Chương 8
“Chống lại các thần dữ”
1. Tại sao chúng ta đặc biệt chú ý đến hoạt động của các thần dữ?
NHỮNG KẺ có đầu óc duy vật có lẽ cười chê trước ý tưởng về các thần dữ. Nhưng đây không phải là một điều để cười cợt. Dù họ có tin hay không, ma quỉ cũng hoạt động để gây áp lực trên mỗi người, ngay cả những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Thật thế, họ là mục tiêu đầu tiên của ma quỉ. Sứ đồ Phao-lô cảnh giác chúng ta về cuộc xung đột này, ông nói: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền [không thuộc về lãnh vực thịt và máu], cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12). Vào thời chúng ta áp lực này đã đạt đến độ cao nhất chưa từng thấy vì Sa-tan đã bị đuổi khỏi các từng trời và giận dữ, biết rằng thì giờ của hắn ngắn ngủi (Khải-huyền 12:12).
2. Làm thế nào chúng ta có thể đánh thắng được những thần linh siêu phàm?
2 Làm sao chúng ta có thể thắng được khi chiến đấu cùng các quyền lực thần linh siêu phàm? Chỉ nhờ có sự nương cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải nghe lời Ngài và vâng theo Kinh-thánh. Nhờ làm thế chúng ta có thể tránh được những thiệt hại về thể chất, đạo đức, tình cảm và tinh thần mà những kẻ ở dưới quyền kiểm soát của Sa-tan gặp phải (Ê-phê-sô 6:11; Gia-cơ 4:7).
NHỮNG KẺ CAI TRỊ THẾ GIỚI TỪ TRÊN TRỜI
3. Sa-tan hùng hổ chống cái gì và chống những ai?
3 Đức Giê-hô-va miêu tả một cách sống động cho chúng ta biết tình hình thế giới từ vị thế có ưu điểm của Ngài ở trên trời. Ngài ban cho sứ đồ Giăng một sự hiện thấy trong đó Sa-tan được tả như “một con rồng lớn sắc đỏ” sẵn sàng nuốt trửng, nếu có thể được, Nước Đức Chúa Trời do đấng Mê-si ngay từ khi Nước ấy được thành lập trên trời năm 1914 tây lịch. Việc không thành, Sa-tan hùng hổ nhào tới tấn công những đại biểu hữu hình của Nước Trời, phần phụ của dòng dõi “người nữ” của Đức Chúa Trời, như một dòng nước cuồn cuộn thâm độc (Khải-huyền 12:3, 4, 13, 17).
4. a) Kinh-thánh cảnh giác chúng ta về sự kiện nào liên quan đến nguồn gốc của quyền lực thuộc về các chính phủ loài người? b) Giờ đây tất cả mọi lãnh tụ chính trị đang được nhóm lại để làm gì, và bởi ai?
4 Nguồn gốc quyền năng và quyền thế của các chính phủ loài người cũng đã được tiết lộ rõ qua sự khải thị ấy cho Giăng. Ông được chỉ cho thấy một con thú dữ tổng hợp, có 7 đầu và 10 sừng, một con thú có quyền “trị mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng và mọi nước”. Điều này tượng trưng cho toàn bộ hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ một chính phủ đơn độc mà thôi. Giăng được cho biết là “con rồng [Sa-tan Ma-quỉ] đã lấy sức mạnh, ngôi, và quyền-phép lớn mà cho [con thú]” (Khải-huyền 13:1, 2, 7; so sánh Lu-ca 4:5, 6). Mặc dù các lãnh tụ chính trị có nói theo tôn giáo nào đi chăng nữa, không có một nước hội viên nào của “con thú” chịu khuất phục trước quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và phục tùng Vua Giê-su Christ do Ngài bổ nhiệm. Hết thảy chúng đều tranh đấu để giữ chặt chủ quyền riêng của chúng. Như Khải-huyền cho thấy, ngày nay các “thần của ma-quỉ” đang thâu nhóm hết thảy chúng lại để dàn trận cho “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” tại Ha-ma-ghê-đôn (Khải-huyền 16:13, 14, 16). Thật thế, như sứ đồ Phao-lô viết, “vua-chúa của thế-gian” không phải là loài người nhưng là “các thần dữ ở các miền trên trời” (Ê-phê-sô 6:12). Tất cả những ai tỏ ra là những người thật sự thờ phượng Đức Giê-hô-va cần phải hoàn toàn hiểu rõ điều này.
5. Tại sao cần phải cẩn thận hầu tránh bị hệ thống của Sa-tan vận dụng để ủng hộ nó?
5 Đời sống hàng ngày của chúng ta chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp gây chia rẽ giữa gia đình nhân loại. Người ta thường thấy thiên hạ chọn đứng về phe của quốc gia, bộ lạc, nhóm ngôn ngữ hay giai cấp xã hội của họ, bằng lời nói hay bằng cách khác. Ngay dù tầng lớp xã hội đặc biệt của họ không trực tiếp dính dấp đến một cuộc tranh chấp nào hiện hành, có lẽ chính họ cũng tán dương bên này và chỉ trích bên kia. Nhưng bất luận mối bất bình là gì, bất chấp con người hay việc tranh tụng mà họ thừa nhận là thế nào, thật ra thì họ ủng hộ điều gì? Kinh-thánh nói rõ ràng là “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Vậy thì làm thế nào một người có thể tránh bị lừa dối như những người khác? Chỉ bằng cách ủng hộ hết mình Nước Đức Chúa Trời và giữ vị thế tuyệt đối trung lập đối với những cuộc tranh chấp giữa những phe phái trên thế giới (Giăng 17:15, 16).
MƯU KẾ XẢO QUYỆT CỦA MA QUỈ
6. Trong những phương tiện mà Sa-tan đã dùng để khiến thiên hạ xây bỏ sự thờ phượng thật, gồm có cả điều gì?
6 Trong mọi thời đại của lịch sử Sa-tan đã dùng sự bắt bớ bằng lời nói và về thể xác để khiến những cá nhân xây bỏ sự thờ phượng thật. Nhưng hắn cũng dùng đến những phương kế xảo quyệt hơn—những hành động dối trá và mưu kế xảo quyệt.
7. Sự khéo léo của Sa-tan thể hiện thế nào qua cách hắn dùng tôn giáo giả?
7 Hắn đã khéo léo kềm giữ phần lớn nhân loại trong sự u mê qua trung gian tôn giáo giả, khiến họ nghĩ họ đang phụng sự Đức Chúa Trời, nếu họ muốn vậy. Vì không có chân thành yêu mến lẽ thật, có lẽ họ bị quyến rũ bởi những buổi lễ tôn giáo huyền bí và cảm động hay họ được cảm kích trước những công việc có quyền phép (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9, 10). Nhưng chúng ta được cảnh cáo rằng, ngay cả giữa những người đã theo sự thờ phượng thật cũng có “mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ” (I Ti-mô-thê 4:1). Làm sao điều đó có thể xảy ra?
8. Làm sao Sa-tan đã lôi cuốn một số người trước đây thờ phượng Đức Giê-hô-va để họ đi theo tôn giáo giả?
8 Ma-quỉ xảo quyệt đánh vào điểm yếu của một người. Người đó có vẫn còn sợ sệt người khác chăng? Nếu có, Ma-quỉ sẽ khiến cho bà con hoặc những người láng giềng làm áp lực để xui giục y thực hành những điều bắt nguồn từ tôn giáo giả. Người đó có tánh tự kiêu ư? Thế thì người đó có thể cảm thấy chạm tự ái khi được lời khuyên bảo hoặc thấy người khác không chấp nhận những ý kiến mà y bênh vực (Châm-ngôn 29:25; 15:10; I Ti-mô-thê 6:3, 4). Nói gì nếu người đó tham gia vào công việc rao giảng nhưng không phải do sự yêu thương thúc đẩy? Thay vì sửa chữa quan điểm của mình phù hợp với gương mẫu của đấng Christ, người đó có thể có xu hướng “nghe những lời êm tai” của những kẻ cho rằng chỉ cần đọc Kinh-thánh và “ăn hiền ở lành” là đủ rồi (II Ti-mô-thê 4:3). Sa-tan không cần biết người đó có thật sự gia nhập một đạo nào khác hay không, hoặc chỉ việc giữ đạo riêng của mình, miễn là người đó đừng có thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách mà Đức Chúa Trời chỉ dẫn qua trung gian Kinh-thánh và tổ chức của Ngài.
9. Sa-tan dùng tình dục cách quỷ quyệt thế nào để đạt đến mục tiêu của hắn?
9 Sa-tan cũng dùng mưu mẹo để cám dỗ thiên hạ để họ thỏa mãn những ước vọng bình thường bằng những cách sai quấy. Hắn đã thực hiện điều này đối với sự ham muốn tình dục. Nhiều người trong thế gian chối bỏ nền đạo đức của Kinh-thánh, coi việc giao hợp giữa những người độc thân như một lạc thú chính đáng hoặc một cách để chứng tỏ họ là những người trưởng thành. Và nói gì về những người đã có gia đình? Không lạ gì khi thấy những người thế gian, khi gặp những vấn đề trong hôn nhân thì họ ly dị và tái hôn hoặc chỉ ly thân thôi và sống chung với một người khác. Khi chúng ta quan sát lối sống này, chúng ta có cảm thấy mình thiếu thốn điều gì không? Chúng ta có cảm thấy nếp sống theo đạo đấng Christ quá khắt khe không? Phương kế xảo quyệt của Sa-tan là khiến cho người ta nghĩ rằng Đức Giê-hô-va giữ lại một cái gì tốt mà không muốn cho ta hưởng. Hắn xui giục chúng ta nghĩ đến những thú vui mà chúng ta có thể có được ngay bây giờ—không màng đến hiệu quả lâu dài trên chúng ta và những người khác, và chắc chắn cũng không nghĩ đến mối liên lạc của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và Con Ngài (Ga-la-ti 6:7, 8; I Cô-rinh-tô 6:9, 10).
10. Sa-tan dùng những phương tiện nào để tìm cách làm lệch lạc thái độ của chúng ta về sự bạo động?
10 Một ham muốn tự nhiên khác nữa là về sự giải trí. Việc giải trí lành mạnh có thể bổ ích cho thể xác, tâm trí và tình cảm. Nhưng chúng ta có phản ứng gì khi Sa-tan khéo léo dùng những dịp giải trí để tìm cách khiến cho tư tưởng của chúng ta xa cách Đức Chúa Trời? Chẳng hạn, chúng ta biết Đức Giê-hô-va ghét những ai yêu chuộng việc bạo động (Thi-thiên 11:5). Nhưng khi các phim ảnh trên máy truyền hình hoặc ở rạp chiếu bóng trưng bày những màn bạo động, chúng ta có thụ động ngồi ỳ tại chỗ và xem trọn câu chuyện không? Hoặc khi cảnh bạo động diễn ra nhân danh thể thao, chúng ta có chấp nhận, và có lẽ ngay cả gào thét lớn tiếng nhằm cổ võ những nhân vật gây bạo động không? (So sánh Sáng-thế Ký 6:13).
11. Nếu không cảnh giác đề phòng, ngay cả một người biết lẽ thật cũng có thể rơi vào cạm bẫy của thuật đồng bóng bằng những cách nào?
11 Chúng ta cũng ý thức là Đức Giê-hô-va “lấy làm gớm-ghiếc” những ai thực hành bất cứ hình thức nào của thuật đồng bóng—như bói toán, ma thuật hoặc việc tìm cách liên lạc với người chết. Hẳn chúng ta không nghĩ đến việc cầu hỏi đồng bóng và chắc chắn không đón rước những kẻ đó vào nhà chúng ta để họ thực hành các loại ma thuật của họ. Nhưng chúng ta có lắng tai nghe họ nói và say mê nhìn xem nếu họ hiện ra trên màn ảnh truyền hình không? Mặc dù chúng ta không bao giờ chấp nhận để cho một thầy phù thủy chữa bệnh, chúng ta có cột vào cườm tay của đứa bé sơ sinh một sợi dây nhợ nghĩ rằng đó là bùa hộ mạng có thể che chở nó khỏi điều dữ không? Hoặc là, dù biết rằng Kinh-thánh lên án việc “dùng ếm-chú”, chúng ta có cho phép một người biết thôi miên kiểm soát tâm trí chúng ta, dù chỉ là tạm thời không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; Ga-la-ti 5:19-21).
12. a) Âm nhạc có thể được dùng thế nào để khiến chúng ta ôm ấp những ý tưởng mà chúng ta biết là sai lầm? b) Làm thế nào cách ăn mặc, chải chuốt hoặc cách nói năng của một người cho thấy người đó thán phục những kẻ có lối sống không được Đức Giê-hô-va chấp nhận? c) Chúng ta cần phải làm gì để tránh mắc phải mưu kế xảo quyệt của Sa-tan?
12 Chúng ta đọc Kinh-thánh thấy nói là «những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, cũng chớ nên nói đến giữa chúng ta», với động lực không tốt (Ê-phê-sô 5:3-5). Nhưng nói gì nếu những đề tài ấy được khéo léo gói ghém trong loại nhạc êm dịu thích thú, với âm điệu quyến rũ hoặc khích động? Biết đâu chừng chúng ta có thể bắt đầu vô tình lặp lại những lời nhạc ca tụng việc gian dâm, việc dùng ma túy để tạo hứng thú và tệ hơn thế nữa, mà không hay chăng? Hoặc, dù biết chúng ta không nên bắt chước nếp sống của những kẻ đắm mình trong những việc thể ấy, chúng ta lại có khuynh hướng muốn làm giống họ bằng cách bắt chước họ trong lối ăn mặc, chải chuốt hoặc nói năng không? Thật Sa-tan quỷ quyệt làm sao! Những phương cách hắn dùng để quyến rũ loài người rập theo đầu óc bại hoại của hắn thật thâm độc làm sao! (II Cô-rinh-tô 4:3, 4). Để giữ mình khỏi mắc phải mưu kế xảo quyệt của hắn, chúng ta phải tránh trôi giạt cùng với thế gian này. Chúng ta cần phải nhớ kỹ trong tâm trí ai là các “vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy” và hết sức chống lại ảnh hưởng của chúng (Ê-phê-sô 6:12; I Phi-e-rơ 5:8).
ĐƯỢC TRANG BỊ ĐỂ CHIẾN THẮNG
13. Làm sao mỗi người chúng ta, dù bất toàn, lại có thể chiến thắng thế gian do Sa-tan cai trị?
13 Trước khi chết Giê-su nói với các sứ đồ: “Hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế-gian rồi!” Cũng thế, họ có thể chiến thắng; và hơn 60 năm sau đó sứ đồ Giăng viết: “Ai là người thắng hơn thế-gian, há chẳng phải kẻ tin Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời hay sao?” (Giăng 16:33; I Giăng 5:5). Chúng ta bày tỏ đức tin như thế bằng cách vâng theo những điều răn của Giê-su và tin cậy nơi Kinh-thánh, đúng như ngài đã làm. Chúng ta có cần làm gì khác chăng? Chúng ta cũng phải kết hợp chặt chẽ với hội-thánh do ngài lãnh đạo. Khi chúng ta phạm lỗi, chúng ta phải hết lòng ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời dựa trên căn bản là sự hy sinh của Giê-su. Bằng cách này, dù bất toàn, chúng ta cũng có thể chiến thắng.
14. a) Hãy đọc Ê-phê-sô 6:13-18. b) Hãy dùng các câu hỏi và câu Kinh-thánh được cung cấp làm căn bản để thảo luận về lợi ích của mỗi bộ phận trong bộ khí giới thiêng liêng.
14 Muốn thành công, chúng ta cần phải mặc lấy “mọi [toàn bộ] khí-giới của Đức Chúa Trời”, không bỏ sót một bộ phận nào. Hãy mở Kinh-thánh nơi Ê-phê-sô 6:13-18 và đọc lời miêu tả của bộ khí giới ấy. Rồi, bằng cách trả lời những câu hỏi ghi dưới đây, hãy xem xét làm thế nào bạn có thể nhận được lợi ích nhờ sự che chở của mỗi mảnh khí giới này.
“Lấy lẽ thật làm dây nịt lưng”
Ngay dù chúng ta có lẽ biết lẽ thật rồi, làm thế nào sự học hỏi, nghiền ngẫm về Kinh-thánh và việc tham dự nhóm họp đều đều có thể che chở chúng ta? (Phi-líp 3:1; 4:8, 9; I Cô-rinh-tô 10:12, 13; II Cô-rinh-tô 13:5; I Phi-e-rơ 1:13).
“Mặc lấy giáp bằng sự công-bình”
Chúng ta đang nói về tiêu chuẩn công bình của ai? (Khải-huyền 15:3)
Hãy dẫn chứng cho thấy làm thế nào việc bất tuân những điều răn của Đức Giê-hô-va, vì không vun trồng sự yêu thương đối với những đường lối của Ngài, có thể khiến một người gánh chịu những hậu quả tai hại lớn về thiêng liêng. (Xem I Sa-mu-ên 15:22, 23; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4).
“Dùng sự sẵn-sàng của [tin mừng] bình-an mà làm giày-dép”
Giữ cho chân chúng ta bận rộn đi nói cho người khác biết về những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để mang lại hòa bình, điều đó che chở chúng ta thế nào? (Rô-ma 10:15; Thi-thiên 73:2, 3; I Ti-mô-thê 5:13).
“Lấy đức-tin làm thuẫn”
Nếu có đức tin với căn bản vững chắc, chúng ta sẽ phản ứng thế nào trước những cố gắng của người khác nhằm khiến chúng ta nghi ngờ hay sợ hãi? (So sánh II Ti-mô-thê 1:12; II Các Vua 6:15-17).
“Lấy sự cứu-chuộc làm mão trụ”
Hy vọng được cứu chuộc giúp cho ta tránh bị cám dỗ bởi sự lo lắng quá độ về của cải vật chất như thế nào? (I Ti-mô-thê 6:7-10, 19).
“Cầm gươm của thánh-linh”
Chúng ta nên luôn luôn nương cậy vào điều gì khi chiến đấu để đẩy lui những cuộc công kích nhằm chống lại tình trạng thiêng liêng của chúng ta hay của người khác? (Thi-thiên 119:98; Châm-ngôn 3:5, 6; so sánh Ma-thi-ơ 4:3, 4).
Phù hợp với điều này, Ê-phê-sô 6:18, 19 cũng cho thấy điều gì rất quan trọng để được thắng lợi trong trận chiến thiêng liêng? Cần phải dùng điều này thường xuyên như thế nào? Vì lợi ích của ai?
15. a) Có phải hết thảy chúng ta đều đánh trận thiêng liêng chỉ với tính cách cá nhân không? b) Chúng ta có thể mở thế tấn công thế nào trong trận chiến này?
15 Với tư cách là người lính của đấng Christ, chúng ta là thành viên của một quân đội to tát đang tham gia vào trận chiến thiêng liêng. Nếu đề cao cảnh giác và khéo léo vận dụng toàn bộ khí giới của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không tử trận hay làm thương phế binh trong cuộc chiến tranh này. Thay vì thế, chúng ta sẽ là sự giúp đỡ tăng thêm sức cho các anh em cùng hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ sẵn sàng và sốt sắng mở thế tấn công bằng cách rao truyền tin mừng về Nước Trời do đấng Mê-si, chính phủ bị Sa-tan chống đối kịch liệt.
Thảo Luận Để Ôn Lại
● Tại sao những người thờ phượng Đức Giê-hô-va cố gắng giữ thế trung lập hoàn toàn trong các cuộc tranh chấp giữa các nước trên thế giới?
● Một số mưu kế xảo quyệt của Sa-tan nhằm đem lại sự bại hoại thiêng liêng cho tín đồ đấng Christ là gì?
● Bộ khí giới do Đức Chúa Trời cung cấp che chở chúng ta thế nào qua những cách thức trọng yếu để đánh trận chiến thiêng liêng này?