CHƯƠNG 24
Không gì có thể ‘phân-rẽ chúng ta khỏi tình yêu-thương của Đức Chúa Trời’
1. Cảm nghĩ tiêu cực nào làm cho nhiều người phiền muộn, kể cả một số tín đồ thật của Đấng Christ?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI có yêu cá nhân bạn không? Một số người đồng ý là Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại nói chung, như Giăng 3:16 nói. Nhưng cảm tưởng của họ tựa hồ như: ‘Đức Chúa Trời không thể nào yêu thương cá nhân tôi’. Ngay cả tín đồ thật của Đấng Christ đôi khi cũng có những nghi hoặc như thế. Cảm thấy chán nản, một người đàn ông nói: “Tôi thấy khó tin rằng Đức Chúa Trời quan tâm gì đến tôi”. Có khi nào những nỗi nghi ngờ tương tự làm cho bạn phiền muộn không?
2, 3. Kẻ nào muốn chúng ta tin rằng mình là người vô giá trị hoặc không đáng được Đức Giê-hô-va yêu thương, và chúng ta có thể chống chọi với ý tưởng ấy như thế nào?
2 Sa-tan hăng say muốn chúng ta tin rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời không yêu mà cũng không xem trọng chúng ta. Đúng là Sa-tan thường cám dỗ người ta bằng cách khêu gợi tính tự phụ và kiêu ngạo. (2 Cô-rinh-tô 11:3) Nhưng hắn cũng thích thú phá hủy lòng tự trọng của người yếu đuối. (Giăng 7:47-49; 8:13, 44) Điều này đặc biệt đúng trong “ngày sau-rốt” đầy khó khăn này. Ngày nay nhiều người lớn lên trong những gia đình “vô-tình”. Những người khác thì thường xuyên phải tiếp xúc với những kẻ dữ tợn, ích kỷ, và cố chấp. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Khi bị ngược đãi, kỳ thị chủng tộc, hoặc thù ghét nhiều năm, những người như thế có thể nghĩ rằng họ vô giá trị hoặc không đáng được yêu thương.
3 Nếu có những cảm nghĩ tiêu cực như thế, bạn đừng tuyệt vọng. Nhiều người trong chúng ta đôi lúc quá khắt khe với chính mình. Nhưng hãy nhớ, Lời Đức Chúa Trời dùng để “bẻ-trách”, tức sửa chữa, và “đạp-đổ các đồn-lũy”, nghĩa là đánh đổ những điều đã ăn sâu bám chắc. (2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Cô-rinh-tô 10:4) Kinh Thánh nói: “Chúng ta... giục lòng vững-chắc ở trước mặt Ngài. Vì nếu lòng mình cáo-trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”. (1 Giăng 3:19, 20) Chúng ta hãy xét bốn cách Kinh Thánh giúp chúng ta “giục lòng vững-chắc”, tức yên lòng, vì biết Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta.
Đức Giê-hô-va quý trọng bạn
4, 5. Minh họa của Chúa Giê-su về những con chim sẻ cho thấy chúng ta có giá trị dưới mắt Đức Giê-hô-va như thế nào?
4 Thứ nhất, Kinh Thánh trực tiếp dạy rằng Đức Chúa Trời thấy điều đáng quý nơi mọi tôi tớ Ngài. Chẳng hạn, Chúa Giê-su phán: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. (Ma-thi-ơ 10:29-31) Bạn hãy suy xét ý nghĩa những lời này của Chúa Giê-su đối với người nghe vào thế kỷ thứ nhất.
5 Chúng ta có thể thắc mắc tại sao có người lại mua một con chim sẻ. Vào thời Chúa Giê-su, chim sẻ là loại chim rẻ nhất dùng làm thức ăn. Hãy lưu ý rằng với một đồng tiền ít giá trị người mua nhận được hai con chim sẻ. Nhưng về sau Chúa Giê-su nói nếu trả hai đồng, người mua nhận được không phải bốn mà là năm con. Con thứ năm được cho thêm như thể nó không có chút giá trị nào. Có lẽ con người xem những sinh vật như thế vô giá trị, nhưng Đấng Tạo Hóa xem chúng như thế nào? Chúa Giê-su phán: “Đức Chúa Trời không quên một con nào hết [ngay cả con được cho không]”. (Lu-ca 12:6, 7) Giờ đây chúng ta có thể bắt đầu hiểu ý Chúa Giê-su muốn nói. Nếu Đức Giê-hô-va xem trọng một con chim sẻ, hẳn một người phải quý giá hơn biết bao! Như Chúa Giê-su giải thích, Đức Giê-hô-va biết rõ từng chi tiết về chúng ta. Ôi! Chính những sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được đếm rồi!
6. Tại sao chúng ta chắc rằng Chúa Giê-su thực tế khi nói tóc trên đầu chúng ta được đếm hết rồi?
6 Tóc của chúng ta được đếm rồi ư? Một số người có thể cho rằng Chúa Giê-su thiếu thực tế về sự kiện này. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ về hy vọng được sống lại. Đức Giê-hô-va phải biết chúng ta rõ đến mức nào hầu tái tạo chúng ta! Ngài quý trọng chúng ta đến mức nhớ từng chi tiết, kể cả mã di truyền và tất cả kinh nghiệm và ký ức mà chúng ta thu thập qua nhiều năm tháng.a So với điều này, thì việc đếm tóc trên đầu chúng ta—trung bình mỗi người có chừng 100.000 sợi tóc—chỉ là một việc đơn giản.
Đức Giê-hô-va quý trọng điều gì nơi chúng ta?
7, 8. (a) Đức Giê-hô-va vui thích thấy một số đức tính nào khi dò xét tấm lòng con người? (b) Đức Giê-hô-va xem trọng một số công việc nào của chúng ta?
7 Thứ nhì, Kinh Thánh dạy chúng ta biết những điều mà Đức Giê-hô-va quý trọng nơi các tôi tớ của Ngài. Nói một cách giản dị, Ngài lấy làm vui thích các tính tốt và nỗ lực của chúng ta. Vua Đa-vít bảo con trai ông, Sa-lô-môn: “Đức Giê-hô-va dò-xét tấm-lòng, và phân-biệt các ý-tưởng”. (1 Sử-ký 28:9) Khi Đức Giê-hô-va dò xét tấm lòng hàng tỉ người trong thế gian đầy bạo lực, hận thù này, Ngài hẳn vui thích biết bao khi tìm thấy một tấm lòng yêu chuộng hòa bình, lẽ thật, và sự công bình! Khi Đức Chúa Trời tìm thấy một tấm lòng chan chứa tình yêu thương đối với Ngài, cố gắng học biết về Ngài và chia sẻ sự hiểu biết ấy với người khác, thì Ngài sẽ nghĩ gì? Đức Giê-hô-va bảo cho chúng ta biết Ngài chú ý đến những ai nói với người khác về Ngài. Thậm chí Ngài có cả “một sách để ghi-nhớ” tất cả “những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”. (Ma-la-chi 3:16) Những đức tính như thế đáng quý đối với Ngài.
8 Đâu là một số việc tốt lành mà Đức Giê-hô-va xem trọng? Tất nhiên là các nỗ lực của chúng ta nhằm noi gương Con Ngài, Chúa Giê-su Christ. (1 Phi-e-rơ 2:21) Một công việc thiết yếu mà Đức Chúa Trời xem trọng là truyền bá tin mừng về Nước Trời. Nơi Rô-ma 10:15, chúng ta đọc: “Những bàn chân kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!” Bình thường có thể chúng ta không nghĩ bàn chân chúng ta “tốt-đẹp”, hay xinh xắn. Nhưng nơi đây chân biểu trưng cho các nỗ lực của tôi tớ Đức Giê-hô-va trong việc rao giảng tin mừng. Tất cả những nỗ lực như thế đều tốt đẹp và quý giá dưới mắt Ngài.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.
9, 10. (a) Tại sao có thể yên tâm rằng Đức Giê-hô-va xem trọng sự chịu đựng của chúng ta trước nhiều khó khăn? (b) Đức Giê-hô-va không bao giờ có quan điểm tiêu cực nào về những tôi tớ trung thành của Ngài?
9 Đức Giê-hô-va cũng xem trọng sự chịu đựng của chúng ta. (Ma-thi-ơ 24:13) Hãy nhớ rằng Sa-tan muốn bạn từ bỏ Đức Giê-hô-va. Ngày nào bạn vẫn còn trung thành với Đức Giê-hô-va thì ngày ấy bạn giúp cung cấp câu trả lời đáp lại lời sỉ nhục của Sa-tan. (Châm-ngôn 27:11) Chịu đựng đôi khi không phải dễ dàng. Bệnh tật, khó khăn về tài chính, chán nản và những trở ngại khác có thể làm cho mỗi ngày trôi qua là một thử thách. Những điều mong ước nhưng vẫn chưa được toại nguyện cũng có thể gây nản lòng. (Châm-ngôn 13:12) Sự chịu đựng trước những thử thách như thế càng được Đức Giê-hô-va quý trọng hơn. Đó là lý do tại sao Vua Đa-vít xin Đức Giê-hô-va chứa những giọt nước mắt của ông trong “ve”, rồi ông nói thêm với niềm tin chắc: “Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” (Thi-thiên 56:8) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va coi trọng và nhớ tất cả những giọt nước mắt và sự đau khổ mà chúng ta chịu đựng trong khi vẫn trung thành với Ngài. Những điều ấy quý giá dưới mắt Ngài.
Đức Giê-hô-va xem trọng sự chịu đựng của chúng ta trước các thử thách
10 Khi lòng chúng ta tự lên án, nó có thể phủ nhận bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời xem trọng chúng ta. Nó có thể cứ mãi thì thầm bên tai: ‘Nhưng có rất nhiều người khác gương mẫu hơn tôi. Đức Giê-hô-va hẳn thất vọng biết bao khi so sánh tôi với họ!’ Đức Giê-hô-va không so sánh; Ngài cũng không suy nghĩ cứng nhắc hoặc khắt khe. (Ga-la-ti 6:4) Ngài tinh tế đọc thấu lòng chúng ta, và quý trọng điều tốt—dù nhỏ đến đâu.
Đức Giê-hô-va tách biệt cái tốt và cái xấu
11. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua cách Ngài xử trí trường hợp của A-bi-gia?
11 Thứ ba, khi Đức Giê-hô-va xem xét tấm lòng chúng ta, Ngài lựa lọc cẩn thận, tìm kiếm cái tốt. Thí dụ, khi Đức Giê-hô-va quy định rằng cả gia đình bội đạo của Vua Giê-rô-bô-am sẽ bị hành quyết, Ngài ra lệnh chôn cất tử tế cho A-bi-gia, một trong những con trai của vua. Tại sao vậy? “Vì... nơi nó có chút lòng tốt đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”. (1 Các Vua 14:1, 10-13) Như thể là Đức Giê-hô-va sàng lọc lòng người trai trẻ ấy và tìm thấy “chút lòng tốt”. Dù chút lòng tốt ấy nhỏ bé hoặc tầm thường đến mức nào, Đức Giê-hô-va thấy nó đáng được ghi nhận trong Lời Ngài. Thậm chí Ngài còn ban thưởng cho chút lòng tốt ấy, bằng cách biểu lộ một mức độ khoan dung thích đáng đối với một người thuộc gia đình bội đạo.
12, 13. (a) Trường hợp của Vua Giô-sa-phát cho thấy Đức Giê-hô-va tìm cái tốt nơi chúng ta như thế nào ngay cả khi chúng ta phạm tội? (b) Xét về việc lành và các tính tốt của chúng ta, Đức Giê-hô-va xử sự như người Cha trìu mến như thế nào?
12 Có thể thấy một thí dụ thậm chí tuyệt vời hơn nữa về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va trong trường hợp Giô-sa-phát, một vị vua tốt. Khi vua phạm vào một hành động dại dột, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va nói với vua: “Bởi cớ đó, có cơn giận của Đức Giê-hô-va đến trên vua”. Thật là nghiêm trọng! Nhưng thông điệp của Đức Giê-hô-va không ngừng ở đấy. Nhà tiên tri nói tiếp: “Nhưng trong vua có điều lành”. (2 Sử-ký 19:1-3) Vậy sự phẫn nộ chính đáng của Đức Giê-hô-va không cản trở Ngài nhận thấy điều tốt nơi Giô-sa-phát. Thật khác hẳn với con người bất toàn biết bao! Khi tức giận người khác, chúng ta có khuynh hướng trở nên mù quáng, không nhận thấy điều tốt nơi họ. Và khi phạm tội, nỗi thất vọng, xấu hổ, và tội lỗi có thể làm chúng ta mù quáng, không nhận thấy những điều tốt nơi bản thân. Song, hãy nhớ rằng, nếu chúng ta ăn năn tội lỗi và phấn đấu để không tái phạm, Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta.
13 Khi Đức Giê-hô-va xem xét bạn, Ngài loại bỏ những tội lỗi như thế, gần giống như người đãi cát tìm vàng loại ra những viên sỏi vô giá trị. Còn các đức tính và việc làm tốt của bạn thì sao? A! Ấy là những “thỏi vàng” Ngài giữ lại! Bạn đã bao giờ lưu ý thấy cách mà những bậc cha mẹ trìu mến, trân trọng giữ gìn những tranh vẽ hoặc công trình nghiên cứu trong lớp của con cái họ, có khi hàng thập kỷ sau khi con cái họ đã quên những thứ ấy rồi không? Đức Giê-hô-va là Cha trìu mến nhất. Ngài không bao giờ quên những việc lành và các đức tính tốt của chúng ta, miễn là chúng ta tiếp tục trung thành với Ngài. Thực vậy, việc quên đi những điều này đối với Ngài là không công bình, và Ngài không bao giờ không công bình. (Hê-bơ-rơ 6:10) Ngoài ra, Ngài cũng sàng lọc lấy cái tốt của chúng ta theo một cách khác.
14, 15. (a) Tại sao sự bất toàn của chúng ta không cản trở Đức Giê-hô-va thấy cái tốt nơi chúng ta? Hãy minh họa. (b) Đức Giê-hô-va sẽ làm gì với cái tốt Ngài thấy nơi chúng ta, và Ngài xem những người trung thành như thế nào?
14 Đức Giê-hô-va không chỉ thấy sự bất toàn của chúng ta mà còn thấy tiềm năng của chúng ta nữa. Để minh họa: Những người yêu nghệ thuật sẽ bỏ ra nhiều công sức để phục chế những bức tranh hoặc những công trình nghệ thuật đã bị hư hại nặng. Chẳng hạn, một việc đã xảy ra ở phòng trưng bày tác phẩm hội họa National Gallery ở Luân Đôn, Anh Quốc, có một kẻ đã bắn vào và làm hư hại bức tranh trị giá chừng 30 triệu Mỹ kim của nhà danh họa Leonardo da Vinci. Không ai đề nghị vứt bỏ bức tranh vì giờ đây nó đã bị hư hại. Người ta bắt tay ngay vào việc phục chế kiệt tác này, một tác phẩm đã có gần 500 năm nay. Tại sao vậy? Vì bức tranh ấy quý giá trong mắt của những người yêu nghệ thuật. Chẳng lẽ bạn không có giá trị hơn bức họa vẽ bằng phấn và chì than sao? Dưới mắt Đức Chúa Trời chắc chắn bạn có giá trị—bất luận bạn có bị hư hại đến đâu vì sự bất toàn di truyền. (Thi-thiên 72:12-14) Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa khéo léo của gia đình nhân loại, sẽ thực hiện những điều cần thiết nhằm mang tất cả những ai hưởng ứng sự chăm sóc yêu thương của Ngài trở lại tình trạng hoàn toàn.—Công-vụ 3:21; Rô-ma 8:20-22.
15 Thực vậy, có thể chúng ta không thấy cái tốt nơi mình, nhưng Đức Giê-hô-va lại thấy. Và khi chúng ta phụng sự Ngài, Ngài sẽ làm cho cái tốt phát huy đến khi cuối cùng chúng ta trở nên hoàn toàn. Dù thế gian của Sa-tan đối xử với chúng ta thế nào, Đức Giê-hô-va vẫn xem tôi tớ trung thành của Ngài là những sự ao ước, tức đáng chuộng.—A-ghê 2:7.
Đức Giê-hô-va tích cực biểu lộ tình yêu thương
16. Đâu là bằng chứng lớn nhất về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta, và làm sao biết món quà này dành cho cá nhân chúng ta?
16 Thứ tư, Đức Giê-hô-va làm nhiều điều để chứng tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta. Chắc chắn sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ là câu trả lời hữu hiệu nhất cho lời nói dối của Sa-tan cho rằng chúng ta vô giá trị hoặc không đáng yêu thương. Đừng bao giờ quên rằng cái chết đau đớn Chúa Giê-su phải chịu trên cây khổ hình và nỗi đau còn lớn hơn thế mà Đức Giê-hô-va trải qua khi chứng kiến cảnh Con yêu dấu của Ngài chết, là bằng chứng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Đáng tiếc thay, nhiều người thấy khó tin rằng món quà này dành cho cá nhân họ. Họ cảm thấy không xứng đáng. Song, hãy nhớ rằng sứ đồ Phao-lô trước kia đã bắt bớ môn đồ Đấng Christ. Dù vậy, ông viết: “Con Đức Chúa Trời... đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”.—Ga-la-ti 1:13; 2:20, chúng tôi viết nghiêng.
17. Đức Giê-hô-va đưa chúng ta đến với Ngài và Con Ngài qua những cách nào?
17 Đức Giê-hô-va chứng tỏ tình yêu thương của Ngài bằng cách giúp cá nhân chúng ta tận dụng các lợi ích của sự hy sinh của Đấng Christ. Chúa Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Đúng vậy, chính Đức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến Con Ngài và hy vọng sống đời đời. Bằng cách nào? Bằng công việc rao giảng và bằng thánh linh. Công việc rao giảng đến với mỗi cá nhân chúng ta và Đức Giê-hô-va sử dụng thánh linh giúp chúng ta hiểu và áp dụng những lẽ thật thiêng liêng, dù chúng ta bất toàn và khả năng có hạn. Vì vậy, Đức Giê-hô-va có thể nói về chúng ta như Ngài đã nói về dân Y-sơ-ra-ên: “Ta đã lấy sự yêu-thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân-từ mà kéo ngươi đến”.—Giê-rê-mi 31:3.
18, 19. (a) Đâu là cách mật thiết nhất mà Đức Giê-hô-va chứng tỏ tình yêu thương đối với chúng ta, và điều gì cho thấy Ngài đích thân chăm lo việc đó? (b) Lời Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta như thế nào rằng Ngài là Đấng lắng nghe đầy thấu cảm?
18 Có lẽ qua đặc ân cầu nguyện mà chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va một cách mật thiết nhất. Kinh Thánh mời mỗi người chúng ta “cầu-nguyện không thôi” với Đức Chúa Trời. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17) Ngài lắng nghe. Ngài còn được gọi là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. (Thi-thiên 65:2) Ngài không trao nhiệm vụ này cho bất cứ ai khác, ngay cả chính Con Ngài. Hãy suy nghĩ: Đấng Tạo Hóa của vũ trụ thúc giục chúng ta đến gần Ngài qua lời cầu nguyện và tự do bày tỏ cảm nghĩ. Và Ngài là Đấng lắng nghe như thế nào? Lạnh lùng, dửng dưng, không quan tâm chăng? Tuyệt nhiên là không.
19 Đức Giê-hô-va có lòng thấu cảm. Thấu cảm là gì? Một tín đồ Đấng Christ cao tuổi và trung thành đã nói: “Thấu cảm là cảm nhận nỗi đau của bạn trong lòng tôi”. Nỗi đau của bạn có thật sự ảnh hưởng đến Đức Giê-hô-va không? Liên quan đến nỗi khổ của dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta đọc: “Hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ”. (Ê-sai 63:9) Đức Giê-hô-va không chỉ thấy những vấn đề của họ, Ngài còn cảm thương dân Ngài. Những lời chính Đức Giê-hô-va nói với các tôi tớ Ngài cho thấy Ngài cảm thương họ đến độ nào: “Kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta”.b (Xa-cha-ri 2:8 [2:12, Tòa Tổng Giám Mục]) Điều đó gây đau đớn biết bao! Đúng vậy, Đức Giê-hô-va cảm thương chúng ta. Khi chúng ta đau đớn, Ngài cũng đau đớn.
20. Chúng ta phải tránh lối suy nghĩ không thăng bằng nào nếu muốn vâng theo lời khuyên nơi Rô-ma 12:3?
20 Những bằng chứng như trên cho thấy Đức Chúa Trời yêu thương và coi trọng các tôi tớ Ngài. Người tín đồ Đấng Christ thăng bằng không vin vào đó để sinh ra kiêu ngạo hay tự cao tự đại. Sứ đồ Phao lô viết: “Nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường, y theo lượng đức-tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người”. (Rô-ma 12:3) Một bản dịch khác viết: “Tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức”. (TTGM) Vậy trong khi tận hưởng tình yêu thương nồng nàn của Cha chúng ta trên trời, chúng ta hãy sáng suốt nhớ rằng không thể làm gì để đánh đổi được hoặc xứng đáng với tình yêu của Đức Chúa Trời.—Lu-ca 17:10.
21. Chúng ta phải liên tục chống chọi với những lời nói dối nào của Sa-tan, và có thể tiếp tục trấn an lòng mình bằng lẽ thật nào của Đức Chúa Trời?
21 Mỗi người trong chúng ta hãy cố gắng hết sức để bác bỏ mọi lời dối trá của Sa-tan, kể cả lời nói dối là chúng ta vô giá trị hoặc không đáng được yêu thương. Nếu những sự việc mà bạn trải nghiệm trong đời khiến bạn cảm thấy bản thân là một trở ngại quá lớn, đến cả tình yêu thương bao la của Đức Chúa Trời cũng không thể khắc phục, hoặc xem những việc tốt lành của bạn quá nhỏ mọn đến nỗi con mắt thấy hết mọi sự của Ngài cũng không thể thấy, hoặc bạn xem tội lỗi mình quá nhiều, đến cả sự chết của Con yêu quý của Ngài cũng không chuộc được; thì bạn đã bị mắc lừa đấy. Hãy hết lòng bác bỏ những điều dối trá như thế! Chúng ta hãy tiếp tục trấn an lòng mình bằng lẽ thật diễn đạt trong lời được soi dẫn của Phao lô: “Tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống, các thiên-sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền-phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”.—Rô-ma 8:38, 39.
a Kinh Thánh nhiều lần liên hệ hy vọng về sự sống lại với ký ức của Đức Giê-hô-va. Người trung thành Gióp nói với Đức Giê-hô-va: “Ôi! Chớ gì Chúa... định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi!” (Gióp 14:13, chúng tôi viết nghiêng). Chúa Giê-su nói đến sự sống lại của “mọi người ở trong mồ tưởng niệm”. Điều này thích đáng vì Đức Giê-hô-va hoàn toàn nhớ rõ những người chết mà Ngài định làm cho sống lại.—Giăng 5:28, 29, NW.
b Một vài bản dịch hàm ý người nào động đến dân của Đức Chúa Trời là động đến mắt mình hoặc mắt của dân Y-sơ-ra-ên, chứ không phải là mắt của Đức Chúa Trời. Lỗi này lọt vào Kinh Thánh là do một số người sao chép xem đoạn văn này thiếu tôn kính nên họ đã sửa đổi. Nỗ lực sai lầm của họ làm lu mờ mức độ mãnh liệt của lòng thấu cảm của Đức Giê-hô-va.