Tin cậy Đức Giê-hô-va khi sự cuối cùng gần kề
“Hãy nhờ-cậy [“tin cậy”, Bản Dịch Mới] Đức Giê-hô-va đời đời”.—Ê-SAI 26:4.
1. Có sự tương phản nào giữa tôi tớ Đức Chúa Trời và người trong thế gian?
Chúng ta đang sống trong một thế gian mà hàng triệu người không biết phải tin ai hoặc tin điều gì, có lẽ vì quá nhiều lần họ đã bị tổn thương hoặc thất vọng. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va thì ngược lại! Nhờ được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, họ biết không nên tin cậy nơi thế gian hoặc “các vua-chúa” của nó (Thi 146:3). Thay vì thế, họ đặt đời sống và tương lai mình trong tay Đức Giê-hô-va, biết rằng Ngài yêu thương họ và sẽ luôn thực hiện Lời Ngài.—Rô 3:4; 8:38, 39.
2. Giô-suê nói gì về việc Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy?
2 Giô-suê thời xưa khẳng định Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy. Gần cuối đời, ông nói với các đồng hương người Y-sơ-ra-ên: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi”.—Giô-suê 23:14.
3. Danh Đức Chúa Trời cho biết gì về Ngài?
3 Đức Giê-hô-va thực hiện các lời hứa không những vì yêu thương tôi tớ Ngài mà đặc biệt là vì danh Ngài (1 Sa 12:22). Danh Giê-hô-va có nghĩa là “Ta sẽ trở thành Đấng ta sẽ trở thành” (Xuất 3:14, NW). Về danh Đức Chúa Trời, ông J. B. Rotherham nói trong phần giới thiệu cuốn sách của ông (The Emphasized Bible): “[Danh ấy] trở thành lời hứa tuyệt diệu nhất; Đức Chúa Trời có khả năng thích ứng với bất cứ hoàn cảnh, khó khăn và nhu cầu nào có thể xảy ra... [Danh ấy] là một lời hứa, cho biết về Đức Chúa Trời và giúp chúng ta tưởng nhớ Ngài. Danh ấy cho thấy Đức Chúa Trời luôn trung tín; và Ngài không bao giờ xấu hổ về danh Ngài”.
4. (a) Ê-sai 26:4 khuyến khích chúng ta làm gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét gì trong bài này?
4 Hãy tự hỏi: “Tôi có biết Đức Giê-hô-va đủ để hoàn toàn tin cậy nơi Ngài không? Tôi có đối mặt với tương lai với lòng tin chắc, biết rằng Đức Chúa Trời kiểm soát mọi việc không?”. Ê-sai 26:4 nói: “Hãy nhờ-cậy [“tin cậy”, BDM] Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại!”. Đành rằng ngày nay Đức Chúa Trời không làm phép lạ để can thiệp vào đời sống con người như đôi khi đã làm vào thời Kinh Thánh, nhưng là “vầng đá của các thời-đại”, Ngài đáng tin cậy “đời đời”. Làm thế nào Đức Chúa Trời giúp đỡ những người thờ phượng trung thành thời nay? Chúng ta hãy xem ba lĩnh vực: Đức Chúa Trời thêm sức khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài để kháng cự cám dỗ; Đức Chúa Trời hỗ trợ khi chúng ta phải đối phó với sự lãnh đạm hoặc chống đối trực diện; và Đức Chúa Trời nâng đỡ khi những mối lo lắng làm chúng ta nản lòng. Khi xem xét những lĩnh vực này, hãy nghĩ xem bạn có thể củng cố lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va như thế nào.
Tin cậy Đức Chúa Trời khi bị cám dỗ làm điều sai trái
5. Có lẽ chúng ta khó tin cậy nơi Đức Chúa Trời khi gặp vấn đề nào?
5 Chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va về lời hứa có Địa Đàng và sự sống lại—là những điều chúng ta ao ước. Nhưng có lẽ chúng ta khó tin cậy Ngài khi gặp vấn đề liên quan đến đạo đức, hết lòng tin rằng làm theo đường lối và tiêu chuẩn của Ngài là đúng và sẽ mang lại hạnh phúc dồi dào. Vua Sa-lô-môn khuyên: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con” (Châm 3:5, 6). Hãy lưu ý câu này nói đến “các nẻo”. Đúng vậy, cả lối sống của chúng ta—không chỉ hy vọng của tín đồ Đấng Christ—nên phản ánh lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Làm thế nào chúng ta cho thấy lòng tin cậy ấy khi gặp cám dỗ?
6. Chúng ta có thể củng cố quyết tâm kháng cự những suy nghĩ xấu bằng cách nào?
6 Để tránh xa điều sai trái, chúng ta phải bắt đầu với lối suy nghĩ. (Đọc Rô-ma 8:5; Ê-phê-sô 2:3). Vậy, bạn có thể củng cố quyết tâm kháng cự những suy nghĩ xấu bằng cách nào? Hãy xem năm cách: 1. Tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện (Mat 6:9, 13). 2. Suy ngẫm các gương trong Kinh Thánh của những người lắng nghe Đức Giê-hô-va và những người không vâng lời Ngài. Rồi lưu ý chuyện gì xảy ra với họa (1 Cô 10:8-11). 3. Nghĩ đến những tổn hại về tinh thần và tình cảm mà việc phạm tội có thể gây ra cho bạn và người thân yêu. 4. Nghĩ xem Đức Chúa Trời hẳn cảm thấy thế nào khi một tôi tớ của Ngài phạm tội nặng. (Đọc Thi-thiên 78:40, 41). 5. Hình dung lòng Đức Giê-hô-va tràn đầy niềm vui khi thấy một tôi tớ trung thành kháng cự điều sai trái và làm điều đúng, dù trước mặt người khác hay khi một mình (Thi 15:1, 2; Châm 27:11). Bạn cũng có thể cho thấy lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va qua việc làm điều đúng.
Tin cậy Đức Chúa Trời khi đối phó với sự lãnh đạm và chống đối
7. Giê-rê-mi gặp thử thách nào, và đôi khi ông cảm thấy thế nào?
7 Nhiều anh chị phụng sự trong những khu vực đặc biệt khó rao giảng. Nhà tiên tri Giê-rê-mi đã phụng sự trong môi trường như thế—vương quốc Giu-đa trong giai đoạn cuối cùng rối ren. Hằng ngày đức tin ông bị thử thách vì ông vâng lời Đức Chúa Trời công bố thông điệp phán xét. Có một lúc, ngay cả viên thư ký trung thành của ông là Ba-rúc cũng than thở vì mệt nhọc (Giê 45:2, 3). Giê-rê-mi có bỏ cuộc vì nản lòng không? Thật ra có lúc ông đã cảm thấy chán nản. Ông thốt lên: “Đáng rủa cho cái ngày mà tôi đã sinh!... Sao tôi đã ra khỏi thai để chịu cực-khổ lo-buồn, cả đời mang sỉ-nhục?”.—Giê 20:14, 15, 18.
8, 9. Phù hợp với Giê-rê-mi 17:7, 8 và Thi-thiên 1:1-3, chúng ta phải làm gì để tiếp tục sanh trái tốt?
8 Tuy nhiên, Giê-rê-mi không bỏ cuộc. Ông tiếp tục tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Kết quả là nhà tiên tri trung thành này đã chứng kiến sự ứng nghiệm lời phán của Đức Chúa Trời nơi Giê-rê-mi 17:7, 8: “Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ-cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông-cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ-hãi, mà lá cứ xanh-tươi. Gặp năm hạn-hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt”.
9 Như một cây xanh tươi “đâm rễ theo dòng nước chảy” hoặc trồng trong vườn được tưới nước, Giê-rê-mi ‘cứ ra trái không dứt’. Ông không để những kẻ chế nhạo gian ác xung quanh ảnh hưởng đến mình. Hơn nữa, ông gắn bó với nguồn của “dòng nước” duy trì sự sống và ghi nhớ mọi điều Đức Giê-hô-va phán. (Đọc Thi-thiên 1:1-3; Giê 20:9). Giê-rê-mi quả là gương tốt cho chúng ta, đặc biệt những người phụng sự ở khu vực khó rao giảng! Nếu đó là trường hợp của bạn, hãy tiếp tục hết lòng nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, Đấng sẽ ban cho bạn sức chịu đựng khi bạn “xưng danh Ngài ra”.—Hê 13:15.
10. Chúng ta có những ân phước nào? Và chúng ta nên tự hỏi điều gì?
10 Trong những ngày cuối cùng này, Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều điều để giúp chúng ta đối phó với khó khăn trong đời sống. Trong số đó có trọn bộ Kinh Thánh, ngày càng được dịch sang nhiều ngôn ngữ một cách chính xác. Đức Chúa Trời cũng cung cấp dồi dào thức ăn thiêng liêng đúng giờ qua lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Ngoài ra, Ngài ban cho chúng ta sự hỗ trợ qua tình bạn của đoàn thể anh em cùng đức tin tại các buổi nhóm họp và hội nghị. Bạn có tận dụng những sự cung cấp này không? Tất cả những ai làm thế “sẽ hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ”. Nhưng ai không nghe lời Đức Chúa Trời “thì khóc-lóc vì lòng buồn-bực, kêu-than vì tâm thần phiền-não”.—Ê-sai 65:13, 14.
Tin cậy Đức Chúa Trời khi đối phó với những lo lắng
11, 12. Trước những vấn đề trên thế giới, đường lối khôn ngoan thật là gì?
11 Như được báo trước, những vấn đề khốn khổ ập đến cho nhân loại như nước lũ (Mat 24:6-8; Khải 12:12). Khi lũ lụt xảy ra, phản ứng thông thường của người ta là leo lên mái nhà hoặc chạy đến bất cứ chỗ nào cao hơn. Tương tự thế, khi những vấn đề trên thế giới ngày càng chồng chất, hàng triệu người tìm sự nương tựa nơi các tổ chức tài chính, chính trị hoặc tôn giáo có vẻ vững chắc, cũng như nơi khoa học và kỹ thuật. Nhưng không nơi nào trong số đó mang lại sự an toàn thật sự (Giê 17:5, 6). Ngược lại, tôi tớ của Đức Giê-hô-va có một nơi nương tựa vững chắc—“vầng đá của các thời-đại” (Ê-sai 26:4). Người viết Thi-thiên nói: “[Đức Giê-hô-va] là hòn đá tôi, sự cứu-rỗi tôi”. (Đọc Thi-thiên 62:6-9). Làm thế nào chúng ta có thể nương tựa nơi Vầng Đá này?
12 Chúng ta gắn bó với Đức Giê-hô-va khi vâng theo Lời Ngài—thường trái ngược với sự khôn ngoan của con người (Thi 73:23, 24). Chẳng hạn, những người chịu ảnh hưởng bởi sự khôn ngoan của con người có thể nói: “Đời người ngắn ngủi, hãy tận hưởng cuộc sống!”, “Hãy thăng tiến trong sự nghiệp!”, “Tiền bạc là đích đến!”, “Hãy mua sản phẩm này!”, “Không chỉ là du lịch! Hãy nhìn ra thế giới!”. Ngược lại, sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời phù hợp với lời khuyên này: “Kẻ dùng của thế-gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy; vì hình-trạng thế-gian nầy qua đi” (1 Cô 7:31). Tương tự, Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta luôn đặt quyền lợi Nước Trời trước hết và như thế “chứa của-cải ở trên trời”, nơi an toàn tuyệt đối.—Mat 6:19, 20.
13. Ghi nhớ 1 Giăng 2:15-17, chúng ta nên tự hỏi điều gì?
13 Thái độ của bạn về “thế-gian” và “các vật ở thế-gian” có cho thấy bạn hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời không? (1 Giăng 2:15-17). Đối với bạn, sự giàu có về thiêng liêng và những đặc ân trong thánh chức có đáng quý và quan trọng hơn những điều mà thế gian cung hiến không? (Phi-líp 3:8). Bạn có cố gắng giữ ‘mắt đơn thuần’ không? (Mat 6:22, Nguyễn Thế Thuấn). Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời không muốn bạn thiếu suy xét hoặc thiếu trách nhiệm, đặc biệt khi bạn phải chăm sóc gia đình (1 Ti 5:8). Nhưng Ngài muốn các tôi tớ hoàn toàn tin cậy nơi Ngài, không phải nơi thế gian sắp tàn của Sa-tan.—Hê 13:5.
14-16. Khi giữ ‘mắt đơn thuần’ và đặt quyền lợi Nước Trời trước hết trong đời sống, một số người nhận lợi ích nào?
14 Hãy xem trường hợp của anh Richard và chị Ruth có ba con nhỏ. Anh Richard cho biết: “Trong lòng tôi biết mình có thể làm nhiều hơn cho Đức Giê-hô-va. Tôi có đời sống thoải mái nhưng cảm thấy mình chỉ dâng cho Đức Giê-hô-va những phần còn lại. Sau khi cầu nguyện về vấn đề này và tính phí tổn, vợ chồng tôi quyết định xin chủ cho tôi giảm xuống còn bốn ngày làm việc trong tuần—dù kinh tế trong nước đang khủng hoảng. Yêu cầu của tôi được chấp nhận, và trong vòng một tháng tôi đã bắt đầu làm việc theo thời khóa biểu mới”. Giờ đây anh Richard cảm thấy thế nào?
15 Anh nói: “Lương của tôi giảm 20%, nhưng hiện nay tôi có thêm 50 ngày mỗi năm dành cho gia đình và nuôi dạy con cái. Tôi đã gia tăng giờ thánh chức gấp đôi, số học hỏi Kinh Thánh gấp ba và đảm nhiệm thêm một số công việc trong hội thánh. Vì tôi có nhiều thời gian hơn để giúp vợ tôi chăm sóc các con, nên thỉnh thoảng Ruth có thể làm tiên phong phụ trợ. Tôi quyết tâm duy trì chương trình này càng lâu càng tốt”.
16 Anh Roy và chị Petina có con gái còn sống chung, đã có thể giảm bớt công việc để tham gia thánh chức trọn thời gian. Anh Roy cho biết: “Tôi làm việc ba ngày một tuần và Petina thì làm hai ngày. Chúng tôi cũng chuyển từ nhà riêng đến một căn hộ trong chung cư để dễ chăm sóc hơn. Chúng tôi đã làm tiên phong trước khi có con trai và con gái, và chúng tôi chưa bao giờ mất ước muốn này. Vì thế, khi các con lớn lên, chúng tôi trở lại với thánh chức trọn thời gian. Tiền bạc không thể nào sánh với ân phước mà chúng tôi nhận được”.
Để “sự bình-an của Đức Chúa Trời” gìn giữ lòng
17. Về sự bấp bênh của đời sống, Kinh Thánh an ủi bạn như thế nào?
17 Không ai trong chúng ta biết ngày mai sẽ ra sao vì “thời thế và sự bất trắc” xảy ra cho mọi người (Truyền 9:11, NW). Tuy nhiên, chúng ta không nên mất bình an hiện có vì sự bấp bênh của ngày mai, là điều thường xảy ra với những người không có sự bảo đảm đến từ mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời (Mat 6:34). Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em”.—Phi-líp 4:6, 7.
18, 19. Đức Chúa Trời an ủi chúng ta qua những cách nào? Xin cho thí dụ.
18 Nhiều anh chị trong hoàn cảnh khó khăn đã cảm nhận sự bình an nội tâm từ Đức Giê-hô-va. Một chị nói: “Một bác sĩ phẫu thuật cứ cố gắng thuyết phục tôi nhận truyền máu. Khi gặp tôi, ông bực bội nói: “Không truyền máu là sao?”. Lúc ấy và những lúc khác, tôi thầm cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và cảm nhận được sự bình an. Tôi thấy mình vững như hòn đá. Dù sức yếu vì bị hạ đường huyết, tôi vẫn có thể nói rõ những lý do dựa trên Kinh Thánh về lập trường của mình”.
19 Đôi khi Đức Chúa Trời có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết qua một anh em đồng đạo biết cảm thông hoặc thức ăn thiêng liêng đúng giờ. Rất có thể bạn đã nghe một anh hay chị nói: “Đây đúng là bài tôi cần! Dường như bài này viết cho tôi”. Thật vậy, dù hoàn cảnh hoặc nhu cầu của chúng ta là thế nào, Đức Giê-hô-va sẽ chứng tỏ tình yêu thương của Ngài nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài. Suy cho cùng, chúng ta là “chiên” của Ngài và được gọi bằng danh Ngài.—Thi 100:3; Giăng 10:16; Công 15:14, 17.
20. Khi thế gian của Sa-tan đến hồi kết thúc, tại sao các tôi tớ của Đức Giê-hô-va được “ở an-nhiên vô-sự”?
20 “Ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” đang đến gần. Trong ngày ấy, mọi thứ mà thế gian của Sa-tan tin cậy sẽ sụp đổ. Vàng, bạc và những thứ quý giá khác sẽ không mang lại bất cứ sự bảo đảm nào (Sô 1:18; Châm 11:4). Nơi nương náu duy nhất là Đức Giê-hô-va, “vầng đá của các thời-đại” (Ê-sai 26:4). Vậy, chúng ta hãy thể hiện lòng tin cậy tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va ngay bây giờ qua việc bước đi trong đường lối công bình của Ngài, rao truyền thông điệp Nước Trời dù gặp sự lãnh đạm hoặc chống đối và trao mọi nỗi lo lắng cho Ngài. Khi làm những điều này, chúng ta hẳn sẽ “ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”.—Châm 1:33.
[Chú thích]
Bạn giải thích thế nào?
Chúng ta có thể tỏ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời như thế nào...
• khi bị cám dỗ làm điều sai trái?
• khi gặp sự lãnh đạm hoặc chống đối?
• khi đối phó với những mối lo lắng?
[Hình nơi trang 13]
Giữ theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời mang lại hạnh phúc
[Hình nơi trang 15]
‘Đức Giê-hô-va là vầng đá của các thời-đại!’