Cây mía—Một cây khổng lồ trong các cây họ lúa
THÔNG TÍN VIÊN TỈNH THỨC! Ở ÚC
CHÚNG TA sẽ sống sao đây nếu không có đường? Nói rằng thế giới sẽ ngưng hoạt động thì là quá đáng—nhưng nhiều chế độ ăn uống sẽ cần thay đổi hẳn nếu đường không còn nữa. Đúng vậy, ngày nay ở phần lớn các nơi trên thế giới, người ta dùng đường hàng ngày, khiến việc sản xuất đường là nền công nghiệp khắp thế giới.
Hàng triệu người, từ Cuba đến Ấn Độ và từ Brazil đến Phi Châu, trồng và thu hoạch mía. Quả thật, có một thời việc sản xuất đường là công nghiệp lớn nhất và sinh nhiều lợi nhất trên thế giới. Có thể nói rằng ít thực vật nào khác tác động đến thế giới như mía.
Bạn có muốn biết thêm về loại cây đặc biệt này không? Vậy hãy cùng chúng tôi đến thăm một vùng trồng mía ở Queensland, Úc. Mặc dù vùng này chỉ là nơi sản xuất mía khá khiêm tốn, nhưng phương pháp trồng trọt và biến chế hữu hiệu khiến nó là một trong những nơi xuất khẩu đường thô hàng đầu thế giới.
Đến thăm một xứ trồng mía
Không khí nóng và ẩm. Mặt trời nhiệt đới như đổ lửa xuống cánh đồng mía đã già. Một cỗ máy lớn giống như máy gặt lúa mì đang chầm chậm chạy xuyên qua các cây mía cao, chặt thân cây, trong quá trình thu hoạch, rồi đặt vào một toa moóc kéo theo bên cạnh. Nước mía chẳng mấy chốc chảy ra từ chỗ cắt và một mùi mốc ngọt thoảng đưa trong không khí. Chất nước quý từ loại cỏ đặc biệt này đã bắt đầu cuộc hành trình từ cánh đồng đến chén đường trên bàn của bạn.
Cách đây không lâu, ở Úc người ta cắt mía một cách vất vả bằng tay như tại nhiều nước ngày nay, nơi mía được thu hoạch. Hãy tưởng tượng cảnh công nhân đang cắt mía bằng tay. Một hàng người cắt mía đẫm mồ hôi chầm chậm tiến qua cánh đồng mía. Gần như với sự nhanh nhẹn, gọn gàng như trong quân đội, thợ gặt dùng một tay vơ lấy từng bụi mía thẳng và rồi kéo chặt về một bên để lộ đám gốc ra. Vút, chặt! Vút, chặt! Bằng những nhát mạnh mẽ, thợ gặt vung dao rựa chặt sát đất. Quăng chúng sang một bên thành những hàng gọn, rồi sang lùm kế tiếp. Trên toàn thế giới, tình trạng này đang dần dần thay đổi, hiện nay ngày càng có nhiều nước đang cơ khí hóa.
Vùng trồng mía ở Úc chủ yếu bao gồm một dải đất miền duyên hải dài khoảng 2.100 kilômét, phần lớn chạy song song với dải san hô nổi tiếng Great Barrier. (Xin xem bài “Tham quan Great Barrier Reef” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-6-1991). Nơi đây khí hậu ẩm và ấm quanh năm khiến mía lớn nhanh, và có khoảng 6.500 người trồng mía, phần lớn sống trong những nông trại nhỏ có tính cách gia đình nằm rải rác dọc bờ biển, trông giống như những chùm nho trên cây.
Sau khi lái xe một quãng dài, từ xa chúng tôi thấy thành phố sản xuất đường Bundaberg, nằm trên bờ biển trung tâm của Queensland. Khi chúng tôi lái xuống một cái đồi nhỏ, toàn cảnh ngoạn mục hiện ra trước mắt—một biển mía gợn sóng trải rộng tới tận chân trời! Với nhiều màu sắc! Những cánh đồng mía khác nhau ở vào độ tăng trưởng khác nhau, trông như một bức khảm ghép mảnh với nhiều sắc thái xanh lá cây và màu vàng sặc sỡ, cùng những mảnh nhỏ màu nâu sôcôla ở những nơi không được canh tác năm nay hoặc mới được dọn sạch.
Tháng 7 là tháng lạnh nhất trong năm; mùa gặt và ép mía vừa mới bắt đầu. Công việc này sẽ kéo dài đến tháng 12 vì mía tăng trưởng thành nhiều đợt khác nhau. Giờ đây chúng tôi hăm hở đến thăm một nhà máy đường để xem người ta làm gì sau khi cắt mía. Nhưng có lời đề nghị là trước khi đi xem, chúng tôi nên học hỏi vài điều về chính cây mía. Vì thế chúng tôi quyết định trước hết dừng lại tại một trạm thí nghiệm đường được lập ra trong vùng. Tại đây các nhà khoa học phát minh ra nhiều thứ mía mới và nghiên cứu để cải tiến nông nghiệp trồng và sản xuất mía.
Nguồn gốc và việc trồng mía
Tại trạm nghiên cứu đường, một nhà nông học sốt sắng vui lòng cho chúng tôi biết vài điều về cây mía và giải thích cách trồng. Đầu tiên nó được tìm thấy trong những vùng rừng nhiệt đới có lượng mưa lớn ở Đông Nam Á và New Guinea, mía là một cây khổng lồ thuộc họ lúa bao gồm cỏ, ngũ cốc và tre nứa. Tất cả các cây này sản xuất đường trong lá qua quá trình quang hợp. Song, cây mía khác ở chỗ là nó sản xuất rất nhiều đường và rồi chứa đường dưới dạng nước ngọt trong thân cây có nhiều xơ.
Trồng mía rất phổ biến ở Ấn Độ cổ xưa. Ở đó, vào năm 327 TCN, các thầy ký trong quân đội xâm lược của A-léc-xan-đơ Đại Đế ghi nhận rằng dân cư “nhai một thứ sậy kỳ diệu; nó sản xuất một loại mật mà không cần đến ong”. Khi việc thám hiểm và đà phát triển thế giới gia tăng trong thế kỷ 15, việc sản xuất mía lan ra nhanh chóng. Ngày nay có hàng ngàn loại mía khác nhau, và hơn 80 nước sản xuất tổng cộng khoảng một tỷ tấn mía mỗi năm.
Ở phần lớn các nơi trên thế giới, việc trồng mía cần rất nhiều nhân công. Người ta cắt thân cây mía già thành từng đoạn dài khoảng 40 centimét và trồng thành những luống cách nhau khoảng 1,5 mét. Mỗi cành giâm, hoặc cây con, mọc thành một lùm có khoảng 8 đến 12 thân mía, và chúng trưởng thành trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 tháng. Đi bộ qua một cánh đồng đầy mía chín có thể làm phát sợ. Thân mía và bộ lá dày cao đến bốn mét. Tiếng xào xạc đằng kia có thể chỉ là gió thổi, hay có lẽ là rắn hoặc một loại gặm nhấm? Để đề phòng, có lẽ đến lúc ta nên trở vào nơi đất trống an toàn!
Các chuyên gia đang nghiên cứu những cách chống sâu bệnh làm hại mía. Nhiều nỗ lực này đã thành công một phần nào nhưng không phải tất cả nỗ lực đều có hiệu quả. Thí dụ, vào năm 1935, nhằm diệt trừ loài bọ mía gây hại, chính phủ đưa loài cóc mía Hawaii vào miền bắc Queensland. Đáng tiếc là loài cóc này thích ăn những thứ dư dật khác, hơn là bọ mía; chúng sinh sôi nảy nở và chính chúng lại trở nên một vật phá hoại lớn trên khắp miền đông bắc Úc.
Đốt trước khi thu hoạch?
Sau đó, khi đêm đã xuống, chúng tôi kinh ngạc nhìn một nông dân địa phương châm lửa đốt cánh đồng mía chín của mình. Trong vòng vài giây, cánh đồng nhỏ trở nên đám cháy lớn, ngọn lửa bốc lên cao trong bầu trời đêm. Đốt mía giúp loại bỏ lá và những thứ khác có thể làm trở ngại cho việc thu hoạch và nghiền cán. Tuy nhiên, gần đây ngày càng có xu hướng thu hoạch mà không cần phải đốt trước. Phương pháp này gọi là thu hoạch mía xanh. Không những sản xuất được nhiều đường hơn mà còn để lại mặt đất một lớp bổi bảo vệ đất khỏi bị xói mòn và có lợi cho việc chống cỏ dại.
Mặc dù tại nhiều nước trồng mía ngày nay, người ta vẫn cắt mía bằng tay, nhưng hiện nay càng ngày càng có nhiều nước thu hoạch bằng máy cắt mía khổng lồ. Những máy kếch sù này chạy xuyên qua những hàng mía cao, cắt ngọn và lá rồi tự động cắt mía thành từng đoạn hoặc khúc ngắn, sẵn sàng để được chế biến tại nhà máy. Cắt vất vả bằng tay, một người có thể thu hoạch trung bình 5 tấn mía mỗi ngày, nhưng máy cắt có thể xử lý đến 300 tấn mỗi ngày một cách dễ dàng. Cánh đồng mía có thể được cắt hàng năm nhưng sau vài năm thì sản lượng đường sụt xuống và cần phải trồng lại cây mới.
Một khi mía được cắt, cần phải xử lý nhanh vì đường trong mía mới cắt rất mau hư. Để giúp chuyên chở mía nhanh chóng đến nhà máy, có khoảng 4.100 kilômét đường ray hẹp cho xe điện phục vụ những vùng trồng mía ở Queensland. Những đầu máy cỡ nhỏ đi trên những đường ray này là một cảnh nhiều màu sắc khi chúng đi qua miền nông thôn, kéo theo hàng chục toa trần đầy ắp mía.
Thăm nhà máy
Thăm viếng nhà máy đường là một kinh nghiệm lý thú. Cảnh đầu tiên người ta thấy là những hàng toa mía đang đợi để được bốc xuống. Những máy cắt vụn và máy ép to lớn nghiền nát mía, vắt nước đường ra khỏi thớ. Các thớ còn lại, hoặc bã mía người ta sấy khô và dùng làm nhiên liệu cung cấp điện lực cho toàn thể nhà máy. Số bã còn dư lại cũng được bán cho những nhà sản xuất giấy và vật liệu xây cất để dùng trong sản phẩm của họ.
Kế đến tạp chất trong nước mía được loại bỏ, để lại một chất lỏng trong. Tạp chất tái, gọi là bùn, được dùng trong phân bón. Một sản phẩm phụ khác là mật đường, được dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc nguyên liệu trong việc chưng cất rượu rum và rượu dùng trong công nghiệp. Tính đa dụng của mía và năng suất của quá trình cán chắc chắn gây ấn tượng sâu sắc.
Kế đó chất lỏng này được đun lên cho cô đặc lại thành nước mật đường, và người ta trộn vào nó những tinh thể đường li ti. Những tinh thể này lớn dần đến một cỡ quy định. Rồi chúng được tách khỏi hỗn hợp và sấy. Kết quả là đường vàng thô. Tinh chế thêm sẽ biến đường thô này ra đường trắng tinh chế quen thuộc mà nhiều người thấy trên bàn ăn.
Có lẽ bạn sẽ thấy trà hoặc cà phê của bạn ngọt hơn sau cuộc tham quan lý thú và mở mang kiến thức này. Tất nhiên, nếu bạn bị bệnh tiểu đường thì có lẽ bạn phải kiêng đường và có lẽ dùng một chất thay thế.
Chắc chắn chúng ta thán phục tài năng và óc sáng tạo của Đấng đã tạo ra loại cây kỳ diệu này, rồi khiến nó mọc lên thật nhiều. Mía quả là một cây khổng lồ giữa các cây họ lúa!
[Khung nơi trang 22]
Nó đến từ củ cải hay mía?
Đường được chế từ hai nông sản chính trên thế giới. Mía phần lớn được trồng ở vùng nhiệt đới và dùng để sản xuất ít nhất 65 phần trăm lượng đường trên thế giới. Phần còn lại 35 phần trăm chiết từ củ cải đường, là loại cây được trồng ở nơi khí hậu lạnh hơn, như Đông Âu, Tây Âu và Bắc Mỹ. Hai chất đường giống hệt nhau về hóa tính.
[Hình nơi trang 23]
Đốt mía trước khi cắt
[Hình nơi trang 23]
Máy cắt mía. Máy kéo toa moóc
[Nguồn tư liệu nơi trang 21]
Tất cả các hình nơi trang 21-24: Queensland Sugar Corporation