Lập dàn bài
KHI được giao một bài giảng, nhiều người vất vả viết ra hết mọi chi tiết, bắt đầu từ phần nhập đề cho đến hết phần kết luận. Đến khi hoàn tất bài giảng, có lẽ họ đã viết nhiều bản nháp. Quá trình này có thể tốn đến hàng giờ.
Đó có phải là cách bạn soạn bài giảng không? Bạn có muốn học cách soạn bài dễ hơn không? Nếu học cách lập dàn bài, bạn sẽ không cần viết ra hết mọi điều. Nhờ thế, bạn sẽ có thêm thời gian để tập dượt bài giảng. Bài của bạn không những dễ trình bày hơn mà còn khiến cử tọa thích thú lắng nghe và thúc đẩy họ hành động.
Đương nhiên, những bài diễn văn công cộng trình bày trong hội thánh, đều có sẵn một dàn bài cơ bản. Tuy nhiên, đa số những bài giảng khác thì không có sẵn dàn bài. Có thể bạn chỉ được giao cho một đề tài hoặc chủ đề mà thôi. Hay có thể bạn được yêu cầu trình bày tài liệu cụ thể đã xuất bản. Có khi bạn chỉ nhận được vài lời hướng dẫn. Với những bài như thế, bạn cần tự soạn dàn bài.
Bài mẫu nơi trang 41 sẽ cho bạn một khái niệm về cách sắp xếp một dàn bài giản lược. Hãy lưu ý là mỗi ý chính bắt đầu ở lề trái và viết bằng chữ hoa. Dưới mỗi ý chính là những ý tưởng hỗ trợ ý chính đó. Những ý phụ dùng để khai triển các ý tưởng đó được đặt bên dưới, và thụt vào trong, cách lề trái một khoảng trống. Bạn hãy xem xét kỹ lưỡng dàn bài này. Hãy lưu ý là hai ý chính liên quan trực tiếp đến chủ đề. Cũng hãy để ý là những ý phụ không chỉ là những điểm thú vị mà đúng hơn mỗi ý này hỗ trợ ý chính đặt ở trên.
Dàn bài bạn lập ra có thể không giống hệt bài mẫu này. Nhưng nếu nắm vững những quy tắc cơ bản nêu trên, bạn sẽ biết cách sắp xếp tài liệu và soạn được bài giảng hay, trong một khoảng thời gian vừa phải. Bạn nên tiến hành như thế nào?
Hãy phân tích, lựa chọn và sắp xếp
Bạn cần một chủ đề. Chủ đề không chỉ là một đề tài tổng quát, chẳng hạn như đề tài được biểu thị bằng một từ đơn độc. Đấy là ý tưởng chính mà bạn muốn diễn đạt, nó định hướng nội dung cần thảo luận của đề tài. Nếu chủ đề được chỉ định sẵn, hãy phân tích kỹ lưỡng mỗi từ ngữ chính. Nếu bạn khai triển một chủ đề được chỉ định sẵn, căn cứ trên tài liệu đã xuất bản, hãy nhớ đến chủ đề khi xem xét tài liệu đó. Nếu chỉ được giao cho đề tài thôi, thì bạn được tùy ý chọn chủ đề. Tuy nhiên, nghiên cứu trước khi chọn chủ đề có thể có ích. Bạn sẽ thường có thêm nhiều ý tưởng mới mẻ khi giữ cho đầu óc cởi mở.
Khi thực hiện những bước nói trên, hãy luôn tự hỏi: ‘Tại sao tài liệu này quan trọng đối với cử tọa? Đâu là mục tiêu của tôi?’ Đó là hoàn thành một điều gì đó bổ ích cho cử tọa, chứ không phải chỉ để trình bày tài liệu hoặc nói một bài giảng thú vị. Khi mục tiêu của bạn đã thành hình, hãy viết ra giấy. Hãy luôn nhớ đến mục tiêu đó khi sửa soạn bài.
Sau khi đã xác định mục tiêu và chọn chủ đề phù hợp với mục tiêu (hoặc phân tích xem chủ đề được chỉ định sẵn ăn khớp với mục tiêu này ra sao), bạn có thể nghiên cứu, cuộc nghiên cứu lúc ấy sẽ tập trung hơn. Hãy tìm những tài liệu đặc biệt bổ ích cho cử tọa. Đừng chọn những điểm khái quát, nhưng hãy tìm kiếm những điểm cụ thể thật sự hữu ích và có tác dụng nâng cao hiểu biết. Khi nghiên cứu, hãy thực tế, đừng thu thập quá nhiều tài liệu. Trong đa số trường hợp, chẳng mấy chốc bạn sẽ có dư thừa tài liệu đến mức không thể nào sử dụng hết, vì vậy cần phải chọn lọc.
Hãy xác định những ý chính cần bàn luận để khai triển chủ đề và đạt được mục tiêu của mình. Những ý này sẽ hình thành khung bài, tức dàn bài cơ bản của bạn. Nên có bao nhiêu ý chính? Có lẽ hai ý là đủ cho một cuộc bàn luận ngắn, và ngay cả một thuyết trình dài một tiếng, thường thường năm ý là đủ. Càng ít ý chính, có lẽ cử tọa càng dễ nhớ.
Khi đã có chủ đề và các ý chính trong trí, hãy sắp xếp tài liệu đã nghiên cứu được. Hãy quyết định xem điều gì liên quan trực tiếp đến các ý chính của bạn. Hãy chọn những chi tiết khiến sự trình bày của bạn thêm phần mới mẻ. Khi chọn những câu Kinh Thánh để chứng minh các ý chính, hãy lưu ý đến những ý tưởng giúp bạn lập luận cho rõ ý nghĩa những câu Kinh Thánh đó. Bên dưới mỗi ý chính, sắp đặt các ý phụ liên quan đến ý chính ấy. Hãy loại bỏ bất cứ ý tưởng nào không ăn nhập với ý chính—cho dù nó rất lý thú—hoặc lưu trữ để sử dụng vào một dịp khác. Chỉ sử dụng tài liệu thích hợp nhất. Nếu cố trình bày quá nhiều tài liệu, bạn sẽ phải nói quá nhanh và bài của bạn sẽ thiếu sâu sắc. Tốt nhất là nên truyền đạt vài ý tưởng thực sự bổ ích cho cử tọa và trình bày thật xuất sắc. Đừng nói quá thời hạn quy định.
Đến đây, hãy sắp xếp tài liệu theo trình tự hợp lý, nếu chưa thực hiện điều này. Người viết Phúc Âm là Lu-ca đã làm thế. Sau khi thu thập một lượng dữ kiện phong phú liên quan đến đề tài, Lu-ca trình bày “theo thứ-tự”. (Lu 1:3) Bạn có thể sắp xếp tài liệu theo trình tự thời gian hay theo luận điểm, có lẽ dựa vào quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả hay giữa vấn đề và giải pháp, tùy theo phương pháp hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu. Không nên chuyển tiếp đột ngột từ ý tưởng này sang ý khác. Người nghe phải được dẫn dắt dễ dàng từ ý này sang ý khác; các ý tưởng không được rời rạc đến mức không thể liên kết được. Bằng chứng đưa ra phải dẫn cử tọa đến kết luận hợp lý. Khi sắp xếp ý, hãy thử nghĩ xem cử tọa sẽ hiểu khi nghe bạn trình bày không? Họ có dễ dàng theo dõi dòng tư tưởng của bạn không? Họ có được thúc đẩy hành động theo điều họ nghe, đúng như mục tiêu trong trí bạn không?
Kế đó, hãy sửa soạn một phần nhập đề gợi sự chú ý đến đề tài và cho cử tọa thấy những điều sắp được bàn luận thật sự bổ ích cho họ. Viết ra vài câu đầu tiên có thể có lợi. Cuối cùng, chuẩn bị một kết luận có tác dụng thúc đẩy, hòa hợp với mục tiêu của bạn.
Nếu sửa soạn dàn bài sớm, bạn sẽ có đủ thời gian để trau chuốt trước khi trình bày bài giảng. Bạn có thể thấy cần hỗ trợ một số ý tưởng nào đó bằng vài con số thống kê, một minh họa, hay một kinh nghiệm. Dùng một tin thời sự hoặc mẩu tin tức địa phương mà cử tọa quan tâm đến có thể giúp họ dễ dàng nhận ra tính thiết thực của tài liệu. Khi xem lại bài giảng, bạn có thể thấy thêm cơ hội điều chỉnh tài liệu cho thích hợp với cử tọa. Tiến trình phân tích và trau chuốt là thiết yếu trong việc sắp xếp tài liệu thành một bài giảng hiệu quả.
Một số diễn giả có thể cần nhiều lời ghi chú hơn những diễn giả khác. Nhưng nếu sắp xếp tài liệu chỉ trong vài ý chính, loại bỏ những điều không thật sự hỗ trợ các ý này, và sắp xếp các ý tưởng theo trình tự hợp lý, bạn sẽ thấy rằng chỉ với một ít kinh nghiệm, bạn sẽ không còn cần viết ra hết mọi điều mình muốn nói. Điều đó có thể tiết kiệm được biết bao thời gian! Và chất lượng bài giảng của bạn cũng sẽ được nâng cao. Có như vậy thì rõ ràng là bạn thật sự đang hưởng lợi ích qua sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền.