Dưỡng dục con cái ở xứ lạ—Các khó khăn và phần thưởng
HÀNG triệu người di cư sang nước ngoài, hy vọng lập nghiệp ở xứ sở mới. Âu Châu hiện là quê hương thứ hai của trên 20 triệu người nhập cư, Hoa Kỳ là quê hương của hơn 26 triệu dân sinh tại ngoại quốc, trong khi hơn 21 phần trăm tổng số dân cư nước Úc sinh ra ở hải ngoại. Những gia đình nhập cư này thường phải vất vả học ngôn ngữ mới và phải thích nghi với nền văn hóa mới.
Thường thì trẻ em học nói tiếng của nước mới và bắt đầu suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới nhanh hơn cha mẹ. Khi con cái lớn lên ở đất nước mà cha mẹ xem là xa lạ, những khó khăn về ngôn ngữ có thể tạo ra hố sâu khó san bằng trong việc giao tiếp.
Ngôn ngữ mới không những ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của con cái mà nền văn hóa mới cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nghĩ của chúng. Cha mẹ có thể thấy khó hiểu phản ứng của con cái. Bởi vậy, cha mẹ di cư nào cố gắng dưỡng dục con cái bằng “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” đối diện với những khó khăn khác thường.—Ê-phê-sô 6:4.
Động đến cả lòng lẫn trí là cả một vấn đề khó khăn
Cha mẹ tín đồ Đấng Christ ước muốn và có trách nhiệm dạy dỗ con cái biết “ngôn ngữ thanh sạch”, tức lẽ thật của Kinh Thánh. (Sô-phô-ni 3:9, NW) Thế nhưng, nếu con cái chỉ hiểu biết hạn hẹp về tiếng của cha mẹ và nếu cha mẹ không nói trôi chảy thứ tiếng mà con cái quen dùng, thì làm thế nào cha mẹ có thể ghi tạc luật pháp Đức Giê-hô-va vào lòng con cái? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7) Con cái có thể hiểu những từ cha mẹ dùng, nhưng nếu lời của cha mẹ không thấm vào lòng con cái, thì con cái có thể trở nên người xa lạ ngay trong nhà mình.
Pedro và Sandra từ Nam Mỹ dọn đến nước Úc, và hai người gặp phải khó khăn này trong việc dưỡng dục hai cậu con trai đang tuổi dậy thì.a Anh Pedro nói: “Khi nói về những điều thiêng liêng, liên quan đến lòng và cảm xúc. Ta cần phải diễn đạt những ý tưởng sâu sắc và đầy ý nghĩa hơn, bởi vậy cần có vốn liếng từ vựng phong phú hơn”. Chị Sandra nói thêm: “Nếu con cái chúng tôi không hiểu rành mạch tiếng mẹ đẻ, đời sống thiêng liêng của chúng có thể lâm nguy. Các cháu có thể mất đi lòng quý mến đối với lẽ thật, không nắm được những nguyên tắc chứa đựng trong những gì mình học được. Sự suy xét thiêng liêng có thể bị còi đi, và mối quan hệ của chúng với Đức Giê-hô-va có thể lâm nguy”.
Gnanapirakasam và Helen từ Sri Lanka di cư sang Đức và hiện có hai người con. Họ đồng ý: “Chúng tôi nghĩ việc con cái chúng tôi nói tiếng mẹ đẻ trong khi học tiếng Đức là điều rất quan trọng. Điều quan trọng là các cháu nói cho chúng tôi biết những cảm xúc của chúng, thổ lộ thẳng tâm sự”.
Miguel và Carmen từ Uruguay di cư sang Úc nói: “Cha mẹ nào ở trong tình huống của chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn. Hoặc họ phải học nói thạo thứ tiếng mới để có thể hiểu và giải thích những vấn đề thiêng liêng bằng thứ tiếng ấy hoặc là dạy con cái nói thông thạo tiếng của cha mẹ”.
Quyết định chung của gia đình
Điều quan trọng đối với sức khỏe thiêng liêng của bất cứ gia đình di cư nào là phải quyết định chọn một ngôn ngữ để được “Đức Giê-hô-va dạy-dỗ”. (Ê-sai 54:13) Nếu có một hội thánh nói tiếng mẹ đẻ ở gần nhà, gia đình có thể quyết định tham dự hội thánh này. Mặt khác, họ có thể chọn tham dự hội thánh nói ngôn ngữ chính của xứ họ đến cư trú. Những nhân tố nào chi phối quyết định này?
Demetrios và Patroulla từ Cyprus di cư sang Anh và dưỡng dục năm con ở đấy, giải thích điều gì đã ảnh hưởng đến quyết định của họ: “Lúc đầu, gia đình chúng tôi đi họp với hội thánh nói tiếng Hy Lạp. Trong khi điều này giúp ích rất nhiều cho chúng tôi là cha mẹ, nhưng nó lại cản trở sự phát triển thiêng liêng của con cái chúng tôi. Dù có sự hiểu cơ bản về tiếng Hy Lạp nhưng các cháu thấy khó hiểu những điểm sâu sắc hơn. Điều này thấy rõ qua việc các cháu tương đối chậm tiến bộ về thiêng liêng. Vậy là cả gia đình chúng tôi chuyển đến hội thánh nói tiếng Anh, và hầu như con cái của chúng tôi nhận được kết quả tốt ngay. Các cháu được củng cố về thiêng liêng. Quyết định đổi hội thánh không phải là điều dễ làm, nhưng trong trường hợp của chúng tôi, đó lại là quyết định khôn ngoan”.
Gia đình này vẫn còn giữ được tiếng mẹ đẻ của cha mẹ và gặt hái nhiều phần thưởng. Các con họ bình luận: “Biết nhiều thứ tiếng là một lợi điểm lớn. Dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính, chúng tôi thấy là việc nói được tiếng Hy Lạp đã làm cho mối quan hệ gia đình chúng tôi được mạnh mẽ và khắng khít thêm, đặc biệt đối với ông bà cả bên nội lẫn bên ngoại. Điều này cũng khiến chúng tôi thông cảm với những người di cư, và giúp chúng tôi tin chắc chúng tôi có thể học được một thứ tiếng khác. Vậy khi lớn lên, gia đình chúng tôi dọn đi giúp đỡ một hội thánh nói tiếng Albania”.
Christopher và Margarita cũng từ Cyprus dọn sang Anh và ở đó họ nuôi nấng ba người con. Họ chọn tham dự hội thánh nói tiếng Hy Lạp. Con trai của họ là Nikos, hiện phục vụ với tư cách trưởng lão trong một hội thánh nói tiếng Hy Lạp, nhớ lại: “Chúng tôi được khuyến khích gia nhập hội thánh nói tiếng Hy Lạp lúc đó mới được thành lập. Gia đình chúng tôi xem đây là một nhiệm sở thần quyền”.
Chị Margarita nhận định: “Khi hai cháu trai được bảy và tám tuổi, chúng ghi danh vào Trường Thánh Chức Thần Quyền. Là cha mẹ, chúng tôi hơi lo vì các cháu hiểu biết ít tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, mỗi lần các cháu nhận được bài giảng, cả nhà họp lại giúp, và chúng tôi dành ra hàng giờ để giúp con cái chuẩn bị bài giảng”.
Joanna, con gái của họ, nói: “Tôi có thể nhớ lại lúc cha dạy tiếng Hy Lạp cho chúng tôi bằng cách viết mẫu tự Hy Lạp lên bảng đen ở nhà, và chúng tôi phải học cho thông thạo. Nhiều người mất đến nhiều năm mới học được một ngôn ngữ, nhưng nhờ cha mẹ giúp, chúng tôi học được tiếng Hy Lạp mà không cần phải mất nhiều thì giờ”.
Một số gia đình tham dự hội thánh nói tiếng nước ngoài đối với người bản xứ bởi vì cha mẹ cảm thấy rằng muốn phát triển sự “hiểu-biết thiêng-liêng” và tiến bộ, con cái cần phải được dạy dỗ trong tiếng mẹ đẻ của mình. (Cô-lô-se 1:9, 10; 1 Ti-mô-thê 4:13, 15) Hoặc gia đình có thể xem khả năng ngôn ngữ của họ là một lợi điểm để giúp những người di cư khác học lẽ thật.
Mặt khác, một gia đình có thể cảm thấy tốt hơn hết là gia nhập một hội thánh nói tiếng bản địa nơi họ nhập cư. (Phi-líp 2:4; 1 Ti-mô-thê 3:5) Sau khi thảo luận hoàn cảnh với nhau, chủ gia đình có trách nhiệm quyết định sau khi cầu nguyện. (Rô-ma 14:4; 1 Cô-rinh-tô 11:3; Phi-líp 4:6, 7) Những lời đề nghị nào có thể giúp ích cho những gia đình này?
Một số lời đề nghị thiết thực
Pedro và Sandra, được đề cập ở trên, nói: “Để không quên tiếng mẹ đẻ, chúng tôi quy định chỉ nói tiếng Tây Ban Nha trong nhà. Quy định này khó thực hiện, vì các con trai chúng tôi biết chúng tôi hiểu được tiếng Anh. Nhưng nếu không tuân thủ, chẳng bao lâu các cháu có thể không còn hiểu tiếng Tây Ban Nha nữa”.
Miguel và Carmen, cũng được đề cập ở trên, đề nghị: “Nếu cha mẹ đều đặn điều khiển buổi học gia đình và mỗi ngày thảo luận câu Kinh Thánh hôm nay bằng tiếng mẹ đẻ, thì con cái không chỉ học những điều cơ bản của ngôn ngữ—các cháu sẽ học diễn đạt những ý tưởng thiêng liêng bằng thứ tiếng đó.
Miguel cũng đề nghị: “Hãy làm cho việc rao giảng thích thú. Khu vực rao giảng của chúng tôi bao gồm một khu lớn của một đô thị, và chúng tôi phải mất nhiều thời gian lái xe đi tìm những người nói cùng thứ tiếng với mình. Chúng tôi dùng thời gian ngồi ở trong xe để chơi những trò chơi Kinh Thánh và nói về những vấn đề quan trọng. Tôi cố hoạch định những chuyến đi rao giảng sao cho có thể làm những cuộc viếng thăm lại có kết quả. Có vậy vào cuối ngày, con cái chúng tôi đã tham dự ít nhất một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa”.
Khắc phục sự khác biệt văn hóa
Lời Đức Chúa Trời khuyên những người trẻ: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con”. (Châm-ngôn 1:8) Tuy nhiên, vấn đề khó khăn có thể nảy sinh khi tiêu chuẩn sửa trị của một người cha và “phép-tắc” của một người mẹ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa khác với nền văn hóa nơi con cái sinh sống.
Dĩ nhiên, mỗi người chủ gia đình có bổn phận quyết định cách điều khiển gia đình mình, và anh không nên để cho những gia đình khác ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định của mình. (Ga-la-ti 6:4, 5) Thế nhưng, sự giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái có thể mở đường cho việc chấp nhận những tập tục mới.
Tuy nhiên, nhiều phong tục hoặc tập quán thịnh hành ở những nước đã phát triển có hại cho sức khỏe thiêng liêng của tín đồ Đấng Christ. Sự vô luân, tham lam và ngỗ nghịch thường được cổ xúy qua âm nhạc và trò giải trí phổ biến. (Rô-ma 1:26-32) Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ không thể thoái thác trách nhiệm kiểm soát sự lựa chọn âm nhạc và giải trí của con cái chỉ vì họ gặp khó khăn về ngôn ngữ. Họ phải lập những nguyên tắc cứng rắn. Tuy nhiên, điều này có thể là một thử thách.
Chị Carmen nói: “Chúng tôi thường không hiểu lời nhạc mà con cái chúng tôi nghe. Nhạc điệu có thể nghe được, nhưng nếu lời nhạc có nghĩa kép hoặc những tiếng lóng vô luân, chúng tôi không biết”. Họ đã đối phó với tình huống này như thế nào? Anh Miguel nói: “Chúng tôi dành nhiều thì giờ để dạy con cái về mối nguy hiểm của âm nhạc vô luân, và cố gắng giúp các cháu chọn loại âm nhạc mà Đức Giê-hô-va chấp nhận”. Đúng vậy, cần phải cảnh giác và biết điều để đối phó với sự khác biệt văn hóa.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18, 19; Phi-líp 4:5.
Gặt hái phần thưởng
Không có gì phải nghi ngờ. Dưỡng dục con cái trên đất khách đòi hỏi thêm nhiều thì giờ và nỗ lực. Nhưng nhờ cố gắng, cả cha mẹ lẫn con cái đều có thể gặt hái thêm những phần thưởng.
Azzam và vợ anh, Sara, từ Thổ Nhĩ Kỳ di cư sang Đức; họ đã dưỡng dục ba con trai nhỏ tại đây. Con trưởng của họ hiện phục vụ tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Selters, Đức. Anh Azzam nói: “Một lợi ích lớn cho con cái chúng tôi là các cháu có thể phát huy những đức tính ưu tú trong cả hai nền văn hóa”.
Antonio và Lutonadio từ Angola di cư sang Đức và nuôi chín người con ở đó. Gia đình họ nói tiếng Lingala, Pháp và Đức. Anh Antonio nói: “Khả năng nói nhiều thứ tiếng giúp gia đình chúng tôi làm chứng cho dân của nhiều nước. Điều này quả đem lại cho chúng tôi niềm vui thích lớn”.
Có một gia đình người Nhật dọn sang Anh Quốc; hai người con của họ cảm thấy có ưu thế nhờ biết được cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh. Những người trẻ này nói: “Biết được hai thứ tiếng giúp chúng tôi kiếm được việc làm. Chúng tôi được lợi ích qua các cuộc đại hội bằng tiếng Anh. Đồng thời, chúng tôi có đặc ân phục vụ hội thánh nói tiếng Nhật, nơi có nhiều nhu cầu hơn”.
Bạn có thể thành công
Dưỡng dục con cái khi sinh sống giữa những người không có cùng giá trị văn hóa là một thử thách mà các tôi tớ của Đức Chúa Trời đã gặp phải kể từ thời Kinh Thánh. Cha mẹ của Môi-se đã thành công, dù ông lớn lên ở Ai Cập. (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:9, 10) Một số người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn đã dưỡng dục con cái sau này sẵn lòng trở về Giê-ru-sa-lem để tái lập sự thờ phượng thật.—E-xơ-ra 2:1, 2, 64-70.
Ngày nay cũng thế, cha mẹ tín đồ Đấng Christ có thể thành công. Họ có thể thấy mãn nguyện khi nghe con cái nói những gì mà một cặp vợ chồng nghe được từ miệng các con của họ: “Chúng tôi là một gia đình rất gắn bó với nhau nhờ cha mẹ yêu thương săn sóc, luôn luôn nói chuyện cởi mở với chúng tôi. Chúng tôi sung sướng làm thành viên của một đại gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va trên khắp trái đất”.
[Chú thích]
a Một số tên đã được đổi.
[Hình nơi trang 24]
Chỉ nói tiếng mẹ đẻ trong nhà, tạo cho con cái bạn sự hiểu biết cơ bản về tiếng đó
[Hình nơi trang 24]
Ông bà và các cháu gắn bó với nhau nhờ có chung ngôn ngữ
[Hình nơi trang 25]
Việc học hỏi Kinh Thánh với con cái phát triển sự “hiểu-biết thiêng-liêng” của chúng