Máu—Thiết yếu cho sự sống
Máu có thể cứu sống bạn như thế nào? Vấn đề này chắc hẳn gợi sự chú ý của bạn vì máu liên quan đến sự sống của bạn. Máu mang dưỡng khí đi khắp cơ thể, loại bỏ khí cacbon đioxyt, giúp bạn thích ứng với nhiệt độ thay đổi, và tiếp giúp bạn trong việc chống đỡ bệnh tật.
Sự liên quan giữa sự sống và máu được thiết lập từ lâu trước khi ông William Harvey phát họa hệ thống tuần hoàn vào năm 1628. Đạo lý căn bản của các tôn giáo lớn tập trung vào một Đấng Ban Sự Sống; Ngài đã phát biểu quan điểm mình về sự sống và máu. Một luật sư Do Thái thuộc đạo Đấng Christ nói về Ngài: “Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có”.a
Những ai tin vào một Đấng Ban Sự Sống như vậy trông cậy rằng sự hướng dẫn của Ngài sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho chúng ta. Một nhà tiên tri Hê-bơ-rơ mô tả Ngài là “Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”.
Lời cam kết đó, ở Ê-sai 48:17, được ghi trong Kinh Thánh, một quyển sách được quý trọng vì giá trị đạo đức có thể giúp ích cho tất cả chúng ta. Vậy thì quyển sách đó nói gì về việc người ta dùng máu? Nó có cho biết sự sống được cứu bằng máu như thế nào không? Quả thật Kinh Thánh cho thấy rõ rằng máu không chỉ là một chất lỏng sinh học phức tạp. Kinh Thánh đề cập đến máu hơn 400 lần, và vài lần trong số ấy liên quan đến sự cứu sống.
Trong lần đề cập ban đầu, Đấng Tạo Hóa phán: “Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ-ăn cho các ngươi... Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu”. Ngài lại phán thêm: “Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại”, và rồi Ngài lên án việc giết người. (Sáng-thế Ký 9:3-6) Ngài phán điều đó với ông Nô-ê, tổ phụ chung mà người theo đạo Do Thái, đạo Hồi và đạo Đấng Christ đều quý trọng. Vậy toàn thể nhân loại đã được báo cho biết rằng theo quan điểm của Đấng Tạo Hóa, máu tượng trưng cho sự sống. Điều này không chỉ là một quy định về phép ăn uống; rõ ràng nó bao hàm một nguyên tắc đạo đức. Máu của loài người mang một ý nghĩa rất quan trọng và không được dùng sai. Sau đó Đấng Tạo Hóa cho thêm chi tiết mà qua đó chúng ta có thể nhận ra dễ dàng các vấn đề đạo đức mà Ngài liên kết với máu.
Ngài lại nói đến máu khi ban Luật Pháp cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. Mặc dù nhiều người quý trọng sự khôn ngoan và đạo đức trong bộ luật đó, nhưng ít người biết đến những luật quan trọng về máu. Ví dụ: “Phàm người nào của nhà Y-sơ-ra-ên hay là kẻ khách kiều-ngụ giữa họ, ăn huyết chi cũng mặc, thì ta sẽ nổi giận cùng kẻ ăn đó, truất nó khỏi dân-sự mình, vì sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết”. (Lê-vi Ký 17:10, 11) Đức Chúa Trời cho biết tiếp người đi săn phải làm gì với con vật đã chết: “[Y] phải đổ huyết nó ra, rồi lấy bụi đất lấp lại... Các ngươi không nên ăn huyết của xác-thịt nào; vì sanh-mạng của mọi xác-thịt, ấy là huyết nó; ai ăn sẽ bị truất-diệt”.—Lê-vi Ký 17:13, 14.
Ngày nay các nhà khoa học biết rằng Luật Pháp Do Thái giúp làm tăng thêm sức khỏe. Ví dụ, bộ luật đó đòi hỏi: phân phải được thải ngoài trại quân và phải được lấp lại; người ta không được ăn loại thịt mang nhiều nguy cơ gây bệnh. (Lê-vi Ký 11:4-8, 13; 17:15; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12, 13) Mặc dù luật về máu có khía cạnh về sức khỏe, nhưng nó cũng bao hàm nhiều điều khác nữa. Máu còn có một ý nghĩa tượng trưng. Nó tượng trưng cho sự sống mà Đấng Tạo Hóa ban cho. Bằng cách coi trọng máu, họ cho thấy sự sống của họ tùy thuộc vào Ngài. Vâng, lý do chính họ không nhận máu, chẳng phải vì nó không lành mạnh, mà vì nó có ý nghĩa đặc biệt đối với Đức Chúa Trời.
Luật Pháp nhiều lần nói rằng Đấng Tạo Hóa cấm dùng máu để duy trì sự sống. “Ngươi chớ ăn huyết; phải đổ nó trên đất như nước. Đừng ăn huyết, hầu ngươi và con-cháu ngươi được phước, bởi vì có làm điều ngay thẳng”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:23-25, 15:23; Lê-vi Ký 7:26, 27; Ê-xê-chi-ên 33:25.b
Trái với lập luận của một số người ngày nay, người ta không được lờ đi luật của Đức Chúa Trời về máu chỉ vì một tình trạng khẩn cấp xảy ra. Trong một cơn khủng hoảng thời chiến, một số người lính Do Thái giết thú vật và “rồi ăn thịt lộn với huyết”. Vì tình trạng khẩn cấp, họ có được phép bảo tồn sự sống của họ bằng máu không? Không. Người chỉ huy của họ đã chỉ cho họ thấy là hành động của họ rất là sai. (1 Sa-mu-ên 14:31-35) Vì vậy, cho dầu sự sống là quý báu, Đấng Ban Sự Sống cho chúng ta chưa bao giờ nói là tiêu chuẩn của Ngài có thể được lờ đi trong trường hợp khẩn cấp.
MÁU VÀ TÍN ĐỒ THẬT CỦA ĐẤNG CHRIST
Đạo Đấng Christ có quan điểm nào về vấn đề dùng máu để cứu sống mạng người?
Chúa Giê-su là một người trung thành, vì vậy ngài rất được trọng vọng. Ngài biết rằng Đấng Tạo Hóa đã nói dùng máu là sai và luật này phải được tuân thủ. Vì vậy, có lý do chính đáng để tin rằng Chúa Giê-su giữ luật về máu ngay cả khi ngài bị áp lực để làm ngược lại. Chúa Giê-su “chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối-trá”. (1 Phi-e-rơ 2:22) Vì vậy ngài đề ra một khuôn mẫu cho môn đồ, bao gồm khuôn mẫu về sự quý trọng máu và sự sống. (Phần sau chúng ta sẽ xem xét máu của Chúa Giê-su liên quan thế nào trong vấn đề trọng yếu này ảnh hưởng đến đời sống bạn).
Hãy lưu ý điều gì xảy ra, nhiều năm sau khi Chúa Giê-su chết, khi một vấn đề được nêu lên về việc một người sau khi trở thành tín đồ Đấng Christ có cần phải tuân giữ hết luật pháp Do Thái không? Vấn đề đó được thảo luận tại một cuộc họp của hội đồng lãnh đạo trung ương của tín đồ Đấng Christ, bao gồm các sứ đồ. Em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Gia-cơ đã nhắc đến những thánh thư chứa đựng luật về máu đã được ban cho ông Nô-ê và dân Do Thái. Vậy luật đó có buộc tín đồ Đấng Christ phải theo không?—Công-vụ 15:1-21.
Hội đồng đó đã gửi nghị quyết cho tất cả các hội thánh: Tín đồ Đấng Christ không cần phải tuân giữ luật đã được ban cho Môi-se, nhưng họ “cần... phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột [thịt chưa được cắt tiết], và chớ tà-dâm”. (Công-vụ 15:22-29) Các sứ đồ không phải chỉ đề ra một nghi thức hay là quy định về ăn uống. Quyết nghị đã đề ra những quy tắc đạo đức cơ bản, mà các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã tuân theo. Khoảng một thập kỷ sau đó họ nhìn nhận là họ vẫn “phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết và... chớ gian-dâm”.—Công-vụ 21:25.
Bạn biết rằng hàng triệu người đi nhà thờ. Phần lớn họ chắc sẽ đồng ý là đạo lý của đạo Đấng Christ đòi hỏi không thờ hình tượng và không làm điều vô luân đồi trụy. Tuy nhiên, điều đáng cho chúng ta lưu ý là các sứ đồ đã đặt việc kiêng huyết vào cùng hàng các nguyên tắc đạo đức cao như việc tránh những điều sai trái kia. Quyết nghị của họ kết luận: “Ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng-giữ lấy vậy. Kính chúc bình-an!”—Công-vụ 15:29.
Quyết nghị của các sứ đồ từ lâu đã được hiểu là phải giữ lấy. Ông Eusebius có kể lại chuyện của một phụ nữ trẻ sống vào gần cuối thế kỷ thứ hai, trước khi chết vì bị hành hạ, cô đã nêu rõ điểm là tín đồ Đấng Christ “không được phép ăn huyết ngay cả của những con vật không có lý trí”. Lúc đó không phải cô đang thực hành quyền được chết. Cô muốn sống, nhưng không hòa giải những nguyên tắc của mình. Chẳng lẽ bạn không kính trọng những người đặt nguyên tắc trên lợi ích cá nhân hay sao?
Nhà khoa học Joseph Priestley kết luận: “Lệnh cấm ăn huyết, ban cho Nô-ê, hình như đòi hỏi tất cả con cháu của ông phải giữ... Nếu chúng ta giải thích lệnh cấm của các sứ đồ bằng thực hành của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, là những người mà ta không thể cho rằng đã không hiểu đúng tính chất và phạm vi của lệnh đó, thì chúng ta không thể nào không kết luận rằng luật đó đã được định là tuyệt đối và vĩnh cửu; vì không có tín đồ Đấng Christ nào đã ăn huyết trong nhiều thế kỷ”.
CÒN VIỆC DÙNG MÁU ĐỂ CHỮA TRỊ THÌ SAO?
Luật cấm của Kinh Thánh về máu có bao gồm các phương cách chữa trị, như truyền máu, mà thời ông Nô-ê, Môi-se và các sứ đồ chắc chắn chưa biết đến, hay không?
Mặc dầu cách chữa trị dùng máu hiện nay không có vào thời bấy giờ, nhưng việc chữa trị bằng máu không phải là mới. Trong khoảng 2.000 năm, ở Ai Cập và những nơi khác, “huyết” người “được coi là môn thuốc hay nhất để chữa bệnh cùi”. Một ông bác sĩ cho biết phương pháp trị bệnh cho con trai của Vua Esar-haddon khi nước A-si-ri dẫn đầu về kỹ thuật học: “Vua, chúa tôi, có thể an tâm vì [hoàng tử] đã khá hơn nhiều. Kể từ ngày thứ 22 tôi cho (hoàng tử) uống huyết, hoàng tử sẽ uống trong 3 ngày. Và thêm 3 ngày nữa tôi sẽ cho hoàng tử huyết để thoa bên trong”. Vua Esar-haddon có giao thiệp với người Do Thái. Nhưng vì dân Do Thái có Luật Pháp của Đức Chúa Trời, họ không bao giờ uống huyết như thuốc.
Vào thời La Mã người ta có dùng máu để chữa trị không? Nhà vạn vật học Pliny (người cùng thời với các sứ đồ) và bác sĩ Aretaeus của thế kỷ thứ nhì báo cáo là máu người là một môn thuốc để chữa bệnh kinh phong. Sau này ông Tertullian viết: “Hãy nghĩ đến những kẻ thèm khát, tại một cuộc biểu diễn ở đấu trường, lấy máu tươi của những tội phạm gian ác, rồi đem đi để chữa bệnh kinh phong của họ”. Ông đối chiếu họ với tín đồ Đấng Christ, là những người “không dùng ngay cả huyết của thú vật tại các bữa ăn... Ở những phiên xử tín đồ Đấng Christ, quý vị đưa cho họ ăn dồi huyết. Dĩ nhiên, quý vị tin chắc là điều đó sai luật pháp của họ”. Như vậy, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu liều chết chứ không dùng máu.
Sách Flesh and Blood báo cáo: “Dưới dạng thông thường, máu đã không trở thành một thành phần lỗi thời của y khoa và ma thuật. Ví dụ, vào năm 1483, Vua Louis XI của Pháp bị bệnh trầm trọng. ‘Bệnh tình ông càng ngày càng tệ, thuốc men không giúp ích gì cho ông cả, dầu cách chữa trị rất kỳ lạ; vì ông nhiệt thành tin tưởng rằng sẽ bình phục sau khi đã uống huyết người mà ông ta lấy của vài đứa trẻ’ ”.
Còn việc truyền máu thì sao? Khoảng đầu thế kỷ 16, người ta bắt đầu thí nghiệm phương pháp này. Ông Thomas Bartholin (1616-1680), giáo sư về cơ thể học của Đại Học Copenhagen, đã phản đối: “Những người cố đưa ra việc dùng máu người để chữa trị các bệnh nội thương hình như đã lạm dụng nó và phạm tội nghiêm trọng. Những kẻ ăn thịt người bị lên án. Tại sao chúng ta không gớm ghiếc những kẻ làm cuống họng họ vấy máu người? Cũng tương tự như thế đối với việc nhận máu lạ từ một tĩnh mạch bị cắt, hoặc bằng miệng, hoặc bằng dụng cụ truyền máu. Những kẻ chủ động việc này kinh hãi trước thần luật, là luật cấm ăn huyết”.
Bởi thế, những người biết suy nghĩ trong các thế kỷ vừa qua nhận thức rằng luật Kinh Thánh áp dụng cho việc truyền máu qua tĩnh mạch cũng như việc ăn uống huyết. Ông Bartholin kết luận: “Cả hai cách dùng máu đều có chung một mục đích, là để nuôi dưỡng hoặc phục hồi một cơ thể bị bệnh”.
Bài tóm tắt này có thể giúp bạn hiểu rõ lập trường tôn giáo không thể thương lượng của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ rất quý trọng sự sống, và họ tìm cầu cách điều trị y khoa lành mạnh. Nhưng họ kiên quyết không vi phạm tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, là tiêu chuẩn nhất quán: Những người quý trọng sự sống như một món quà của Đấng Tạo Hóa, sẽ không tìm cách duy trì nó bằng cách nhận máu.
Tuy vậy, từ nhiều năm người ta tuyên bố rằng máu cứu mạng sống. Các bác sĩ có thể kể nhiều trường hợp bệnh nhân bị mất máu nghiêm trọng nhưng sau khi được truyền máu thì tình trạng cải tiến nhanh chóng. Vậy bạn có thể tự hỏi: “Việc này khôn, hay dại như thế nào trên phương diện y khoa?” Người ta đưa ra bằng chứng y khoa để ủng hộ việc chữa trị bằng máu. Vì thế bạn phải tự tìm cho mình những dữ kiện để có thể làm một sự chọn lựa hiểu biết về máu.
[Chú thích]
a Phao-lô, nơi Công-vụ 17:25, 28.
b Những lời cấm tương tự như vậy cũng được biên vào quyển kinh Qurʼān sau này.
[Khung nơi trang 4]
“Theo cách này, mệnh lệnh được ban ra một cách chính xác và có phương pháp [nơi Công-vụ 15], hội đủ điều kiện để được xem là thiết yếu, cho thấy bằng chứng rõ nhất là các sứ đồ đã không nghĩ rằng đây là một sự sắp đặt hoặc một biện pháp tạm thời”.—Giáo Sư Édouard Reuss, Đại Học Strasbourg.
[Khung/Hình nơi trang 5]
Ông Martin Luther nêu những hàm ý trong nghị định của các sứ đồ: “Bây giờ nếu chúng ta muốn có một hội thánh làm theo hội đồng này,... chúng ta phải dạy và nhấn mạnh rằng từ nay về sau, không một hoàng tử nào, chúa nào, người thành thị nào, hay người nông dân nào ăn ngỗng, nai cái, hươu, hay heo nấu trong huyết... Và cả người thành thị lẫn nông dân phải đặc biệt kiêng ăn dồi đỏ và dồi huyết”.
[Nguồn tư liệu]
Bản khắc gỗ của Lucas Cranach
[Khung nơi trang 6]
Đức Chúa Trời và loài người nhìn sự việc rất khác nhau. Những điều xem chừng quan trọng đối với chúng ta lại thường vô nghĩa trước sự khôn ngoan vô tận; và những điều tựa như nhỏ mọn đối với chúng ta lại thường rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Đã là như vậy từ đầu”.—“An Enquiry Into the Lawfulness of Eating Blood”, Alexander Pirie, 1787.
[Hình nơi trang 3]
Medicine and the Artist by Carl Zigrosser/Dover Publications
[Hình nơi trang 4]
Tại một hội nghị lịch sử, hội đồng lãnh đạo trung ương của tín đồ Đấng Christ xác nhận rằng luật của Đức Chúa Trời về máu vẫn phải được tuân thủ
[Hình nơi trang 7]
Bất chấp hậu quả nào, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu cũng từ chối vi phạm luật của Đức Chúa Trời về máu
[Nguồn tư liệu]
Tranh của Gérôme, 1883, courtesy of Walters Art Gallery, Baltimore