PHỤ LỤC
1 GIÊ-HÔ-VA
Danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Danh này được hiểu là “Đấng làm cho trở thành”. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời toàn năng, ngài đã tạo ra muôn vật. Ngài có quyền năng làm mọi điều ngài muốn.
Trong tiếng Hê-bơ-rơ, danh của Đức Chúa Trời được viết bằng bốn ký tự, tương ứng với YHWH hoặc JHVH trong chữ La-tinh. Danh Đức Chúa Trời xuất hiện gần 7.000 lần trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy. Người ta trên khắp thế giới dùng nhiều dạng khác nhau của danh Giê-hô-va, họ phát âm danh ấy theo cách thông dụng trong ngôn ngữ của mình.
2 KINH THÁNH “ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN”
Tác Giả của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời, nhưng ngài dùng con người để viết sách ấy. Điều này giống như người chủ bảo thư ký viết một lá thư chứa đựng ý tưởng của ông. Đức Chúa Trời dùng thần khí thánh để hướng dẫn những người viết Kinh Thánh ghi lại ý tưởng của ngài. Thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn họ qua nhiều cách, đôi khi bằng cách cho họ thấy khải tượng hoặc chiêm bao.
3 NGUYÊN TẮC
Là những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh giải thích một sự thật căn bản. Ví dụ, nguyên tắc “kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt” dạy chúng ta rằng những người chúng ta kết hợp sẽ ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến mình (1 Cô-rinh-tô 15:33). Và nguyên tắc “ai gieo gì sẽ gặt nấy” dạy chúng ta rằng không ai có thể tránh khỏi hậu quả của những việc mình làm.—Ga-la-ti 6:7.
4 LỜI TIÊN TRI
Là thông điệp từ Đức Chúa Trời. Có thể là lời giải thích ý định của Đức Chúa Trời, bài học đạo đức, mệnh lệnh hoặc phán quyết. Cũng có thể là thông điệp về điều sẽ xảy ra trong tương lai. Có nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh đã thành sự thật.
5 LỜI TIÊN TRI VỀ ĐẤNG MÊ-SI
Chúa Giê-su là đấng đã làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh về Đấng Mê-si. Xin xem khung “Các lời tiên tri về Đấng Mê-si”.
▸ Chg 2, đ. 17, chú thích
6 Ý ĐỊNH CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐỐI VỚI TRÁI ĐẤT
Đức Giê-hô-va tạo ra trái đất để làm ngôi nhà tuyệt đẹp cho những người yêu mến ngài sinh sống. Ý định của ngài không thay đổi. Chẳng bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ loại trừ mọi sự gian ác và ban cho dân ngài sự sống vĩnh cửu.
7 SA-TAN ÁC QUỶ
Sa-tan là thiên sứ đã khởi xướng cuộc phản nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Hắn được gọi là Sa-tan, nghĩa là “kẻ chống đối”, vì hắn chống lại Đức Giê-hô-va. Hắn cũng được gọi là Ác Quỷ, nghĩa là “kẻ vu khống”, vì hắn nói dối về Đức Chúa Trời và lừa gạt người ta.
8 THIÊN SỨ
Đức Giê-hô-va tạo ra các thiên sứ từ rất lâu trước khi dựng nên trái đất. Họ được tạo ra để sống trên trời. Có hơn một trăm triệu thiên sứ (Đa-ni-ên 7:10). Họ có tên riêng và tính cách khác nhau. Các thiên sứ trung thành đã khiêm nhường từ chối được con người thờ phượng. Họ có cấp bậc khác nhau và được giao nhiều loại công việc. Một số công việc đó là phục vụ trước ngôi của Đức Giê-hô-va, truyền thông điệp của ngài, bảo vệ và hướng dẫn các tôi tớ ngài trên đất, thi hành sự phán xét và hỗ trợ công việc rao giảng (Thi thiên 34:7; Khải huyền 14:6; 22:8, 9). Trong tương lai, họ sẽ cùng Chúa Giê-su tham gia trận chiến Ha-ma-ghê-đôn.—Khải huyền 16:14, 16; 19:14, 15.
9 TỘI LỖI
Mọi cảm xúc, suy nghĩ hoặc hành động của chúng ta trái với ý muốn của Đức Giê-hô-va đều là tội lỗi. Vì tội lỗi phá hủy mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, nên ngài ban luật pháp và nguyên tắc để giúp chúng ta tránh cố ý phạm tội. Ban đầu, Đức Giê-hô-va tạo ra mọi thứ đều hoàn hảo, nhưng khi A-đam và Ê-va chọn bất tuân với Đức Giê-hô-va, họ phạm tội và không còn hoàn hảo nữa. Họ già đi và chết. Chúng ta bị di truyền tội lỗi từ A-đam nên cũng già đi và chết.
10 HA-MA-GHÊ-ĐÔN
Là trận chiến của Đức Chúa Trời để loại trừ thế gian Sa-tan và mọi sự gian ác.
11 NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI
Nước Đức Chúa Trời là chính phủ mà Đức Giê-hô-va đã thiết lập ở trên trời. Chúa Giê-su Ki-tô là Vua của Nước này. Trong tương lai, Đức Giê-hô-va sẽ dùng Nước Trời để loại trừ mọi sự gian ác. Nước Đức Chúa Trời sẽ cai trị cả trái đất.
12 CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
Đức Chúa Trời tạo ra Chúa Giê-su trước mọi vật khác. Đức Giê-hô-va đã phái Chúa Giê-su xuống đất để hy sinh mạng sống cho cả nhân loại. Sau khi Chúa Giê-su bị giết, Đức Giê-hô-va làm cho ngài sống lại. Giờ đây, Chúa Giê-su đang cai trị trên trời với tư cách là Vua của Nước Đức Chúa Trời.
13 LỜI TIÊN TRI VỀ 70 TUẦN LỄ
Kinh Thánh tiên tri hay báo trước về thời điểm Đấng Mê-si xuất hiện. Đó là vào cuối giai đoạn 69 tuần lễ, bắt đầu vào năm 455 TCN và kết thúc vào năm 29 CN.
Làm sao chúng ta biết giai đoạn đó kết thúc vào năm 29 CN? Giai đoạn 69 tuần lễ bắt đầu vào năm 455 TCN, khi Nê-hê-mi về đến Giê-ru-sa-lem và bắt đầu xây lại thành (Đa-ni-ên 9:25; Nê-hê-mi 2:1, 5-8). Như từ “tá” khiến chúng ta nghĩ đến số 12, từ “tuần” nhắc chúng ta đến số 7. Các tuần lễ trong lời tiên tri này không phải là tuần lễ gồm bảy ngày mà là bảy năm, theo quy luật tiên tri là “một ngày thay cho một năm” (Dân số 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6). Điều này có nghĩa là mỗi tuần lễ kéo dài bảy năm và 69 tuần lễ tổng cộng là 483 năm (69 x 7). Nếu đếm từ năm 455 TCN thì 483 năm sau đó sẽ đưa chúng ta đến năm 29 CN. Đây chính là năm Chúa Giê-su chịu phép báp-têm và trở thành Đấng Mê-si!—Lu-ca 3:1, 2, 21, 22.
Lời tiên tri này cũng báo trước về một tuần lễ bảy năm khác. Trong giai đoạn đó, vào năm 33 CN, Đấng Mê-si bị giết, và kể từ năm 36 CN, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời được rao giảng cho mọi dân, chứ không chỉ người Do Thái.—Đa-ni-ên 9:24-27.
14 GIÁO LÝ SAI LẦM VỀ CHÚA BA NGÔI
Kinh Thánh dạy rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và ngài tạo ra Chúa Giê-su trước mọi vật khác (Cô-lô-se 1:15, 16). Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngài không bao giờ tự nhận mình ngang hàng với Đức Chúa Trời. Thật ra, ngài nói: “Cha cao trọng hơn tôi” (Giăng 14:28; 1 Cô-rinh-tô 15:28). Nhưng một số tôn giáo dạy thuyết Chúa Ba Ngôi, tức Đức Chúa Trời là ba ngôi trong một, gồm Cha, Con và thần khí thánh. Từ “Chúa Ba Ngôi” không có trong Kinh Thánh. Đây là giáo lý sai lầm.
Thần khí thánh là lực hoạt động của Đức Chúa Trời, là quyền năng vô hình mà ngài dùng để thực hiện ý muốn ngài. Thần khí thánh không phải là một nhân vật. Ví dụ, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu “được tràn đầy thần khí thánh”, và Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ đổ thần khí trên mọi loại người”.—Công vụ 2:1-4, 17.
15 THẬP TỰ GIÁ
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính không dùng thập tự giá khi thờ phượng Đức Chúa Trời. Tại sao?
Từ lâu, thập tự giá đã được dùng trong tôn giáo sai lầm. Thời xưa, nó được dùng trong việc thờ thiên nhiên và những nghi lễ tình dục của ngoại giáo. Trong 300 năm đầu sau khi Chúa Giê-su chết, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô không dùng thập tự giá trong sự thờ phượng. Một thời gian dài sau đó, hoàng đế La Mã Constantine mới dùng thập tự giá làm biểu tượng của đạo Đấng Ki-tô. Biểu tượng này được dùng để làm cho đạo Đấng Ki-tô trở nên phổ biến hơn, nhưng thập tự giá không liên quan gì đến Chúa Giê-su Ki-tô. Một bách khoa từ điển của Công giáo (New Catholic Encyclopedia) giải thích: “Thập tự giá được tìm thấy trong cả nền văn hóa trước thời Đấng Ki-tô lẫn nền văn hóa không theo Đấng Ki-tô”.
Chúa Giê-su không chết trên thập tự giá. Từ Hy Lạp thường được dịch là “thập tự giá” có nghĩa cơ bản là “cột thẳng đứng”, “cây gỗ” hoặc “cây”. Một bản Kinh Thánh (The Companion Bible) cho biết: “Không có gì trong tiếng Hy Lạp của [Tân ước] có ý ám chỉ hai cây gỗ”. Chúa Giê-su chết trên một cây cột thẳng đứng.
Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta dùng thần tượng hoặc biểu tượng trong sự thờ phượng.—Xuất Ai Cập 20:4, 5; 1 Cô-rinh-tô 10:14.
16 LỄ TƯỞNG NIỆM
Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của ngài. Họ giữ lễ này mỗi năm vào ngày 14 tháng Ni-san, cùng ngày mà dân Y-sơ-ra-ên cử hành Lễ Vượt Qua. Bánh và rượu tượng trưng cho thân thể và huyết của Chúa Giê-su. Những món biểu tượng này được chuyền cho mọi người tại Lễ Tưởng Niệm. Những người có triển vọng cùng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời sẽ ăn bánh và uống rượu. Còn những ai có hy vọng sống mãi mãi trên đất thì tham dự Lễ Tưởng Niệm với thái độ tôn trọng nhưng không ăn bánh hoặc uống rượu.
17 TỪ NEʹPHESH VÀ PSY·KHEʹ TRONG KINH THÁNH
Từ Hê-bơ-rơ neʹphesh và từ Hy Lạp psy·kheʹ trong Kinh Thánh nói đến (1) người, (2) thú vật hoặc (3) sự sống của người hay thú vật. Sau đây là vài ví dụ:
Người. “Thời Nô-ê,... chỉ có ít người, tức tám người [psy·kheʹ], được chở an toàn qua nước” (1 Phi-e-rơ 3:20). Từ Hy Lạp psy·kheʹ trong câu này nói đến người: Nô-ê cùng vợ ông, và ba con trai cùng ba con dâu của ông.
Thú vật. “Đức Chúa Trời phán: ‘Nước hãy có đầy tràn vật sống [neʹphesh]; còn các loài vật biết bay hãy bay bên trên đất, trong khoảng không của trời’. Đức Chúa Trời phán: ‘Đất hãy sản sinh các vật sống [neʹphesh] tùy theo loài, súc vật, loài vật bò trên đất và động vật hoang dã tùy theo loài’. Thế là có như vậy”.—Sáng thế 1:20, 24.
Sự sống của người hay thú vật. Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Tất cả những kẻ tìm giết con [giết neʹphesh của con] đã chết rồi” (Xuất Ai Cập 4:19). Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su nói: “Tôi là người chăn tốt lành; người chăn tốt lành hy sinh mạng sống [psy·kheʹ] mình vì chiên”.—Giăng 10:11.
Trong một số câu Kinh Thánh, neʹphesh và psy·kheʹ được dịch là “hết mình”, có nghĩa là sẵn sàng làm một việc gì đó hết lòng (Ma-thi-ơ 22:37; Phục truyền luật lệ 6:5). Trong một số văn cảnh, hai từ này có thể nói đến sự ham muốn hoặc thèm ăn của một sinh vật. Chúng cũng có thể nói đến người chết hoặc xác chết.—Dân số 6:6; Châm ngôn 23:2, chú thích; Ê-sai 56:11; Ha-gai 2:13.
18 NGHIỆP CHƯỚNG VÀ ĐẦU THAI
Nhiều người tin rằng mọi chuyện xảy ra trong đời sống là do nghiệp chướng, hay điều họ đã làm ở kiếp trước. Nhưng đây không phải là điều Kinh Thánh dạy. Tại sao? Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa yêu thương và công bằng (1 Giăng 4:8; Phục truyền luật lệ 32:4). Do đó, Đức Chúa Trời không bao giờ trừng phạt người ta vì những gì họ làm ở kiếp trước, là những điều họ thậm chí không biết mình đã làm. Chúng ta không bị kiểm soát bởi nghiệp chướng, nhưng chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những gì mình làm trong hiện tại. Điều này phù hợp với những gì Kinh Thánh nói nơi Ga-la-ti 6:7: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”.
Còn về sự đầu thai thì sao? Nhiều người tin rằng nếu làm điều ác thì kiếp sau chúng ta sẽ bị đầu thai thành thú vật. Vậy nếu muốn làm người, chúng ta phải làm điều tốt ngay bây giờ. Điều này có hợp lý không? Thú vật có thể làm điều tốt không? Không, chỉ con người mới có thể làm điều tốt. Nếu được sinh ra là thú vật, làm sao chúng ta có thể làm điều tốt để kiếp sau được sinh ra làm người? Khi người đàn ông đầu tiên là A-đam phạm tội và chết, Đức Chúa Trời không nói ông sẽ đầu thai thành người hay thú. Nhưng ngài phán rằng ‘ông trở về đất, vì ông từ đó mà ra’ (Sáng thế 3:19). Vậy Kinh Thánh không ủng hộ niềm tin về sự đầu thai.
19 GHÊ-HEN-NA
Ghê-hen-na là tên của một thung lũng gần Giê-ru-sa-lem từng được dùng để thiêu hủy rác thải. Không có bằng chứng nào cho thấy vào thời Chúa Giê-su, thú vật hoặc con người bị thiêu sống hay hành hạ trong thung lũng này. Vậy Ghê-hen-na không tượng trưng cho một cõi vô hình mà người chết bị thiêu và hành hạ mãi mãi. Khi nói về những người bị quăng vào Ghê-hen-na, Chúa Giê-su nói đến sự hủy diệt vĩnh viễn.—Ma-thi-ơ 5:22; 10:28.
20 KINH LẠY CHA
Là bài cầu nguyện Chúa Giê-su dùng để dạy các môn đồ cách cầu nguyện, và cũng được gọi là bài cầu nguyện mẫu. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện như sau:
“Xin cho danh Cha được nên thánh”
Chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va tẩy sạch danh ngài khỏi mọi lời nói dối, hầu tất cả các tạo vật ở trên trời và dưới đất đều sẽ tôn vinh và kính trọng danh Đức Chúa Trời.
“Xin Nước Cha được đến”
Chúng ta cầu nguyện cho chính phủ của Đức Chúa Trời để Nước này hủy diệt thế giới gian ác của Sa-tan, cai trị cả trái đất và làm cho trái đất trở thành địa đàng.
“Ý Cha được thực hiện ở dưới đất”
Chúng ta cầu nguyện cho ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất được thành hiện thực, hầu những người hoàn hảo biết vâng lời có thể sống mãi mãi trong địa đàng, đúng như ý muốn của Đức Giê-hô-va khi tạo ra con người.
21 GIÁ CHUỘC
Đức Giê-hô-va đã cung cấp giá chuộc để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Giá chuộc là giá phải trả để mua lại sự sống hoàn hảo mà người đàn ông đầu tiên là A-đam đã đánh mất và để hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt giữa con người với Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời phái Chúa Giê-su xuống đất để hy sinh mạng sống vì tất cả những người tội lỗi. Nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su, toàn thể nhân loại có cơ hội sống mãi mãi và trở nên hoàn hảo.
22 TẠI SAO NĂM 1914 VÔ CÙNG QUAN TRỌNG?
Lời tiên tri nơi Đa-ni-ên chương 4 cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã thành lập Nước Trời vào năm 1914.
Lời tiên tri: Đức Giê-hô-va cho vua Nê-bu-cát-nết-xa thấy một giấc mơ mang nghĩa tiên tri về một cây cao lớn bị đốn xuống. Trong giấc mơ, có một xiềng sắt và đồng xiềng quanh gốc cây để không cho nó mọc lên trong khoảng thời gian “bảy kỳ”. Sau đó, cây ấy sẽ mọc lên lại.—Đa-ni-ên 4:1, 10-16.
Lời tiên tri này có ý nghĩa gì với chúng ta? Cây trong giấc mơ tượng trưng cho sự cai trị của Đức Chúa Trời. Trong nhiều năm, Đức Giê-hô-va đã dùng các vua ở Giê-ru-sa-lem để cai trị nước Y-sơ-ra-ên (1 Sử ký 29:23). Nhưng những vua này trở nên bất trung, và vương quyền của họ chấm dứt. Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN. Đó là khởi đầu của “bảy kỳ” (2 Các vua 25:1, 8-10; Ê-xê-chi-ên 21:25-27). Khi Chúa Giê-su nói rằng “thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến khi thời kỳ của dân ngoại được trọn”, ngài đang nhắc đến “bảy kỳ” (Lu-ca 21:24). Vậy “bảy kỳ” chưa kết thúc khi Chúa Giê-su còn trên đất. Đức Giê-hô-va hứa sẽ bổ nhiệm một vị vua vào cuối “bảy kỳ”. Vương triều của Vua mới này, tức Chúa Giê-su, sẽ đem lại những ân phước lớn lao cho dân Đức Chúa Trời trên khắp cả đất, cho đến mãi mãi.—Lu-ca 1:30-33.
“Bảy kỳ” kéo dài bao lâu? “Bảy kỳ” kéo dài 2.520 năm. Nếu đếm từ năm 607 TCN thì 2.520 năm sau đó sẽ đưa chúng ta đến năm 1914. Đây chính là năm Đức Giê-hô-va lập Chúa Giê-su, tức Đấng Mê-si, làm Vua của Nước Đức Chúa Trời.
Làm sao chúng ta tính được con số 2.520? Kinh Thánh nói rằng ba kỳ rưỡi tương đương với 1.260 ngày (Khải huyền 12:6, 14). Vậy “bảy kỳ” là gấp đôi, tức 2.520 ngày. Và 2.520 ngày tương đương với 2.520 năm vì theo quy luật tiên tri thì “một ngày thay cho một năm”.—Dân số 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6.
23 THIÊN SỨ TRƯỞNG MI-CA-ÊN
Kinh Thánh chỉ nhắc đến một thiên sứ trưởng tên là Mi-ca-ên.—Đa-ni-ên 12:1; Giu-đe 9.
Mi-ca-ên là Đấng Lãnh Đạo của đạo quân thiên sứ trung thành của Đức Chúa Trời. Khải huyền 12:7 nói: “Mi-ca-ên cùng các thiên sứ của mình chiến đấu với con rồng... cùng các thiên sứ của nó”. Sách Khải huyền cho biết Đấng Lãnh Đạo của đạo quân trên trời là Chúa Giê-su, vậy Mi-ca-ên là tên khác của Chúa Giê-su.—Khải huyền 19:14-16.
24 NHỮNG NGÀY SAU CÙNG
Cụm từ này nói đến thời kỳ xảy ra những biến cố lớn trên đất ngay trước khi Nước Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian Sa-tan. Những cụm từ tương tự như “kỳ cuối cùng của thế gian này” và “sự hiện diện của Con Người” cũng được dùng trong lời tiên tri Kinh Thánh để nói về cùng thời kỳ đó (Ma-thi-ơ 24:3, 27, 37). “Những ngày sau cùng” bắt đầu khi Nước Đức Chúa Trời cai trị trên trời vào năm 1914 và sẽ kết thúc khi thế gian Sa-tan bị hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn.—2 Ti-mô-thê 3:1; 2 Phi-e-rơ 3:3.
25 SỰ SỐNG LẠI
Là việc Đức Chúa Trời làm cho những người đã chết được sống lại. Kinh Thánh ghi lại chín trường hợp về sự sống lại. Ê-li-gia, Ê-li-sê, Chúa Giê-su, Phi-e-rơ và Phao-lô đều đã làm người chết sống lại. Những phép lạ này chỉ có thể được thực hiện nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va hứa sẽ làm cho “người công chính và không công chính” sống lại trên đất (Công vụ 24:15). Kinh Thánh cũng nói đến sự sống lại để lên trời. Sự sống lại này xảy ra khi những người mà Đức Chúa Trời chọn, hay xức dầu, được sống lại để sống trên trời với Chúa Giê-su.—Giăng 5:28, 29; 11:25; Phi-líp 3:11; Khải huyền 20:5, 6.
26 MA THUẬT (THUẬT THÔNG LINH)
Ma thuật hay thuật thông linh là việc cố liên lạc với các quỷ hoặc người chết, dù trực tiếp hay thông qua một người, như thầy pháp, người đồng cốt hoặc thầy bói. Đây là thực hành sai trái. Người ta thực hành ma thuật vì tin nơi giáo lý sai lầm là linh hồn của con người vẫn tồn tại sau khi chết và trở thành những hồn ma mạnh mẽ. Các quỷ cũng ra sức khiến người ta bất tuân với Đức Chúa Trời. Chiêm tinh, bói toán, phép thuật, phù thủy, mê tín, thuật huyền bí và quyền lực siêu nhiên cũng là những hình thức của ma thuật. Nhiều sách, tạp chí, lá số tử vi, phim, tranh ảnh và thậm chí cả âm nhạc khiến cho các quỷ, phép thuật hoặc quyền lực siêu nhiên có vẻ vô hại và hấp dẫn. Những phong tục tang chế, chẳng hạn như cúng bái, làm giỗ, nghi lễ dành cho góa phụ và thức canh người chết cũng là những hình thức liên lạc với các quỷ. Người ta thường sử dụng ma túy khi cố dùng quyền phép của các quỷ.—Ga-la-ti 5:20; Khải huyền 21:8.
27 QUYỀN TỐI THƯỢNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Toàn Năng, và ngài đã tạo ra cả vũ trụ (Khải huyền 15:3). Đó là lý do tại sao ngài là Chủ của muôn vật và ngài có quyền tối thượng, hay toàn quyền, để cai trị các tạo vật (Thi thiên 24:1; Ê-sai 40:21-23; Khải huyền 4:11). Ngài đặt ra luật cho mọi vật ngài tạo nên. Đức Giê-hô-va cũng có quyền lập ai làm người cai trị. Khi yêu thương và vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta ủng hộ quyền tối thượng của ngài.—1 Sử ký 29:11.
28 PHÁ THAI
Là việc cố tình gây ra cái chết cho một thai nhi, không phải do tai nạn hoặc phản ứng tự nhiên của cơ thể. Từ khi được thụ thai, thai nhi không chỉ là một phần của cơ thể người mẹ, nhưng là một cá thể riêng biệt.
29 TIẾP MÁU
Là phương pháp y khoa để truyền máu toàn phần hoặc một trong bốn thành phần chính của máu từ người này cho người khác hoặc từ máu trữ sẵn. Bốn thành phần chính của máu là huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
30 SỬA DẠY
Trong Kinh Thánh, “sửa dạy” không chỉ là từ đồng nghĩa với trừng phạt. Khi được sửa dạy, chúng ta được hướng dẫn, dạy dỗ và uốn nắn. Đức Giê-hô-va không bao giờ sửa dạy cách tàn nhẫn (Châm ngôn 4:1, 2). Đức Giê-hô-va nêu gương tuyệt vời cho các bậc cha mẹ. Ngài sửa dạy hiệu quả đến mức một người thậm chí yêu sự sửa dạy (Châm ngôn 12:1). Đức Giê-hô-va yêu thương dân ngài và huấn luyện họ. Ngài cho họ những chỉ dẫn để điều chỉnh tư tưởng sai trái, giúp họ suy nghĩ và hành động theo cách đẹp lòng ngài. Đối với các bậc cha mẹ thì sửa dạy bao hàm việc giúp con cái hiểu lý do chúng nên vâng lời. Sửa dạy cũng có nghĩa là dạy chúng yêu mến Đức Giê-hô-va và Lời ngài là Kinh Thánh, cũng như hiểu các nguyên tắc trong đó.
31 QUỶ
Là các tạo vật thần linh gian ác và vô hình, có quyền lực siêu phàm. Các quỷ là những thiên sứ gian ác. Chúng trở nên gian ác khi tự biến mình thành kẻ thù của Đức Chúa Trời qua việc bất tuân với ngài (Sáng thế 6:2; Giu-đe 6). Chúng đã theo phe Sa-tan phản nghịch Đức Giê-hô-va.—Phục truyền luật lệ 32:17; Lu-ca 8:30; Công vụ 16:16; Gia-cơ 2:19.