CHƯƠNG 3
“Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va”
1, 2. Nhà tiên tri Ê-sai nhận được khải tượng nào, và khải tượng đó dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va?
Khi thấy một khải tượng từ Đức Chúa Trời, Ê-sai vô cùng kinh ngạc. Khải tượng ấy trông thật đến nỗi mà sau đó Ê-sai viết rằng ông “thấy Đức Giê-hô-va” ngự trên ngôi cao. Vạt áo ngài trải khắp đền thờ đồ sộ ở Giê-ru-sa-lem.—Ê-sai 6:1, 2.
2 Ê-sai cũng kinh ngạc trước những điều ông nghe. Ông nghe thấy tiếng hát lớn đến nỗi làm rung chuyển ngay cả nền móng của đền thờ. Các sê-ráp, tức những tạo vật thần linh cấp bậc cao, đã hát bài hát đó. Họ hát những từ đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa rất sâu sắc: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân, khắp đất tràn đầy vinh quang ngài!” (Ê-sai 6:3, 4). Việc hát từ “thánh” ba lần cho thấy từ này rất quan trọng, và điều này thật thích hợp vì Đức Giê-hô-va là đấng thánh khiết tột bậc (Khải huyền 4:8). Sự thánh khiết của ngài được nhấn mạnh xuyên suốt Kinh Thánh. Hàng trăm câu Kinh Thánh nhắc đến từ “thánh” hoặc “thánh khiết” cùng với danh ngài.
3. Làm thế nào quan điểm sai lầm về sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va khiến nhiều người quay lưng lại với ngài thay vì đến gần ngài?
3 Vậy rõ ràng, một trong những điều quan trọng mà Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hiểu về ngài đó là ngài là thánh. Tuy nhiên, nhiều người ngày nay có cái nhìn tiêu cực về sự thánh khiết. Một số người liên kết sai lầm sự thánh khiết với việc tự cho là công chính hoặc lòng mộ đạo giả dối. Còn những người tự ti thì lại nghĩ rằng mình không xứng đáng để đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết. Vì thế, nhiều người quay lưng lại với Đức Chúa Trời. Điều này thật đáng buồn, vì sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chính là lý do mạnh mẽ để đến gần ngài. Tại sao? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy xem sự thánh khiết có nghĩa gì.
Thánh khiết là gì?
4, 5. (a) Từ “thánh” có nghĩa gì và không có nghĩa gì? (b) Đức Giê-hô-va “tách biệt” theo hai phương diện quan trọng nào?
4 Dù Đức Chúa Trời là thánh nhưng điều này không có nghĩa ngài kiêu ngạo hoặc xem thường người khác. Ngược lại, ngài ghét những tính đó (Châm ngôn 16:5; Gia-cơ 4:6). Vậy từ “thánh” thật sự có nghĩa gì? Trong tiếng Hê-bơ-rơ thời Kinh Thánh, từ này bắt nguồn từ một từ có nghĩa là “tách biệt”. Từ “thánh” nói đến những điều hoặc những người được tách biệt cho việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Từ này cũng truyền đạt ý tưởng về sự trong sạch và thanh khiết. Vậy từ này áp dụng cho Đức Giê-hô-va như thế nào? Phải chăng điều này có nghĩa là ngài “tách biệt” khỏi chúng ta, là những người bất toàn không?
5 Hoàn toàn không. Là “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”, Đức Giê-hô-va đảm bảo với dân ngài là ngài ở giữa họ, dù họ tội lỗi (Ê-sai 12:6; Ô-sê 11:9). Vậy sự thánh khiết không khiến ngài trở nên xa cách. Thế thì ngài “tách biệt” theo nghĩa nào? Đó là theo hai phương diện quan trọng. Thứ nhất, ngài tách biệt khỏi mọi tạo vật theo nghĩa chỉ mình ngài là Đấng Tối Cao. Sự trong sạch và thanh khiết của ngài là tuyệt đối (Thi thiên 40:5; 83:18). Thứ hai, Đức Giê-hô-va hoàn toàn tách biệt khỏi mọi tội lỗi, và ý tưởng này rất an ủi. Tại sao?
6. Tại sao thật an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va hoàn toàn tách biệt khỏi tội lỗi?
6 Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự thánh khiết thật là điều hiếm thấy. Mọi thứ trong xã hội xa cách Đức Chúa Trời đều bị ô uế theo nghĩa nào đó vì tội lỗi và sự bất toàn. Tất cả chúng ta đều phải tranh đấu với khuynh hướng tội lỗi bên trong mình, và nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ dễ bị tội lỗi chế ngự (Rô-ma 7:15-25; 1 Cô-rinh-tô 10:12). Nhưng Đức Giê-hô-va thì không như thế. Ngài hoàn toàn tách biệt khỏi tội lỗi và ngài sẽ không bao giờ làm điều sai. Đây là lý do khác mà chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va là người Cha lý tưởng nhất và chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy ngài. Khác với những người cha bất toàn, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ tha hóa, đồi bại hoặc lạm dụng quyền lực. Nhờ sự thánh khiết của ngài mà những điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Trong một số trường hợp, Đức Giê-hô-va thậm chí đã lấy sự thánh khiết của ngài mà thề, vì không có gì đáng tin cậy hơn điều đó (A-mốt 4:2). Chẳng phải điều này an ủi chúng ta sao?
7. Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va là đấng hoàn toàn thánh khiết?
7 Đức Giê-hô-va là đấng hoàn toàn thánh khiết. Điều này có nghĩa gì? Chẳng hạn, khi nghĩ đến con người thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến sự bất toàn. Sự bất toàn chi phối chúng ta và ảnh hưởng đến mọi điều mình làm. Nhưng khi nghĩ đến Đức Giê-hô-va thì chúng ta nghĩ ngay đến sự thánh khiết. Mọi điều thuộc về ngài đều là trong sạch, thanh khiết và công chính. Vậy để biết Đức Giê-hô-va thật sự là đấng như thế nào thì chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của từ “thánh”.
“Sự thánh khiết thuộc về Đức Giê-hô-va”
8, 9. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va giúp con người bất toàn trở nên thánh theo nghĩa tương đối?
8 Vì Đức Giê-hô-va là đấng hoàn toàn thánh khiết nên có thể nói rằng ngài là nguồn của mọi điều thánh. Ngài không ích kỷ giữ phẩm chất này cho riêng mình nhưng rộng rãi chia sẻ với người khác. Hãy suy nghĩ về điều này: Khi Đức Chúa Trời phán với Môi-se qua một thiên sứ nơi bụi gai đang cháy, ngay cả phần đất xung quanh đó cũng trở nên thánh!—Xuất Ai Cập 3:5.
9 Con người bất toàn có thể trở nên thánh với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va không? Có, nhưng theo nghĩa tương đối. Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên triển vọng trở thành “dân tộc thánh” (Xuất Ai Cập 19:6). Ngài ban phước cho dân tộc đó bằng cách cho họ biết làm thế nào để thờ phượng ngài một cách thánh sạch và thanh khiết. Do đó, sự thánh khiết được nhắc lại nhiều lần trong Luật pháp Môi-se. Ngay cả trên khăn vấn của thầy tế lễ thượng phẩm cũng có một tấm bằng vàng ròng ở phía trước, là nơi mà mọi người có thể nhìn thấy nó lấp lánh dưới ánh sáng. Trên tấm đó có khắc dòng chữ: “Sự thánh khiết thuộc về Đức Giê-hô-va” (Xuất Ai Cập 28:36). Vậy Đức Giê-hô-va muốn sự thờ phượng, thậm chí cả lối sống của họ phải thanh sạch. Đức Giê-hô-va phán với họ: “Các ngươi phải thánh, vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, là thánh” (Lê-vi 19:2). Chừng nào dân Y-sơ-ra-ên nỗ lực hết sức để vâng theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời thì chừng nấy ngài sẽ xem họ là thánh, dù họ là người bất toàn.
10. Sự thờ phượng và lối sống của dân Y-sơ-ra-ên tương phản thế nào với những dân xung quanh?
10 Sự thờ phượng thánh khiết và lối sống của dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn tương phản với sự thờ phượng của những dân xung quanh. Những dân ngoại giáo đó thờ những thần mà không tồn tại. Những thần này được miêu tả là hung bạo, tham lam và vô luân. Các thần ấy xấu xa về mọi phương diện. Những người thờ những thần như thế thì không thánh sạch. Vì thế, Đức Giê-hô-va cảnh báo những tôi tớ ngài hãy tránh xa những người thờ thần ngoại giáo cũng như thực hành tôn giáo ô uế của họ.—Lê-vi 18:24-28; 1 Các vua 11:1, 2.
11. Sự thánh khiết của phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va được thấy rõ thế nào qua (a) các thiên sứ? (b) các sê-ráp? (c) Chúa Giê-su?
11 Ngay cả khi nỗ lực hết sức, dân Y-sơ-ra-ên chỉ có thể phản ánh một phần rất nhỏ sự thánh khiết của phần trên trời của tổ chức Đức Chúa Trời. Hàng triệu các tạo vật thần linh trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va được gọi là “muôn vàn thiên sứ thánh” (Phục truyền luật lệ 33:2; Giu-đe 14). Họ phản ánh hoàn hảo sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ về các sê-ráp mà Ê-sai thấy trong khải tượng của mình. Nội dung bài hát của họ cho thấy các tạo vật thần linh mạnh mẽ này đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho sự thánh khiết của Đức Chúa Trời được biết đến trên khắp vũ trụ. Nhưng có một thiên sứ có cấp bậc cao hơn các thiên sứ khác, đó là Con một của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phản ánh sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va một cách hoàn hảo nhất. Vì thế, Kinh Thánh gọi ngài là “Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”.—Giăng 6:68, 69.
Danh thánh, thần khí thánh
12, 13. (a) Tại sao thật thích đáng khi danh Đức Chúa Trời được miêu tả là thánh? (b) Tại sao danh Đức Chúa Trời phải được tẩy sạch khỏi mọi sự sỉ nhục?
12 Nói sao về danh Đức Chúa Trời? Như đã xem trong chương 1, danh Đức Chúa Trời không đơn thuần là một tước hiệu hay danh hiệu. Danh ấy tượng trưng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và tất cả các phẩm chất của ngài. Do đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời “có danh thánh khiết” (Ê-sai 57:15). Luật pháp Môi-se quy định rằng bất cứ ai nói phạm đến danh Đức Chúa Trời sẽ bị xử tử (Lê-vi 24:16). Cũng hãy để ý đến điều mà Chúa Giê-su ưu tiên trong lời cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh” (Ma-thi-ơ 6:9). Thánh hóa một điều có nghĩa là biệt riêng điều đó ra và xem điều đó là thánh. Nhưng nếu danh Đức Chúa Trời là thánh rồi thì tại sao danh ấy lại phải được nên thánh?
13 Danh thánh của Đức Chúa Trời bị bôi nhọ bởi những lời dối trá và vu khống. Trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã nói dối về Đức Giê-hô-va và ám chỉ rằng ngài là đấng cai trị bất công (Sáng thế 3:1-5). Kể từ đó, Sa-tan đã khiến cho nhiều lời nói dối về Đức Chúa Trời lan ra nhanh chóng trong thế gian xấu xa mà hắn đang cai trị (Giăng 8:44; 12:31; Khải huyền 12:9). Các tôn giáo dạy rằng Đức Chúa Trời là đấng bất công, vô cảm và nhẫn tâm. Họ cho rằng ngài ủng hộ họ trong các cuộc chiến đẫm máu. Thay vì ngợi khen Đức Chúa Trời về những công trình sáng tạo tuyệt đẹp thì nhiều người lại tin vào sự tiến hóa. Quả thật, những kẻ thù của Đức Chúa Trời nói dối trắng trợn về ngài. Do đó, danh ấy phải được nên thánh và sự vinh hiển của danh ấy phải được khôi phục. Chúng ta mong mỏi ngày mà Đức Giê-hô-va sẽ xóa bỏ vĩnh viễn mọi sự sỉ nhục về danh ngài. Ngài sẽ làm thế qua Nước Trời do Con ngài cai trị. Chúng ta vui mừng được góp phần vào ý định vĩ đại này.
14. Tại sao thần khí của Đức Chúa Trời được gọi là thánh, và tại sao việc nói phạm đến thần khí thánh là điều rất nghiêm trọng?
14 Có một điều khác liên quan chặt chẽ đến Đức Giê-hô-va và hầu như luôn được gọi là thánh, đó là thần khí thánh, tức lực đang hoạt động của ngài (Sáng thế 1:2). Đức Giê-hô-va dùng lực vô song này để hoàn thành ý định của ngài. Mọi điều Đức Giê-hô-va làm đều thánh khiết và trong sạch nên lực đang hoạt động của ngài được gọi là thần khí thánh (Lu-ca 11:13; Rô-ma 1:4). Việc nói phạm đến thần khí thánh, trong đó có việc cố tình làm trái ý muốn của Đức Giê-hô-va, là một tội không thể tha thứ.—Mác 3:29.
Tại sao sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến với ngài?
15. Chúng ta nên có thái độ nào về Đức Giê-hô-va vì ngài là thánh?
15 Không khó để chúng ta hiểu tại sao Kinh Thánh nói rằng loài người nên kính sợ Đức Chúa Trời vì ngài là thánh. Chẳng hạn, Thi thiên 99:3 viết: “Các dân hãy ca ngợi danh vĩ đại ngài, vì danh ấy đáng kính sợ và thánh khiết thay”. Điều này có nghĩa là chúng ta nên tôn kính Đức Chúa Trời và danh ngài một cách sâu xa. Việc chúng ta có thái độ như thế là thích hợp vì ngài là đấng rất vinh hiển, thánh khiết và vượt xa chúng ta. Nhưng điều đó không khiến chúng ta xa cách ngài mà khiến chúng ta muốn đến gần hơn với ngài. Tại sao?
16. (a) Sự thánh khiết liên kết thế nào với vẻ đẹp? Hãy nêu ví dụ. (b) Kinh Thánh miêu tả thế nào về vẻ đẹp của Đức Chúa Trời thánh khiết?
16 Kinh Thánh liên kết sự thánh khiết với vẻ đẹp. Ở Ê-sai 63:15, trời được miêu tả là “nơi ngự trên cao thánh khiết và vinh hiển” của Đức Chúa Trời. Vẻ đẹp và sự vinh hiển thường thu hút chúng ta. Chẳng hạn, hãy nhìn bức hình nơi trang 33. Cảnh trong đó có thu hút anh chị không? Điều gì khiến nó thu hút đến vậy? Đó là dòng nước trong vắt, không khí trong lành, bầu trời xanh ngát và ánh nắng lấp lánh. Nhưng nói sao nếu khung cảnh ấy giờ đây bị thay đổi? Dòng nước ngập rác, cây cối và đá bị vẽ bậy và không khí bị ô nhiễm bởi khói bụi. Hẳn anh chị không còn thích khung cảnh đó nữa. Điều tự nhiên là chúng ta liên kết vẻ đẹp với sự sạch sẽ, trong sạch và sáng sủa. Những từ như thế có thể được dùng để miêu tả về sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va. Không ngạc nhiên gì khi chúng ta thích đọc những lời miêu tả về vẻ đẹp của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, Kinh Thánh miêu tả Đức Chúa Trời thánh khiết đang ngự trên ngôi của ngài ở trên trời và ngài chiếu sáng rực rỡ, óng ánh như đá quý, tỏa sáng như lửa và kim loại quý giá.—Ê-xê-chi-ên 1:25-28; Khải huyền 4:2, 3.
Vẻ đẹp thường thu hút chúng ta, sự thánh khiết cũng thế
17, 18. (a) Lúc đầu Ê-sai cảm thấy thế nào khi thấy khải tượng? (b) Đức Giê-hô-va đã dùng một sê-ráp để an ủi Ê-sai như thế nào, và hành động của sê-ráp ấy có nghĩa gì?
17 Tuy nhiên, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời có nên khiến chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé không? Câu trả lời là có. Suy cho cùng, chúng ta rất nhỏ bé so với Đức Giê-hô-va và sự thật là như vậy. Nhưng điều này có nghĩa là chúng ta không thể đến gần Đức Chúa Trời không? Hãy xem Ê-sai phản ứng thế nào khi nghe các sê-ráp công bố sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va. Ông thốt lên: “Khốn cho ta thay! Chắc ta chết mất, vì ta là kẻ có môi ô uế, sống giữa một dân có môi ô uế, vì mắt ta đã thấy Vua, chính Đức Giê-hô-va vạn quân!” (Ê-sai 6:5). Thật vậy, sự thánh khiết tuyệt đối của Đức Giê-hô-va đã nhắc Ê-sai nhớ rằng ông là người tội lỗi và bất toàn thế nào. Lúc đầu, người tôi tớ trung thành này cảm thấy rất buồn. Nhưng Đức Giê-hô-va không muốn ông tiếp tục cảm thấy như thế.
18 Một sê-ráp liền đến để an ủi nhà tiên tri. Bằng cách nào? Thiên sứ mạnh mẽ ấy bay đến bàn thờ, lấy than lửa đỏ và đưa than chạm vào môi Ê-sai. Điều này có vẻ như thiên sứ ấy đang làm ông đau thay vì an ủi. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây là một khải tượng mang đầy ý nghĩa tượng trưng. Ê-sai, một người Do Thái trung thành, biết rõ rằng các vật tế lễ được dâng hằng ngày tại bàn thờ để chuộc tội. Và sê-ráp đã yêu thương nhắc nhà tiên tri nhớ rằng dù là người bất toàn, “có môi ô uế” nhưng ông vẫn có thể có được vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời.a Đức Giê-hô-va sẵn lòng xem một người bất toàn và tội lỗi là thánh, ít nhất theo nghĩa tương đối.—Ê-sai 6:6, 7.
19. Dù là người bất toàn, nhờ đâu chúng ta có thể được Đức Giê-hô-va xem là thánh?
19 Điều này vẫn đúng ngày nay. Tất cả những vật tế lễ được dâng tại bàn thờ ở Giê-ru-sa-lem chỉ là bóng cho điều lớn hơn, đó là vật tế lễ hoàn hảo được dâng bởi Chúa Giê-su Ki-tô vào năm 33 CN (Hê-bơ-rơ 9:11-14). Nếu thật lòng ăn năn tội lỗi, thay đổi lối sống và thể hiện đức tin nơi sự hy sinh ấy thì chúng ta sẽ được tha thứ (1 Giăng 2:2). Chúng ta cũng có thể có vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Thế nên, sứ đồ Phi-e-rơ nhắc chúng ta: “Có lời viết rằng: ‘Các ngươi phải thánh, vì ta là thánh’” (1 Phi-e-rơ 1:16). Hãy lưu ý rằng Đức Giê-hô-va không bảo chúng ta phải thánh như ngài. Ngài không bao giờ đòi hỏi điều gì quá sức chúng ta (Thi thiên 103:13, 14). Thay vì thế, Đức Giê-hô-va bảo chúng ta phải thánh vì ngài là thánh. “Là con cái yêu dấu”, chúng ta nỗ lực hết sức để bắt chước ngài trong khả năng của người bất toàn (Ê-phê-sô 5:1). Vậy việc đạt đến sự thánh khiết là một tiến trình liên tục. Khi càng lớn mạnh về thiêng liêng, chúng ta càng nỗ lực để “trở nên thánh sạch” mỗi ngày.—2 Cô-rinh-tô 7:1.
20. (a) Tại sao việc biết mình có thể trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời thánh khiết là điều quan trọng? (b) Ê-sai đã được tác động thế nào khi biết tội lỗi mình đã được tha?
20 Đức Giê-hô-va yêu những điều công chính và thanh sạch. Ngài ghét tội lỗi (Ha-ba-cúc 1:13). Nhưng ngài không ghét chúng ta. Nếu chúng ta có cùng quan điểm với ngài về tội lỗi, ghét điều xấu, yêu điều lành và nỗ lực noi theo dấu chân hoàn hảo của Chúa Giê-su thì Đức Giê-hô-va tha thứ cho tội lỗi của chúng ta (A-mốt 5:15; 1 Phi-e-rơ 2:21). Việc biết mình có thể trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời thánh khiết tác động sâu sắc đến chúng ta. Hãy nhớ rằng lúc đầu sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va nhắc Ê-sai nhớ đến tình trạng ô uế của mình. Lúc ấy, ông thốt lên: “Khốn cho ta thay!”. Nhưng khi hiểu là tội lỗi của mình đã được tha thì ông cảm thấy được an ủi. Khi Đức Giê-hô-va tìm một người tình nguyện để thi hành nhiệm vụ, Ê-sai đã nhanh chóng hưởng ứng dù chưa biết sẽ phải làm gì. Ông nói: “Có con đây! Xin sai con!”.—Ê-sai 6:5-8.
21. Điều gì giúp chúng ta tin chắc mình có thể trở nên thánh?
21 Vì được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời thánh khiết, chúng ta có khả năng bắt chước các phẩm chất của ngài và có thể có mối quan hệ mật thiết với ngài (Sáng thế 1:26). Như vậy, tất cả chúng ta đều có thể trở nên thánh. Khi chúng ta tiếp tục vun trồng sự thánh khiết, Đức Giê-hô-va vui lòng giúp mình làm thế. Kết quả là chúng ta sẽ đến gần hơn với ngài. Ngoài ra, khi xem xét các phẩm chất của Đức Giê-hô-va trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ có nhiều lý do để đến gần với ngài!
a Kinh Thánh thường dùng từ “môi” để nói đến lời nói hoặc ngôn ngữ. Cụm từ “môi ô uế” được dùng ở đây là phù hợp vì đa số những lỗi mà một người bất toàn mắc phải thường liên quan đến cách dùng lời nói.—Châm ngôn 10:19; Gia-cơ 3:2, 6.