Chương 10
Lời tiên tri trong Kinh-thánh mà bạn đã thấy ứng nghiệm
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao ngày nay lại khác rất nhiều so với một trăm năm trước không? Có một số điều tốt hơn. Tại nhiều nước, những bệnh tật từng giết hại nhiều người trong quá khứ nay được chữa lành, và một người trung bình được hưởng mức sống mà tổ tiên họ đã không hề mơ tưởng đến. Mặt khác, thế kỷ của chúng ta đã chứng kiến những cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất và những sự tàn sát ghê gớm nhất trong cả lịch sử. Nạn gia tăng dân số nhanh chóng, vấn đề ô nhiễm, và sự dự trữ số lượng lớn vũ khí hạt nhân, vũ khí giết hại bằng vi trùng và vũ khí hóa học trên thế giới đã đe dọa sự hưng thịnh của loài người và còn đe dọa đến cả sự hiện hữu của nhân loại nữa. Tại sao thế kỷ 20 này lại khác với các thế kỷ trước nhiều đến thế?
1. (Kể cả phần nhập đề). a) Thế kỷ 20 này khác với các thế kỷ trước như thế nào? b) Điều gì sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao thời kỳ này lại quá khác như vậy?
LỜI giải đáp cho câu hỏi này có liên hệ đến lời tiên tri đáng chú ý của Kinh-thánh mà bạn đã thấy ứng nghiệm. Đây là lời tiên tri Chúa Giê-su đã nói. Ngoài việc cho thấy bằng chứng về sự soi dẫn của Kinh-thánh, lời tiên tri này còn cho thấy rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ rất gần sự thay đổi lớn lao trên bình diện thế giới. Lời tiên tri này là gì? Làm thế nào chúng ta biết lời này đang ứng nghiệm?
Lời tiên tri quan trọng của Chúa Giê-su
2, 3. Các môn đồ hỏi Chúa Giê-su câu hỏi nào và chúng ta tìm được câu trả lời của ngài ở đâu?
2 Kinh-thánh cho chúng ta biết chẳng bao lâu trước khi Chúa Giê-su chết, các môn đồ ngài bàn luận về đền thờ nguy nga tại Giê-ru-sa-lem. Họ trầm trồ về kích thước và sự có vẻ vững chắc của đền này. Nhưng Chúa Giê-su nói: “Các ngươi có thấy mọi điều đó chăng? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống” (Ma-thi-ơ 24:1, 2).
3 Môn đồ của Chúa Giê-su chắc chắn đã ngạc nhiên trước những lời ngài nói và sau đó đã đến hỏi thêm: “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế” (Ma-thi-ơ 24:3). Phần còn lại của Ma-thi-ơ đoạn 24 và 25 cho biết câu trả lời của Chúa Giê-su. Lời ngài cũng được ghi lại trong Mác đoạn 13 và Lu-ca đoạn 21. Đây rõ ràng là lời tiên tri quan trọng nhất mà Chúa Giê-su đã nói khi ngài còn ở trên đất.
4. Môn đồ Chúa Giê-su hỏi những điều khác nhau nào?
4 Thật ra môn đồ của Chúa Giê-su đã muốn biết nhiều điều. Trước hết, họ hỏi: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra?” Có nghĩa là lúc nào thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ sẽ bị hủy diệt? Hơn thế nữa, họ muốn biết điềm cho thấy sự bắt đầu hiện diện của Chúa Giê-su với tư cách là Vua Nước Đức Chúa Trời và ngày tận thế gần đến.
5. a) Lời tiên tri của Chúa Giê-su có sự ứng nghiệm đầu tiên khi nào, nhưng đến lúc nào lời của ngài mới được ứng nghiệm trọn vẹn? b) Chúa Giê-su bắt đầu trả lời câu hỏi của môn đồ ngài như thế nào?
5 Chúa Giê-su đã lưu tâm đến cả hai điểm trong câu trả lời của ngài. Nhiều điều ngài nói đã thật sự ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất, trong những năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 70 CN (Ma-thi-ơ 24:4-22). Nhưng thật ra lời tiên tri của ngài còn có ý nghĩa quan trọng hơn nữa trong chính thời kỳ của chúng ta. Vậy Chúa Giê-su đã nói gì? Ngài nói những lời được ghi lại trong câu 7 và 8: “Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói-kém và động đất. Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai-hại”.
6. Lời của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 24:7, 8 nhắc chúng ta nhớ đến lời tiên tri nào cũng tương tự như vậy?
6 Vậy rõ ràng là sự hiện diện của Chúa Giê-su với tư cách là Vua trên trời được đánh dấu bằng sự rối loạn trên đất. Điều này được khẳng định qua lời tiên tri trong sách Khải-huyền nói về cùng thời kỳ này, đó là sự hiện thấy về bốn người cưỡi ngựa (Khải-huyền 6:1-8). Người cưỡi ngựa đi đầu tượng trưng cho chính Chúa Giê-su với tư cách là vị vua chiến thắng. Các người cưỡi khác và ngựa của họ tượng trưng những gì xảy ra trên đất, đánh dấu sự bắt đầu cai trị của Chúa Giê-su: chiến tranh, đói kém và chết chóc vì những nguyên do khác nhau. Chúng ta có thấy hai lời tiên tri này được ứng nghiệm ngày nay không?
Chiến tranh!
7. Người cưỡi ngựa thứ hai của sách Khải-huyền tượng trưng trước cho điều gì?
7 Chúng ta hãy xem xét những lời này kỹ hơn. Trước hết, Chúa Giê-su nói: “Dân này sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia”. Đây là lời tiên tri nói về chiến tranh. Người cưỡi ngựa thứ hai trong bốn người kỵ mã của sách Khải-huyền cũng tượng trưng cho chiến tranh. Chúng ta đọc: “Liền có con ngựa khác sắc hồng hiện ra. Kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa-bình khỏi thế-gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau; và có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn” (Khải-huyền 6:4). Loài người đã đánh nhau từ hàng ngàn năm rồi, vậy thì tại sao những lời này lại có ý nghĩa đặc biệt cho thời kỳ của chúng ta ngày nay?
8. Tại sao chúng ta nghĩ rằng chiến tranh là đặc điểm nổi bật của điềm?
8 Hãy nhớ rằng chỉ riêng chiến tranh mà thôi thì không phải là điềm hiện diện của Chúa Giê-su. Điềm này bao gồm mọi chi tiết trong lời tiên tri của Chúa Giê-su, và phải xảy ra cùng chung một thời kỳ. Nhưng chiến tranh là đặc điểm được nói đến đầu tiên nên chúng ta có thể thấy rằng đặc điểm này sẽ được ứng nghiệm một cách nổi bật và đáng chú ý. Mỗi người sẽ phải công nhận rằng lịch sử chưa từng có cuộc chiến nào giống những cuộc chiến diễn ra trong thế kỷ 20 này.
9, 10. Những lời tiên tri về chiến tranh bắt đầu được ứng nghiệm như thế nào?
9 Để thí dụ, tuy là trong lịch sử có nhiều cuộc chiến khốc liệt và tàn bạo, nhưng không có cuộc chiến nào tàn bạo bằng hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20 này. Thế chiến thứ nhất giết hại khoảng 14 triệu người, nhiều hơn dân số của nhiều quốc gia. Thật vậy, “kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa-bình khỏi thế-gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau”.
10 Theo lời tiên tri nơi sách Khải-huyền, có “một thanh gươm lớn” được trao cho người cưỡi ngựa thứ nhì như để đi tranh chiến. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là vũ khí chiến tranh càng ngày càng giết hại nhiều người hơn. Được trang bị bằng xe tăng, máy bay, hơi độc chết người, tàu ngầm và trọng pháo có tầm bắn xa nhiều dặm, loài người càng có khả năng giết người đồng loại nhiều hơn. Kể từ thế chiến thứ nhất, “thanh gươm lớn” càng trở nên tàn bạo vì những thứ như máy truyền tin, ra-đa, súng máy tối tân, các vũ khí dùng vi khuẩn và hóa chất, súng xịt lửa, bom xăng đặc, các loại bom mới chế, hỏa tiễn liên lục địa, tàu ngầm nguyên tử, máy bay tối tân và các chiến hạm to lớn đã được chế tạo và sử dụng.
“Đầu sự tai-hại”
11, 12. Thế chiến thứ nhất chỉ là “đầu sự tai-hại” như thế nào?
11 Chúa Giê-su kết luận những câu đầu trong lời tiên tri của ngài như sau: “Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai-hại”. Điều này rất đúng sau thế chiến thứ nhất. Cuộc chiến này đã chấm dứt vào năm 1918, nhưng không đem lại hòa bình lâu dài. Chẳng bao lâu sau đó đã có những cuộc chiến tuy nhỏ nhưng khốc liệt tại Ethiopia, Libya, Tây Ban Nha, Nga, Ấn Độ và các nước khác. Rồi lại đến thế chiến thứ hai kinh hoàng đã giết hại 50 triệu binh sĩ và thường dân.
12 Hơn nữa, bất kể những hiệp ước hòa bình và những cuộc ngưng chiến tạm thời, nhân loại vẫn còn chiến tranh. Vào năm 1987, thống kê cho biết kể từ năm 1960 đã có 81 cuộc chiến lớn giết hại 12.555.000 người, gồm có đàn ông, đàn bà và trẻ con. Riêng năm 1987, có nhiều trận chiến diễn ra hơn bất cứ năm nào khác mà lịch sử ghi lại.1 Hơn nữa, kinh phí quân sự ngày nay đã vọt lên đến 1.000.000.000.000 Mỹ Kim hàng năm, làm cho cán cân kinh tế thế giới bị chênh lệch.2 Lời tiên tri của Chúa Giê-su về ‘dân nầy dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia’ chắc chắn đang được ứng nghiệm. Con ngựa sắc hồng của chiến tranh tiếp tục tung vó tàn bạo trên khắp đất. Nhưng còn về khía cạnh thứ hai của điềm thì sao?
Đói kém!
13. Chúa Giê-su đã tiên tri về những biến cố bi thảm nào, và sự hiện thấy về người cưỡi ngựa thứ ba của sách Khải-huyền đã xác minh thế nào cho lời tiên tri của ngài?
13 Chúa Giê-su đã tiên tri: “Nhiều chỗ sẽ có đói-kém”. Chúng ta hãy lưu ý xem điều này hòa hợp với người cưỡi ngựa thứ ba trong bốn người kỵ mã của sách Khải-huyền như thế nào. Về người thứ ba chúng ta đọc: “Hãy đến! Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa ô. Kẻ ngồi trên ngựa tay cầm cái cân. Tôi lại nghe ở giữa bốn con sanh-vật như có tiếng nói rằng: Một đấu lúa mì bán một đơ-ni-ê, ba đấu mạch-nha bán một đơ-ni-ê, còn dầu và rượu chớ động đến” (Khải-huyền 6:5, 6). Đúng vậy, có nạn đói trầm trọng xảy ra!
14. Có những nạn đói trầm trọng nào kể từ năm 1914 đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su?
14 Ngày nay lời tiên tri này có thể nào được ứng nghiệm không trong khi có một số quốc gia đã đạt được mức sống cao? Nhìn thoáng qua toàn thể thế giới, chúng ta chắc chắn sẽ được câu trả lời. Lịch sử cho thấy nạn đói là do chiến tranh và thiên tai gây ra. Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy nạn đói liên tiếp xảy ra, vì thế kỷ chúng ta chịu quá nhiều tai ương và chiến tranh. Nhiều nơi trên trái đất đã gặp những tai họa như vậy kể từ năm 1914. Một bản phúc trình cho biết có hơn 60 nạn đói trầm trọng từ năm 1914 tại nhiều nước trên thế giới như Hy Lạp, Hà Lan, Liên Sô, Nigeria, Chad, Chile, Peru, Bangladesh, Bengal, Cambodia, Ethiopia và Nhật.3 Có vài nạn đói trong số đó đã kéo dài nhiều năm, gây chết chóc cho hàng triệu người.
15, 16. Ngày nay có những nạn đói kém tàn hại nào khác nữa?
15 Dù những cơn đói kém trầm trọng thường được nhiều người biết đến, nhưng với thời gian cũng qua đi và những người còn sống sót dần dần trở lại đời sống bình thường. Tuy nhiên, thế kỷ 20 này còn có một loại đói kém khác đáng ngại hơn nữa. Loại đói kém này ít bi thảm hơn nên thường ít ai để ý đến, nhưng nó lại kéo dài năm này qua năm khác. Đó là tai họa thiếu dinh dưỡng, tai họa trầm trọng đang ảnh hưởng đến một phần năm dân số trên hành tinh này, và giết từ 13 đến 18 triệu người mỗi năm.4
16 Nói cách khác, loại đói kém này cứ mỗi hai ngày giết một số người nhiều bằng số đã chết bởi bom nguyên tử tại Hiroshima. Thật vậy, mỗi hai năm số người bị chết đói nhiều hơn là số binh sĩ bị giết trong cả hai cuộc Thế Chiến I và II. Như vậy, đã có “nhiều chỗ... đói-kém” từ năm 1914, phải không? Chắc chắn là có!
Động đất
17. Trận động đất khủng khiếp nào xảy ra ngay sau năm 1914?
17 Vào ngày 13 tháng Giêng năm 1915, khi thế chiến thứ nhất mới bùng nổ được vài tháng thì có một trận động đất làm rung chuyển Abruzzi, nước Ý, giết hại 32.610 người. Tai họa lớn này nhắc chúng ta nhớ rằng sự hiện diện của Chúa Giê-su được đánh dấu bởi một điều khác ngoài chiến tranh và đói kém: “Nhiều chỗ sẽ có... động đất”. Cũng như chiến tranh và đói kém, trận động đất tại Abruzzi chỉ là “đầu sự tai-hại”.a
18. Lời tiên tri của Chúa Giê-su về động đất đã được ứng nghiệm thế nào?
18 Thế kỷ 20 là một thế kỷ có nhiều động đất, và nhờ những tiến bộ về phương tiện truyền thông mà cả nhân loại biết được sự thiệt hại gây ra bởi các trận động đất đó. Để kể ra vài trận, năm 1920 đã có 200.000 người thiệt mạng trong trận động đất ở Trung Hoa; năm 1923 khoảng 99.300 người thiệt mạng trong trận động đất ở Nhật; năm 1935, một trận động đất khác giết hại 25.000 người ở một nơi bây giờ thuộc xứ Pakistan, trong khi đó có 32.700 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1939. Năm 1970, có 66.800 người thiệt mạng trong trận động đất ở Peru. Năm 1976, khoảng 240.000 người (hay là theo những nguồn tin khác, khoảng 800.000) thiệt mạng tại Đường Sơn, Trung Hoa. Gần đây hơn, năm 1988, đã có 25.000 người thiệt mạng trong trận động đất lớn tại Armenia.b Chắc chắn, “nhiều chỗ... có... động đất”!6
“Dịch-lệ”
19. Chi tiết nào của điềm đã được Chúa Giê-su tiên tri và đã được tượng trưng bởi người kỵ mã thứ tư trong sách Khải-huyền?
19 Một chi tiết khác trong lời tiên tri của Chúa Giê-su có liên quan đến bệnh tật. Người truyền giáo Lu-ca, trong sự tường thuật của ông, đã ghi lại lời tiên tri của Chúa Giê-su: “Sẽ có... dịch-lệ trong nhiều nơi” (Lu-ca 21:11). Điều này cũng trùng hợp với sự hiện thấy tiên tri về bốn người kỵ mã trong sách Khải-huyền. Người kỵ mã thứ tư tên là Sự Chết. Người này tượng trưng sự chết sớm gây ra bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm “dịch-lệ và... các loài thú dữ trên đất” (Khải-huyền 6:8).
20. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào đã làm ứng nghiệm một phần lời tiên tri của Chúa Giê-su về dịch lệ?
20 Vào năm 1918 và 1919, hơn 1.000.000.000 người mắc bệnh cúm Y-pha-nho và hơn 20.000.000 người chết. Bệnh này làm thiệt mạng nhiều người hơn là chính cuộc thế chiến.7 Và “dịch-lệ” tiếp tục hành hại thế hệ này, dù có nhiều sự tiến bộ khả quan về y học. Tại sao lại như vậy? Một lý do là các nước nghèo không phải lúc nào cũng hưởng được lợi ích từ sự tiến bộ khoa học. Người nghèo thường mang bệnh và chết vì những chứng bệnh mà nếu có tiền thì có thể trị được.
21, 22. “Dịch-lệ” đã hành hại những người trong các nước giàu và nghèo như thế nào?
21 Vì vậy, hơn 300 triệu người trên khắp đất bị hành hại bởi bệnh sốt rét rừng. Khoảng 200 triệu bị sốt ốc. Bệnh chagas gieo đau đớn cho khoảng 20 triệu người. Khoảng 126 triệu bị nguy hiểm vì bệnh mù mắt do nước sông gây ra. Bệnh tiêu chảy cấp tính giết hàng triệu trẻ con mỗi năm.8 Bệnh lao phổi và bệnh cùi vẫn còn là vấn đề trầm trọng. Điều đặc biệt là người nghèo trên thế giới bị “dịch-lệ trong nhiều nơi”.
22 Nhưng những người giàu cũng mắc bệnh nữa. Thí dụ, bệnh cúm hành hại cả người giàu lẫn nghèo. Trong năm 1957, một dịch cúm khiến 70.000 người chết chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Ở Đức, người ta ước lượng rằng cứ mỗi sáu người, thì có một người cuối cùng rồi sẽ mang bệnh ung thư.9 Những bệnh lây qua đường sinh dục cũng hành hại người giàu lẫn nghèo. Bệnh lậu, một chứng bệnh được báo cáo là dễ lây nhất ở Hoa Kỳ, đã hành hại đến 18,9 phần trăm dân số tại vài nơi ở Phi Châu.10 Bệnh giang mai, bệnh chlamydia, và bệnh mụn giộp nơi cơ quan sinh dục là những loại “dịch lệ” ở trong số các bệnh dịch lây qua đường sinh dục.
23. “Dịch-lệ” nào gần đây đã đứng hàng đầu trong các bản tin?
23 Trong những năm gần đây, bệnh AIDS (Sida) được thêm vào danh sách các loại “dịch-lệ”. Bệnh AIDS là một chứng bệnh khủng khiếp vì cho đến lúc viết bài này, chưa thấy có một phương pháp chữa trị nào hữu hiệu, và con số nạn nhân tiếp tục gia tăng. Cuốn The World Almanac Book of Facts 1997 (Sách Niên giám Thế giới năm 1997) nói rằng “có 21,8 triệu người trên khắp đất bị bệnh AIDS hoặc bị nhiễm vi khuẩn HIV, siêu khuẩn gây ra bệnh AIDS... Khoảng 5,8 triệu người đã chết vì bệnh AIDS”.11 Theo một bản ước lượng được phổ biến, vi khuẩn bệnh AIDS mỗi phút giết hại một người. Thật đúng là loại “dịch-lệ” nguy hiểm! Nhưng còn lời tiên tri về thú dữ gây chết chóc thì sao?
“Loài thú dữ trên đất”
24, 25. a) Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã nói đến loại “thú dữ” nào? b) Chúa Giê-su đã nói gì về “loài thú dữ” sẽ hoạt động tích cực trên đất trong lúc ngài hiện diện?
24 Sự thật là ngày nay khi các tin tức nói tới thú dữ là vì một vài loại nào đó bị nguy cơ tuyệt chủng. Loài người đe dọa “loài thú dữ trên đất” nhiều hơn là chúng đe dọa loài người. Dù vậy, trong một vài nước các thú dữ, như cọp ở Ấn Độ, vẫn còn hay giết hại loài người.
25 Tuy nhiên, Kinh-thánh lưu ý chúng ta đến loại thú dữ khác đã gây ra sợ hãi thật sự trong những năm gần đây. Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã ví những người hung bạo như là thú dữ khi ông nói: “Các quan-trưởng ở giữa nó giống như muông-sói xé mồi, chỉ lo làm đổ máu, làm mất linh-hồn, để được lợi bất-nghĩa” (Ê-xê-chi-ên 22:27). Khi Chúa Giê-su tiên tri về “tội-ác sẽ thêm nhiều”, thật ra ngài muốn nói đến “loài thú dữ” sẽ hoạt động tích cực trên đất trong lúc ngài hiện diện (Ma-thi-ơ 24:12). Người viết Kinh-thánh là Phao-lô nói thêm rằng trong những “ngày sau-rốt” người ta sẽ “tham tiền... không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành” (II Ti-mô-thê 3:1-3). Đây có phải là trường hợp đã xảy ra từ năm 1914 không?
26-28. Có những tin nào trên thế giới cho thấy “loài thú dữ” gây tội ác đang đi lãng vãng tìm mồi trên đất?
26 Chắc chắn là phải. Nếu bạn sống trong bất cứ một thành phố lớn nào bạn cũng biết về điều này. Nhưng nếu bạn còn nghi ngờ, hãy xem xét những lời trích dẫn mới đây trên báo chí. Tại Colombia: “Năm rồi, cảnh sát lập biên bản... khoảng 10.000 vụ giết người và 25.000 vụ cướp có vũ trang”. Ở Victoria, Úc: “Các tội trọng đã tăng vọt”. Ở Hoa Kỳ: “Các vụ giết người ở New York đạt đến kỷ lục cao”. “Năm ngoái, thành phố lớn Detroit đã vượt hẳn Gary, Indiana, về mức giết người cao nhất trong nước—mỗi 100.000 dân là có 58 vụ giết người”.
27 Ở Zimbabwe: “Nạn trẻ thơ bị giết tăng đến mức khủng hoảng”. Ở Brazil: “Có nhiều tội ác ở nước này, và quá nhiều người mang vũ khí đến độ những tin tức về bạo động không còn làm ai hồi hộp nữa”. Ở New Zealand: “Các vụ hãm hiếp và tội ác bạo động tiếp tục là mối quan tâm chính của cảnh sát”. “Người ta miêu tả mức độ hung bạo mà người New Zealand đối với nhau rất là man rợ”. Ở Tây Ban Nha: “Nước Tây Ban Nha bù đầu với vấn đề tội ác gia tăng”. Ở Ý: “Sau một thời gian lắng dịu, bọn Mafia ở Sicily làm sống lại làn sóng giết người”.
28 Những điều nói trên chỉ là những mẩu tin nhỏ, đăng trên báo không bao lâu trước khi cuốn sách này được xuất bản. Chắc chắn, “loài thú dữ” đang đi lãng vãng tìm mồi trên đất, khiến người ta cảm thấy run sợ, bất an.
Rao giảng Tin Mừng
29, 30. Tình trạng tôn giáo của các đạo tự xưng theo đấng Christ ra sao, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su?
29 Tình hình các tôn giáo ra sao trong thời kỳ khó khăn, lúc Chúa Giê-su hiện diện? Một mặt, Chúa Giê-su nói tiên tri là sẽ có sự gia tăng các hoạt động tôn giáo: “Nhiều tiên-tri giả sẽ nổi lên và dỗ-dành lắm kẻ” (Ma-thi-ơ 24:11). Mặt khác, ngài cũng tiên tri là sự chú ý về Đức Chúa Trời sẽ giảm sút trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ nói chung: “Lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần” (Ma-thi-ơ 24:12).
30 Lời này đã diễn tả đúng những gì đang xảy ra trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Một mặt, các giáo hội lớn ở khắp mọi nơi đang bị sa sút vì thiếu sự ủng hộ. Trong một nước ở miền bắc Âu Châu và nước Anh, nơi mà khi xưa đạo Tin Lành rất mạnh, nay tôn giáo đã chết hẳn. Đồng thời, Nhà thờ Công Giáo cũng trên đà suy giảm vì thiếu linh mục và sự ủng hộ của giáo dân. Mặt khác, lại có thêm những giáo phái nhỏ nổi lên. Những phái xuất phát từ tôn giáo đông phương nẩy sinh lan tràn, trong khi đó, các người giảng đạo tham lam trên vô tuyến truyền hình lại tống tiền trắng trợn đến hàng triệu Mỹ Kim.
31. Chúa Giê-su nói trước điều gì giúp chúng ta nhận ra tín đồ thật của đấng Christ ngày nay?
31 Vậy đạo thật của đấng Christ do Chúa Giê-su đề xướng và các sứ đồ rao giảng thì thế nào? Tôn giáo này vẫn còn tồn tại khi Chúa Giê-su hiện diện, nhưng làm sao nhận ra được? Có một số điều giúp nhận ra đạo thật của đấng Christ, và một điều được Chúa Giê-su nói đến trong lời tiên tri quan trọng của ngài. Tín đồ thật của đấng Christ sẽ bận rộn trong công việc rao giảng trên toàn thế giới. Chúa Giê-su tiên tri: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14).
32. Một đạo duy nhất nào đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:14?
32 Công việc rao giảng này hiện đang diễn ra trên một bình diện rộng lớn! Ngày nay, một tôn giáo gọi là Nhân-chứng Giê-hô-va đang tham gia vào hoạt động rao giảng rộng lớn nhất trong lịch sử của đạo đấng Christ (Ê-sai 43:10, 12). Vào năm 1919, trong khi các tôn giáo lớn có tinh thần chính trị, thuộc các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, cổ võ cho Hội Quốc Liên, một hội chóng tàn, thì Nhân-chứng Giê-hô-va đã chuẩn bị vận động cho công việc rao giảng trên khắp đất.
33, 34. Trên khắp thế giới, tin mừng về Nước Trời được rao giảng đến mức độ nào?
33 Thời đó chỉ có vỏn vẹn khoảng 10.000 Nhân-chứng mà thôi, nhưng họ biết rằng công việc này phải được thực hiện. Họ bắt đầu trọng trách rao giảng với lòng can đảm. Họ nhận biết sự phân chia giai cấp, tăng lữ và giáo dân, là trái ngược với điều răn của Kinh-thánh và mẫu mực của các sứ đồ. Vì vậy, tất cả mọi người đều học cách để nói với người đồng loại về Nước Đức Chúa Trời. Họ trở nên một tổ chức gồm những người đi rao giảng.
34 Với thời gian, những người rao giảng này bị chống đối dữ dội. Tại Âu Châu, họ bị nhiều chế độ chuyên chế khác nhau chống đối. Tại Hoa Kỳ và Canada, họ phải đương đầu với những thử thách về pháp lý, và sự tấn công của dân chúng. Tại những nước khác, họ phải vượt qua sự kỳ thị tôn giáo cuồng tín, và sự ngược đãi của các nhà độc tài bạo ngược. Trong những năm gần đây, họ cũng phải đối phó với tinh thần đa nghi ngờ vực và sự đam mê lạc thú. Nhưng họ đã bền lòng đến độ mà ngày nay họ đã tăng lên đến hơn năm triệu người trong 232 nước. Trước đây chưa bao giờ tin mừng về Nước Trời được rao giảng rộng lớn đến thế—khía cạnh này của điềm được ứng nghiệm thật nổi bật!
Mọi điều đó có nghĩa gì?
35. a) Ngày nay, sự ứng nghiệm của lời tiên tri giúp chứng tỏ Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn như thế nào? b) Sự ứng nghiệm của điềm mà Chúa Giê-su đã nói có ý nghĩa gì cho thời kỳ của chúng ta?
35 Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang chứng kiến sự ứng nghiệm của điềm quan trọng mà Chúa Giê-su đã nói. Sự kiện này cho thêm bằng chứng là Kinh-thánh quả thật được Đức Chúa Trời soi dẫn. Không một người nào có thể nói trước từ lâu về những biến cố sẽ xảy ra trong thế kỷ 20 này. Hơn nữa, sự ứng nghiệm của điềm chứng tỏ rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ hiện diện của Chúa Giê-su, và sự kết liễu của hệ thống mọi sự này (Ma-thi-ơ 24:3). Điều này có nghĩa gì? Sự hiện diện của Chúa Giê-su bao hàm điều gì? Hệ thống nào sẽ bị kết liễu? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần xem xét một chứng cớ hùng hồn khác về sự soi dẫn của Kinh-thánh: đó là sự hòa hợp về nội dung thật đáng chú ý. Chúng ta sẽ bàn luận về điểm này trong chương tới, và xem chủ đề chính của Kinh-thánh hiện nay sắp đến hồi kết thúc thật đáng sợ như thế nào.
[Chú thích]
a Có ít nhất là năm trận động đất kể từ năm 1914 đến 1918 và lớn cỡ 8 độ hay hơn nữa theo địa chấn kế Richter—mạnh hơn trận động đất ở Abruzzi. Tuy nhiên, những trận động đất này xảy ra trong vùng hẻo lánh trên trái đất, và vì thế không được chú ý bằng trận ở Ý.5
b Có những con số khác nhau đã được báo cáo về số nạn nhân trong vài tai họa này. Tuy nhiên tất cả các trận này đều giết hại nhiều người.