Bạn có biết?
Tại sao dầu thơm mà Ma-ri xức cho Chúa Giê-su rất đắt tiền?
Vài ngày trước khi Chúa Giê-su chịu chết, Ma-ri, em của La-xa-rơ “vào, đem một cái bình bằng ngọc, đựng đầy dầu cam-tòng thật rất quí-giá” và xức cho ngài (Mác 14:3-5; Ma-thi-ơ 26:6, 7; Giăng 12:3-5). Lời tường thuật trong sách Mác và Giăng đều cho biết bình dầu thơm đó trị giá 300 đơ-ni-ê, tương đương khoảng một năm lương của người lao động.
Loại dầu đắt tiền này có nguồn gốc từ đâu? Người ta thường cho rằng loại dầu này được chiết xuất từ cây cam tùng (Nardostachys jatamansi), một loại cây thân cỏ có mùi thơm, thường mọc ở dãy núi Himalaya. Vì dầu cam tùng đắt tiền nên người ta thường làm dầu giả hoặc pha loãng. Tuy nhiên, cả sách Mác và Giăng đều nói rằng loại dầu mà Ma-ri dùng để xức cho Chúa Giê-su là “dầu cam-tòng thật”. Từ giá tiền rất cao của bình dầu ấy, chúng ta có thể suy ra rằng dầu ấy có lẽ đến từ xứ Ấn Độ xa xôi.
Tại sao lời tường thuật của sách Mác nói rằng Ma-ri “đập bể” bình để đổ dầu ra? Vì cổ của những bình dầu bằng ngọc thường rất nhỏ để dễ đóng kín và dầu không bị bay hơi. Trong cuốn Discoveries From the Time of Jesus (Những khám phá từ thời Chúa Giê-su), tác giả Alan Millard nói: “Chúng ta có thể dễ dàng hiểu tại sao người phụ nữ ấy đã hớn hở đập bể [cổ bình], không chờ gỡ nắp, và đổ ra hết ngay lúc đó”. Đó là lý do tại sao “cả nhà thơm nức mùi dầu” (Giăng 12:3). Ấy quả là một món quà đắt tiền, nhưng cũng rất xứng đáng. Tại sao? Người phụ nữ này biết ơn Chúa Giê-su vì ngài vừa làm cho người anh yêu quý của bà là La-xa-rơ sống lại.—Giăng 11:32-45.
Có bao nhiêu thành Giê-ri-cô—một hay hai?
Cả Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đều thuật lại một phép lạ mà Chúa Giê-su đã làm khi ở gần thành Giê-ri-cô (Ma-thi-ơ 20:29-34; Mác 10:46-53; Lu-ca 18:35-43). Tuy nhiên, trong khi Ma-thi-ơ và Mác nói rằng Chúa Giê-su làm phép lạ khi ngài “ra khỏi” thành ấy hay ‘từ đó đi’, thì Lu-ca lại nói rằng ngài “đến gần” thành.
Vào thời Chúa Giê-su, chỉ có một thành tên Giê-ri-cô hay là có hai thành? Cuốn Bible Then & Now (Kinh Thánh xưa và nay) cho biết: “Đến thời Chúa Giê-su, thành Giê-ri-cô đã được xây lại cách thành Giê-ri-cô cổ khoảng 1,6km về phía nam. Hê-rốt Đại Đế đã xây cung điện mùa đông ở đó”. Cuốn Archaeology and Bible History (Khảo cổ học và lịch sử Kinh Thánh) cũng xác nhận như sau: “Thành Giê-ri-cô vào thời Chúa Giê-su là một thành đôi. . . Thành cổ của người Do Thái cách thành mới của người La Mã khoảng 1,6km”.
Vì thế, có lẽ Chúa Giê-su làm phép lạ này khi ngài ra khỏi thành của người Do Thái và đang đến gần thành của người La Mã, hoặc ngược lại. Rõ ràng, kiến thức về bối cảnh vào thời câu chuyện được viết ra đã giúp làm sáng tỏ những chi tiết có vẻ mâu thuẫn.
[Hình nơi trang 31]
Bình dầu thơm bằng ngọc
[Nguồn tư liệu]
© Réunion des Musées Nationaux/Art Resource, NY