A5
Danh Đức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp
Các học giả Kinh Thánh công nhận danh riêng của Đức Chúa Trời được viết bằng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ (יהוה) xuất hiện gần 7.000 lần trong bản gốc của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng danh ấy không có trong bản gốc của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Vì thế, đa số các bản Kinh Thánh tiếng Anh hiện đại không dùng danh Giê-hô-va khi dịch phần Kinh Thánh còn gọi là Tân ước. Thậm chí khi dịch những trích dẫn từ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ có bốn mẫu tự này, hầu hết các dịch giả sử dụng từ “Chúa” thay cho danh Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới không làm theo cách phổ biến ấy. Bản dịch này dùng danh Giê-hô-va tổng cộng 237 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Khi quyết định làm vậy, các dịch giả đã cân nhắc hai yếu tố quan trọng: (1) Bản chép tay phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp chúng ta có ngày nay không phải là bản gốc. Trong hàng ngàn bản sao chép đó, đa số đều được sao lại sau bản gốc ít nhất hai thế kỷ. (2) Vào thời đó, những bản chép tay này có thể đã thay thế bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ thành Kyʹri·os, nghĩa là “Chúa” trong tiếng Hy Lạp, hoặc sao chép từ những bản Kinh Thánh chép tay đã thay thế bốn mẫu tự này.
Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới tin chắc rằng có bằng chứng thuyết phục là bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ đã xuất hiện trong bản chép tay gốc của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Quyết định của họ dựa trên bằng chứng sau:
Bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ xuất hiện xuyên suốt trong những bản sao chép phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ dùng vào thời Chúa Giê-su và các sứ đồ. Trong quá khứ, một vài người đã tranh cãi về kết luận này. Hiện nay, những bản sao chép phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ có từ thế kỷ thứ nhất được tìm thấy gần Cum-ran đã chứng minh kết luận ấy là đúng.
Vào thời Chúa Giê-su và các sứ đồ, bốn mẫu tự này cũng xuất hiện trong những bản dịch tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Trong nhiều thế kỷ, các học giả nghĩ rằng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ không có trong bản Septuagint chép tay bằng tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Nhưng vào giữa thế kỷ 20, một số mảnh Kinh Thánh Septuagint cổ xưa bằng tiếng Hy Lạp có vào thời Chúa Giê-su đã gây sự chú ý cho các học giả. Các mảnh này có danh Đức Chúa Trời được viết bằng những ký tự Hê-bơ-rơ. Vậy rõ ràng, những bản sao chép Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp có danh Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ tư CN, những bản chép tay quan trọng của bản Septuagint tiếng Hy Lạp như Codex Vaticanus và Codex Sinaiticus không có danh Đức Chúa Trời trong các sách từ Sáng thế đến Ma-la-chi (ở những nơi mà các bản chép tay trước đó có). Vậy, không ngạc nhiên gì khi những văn bản được bảo tồn từ thời kỳ ấy không có danh Đức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, còn gọi là Tân ước.
Chúa Giê-su nói rõ: “Tôi nhân danh Cha tôi mà đến”. Ngài cũng nhấn mạnh những việc ngài làm là “nhân danh Cha”
Chính phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cho thấy Chúa Giê-su thường dùng danh Đức Chúa Trời và cho người khác biết về danh ấy (Giăng 17:6, 11, 12, 26). Chúa Giê-su nói rõ: “Tôi nhân danh Cha tôi mà đến”. Ngài cũng nhấn mạnh những việc ngài làm là “nhân danh Cha”.—Giăng 5:43; 10:25.
Vì phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được soi dẫn để bổ túc cho phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, nên việc danh Giê-hô-va đột ngột biến mất khiến Kinh Thánh thiếu nhất quán. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất CN, môn đồ Gia-cơ nói với các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem: “Sy-mê-ôn đã kể rõ lần đầu tiên Đức Chúa Trời đoái đến dân ngoại như thế nào để lấy ra một dân cho danh ngài” (Công vụ 15:14). Nếu không ai trong thế kỷ thứ nhất biết và dùng danh Đức Chúa Trời thì lời Gia-cơ thật vô lý.
Danh Đức Chúa Trời xuất hiện dưới dạng viết tắt trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Nơi Khải huyền 19:1, 3, 4, 6, từ “Ha-lê-lu-gia” có chứa danh Đức Chúa Trời. “Ha-lê-lu-gia” đến từ cụm từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Hãy ngợi khen Gia”. “Gia” là dạng viết tắt của danh Giê-hô-va. Hơn nữa, nhiều tên trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp bắt nguồn từ danh Đức Chúa Trời. Các tài liệu tham khảo giải thích rằng tên của Chúa Giê-su có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”.
Sách của người Do Thái thời ban đầu cho thấy những tín đồ đạo Đấng Ki-tô gốc Do Thái đã dùng danh Đức Chúa Trời trong sách của mình. Một sách ghi lại các luật truyền khẩu của người Do Thái là Tosefta, hoàn tất vào khoảng năm 300 CN, nói về các sách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã bị đốt vào ngày Sa-bát như sau: “Các sách của bọn truyền bá Phúc âm và minim [có lẽ là những tín đồ gốc Do Thái] không thoát khỏi lửa. Chúng phải bị đốt đi, chúng và cả Danh Thánh trong đó”. Sách này cũng trích lời ông Yosé, một Ráp-bi người Ga-li-lê sống vào đầu thế kỷ thứ hai CN, cho biết vào các ngày khác trong tuần, “một người phải cắt ra những chỗ có ghi Danh Thánh trong các cuốn sách ấy [sách của những người theo Chúa Giê-su], đem cất những phần đó đi và đốt bỏ phần còn lại”.
Một số học giả Kinh Thánh công nhận rằng danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong những trích dẫn từ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ rất có thể được tìm thấy trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Trong một từ điển Kinh Thánh (The Anchor Bible Dictionary), mục “Bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ trong Tân ước” viết: “Có một số bằng chứng cho thấy khi bản Tân ước gốc được viết ra, bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ, tức danh Đức Chúa Trời là Gia-vê, đã xuất hiện trong ít nhất một số hoặc thậm chí tất cả chỗ trích dẫn từ Cựu ước”. Học giả George Howard nói: “Vì bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ vẫn được ghi lại trong các bản sao chép của bản dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp [Septuagint], là bản Kinh Thánh của giáo hội thời ban đầu, nên hợp lý để tin rằng những người viết Tân ước cũng giữ nguyên bốn mẫu tự này khi trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ”.
Các dịch giả Kinh Thánh uy tín đã dùng danh Đức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Một số dịch giả đã làm thế rất lâu trước khi Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ) được xuất bản. Các dịch giả và tác phẩm của họ gồm: A Literal Translation of the New Testament... From the Text of the Vatican Manuscript của Herman Heinfetter (1863); The Emphatic Diaglott của Benjamin Wilson (1864); The Epistles of Paul in Modern English của George Barker Stevens (1898); St. Paul’s Epistle to the Romans của W. G. Rutherford (1900); The New Testament Letters của J.W.C. Wand, Giám mục giáo phận Luân Đôn (1946). Ngoài ra, trong bản dịch tiếng Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 20, dịch giả Pablo Besson dùng “Jehová” ở Lu-ca 2:15, Giu-đe 14, và hơn 100 lần trong các chú thích, ông cho biết danh Đức Chúa Trời có thể đã xuất hiện ở đó. Trước các bản dịch này rất lâu, những phiên bản tiếng Hê-bơ-rơ của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp từ thế kỷ 16 trở đi đã dùng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ trong nhiều đoạn. Riêng tiếng Đức có ít nhất 11 bản dịch dùng “Giê-hô-va” (hay cách phiên âm “Gia-vê” trong tiếng Hê-bơ-rơ) trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, và có bốn dịch giả thêm danh này trong dấu ngoặc đơn sau từ “Chúa”. Hơn 70 bản dịch tiếng Đức dùng danh Đức Chúa Trời trong phần chú thích hoặc bình luận.
Các bản dịch Kinh Thánh trong hơn 100 ngôn ngữ có danh Đức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Danh Đức Chúa Trời được dùng rộng rãi trong các ngôn ngữ ở châu Phi, thổ dân châu Mỹ, châu Á, châu Âu và các đảo Thái Bình Dương. (Xem danh sách ở trang 2062 và 2063). Các dịch giả của những bản dịch này đã chọn sử dụng danh Đức Chúa Trời vì những lý do tương tự ở trên. Một số bản dịch phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp xuất bản gần đây, chẳng hạn bản dịch tiếng Rotuma (1999) đã dùng danh “Jihova” 51 lần trong 48 câu, và bản dịch tiếng Batak (Toba) (1989) của Indonesia đã dùng danh “Jahowa” 110 lần.
Rõ ràng, có cơ sở vững chắc để khôi phục danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Các dịch giả của Bản dịch Thế Giới Mới đã làm thế. Họ tôn trọng sâu xa danh Đức Chúa Trời và không muốn loại bỏ bất cứ điều gì có trong văn bản gốc.—Khải huyền 22:18, 19.