Từ kho tàng tư liệu
“Càng ngày tôi càng thích công việc phân phát sách đạo”
Năm 1886, một trăm cuốn sách Bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm (Millennial Dawn), tập I, được chuyển từ Nhà Kinh Thánh ở Allegheny, Pennsylvania, Hoa Kỳ, đến Chicago, Illinois. Anh Charles Taze Russell hy vọng phân phát quyển mới này trong các nhà sách. Một trong những công ty phân phối sách tôn giáo lớn nhất Hoa Kỳ đã đồng ý nhận sách Millennial Dawn bằng hình thức ký gửi. Tuy nhiên, hai tuần sau, toàn bộ lô hàng bị trả lại.
Được biết là vào thời đó, một nhà truyền giáo nổi tiếng đã tức giận khi thấy cuốn Millennial Dawn bày bán cùng với sách của ông tại các nhà sách. Ông dọa là nếu sách này còn bày bán, ông cùng các bạn truyền giáo nổi tiếng sẽ cắt hợp đồng với nhà phân phối này. Nhà phân phối đành phải trả lại sách Dawn. Hơn nữa, tổ chức đã đặt quảng cáo sách này trên các tờ báo. Tuy nhiên, những kẻ chống đối làm mọi cách để hủy bỏ các hợp đồng quảng cáo. Vậy, làm thế nào ấn phẩm mới này sẽ đến với người tìm kiếm sự thật?
Người phân phát sách đạo, như cách gọi thời bấy giờ, là giải phápa. Năm 1881, với mục tiêu là có 1.000 người làm việc trọn thời gian để phân phát ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower) đã kêu gọi độc giả tham gia. Dù những người phân phát sách đạo chỉ có vài trăm người nhưng họ rải hạt giống sự thật khắp nơi bằng các ấn phẩm. Đến năm 1897, gần một triệu cuốn Dawn được phân phát, phần lớn là qua những người phân phát sách đạo. Tùy số lượng ấn phẩm phân phát mà họ nhận được khoản phụ cấp khiêm tốn, hầu hết trong số họ sống dựa vào số tiền này.
Những người phân phát sách đạo dạn dĩ này là ai? Một số là thanh thiếu niên, số khác thì lớn tuổi hơn. Nhiều người còn độc thân hoặc đã kết hôn mà không có con, và không ít gia đình cũng tham gia. Những người phân phát sách đạo trọn thời gian làm việc cả ngày, và những người phân phát sách đạo bán thời gian dành một hoặc hai tiếng mỗi ngày cho công việc này. Không phải ai cũng có sức khỏe hoặc điều kiện để làm công việc ấy. Nhưng tại hội nghị địa hạt năm 1906, những ai muốn làm công việc ấy được cho biết họ không cần phải “có kiến thức rộng, tài giỏi hay nói năng như thiên sứ”.
Trên hầu hết các châu lục đều có những người bình thường thực hiện công việc phi thường. Một anh ước tính rằng trong bảy năm, anh phân phát được 15.000 cuốn sách. Tuy nhiên, anh nói: “Tôi không tham gia công việc phân phát sách đạo để là người bán sách, nhưng để là người làm chứng cho Đức Giê-hô-va và sự thật của ngài”. Người phân phát sách đạo đi đến đâu, những hạt giống sự thật mọc lên đến đó, và số nhóm Học viên Kinh Thánh bắt đầu gia tăng.
Hàng giáo phẩm coi khinh những người phân phát sách đạo và gọi họ là những kẻ bán sách rong. Tháp Canh năm 1892 nhận xét: “Rất ít người biết rằng [những người phân phát sách đạo] là những người đại diện chân chính của Chúa, hoặc nhận ra rằng Chúa quý trọng sự khiêm nhường và tinh thần hy sinh của họ”. Thật vậy, đời sống của những người phân phát sách đạo không dễ dàng. Họ di chuyển chủ yếu bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp. Người nào muốn nhận sách mà không có tiền thì họ sẵn sàng đổi sách lấy thức ăn. Sau một ngày làm việc trên cánh đồng, dù mệt nhưng họ vui mừng trở về lều và phòng trọ. Sau đó người phân phát sách đạo dùng một loại xe ngựa tự chế, nhờ nhà lưu động thô sơ này họ đã tiết kiệm được tiền và thời gianb.
Bắt đầu từ Hội nghị Chicago năm 1893, chương trình bao gồm các phiên họp đặc biệt cho những người phân phát sách đạo. Tại các phiên họp này, người dự sẽ nghe kinh nghiệm, được gợi ý về phương pháp rao giảng và nhận lời khuyên thực tế. Một lần anh Russell khuyến khích những người rao giảng tận tụy hãy có bữa sáng thịnh soạn, một ly sữa giữa buổi và một ly soda kem vào ngày nóng bức.
Người phân phát sách đạo nào đang tìm bạn đồng sự thì đeo cái nơ màu vàng. Người mới thường đi chung với người có kinh nghiệm. Dường như sự huấn luyện này là cần thiết vì có một người mới do căng thẳng nên giới thiệu sách: “Bà không muốn sách này phải không?”. Thật mừng là chủ nhà lại muốn nhận sách và sau này trở thành người phụng sự Đức Chúa Trời.
Một anh đã phân vân: “Tôi nên tiếp tục làm công việc có thu nhập cao hiện tại và mỗi năm đóng góp 1.000 đô la (Mỹ) cho công việc Nước Trời, hay tôi nên làm người phân phát sách đạo?”. Có người nói với anh là Chúa quý trọng cả hai việc đó, nhưng trực tiếp dâng cho ngài thời gian sẽ mang lại cho anh những ân phước lớn hơn. Chị Mary Hinds xem công việc phân phát sách đạo là “cách tốt nhất để làm việc lành cho nhiều người nhất”. Một chị có tính rụt rè là chị Alberta Crosby nói: “Càng ngày tôi càng thích công việc phân phát sách đạo”.
Ngày nay, nhiều con cháu theo huyết thống cũng như theo nghĩa thiêng liêng của những người phân phát sách đạo vẫn tiếp nối công việc của họ. Nếu dòng họ của bạn chưa có người nào làm việc phân phát sách đạo, hay tiên phong, sao bạn không bắt đầu gây dựng truyền thống gia đình? Làm thế, bạn cũng sẽ ngày càng yêu thích công việc rao giảng trọn thời gian.
[Chú thích]
a Sau năm 1931, tên “người phân phát sách đạo” được đổi thành “người tiên phong”.
b Thông tin chi tiết về xe ngựa này sẽ được đăng trong một Tháp Canh sắp tới.
[Câu nổi bật nơi trang 32]
Họ không cần phải “có kiến thức rộng, tài giỏi hay nói năng như thiên sứ”
[Hình nơi trang 31]
Anh A. W. Osei phân phát sách đạo ở Ghana, khoảng năm 1930
[Các hình nơi trang 32]
Bên trên: Chị Edith Keen và Gertrude Morris phân phát sách đạo ở Anh Quốc, khoảng năm 1918; bên dưới: Anh Stanley Cossaboom và Henry Nonkes ở Hoa Kỳ với những chiếc thùng các-tông rỗng mà họ đã đựng sách