Nhận ra “kẻ nghịch cùng luật-pháp”
“Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật-pháp kia sẽ hiện ra, Chúa Giê-su sẽ...hủy-diệt nó” (II TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2:8).
1, 2. Tại sao điều trọng yếu là chúng ta nhận ra kẻ nghịch cùng luật pháp?
Chúng ta sống trong một thời đại người ta nghịch cùng luật pháp. Đây là một hiện tượng đang lan tràn trên khắp thế giới. Ở mọi nơi người ta đều sợ những kẻ cướp bóc nghịch cùng luật pháp, chúng là mối đe dọa cho cá nhân và tài sản của chúng ta. Tuy vậy, có một phần tử nghịch cùng luật pháp còn lợi hại nhiều hơn nữa đang lộng hành qua nhiều thế kỷ nay. Kinh-thánh gọi đó là “kẻ nghịch cùng luật-pháp”.
2 Điều trọng yếu là chúng ta nhận ra kẻ nghịch cùng luật pháp này. Tại sao? Bởi vì hắn cương quyết phá hoại vị thế tốt của chúng ta trước mắt Đức Chúa Trời và hy vọng của chúng ta về sự sống đời đời. Thế nào? Bằng cách làm cho chúng ta lìa bỏ lẽ thật và, thay vì thế, tin nơi những sự giả dối, để rồi tách rời khỏi sự thờ phượng Đức Chúa Trời “bằng tâm-thần và lẽ thật” (Giăng 4:23). Hiển nhiên qua các hành vi của hắn, phần tử đặc biệt nghịch cùng luật pháp này chống lại Đức Chúa Trời và các ý định của Ngài, cũng như chống lại dân sốt sắng của Ngài.
3. Kinh-thánh gây chú ý thế nào cho chúng ta liên quan đến kẻ nghịch cùng luật pháp?
3 Kinh-thánh nói về kẻ nghịch cùng luật pháp này nơi II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3. Sứ đồ Phao-lô viết dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời: “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa-dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội-ác, con của sự hư-mất hiện ra, [rồi ngày mà Đức Giê-hô-va hủy diệt hệ thống gian ác này mới đến sau]”. Nơi đây Phao-lô nói tiên tri về sự bội đạo sẽ phát triển và một kẻ nghịch cùng luật pháp sẽ hiện ra trước khi hệ thống này bị hủy diệt. Thật thế, Phao-lô ghi nơi câu 7: “Vì đã có sự [huyền bí] của điều bội-nghịch đương hành-động rồi”. Vậy thì ngay trong thế kỷ thứ nhất kẻ nghịch cùng luật pháp này đã bắt đầu lộ diện rồi.
Nguồn gốc của kẻ nghịch cùng luật pháp
4. Ai là kẻ dấy lên và ủng hộ cho kẻ nghịch cùng luật pháp?
4 Ai đã dấy lên và ủng hộ kẻ nghịch cùng luật pháp này? Phao-lô trả lời: “Kẻ đó lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối-giả; dùng mọi cách phỉnh-dỗ không công-bình mà dỗ những kẻ hư-mất, vì chúng nó đã không nhận-lãnh sự yêu-thương của lẽ thật để được cứu-rỗi” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9, 10). Vậy thì Sa-tan là cha đẻ và là kẻ đỡ đầu của kẻ nghịch cùng luật pháp. Và cũng như Sa-tan nghịch lại Đức Giê-hô-va, các ý định của Ngài, và dân sự của Ngài, kẻ nghịch cùng luật pháp làm giống vậy, dù hắn có ý thức được điều này hay không.
5. Số phận của kẻ nghịch cùng luật pháp và những ai theo hắn là gì?
5 Những ai đi theo kẻ nghịch cùng luật pháp này sẽ chịu chung số phận với hắn—tức sự hủy diệt: “Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật-pháp kia sẽ hiện ra, Chúa Giê-su sẽ...hủy-diệt nó, và trừ-bỏ nó bởi sự chói-sáng của sự ngài đến” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8). Thời kỳ mà kẻ nghịch cùng luật pháp và những ai ủng hộ hắn (“con của sự hư-mất”) bị hủy diệt sẽ đến ít lâu sau khi “Chúa Giê-su từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục [tin mừng] của Chúa Giê-su Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình-phạt hư-mất đời đời” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9).
6. Phao-lô cho biết gì thêm về kẻ nghịch cùng luật pháp?
6 Phao-lô mô tả tiếp về kẻ nghịch cùng luật pháp này: “[Hắn] tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là [thần] hoặc người ta thờ-lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là [thần]” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Vậy Phao-lô cảnh giác rằng Sa-tan sẽ dấy lên một kẻ nghịch cùng luật pháp, một đối tượng giả để tôn thờ, kẻ sẽ tự đặt mình lên trên luật pháp Đức Chúa Trời.
Nhận diện kẻ nghịch cùng luật pháp
7. Tại sao chúng ta kết luận rằng Phao-lô không nói về một người theo nghĩa đen, và kẻ nghịch cùng luật pháp tiêu biểu cho điều gì?
7 Có phải Phao-lô nói về một cá nhân nào đó không? Không, vì Phao-lô ghi rằng “kẻ” này hiện ra vào thời ông và sẽ tiếp tục hiện hữu cho đến khi Đức Giê-hô-va hủy diệt hắn vào thời buổi cuối cùng của hệ thống này. Thế thì hắn đã hiện hữu qua nhiều thế kỷ rồi. Hiển nhiên, một người hiểu theo nghĩa đen không sống lâu như thế. Vậy từ ngữ “kẻ nghịch cùng luật-pháp” phải tiêu biểu cho một giới người, hay một lớp người.
8. Ai là kẻ nghịch cùng luật pháp, và một số đặc điểm nào giúp nhận ra hắn?
8 Chúng là ai? Các bằng chứng hiển nhiên cho thấy rằng đó là lớp người gồm các giới chức giáo phẩm tự phụ, đầy tham vọng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, những kẻ đã tự lập luật cho chính mình trải qua hằng bao nhiêu thế kỷ. Có thể thấy được điều này qua sự kiện là có hằng ngàn tôn giáo và giáo phái khác nhau trong hàng ngũ các nước có phần đông dân tự xưng theo đấng Christ, mỗi nhóm đều có giới giáo phẩm riêng, nhưng nhóm này ngược lại với nhóm kia về một số khía cạnh giáo lý hay thực hành. Tình trạng chia rẽ này là bằng chứng rõ rệt cho thấy rằng chúng không theo luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng không thể đến từ Đức Chúa Trời được. (So sánh Mi-chê 2:12; Mác 3:24; Rô-ma 16:17; I Cô-rinh-tô 1:10). Tất cả các tôn giáo này đều có chung một điểm là chúng không bám chặt vào những sự dạy dỗ của Kinh-thánh, như vậy thì vi phạm qui tắc: “Chớ vượt qua lời đã chép”. (I Cô-rinh-tô 4:6; cũng xem Ma-thi-ơ 15:3, 9, 14).
9. Kẻ nghịch cùng luật pháp thay thế các lẽ thật của Kinh-thánh bằng những điều tin tưởng nào ngược lại Kinh-thánh?
9 Vậy thì kẻ nghịch cùng luật pháp này là một lớp người tổng hợp: giới chức giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Dù là giáo hoàng, linh mục, tộc trưởng, hay giảng sư đạo Tin lành, hết thảy đều cùng nhau chia xẻ trách nhiệm về tội lỗi tôn giáo đã vi phạm bởi các đạo tự xưng theo đấng Christ. Chúng đã đổi lẽ thật của Đức Chúa Trời thành sự giả dối của tà giáo, bằng cách dạy những giáo lý ngược lại Kinh-thánh như linh hồn bất tử, lửa địa ngục, lò luyện tội và Chúa Ba Ngôi. Chúng giống như các lãnh tụ tôn giáo mà Giê-su ngỏ lời: “Các ngươi bởi cha mình, là ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình... Nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Các thực hành của chúng cũng phô trương chúng ra như kẻ nghịch cùng luật pháp, vì chúng tham dự vào các hoạt động vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Giê-su nói với những kẻ thể ấy: “Hỡi kẻ làm gian-ác...hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:21-23).
Tự tâng bốc lên cao
10. Giữa kẻ nghịch cùng luật pháp và các vua chúa chính trị có sự liên hệ nào?
10 Lịch sử cho thấy rằng những ai hợp thành lớp người nghịch cùng luật pháp đã biểu lộ sự tự phụ và ngạo mạn thể ấy, đến độ chúng đã thật sự ra lệnh cho các vua chúa thế giới phải làm điều này, điều nọ. Viện cớ rằng “các vua cai trị do quyền từ trên trời”, giới chức giáo phẩm đã tự xưng họ giữ độc quyền làm trung gian giữa vua chúa và Đức Chúa Trời. Họ đã lập vua và phế vua và đã xúi giục được cả quần chúng nổi lên để ủng hộ hoặc chống lại các vua chúa. Thật thế, họ đã nói, như các thầy tế lễ thượng phẩm Do-thái đã chối bỏ Giê-su: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi” (Giăng 19:15). Tuy vậy, Giê-su nói rõ: “Nước ta chẳng thuộc về hạ-giới” (Giăng 18:36).
11. Giới chức giáo phẩm tự tâng bốc mình lên thế nào?
11 Để tự tâng bốc ngay cả lên trên những người dân thường, lớp người nghịch cùng luật pháp này đã đặt ra y phục khác để mặc, thường là màu đen. Hơn nữa, họ đeo trên người đủ loại biểu chương để lấy oai, cùng với vương miện, thập tự giá và mão giáo chủ. (So sánh Ma-thi-ơ 23:5, 6). Nhưng Giê-su và môn đồ không có y phục thể ấy; họ ăn mặc giống như những người dân thường. Giới chức giáo phẩm cũng đã tự đặt cho chức hiệu như “Đức Cha”, “Đức Thánh Cha”, “Đức Ông”, “Ngài Lớn”, v.v... làm cho họ trổi hơn tất cả mọi người. Tuy vậy, Giê-su đã nói về các chức hiệu tôn giáo: “Đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình” (Ma-thi-ơ 23:9). Tương tợ như thế, khi trách móc những người giả bộ an ủi Gióp, Ê-li-hu có nói: “Tôi sẽ chẳng tư-vị ai, không dua-nịnh bất-kỳ người nào” (Gióp 32:21).
12. Thể theo Phao-lô thì thật ra giới chức giáo phẩm hầu việc ai?
12 Khi Phao-lô thời xưa nói rằng kẻ nghịch cùng luật pháp đã bắt đầu hoạt động rồi, ông cũng nói về những kẻ biểu lộ thái độ của hắn: “Vì mấy người như vậy là sứ-đồ giả, là kẻ làm công lừa-dối, mạo chức sứ-đồ của đấng Christ. Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng. Vậy thì những kẻ giúp việc nó mạo làm kẻ giúp việc công-bình cũng chẳng lạ gì; nhưng sự cuối-cùng họ sẽ y như việc làm” (II Cô-rinh-tô 11:13-15).
Phản nghịch chống lại sự thờ phượng thật
13. Sự bỏ đạo hay bội đạo mà Phao-lô nói tiên tri là gì?
13 Phao-lô nói rằng kẻ nghịch cùng luật pháp này sẽ phát triển cùng lúc với sự bội đạo. Thật thế, manh mối đầu tiên Phao-lô cho thấy để nhận diện kẻ nghịch cùng luật pháp này là sự kiện “ngày Chúa [khi Đức Giê-hô-va hủy diệt hệ thống mọi sự gian ác này]...[sẽ đến chỉ khi nào] có sự bỏ đạo đến trước” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2, 3). Nhưng “sự bỏ đạo” là gì? Trong toàn bộ đoạn văn, đó không chỉ là một sự sa sút hay bỏ đi vì đức tin yếu kém. Chữ Hy-lạp dùng ở đây để chỉ “sự bỏ đạo” có nhiều nghĩa, trong số đó có nghĩa là một “sự ly khai” hay một “sự dấy lên chống lại”. Nhiều bản dịch dùng chữ “phản nghịch”. Bản dịch Trần Đức Huân viết: “Trước hết có sự bỏ đạo...nó phản nghịch”. Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn gọi đó là “sự ly gián...dấy lên chống lại”. Do đó, theo toàn bộ đoạn văn mà Phao-lô thảo luận đến, “sự bỏ đạo” có nghĩa là một cuộc dấy lên chống lại sự thờ phượng thật.
14. Khi nào thì sự bội đạo bắt đầu khai triển mạnh?
14 Làm thế nào sự bội đạo này, sự dấy lên chống lại này đã phát triển? Nơi II Tê-sa-lô-ni-ca 2:6, Phao-lô viết về thời của ông, nói đến “điều làm ngăn-trở” hành động trên kẻ nghịch cùng luật pháp. Đó là gì? Đó là sức cản của các sứ đồ. Sự có mặt của họ, với quyền năng mà thánh linh ban cho họ, ngăn không cho sự bội đạo lan tràn quá đỗi (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4; I Cô-rinh-tô 12:28). Nhưng sau khi các sứ đồ chết đi, vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, thì sự hạn chế đó không còn nữa.
Lớp giới chức giáo phẩm nghịch với Kinh-thánh phát triển
15. Giê-su đã sắp đặt điều gì cho hội-thánh đấng Christ?
15 Hội-thánh mà Giê-su thành lập đã phát triển trong thế kỷ thứ nhất dưới sự hướng dẫn của các trưởng lão (giám thị) và tôi tớ chức vụ (Ma-thi-ơ 20:25-27; I Ti-mô-thê 3:1-13; Tít 1:5-9). Những người này được chọn từ trong hội-thánh. Họ là những người có khả năng thiêng liêng không cần một sự huấn luyện đặc biệt nào về thần học, cũng như chính Giê-su không cần một sự huấn luyện về thần học. Thật vậy, những kẻ chống lại ngài tự hỏi: “Người nầy chưa từng học, làm sao biết được Kinh-thánh?” (Giăng 7:15). Và về các sứ đồ, các lãnh tụ tôn giáo nhận xét giống vậy: “Khi chúng thấy sự dạn-dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt-nát không học, thì đều lấy làm lạ; lại nhận-biết hai người từng ở với Giê-su” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:13).
16. Sự bội đạo đã gây ra một sự tách rời như thế nào, lệch ra khỏi mẫu mực của tổ chức hội-thánh?
16 Tuy nhiên, sự bội đạo du nhập các khái niệm bắt nguồn từ giới chức giáo phẩm Do-thái và sau đó từ hệ thống tôn giáo La-mã tà tịch. Theo giòng thời gian trôi qua và khi người ta xây bỏ đạo thật, một giới chức giáo phẩm nghịch lại Kinh-thánh phát sinh. Một giáo hoàng đội vương miện bắt đầu cai trị trên một hội đồng các hồng y giáo chủ được chọn giữa các giám mục và tổng giám mục xuất thân từ các linh mục đã theo học các chủng viện. Vậy chẳng bao lâu sau thế kỷ thứ nhất, một nhóm giới chức giáo phẩm huyền bí cầm đầu trên giáo hội tự xưng theo đấng Christ. Lớp người này không làm theo mẫu mực của các trưởng lão và tôi tớ chức vụ tín đồ đấng Christ thuộc thế kỷ thứ nhất nhưng làm giống như các hệ thống tôn giáo tà tịch.
17. Khi nào thì quyền hành của kẻ nghịch cùng luật pháp đặc biệt được vững thêm?
17 Ngay từ khoảng thế kỷ thứ ba tây lịch, những người tin đạo tầm thường đã bị liệt vào hàng giáo dân hưởng qui chế phụ thuộc. Kẻ nghịch cùng luật pháp và bội đạo dần dần đã nắm lấy quyền bính. Quyền này được vững thêm dưới triều đại của Hoàng đế La-mã Constantine, đặc biệt là sau giáo nghị hội tại Nicaea năm 325 tây lịch. Lúc bấy giờ Giáo hội và Quốc gia phối hợp chặt chẽ lại với nhau. Rồi, kẻ nghịch cùng luật pháp—giới chức giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ—trở thành một chuỗi dài lâu đến hằng thế kỷ gồm những kẻ bội đạo dấy lên chống lại Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va. Luật pháp và thể chế của họ là do họ đặt ra, chứ không phải do Đức Chúa Trời.
Những sự dạy dỗ của tà giáo
18. Kẻ nghịch cùng luật pháp đã chủ trương những sự dạy dỗ tà giáo phạm thượng nào?
18 Kẻ nghịch cùng luật pháp thành hình dần dần cũng vay mượn những sự dạy dỗ của tà giáo. Thí dụ, người ta đã đem vào một thần Ba Ngôi huyền bí, không thể hiểu được để thay thế cho Đấng đã nói: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác”. “Ta là Đức Giê-hô-va, không có đấng nào khác, ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa” (Ê-sai 42:8; 45:5). Việc thay thế các lẽ thật về Đức Chúa Trời bằng các ý niệm của loài người, ngay cả ý niệm tà giáo, đã lan rộng thêm, đi đến chỗ phạm thượng khác nữa: thờ kính bà Ma-ri khiêm nhường của Kinh-thánh, gọi bà là “Mẹ của Đức Chúa Trời” theo lối của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Vậy, những kẻ cổ động cho các sự dạy dỗ sai lầm, tức lớp giới chức giáo phẩm, đã trở thành “cỏ lùng” tràn lan nhanh nhất do Sa-tan gieo, hầu tìm cách làm nghẹt ngòi hạt giống tốt được gieo bởi đấng Christ (Ma-thi-ơ 13:36-39).
19. Làm thế nào Giáo hội tự xưng theo đấng Christ đã bị phân tán trong suốt nhiều thế kỷ, nhưng cái gì vẫn còn được giữ lại?
19 Rồi khi có sự phân rẽ và chia cách (rạn nứt) xảy ra, Giáo hội tự xưng theo đấng Christ đã phân tán thành hằng trăm tôn giáo và giáo phái. Nhưng mỗi tôn giáo hay giáo phái mới lập, trừ ra vài ngoại lệ hiếm có, đều giữ lại sự phân chia giữa giáo phẩm và giáo dân. Vậy, kẻ nghịch cùng luật pháp tiếp tục hiện hữu cho đến nay. Và lớp người đó vẫn tiếp tục tự tâng bốc lên trên những người dân thường bằng cách mặc y phục khác biệt và tự gán cho các chức hiệu kiêu kỳ. Rõ ràng là Phao-lô không quá đáng khi nói rằng lớp người nghịch cùng luật pháp sẽ tự tôn vinh và tự tâng bốc lên hàng thần thánh.
Truyền thống giáo hoàng
20. Một tài liệu Công giáo mô tả thế nào về giáo hoàng?
20 Một trường hợp về sự tự tôn vinh đó là truyền thống giáo hoàng tại Rô-ma. Một tự điển giáo hội do Lucio Ferraris, xuất bản tại Ý-đại-lợi, mô tả giáo hoàng có “phẩm cách và địa vị cao đến độ không còn là một người thường nữa, mà là Thiên Chúa, và Đại biểu của Thiên Chúa”. Vương miện của ông là vương miện tượng trưng cho quyền làm vua ba cõi tức “vua trên trời, vua tại đất và vua dưới địa ngục”. Tự điển nói trên ghi tiếp: “Giáo hoàng giống như là Thiên Chúa trên đất, ông hoàng duy nhất trên các con chiên của đấng Ky-tô, vua lớn nhất trong tất cả các vua”. Và thêm: “Đôi khi giáo hoàng có thể làm trái lại luật pháp thiên thượng”. Ngoài ra, cuốn “Tân Tự điển Công giáo” (The New Catholic Dictionary) nói về giáo hoàng: “Các đại sứ của giáo hoàng có quyền ưu tiên vượt lên trên các nhân viên khác của ngoại giao đoàn”.
21. Hãy cho biết các hành vi của giáo hoàng trái ngược thế nào với hành vi của Phi-e-rơ và của một thiên sứ.
21 Khác với môn đồ của Giê-su, giáo hoàng thường mặc y phục rất sang trọng và thích được người ta nịnh hót. Giáo hoàng cho phép người ta quì gối dưới chân ông, hôn chiếc nhẫn của ông và đặt ông ngồi trên một cái kiệu đặc biệt và khiêng trên vai họ. Thật là các giáo hoàng đã tỏ ra hống hách trải qua nhiều thế kỷ! Thật là trái ngược với sự giản dị khiêm nhường của Phi-e-rơ là người đã từng nói với Cọt-nây, quan cai trong quân đội La-mã thời xưa, đã quì xuống dưới chân Phi-e-rơ để tôn sùng: “Xin ông đứng dậy, tôi đây cũng chỉ là người”! (Công vụ các Tông đồ 10 25-26 [Công-vụ các Sứ-đồ 10:25, 26], Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Và thật là trái ngược làm sao với thiên sứ đã từng truyền tin tức lại cho sứ đồ Giăng để viết sách Khải-huyền! Giăng sắp sửa quì xuống thờ lạy thiên sứ, nhưng thiên sứ tuyên bố: “Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi-tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên-tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ-phượng Đức Chúa Trời!” (Khải-huyền 22:8, 9).
22. Có thể nhận ra kẻ nghịch cùng luật pháp nhờ qui tắc nào của Kinh-thánh?
22 Phải chăng lớp giới chức giáo phẩm bị đoán xét như thế là quá nặng? Chúng ta có thể xác định điều này bằng cách áp dụng qui tắc mà Giê-su đã ban cho để nhận ra tiên tri giả: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được” (Ma-thi-ơ 7:15, 16). Vậy thì, giới chức giáo phẩm đã trưng bày bông trái nào trải qua các thế kỷ và trong thế kỷ 20 của chúng ta? Số phận của kẻ nghịch cùng luật pháp là gì, và ai sẽ chịu chung số phận đó? Những người thật tình kính sợ Đức Chúa Trời có trách nhiệm gì đối với kẻ nghịch cùng luật pháp? Bài trong số tới sẽ bàn luận về các điểm này.
Câu hỏi để ôn lại
◻ Ai là kẻ nghịch cùng luật pháp và khi nào đã hiện ra rõ?
◻ Kinh-thánh nhận diện cách nào kẻ đã lập ra lớp người nghịch cùng luật pháp?
◻ Giới chức giáo phẩm đã tự tâng bốc thế nào lên trên những người dân thường?
◻ Giới chức giáo phẩm đã đặt ra những sự dạy dỗ bội đạo và các thực hành nào?
◻ Thái độ của các giáo hoàng trái ngược thế nào với thái độ của Phi-e-rơ và của một thiên sứ?
[Hình nơi trang 23]
Khác với các giáo hoàng, sứ đồ Phi-e-rơ đã không để cho người ta tôn sùng ông