Cảnh giác kẻo bị mắc lừa
Đôn Ki-hô-tê (Don Quixote) là một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, sống vào thế kỷ 16. Đầu óc của Đôn Ki-hô-tê lúc nào cũng đầy những câu truyện truyền thuyết về các chàng hiệp sĩ can đảm trong bộ giáp bóng loáng đi giải cứu người đẹp bị nguy nan. Chàng ta bắt đầu nghĩ rằng mình cũng là một hiệp sĩ quý tộc. Trong một tình tiết nổi tiếng, Đôn Ki-hô-tê giao chiến với những cối xay lúa mà trong mắt chàng, đó là những tên khổng lồ nguy hiểm. Chàng tin rằng mình phục vụ cho Chúa khi giết những tên khổng lồ này. Cuối cùng, chàng bị bẽ mặt.
Đôn Ki-hô-tê chỉ là nhân vật hư cấu nhưng trong đời thường, việc mắc sai lầm thì không có gì đáng cười. Chẳng hạn, một người nghiện rượu tưởng rằng mình có thể uống thả giàn, nhưng đến khi sức khỏe kiệt quệ và gia đình tan nát thì mới vỡ lẽ. Hoặc một người bị chứng biếng ăn nghĩ rằng mình đã no đầy và khỏe khoắn, nhưng thực chất người ấy đang chết dần chết mòn vì đói.
Phải chăng bất kỳ ai cũng có thể bị mắc lừa? Đáng buồn, sự thật đúng là như thế. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào bẫy ấy. Thậm chí, niềm tin tôn giáo mà chúng ta trân trọng bấy lâu nay có thể không đúng. Điều này dẫn đến hậu quả thảm hại. Tại sao chúng ta có thể bị lừa? Làm thế nào để tránh?
Tại sao nguy hiểm?
Một từ điển cho biết “lừa dối” là “làm người khác tin một điều sai lầm hoặc vô lý là đúng đắn hay hợp lý”. Từ này cũng ngụ ý “đưa ra những ý tưởng hoặc niềm tin sai lạc khiến một người không biết được sự thật, hoang mang hay bất lực”. Nghĩa cơ bản của từ này, cùng những từ như “đánh lừa” và “dỗ dành”, là làm người ta đi chệch hướng bằng cách dùng thủ đoạn. Chắc chắn, một người “không biết được sự thật, hoang mang hay bất lực” do bị lừa là vô cùng nguy hiểm.
Thật đáng buồn, người bị lừa thường khăng khăng giữ niềm tin của mình dù có bằng chứng rõ ràng cho thấy niềm tin ấy là sai. Có lẽ người đó quá gắn bó với niềm tin này nên bịt tai che mắt để không thấy bằng chứng.
Chúng ta có bị lừa không?
Có lẽ bạn cho rằng: “Có cường điệu không khi nói tất cả chúng ta có nguy cơ lầm lạc theo những giáo lý sai lầm?”. Không cường điệu chút nào. Vì Sa-tan Ma-quỉ, kẻ mà Chúa Giê-su gọi là “cha sự nói dối”, rắp tâm đánh lừa chúng ta (Giăng 8:44). Kinh Thánh cũng miêu tả Sa-tan là “chúa đời nầy đã làm mù lòng” vô số người trong suốt lịch sử (2 Cô-rinh-tô 4:4). Ngày nay, hắn còn đang “dỗ-dành cả thiên-hạ”.—Khải-huyền 12:9.
Sa-tan lừa dối con người ngay từ buổi đầu lịch sử của nhân loại. Chẳng hạn, hắn lừa dối Ê-va để bà nghĩ rằng bà không cần phụ thuộc vào luật pháp của Đấng Tạo Hóa, và có thể “như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”, tức tự mình định đoạt điều phải, điều trái (Sáng-thế Ký 3:1-5). Đây là lời lừa dối đầu tiên, vì dù được ban cho quyền tự do lựa chọn điều mình sẽ làm, nhưng con người không được tạo ra để tự định đoạt điều phải, điều trái. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền đó vì Ngài là Đấng Tạo Hóa và Đấng Tối Cao (Giê-rê-mi 10:23; Khải-huyền 4:11). Nếu nghĩ rằng quyền lựa chọn điều phải điều trái đồng nghĩa với quyền định đoạt điều thiện điều ác, thì thật sai lầm biết bao! Đáng tiếc là con người bất toàn như chúng ta dễ rơi vào bẫy đó.
Còn bạn thì sao?
Có lẽ niềm tin tôn giáo của bạn đã có từ lâu đời, hoặc do ông bà để lại. Tuy nhiên, không hẳn niềm tin ấy là đúng. Vì sao vậy? Kinh Thánh cho thấy ngay sau khi các sứ đồ của Chúa Giê-su qua đời, có những người len lỏi vào hội thánh và “giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo [họ]” (Công-vụ 20:29, 30, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Họ khéo dùng “lời dỗ-dành” cũng như “triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người” để lôi kéo người khác.—Cô-lô-se 2:4, 8.
Ngày nay có gì khác biệt không? Không, sứ đồ Phao-lô báo trước vấn đề ấy sẽ càng nghiêm trọng hơn trong “ngày sau-rốt”, tức thời kỳ mà chúng ta đang sống. Ông viết: “Những người hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong điều dữ, làm lầm-lạc kẻ khác mà cũng lầm-lạc chính mình nữa”.—2 Ti-mô-thê 3:1, 13.
Vì thế, chúng ta nên nghiêm túc xem xét lời khuyên sau của sứ đồ Phao-lô: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (1 Cô-rinh-tô 10:12). Dĩ nhiên, Phao-lô nói về vị thế của một người trước mắt Đức Chúa Trời. Nếu nghĩ rằng Sa-tan không bao giờ dỗ dành được bạn, thì đó là một sai lầm lớn. Vì tất cả mọi người đều có thể mắc “mưu-kế” của hắn (Ê-phê-sô 6:11). Đó là lý do sứ đồ Phao-lô bày tỏ mối lo về các anh em đồng đạo rằng “như xưa Ê-va bị cám-dỗ bởi mưu-chước con rắn kia [Sa-tan], thì ý-tưởng anh em cũng hư đi, mà dời-đổi lòng thật-thà tinh-sạch đối với Đấng Christ [Ki-tô] chăng”.—2 Cô-rinh-tô 11:3.
Làm sao để tránh bị lừa?
Vậy, làm sao bạn có thể cảnh giác để tránh bị Sa-tan lừa dối? Làm thế nào bạn có thể chắc chắn mình thờ phượng Đức Chúa Trời bằng “tâm-thần và lẽ thật”? (Giăng 4:24). Hãy tận dụng những điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho bạn. Trước hết, Ngài ban “trí-khôn” để bạn phân biệt điều chân thật và dối trá (1 Giăng 5:20). Đức Chúa Trời cũng giúp bạn nhận ra mưu kế của Sa-tan (2 Cô-rinh-tô 2:11). Thật thế, Ngài ban mọi điều cần thiết để bạn kháng cự mưu đồ của Sa-tan hầu lừa dối bạn.—Châm-ngôn 3:1-6; Ê-phê-sô 6:10-18.
Quan trọng nhất, Đức Chúa Trời cung cấp một công cụ hoàn hảo để bạn bảo vệ chính mình. Công cụ ấy là gì? Sứ đồ Phao-lô khuyên bạn đồng hành của ông là Ti-mô-thê nên dựa vào công cụ đó để phân biệt đúng sai trong những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng. Sau khi cảnh báo về “những người hung-ác, kẻ giả-mạo”, sứ đồ Phao-lô bảo Ti-mô-thê kháng cự ảnh hưởng của họ bằng cách kiểm chứng để chắc chắn những gì ông tin có cơ sở trong Kinh Thánh, tức Lời Đức Chúa Trời.—2 Ti-mô-thê 3:15.
Dĩ nhiên, có một số người nói rằng những ai tin Đức Chúa Trời và chấp nhận Kinh Thánh là Lời của Ngài thì bị lầm lạc. Nhưng trên thực tế, những ai cố tình lờ đi bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời hiện hữu, và Kinh Thánh là Lời của Ngài mới bị lầm lạca.—Rô-ma 1:18-25; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17; 2 Phi-e-rơ 1:19-21.
Thay vì để mình bị dỗ dành bởi những điều “ngụy xưng là tri-thức”, bạn hãy căn cứ vào Lời Đức Chúa Trời hầu xác định đâu là chân lý (1 Ti-mô-thê 6:20, 21). Hãy noi gương những người mà sứ đồ Phao-lô đã gặp ở thành Bê-rê. Họ tiếp nhận lời Phao-lô giảng với tinh thần cởi mở. Không những họ tin điều ông nói mà “ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng có thật chăng”.—Công-vụ 17:11.
Bạn không nên sợ khi xem xét niềm tin của mình như cách những người ấy đã làm. Thật vậy, Kinh Thánh khuyến khích bạn “hãy xem-xét mọi việc” trước khi tin (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21). Đến cuối thế kỷ thứ nhất công nguyên, sứ đồ Giăng khuyên các anh em đồng đạo không nên tin hết mọi lời được soi dẫn nhưng phải xem xét những lời ấy có đến từ Đức Chúa Trời không (1 Giăng 4:1). Đúng thế, dù một số giáo lý có vẻ đến từ Đức Chúa Trời, nhưng điều khôn ngoan là xem xét Kinh Thánh để kiểm chứng trước khi tin đó là chân lý.—Giăng 8:31, 32.
Hãy hành động!
Chỉ biết những điều Kinh Thánh dạy thì chưa đủ, bạn còn phải làm một điều khác nữa. Môn đồ Gia-cơ viết: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình” (Gia-cơ 1:22). Vậy, bạn phải áp dụng. Như thế nào? Bằng cách làm theo các điều Đức Chúa Trời phán dạy và không làm những gì Ngài ngăn cấm.
Nhiều người đã bị Sa-tan lừa dối. Chẳng hạn, hãy xem sự tha hóa về đạo đức xung quanh chúng ta. Sa-tan khiến người ta lầm tưởng họ có thể lờ đi tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời mà không phải lãnh hậu quả. Vì thế, sứ đồ Phao-lô thẳng thắn cảnh báo những ai là môn đồ Chúa Giê-su: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”.—Ga-la-ti 6:7.
Đừng giống người mà Chúa Giê-su gọi là “người dại” vì ‘nghe lời ngài phán mà không làm theo’. Như nhân vật Đôn Ki-hô-tê của nhà văn Cervantes đã bị lừa dối bởi trí tưởng tượng của mình, người đó sai lầm khi nghĩ rằng mình có thể xây một ngôi nhà vững chắc, an toàn trên nền cát dễ bị chuồi. Nhưng hãy như người “cất nhà mình trên vầng đá”. Chúa Giê-su nói người này là “khôn-ngoan” vì nghe lời ngài và “làm theo”.—Ma-thi-ơ 7:24-27.
[Chú thích]
a Muốn biết thêm thông tin, xin xem sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không? và Kinh Thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Khung/Hình nơi trang 12, 13]
Sự thật có như bạn thấy?
Vào thập niên 1930, họa sĩ người Thụy Điển là ông Oscar Reutersvärd đã giới thiệu một loạt các bức tranh vẽ những hình không thể tồn tại trong thực tế. Bức tranh bên trái là một thí dụ. Mới nhìn sơ qua, bức tranh này có vẻ chính xác, nhưng thật ra nó trái với nhận thức thông thường. Khi xem kỹ, bạn có thể thấy họa sĩ đã dùng mẹo để đánh lừa cặp mắt và trí óc của người xem.
Không chỉ có loại tranh ấy là không đúng với sự thật. Cách đây khoảng 2.000 năm, Kinh Thánh cảnh báo: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người, sơ-học của thế-gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”.—Cô-lô-se 2:8.
Người viết những lời này từng bị lừa dối nên lời cảnh báo của ông càng có giá trị. Ông đã theo học một trong các thầy dạy đạo nổi tiếng nhất thời ông và quen biết những người có địa vị cao, nên lẽ ra ông không dễ bị lừa.—Công-vụ 22:3.
Người đàn ông này, Sau-lơ ở thành Tạt-sơ, được dạy rằng bất kỳ ai không theo truyền thống tôn giáo và phong tục của Do Thái giáo thì đáng bị kết án. Ông xem việc bắt những người này là sứ mệnh mà Đức Chúa Trời giao, và được các nhà lãnh đạo Do Thái giáo ủy quyền làm thế. Ông còn ủng hộ việc giết một người đồng hương đã bị vu cho tội phạm thượng.—Công-vụ 22:4, 5, 20.
Một thời gian sau, Sau-lơ được giúp đỡ để phân biệt điều phải điều trái, điều Đức Chúa Trời chấp nhận và điều Ngài không hài lòng. Khi đã nhận ra mình sai, người đàn ông sốt sắng này thay đổi hoàn toàn và cải đạo, sau đó được gọi là sứ đồ Phao-lô. Ông đã tìm được sự thờ phượng chân chính và không còn lạc lối.—Công-vụ 22:6-16; Rô-ma 1:1.
Như ông Phao-lô, nhiều người có lòng thành đã bị đánh lừa bởi các giáo lý có thể được ví với loại hình vẽ không tồn tại trong thực tế. Các giáo lý đó có vẻ đúng nhưng không dựa trên Lời Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 14:12; Rô-ma 10:2, 3). Sau đó, họ được giúp để nhận ra niềm tin và các thực hành trong tôn giáo của mình là không đúng (Ma-thi-ơ 7:15-20). Khi hiểu biết chính xác về Kinh Thánh, họ đã thay đổi niềm tin và lối sống để được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Bạn có sẵn lòng noi gương sứ đồ Phao-lô và xem xét niềm tin của mình dựa trên Lời Đức Chúa Trời không? Nhân Chứng Giê-hô-va rất vui lòng giúp bạn làm điều này.
[Nguồn hình ảnh nơi trang 10]
Engravings by Doré