Độc giả thắc mắc
Khi viết rằng “sự yêu-thương trọn-vẹn thì cắt-bỏ sự sợ-hãi”, sứ đồ Giăng muốn nói gì qua “sự yêu-thương trọn-vẹn”, và “sự sợ-hãi” nào được cắt bỏ?
“Quyết chẳng có điều sợ-hãi trong sự yêu-thương”, sứ đồ Giăng viết, “nhưng sự yêu-thương trọn-vẹn thì cắt-bỏ sự sợ-hãi; vì sự sợ-hãi có hình-phạt, và kẻ đã sợ-hãi thì không được trọn-vẹn trong sự yêu-thương”.—1 Giăng 4:18.
Văn cảnh cho thấy Giăng thảo luận về sự nói năng dạn dĩ—nói rõ ra là mối quan hệ giữa tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và sự nói năng dạn dĩ với Ngài. Chúng ta có thể thấy điều này khi đọc câu 17: “Nầy vì sao mà sự yêu-thương được nên trọn-vẹn trong chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng mạnh-bạo trong ngày xét-đoán”. Mức độ mà một tín đồ Đấng Christ yêu thương Đức Chúa Trời và mức độ người ấy cảm nhận tình yêu thương của Ngài đối với mình, tác động trực tiếp đến việc người ấy ăn nói dạn dĩ—hoặc không dạn dĩ—khi đến với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện
“Sự yêu-thương trọn-vẹn” là ngữ đoạn quan trọng. Từ ngữ “trọn-vẹn”, như được dùng trong Kinh Thánh, không luôn luôn có nghĩa là hoàn toàn theo nghĩa tuyệt đối, tức đến mức vô tận, nhưng thường có nghĩa tương đối. Chẳng hạn, trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn-vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn-vẹn”. Chúa Giê-su đang bảo các môn đồ rằng nếu họ chỉ yêu thương những người yêu thương họ thì tình yêu thương của họ chưa trọn, còn thiếu sót, khiếm khuyết. Họ phải hoàn thiện tình yêu thương của họ, tức làm cho trở thành đầy đủ, bằng cách yêu thương cả kẻ thù. Tương tự, khi viết về “sự yêu-thương trọn-vẹn”, Giăng muốn nói về tình yêu thương hết lòng, được phát huy đầy đủ và bao gồm mọi khía cạnh trong đời sống một người đối với Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 5:46-48; 19:20, 21.
Khi đến với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, người tín đồ Đấng Christ biết rõ rằng mình có tội và bất toàn. Tuy nhiên, nếu tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời cũng như sự cảm nhận tình yêu thương của Ngài được phát huy đầy đủ, lời lẽ người ấy không bị ngăn trở vì sợ bị lên án hoặc từ bỏ. Trái lại, người ấy dạn dĩ bày tỏ tâm tư và cầu xin tha thứ dựa trên giá chuộc mà Đức Chúa Trời đã yêu thương cung cấp qua Chúa Giê-su Christ. Người ấy yên trí rằng lời cầu xin của mình được Đức Chúa Trời chấp thuận.
Làm thế nào một người “được trọn-vẹn trong sự yêu-thương” và nhờ đó “cắt-bỏ” sự sợ hãi là sẽ bị kết án hoặc từ bỏ? “Ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính-mến Đức Chúa Trời thật là trọn-vẹn trong người ấy”, sứ đồ Giăng nói thế. (1 Giăng 2:5) Hãy xem xét điều này: Nếu Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là người có tội, chẳng lẽ Ngài không yêu thương chúng ta nhiều hơn thế nữa, nếu chúng ta thật sự ăn năn và tận tâm “giữ lời phán Ngài” sao? (Rô-ma 5:8; 1 Giăng 4:10) Thật vậy, miễn là giữ vẹn lòng trung thành, chúng ta có thể yên tâm như sứ đồ Phao-lô, khi ông nói về Đức Chúa Trời: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?”—Rô-ma 8:32.