Phần 5
Tự do lựa chọn là một ban cho tuyệt diệu
1, 2. Sự ban cho tuyệt diệu nào là một phần của bản chất loài người?
TRƯỚC KHI hiểu được tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự đau khổ và Ngài sẽ làm gì để sửa chữa vấn đề này, chúng ta phải hiểu rõ cách mà Ngài đã tạo nên chúng ta. Ngài không những tạo ra chúng ta với một cơ thể và một bộ óc. Ngài cũng tạo nên chúng ta với những đặc tính tâm thần và tình cảm.
2 Một phần căn bản của bản chất tâm thần và tình cảm của chúng ta là sự tự do lựa chọn. Đúng vậy, Đức Chúa Trời đã đặt trong chúng ta khả năng tự do lựa chọn. Đây thật sự là một ban cho tuyệt diệu của Ngài.
Cách chúng ta được tạo ra
3-5. Tại sao chúng ta quí trọng sự tự do lựa chọn?
3 Chúng ta hãy xem xét làm sao sự tự do lựa chọn liên quan đến việc Đức Chúa Trời cho phép sự đau khổ. Để bắt đầu, hãy nghĩ về điều này: Bạn có thích tự do lựa chọn cách hành động và lời nói của bạn, cách ăn mặc, loại việc làm, chỗ ở và cách bạn sống hay không? Hoặc bạn muốn để cho một người nào khác định sẵn từng lời nói và hành động của bạn trong mỗi giây phút của đời bạn?
4 Không người bình thường nào muốn mất sự kiểm soát đời sống mình đến mức độ đó. Tại sao không? Vì Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta như thế. Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta theo ‘hình và tượng’ Ngài, và một trong những khả năng mà chính Đức Chúa Trời có là sự tự do lựa chọn (Sáng-thế Ký 1:26; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6). Khi tạo ra loài người, Ngài đã cho họ cùng khả năng tuyệt vời ấy—sự ban cho về tự do lựa chọn. Đó là một lý do tại sao chúng ta cảm thấy bực tức khi bị những nhà cầm quyền hà khắc đô hộ.
5 Vậy lòng ham muốn được tự do không phải là một sự ngẫu nhiên, vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự tự do. Kinh-thánh viết: “Thánh-Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự-do cũng ở đó” (II Cô-rinh-tô 3:17). Do đó, Đức Chúa Trời đã đặt trong bản chất chúng ta sự tự do lựa chọn. Vì biết cách trí óc và tình cảm chúng ta hoạt động như thế nào, Ngài biết chúng ta sẽ có hạnh phúc tối đa nếu có tự do lựa chọn.
6. Đức Chúa Trời đã tạo ra trí óc chúng ta thế nào để hoạt động hòa hợp với sự tự do lựa chọn?
6 Đi cùng với sự ban cho về tự do lựa chọn, Ngài cũng cung cấp cho chúng ta khả năng suy luận, cân nhắc tình thế, làm những quyết định và biết phân biệt điều thiện và điều ác (Hê-bơ-rơ 5:14). Như vậy, sự tự do lựa chọn đúng lý phải căn cứ trên những quyết định thông minh. Chúng ta không được tạo ra như người máy vô tri, không thể lựa chọn lấy cho mình. Chúng ta cũng không được tạo ra như loài thú để hành động theo bản năng. Thay vì thế, trí óc tuyệt diệu chúng ta được cấu tạo để hoạt động hòa hợp với sự tự do lựa chọn.
Sự bắt đầu tốt nhất
7, 8. Đức Chúa Trời đã cho tổ tiên chúng ta một sự bắt đầu tốt như thế nào?
7 Cùng với sự ban cho về tự do lựa chọn, tổ tiên chúng ta là A-đam và Ê-va đã nhận lãnh hết thảy những gì mà bất cứ người biết điều nào có thể mong muốn; điều này chứng tỏ Đức Chúa Trời thật sự quan tâm đến họ. Họ được đặt trong một địa đàng rộng lớn giống như một công viên. Họ có dư dật về vật chất. Họ có cơ thể và trí óc hoàn toàn, do đó không phải già đi, bị bệnh hay chết—họ đã có thể sống đời đời. Họ đã có thể sanh ra con cái hoàn toàn, và chúng cũng có thể có một tương lai hạnh phúc vĩnh cửu. Và gia đình nhân loại ấy ngày càng gia tăng, đáng lý đã có thể có công việc thỏa đáng là dần dần biến cả trái đất thành một địa đàng (Sáng-thế Ký 1:26-30; 2:15).
8 Kinh-thánh nói về các sự cung cấp ấy: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:31). Kinh-thánh cũng nói về Đức Chúa Trời: “Công-việc của Hòn-Đá [Đức Chúa Trời] là trọn-vẹn” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Đúng vậy, Đấng Tạo hóa đã cho gia đình nhân loại một sự bắt đầu hoàn toàn. Không có thể nào tốt hơn được. Ngài thật là một Đức Chúa Trời có lòng quan tâm biết bao!
Tự do có giới hạn
9, 10. Tại sao sự tự do lựa chọn phải được hạn chế một cách thích đáng?
9 Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có ý ban cho sự tự do vô hạn chăng? Hãy tưởng tượng một thành phố lớn mà không có luật lệ lưu thông nào cả, và mỗi người có thể lái xe theo bất cứ hướng nào và tốc độ nào mình muốn. Bạn sẽ muốn lái xe trong những tình trạng như vậy không? Không, sự lưu thông thể ấy chắc chắn sẽ hỗn loạn và hậu quả là sẽ có rất nhiều tai nạn.
10 Sự ban cho của Đức Chúa Trời về tự do lựa chọn cũng tương tự thế. Tự do vô hạn sẽ gây ra sự hỗn loạn trong xã hội. Phải có luật lệ để hướng dẫn các hoạt động của loài người. Lời Đức Chúa Trời nói: “Hãy ăn-ở như người tự-do, nhưng chớ dùng tự-do làm cái màn che sự hung-ác” (I Phi-e-rơ 2:16). Đức Chúa Trời muốn sự tự do lựa chọn được hạn chế vì lợi ích của tất cả mọi người. Ngài không có ý định cho chúng ta được tự do tuyệt đối, nhưng tự do tương đối, hạn chế bởi uy quyền của luật pháp.
Luật lệ của ai?
11. Chúng ta được tạo nên để vâng theo luật lệ của ai?
11 Chúng ta được tạo nên để vâng theo luật lệ của ai? Một phần khác trong câu I Phi-e-rơ 2:16 nói: “[Các anh em] phải coi mình là tôi-mọi Đức Chúa Trời”. Đây không phải sự tôi mọi một cách áp bức, nhưng đúng hơn, điều này có nghĩa chúng ta sẽ có hạnh phúc nhiều nhất khi vâng phục các luật lệ của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 22:35-40). Hơn bất cứ luật lệ nào do loài người đặt ra, luật lệ của Đức Chúa Trời cung cấp sự hướng dẫn tốt nhất. “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy ngươi cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi” (Ê-sai 48:17).
12. Chúng ta có sự tự do lựa chọn nào trong các giới hạn của luật lệ Đức Chúa Trời?
12 Đồng thời, các luật lệ của Đức Chúa Trời cho phép rất nhiều tự do lựa chọn trong các giới hạn của chúng. Kết quả là có rất nhiều sự khác nhau, khiến cho gia đình nhân loại được thú vị hơn. Hãy nghĩ về các loại thức ăn, trang phục, âm nhạc, nghệ thuật và kiểu nhà khác nhau trên thế giới. Chúng ta chắc chắn muốn chọn lấy cho mình những điều này hơn là để một người nào khác lựa chọn cho chúng ta.
13. Chúng ta phải vâng theo những định luật vật lý nào vì lợi ích của chính mình?
13 Như vậy, chúng ta được tạo ra để có hạnh phúc nhiều nhất khi vâng phục các luật lệ của Đức Chúa Trời về cách ăn ở. Điều này cũng tương tự như việc vâng theo những định luật vật lý. Thí dụ, nếu chúng ta không thèm để ý đến luật về trọng lực và nhảy từ một nơi cao xuống, chúng ta sẽ bị thương hay chết. Nếu chúng ta lờ đi những luật của cơ thể và rồi ngừng ăn đồ ăn, uống nước hay thở không khí, thì chúng ta sẽ chết đi.
14. Làm sao chúng ta biết loài người không được tạo ra để sống biệt lập với Đức Chúa Trời?
14 Bởi lẽ chúng ta được tạo nên với nhu cầu vâng phục các định luật vật lý, chúng ta cũng được tạo nên với nhu cầu vâng phục các luật lệ của Đức Chúa Trời về đạo đức và xã hội (Ma-thi-ơ 4:4). Loài người không được tạo ra để sống biệt lập với Đấng Tạo hóa mà thành công được. Nhà tiên tri Giê-rê-mi nói: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình. Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy xin hãy sửa-trị tôi” (Giê-rê-mi 10:23, 24). Như vậy, trong mọi phương diện loài người được tạo ra để sống dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời, chứ không phải để tự cai trị lấy mình.
15. Phải chăng các luật lệ của Đức Chúa Trời đã là một gánh nặng cho A-đam và Ê-va?
15 Vâng phục các luật lệ của Đức Chúa Trời đã không phải là một gánh nặng cho tổ tiên chúng ta đâu. Thay vì thế, sự vâng phục ấy đáng lý sẽ góp phần cho hạnh phúc của họ và cả gia đình nhân loại nữa. Phải chi cặp vợ chồng đầu tiên đó đã ở trong giới hạn của các luật lệ Đức Chúa Trời, thì mọi điều đã tốt đẹp. Thật thế, nếu đã vậy thì hiện nay chúng ta đã được sống trong một địa đàng tuyệt diệu, đầy vui thú như một gia đình nhân loại có yêu thương và hợp nhất! Nếu thế thì đã chẳng có sự gian ác, đau khổ hay chết chóc.
[Hình nơi trang 11]
Đấng Tạo hóa đã cho loài người một sự bắt đầu hoàn toàn
[Hình nơi trang 12]
Bạn có muốn lái xe trên đường đầy xe cộ mà không có luật lệ lưu thông nào cả không?