CHƯƠNG 26
Một Đức Chúa Trời ‘sẵn lòng tha-thứ’
1-3. (a) Người viết Thi-thiên Đa-vít đã mang gánh nặng nào,và làm sao ông tìm được niềm an ủi cho lòng sầu não của mình? (b) Khi phạm tội, chúng ta có thể phải gánh chịu hậu quả nặng nề nào, nhưng Đức Giê-hô-va bảo đảm với chúng ta điều gì?
“SỰ GIAN-ÁC tôi vượt qua đầu tôi”, người viết Thi-thiên Đa-vít đã viết như thế. “Nó nặng quá cho tôi, khác nào một gánh nặng. Tôi mệt-nhọc và rêm nhiều quá”. (Thi-thiên 38:4, 8) Đa-vít biết một lương tâm tội lỗi là một gánh nặng đến mức nào. Nhưng ông đã tìm được niềm an ủi cho lòng sầu não của mình. Ông biết dù Đức Giê-hô-va ghét tội lỗi, Ngài không ghét kẻ phạm tội nếu người đó thành thật ăn năn và từ bỏ con đường tội lỗi. Hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẵn lòng thương xót những kẻ biết ăn năn, Đa-vít nói: ‘Chúa ôi! Chúa... sẵn lòng tha-thứ’.—Thi-thiên 86:5.
2 Khi phạm tội, lòng chúng ta có thể nặng trĩu vì lương tâm giày vò. Cảm xúc hối hận là điều bổ ích. Nó có thể là động cơ thôi thúc chúng ta thực hiện những bước cần thiết để sửa chữa lỗi lầm. Tuy nhiên, nếu để lương tâm bị giày vò cùng cực vì mặc cảm tội lỗi thì thật nguy hiểm. Lòng chúng ta tự lên án, có thể khăng khăng cho rằng Đức Giê-hô-va sẽ không tha thứ, vô luận chúng ta ăn năn đến mức nào. Nếu chúng ta bị “chìm đắm” trong mặc cảm tội lỗi, Sa-tan có thể cố làm chúng ta buông xuôi, nghĩ rằng Đức Giê-hô-va xem chúng ta là vô giá trị, không xứng đáng phụng sự Ngài.—2 Cô-rinh-tô 2:5-11, Tòa Tổng Giám Mục.
3 Đức Giê-hô-va có nhìn sự việc như thế không? Tuyệt nhiên không! Tha thứ là một khía cạnh của tình yêu thương bao la của Đức Giê-hô-va. Trong Lời Ngài, Đức Chúa Trời trấn an chúng ta rằng khi chúng ta biểu lộ lòng ăn năn thành thật, Ngài sẵn lòng tha thứ. (Châm-ngôn 28:13) Nếu e sợ không thể nào được Đức Giê-hô-va tha thứ, hãy xét xem tại sao và bằng cách nào Ngài tha thứ cho chúng ta.
Lý do Đức Giê-hô-va ‘sẵn lòng tha-thứ’
4. Đức Giê-hô-va nhớ gì về bản chất của chúng ta, và điều này ảnh hưởng thế nào đến cách Ngài đối xử với chúng ta?
4 Đức Giê-hô-va biết chúng ta có những giới hạn. “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”, Thi-thiên 103:14 nói thế. Ngài không quên rằng chúng ta là những tạo vật bằng bụi đất, có những yếu đuối, tức nhược điểm, do hậu quả của sự bất toàn. Ngữ đoạn “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì” nhắc chúng ta nhớ Kinh Thánh ví Đức Giê-hô-va như thợ gốm và chúng ta như cái bình đất sét mà Ngài nắn.a (Giê-rê-mi 18:2-6) Thợ Gốm Vĩ Đại đối xử khoan hồng với chúng ta, tùy theo sự yếu đuối của bản chất tội lỗi và cách chúng ta vâng theo hoặc không vâng theo sự hướng dẫn của Ngài.
5. Sách Rô-ma miêu tả thế nào vòng kiềm tỏa mạnh mẽ của tội lỗi?
5 Đức Giê-hô-va hiểu tội lỗi mạnh như thế nào. Lời Ngài miêu tả tội lỗi là một lực rất mạnh siết chặt loài người. Vòng kiềm tỏa của tội lỗi mạnh mẽ đến mức nào? Trong sách Rô-ma, sứ đồ Phao-lô giải thích: Chúng ta “phục dưới quyền tội-lỗi”, như người lính phục dưới quyền vị chỉ huy (Rô-ma 3:9); tội lỗi “cai-trị” loài người giống như vua (Rô-ma 5:21); nó “ở trong” chúng ta (Rô-ma 7:17, 20); “luật” của nó luôn hoạt động trong chúng ta, như thể cố chi phối đường lối của chúng ta. (Rô-ma 7:23, 25) Vòng kiềm tỏa của tội lỗi siết chặt biết bao vào xác thịt bất toàn của chúng ta!—Rô-ma 7:21, 24.
6, 7. (a) Đức Giê-hô-va xem những người ăn năn và tìm lòng khoan dung của Ngài như thế nào? (b) Tại sao chúng ta không nên lợi dụng lòng khoan dung của Đức Chúa Trời?
6 Vì vậy, Đức Giê-hô-va biết chúng ta không thể vâng lời Ngài một cách hoàn toàn, bất luận chúng ta tha thiết ao ước vâng lời đến mức nào. Ngài yêu thương trấn an rằng khi chúng ta ăn năn và tìm kiếm lòng khoan dung của Ngài, Ngài sẽ mở rộng lòng tha thứ. Thi-thiên 51:17 nói: “Của-lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm-thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu”. Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ hắt hủi, tức xua đuổi, một tấm lòng “đau-thương thống-hối” vì mặc cảm tội lỗi giày vò.
7 Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta có thể lợi dụng lòng khoan dung của Đức Chúa Trời, vin vào bản chất tội lỗi để phạm tội? Chắc chắn không! Đức Giê-hô-va không bị tình cảm chi phối. Lòng khoan dung của Ngài có giới hạn. Ngài tuyệt nhiên không tha thứ những ai cứng lòng cố ý phạm tội, không tỏ ra một chút hối hận nào. (Hê-bơ-rơ 10:26) Mặt khác, khi thấy lòng ăn năn, Ngài sẵn sàng tha thứ. Giờ đây chúng ta hãy xem xét một số cách diễn đạt sống động mà Kinh Thánh dùng để miêu tả khía cạnh tuyệt diệu này của tình yêu thương của Đức Giê-hô-va.
Đức Giê-hô-va tha thứ đến mức nào?
8. Như thể Đức Giê-hô-va làm gì khi Ngài tha tội chúng ta, và điều này cho chúng ta niềm tin chắc nào?
8 Đa-vít, người biết ăn năn, đã nói: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi... Còn Chúa tha tội-ác của tôi”. (Thi-thiên 32:5, chúng tôi viết nghiêng). Từ ngữ “tha” được dịch từ chữ Hê-bơ-rơ có nghĩa cơ bản là “nhấc lên” hay “mang đi”. Cách dùng ở đây có nghĩa là mang đi “tội lỗi, lỗi lầm và sự vi phạm”. Vậy, như thể Đức Giê-hô-va nhấc tội lỗi của Đa-vít lên và mang đi. Chắc chắn điều này làm giảm mặc cảm tội lỗi mà Đa-vít mang trong lòng. (Thi-thiên 32:3) Chúng ta cũng có thể hoàn toàn vững tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng mang đi tội lỗi của những người tìm kiếm sự tha thứ của Ngài, dựa trên đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 20:28.
9. Đức Giê-hô-va đặt tội lỗi của chúng ta cách chúng ta bao xa?
9 Đa-vít cũng đã dùng lối diễn đạt sống động khác để miêu tả sự tha tội của Đức Giê-hô-va: “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi-phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu”. (Thi-thiên 103:12, chúng tôi viết nghiêng). Phương đông cách phương tây bao xa? Theo một nghĩa nào đó, phương đông luôn luôn cách phương tây một khoảng cực xa ngoài sức tưởng tượng; hai điểm này không bao giờ có thể gặp nhau. Một học giả nhận định rằng ngữ đoạn này có nghĩa “rất xa, xa ngoài sức tưởng tượng của chúng ta”. Những lời được soi dẫn của Đa-vít cho biết khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài đặt tội lỗi của chúng ta ở một nơi xa ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
10. Khi Đức Giê-hô-va tha thứ, tại sao chúng ta không nên cảm thấy mình phải mang vết nhơ tội lỗi ấy suốt đời?
10 Bạn đã bao giờ thử tẩy vết bẩn trên cái áo màu nhạt chưa? Dù bạn cố hết sức, có lẽ vết bẩn vẫn còn. Hãy lưu ý cách Đức Giê-hô-va miêu tả khả năng tha thứ của Ngài: “Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. (Ê-sai 1:18, chúng tôi viết nghiêng). Từ ngữ “hồng-điều” có nghĩa là màu đỏ tươi.b “Màu điều” là một trong những màu sậm của vật liệu được nhuộm. (Na-hum 2:3) Không bao giờ chúng ta có thể tẩy sạch vết nhơ của tội lỗi bằng nỗ lực riêng. Nhưng, ví dù tội lỗi có như hồng điều, thì Đức Giê-hô-va cũng có thể tẩy trắng như tuyết hay như lông chiên chưa nhuộm. Khi Đức Giê-hô-va tha thứ, chúng ta không nên cảm thấy mình phải mang vết nhơ tội lỗi ấy suốt đời.
11. Đức Giê-hô-va ném tội lỗi chúng ta ra sau lưng Ngài theo nghĩa nào?
11 Sau khi được cứu thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, Ê-xê-chia sáng tác một bài hát cảm động diễn đạt lòng biết ơn, trong đó ông nói với Đức Giê-hô-va: “Chúa đã ném mọi tội-lỗi tôi ra sau lưng Ngài”. (Ê-sai 38:17, chúng tôi viết nghiêng). Ở đây miêu tả là Đức Giê-hô-va lấy tội lỗi của người ăn năn và ném ra phía sau, Ngài không nhìn thấy và cũng không để ý đến nó nữa. Theo một nguồn có thẩm quyền, ý tưởng trên có thể diễn đạt như sau: “Ngài đã làm cho [tội lỗi tôi] biến mất như thể tôi chưa hề phạm”. Điều đó không làm chúng ta yên lòng sao?
12. Tiên tri Mi-chê cho thấy như thế nào rằng khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài vĩnh viễn xóa tội lỗi của chúng ta?
12 Trong lời hứa nói về sự khôi phục dân Y-sơ-ra-ên, tiên tri Mi-chê diễn đạt lòng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho dân tộc Ngài khi họ ăn năn: “Ai là Đức Chúa Trời giống như Ngài,... bỏ qua sự phạm-pháp của dân sót của sản-nghiệp Ngài?... Ngài sẽ ném hết thảy tội-lỗi chúng nó xuống đáy biển”. (Mi-chê 7:18, 19, chúng tôi viết nghiêng). Bạn hãy tưởng tượng ý nghĩa những lời ấy đối với những người sống vào thời Kinh Thánh được viết ra. Có thể nào lấy lại được cái gì đã ném “xuống đáy biển” không? Do đó những lời của Mi-chê cho thấy khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài vĩnh viễn xóa tội lỗi của chúng ta.
13. Lời của Chúa Giê-su “Xin tha tội nợ chúng tôi” có nghĩa gì?
13 Chúa Giê-su đã dùng mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ để minh họa lòng tha thứ của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su khuyên giục chúng ta cầu nguyện: “Xin tha tội nợ chúng tôi”. (Chúng tôi viết nghiêng; Ma-thi-ơ 6:12, Nguyễn Thế Thuấn). Như thế Chúa Giê-su đã ví tội lỗi như món nợ. (Lu-ca 11:4, NTT) Khi phạm tội, chúng ta “nợ” Đức Giê-hô-va. Nói về ý nghĩa của động từ Hy Lạp được dịch là “tha”, một tài liệu tham khảo nói: “Buông ra, bỏ một món nợ bằng cách không đòi lại”. Theo một nghĩa nào đó, khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài hủy bỏ món nợ đáng lý chúng ta phải trả. Do đó, những người ăn năn tội lỗi có thể yên lòng. Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ đòi chúng ta phải trả một món nợ mà Ngài đã hủy bỏ!—Thi-thiên 32:1, 2.
14. Ngữ đoạn “tội-lỗi mình được xóa đi” gợi lên hình ảnh nào trong trí?
14 Lòng tha thứ của Đức Giê-hô-va còn được diễn tả thêm nơi Công-vụ 3:19: “Vậy, các ngươi hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi”. (Chúng tôi viết nghiêng). Phần sau của câu này dịch một động từ Hy Lạp có thể có nghĩa là “xóa bỏ,... hủy bỏ hoặc phá hủy”. Theo một số học giả, hình ảnh được diễn tả ở đây là việc xóa chữ viết. Làm sao có thể thực hiện điều này? Loại mực thường dùng thời xưa được pha chế từ một hỗn hợp gồm cacbon, chất gôm và nước. Ngay sau khi sử dụng loại mực này, người viết có thể lấy miếng bọt biển ướt xóa đi chữ viết. Thật là một hình ảnh đẹp nói lên lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va. Khi Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta, việc đó như thể Ngài lấy miếng bọt biển xóa đi tội lỗi chúng ta.
Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết rằng ngài ‘sẵn lòng tha-thứ’
15. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết gì về Ngài?
15 Khi suy ngẫm về những minh họa khác nhau này, chẳng phải rõ ràng là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết Ngài thật sự sẵn lòng tha tội miễn là Ngài thấy chúng ta thành tâm ăn năn hay sao? Chúng ta không phải sợ rằng trong tương lai Ngài sẽ kết án chúng ta về những tội lỗi đó. Điều này được chứng minh bằng một sự kiện khác mà Kinh Thánh cho biết về lòng khoan dung bao la của Đức Giê-hô-va: Khi Ngài tha thứ, Ngài quên các tội lỗi ấy đi.
“Ta sẽ... chẳng nhớ tội chúng nó nữa”
16, 17. Khi Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va quên đi tội lỗi của chúng ta, điều đó có nghĩa gì, và tại sao bạn trả lời như thế?
16 Về những người trong giao ước mới, Đức Giê-hô-va hứa: “Ta sẽ tha sự gian-ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa”. (Giê-rê-mi 31:34) Phải chăng điều này nghĩa là khi tha thứ, Đức Giê-hô-va không thể nhớ lại tội lỗi nữa? Chắc chắn không. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi của nhiều người, kể cả Đa-vít. (2 Sa-mu-ên 11:1-17; 12:13) Rõ ràng Đức Giê-hô-va vẫn biết những lỗi lầm họ đã phạm. Tội lỗi cũng như sự ăn năn của họ, và sự tha thứ của Đức Chúa Trời được ghi lại và lưu truyền vì lợi ích của chúng ta. (Rô-ma 15:4) Vậy, Kinh Thánh muốn nói gì khi cho biết rằng Đức Giê-hô-va không “nhớ” tội lỗi của những người Ngài tha thứ?
17 Động từ Hê-bơ-rơ được dịch là “nhớ” có nghĩa rộng hơn là chỉ nhớ lại quá khứ. Một sách tham khảo nhận định rằng từ ngữ đó bao hàm “ngụ ý hành động một cách thích hợp”. (Theological Wordbook of the Old Testament) Vậy theo nghĩa này, “nhớ” tội lỗi bao hàm việc hành động để trừng phạt kẻ phạm tội. (Ô-sê 9:9) Nhưng khi Đức Chúa Trời nói “Ta sẽ... chẳng nhớ tội chúng nó nữa”, Ngài trấn an chúng ta là một khi Ngài tha thứ cho những người ăn năn tội lỗi, Ngài sẽ không trừng phạt họ sau này vì những tội lỗi đó nữa. (Ê-xê-chi-ên 18:21, 22) Do đó, Đức Giê-hô-va quên đi theo nghĩa là Ngài không nêu đi nêu lại những tội lỗi ấy để kết án hoặc trừng phạt chúng ta nhiều lần. Biết Đức Chúa Trời tha thứ và quên đi tội lỗi của chúng ta không là điều an ủi sao?
Thế còn hậu quả của việc phạm tội?
18. Tại sao được tha thứ không có nghĩa là người ăn năn được miễn trừ mọi hậu quả của đường lối sai lầm?
18 Phải chăng việc Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ có nghĩa là một người ăn năn tội lỗi được miễn trừ mọi hậu quả? Hoàn toàn không. Chúng ta không thể phạm tội mà lại có thể tránh hậu quả tai hại. Phao-lô viết: “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. (Ga-la-ti 6:7) Chúng ta có thể gánh chịu hậu quả do hành động mình gây ra. Điều này không có nghĩa là sau khi mở rộng lòng tha thứ, Đức Giê-hô-va lại gây tai họa cho chúng ta. Khi khó khăn nảy sinh, tín đồ Đấng Christ không nên nghĩ: ‘Có lẽ Đức Giê-hô-va đang trừng phạt tôi vì tội lỗi trong quá khứ’. (Gia-cơ 1:13) Mặt khác, Đức Giê-hô-va không che chở chúng ta khỏi mọi hậu quả của hành động sai trái. Ly dị, có thai ngoài ý muốn, mắc bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, mất tín nhiệm và mất sự kính trọng—tất cả những điều này có thể là hậu quả đau buồn, không thể tránh được của tội lỗi. Hãy nhớ rằng ngay cả sau khi Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi của Đa-vít liên quan đến Bát-sê-ba và U-ri, Ngài không che chở Đa-vít khỏi những hậu quả tai hại do tội lỗi gây ra.—2 Sa-mu-ên 12:9-12.
19-21. (a) Luật lệ nơi Lê-vi Ký 6:1-7 có lợi ích cho cả nạn nhân lẫn người phạm tội như thế nào? (b) Nếu người khác bị tổn thương vì tội lỗi của chúng ta, chúng ta phải làm gì để Đức Giê-hô-va vui lòng?
19 Tội lỗi của chúng ta có thể gây ra những hậu quả khác nữa, nhất là khi người khác bị thiệt hại vì hành động của chúng ta. Chẳng hạn, hãy xem xét lời tường thuật ở Lê-vi Ký chương 6. Nơi đây, Luật Pháp Môi-se nói đến trường hợp một người phạm tội nghiêm trọng bằng cách chiếm đoạt đồ đạc của người khác qua việc cướp bóc, tống tiền, hoặc lừa đảo. Rồi kẻ phạm tội chối tội, thậm chí cả gan đến nỗi thề dối nữa. Lời khai của hai bên mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, sau đó kẻ phạm tội bị lương tâm cắn rứt nên thú nhận tội. Để được Đức Chúa Trời tha thứ, người ấy phải làm thêm ba điều: bồi hoàn vật đã lấy, trả cho nạn nhân một món tiền phạt bằng 20 phần trăm trị giá vật đã lấy, và dâng con chiên đực để chuộc tội. Rồi, luật pháp nói: “Thầy tế-lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho người trước mặt Đức Giê-hô-va, thì lỗi người sẽ được tha”.—Lê-vi Ký 6:1-7.
20 Luật pháp này là một sắp đặt đầy khoan dung của Đức Chúa Trời. Nó có lợi cho nạn nhân, vì được bồi hoàn tài sản và chắc chắn cảm thấy rất nhẹ nhõm khi cuối cùng kẻ phạm tội biết nhận lỗi. Đồng thời, luật pháp này có lợi cho người được lương tâm thôi thúc thú nhận và sửa chữa lỗi lầm. Quả thật, nếu người ấy không làm thế, Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ.
21 Mặc dù không còn ở dưới Luật Pháp Môi-se, nhưng Luật đó giúp chúng ta hiểu rõ ý tưởng của Đức Giê-hô-va, kể cả lối suy nghĩ của Ngài về sự tha thứ. (Cô-lô-se 2:13, 14) Nếu người khác bị tổn thương vì tội lỗi của chúng ta, Đức Chúa Trời vui lòng khi chúng ta cố gắng sửa chữa lỗi lầm. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Điều này bao gồm việc thừa nhận và thú tội, thậm chí xin lỗi nạn nhân. Rồi chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va dựa vào sự hy sinh của Chúa Giê-su, và yên lòng rằng mình được Đức Chúa Trời tha thứ.—Hê-bơ-rơ 10:21, 22.
22. Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có thể kèm theo điều gì?
22 Như bất cứ người cha nào có lòng yêu thương, Đức Giê-hô-va có thể rộng lòng tha thứ đồng thời Ngài sửa trị chúng ta ở mức nào đó. (Châm-ngôn 3:11, 12) Một tín đồ Đấng Christ ăn năn có thể phải mất đi đặc ân phục vụ với tư cách là trưởng lão, tôi tớ thánh chức, hoặc người rao giảng trọn thời gian. Mất đi những đặc ân quý giá trong một thời gian có thể là điều đau buồn. Tuy nhiên, sự sửa trị như thế không có nghĩa là Đức Giê-hô-va không tha thứ. Phải nhớ rằng sự sửa trị của Đức Giê-hô-va là bằng chứng về tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta. Chấp nhận và áp dụng sự sửa trị ấy có lợi ích lớn cho chúng ta.—Hê-bơ-rơ 12:5-11.
23. Tại sao đừng bao giờ kết luận rằng Đức Giê-hô-va không mở rộng lòng khoan dung đối với chúng ta, và tại sao phải noi gương tha thứ của Ngài?
23 Thật khoan khoái làm sao khi biết Đức Chúa Trời chúng ta ‘sẵn lòng tha-thứ’! Dù có thể đã phạm lỗi lầm, chúng ta đừng bao giờ kết luận rằng Đức Giê-hô-va không mở rộng lòng khoan dung đối với chúng ta. Nếu thành thật ăn năn, hành động để sửa chữa điều sai trái, và khẩn thiết cầu xin sự tha thứ dựa vào huyết của Chúa Giê-su đã đổ ra, chúng ta có thể vững tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ. (1 Giăng 1:9) Chúng ta hãy noi gương tha thứ của Ngài trong cách cư xử với nhau. Nói cho cùng, nếu Đức Giê-hô-va, Đấng không tội lỗi, có thể yêu thương tha thứ chúng ta đến thế, thì lẽ nào chúng ta là người có tội lại không hết sức tha thứ lẫn nhau?
a Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “chúng tôi nắn nên bởi giống gì” cũng được dùng trong trường hợp những bình đất sét được người thợ gốm nắn.—Ê-sai 29:16.
b Một học giả nói rằng hồng điều “là một màu bền, tức không phai. Dù sương, mưa, giặt giũ hoặc sử dụng lâu ngày cũng không làm đổi màu”.