Chương 19
Ý nghĩa của Luật pháp Môi-se đối với bạn
1. a) Điều gì cho thấy kể từ năm 36 tây lịch những người dân ngoại không chịu phép cắt bì được Đức Giê-hô-va chấp nhận cho làm tín đồ đấng Christ? b) Nhưng một số tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất có cảm nghĩ quyết liệt về vấn đề gì?
MỘT ĐỀ TÀI tranh luận sôi nổi vào thời sứ đồ Phao-lô là: các tín đồ đấng Christ thuộc dân ngoại có bị bắt buộc phải vâng giữ các điều lệ của luật pháp Môi-se không? Năm 36 tây lịch, quả thật là thánh linh cũng được giáng xuống cho những người dân ngoại không chịu phép cắt bì. Nhưng một số tín đồ gốc Do-thái một mực nghĩ rằng các môn đồ gốc dân ngoại nên chịu phép cắt bì và học giữ luật pháp Môi-se. Thật ra, họ có cần phải giữ Luật pháp đó, hoặc có lẽ một phần của Luật pháp không? Khoảng năm 49 tây lịch, cuộc tranh chấp được đưa ra trước hội đồng lãnh đạo trung ương tại Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ 10:44-48; 15:1, 2, 5).
2. Tại sao chúng ta chú ý đến vấn đề tranh chấp này?
2 Chúng ta rất muốn biết kết cuộc ra thế nào. Tại sao? Không những bởi vì đôi khi chúng ta gặp một số người lập luận rằng các tín đồ đấng Christ phải làm theo một số đòi hỏi của Luật pháp, chẳng hạn như việc giữ ngày Sa-bát, nhưng cũng bởi vì chính Kinh-thánh nói “luật-pháp là thánh, điều-răn cũng là thánh, công-bình và tốt-lành” (Rô-ma 7:12). Dù người ta nói đến luật này như luật pháp Môi-se bởi vì Môi-se là người trung bảo cho giao ước Luật pháp, bộ Luật đó thật ra đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3, 8).
TẠI SAO CÓ LUẬT PHÁP?
3. Tại sao Luật pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên?
3 Quan điểm của chúng ta ngày nay về Luật pháp tùy thuộc vào sự kiện chúng ta có hiểu tại sao Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên một bộ Luật hay không. Kinh-thánh giải thích: “Luật-pháp đã đặt thêm [vào giao ước Áp-ra-ham], [để làm thể hiện rõ] những sự phạm-phép, cho tới chừng nào người dòng-dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho...Ấy vậy, luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức-tin mà được xưng công-bình” (Ga-la-ti 3:19, 24). Luật pháp đã làm điều này thế nào?
4. a) Luật pháp “thể hiện rõ những sự phạm-phép” thế nào? b) Luật pháp cũng dẫn những người trung thành đến đấng Christ ra sao?
4 Nhờ nêu ra một gương mẫu hoàn toàn bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống, Luật pháp đã cho người Do-thái thấy họ là những người có tội. Rõ ràng là bất chấp lòng thiện chí và các cố gắng siêng năng, họ đã không thỏa mãn nổi những đòi hỏi của Luật pháp. Dùng người Do-thái làm kiểu mẫu cho toàn thể nhân loại bất toàn, Luật pháp phơi bày cho thấy cả nhân loại, gồm có mỗi người trong chúng ta, là người tội lỗi, đáng bị Đức Chúa Trời trừng phạt (Rô-ma 3:19, 20). Vậy Luật pháp nhấn mạnh việc cần phải có một đấng cứu chuộc nhân loại, và dẫn những người trung thành tới đấng Cứu thế đó là Giê-su Christ. Bằng cách nào? Luật pháp nhận diện ngài như là đấng duy nhất giữ Luật pháp cách trọn vẹn, vậy thì ngài là con người duy nhất không có tội. Các của-lễ bằng thú vật dưới Luật pháp chỉ có giá trị giới hạn, nhưng với tư cách là người hoàn toàn, Giê-su có thể hiến dâng sự sống ngài như là của-lễ sẽ thật sự cất đi tội lỗi và mở đường cho những ai thực hành đức tin nhận được sự sống đời đời (Giăng 1:29; 3:16; I Phi-e-rơ 1:18, 19).
5. Bằng cách dùng các câu Kinh-thánh được cung cấp, hãy trả lời các câu hỏi nằm trong đoạn này.
5 Ghi nhớ rõ trong tâm trí sự kiện lịch sử này, bạn sẽ trả lời thế nào cho các câu hỏi sau đây?
Luật pháp Môi-se có bao giờ được ấn định là sẽ ràng buộc toàn thể nhân loại không? (Thi-thiên 147:19, 20; Xuất Ê-díp-tô Ký 31:12, 13).
Đức Giê-hô-va có cho dân Y-sơ-ra-ên thấy là một ngày nào đó giao ước Luật pháp sẽ chấm dứt không? (Giê-rê-mi 31:31-33; Hê-bơ-rơ 8:13).
Phải chăng Mười Điều Răn, kể cả điều lệ đòi hỏi giữ ngày Sa-bát mỗi tuần, vẫn tiếp tục có hiệu lực sau khi phần còn lại của Luật pháp bị xóa bỏ? (Cô-lô-se 2:13, 14, 16; II Cô-rinh-tô 3:7-11 [như Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28-30 làm sáng tỏ]; Rô-ma 7:6, 7).
Đức Giê-hô-va đã chấm dứt giao ước Luật pháp bằng cách nào? (Cô-lô-se 2:13-17; Ma-thi-ơ 5:17, 18; Rô-ma 10:4).
6. Lập luận cho rằng luật pháp Môi-se vẫn còn có hiệu lực ám chỉ điều gì?
6 Dựa vào điều này, lập luận cho rằng luật pháp Môi-se vẫn còn có hiệu lực ám chỉ điều gì? Sự thật là điều này rõ ràng bác bỏ đức tin nơi Giê-su Christ. Tại sao vậy? Bởi vì quan điểm đó chối bỏ sự kiện Giê-su đã làm cho trọn Luật pháp, vậy ngài dọn đường để cho Đức Chúa Trời chấm dứt Luật pháp đó. Sứ đồ Phao-lô viết một cách hùng hồn cho những người tự xưng là tín đồ đấng Christ nhưng cứ chịu ảnh hưởng của các lập luận nhằm bênh vực việc vâng giữ toàn bộ hoặc một phần của Luật pháp: “Anh em thảy đều muốn cậy luật-pháp cho được xưng công-bình, thì đã lìa khỏi đấng Christ, mất ân-điển rồi”. (Ga-la-ti 5:4; cũng xem Rô-ma 10:2-4).
7. a) Những ai lập luận phải tiếp tục vâng giữ một số điều lệ của Luật pháp không hoàn toàn hiểu rõ điều gì? b) Các việc làm theo đấng Christ quan trọng đến mức nào, và có quan hệ gì đến việc chúng ta được ban cho sự sống đời đời?
7 Những ai lập luận rằng phải tiếp tục giữ một số điều lệ của Luật pháp Môi-se không hoàn toàn hiểu rõ rằng một địa vị công bình trước mặt Đức Chúa Trời tùy thuộc, không phải vào việc làm theo Luật pháp, nhưng vào đức tin nơi giá trị của-lễ hy sinh của Giê-su (Ga-la-ti 3:11, 12). Họ nghĩ một người phải tự tỏ ra công bình nhờ các việc ấy—điều này không thể được đối với con người tội lỗi. Quả thật, điều quan trọng là làm các công việc để vâng theo lời răn của Đức Chúa Trời và Giê-su áp dụng cho tín đồ đấng Christ (Gia-cơ 2:15-17; Ma-thi-ơ 28:19, 20). Các công việc này là một cách để chứng tỏ sự yêu thương và đức tin của chúng ta, và không làm như thế sẽ cho thấy đức tin của chúng ta là đức tin chết. Nhưng chúng ta không thể tự mình đạt sự cứu rỗi, dù cho chúng ta có cố gắng đến đâu đi nữa. Nếu không nhờ có của-lễ hy sinh của Giê-su Christ thì không thể có sự cứu chuộc khỏi tội lỗi và sự chết. Vậy sự sống đời đời là một sự ban cho từ Đức Chúa Trời qua trung gian Giê-su Christ, một sự biểu lộ về sự nhân từ phi thường của Đức Chúa Trời dù chúng ta không xứng đáng, chứ không phải để tưởng thưởng các việc làm của chúng ta (Ê-phê-sô 2:8, 9; Rô-ma 3:23, 24; 6:23).
8. Hội đồng lãnh đạo trung ương vào thế kỷ thứ nhất quyết định gì về vấn đề tranh chấp liên quan tới việc áp dụng Luật pháp Môi-se cho tín đồ đấng Christ gốc dân ngoại?
8 Khi hội đồng lãnh đạo trung ương tại Giê-ru-sa-lem trong thế kỷ thứ nhất nghe trình bày vấn đề tranh chấp liên quan tới việc áp dụng Luật pháp Môi-se cho các tín đồ gốc người ngoại, họ quyết định phù hợp với các sự kiện này. Họ nhìn nhận rằng Đức Giê-hô-va không đòi hỏi các tín đồ gốc người ngoại phải thực hiện những việc nhằm vâng giữ Luật pháp Môi-se trước khi thánh linh giáng trên họ. Quyết định của hội đồng lãnh đạo trung ương đó có liệt kê một số điều răn cấm trùng hợp với Luật pháp và nói đó là “những sự cần thiết”, nhưng các điều này dựa vào lời tường thuật của Kinh-thánh liên quan đến các biến cố xảy ra trước khi có Luật pháp. Như vậy các tín đồ gốc người ngoại không bị bắt buộc phải vâng giữ toàn bộ hay một phần Luật pháp Môi-se, nhưng, nói đúng hơn, những tiêu chuẩn được nhìn nhận trước thời Môi-se đã được khẳng định lại. (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29; so sánh Sáng-thế Ký 9:3, 4; 34:2-7; 35:2-5).
9. a) Đức Chúa Trời có vẫn còn đòi hỏi người Do-thái phải vâng giữ Luật pháp Môi-se nữa không? b) Cách đấng Christ chết cung cấp cho họ điều gì đặc biệt?
9 Sau ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch, Đức Chúa Trời không còn bắt buộc người Do-thái phải vâng theo bộ Luật Môi-se nữa. Và những người Do-thái thực hành đức tin thấy có lý do đặc biệt để vui mừng về điều này. Tại sao? Mặc dù dân ngoại cũng là người tội lỗi và do đó phải chết, chỉ có người Do-thái mới bị Đức Chúa Trời rủa sả vì cớ họ vi phạm giao ước Luật pháp. Nhưng nhờ cách mà đấng Christ chết—bị đóng đinh trên một cây khổ hình làm như ngài là một tội nhân bị rủa sả—ngài thế chỗ cho những người Do-thái nào đặt đức tin nơi ngài và ngài giải cứu họ khỏi hình phạt do việc họ không vâng lời Luật pháp (Ga-la-ti 3:10-13). Như vậy, ngài cung cấp cho họ sự tha thứ mà họ không bao giờ có thể nhận được dưới Luật pháp Môi-se (Công-vụ các Sứ-đồ 13:38, 39).
10. Bằng cách nào việc loại bỏ Luật pháp đã tỏ ra là một yếu tố cho sự thờ phượng hợp nhất?
10 Quả thật, Luật pháp đã là một hàng rào ngăn cách người Do-thái với dân ngoại. Người Do-thái đã phải vâng theo những điều đòi hỏi không được áp dụng cho dân ngoại, và dân ngoại không chịu phép cắt bì không được phép tham dự cách trọn vẹn vào sự thờ phượng của người Do-thái. (So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48; Công-vụ các Sứ-đồ 10:28). Nhưng một khi Luật pháp đã hoàn thành mục tiêu và bị loại bỏ, người Do-thái và dân ngoại có thể nhờ đấng Christ mà hợp nhất lại trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật (Ê-phê-sô 2:11-18).
HIỂU BIẾT VỀ LUẬT PHÁP GIÚP ÍCH CHÚNG TA
11. Làm thế nào sự hiểu biết Luật pháp giúp chúng ta hiểu những lời dạy dỗ của đấng Christ?
11 Mặc dù chúng ta ngày nay không ở dưới Luật pháp, hiểu biết Luật pháp giúp ích rất nhiều cho mỗi người chúng ta. Bằng cách nào? Hãy nhớ rằng Giê-su sanh ra từ một người mẹ Do-thái và sống dưới Luật pháp Môi-se. Chỉ dựa vào sự hiểu biết các đòi hỏi của Luật pháp đó mới có thể hoàn toàn hiểu được một số việc ngài đã làm. (Ga-la-ti 4:4; xem Lu-ca 22:7, 8). Ngài cũng đã thi hành thánh chức của ngài giữa những người sống dưới Luật pháp đó. Như thế ngài thường ban cho những lời dạy dỗ dựa trên hoàn cảnh liên quan tới Luật pháp. (So sánh Ma-thi-ơ 5:23, 24).
12. a) Giê-su cho thấy giữa sự sống của ngài và Luật pháp Môi-se có liên hệ gì? b) Làm thế nào sứ đồ Phao-lô cho thấy giá trị của sự hiểu biết Luật pháp? c) Hiểu biết rõ ý nghĩa thiêng liêng của các đòi hỏi của Luật pháp có thể đem lại kết quả gì cho chúng ta?
12 Sau khi được sống lại, Giê-su nhắc các môn đồ nhớ rằng sự sống làm người của ngài đã ứng nghiệm những điều viết về ngài trong Luật pháp, các sách tiên tri và Thi-thiên (Lu-ca 24:44). Ngoài ra, sứ đồ Phao-lô có nói đến những điểm đặc biệt liên quan tới giao ước Luật pháp như là “hình và bóng của những sự trên trời” và ông nói rằng “luật-pháp chỉ là bóng của sự tốt-lành ngày sau” (Hê-bơ-rơ 8:4, 5; 10:1). Luật pháp Môi-se chứa đựng các chi tiết lạ lùng được ứng nghiệm trong chức thầy tế lễ của Giê-su Christ và việc hy sinh sự sống làm người của ngài. Hiểu biết thấu đáo những điều này có thể giúp chúng ta biết nhiều hơn về ý nghĩa của các sự cung cấp ấy. Trong số những hình bóng tiên tri có những chi tiết chỉ đến sự sắp đặt để thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay ở trong đền thờ thiêng liêng lớn lao của Ngài và được Ngài chấp nhận. Trong khi chúng ta hiểu biết nhiều hơn về những sự này, chúng ta cũng sẽ quí trọng hơn hội-thánh những người được xức dầu bằng thánh linh cùng vai trò của hội-thánh đó dưới quyền Giê-su Christ liên quan tới sự thờ phượng của chúng ta.
13. Tại sao suy gẫm về các nguyên tắc tốt lành được thể hiện trong Luật pháp là có ích?
13 Luật pháp Môi-se là một phần của Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn, và toàn bộ Kinh-thánh đều “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình” (II Ti-mô-thê 3:16). Tìm kiếm và suy gẫm về các nguyên tắc lâu bền làm nền tảng cho Luật pháp có thể giúp chúng ta vun trồng một sự ham muốn chân thành làm những điều làm Đức Chúa Trời hài lòng. Nếu chúng ta nhận thức tinh thần được Luật pháp nêu ra và thể hiện rõ tinh thần đó trong đời sống chúng ta, điều đó có thể ích lợi biết bao!
14. a) Làm thế nào Giê-su giải thích giá trị của việc hiểu rõ tinh thần được các sự đòi hỏi của Luật pháp nêu ra? b) Hãy lưu ý tới vài nguyên tắc phụ thêm được chứa đựng trong Luật pháp, như trang 152 cho thấy. c) Làm thế nào việc hiểu rõ những điều này có thể giúp chúng ta làm hài lòng Đức Chúa Trời nhiều hơn nữa?
14 Giê-su có giải thích điều này cách hữu hiệu trong Bài Giảng trên Núi của ngài. Khi nói với những người sống dưới Luật pháp, ngài cho thấy rằng, thay vì chỉ tránh giết người, họ cần phải loại bỏ tận rễ mọi khuynh hướng hờn giận dai dẳng và tránh dùng miệng lưỡi để nói lời làm hạ phẩm giá anh em của họ. Thay vì thấy hài lòng vì chưa hề phạm tội ngoại tình, họ không nên ngay cả nhìn một người đàn bà với dục tình. Như thế, cũng như họ, chúng ta nên cố gắng dùng toàn cơ thể chúng ta phù hợp với các đường lối công bình của Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 5:21, 22, 27-30; cũng xem Rô-ma 13:8-10). Nếu làm thế, chúng ta cho thấy chúng ta cũng hiểu ý nghĩa của điều răn lớn nhất trong Luật pháp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa [Đức Giê-hô-va], là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:36, 37). Chắc chắn điều này khiến chúng ta gần gũi Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn. Mặc dù chúng ta không ở dưới bộ luật Môi-se, sự hiểu biết cặn kẽ về các nguyên tắc làm nền tảng cho Luật pháp và các hình bóng tiên tri chứa đựng trong đó chắc chắn sẽ giúp ích chúng ta.
Thảo Luận Để Ôn Lại
● Tại sao những kẻ chủ trương tiếp tục vâng giữ Luật pháp Môi-se thật sự chối bỏ đấng Christ?
● Sự hiểu biết về Luật pháp giúp chúng ta hiểu vai trò của Giê-su trong ý định Đức Giê-hô-va như thế nào?
● Mặc dù chúng ta không ở dưới Luật pháp, chúng ta có thể nhận định những điều quí giá nào nhờ học hỏi Luật pháp?
[Khung nơi trang 152]
Một Số Nguyên Tắc Căn Bản Trong Luật Pháp Môi-se
Trách Nhiệm Đối Với Đức Chúa Trời
Chỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va Xuất 20:3; 22:20
Kính trọng danh Ngài Xuất 20:7; Lê-vi Ký 24:16
Sợ bất tuân Ngài, kính sợ Ngài Phục 5:29; 6:24
Đến gần Ngài chỉ theo cách Lê 1:1-5; Dân 16:1-50;
được Ngài chấp nhận Phục 12:5-14
Hiến dâng cho Ngài vật tốt nhất của bạn, vật đến từ Ngài Xuất 23:19; 34:26
Người thờ phượng phải tinh sạch về thể chất Xuất 19:10, 11;30:20
Không nên gạt qua một bên các Xuất 20:8-10; 34:21;
việc thánh để đeo đuổi các mục tiêu phàm tục trước hết Dân 15:32-36
Các Điều Bị Cấm Trong Sự Thực Hành Tôn Giáo
Thờ hình tượng Xuất 20:4-6; Phục 7:25
Hòa đồng tôn giáo Xuất 23:13; 34:12-15;
Đồng bóng, phù thủy, bói toán, Xuất 22:18; Lê 20:27;
chiêm thuật, ma thuật, ếm chú Phục 18:10-12
Hôn Nhân Và Đời Sống Gia Đình
Cấm ngoại tình Xuất 20:14; Lê 20:10
Không được kết hôn với người không phụng sự Đức Giê-hô-va Phục 7:1-4
Cấm loạn luân Lê 18:6-16; 20:11
Tránh tình dục bậy bạ Lê 18:23; 20:13
Tôn trọng sự sống của đứa con chưa sanh ra Xuất 21:22, 23
Kính trọng cha mẹ Xuất 20:12; 21:15, 17;
Dạy dỗ con cái về đường lối của Đức Giê-hô-va Phục 6:4-9; 11:18-21
Các Bổn Phận Đối Với Người Khác
Coi trọng mạng sống con người Xuất 20:13; Dân 35:9-34
Yêu thương người lân cận; tránh thù hận Lê 19:17, 18
Kính nể người lớn tuổi Lê 19:32
Tỏ ra lo lắng đầy yêu thương đến Lê 25:35-37;
những người gặp khó khăn về kinh tế, mồ côi, góa bụa Phục 15:7-11; 24:19-21
Không bạc đãi những người điếc và mù Lê 19:14; Phục 27:18
Lương thiện trong các thực hành thương mại Lê 19:35, 36; 25:14
Tôn trọng quyền sở hữu Xuất 20:15; 22:1, 6; 23:4;
Không tham lam đồ vật của người khác Xuất 20:17
Tố cáo những kẻ phạm tội nặng Lê 5:1; Phục 13:6-11
Phải chân thật; không làm chứng gian Xuất 20:16; 23:1, 2
Không thiên vị vì cớ địa vị Xuất 23:3, 6; Lê 19:15