BÀI TRANG BÌA | THƯỢNG ĐẾ NGHĨ GÌ VỀ CHIẾN TRANH?
Quan điểm của Đức Chúa Trời về chiến tranh vào thời xa xưa
Thời đó người dân đang bị áp bức. Dân của Đức Chúa Trời vào thời xưa là dân Y-sơ-ra-ên không ngừng cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu, nhưng chưa thấy ai đến cứu họ. Những kẻ áp bức là dân Ai Cập hùng mạnh (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:13, 14). Trong nhiều năm, người Y-sơ-ra-ên chờ đợi Đức Chúa Trời chấm dứt ách áp bức của Ai Cập. Cuối cùng, đã đến thời điểm thích hợp để Đức Chúa Trời hành động (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7-10). Kinh Thánh tường thuật rằng đích thân ngài tranh chiến với Ai Cập. Ngài giáng một loạt các tai vạ xuống Ai Cập, rồi sau đó tiêu diệt vua Ai Cập và đội quân của ông tại Biển Đỏ (Thi-thiên 136:15). Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã chứng tỏ là “một chiến-sĩ” chiến đấu cho dân ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3, 4.
Việc Đức Chúa Trời đích thân tranh chiến với dân Ai Cập cho thấy ngài không phản đối mọi cuộc chiến. Trong những lần khác, ngài cho phép dân Y-sơ-ra-ên tham gia chiến tranh. Ví dụ, ngài ra lệnh cho họ tiến hành chiến tranh chống lại dân Ca-na-an vô cùng gian ác (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:5; 20:17, 18). Ngài lệnh cho vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên khai chiến chống lại những kẻ áp bức là dân Phi-li-tin. Đức Chúa Trời thậm chí còn chỉ cho Đa-vít biết chiến thuật để giành thắng lợi.—2 Sa-mu-ên 5:17-25.
Những lời tường thuật đó cho thấy rằng khi sự gian ác và áp bức ảnh hưởng đến dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời cho phép chiến tranh xảy ra để bảo vệ dân ngài và gìn giữ sự thờ phượng thật. Nhưng hãy lưu ý ba điểm quan trọng sau đây về các cuộc chiến theo lệnh của Đức Chúa Trời.
CHỈ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI XÁC ĐỊNH AI THAM CHIẾN. Vào một dịp nọ, Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Trong trận nầy các ngươi sẽ chẳng cần gì tranh-chiến”. Vì sao? Chính Đức Chúa Trời sẽ tranh chiến cho họ (2 Sử-ký 20:17; 32:7, 8). Ngài đã làm thế nhiều lần, chẳng hạn như trong trường hợp được nói ở đầu bài. Vào những lần khác, Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân ngài ở nước Y-sơ-ra-ên thời xưa chiến đấu trong những cuộc chiến mà ngài chấp thuận, cụ thể là những cuộc chiến để xâm chiếm và bảo vệ Đất Hứa.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:1, 2; Giô-suê 10:40.
CHỈ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI XÁC ĐỊNH KHI NÀO CUỘC CHIẾN DIỄN RA. Các tôi tớ của Đức Chúa Trời phải kiên nhẫn chờ đến thời điểm được ngài ấn định để chiến đấu chống lại những kẻ áp bức và gian ác đang bao vây họ. Trong thời gian chờ đợi, họ không được tự ý gây chiến. Khi tự ý làm thế, họ không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy một khi Đức Chúa Trời không cho phép mà dân Y-sơ-ra-ên dám tự ý gây chiến thì họ thường phải chuốc lấy thảm bại.a
ĐỨC CHÚA TRỜI CHẲNG HỀ VUI KHI CON NGƯỜI CHẾT, KỂ CẢ NGƯỜI ÁC. Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn của sự sống và là đấng tạo ra loài người (Thi-thiên 36:9). Vì vậy, ngài không muốn nhìn thấy cảnh con người chết. Nhưng thật đáng buồn, có những người độc ác tìm cách áp bức và thậm chí giết người khác (Thi-thiên 37:12, 14). Để ngăn chặn những việc đó, đôi khi Đức Chúa Trời cho phép chiến tranh xảy ra để chống lại kẻ ác. Dù vậy, trong suốt những năm ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên tham chiến, ngài vẫn “thương-xót” và “chậm nóng-giận” đối với những kẻ áp bức dân ngài (Thi-thiên 86:15). Chẳng hạn, ngài ra lệnh rằng trước khi đánh một thành nào, dân Y-sơ-ra-ên phải “giảng hòa cùng nó” trước để dân chúng trong thành có cơ hội thay đổi cách sống và tránh được chiến tranh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 20:10-13). Qua việc này, Đức Chúa Trời cho thấy rằng ngài “chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối mình và được sống”.—Ê-xê-chi-ên 33:11, 14-16.b
Qua những điều vừa đề cập, chúng ta thấy rằng vào thời xa xưa, Đức Chúa Trời xem chiến tranh là một cách chính đáng để chấm dứt nhiều hình thức áp bức và gian ác. Nhưng chính Đức Chúa Trời, chứ không phải con người, mới có quyền xác định khi nào cuộc chiến sẽ xảy ra và ai sẽ tham gia. Đức Chúa Trời có thích gây chiến một cách khát máu không? Hoàn toàn không! Ngài rất ghét bạo lực (Thi-thiên 11:5). Quan điểm của Đức Chúa Trời về chiến tranh có thay đổi không khi Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô bắt đầu công việc truyền giáo vào thế kỷ thứ nhất?
a Ví dụ, vào một lần nọ, sau khi Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên không được gây chiến, họ cãi lời và đã bị dân A-ma-léc cùng dân Ca-na-an đánh bại (Dân-số Ký 14:41-45). Nhiều năm sau, vị vua trung thành là Giô-si-a đã gây chiến mà không được Đức Chúa Trời cho phép và hành động hấp tấp đó đã khiến ông mất mạng.—2 Sử-ký 35:20-24.
b Dân Y-sơ-ra-ên đã không giảng hòa trước khi gây chiến với dân Ca-na-an. Tại sao? Vì Đức Chúa Trời đã cho dân Ca-na-an 400 năm để sửa đổi đường lối độc ác của mình. Cho tới khi người Y-sơ-ra-ên đến gây chiến cùng họ, dân Ca-na-an nói chung vẫn là một dân độc ác đến mức vô phương cứu chữa (Sáng-thế Ký 15:13-16). Vì vậy, họ phải bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, người Ca-na-an nào thay đổi đường lối mình thì được cứu.—Giô-suê 6:25; 9:3-27.