CHƯƠNG 3
‘Tôi có lòng khiêm nhường’
1-3. Chúa Giê-su đã vào thành Giê-ru-sa-lem như thế nào, và tại sao một số người có lẽ bất ngờ?
Thành Giê-ru-sa-lem nhộn nhịp trong bầu không khí phấn khởi. Một người vĩ đại sắp đến! Bên ngoài thành, dân chúng tụ họp dọc theo con đường. Họ đang háo hức chào đón người ấy, vì một số người nói rằng ông là nhân vật kế thừa ngôi Đa-vít và là vua chính đáng của Y-sơ-ra-ên. Nhiều người mang theo nhánh chà là để vẫy chào; những người khác trải áo ngoài và nhánh cây để lót đường (Ma-thi-ơ 21:7, 8; Giăng 12:12, 13). Có lẽ nhiều người thắc mắc vị vua ấy sẽ vào thành như thế nào.
2 Có thể một số người chờ đợi màn ra mắt ấn tượng. Hẳn họ biết đến những nhân vật có thế lực đã ra mắt một cách phô trương. Chẳng hạn, con trai của Đa-vít là Áp-sa-lôm tự phong mình là vua và lệnh cho 50 người chạy trước cỗ xe ngựa của ông (2 Sa-mu-ên 15:1, 10). Nhà cai trị La Mã là Julius Caesar còn cầu kỳ hơn thế. Có lần ông dẫn đầu một cuộc diễu hành chiến thắng lên đồi Capitoline của Rô-ma, hai bên có 40 con voi mang theo những chiếc đèn! Nhưng lúc này, dân thành Giê-ru-sa-lem đang chờ đợi một người vĩ đại hơn rất nhiều. Dù họ có hiểu điều này hay không thì đó chính là Đấng Mê-si, người vĩ đại nhất đã từng sống. Nhưng khi vị vua tương lai vào thành, có lẽ một số người bất ngờ.
3 Họ không thấy xe, không thấy người chạy trước, không thấy ngựa và dĩ nhiên chẳng có con voi nào. Thay vì thế, Chúa Giê-su đang cưỡi một con vật thấp hèn chuyên chở hàng—con lừa.a Cả con vật lẫn người cưỡi đều không được khoác những bộ trang phục lộng lẫy. Thay cho cái yên đắt tiền là vài cái áo mà các môn đồ thân cận của Chúa Giê-su đã trải lên lưng con vật. Tại sao Chúa Giê-su chọn cách tầm thường như thế để vào thành Giê-ru-sa-lem, trong khi những người thấp kém hơn ngài lại chọn sự phô trương và kiểu cách?
4. Kinh Thánh báo trước điều gì liên quan đến cách Vua Mê-si vào thành Giê-ru-sa-lem?
4 Chúa Giê-su đang làm ứng nghiệm lời tiên tri: “Hãy vui mừng khôn xiết!... Hãy cất tiếng tung hô, hỡi con gái Giê-ru-sa-lem! Kìa! Vua ngươi đang đến với ngươi. Người là công chính, đem sự giải cứu, người cũng khiêm nhường và cưỡi lừa” (Xa-cha-ri 9:9). Lời tiên tri này cho thấy, một ngày trong tương lai, Đấng Được Xức Dầu của Đức Chúa Trời, tức Đấng Mê-si, sẽ cho dân thành Giê-ru-sa-lem biết mình là vị Vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Cách ngài tiết lộ về mình, gồm cả việc chọn cưỡi lừa, thể hiện một đức tính tuyệt vời—khiêm nhường.
5. Tại sao chúng ta thấy cảm động khi nghĩ đến tính khiêm nhường của Chúa Giê-su? Vì sao tập noi theo gương khiêm nhường của ngài là điều quan trọng?
5 Sự khiêm nhường là một trong những đức tính thu hút nhất của Chúa Giê-su. Chúng ta thấy cảm động khi nghĩ đến đức tính này. Như đã thảo luận trong chương trước, chỉ một mình Chúa Giê-su là “đường đi, chân lý và sự sống” (Giăng 14:6). Rõ ràng, không ai trong hàng tỉ người từng sống trên đất có vai trò quan trọng như Con Đức Chúa Trời. Dù vậy, Chúa Giê-su không bao giờ tỏ ra tự phụ, kiêu ngạo hoặc quá xem trọng bản thân, những điều mà vô số người bất toàn mắc phải. Để làm môn đồ Đấng Ki-tô, chúng ta phải kháng cự khuynh hướng kiêu ngạo (Gia-cơ 4:6). Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va ghét sự kiêu ngạo. Vậy, thật quan trọng khi chúng ta tập noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su.
Thể hiện tính khiêm nhường từ xa xưa
6. Khiêm nhường là gì, và làm sao Đức Giê-hô-va biết Đấng Mê-si sẽ khiêm nhường?
6 Khiêm nhường là không kiêu ngạo hay tự cao. Đó là phẩm chất xuất phát từ lòng và thể hiện qua lời nói, hạnh kiểm cũng như cách đối xử của một người. Làm sao Đức Giê-hô-va biết Đấng Mê-si sẽ khiêm nhường? Vì ngài biết Con phản ánh sự khiêm nhường hoàn hảo của chính mình (Giăng 10:15). Ngài cũng tận mắt thấy Con thể hiện sự khiêm nhường. Như thế nào?
7-9. (a) Mi-ca-ên đã thể hiện tính khiêm nhường như thế nào khi chạm trán với Sa-tan? (b) Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể noi gương Mi-ca-ên như thế nào trong việc thể hiện tính khiêm nhường?
7 Sách Giu-đe cho biết một ví dụ điển hình: “Khi thiên sứ trưởng Mi-ca-ên tranh cãi với Ác Quỷ về thi thể của Môi-se, ngài cũng không dám kết án hắn bằng những lời xúc phạm, mà chỉ nói: ‘Nguyện Đức Giê-hô-va quở trách ngươi’” (Giu-đe 9). Mi-ca-ên là tên của Chúa Giê-su trước và sau khi ngài sống trên đất, trong vai trò thiên sứ trưởng, tức tướng đạo quân thiên sứ của Đức Giê-hô-vab (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Nhưng hãy lưu ý cách Mi-ca-ên phản ứng khi chạm trán với Sa-tan.
8 Lời tường thuật của Giu-đe không cho biết Sa-tan muốn làm gì với thi thể Môi-se, nhưng chắc chắn hắn có âm mưu hiểm độc. Có lẽ hắn muốn dùng hài cốt của Môi-se để cổ vũ sự thờ phượng sai lầm. Mi-ca-ên chống cự âm mưu của Sa-tan, nhưng ngài vẫn thể hiện tính tự chủ đáng khâm phục. Chắc chắn Sa-tan đáng bị quở trách, nhưng khi Mi-ca-ên tranh cãi với hắn, ngài chưa được giao “mọi quyền phán xét”, vì thế ngài thấy chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền kết án hắn (Giăng 5:22). Là thiên sứ trưởng, Mi-ca-ên có quyền hành lớn. Nhưng ngài đã khiêm nhường chờ đợi Đức Giê-hô-va thay vì vượt quyền. Ngoài tính khiêm nhường, Chúa Giê-su còn thể hiện tính khiêm tốn, tức nhận biết giới hạn của mình.
9 Đức Chúa Trời hướng dẫn Giu-đe ghi lại sự kiện này vì một số tín đồ thời đó không khiêm nhường. Họ kiêu ngạo “nói phạm đến mọi điều mình không thật sự hiểu” (Giu-đe 10). Là người bất toàn, chúng ta rất dễ bị tính kiêu ngạo chế ngự. Khi không hiểu một điều gì đó xảy ra trong hội thánh, có lẽ liên quan đến một quyết định của hội đồng trưởng lão, chúng ta phản ứng thế nào? Nếu nói tiêu cực, chỉ trích dù không biết rõ mọi yếu tố dẫn đến quyết định ấy, chẳng phải chúng ta đang cho thấy mình thiếu khiêm nhường sao? Hãy noi gương thiên sứ trưởng Mi-ca-ên và không “phán xét” những vấn đề ngoài quyền hạn của mình.
10, 11. (a) Tại sao việc Con Đức Chúa Trời sẵn lòng xuống trái đất là điều đáng chú ý? (b) Làm thế nào chúng ta noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su?
10 Con Đức Chúa Trời cũng thể hiện tính khiêm nhường qua việc nhận nhiệm vụ xuống trái đất. Hãy xem những gì ngài bỏ lại phía sau. Ngài là thiên sứ trưởng. Ngài cũng là “Ngôi Lời”, tức Phát Ngôn Viên của Đức Giê-hô-va (Giăng 1:1-3). Ngài sống trên trời, “ngự trên cao thánh khiết và vinh hiển” của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 63:15). Dù thế, Con Đức Chúa Trời đã “từ bỏ tất cả, mặc lấy hình dạng đầy tớ và trở thành con người” (Phi-líp 2:7). Hãy xem sứ mạng của ngài bao hàm điều gì. Sự sống của ngài được chuyển vào bụng một trinh nữ Do Thái. Chín tháng sau, ngài được sinh ra là một em bé yếu ớt trong gia đình người thợ mộc nghèo. Ngài dần lớn lên thành cậu bé, rồi thành thiếu niên. Dù là người hoàn hảo nhưng trong suốt thời niên thiếu, ngài đã vâng phục cha mẹ bất toàn (Lu-ca 2:40, 51, 52). Thật là gương xuất sắc về sự khiêm nhường!
11 Chúng ta có noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su bằng cách sẵn sàng đảm nhận những công việc đôi khi có vẻ thấp kém không? Chẳng hạn, nhiệm vụ rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời có vẻ thấp kém khi người ta thờ ơ, chế giễu hoặc chống đối (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Tuy nhiên, khi kiên trì rao giảng, có thể chúng ta sẽ giúp một số người nhận được sự cứu rỗi. Dù kết quả là gì, chúng ta sẽ học được rất nhiều về tính khiêm nhường và bước theo dấu chân Chủ mình là Chúa Giê-su Ki-tô.
Chúa Giê-su khiêm nhường khi làm người
12-14. (a) Chúa Giê-su thể hiện tính khiêm nhường như thế nào khi người ta khen ngợi ngài? (b) Chúa Giê-su đối xử khiêm nhường với người khác qua những cách nào? (c) Điều gì cho thấy sự khiêm nhường của Chúa Giê-su không phải là chiếu lệ hay phép lịch sự?
12 Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, thánh chức trên đất của Chúa Giê-su được đánh dấu bằng sự khiêm nhường. Điều này thấy rõ khi ngài quy mọi lời khen ngợi và sự vinh hiển cho Cha. Đôi lúc người ta khen ngợi Chúa Giê-su vì những phép lạ kỳ diệu, lời nói khôn ngoan và đức tính tốt lành của ngài. Nhưng hết lần này đến lần khác, Chúa Giê-su đều từ chối lời tán dương và quy điều đó cho Đức Giê-hô-va.—Mác 10:17, 18; Giăng 7:15, 16.
13 Chúa Giê-su còn thể hiện tính khiêm nhường khi đối xử với người khác. Thật thế, ngài nói rõ là mình xuống trái đất không phải để được phục vụ mà để phục vụ người khác (Ma-thi-ơ 20:28). Ngài cư xử một cách ôn hòa và phải lẽ. Khi các môn đồ làm ngài thất vọng, ngài không nhiếc móc nhưng tiếp tục cố gắng động đến lòng họ (Ma-thi-ơ 26:39-41). Dù bị đám đông quấy rầy khi đang tìm một chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi và có sự riêng tư, nhưng Chúa Giê-su không đuổi họ đi mà tiếp tục dạy họ “nhiều điều” (Mác 6:30-34). Khi một phụ nữ không phải là người Y-sơ-ra-ên nài nỉ ngài chữa lành cho con gái bà, ban đầu ngài tỏ ý không muốn làm thế. Tuy nhiên, ngài đã không từ chối một cách giận dữ, mà đáp lời cầu xin của bà vì thấy bà có đức tin nổi bật. Điều này sẽ được thảo luận trong chương 14.—Ma-thi-ơ 15:22-28.
14 Qua vô số cách, Chúa Giê-su sống đúng với những lời ngài nói về chính mình: “Tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường” (Ma-thi-ơ 11:29). Sự khiêm nhường của ngài không phải là bề ngoài, chiếu lệ hoặc phép lịch sự. Đức tính này xuất phát từ trong lòng ngài. Vậy, thật dễ hiểu khi Chúa Giê-su chú trọng đến việc dạy các môn đồ trở nên khiêm nhường.
Dạy các môn đồ trở nên khiêm nhường
15, 16. Khác với vua chúa thế gian, môn đồ Chúa Giê-su phải vun trồng thái độ nào?
15 Các sứ đồ của Chúa Giê-su chậm tiến bộ trong việc vun trồng tính khiêm nhường, nhưng ngài đã kiên nhẫn giúp họ. Chẳng hạn, vào một dịp, Gia-cơ và Giăng đã nhờ mẹ xin Chúa Giê-su ban cho họ vị trí cao trọng trong Nước Trời. Nhưng Chúa Giê-su khiêm tốn đáp: “Ngồi bên phải hay bên trái tôi thì tôi không có quyền cho, vì ai được ngồi chỗ đó là do Cha tôi quyết định”. Mười sứ đồ khác “rất giận” Gia-cơ và Giăng (Ma-thi-ơ 20:20-24). Chúa Giê-su giải quyết vấn đề như thế nào?
16 Ngài nhẹ nhàng khiển trách các sứ đồ: “Như anh em biết, vua chúa trong các dân thống trị dân mình, còn những người quyền thế thì dùng quyền hành để cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy; ai muốn làm lớn trong anh em thì phải là người phục vụ anh em, và ai muốn đứng đầu trong anh em thì phải làm đầy tớ cho anh em” (Ma-thi-ơ 20:25-27). Hẳn các sứ đồ biết rõ “vua chúa trong các dân” tự cao, tham vọng và ích kỷ đến mức nào. Chúa Giê-su dạy rằng môn đồ ngài phải khác biệt. Họ phải khiêm nhường. Các sứ đồ có lĩnh hội được bài học này không?
17-19. (a) Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su dạy các sứ đồ bài học sâu sắc nào về sự khiêm nhường? (b) Bài học hùng hồn nhất về tính khiêm nhường mà Chúa Giê-su để lại khi sống trên đất là gì?
17 Điều này không dễ cho họ. Đây không phải lần đầu cũng không phải lần cuối Chúa Giê-su dạy bài học đó. Trước đấy, họ đã cãi nhau xem ai lớn nhất. Chúa Giê-su gọi một đứa trẻ đến đứng giữa họ và nói rằng họ phải trở nên như con trẻ vì chúng thường không tự cao, tham vọng hoặc quan tâm đến địa vị, là những điều mà người lớn hay mắc phải (Ma-thi-ơ 18:1-4). Tuy nhiên, vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su thấy các sứ đồ vẫn có biểu hiện của tính tự cao. Ngài đã dạy họ một bài học không thể quên. Ngài lấy khăn, thắt nơi lưng rồi làm công việc thấp hèn nhất, công việc mà các đầy tớ thời đó thường làm cho khách của chủ. Chúa Giê-su rửa chân cho từng sứ đồ, kể cả Giu-đa là kẻ sắp phản ngài!—Giăng 13:1-11.
18 Chúa Giê-su giúp họ hiểu tại sao ngài làm như vậy. Ngài nói: “Tôi đã nêu gương cho anh em” (Giăng 13:15). Rốt cuộc, bài học về sự khiêm nhường này có động đến lòng họ không? Cũng trong đêm đó, họ lại cãi nhau xem ai lớn nhất trong vòng họ! (Lu-ca 22:24-27). Nhưng Chúa Giê-su vẫn kiên nhẫn và khiêm nhường dạy họ. Sau cùng, ngài để lại bài học hùng hồn nhất về tính khiêm nhường, đó là “ngài hạ mình xuống và vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên cây khổ hình” (Phi-líp 2:8). Chúa Giê-su sẵn sàng chấp nhận cái chết nhục nhã, bị kết án bất công như một tội nhân và kẻ phạm thượng. Qua đó, Con Đức Chúa Trời chứng tỏ là độc nhất, vì trong tất cả các tạo vật của Đức Giê-hô-va, ngài đã thể hiện sự khiêm nhường hoàn hảo, tột bậc.
19 Có lẽ bài học cuối cùng này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng của các sứ đồ trung thành. Kinh Thánh cho biết họ khiêm nhường phụng sự nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm sau. Còn chúng ta thì sao?
Bạn sẽ noi gương Chúa Giê-su không?
20. Làm sao chúng ta biết mình có khiêm nhường hay không?
20 Phao-lô khuyên chúng ta: “Hãy giữ tinh thần này trong anh em, là tinh thần cũng có trong Đấng Ki-tô Giê-su” (Phi-líp 2:5). Như Chúa Giê-su, chúng ta cần khiêm nhường. Làm sao chúng ta biết mình có khiêm nhường hay không? Phao-lô nhắc nhở chúng ta “đừng làm việc gì vì ưa tranh cãi hay vì tự cao, nhưng hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình” (Phi-líp 2:3). Vậy chúng ta có khiêm nhường hay không tùy thuộc vào cách chúng ta xem người khác. Chúng ta cần xem người khác “cao hơn”, tức quan trọng hơn mình. Bạn sẽ áp dụng lời khuyên này không?
21, 22. (a) Tại sao các giám thị đạo Đấng Ki-tô cần khiêm nhường? (b) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình đang “mặc lấy” sự khiêm nhường?
21 Nhiều năm sau khi Chúa Giê-su chết, sứ đồ Phi-e-rơ vẫn ý thức về tầm quan trọng của tính khiêm nhường. Ông đã chỉ dẫn cho các giám thị đạo Đấng Ki-tô thi hành trách nhiệm một cách khiêm nhường, không làm như thể cai trị bầy chiên của Đức Giê-hô-va (1 Phi-e-rơ 5:2, 3). Trách nhiệm không phải là cái cớ để một người tự cao. Ngược lại, càng có trách nhiệm thì càng phải khiêm nhường (Lu-ca 12:48). Dĩ nhiên, phẩm chất này không chỉ thiết yếu đối với các giám thị nhưng đối với mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
22 Chắc chắn, Phi-e-rơ không bao giờ quên buổi tối mà Chúa Giê-su đã rửa chân cho ông, dù lúc đầu ông từ chối (Giăng 13:6-10). Phi-e-rơ viết cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hết thảy anh em hãy mặc lấy sự khiêm nhường” (1 Phi-e-rơ 5:5). Từ “mặc lấy” gợi lên hình ảnh người đầy tớ đeo tạp dề để làm công việc thấp hèn. Có lẽ chúng ta liên tưởng đến việc Chúa Giê-su thắt chiếc khăn nơi lưng trước khi quỳ xuống rửa chân cho các sứ đồ. Là những người noi theo Chúa Giê-su, chúng ta có nên xem bất cứ nhiệm vụ nào mà Đức Chúa Trời giao là thấp kém không? Tính khiêm nhường của chúng ta phải được thể hiện rõ đến mức ai cũng thấy, như thể chúng ta đang mặc lấy đức tính này.
23, 24. (a) Tại sao chúng ta nên kháng cự khuynh hướng kiêu ngạo? (b) Chương kế tiếp sẽ giúp điều chỉnh quan điểm sai lầm nào liên quan đến sự khiêm nhường?
23 Sự kiêu ngạo giống như chất độc. Hậu quả của nó có thể vô cùng tai hại. Đó là một tính xấu có thể khiến người tài năng nhất trở nên vô dụng trước mắt Đức Chúa Trời. Trái lại, sự khiêm nhường có thể khiến người thấp kém nhất trở nên hữu dụng trước mắt ngài. Nếu mỗi ngày chúng ta vun trồng đức tính quý giá ấy bằng cách cố gắng bắt chước gương khiêm nhường của Đấng Ki-tô thì phần thưởng sẽ rất lớn. Phi-e-rơ viết: “Hãy hạ mình xuống dưới bàn tay mạnh mẽ của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ, ngài sẽ nâng anh em lên” (1 Phi-e-rơ 5:6). Quả thật, Đức Giê-hô-va đã nâng Chúa Giê-su lên vì người con này đã hết mực hạ mình xuống. Đức Chúa Trời cũng sẽ rất vui lòng ban thưởng cho bạn vì sự khiêm nhường của bạn.
24 Đáng buồn thay, một số người nghĩ rằng khiêm nhường là dấu hiệu của sự yếu đuối. Gương của Chúa Giê-su cho thấy quan điểm đó hoàn toàn sai, vì dù là người khiêm nhường nhất, ngài cũng là người can đảm nhất. Đó là chủ đề của chương kế tiếp.
a Bình luận về sự kiện này, một tài liệu tham khảo nói rằng lừa là “con vật thấp hèn... Chúng chậm chạp, cứng đầu, là súc vật lao động của người nghèo từ xưa đến nay và chẳng đẹp đẽ gì”.
b Để biết thêm bằng chứng Mi-ca-ên chính là Chúa Giê-su, xin xem bài “Thiên sứ trưởng Mi-ca-ên là ai?” trong mục “Kinh Thánh giải đáp” trên jw.org, trang web chính thức của Nhân Chứng Giê-hô-va.