Quan sát thế giới
Theo một cuộc khảo sát, khoảng 10,3% đàn ông Brazil ở độ tuổi từ 15 đến 64 từng quan hệ tình dục với ít nhất một người mình gặp trên mạng trong 12 tháng qua.—BỘ Y TẾ BRAZIL.
Từ lâu, Bắc Băng Dương đã bị bao phủ bởi lớp băng lớn dày đến 80m. Nhưng bây giờ “lớp băng lâu năm... đã biến mất, sự việc lạ thường này tạo thuận lợi cho việc mở mang đường biển vùng bắc cực”.—THÔNG TẤN XÃ REUTERS, CANADA.
Moscow và tòa Vatican đã tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.—THÔNG TẤN XÃ NOVOSTI, NGA.
Kilimanjaro, ngọn núi cao nhất châu Phi, “đã mất 26% lớp băng trên đỉnh trong khoảng năm 2000 đến 2007”.—DAILY NATION, KENYA.
Chủ nghĩa cá nhân và chứng trầm cảm
Theo tờ Daily Telegraph ở Luân Đôn, các nhà nghiên cứu cho biết nước Anh là “xã hội đứng đầu về việc đề cao chủ nghĩa cá nhân, chú trọng cá nhân hơn tập thể”. Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy người Anh ở trong số những người bị trầm cảm và lo lắng nặng nhất. Một số chuyên gia tin rằng có sự liên hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và chứng trầm cảm. Người ta tiến hành những cuộc nghiên cứu và so sánh các xã hội ở Tây phương với Trung Quốc và Đài Loan. Những xã hội Á Đông này chú trọng đến tập thể hơn là cá nhân và dường như điều này bảo vệ họ khỏi bị suy nhược sức khỏe tinh thần. Tờ Telegraph cho biết “xã hội ích kỷ... khiến chúng ta mắc chứng trầm cảm”.
Hôn nhân đồng giới trong giáo hội Thụy Điển
Vào tháng 10-2009, giáo hội Luther ở Thụy Điển đã cho phép những người đồng tính làm lễ cưới trong nhà thờ. Điều này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi quốc hội Thụy Điển thông qua luật hôn nhân bất kể giới tính. Tờ báo Dagens Nyheter nói: “Điều ấy có nghĩa giáo hội Thụy Điển là một trong những giáo hội lớn đầu tiên trên thế giới bác bỏ quan điểm truyền thống, theo đó hôn nhân là một sự kết hợp giữa người nam và người nữ”.
Ngôn ngữ của tiếng khóc em bé
Theo các nhà nghiên cứu từ đại học Würzburg, Đức, ngay ngày thứ hai trong cuộc đời, em bé khóc theo âm điệu của tiếng mẹ đẻ. Họ đã thu âm tiếng khóc của 30 trẻ sơ sinh người Pháp và 30 trẻ người Đức, rồi phân tích tần số, giai điệu và cao độ. Tiếng khóc của em bé Pháp thường bắt đầu ở độ trầm rồi dần cao lên, còn em bé Đức thì ngược lại. Trong cả hai trường hợp, các bé đều bắt chước giai điệu đặc thù trong ngôn ngữ của cha mẹ. Thế nên, người ta tin rằng ngôn ngữ phát triển từ lúc em bé còn ở trong bụng mẹ và em bé bắt đầu “nói” khi cất tiếng khóc đầu đời.
Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư đã xét lại nguy cơ gây ung thư của các thiết bị tắm nâu bằng tia tử ngoại. Trước kia các thiết bị này được xem là “có thể gây ung thư cho con người”, nay bị xếp vào loại “gây ung thư cho con người”.—THE LANCET ONCOLOGY, ANH.
Tại Argentina, cứ 10 phụ nữ thì có 9 người mang thai ngoài ý muốn.—CLARÍN, ARGENTINA.
“Việc các nhà sinh vật học khám phá ra những loài mới là chuyện khá thường xuyên. Mỗi ngày, họ nhận dạng khoảng 50 loài. Chỉ riêng năm 2006, gần 17.000 loài động thực vật mới được xác định, chiếm khoảng 1% trong số 1,8 triệu loài đã được đặt tên”.—TIME, HOA KỲ.
Súng có bảo vệ chúng ta?
Súng có bảo vệ người sở hữu nó khi người đó bị tấn công không? Một cuộc nghiên cứu của trường Đại học Y khoa Pennsylvania, Hoa Kỳ, kết luận rằng nhìn chung thì súng không bảo vệ được. Sau khi loại ra các tình huống liên quan đến cảnh sát, tự bắn chính mình và vô ý bóp cò, các nhà nghiên cứu thấy rằng người mang súng “có nguy cơ bị bắn cao gấp 4,5 lần so với người không mang súng”. Cuộc nghiên cứu công nhận rằng một số người có súng đã tự bảo vệ được mình, nhưng tỉ lệ đó rất thấp. Báo cáo trên cho biết quan niệm sở hữu súng là “sự bảo vệ khi sống trong môi trường nguy hiểm nên được thảo luận và xét kỹ lại”.
Thầy tu thoa son
Một bản tin từ Bangkok cho biết ở Thái Lan những chú tiểu đã “gây tai tiếng cho đạo Phật” qua việc thoa son, mặc áo thầy tu bó sát người, “dáng đi ẻo lả và đeo túi xách nữ”. Vì lo trước hành vi ái nam ái nữ của những chú tiểu này, nên các nhà lãnh đạo Phật giáo đã đề nghị mở khóa dạy các phép tắc về cách cư xử và phục sức. Một nhà sư thuyết pháp giải thích là các thầy tu không bị cấm quan hệ đồng tính, “nếu cấm, thì hơn phân nửa sẽ buộc phải bỏ con đường tu hành”.
Xe lửa dành cho phái đẹp
Trong nhiều năm, các phụ nữ Ấn Độ đi những chuyến xe lửa đông đúc thường phải đối phó với việc bị trêu ghẹo, sờ mó, nhéo, nhìn chằm chằm, nói chung là bị các nam hành khách sách nhiễu. Theo tờ báo The Telegraph ở thành phố Calcutta, vì ngày càng có nhiều lời phàn nàn, nên chính phủ quy định một số trường hợp đàn ông không được lên xe lửa. Kết quả là trong bốn thành phố lớn nhất của Ấn Độ—New Delhi, Mumbai, Chennai và Calcutta—có một số đoàn xe lửa “Cho phái đẹp” chỉ chuyên đưa đón phụ nữ. Các hành khách này nói rằng họ rất hài lòng.