Phải chăng đường nào cũng tới La Mã?
DO BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ÁO
HỆ THỐNG đường của Đế Quốc La Mã nối liền các tỉnh lị xa xôi với kinh đô của đế quốc. Hệ thống này nối từ các vùng rừng rậm xứ Gaul cho đến tận các thành phố Hy Lạp, và từ Sông Ơ-phơ-rát cho đến tận Eo Biển Manche. Quan trọng hơn hết, nó giúp cho quân đội có thể đi đến hầu như khắp mọi nơi trên toàn lãnh thổ, củng cố quyền lực của Rô-ma. Từ những trục đường chính được lát đá tủa ra vô số những con đường nhỏ dẫn đến các tỉnh lị của La Mã. Vì thế mới có câu tục ngữ: “Đường nào cũng tới La Mã”.
Hệ thống đường trên khắp Đế Quốc La Mã có chiều dài tổng cộng hơn 80.000 kilômét. Làm thế nào ngày nay người ta có thể nghiên cứu và hiểu được tầm ảnh hưởng của hệ thống này đối với thế giới cổ xưa ấy? Một cách là xem xét một bản đồ có từ hồi thế kỷ 13, được gọi là Bản Đồ Peutinger.
Các sử gia cho rằng Bản Đồ Peutinger là bản sao của một bản đồ được vẽ từ thời các đạo binh La Mã còn hành quân trên những con đường nổi tiếng đó. Vào năm 1508, ông Konrad Peutinger, thư ký thành phố Augsburg ở miền nam nước Đức, có được bản sao tay này, vì thế tấm bản đồ này đã được đặt theo tên ông. Hiện nay nó được trưng bày tại Thư Viện Quốc Gia Áo tại Vienna, dưới cái tên bằng tiếng La-tinh Tabula Peutingeriana.
Cả thế giới La Mã trong một cuộn giấy
Trong lớp học thời nay, học sinh thường xem các bản đồ hình vuông treo trên tường. Tuy nhiên, Bản Đồ Peutinger lại là một cuộn giấy, khi trải ra, có chiều rộng 0,34 mét còn chiều dài tới hơn 6,75 mét. Bản gốc gồm 12 mảnh da được nối lại với nhau. Hiện chỉ còn lại 11 mảnh. Bản đồ này cho thấy toàn Đế Quốc La Mã vào thời hoàng kim, trải dài từ Anh Quốc cho đến tận Ấn Độ. Dù có thể hiểu biết vùng này khi xem các bản đồ hiện đại, nhưng bạn vẫn có thể bị lẫn lộn khi xem Bản Đồ Peutinger. Tại sao thế?
Bản Đồ Peutinger được vẽ ra cho những người đi đường xa thời xưa, chứ không phải cho các nhà địa lý thời nay. Bản đồ có thể cuộn lại nên dễ dùng khi đi đường. Nhưng để có thể đưa mọi chi tiết cần thiết vào bản đồ, người vẽ đã phải thu ngắn hướng bắc nam và kéo dài hướng đông tây ra nhiều. Kết quả là ra đời một bản đồ bị biến dạng nhưng dễ mở, dễ tham khảo, có thể cuộn lại và mang theo dễ dàng. Người dùng có thể nhanh chóng nhận ra đâu là con đường dễ nhất để đi từ nơi này đến nơi khác. Điều đó quan trọng đối với người đi đường hơn là hình dạng của nước Ý, độ lớn của Biển Đen hoặc hướng họ đang đi.a
Các chi tiết trên bản đồ được phân biệt bằng màu sắc. Đường sá được biểu thị bằng màu đỏ, núi bằng màu nâu và sông bằng màu xanh lá cây. Trên bản đồ có tên của hàng trăm thị trấn và vị trí của chúng được đánh dấu bằng hình các ngôi nhà, các khu vườn có tường bao quanh và những ngọn tháp. Những ký hiệu này hình như nói lên điều kiện tiện nghi ở mỗi nơi. Bản đồ cũng cho biết khoảng cách giữa các thị trấn, trạm xe và nơi dừng chân.
Có thể tìm thấy một số địa danh và sự kiện trong Kinh Thánh trên Bản Đồ Peutinger. Tại vị trí vùng Núi Si-na-i có hai lời chú thích bằng tiếng La-tinh. Một câu viết: “Đồng vắng nơi con cái Y-sơ-ra-ên vào thời Môi-se lang thang 40 năm”. (Giô-suê 5:6) Câu kia viết: “Đây là nơi họ nhận được Luật Pháp trên Núi Si-na-i”.—Lê-vi Ký 27:34.
Thành Giê-ru-sa-lem được đánh dấu bằng một lời chú thích, với cái tên khác là Aelia Capitolina—lấy từ tên Publius Aelius Hadrianus, thường gọi tắt là Hadrian. Vào thế kỷ thứ hai CN, vị hoàng đế La Mã này đã lấy tên ông đặt cho thành Giê-ru-sa-lem. Tên Núi Ô-li-ve bằng tiếng La-tinh cũng xuất hiện trên bản đồ.—Lu-ca 21:37.
Phải chăng đường nào cũng tới La Mã?
Một số đường dẫn tới Aquileia, một thành phố ở đông bắc nước Ý. Trên bản đồ, Aquileia có các tháp canh và tường thành kiên cố bao bọc. Vì nằm ở một giao lộ quan trọng và có cảng rất tốt, Aquileia là một trong những thành phố quan trọng nhất trong Đế Quốc La Mã.
Via Egnatia (đường Egnatia) chạy dài từ bờ biển Adriatic, xuyên qua bán đảo Balkan, đến tận Constantinople, nay là Istanbul. Trên bản đồ, thành phố này được đánh dấu bằng hình một nữ thần ngồi trên ngai, trong tư thế sẵn sàng tham chiến. Cũng có nhiều đường dẫn tới thành An-ti-ốt thuộc xứ Sy-ri, nay là thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ. An-ti-ốt là thành lớn thứ ba trong Đế Quốc La Mã, chỉ sau Rô-ma và A-léc-xan-tri. Trên bản đồ, thành này có hình một nữ thần đang ngồi, với hào quang trên đầu.
Theo Bản Đồ Peutinger, có 12 đường dẫn tới Rô-ma. Một trong những con đường này là Via Appia, tức đường Áp-bi-u trong Kinh Thánh. Sách Công-vụ cho biết sứ đồ Phao-lô đã đi qua con đường này trong chuyến hành trình thứ nhất tới Rô-ma. Trong khi Phao-lô đang trên đường đến đó, thì một nhóm anh em tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma đã theo đường Áp-bi-u đến gặp ông tại Ba-Quán, địa danh này cũng được ghi trên bản đồ.—Công-vụ 28:15.
Trên Bản Đồ Peutinger, ký hiệu nào được dùng để chỉ Rô-ma? Đó là hình một nữ vương quyền uy, khoác áo choàng tím, đang ngồi trên ngai. Quả địa cầu và cây vương trượng trên hai tay bà ám chỉ quyền thống trị thế giới tập trung tại kinh đô của đế quốc.
Người ta nói đường nào cũng tới La Mã, điều đó có chính xác không? Quả đúng vậy, khi bạn xem xét mức độ rộng lớn của mạng lưới đường tủa ra từ các trục lộ chính. Bản Đồ Peutinger cho thấy làm thế nào các con đường này đã giúp La Mã kiểm soát tất cả các tỉnh thành trong suốt gần 500 năm. Giờ đây hãy để trí tưởng tượng đưa bạn chu du khắp Đế Quốc La Mã trên những con đường xa xưa ấy, với sự trợ giúp của Bản Đồ Peutinger.
[Chú thích]
a Điều đó vẫn đúng ngày nay. Các bản đồ xe lửa hoặc tàu điện ngầm hiện đại cũng thường bị biến dạng nhưng dễ dùng.
[Bản đồ nơi trang 21-23]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Bản Đồ Peutinger—một bản đồ chỉ đường khác thường
TÂY BAN NHA
MOROCCO
ANH QUỐC
PHÁP
ĐỨC
ÁO
Aquileia
Rô-ma
Vùng được phóng lớn nơi trang 23
Ý
CHÂU PHI
HY LẠP
Istanbul
AI CẬP
THỔ NHĨ KỲ
Núi Si-na-i
Giê-ru-sa-lem
SY-RI
Antakya
Biển Caspi
I-RAN
ẤN ĐỘ
[Bản đồ nơi trang 23]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Các chi tiết về Rô-ma và vùng phụ cận trên Bản Đồ Peutinger
Rô-ma
Aquileia
Istanbul
Giê-ru-sa-lem
Antakya