Hãy “để lòng vào” đền thờ Đức Chúa Trời!
“Hỡi con người, hãy... để lòng vào những việc mà ta sẽ tỏ ra cho ngươi... Vậy mọi điều ngươi sẽ thấy, khá thuật lại cho nhà Y-sơ-ra-ên biết”.—Ê-XÊ-CHI-ÊN 40:4.
1. Dân được chọn của Đức Chúa Trời ở trong tình trạng nào vào năm 593 TCN?
NĂM đó là năm 593 TCN, năm thứ 14 dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Quả thật đối với người Do Thái sống ở Ba-by-lôn, quê hương yêu dấu của họ dường như xa vời vợi. Lần cuối mà đa số những người ấy nhìn thấy thành Giê-ru-sa-lem là lúc nó đang bốc cháy, tường thành kiên cố bị sụp đổ, các tòa nhà nguy nga bị tan hoang. Đền thờ Đức Giê-hô-va—một thời là sự vinh quang rực rỡ của thành, trung tâm duy nhất của sự thờ phượng thanh sạch trên khắp trái đất—chỉ còn là đống gạch vụn. Giờ đây, thời gian lưu đày vẫn còn dài đằng đẵng trước mắt họ. Còn những 56 năm nữa trước khi họ được giải cứu như Đức Chúa Trời đã hứa.—Giê-rê-mi 29:10.
2. Tại sao những ký ức về đền thờ Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem khiến cho Ê-xê-chi-ên đau buồn?
2 Hẳn nhà tiên tri trung thành Ê-xê-chi-ên đau buồn khi nghĩ đến đền thờ Đức Chúa Trời nằm điêu tàn cách xa hàng trăm cây số, làm hang hố cho thú rừng lui tới. (Giê-rê-mi 9:11) Chính Bu-xi, cha của ông, đã từng làm thầy tế lễ ở đó. (Ê-xê-chi-ên 1:3) Lẽ ra Ê-xê-chi-ên được hưởng cùng một đặc ân đó, nhưng khi còn trẻ ông đã bị lưu đày cùng với giới quí tộc của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 617 TCN. Bấy giờ, vào độ tuổi 50, rất có thể Ê-xê-chi-ên biết rằng mình sẽ không bao giờ được nhìn thấy Giê-ru-sa-lem lần nữa, cũng không được góp phần tái thiết đền thờ. Hãy tưởng tượng việc nhận được sự hiện thấy về đền thờ vinh hiển hẳn đã có nhiều ý nghĩa biết bao đối với Ê-xê-chi-ên!
3. (a) Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ có mục đích gì? (b) Bốn khía cạnh chính của sự hiện thấy là gì?
3 Sự hiện thấy rất chi tiết này, được ghi trong chín chương sách Ê-xê-chi-ên, đem lại cho người Giu-đa bị lưu đày một lời hứa làm vững mạnh đức tin. Sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục! Hàng bao thế kỷ kể từ đó, và ngay cả đến thời kỳ này, sự hiện thấy này là một nguồn khích lệ cho những người yêu mến Đức Giê-hô-va. Tại sao vậy? Chúng ta hãy xem sự hiện thấy có tính cách tiên tri này có ý nghĩa gì đối với những người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Sự hiện thấy gồm bốn khía cạnh chính: đền thờ, chức vụ tế lễ, thủ lĩnh và đất đai.
Đền thờ được khôi phục
4. Ê-xê-chi-ên đã được đem đến đâu trong phần đầu của sự hiện thấy, ông thấy gì ở đó, và ai đưa ông đi tham quan?
4 Trước tiên, Ê-xê-chi-ên được đem lên “một hòn núi rất cao”. Trên núi đó, về phía nam là đền thờ vĩ đại, giống như một cái thành có tường bao bọc. Một vị thiên sứ có “hình-dáng như người bằng đồng” hướng dẫn nhà tiên tri đi tham quan tỉ mỉ đền thờ. (Ê-xê-chi-ên 40:2, 3) Trong sự hiện thấy, Ê-xê-chi-ên quan sát một thiên sứ cẩn thận đo ba cổng đôi tương xứng của đền thờ cùng với các phòng lính canh, hành lang ngoài, hành lang trong, các phòng ăn, bàn thờ và chính điện của đền thờ gồm Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh.
5. (a) Đức Giê-hô-va cam đoan điều gì với Ê-xê-chi-ên? (b) Những “xác chết của vua” phải bị loại ra khỏi đền thờ là gì, và tại sao điều này là quan trọng?
5 Rồi chính Đức Giê-hô-va xuất hiện trong sự hiện thấy. Ngài vào đền thờ và cam đoan với Ê-xê-chi-ên rằng Ngài sẽ ngự tại đó. Nhưng Ngài bảo phải tẩy sạch nhà Ngài: “Bây giờ chúng nó khá bỏ sự hành-dâm mình và những xác chết của vua mình cách xa ta, thì ta sẽ ở giữa chúng nó đời đời”. (Ê-xê-chi-ên 43:2-4, 7, 9) Những “xác chết của vua” ở đây hiển nhiên nói đến hình tượng. Những người cai trị và dân bội nghịch ở Giê-ru-sa-lem đã dùng hình tượng làm ô uế đền thờ Đức Chúa Trời, như thể tôn chúng làm vua. (So sánh A-mốt 5:26). Các hình tượng này chẳng phải thần thánh hoặc vua chúa sống gì cả, trái lại, chúng chỉ là đồ vật vô tri, bẩn thỉu trước mắt Đức Giê-hô-va, cần phải loại trừ.—Lê-vi Ký 26:30; Giê-rê-mi 16:18.
6. Việc đo đền thờ có nghĩa gì?
6 Phần này của sự hiện thấy nói lên điều gì? Nó cam đoan với những người bị lưu đày rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ được tái lập trọn vẹn tại đền thờ Đức Chúa Trời. Hơn nữa, việc đo đền thờ có nghĩa là Đức Chúa Trời bảo đảm rằng sự hiện thấy chắc chắn sẽ được ứng nghiệm một cách tuyệt đối. (So sánh Giê-rê-mi 31:39, 40; Xa-cha-ri 2:2-8). Mọi sự thờ hình tượng sẽ bị tẩy sạch. Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho nhà Ngài một lần nữa.
Chức vụ tế lễ và thủ lĩnh
7. Chúng ta được biết gì về các người Lê-vi và thầy tế lễ?
7 Chức vụ tế lễ cũng phải trải qua một tiến trình tẩy sạch hoặc luyện lọc. Người Lê-vi phải bị khiển trách vì đã sa vào sự thờ hình tượng, trong khi các con trai của Xa-đốc giữ chức tế lễ cần được khen thưởng vì đã giữ mình trong sạch.a Thế nhưng, cả hai nhóm sẽ có phận sự trong nhà được khôi phục của Đức Chúa Trời—chắc chắn tùy sự trung thành của từng cá nhân họ. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va ban lệnh: “Chúng nó sẽ dạy dân ta phân-biệt điều chi là thánh với điều chi là tục; làm cho dân ta biết điều ô-uế và điều thánh-sạch khác nhau là thể nào”. (Ê-xê-chi-ên 44:10-16, 23) Như vậy chức vụ tế lễ phải được lập lại, và sự kiên trì trung thành của các thầy tế lễ sẽ được tưởng thưởng.
8. (a) Những thủ lĩnh thời Y-sơ-ra-ên xưa là ai? (b) Thủ lĩnh trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tích cực trong sự thờ phượng thanh sạch qua những cách nào?
8 Sự hiện thấy cũng đề cập đến một người gọi là thủ lĩnh. Kể từ thời Môi-se, nước Y-sơ-ra-ên đã từng có thủ lĩnh. Từ Hê-bơ-rơ để chỉ “thủ lĩnh” là na·siʼʹ, có thể nói đến một tộc trưởng, một chi phái trưởng hoặc ngay cả một quốc trưởng nữa. Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, lớp người cai trị Y-sơ-ra-ên bị khiển trách vì đã áp bức dân và được khuyên phải cư xử công bằng và chính trực. Mặc dù không thuộc lớp thầy tế lễ, nhưng thủ lĩnh tích cực dẫn đầu trong sự thờ phượng thanh sạch. Thủ lĩnh ra vào hành lang ngoài với các chi phái không phải là thầy tế lễ, ngồi ở hiên Cổng Phía Đông và cung cấp một số của-lễ cho dân dâng lên. (Ê-xê-chi-ên 44:2, 3; 45:8-12, 17, NW) Như vậy sự hiện thấy cam đoan với dân của Ê-xê-chi-ên rằng nước được khôi phục sẽ được ban phước để có những người lãnh đạo gương mẫu, những người ủng hộ chức vụ tế lễ trong việc tổ chức dân tộc của Đức Chúa Trời và nêu gương tốt trong những vấn đề thiêng liêng.
Đất đai
9. (a) Đất được chia như thế nào, nhưng ai sẽ không nhận được sản nghiệp? (b) Đất thánh là gì, và có gì ở đó?
9 Cuối cùng, sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên bao gồm một tầm nhìn khái quát về đất Y-sơ-ra-ên. Đất phải được chia ra, mỗi chi phái nhận được một phần. Thủ lĩnh cũng nhận được sản nghiệp. Nhưng các thầy tế lễ sẽ không được phần nào, vì Đức Giê-hô-va phán: “Chính ta là gia-tài của chúng nó”. (Ê-xê-chi-ên 44:10, 28; Dân-số Ký 18:20) Sự hiện thấy cho thấy phần đất của thủ lĩnh sẽ nằm dọc theo bên này hay bên kia của vùng đặc biệt gọi là đất thánh. Đây là một thửa đất vuông vức được chia làm ba dải—dải ở trên dành cho những người Lê-vi biết ăn năn, dải ở giữa cho các thầy tế lễ và dải ở dưới dành cho thành với đất màu mỡ. Đền thờ Đức Giê-hô-va sẽ tọa lạc trong dải đất của các thầy tế lễ, chính giữa vuông đất thánh.—Ê-xê-chi-ên 45:1-7.
10. Lời tiên tri về việc chia đất có ý nghĩa gì đối với những người Giu-đa trung thành bị lưu đày?
10 Tất cả những điều này hẳn đã khích lệ lòng của những người bị lưu đày biết bao! Mỗi gia đình được bảo đảm sẽ nhận được đất làm sản nghiệp. (So sánh Mi-chê 4:4). Tại đó, sự thờ phượng thanh sạch sẽ được nâng cao và sẽ giữ vị trí chủ yếu. Và hãy lưu ý rằng trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, thủ lĩnh, giống như các thầy tế lễ, sẽ ở trên đất mà dân chúng dâng cho họ. (Ê-xê-chi-ên 45:16) Vậy trong đất được khôi phục, người dân phải ủng hộ công việc của những người mà Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để dẫn đầu, đồng thời hợp tác tuân theo sự chỉ dẫn của họ. Nói tóm lại, đất này là hình ảnh của sự tổ chức, hợp tác và an ninh.
11, 12. (a) Qua lời tiên tri, Đức Giê-hô-va bảo đảm với dân chúng là Ngài sẽ ban phước cho xứ sở được phục hưng của họ như thế nào? (b) Các cây dọc theo bờ sông tượng trưng điều gì?
11 Đức Giê-hô-va có ban phước cho đất của họ không? Lời tiên tri giải đáp câu hỏi này bằng một lời miêu tả làm ấm lòng. Nước từ đền thờ chảy ra, càng chảy càng lan rộng thành dòng nước lũ cuồn cuộn đổ vào Biển Chết. Ở đó nó biến nước vô sinh trở thành nguồn thủy sản, và nghề chài lưới được phát đạt dọc theo bờ sông. Hai bên bờ sông có nhiều cây ăn trái, sinh hoa quả quanh năm, cung cấp thức ăn và thuốc chữa bệnh.—Ê-xê-chi-ên 47:1-12.
12 Đối với những người bị lưu đày, lời hứa này lặp lại và khẳng định những lời tiên tri trước kia về sự phục hưng mà họ tha thiết mong chờ. Những nhà tiên tri được soi dẫn của Đức Giê-hô-va đã nhiều lần dùng ngôn từ diễn đạt cảnh địa đàng để miêu tả một nước Y-sơ-ra-ên được phục hưng, có dân tái cư trú. Các vùng khô cằn trở nên tươi tốt được lặp lại nhiều lần trong các lời tiên tri. (Ê-sai 35:1, 6, 7; 51:3; Ê-xê-chi-ên 36:35; 37:1-14) Vậy dân chúng có thể trông mong các ân phước ban sự sống của Đức Giê-hô-va đổ xuống cuồn cuộn như nước sông tuôn chảy từ đền thờ được tái thiết. Kết quả là một dân tộc chết về thiêng liêng nay sống lại. Dân tộc được phục hưng sẽ được ban cho những người đàn ông xuất sắc về thiêng liêng—những người công bình và vững vàng như các cây dọc theo bờ sông trong sự hiện thấy, những người sẽ dẫn đầu trong việc tái thiết đất nước điêu tàn. Ê-sai cũng đã viết về “cây của sự công-bình”, tức là những người “sẽ xây lại các nơi hoang-vu ngày xưa”.—Ê-sai 61:3, 4.
Khi nào sự hiện thấy được ứng nghiệm?
13. (a) Đức Giê-hô-va ban phước cho dân được khôi phục bằng các “cây của sự công-bình” theo ý nghĩa nào? (b) Lời tiên tri về Biển Chết được ứng nghiệm như thế nào?
13 Những người lưu đày khi hồi hương có thất vọng không? Chắc chắn là không! Số người còn sót lại được phục hồi để trở lại quê hương yêu dấu của họ vào năm 537 TCN. Với thời gian, dưới sự hướng dẫn của các “cây của sự công-bình” này—chẳng hạn như thầy ký lục E-xơ-ra, các nhà tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri cùng Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giê-hô-sua—các nơi điêu tàn từ lâu đã được xây lại. Các thủ lĩnh, chẳng hạn như Nê-hê-mi và Xô-rô-ba-bên, cai trị đất nước một cách công bằng và chính trực. Đền thờ Đức Giê-hô-va được tái thiết và những sự cung cấp của Ngài để ban sự sống—các ân phước do việc sống theo giao ước của Ngài—tuôn trào ra lần nữa. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19; Ê-sai 48:17-20) Một trong những ân phước này là sự hiểu biết. Chức vụ tế lễ được tái lập và những thầy tế lễ dạy dỗ Luật Pháp cho dân. (Ma-la-chi 2:7) Kết quả là dân chúng sống lại về thiêng liêng và một lần nữa trở thành các tôi tớ hữu dụng của Đức Giê-hô-va, như được tượng trưng bởi việc nước Biển Chết trở nên tốt lại và nhờ đó nghề chài lưới được thịnh vượng.
14. Tại sao lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên có tầm ứng nghiệm ngoài những gì xảy ra sau khi những người Do Thái lưu đày từ Ba-by-lôn trở về?
14 Có phải các biến cố này là sự ứng nghiệm duy nhất của sự hiện thấy mà Ê-xê-chi-ên nhận được không? Không; còn có điều vĩ đại hơn nữa. Hãy thử nghĩ xem: Đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy không thể được xây cất như lời miêu tả. Đành rằng người Do Thái xem trọng sự hiện thấy đó và còn áp dụng một số chi tiết theo nghĩa đen,b nhưng nói chung đền thờ trong sự hiện thấy quá to đến độ không thể tọa lạc trên núi Mô-ri-a, vị trí của đền thờ cũ. Ngoài ra, đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy không ở trong thành phố nhưng nằm cách đó một quãng xa, trên dải đất tách riêng, trong khi đền thờ được xây lần thứ hai tọa lạc trên nền của đền thờ cũ, trong thành Giê-ru-sa-lem. (E-xơ-ra 1:1, 2) Hơn nữa, không có dòng sông nào theo nghĩa đen từ trong đền thờ Giê-ru-sa-lem chảy ra cả. Vậy dân Y-sơ-ra-ên xưa chỉ thấy lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên được ứng nghiệm trên bình diện nhỏ mà thôi. Điều này ám chỉ sự hiện thấy này phải có một sự ứng nghiệm lớn hơn về mặt thiêng liêng.
15. (a) Khi nào đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va bắt đầu hoạt động? (b) Điều gì ám chỉ sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên không được ứng nghiệm vào lúc Đấng Christ ở trên đất?
15 Rõ ràng là chúng ta phải tìm kiếm sự ứng nghiệm chính của sự hiện thấy này trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô thảo luận tỉ mỉ về điều này nơi sách Hê-bơ-rơ. Đền thờ đó bắt đầu hoạt động khi Chúa Giê-su Christ được xức dầu làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vào năm 29 CN. Nhưng có phải sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên đã ứng nghiệm vào thời Chúa Giê-su không? Hiển nhiên là không. Với tư cách Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Chúa Giê-su làm ứng nghiệm ý nghĩa tiên tri của Ngày Lễ Chuộc Tội qua phép báp têm, qua cái chết của ngài để làm của-lễ và qua việc ngài vào nơi Chí Thánh, ở chính trên trời. (Hê-bơ-rơ 9:24) Nhưng điều đáng chú ý là sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên không hề đề cập đến thầy tế lễ thượng phẩm hoặc Ngày Lễ Chuộc Tội. Thế thì dường như sự hiện thấy này không ám chỉ đến thế kỷ thứ nhất CN. Vậy sự hiện thấy chỉ về thời kỳ nào?
16. Khung cảnh trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên nhắc chúng ta nhớ đến lời tiên tri nào khác, và điều này giúp chúng ta nhận biết thời điểm sự ứng nghiệm chính của sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên như thế nào?
16 Để trả lời, chúng ta hãy xem lại sự hiện thấy. Ê-xê-chi-ên viết: “Trong các sự hiện-thấy của Đức Chúa Trời, Ngài đem ta vào đất Y-sơ-ra-ên, và đặt ta trên một hòn núi rất cao, trên núi đó, về phía nam, dường như có sự xây-cất một thành”. (Ê-xê-chi-ên 40:2) Khung cảnh của sự hiện thấy này, “hòn núi rất cao”, nhắc chúng ta nhớ lại Mi-chê 4:1: “Xảy ra trong những ngày sau-rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó”. Khi nào thì lời tiên tri này được ứng nghiệm? Mi-chê 4:5 cho thấy sự ứng nghiệm bắt đầu khi các nước vẫn còn thờ thần giả. Thật thế, chính vào thời chúng ta, trong “ngày sau-rốt”, sự thờ phượng thanh sạch được nâng cao, khôi phục lại đúng vào vị trí của nó trong đời sống của tôi tớ Đức Chúa Trời.
17. Làm thế nào lời tiên tri nơi Ma-la-chi 3:1-5 giúp chúng ta biết khi nào đền thờ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên được tẩy sạch?
17 Điều gì đã khiến cho sự khôi phục này có thể thực hiện được? Hãy nhớ là trong biến cố quan trọng nhất trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va đến đền thờ và một mực muốn nhà của Ngài được tẩy sạch khỏi sự thờ hình tượng. Khi nào đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời được tẩy sạch? Nơi Ma-la-chi 3:1-5, Đức Giê-hô-va báo trước về thời kỳ mà Ngài sẽ “vào trong đền-thờ Ngài”, theo sau có vị “thiên-sứ của sự giao-ước”, tức Chúa Giê-su Christ. Mục đích là gì? “Ngài giống như lửa của thợ luyện, như tro thợ giặt”. Việc luyện lọc này đã bắt đầu vào thời thế chiến thứ nhất. Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va ngự trong nhà Ngài và đã ban phước cho nước thiêng liêng của dân Ngài từ năm 1919 trở đi. (Ê-sai 66:8) Vậy chúng ta có thể kết luận rằng lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về đền thờ có một sự ứng nghiệm quan trọng trong ngày sau rốt.
18. Khi nào sự hiện thấy về đền thờ có sự ứng nghiệm cuối cùng?
18 Giống như những lời tiên tri khác về sự phục hưng, sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên sẽ được ứng nghiệm thêm sau này, một sự ứng nghiệm cuối cùng, trong Địa Đàng. Chỉ vào lúc ấy những người có lòng ngay thẳng mới nhận được lợi ích trọn vẹn qua sự sắp đặt về đền thờ của Đức Chúa Trời. Chừng ấy Đấng Christ sẽ áp dụng giá trị của sự hy sinh chuộc tội, cùng với lớp thầy tế lễ trên trời gồm 144.000 thành viên. Toàn thể những người dân biết vâng lời phục dưới sự cai trị của Đấng Christ sẽ được nâng lên tình trạng hoàn toàn. (Khải-huyền 20:5, 6) Tuy nhiên, Địa Đàng vẫn không thể là lần ứng nghiệm chính của sự hiện thấy mà Ê-xê-chi-ên nhận được. Tại sao không?
Sự hiện thấy nhắm vào thời kỳ chúng ta
19, 20. Tại sao sự ứng nghiệm chính của sự hiện thấy xảy ra ngày nay chứ không phải trong Địa Đàng?
19 Ê-xê-chi-ên thấy một đền thờ cần phải được tẩy sạch khỏi sự thờ hình tượng và tà dâm thiêng liêng. (Ê-xê-chi-ên 43:7-9) Điều này chắc chắn không thể áp dụng cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va trong Địa Đàng. Hơn nữa, các thầy tế lễ trong sự hiện thấy tượng trưng cho lớp thầy tế lễ được xức dầu khi vẫn còn ở trên đất, chứ không phải sau khi sống lại ở trên trời hoặc ở dưới Triều Đại Một Ngàn Năm. Tại sao? Hãy lưu ý rằng các thầy tế lễ được miêu tả là đang phụng sự nơi hành lang trong. Các bài trong những số Tháp Canh trước đã cho thấy rằng hành lang này tượng trưng cho vị thế độc nhất vô nhị của các thầy tế lễ phụ của Đấng Christ khi họ còn ở trên đất.c Cũng hãy lưu ý rằng sự hiện thấy nhấn mạnh đến sự bất toàn của các thầy tế lễ. Họ được bảo là phải dâng của-lễ để chuộc tội chính mình. Họ được báo trước về mối nguy hiểm bị ô uế về thiêng liêng và đạo đức. Vậy họ không tượng trưng cho những người được xức dầu sau khi sống lại mà sứ đồ Phao-lô đã viết: “Kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư-nát”. (1 Cô-rinh-tô 15:52; Ê-xê-chi-ên 44:21, 22, 25, 27) Các thầy tế lễ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tiếp xúc với dân và phục vụ dân một cách trực tiếp. Trong Địa Đàng thì không giống vậy, lúc ấy lớp thầy tế lễ sẽ ở trên trời. Do đó, sự hiện thấy cho ta một hình ảnh đẹp đẽ về cách những người được xức dầu cùng làm việc chặt chẽ với “đám đông” trên đất ngày nay.—Khải-huyền 7:9, NW; Ê-xê-chi-ên 42:14.
20 Vậy thì sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ báo trước hiệu quả lành mạnh của việc tẩy sạch về thiêng liêng đang diễn ra ngày nay. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì cho bạn? Đây không chỉ là một sự bí ẩn nào đó về thần học. Sự hiện thấy này có liên hệ nhiều đến sự thờ phượng hàng ngày mà bạn dâng cho Đức Chúa Trời có một và thật là Đức Giê-hô-va. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ thấy điều đó như thế nào.
[Chú thích]
a Điều này có thể ảnh hưởng đến cá nhân Ê-xê-chi-ên, vì người ta nói ông cũng thuộc gia đình thầy tế lễ Xa-đốc.
b Thí dụ, sách Mishnah cổ xưa cho rằng trong đền thờ được tái lập, bàn thờ, hai cánh cửa đền thờ và nơi nấu ăn được xây giống như sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên.
c Xem Tháp Canh ngày 1-7-1996, trang 16; và 1-12-1972 (Anh ngữ), trang 718.
Bạn có nhớ không?
◻ Sự ứng nghiệm đầu tiên của sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ và chức vụ tế lễ là gì?
◻ Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về việc chia đất đã được ứng nghiệm lần đầu như thế nào?
◻ Trong nước Y-sơ-ra-ên được khôi phục ngày xưa, ai là những thủ lĩnh trung thành và ai là các “cây của sự công-bình”?
◻ Tại sao sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ có sự ứng nghiệm chính trong những ngày sau rốt?