công bố tin mừng về Nước Trời. Như Phao-lô và A-bô-lô, họ trồng và tưới. Nhưng dù làm việc chăm chỉ, họ đạt kết quả khác nhau. Tại sao? Vì lòng của những người nghe thông điệp không giống nhau. Trong minh họa, người gieo không kiểm soát được kết quả. Điều này thật an ủi biết bao, đặc biệt đối với những anh chị trung thành phụng sự trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, nhưng dường như chỉ đạt một ít kết quả!a Tại sao thế?
9. Sứ đồ Phao-lô và Chúa Giê-su đều nhấn mạnh sự thật khích lệ nào?
9 Sự trung thành của người gieo không được đánh giá dựa trên kết quả công việc. Phao-lô ám chỉ điều này khi nói: “Ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm” (1 Cô 3:8). Phần thưởng tùy thuộc vào việc làm, chứ không theo kết quả của việc ấy. Chúa Giê-su cũng nhấn mạnh điều này khi các môn đồ trở về sau chuyến rao giảng. Họ mừng rỡ vì các quỉ đã phục họ bởi danh Chúa Giê-su. Dù việc đó rất hào hứng, Chúa Giê-su phán với họ: “Chớ mừng vì các quỉ phục các ngươi; nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên-đàng” (Lu 10:17-20). Ngay cả khi người gieo không thấy việc làm của mình đạt nhiều kết quả, không nhất thiết là người đó đã không siêng năng hoặc trung thành như người khác. Kết quả phần lớn tùy thuộc vào lòng của người nghe. Nhưng cuối cùng, Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên!
Trách nhiệm của người nghe đạo
10. Một người nghe đạo giống như loại đất tốt hay không là tùy nơi điều gì?
10 Còn người nghe đạo thì sao? Phản ứng của họ có được định trước không? Không. Họ giống như loại đất tốt hay không là tùy nơi họ. Thật vậy, tình trạng lòng của một người có thể thay đổi để trở nên tốt hơn hoặc xấu đi (Rô 6:17). Trong minh họa, Chúa Giê-su nói một số người “vừa mới nghe đạo” thì Sa-tan đến và cướp lấy. Nhưng điều này không nhất thiết phải xảy ra. Nơi Gia-cơ 4:7, tín đồ Đấng Christ được khuyến khích “hãy chống-trả ma-quỉ”, thì nó sẽ lánh xa họ. Chúa Giê-su miêu tả những người khác lúc đầu vui mừng nghe đạo nhưng rồi bị vấp phạm vì “trong lòng họ không có rễ”. Nhưng tôi tớ Đức Chúa Trời được khuyên hãy “đâm rễ vững nền” để hiểu thấu “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu-thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông-biết”.—Ê-phê 3:18, 19; Cô 2:6, 7.
11. Làm thế nào một người có thể tránh để cho sự lo lắng và giàu sang làm nghẹt ngòi đạo?
11 Những người khác đã nghe đạo nhưng để cho “sự lo-lắng về đời nầy, sự mê-đắm về giàu-sang” thấu vào lòng và làm cho nghẹt ngòi đạo (1 Ti 6:9, 10). Làm sao họ có thể tránh được điều này? Sứ đồ Phao-lô trả lời: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—Hê 13:5.
12. Tại sao những người tượng trưng bởi đất tốt có kết quả khác nhau?
12 Cuối cùng, Chúa Giê-su nói những người nhận hạt giống gieo nơi đất tốt thì kết quả “một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm”. Mặc dù một số người hưởng ứng đạo có lòng tốt và kết quả, nhưng những gì họ có thể làm trong việc công bố tin mừng tùy thuộc hoàn cảnh của họ. Thí dụ, tuổi già hoặc bệnh tật có thể khiến một số người bị giới hạn trong công việc rao giảng. (So sánh Mác 12:43, 44). Một lần nữa, người gieo giống không hoàn toàn kiểm soát được hoàn cảnh, nhưng người đó vui mừng khi thấy Đức Giê-hô-va làm cho hạt giống lớn lên.—Đọc Thi-thiên 126:5, 6.
“Người [gieo giống] ngủ”
13, 14. (a) Hãy tóm tắt minh họa của Chúa Giê-su về người rải hạt giống. (b) Người gieo tượng trưng cho ai, và hạt giống là gì?
13 Nơi Mác 4:26-29, chúng ta có một minh họa khác về người gieo giống: “Nước Đức Chúa Trời cũng như một người vãi giống xuống đất; người ngủ hay dậy, đêm và ngày, giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết thể nào. Vì đất tự sanh ra hoa-lợi: ban đầu là cây, kế đến bông, đoạn bông kết thành hột. Khi hột đã chín, người ta liền tra lưỡi hái vào, vì mùa gặt đã đến”.
14 Người gieo giống này là ai? Một số người thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ tin rằng người này ám chỉ chính Chúa Giê-su. Nhưng làm sao có thể nói Chúa Giê-su ngủ và không biết hạt giống tăng trưởng như thế nào? Chắc chắn Chúa Giê-su biết quá trình này! Đúng hơn, người gieo hạt này cũng giống như người gieo trong minh họa trước, tượng trưng cho những người công bố Nước Trời, tức những người gieo hạt giống Nước Trời qua việc sốt sắng rao giảng. Hạt giống được rải xuống đất là đạo mà họ rao giảng.
15, 16. Trong minh họa về người gieo giống, Chúa Giê-su nhấn mạnh lẽ thật nào về sự tăng trưởng theo nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng?
15 Chúa Giê-su nói người gieo giống “ngủ hay dậy, đêm và ngày”. Đây không có ý nói người gieo giống sao lãng bổn phận mà chỉ miêu tả thói quen thường ngày của đa số người ta. Lời lẽ của câu này cho thấy chu trình làm việc ban ngày và ngủ vào ban đêm trong một khoảng thời gian. Chúa Giê-su giải thích điều gì diễn ra trong thời gian đó. Ngài nói: “Giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết thể nào”. Điểm được nhấn mạnh là quá trình tăng trưởng ấy tự động diễn ra.
16 Chúa Giê-su có ý nói gì qua câu này? Hãy lưu ý rằng điểm được nhấn mạnh là sự tăng trưởng và quá trình đó diễn ra từ từ. “Đất tự sanh ra hoa-lợi: ban đầu là cây, kế đến bông, đoạn bông kết thành hột” (Mác 4:28). Quá trình tăng trưởng này diễn ra từ từ, theo từng giai đoạn. Nó không thể bị thúc ép. Sự tăng trưởng về thiêng liêng cũng thế. Việc này diễn ra theo từng giai đoạn khi Đức Giê-hô-va để cho lẽ thật lớn lên trong lòng một người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”.—Công 13:48, Bản Diễn Ý; Hê 6:1.
17. Ai sẽ vui mừng khi hạt giống lẽ thật sinh bông trái?
17 Người gieo giống có phần nào trong việc gặt hái “khi hột đã chín”? Khi Đức Giê-hô-va làm cho lẽ thật Nước Trời lớn lên trong lòng những môn đồ mới, họ sẽ tiến đến giai đoạn dâng đời sống cho Đức Chúa Trời vì yêu mến Ngài. Họ biểu trưng sự dâng mình bằng phép báp têm trong nước. Những anh tiếp tục tiến đến sự thành thục thì dần dần có thể đảm nhận thêm trách nhiệm trong hội thánh. Khi đào tạo được một môn đồ, cả người gieo giống lúc đầu cũng như những người công bố khác—những người có lẽ đã không tham gia trực tiếp vào việc gieo hạt để đào tạo môn đồ đó—đều có phần trong việc gặt hái. (Đọc Giăng 4:36-38). Thật vậy, “người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui-vẻ”.
Bài học cho chúng ta ngày nay
18, 19. (a) Xem lại những minh họa của Chúa Giê-su khích lệ bạn như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
18 Chúng ta đã học được gì khi xem xét hai minh họa ghi nơi Mác chương 4? Chúng ta có thể thấy rõ công việc mình phải làm, đó là gieo giống. Chúng ta chớ bao giờ viện lý do và để cho các vấn đề cũng như khó khăn cản trở chúng ta làm công việc này (Truyền 11:4). Nhưng đồng thời chúng ta cũng biết rằng được kể là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời là đặc ân tuyệt vời. Đức Giê-hô-va là Đấng làm cho lớn lên về thiêng liêng, ban phước cho các nỗ lực của chúng ta và của những ai tiếp nhận thông điệp. Chúng ta biết mình không thể bắt ai phải tiến bộ về thiêng liêng. Nếu một người tiến bộ chậm hoặc không tiến bộ, chúng ta cũng không nên nản chí hoặc ngã lòng. Thật khích lệ khi biết rằng sự thành công của chúng ta được đánh giá bởi lòng trung thành đối với Đức Giê-hô-va và với đặc ân Ngài ban là rao truyền tin mừng Nước Trời “để làm chứng cho muôn dân”.—Mat 24:14.
19 Chúa Giê-su còn dạy chúng ta điều gì nữa về sự tiến bộ của các môn đồ mới và sự tiến triển của công việc Nước Trời? Lời giải đáp cho câu hỏi này nằm trong những minh họa khác được ghi trong các lời tường thuật của Phúc âm. Chúng ta sẽ phân tích một số minh họa này trong bài kế tiếp.
-
-
“Ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt”!Tháp Canh—2008 | 15 tháng 7
-
-
“Ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt”!
“Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt”.—TRUYỀN 11:6.
1. Tại sao chúng ta vừa thán phục vừa phải khiêm nhường khi chứng kiến sự phát triển của hạt giống?
Người nông dân cần có tính kiên nhẫn (Gia 5:7). Sau khi gieo, ông phải đợi hạt nẩy mầm và lớn lên. Dần dần, khi điều kiện thuận lợi, chồi bắt đầu nhú ra, trồi lên khỏi mặt đất. Sau đó, nó phát triển thành cây và kết hạt. Cuối cùng, cánh đồng của người nông dân sẵn sàng cho việc gặt hái. Thật đáng thán phục khi chứng kiến sự phát triển kỳ diệu ấy! Chúng ta cũng phải khiêm nhường khi nhận biết ai là Nguồn của sự phát triển đó. Chúng ta có thể chăm sóc hạt giống bằng cách tưới nước. Nhưng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm cho nó lớn lên.—So sánh 1 Cô-rinh-tô 3:6.
2. Qua các minh họa được xem xét trong bài trước, Chúa Giê-su đã dạy những điểm nào liên quan đến sự phát triển về thiêng liêng?
2 Như được đề cập trong bài trước, Chúa Giê-su ví công việc rao giảng về Nước Trời như việc gieo giống của người nông dân. Trong minh họa về những loại đất khác nhau, Chúa Giê-su cho thấy rõ dù người nông dân gieo hạt giống tốt, lòng của mỗi người quyết định hạt giống sẽ phát triển thành quả hay không (Mác 4:3-9). Trong minh họa về người gieo giống ngủ lúc ban đêm, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng người ấy không hiểu rõ quá trình tăng trưởng. Quá trình này diễn ra là do quyền năng của Đức Chúa Trời, chứ không do nỗ lực của con người (Mác 4:26-29). Giờ đây chúng ta hãy xem xét thêm ba minh họa của Chúa Giê-su—hột cải, men và cái lướia.
Minh họa về hột cải
3, 4. Minh họa về hột cải nhấn mạnh những khía cạnh nào liên quan đến thông điệp Nước Trời?
3 Minh họa về hột cải cũng được ghi trong sách Mác chương 4, nêu bật hai điểm: thứ nhất, có sự phát triển mạnh liên quan đến thông điệp Nước Trời; thứ nhì, những người chấp nhận thông điệp có được sự che chở. Chúa Giê-su phán: “Chúng ta sánh nước Đức Chúa Trời với chi, hay lấy thí-dụ nào mà tỏ ra? Nước ấy giống như một hột cải: khi người ta gieo, nó nhỏ hơn hết các hột giống trên đất; song khi gieo rồi, nó mọc lên, trở nên lớn hơn mọi thứ rau, và nứt ra nhành lớn, đến nỗi chim trời núp dưới bóng nó được”.—Mác 4:30-32.
4 Đoạn Kinh Thánh này minh họa sự phát triển của “nước Đức Chúa Trời”, điều này được thấy rõ qua sự phổ biến thông điệp Nước Trời và sự phát triển của hội thánh đạo Đấng Christ từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN trở đi. Hột cải là một hạt giống nhỏ bé có thể tượng trưng cho một điều rất nhỏ. (So sánh Lu-ca 17:6). Nhưng, cuối cùng loại cải này có thể đạt đến độ cao từ 3-5m và có cành lá cứng cáp, vì thế nó được xem như một cây to.—Mat 13:31, 32.
5. Hội thánh đạo Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phát triển như thế nào?
5 Sự phát triển của hội thánh đạo Đấng Christ có sự khởi đầu khiêm tốn vào năm 33 CN, khi khoảng 120 môn đồ được xức dầu bằng thánh linh. Trong một thời gian tương đối ngắn, hội thánh nhỏ bé này gia tăng đến hàng ngàn người. (Đọc Công-vụ 2:41; 4:4; 5:28; 6:7; 12:24; 19:20). Trong vòng ba thập niên, số thợ gặt gia tăng rất nhiều đến độ sứ đồ Phao-lô có thể nói với hội thánh Cô-lô-se rằng tin mừng đã “được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô 1:23). Thật là một sự phát triển đáng kinh ngạc!
6, 7. (a) Đã có sự tăng trưởng nào kể từ năm 1914? (b) Trong tương lai còn có sự phát triển nào nữa?
6 Từ khi Nước Trời được thành lập ở trên trời vào năm 1914, các nhánh của cây cải đã phát triển vượt quá mọi sự mong đợi. Dân Đức Chúa Trời đã thấy sự ứng nghiệm theo nghĩa đen lời tiên tri của Ê-sai: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh” (Ê-sai 60:22). Một nhóm nhỏ những người được xức dầu đã tham gia công việc Nước Trời vào đầu thế kỷ 20 không thể ngờ rằng đến năm 2008 có khoảng bảy triệu Nhân Chứng tham gia công việc này trong hơn 230 xứ. Thật là một sự tăng trưởng kỳ diệu, giống như hột cải trong minh họa của Chúa Giê-su!
7 Tuy nhiên, sự phát triển có dừng lại ở đấy không? Không. Cuối cùng, mọi người sống trên đất sẽ là thần dân của Nước Trời. Mọi kẻ chống đối sẽ bị diệt. Điều này xảy ra không bởi nỗ lực của con người nhưng do Chúa Tối Thượng là Đức Giê-hô-va can thiệp vào những sự việc trên đất. (Đọc Đa-ni-ên 2:34, 35). Bấy giờ chúng ta sẽ thấy sự ứng nghiệm cuối cùng của một lời tiên tri khác được ghi trong sách Ê-sai: “Thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.—Ê-sai 11:9.
8. (a) Những con chim trong minh họa của Chúa Giê-su tượng trưng cho ai? (b) Ngay bây giờ, chúng ta được che chở khỏi điều gì?
8 Chúa Giê-su nói chim trời có thể núp dưới bóng Nước này. Những con chim ấy không tượng trưng cho kẻ thù của Nước Trời, như những con chim đến ăn giống tốt trong minh họa về người gieo giống trên những loại đất khác nhau (Mác 4:4). Thay vì thế, trong minh họa này chim tượng trưng cho những người có lòng ngay thẳng tìm kiếm sự che chở trong hội thánh đạo Đấng Christ. Ngay cả bây giờ, những người này cũng được che chở khỏi những thói quen làm ô uế về thiêng liêng cũng như những thực hành bại hoại của thế gian hung ác này. (So sánh Ê-sai 32:1, 2). Đức Giê-hô-va cũng ví Nước của Đấng Mê-si như một cái cây và tiên tri: “Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Y-sơ-ra-ên; nó sẽ nứt nhành, và ra trái; sẽ trở nên cây hương-bách tốt, cả loài chim sẽ đến núp dưới nó; hết thảy những giống có cánh sẽ ở dưới bóng của nhánh cây”.—Ê-xê 17:23.
Minh họa về men
9, 10. (a) Chúa Giê-su nhấn mạnh điểm nào trong minh họa về men? (b) Trong Kinh Thánh, men thường tượng trưng cho điều gì, và chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào liên quan đến việc Chúa Giê-su nói về men?
9 Con người không luôn luôn thấy được quá trình phát triển. Trong minh họa kế tiếp Chúa Giê-su nhấn mạnh điểm này. Ngài nói: “Nước thiên-đàng giống như men mà người đàn-bà kia lấy trộn vào trong ba đấu bột, cho đến chừng nào bột dậy cả lên” (Mat 13:33). Men trong minh họa này tượng trưng cho điều gì, và nó liên hệ thế nào đến sự phát triển của Nước Trời?
10 Trong Kinh Thánh, men thường tượng trưng cho tội lỗi. Sứ đồ Phao-lô nói đến men theo nghĩa này khi ông đề cập đến ảnh hưởng xấu của một người phạm tội trong hội thánh Cô-rinh-tô xưa (1 Cô 5:6-8). Trong minh họa kể trên, phải chăng Chúa Giê-su dùng men để ám chỉ sự phát triển của điều xấu không?
11. Trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, người ta đã dùng men như thế nào?
11 Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần chú ý đến ba sự kiện cơ bản. Thứ nhất, tuy Đức Giê-hô-va không cho phép dùng men trong Lễ Vượt Qua, nhưng vào những dịp khác, ngài chấp nhận những lễ vật có men. Men được dùng trong của-lễ thù ân mà người ta tình nguyện dâng để tạ ơn về nhiều ân phước Đức Giê-hô-va đã ban. Đây là bữa ăn vui vẻ.—Lê 7:11-15.
12. Chúng ta có thể học được gì qua cách Kinh Thánh dùng hình ảnh tượng trưng?
12 Thứ nhì, trong Kinh Thánh một hình ảnh có thể mang ý nghĩa tiêu cực trong một trường hợp, nhưng trong trường hợp khác thì nó được dùng để tượng trưng cho một điều tích cực. Chẳng hạn, nơi 1 Phi-e-rơ 5:8, Sa-tan được ví như sư tử, miêu tả bản chất hung ác, nguy hiểm của hắn. Nhưng, nơi Khải-huyền 5:5, Chúa Giê-su được ví như sư tử—“sư-tử của chi-phái Giu-đa”. Trong trường hợp này, sư tử là biểu tượng của công lý và sự dũng cảm.
13. Minh họa về men của Chúa Giê-su cho thấy gì về sự phát triển thiêng liêng?
13 Thứ ba, trong minh họa của Chúa Giê-su, ngài đã không nói rằng men làm hư cả đống bột. Ngài chỉ nói đến quá trình làm bánh mì thông thường. Người nội trợ thêm men vào bột và có kết quả tốt. Vì men được trộn trong bột nên người nội trợ không thấy được quá trình men làm cho bột dậy lên. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến người gieo giống đi ngủ lúc ban đêm. Chúa Giê-su nói: “Giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết thể nào” (Mác 4:27). Thật là một cách đơn giản để minh họa sự tiến triển không thấy được về thiêng liêng! Lúc đầu, chúng ta có thể không thấy quá trình tăng trưởng này, nhưng cuối cùng thì thấy được kết quả của nó.
14. Khía cạnh nào của việc rao giảng được minh họa qua sự kiện men làm dậy cả đống bột?
14 Ngoài khía cạnh mắt thường không thấy được, sự phát triển này còn lan rộng. Đây là một khía cạnh khác được nhấn mạnh trong minh họa về men. Men làm dậy đống bột, cả “ba đấu bột” (Lu 13:21). Giống như men, công việc rao giảng về Nước Trời dẫn đến sự phát triển về thiêng liêng đến độ giờ đây thông điệp Nước Trời đang được rao truyền “cho đến cùng trái đất” (Công 1:8; Mat 24:14). Thật là một đặc ân tuyệt vời khi được góp phần vào sự mở rộng đáng kinh ngạc này của công việc Nước Trời!
Cái lưới
15, 16. (a) Hãy tóm tắt minh họa về cái lưới. (b) Cái lưới tượng trưng cho gì, và minh họa này ám chỉ khía cạnh nào của sự phát triển Nước Trời?
15 Số lượng người xưng là môn đồ Chúa Giê-su không quan trọng bằng phẩm chất của họ. Chúa Giê-su ám chỉ khía cạnh này của sự phát triển Nước Trời khi ngài kể một minh họa khác, nói về cái lưới. Ngài phán: “Nước thiên-đàng cũng giống như một tay lưới thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá”.—Mat 13:47.
16 Cái lưới, tượng trưng cho công việc rao giảng Nước Trời, bắt đủ mọi thứ cá. Chúa Giê-su nói tiếp: “Khi lưới được đầy rồi, thì người đánh cá kéo lên bờ; đoạn, ngồi mà chọn giống tốt để riêng ra, đem bỏ vào rổ, còn giống xấu thì ném đi. Đến ngày tận-thế [“sự cuối cùng của hệ thống mọi sự”, NW] cũng như vầy: các thiên-sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công-bình ra, ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc-lóc và nghiến răng”.—Mat 13:48-50.
17. Sự phân chia đề cập trong minh họa về cái lưới nói đến thời kỳ nào?
17 Phải chăng việc phân chia này nói đến sự phán xét cuối cùng về chiên và dê mà Chúa Giê-su cho biết sẽ diễn ra khi ngài đến trong sự vinh hiển? (Mat 25:31-33). Không. Sự phán xét cuối cùng đó sẽ xảy ra khi Chúa Giê-su đến trong hoạn nạn lớn. Còn sự phân chia nói đến trong minh họa về cái lưới thì diễn ra trong giai đoạn “cuối cùng của hệ thống mọi sự”b. Đây là thời kỳ mà chúng ta đang sống ngày nay—thời kỳ có cao điểm là hoạn nạn lớn. Vậy thì ngày nay việc phân chia diễn ra như thế nào?
18, 19. (a) Ngày nay việc phân chia diễn ra như thế nào? (b) Những người có lòng thành phải thực hiện bước nào? (Cũng xem cước chú nơi trang 21).
18 Hàng triệu “cá” từ biển nhân loại đã được thu hút đến hội thánh Đức Giê-hô-va vào thời hiện đại. Một số người dự Lễ Tưởng Niệm, những người khác dự các buổi nhóm họp, còn những người khác nữa đồng ý học hỏi Kinh Thánh. Nhưng có phải tất cả những người này đều chứng tỏ là tín đồ Đấng Christ chân chính không? Họ có thể được “kéo lên bờ”, nhưng Chúa Giê-su nói rằng chỉ “giống tốt” được lựa ra bỏ vào rổ, tượng trưng cho hội thánh đạo Đấng Christ. Giống xấu thì bị loại đi, cuối cùng sẽ bị ném vào “lò lửa”, biểu thị sự hủy diệt trong tương lai.
19 Như cá thuộc giống xấu, nhiều người từng học hỏi Kinh Thánh với dân Đức Giê-hô-va nhưng đã ngưng học. Một số người có cha mẹ đạo Đấng Christ nhưng chưa bao giờ thật sự muốn trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Họ không sẵn lòng quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va hoặc sau khi đã làm thế một thời gian thì ngưng phụng sự Ngàic (Ê-xê 33:32, 33). Nhưng, trước ngày phán xét cuối cùng, điều thiết yếu là tất cả những người có lòng thành phải hội đủ điều kiện để được thâu vào trong hội thánh ví như cái rổ, và tiếp tục ở một nơi an toàn.
20, 21. (a) Chúng ta học được gì khi xem lại các minh họa của Chúa Giê-su liên quan đến sự phát triển? (b) Bạn quyết tâm làm gì?
20 Vậy chúng ta đã học được gì khi xem lại những minh họa của Chúa Giê-su về sự phát triển? Thứ nhất, giống như sự tăng trưởng của hột cải, công việc Nước Trời trên đất đã gặt hái được những thành quả to lớn. Không điều gì có thể ngăn được sự tiến triển trong công việc của Đức Giê-hô-va! (Ê-sai 54:17). Hơn nữa, những người đến “núp dưới bóng [cây]” thì được che chở về thiêng liêng. Thứ nhì, Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Như men trộn vào làm dậy cả đống bột, sự phát triển này không luôn được thấy hoặc hiểu ngay, nhưng nó vẫn xảy ra! Thứ ba, không phải tất cả những ai hưởng ứng thông điệp đều là giống tốt. Một số người giống như cá loại xấu trong minh họa của Chúa Giê-su.
21 Tuy nhiên, thật khích lệ khi thấy Đức Giê-hô-va kéo đến nhiều người thuộc giống tốt! (Giăng 6:44). Vì thế, hết nước này đến nước khác có sự gia tăng thật tuyệt diệu. Chỉ một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời xứng đáng được ca ngợi về sự phát triển này. Chứng kiến sự gia tăng đó, mỗi người chúng ta được thôi thúc vâng theo lời khuyên được viết cách nay nhiều thế kỷ: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt”.—Truyền 11:6.
-