CHƯƠNG 18
“Hãy tiếp tục theo tôi”
1-3. (a) Cảnh Chúa Giê-su chia tay các sứ đồ diễn ra như thế nào, và tại sao đó không phải là cảnh tiễn biệt buồn rầu, sầu não? (b) Tại sao chúng ta cần xem xét cuộc đời Chúa Giê-su từ khi ngài về trời?
Mười một người đàn ông đứng trên một ngọn núi. Với tình yêu thương và lòng ngưỡng mộ, họ chăm chú nhìn Thầy mình là Chúa Giê-su. Dù có hình hài con người, nhưng ngài đã được sống lại ở thể thần linh, trở về cương vị con thần linh mạnh mẽ nhất của Đức Giê-hô-va. Lúc này, ngài nhóm các sứ đồ lại trên núi Ô-liu lần cuối.
2 Núi Ô-liu thuộc rặng đồi núi đá vôi, đối ngang với Giê-ru-sa-lem qua thung lũng Kít-rôn. Ngọn núi này hẳn đã gợi lên trong trí Chúa Giê-su nhiều kỷ niệm. Thành Bê-tha-ni, nơi ngài làm La-xa-rơ sống lại, tọa lạc trên ngọn núi này. Chỉ vài tuần trước, ngài cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem từ thành Bê-pha-giê gần đấy. Có thể vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi Chúa Giê-su trải qua những giờ căng thẳng trước khi bị bắt, cũng nằm trên ngọn núi Ô-liu. Giờ đây, trên cùng ngọn núi, ngài sắp từ biệt những môn đồ thân cận nhất. Ngài trìu mến nói lời giã biệt với họ, rồi bắt đầu lên trời. Các sứ đồ đứng lặng lẽ, nhìn theo người Thầy thân thương. Thế rồi, một đám mây che khuất ngài và họ không còn thấy ngài nữa.—Công vụ 1:6-12.
3 Đây có phải là cảnh tiễn biệt buồn rầu, sầu não? Không. Lúc này hai thiên sứ nhắc các sứ đồ nhớ rằng câu chuyện của Chúa Giê-su không kết thúc ở đây (Công vụ 1:10, 11). Theo nhiều nghĩa, việc Chúa Giê-su về trời chỉ là sự khởi đầu. Lời Đức Chúa Trời tiết lộ những gì xảy ra sau đó với Chúa Giê-su, và việc xem xét điều này rất cần thiết đối với chúng ta. Tại sao? Hãy nhớ lời Chúa Giê-su từng nói với Phi-e-rơ: “Hãy tiếp tục theo tôi” (Giăng 21:19, 22). Việc tuân theo mệnh lệnh đó không chỉ là một lựa chọn nhất thời mà là lối sống. Để làm thế, chúng ta cần hiểu Chủ mình đang làm gì ở trên trời và có những nhiệm vụ nào.
Cuộc đời Chúa Giê-su từ khi về trời
4. Kinh Thánh tiết lộ điều gì sẽ diễn ra trên trời sau khi Chúa Giê-su lên đó?
4 Kinh Thánh không cho biết khi về trời, Chúa Giê-su được nghênh đón thế nào và hội ngộ vui mừng với Cha ra sao. Tuy nhiên, Kinh Thánh tiết lộ điều sẽ diễn ra trên trời ít lâu sau khi Chúa Giê-su lên đó. Trong hơn 15 thế kỷ, dân Do Thái thường được xem một nghi lễ đặc biệt. Mỗi năm một lần, thầy tế lễ thượng phẩm vào Gian Chí Thánh của đền thờ để rảy huyết của những con vật tế lễ trước hòm giao ước. Ngày này được gọi là Ngày Chuộc Tội. Trong ngày đó, thầy tế lễ thượng phẩm là hình bóng cho Đấng Mê-si. Khi về trời, Chúa Giê-su làm ứng nghiệm nghi lễ mang ý nghĩa tượng trưng ấy một lần đủ cả. Ngài vào nơi Đức Giê-hô-va hiện diện, nơi thánh khiết nhất vũ trụ, để dâng lên Cha giá trị sự hy sinh làm giá chuộc của mình (Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 24). Đức Giê-hô-va có chấp nhận lễ vật đó không?
5, 6. (a) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chấp nhận sự hy sinh của Chúa Giê-su? (b) Ai nhận được lợi ích từ giá chuộc, và đó là những lợi ích nào?
5 Chúng ta tìm thấy lời giải đáp khi xem xét điều xảy ra ở trên đất sau khi Chúa Giê-su lên trời được vài ngày. Khi nhóm nhỏ gồm 120 môn đồ đang nhóm lại tại một phòng trên lầu ở Giê-ru-sa-lem, thình lình có tiếng động như tiếng gió thổi mạnh ùa vào căn phòng. Có gì như những lưỡi lửa xuất hiện trên đầu họ, tất cả đều được tràn đầy thần khí thánh và bắt đầu nói những ngôn ngữ khác (Công vụ 2:1-4). Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của một dân mới, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, là “dòng giống được lựa chọn” và “lớp thầy tế lễ làm vua” mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để thi hành ý định của ngài trên đất (1 Phi-e-rơ 2:9). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã chấp nhận sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô. Việc thần khí thánh đổ xuống các môn đồ vào dịp này là một trong những ân phước đầu tiên mà giá chuộc mang lại.
6 Kể từ đó, giá chuộc đã mang lại lợi ích cho các môn đồ trên khắp đất. Dù thuộc “bầy nhỏ”, nhóm người sẽ lên trời cai trị cùng Đấng Ki-tô, hay “chiên khác”, nhóm người sẽ sống trên đất dưới sự cai trị đó, chúng ta đều nhận được lợi ích từ sự hy sinh của Chúa Giê-su (Lu-ca 12:32; Giăng 10:16). Giá chuộc là cơ sở để chúng ta được tha tội và có hy vọng. Nếu tiếp tục “thể hiện đức tin” nơi giá chuộc qua việc bước theo Chúa Giê-su mỗi ngày, chúng ta có thể có lương tâm trong sạch và một hy vọng sáng ngời.—Giăng 3:16.
7. Chúa Giê-su nhận được quyền hành nào sau khi về trời, và bạn có thể ủng hộ ngài ra sao?
7 Chúa Giê-su làm gì sau khi về trời? Ngài được giao quyền hành rất lớn (Ma-thi-ơ 28:18). Thật vậy, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm ngài để lãnh đạo hội thánh đạo Đấng Ki-tô; ngài đã thi hành nhiệm vụ này một cách yêu thương và công bằng (Cô-lô-se 1:13). Như được báo trước, Chúa Giê-su đã bổ nhiệm những anh đáng tin cậy để chăm lo mọi nhu cầu cho bầy của ngài (Ê-phê-sô 4:8). Chẳng hạn, ngài chọn Phao-lô làm ‘sứ đồ đến với dân ngoại’ để rao truyền tin mừng tại những xứ xa xôi (Rô-ma 11:13; 1 Ti-mô-thê 2:7). Gần cuối thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su đã chuyển lời khen, lời khuyên và lời khiển trách đến bảy hội thánh ở tỉnh A-si-a của La Mã (Khải huyền chương 2, 3). Bạn có công nhận Chúa Giê-su là đầu hội thánh đạo Đấng Ki-tô không? (Ê-phê-sô 5:23). Để tiếp tục bước theo Chúa Giê-su, hãy nêu gương trong việc vâng lời và có tinh thần hợp tác trong hội thánh.
8, 9. Chúa Giê-su nhận được quyền hành nào vào năm 1914, và điều này nên ảnh hưởng thế nào đến mọi quyết định của chúng ta?
8 Chúa Giê-su nhận được thêm quyền hành vào năm 1914, đó là được Đức Giê-hô-va tấn phong làm Vua Nước của Đấng Mê-si. Khi ngài bắt đầu cai trị, “trên trời xảy ra một trận chiến”. Kết quả là gì? Sa-tan và các quỷ bị quăng xuống đất, biến cố này là khởi điểm của thời kỳ khốn khổ trên đất. Chiến tranh, tội ác, khủng bố, dịch bệnh, động đất và đói kém lan tràn gây biết bao đau khổ cho con người. Tình trạng này nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su đang trị vì ở trên trời. Sa-tan vẫn “cai trị thế gian này” trong “một thời gian ngắn” nữa (Khải huyền 12:7-12; Giăng 12:31; Ma-thi-ơ 24:3-7; Lu-ca 21:11). Thế nhưng, Chúa Giê-su đang cho người dân trên khắp đất cơ hội để chấp nhận sự cai trị của ngài.
9 Việc chúng ta đứng về phía Vua Mê-si rất quan trọng. Trong mọi quyết định, chúng ta phải cố gắng để được ngài chấp nhận, chứ không chiều theo thế gian suy tàn này. Khi Chúa Giê-su, “Vua của các vua và Chúa của các chúa”, quan sát nhân loại, ngài vừa phẫn nộ vừa vui mừng (Khải huyền 19:16). Tại sao?
Sự phẫn nộ và vui mừng của Vua Mê-si
10. Chúa Giê-su vốn là đấng như thế nào, nhưng điều gì khiến ngài phẫn nộ chính đáng?
10 Giống như Cha, Chúa Giê-su vốn là đấng vui vẻ, hạnh phúc (1 Ti-mô-thê 1:11). Khi ở trên đất, Chúa Giê-su không phải là người khó chịu, khắt khe. Dù vậy, nhiều điều đang xảy ra trên đất hẳn làm ngài phẫn nộ chính đáng. Chắc chắn, ngài tức giận với những tổ chức tôn giáo tự nhận là đại diện cho ngài nhưng không làm theo những điều ngài dạy. Chúa Giê-su báo trước: “Không phải người nào nói với tôi: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ được vào Nước Trời, nhưng chỉ ai làm theo ý muốn của Cha tôi ở trên trời mà thôi. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với tôi: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chẳng phải chúng tôi đã nhân danh ngài mà nói tiên tri, nhân danh ngài mà đuổi quỷ và nhân danh ngài mà làm nhiều việc phi thường sao?’. Nhưng tôi sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta chẳng hề biết các ngươi! Hỡi những kẻ làm điều ác, hãy đi cho khuất mắt ta!’”.—Ma-thi-ơ 7:21-23.
11-13. Tại sao một số người có thể thấy khó hiểu lời Chúa Giê-su nói với những người làm “nhiều việc phi thường” nhân danh ngài, và vì sao ngài phẫn nộ? Hãy minh họa.
11 Nhiều người ngày nay nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su có thể thấy những lời trên của ngài khó hiểu. Tại sao Chúa Giê-su nói mạnh như thế với những người làm “nhiều việc phi thường” nhân danh ngài? Các giáo hội Ki-tô giáo làm công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, xây bệnh viện, trường học và làm nhiều việc khác, nhưng Chúa Giê-su phẫn nộ với họ. Tại sao? Hãy xem một minh họa.
12 Một cặp vợ chồng cần đi xa trong một thời gian. Vì không thể mang con theo, nên họ thuê người giữ trẻ. Họ chỉ yêu cầu cô: “Hãy chăm sóc các con chúng tôi: cho chúng ăn, giữ cho chúng luôn sạch sẽ và được an toàn”. Thế nhưng, khi trở về, cặp vợ chồng ấy sốc vì thấy con mình bị bỏ đói. Chúng dơ bẩn, tiều tụy và đáng thương. Chúng khóc đòi cô giữ trẻ quan tâm nhưng cô lờ đi. Tại sao? Cô đang đứng trên một cái thang và lau cửa sổ. Vô cùng phẫn nộ, cha mẹ ấy yêu cầu cô giải thích. Cô giữ trẻ đáp: “Hãy xem những gì tôi đã làm! Chẳng phải cửa sổ bây giờ sáng bóng sao? Tôi còn sửa chữa nhà nữa, tất cả vì anh chị thôi!”. Lời giải thích ấy có làm cặp vợ chồng bớt giận? Chắc chắn không! Họ không yêu cầu cô làm những việc đó, điều duy nhất họ muốn cô làm là chăm sóc các con họ. Việc cô không vâng theo chỉ dẫn ấy khiến họ tức giận.
13 Khối Ki-tô giáo đã hành động như cô giữ trẻ ấy. Chúa Giê-su lệnh cho những người đại diện của ngài chăm sóc người ta về thiêng liêng bằng cách dạy họ sự thật Kinh Thánh và giúp họ được trong sạch về thiêng liêng (Giăng 21:15-17). Thế nhưng, khối Ki-tô giáo không hề làm theo mệnh lệnh ấy. Họ bỏ đói người ta về thiêng liêng, dạy những điều sai lệch khiến người ta bối rối và không biết ngay cả các sự thật cơ bản trong Kinh Thánh (Ê-sai 65:13; A-mốt 8:11). Dù họ nỗ lực bao nhiêu để cải thiện thế giới này cũng không thể bào chữa cho sự cố tình không vâng lời của họ. Suy cho cùng, thế gian này giống như ngôi nhà xập xệ đã được định ngày phá bỏ! Lời Đức Chúa Trời cho biết thế gian của Sa-tan sắp bị hủy diệt.—1 Giăng 2:15-17.
14. Công việc nào đang được thực hiện làm Chúa Giê-su vui lòng, và tại sao?
14 Trái lại, hẳn Chúa Giê-su rất vui khi nhìn xuống và thấy hàng triệu người đang thi hành sứ mạng đào tạo môn đồ mà ngài giao cho các môn đồ trước khi về trời (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Quả là một đặc ân khi được góp phần mang lại niềm vui cho Vua Mê-si! Chúng ta hãy quyết tâm tiếp tục hỗ trợ “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45). Khác với hàng giáo phẩm của khối Ki-tô giáo, đầy tớ này, tức một nhóm nhỏ thuộc các tín đồ được xức dầu, vâng lời Chúa Giê-su. Họ chỉ đạo công việc rao giảng và trung thành cung cấp thức ăn cho chiên của ngài.
15, 16. (a) Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về tình trạng thiếu yêu thương phổ biến ngày nay, và làm sao chúng ta biết điều này? (b) Tại sao việc Chúa Giê-su phẫn nộ với khối Ki-tô giáo là chính đáng?
15 Chắc chắn, Vua Mê-si phẫn nộ khi nhìn thấy tình trạng thiếu yêu thương đang phổ biến trên khắp đất. Hãy nhớ những người Pha-ri-si đã chỉ trích Chúa Giê-su khi ngài chữa bệnh vào ngày Sa-bát. Họ cứng lòng, bảo thủ những ý kiến dựa trên cái nhìn hạn hẹp về Luật pháp Môi-se và luật truyền khẩu. Những phép lạ của Chúa Giê-su rất tuyệt vời, mang lại niềm vui, sự an ủi và củng cố đức tin cho bao người, nhưng người Pha-ri-si lại dửng dưng. Chúa Giê-su cảm thấy thế nào? Có lần, ngài “đưa mắt nhìn họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ chai lì vô cảm”.—Mác 3:5.
16 Ngày nay, hẳn Chúa Giê-su càng buồn khi thấy nhiều điều tồi tệ hơn thế. Giới lãnh đạo khối Ki-tô giáo bị đui mù về thiêng liêng vì bám chặt vào truyền thống và giáo lý trái Kinh Thánh. Họ còn tức giận khi thấy công việc rao giảng về Nước Trời được thực hiện. Tại nhiều nước, hàng giáo phẩm xúi giục người ta bắt bớ dữ dội môn đồ chân chính của Chúa Giê-su, những người nỗ lực rao giảng thông điệp mà ngài từng rao giảng (Giăng 16:2; Khải huyền 18:4, 24). Bên cạnh đó, hàng giáo phẩm cổ vũ tín đồ của họ tham gia chiến tranh và giết người đồng loại, như thể làm vậy sẽ khiến Chúa Giê-su vui lòng!
17. Làm thế nào những môn đồ chân chính của Chúa Giê-su làm cho lòng ngài vui mừng?
17 Môn đồ chân chính của Chúa Giê-su thì hoàn toàn khác. Họ cố gắng thể hiện tình yêu thương với người đồng loại. Dù bị chống đối, họ vẫn chia sẻ tin mừng cho “mọi loại người” như Chúa Giê-su đã làm (1 Ti-mô-thê 2:4). Hơn nữa, tình yêu thương họ thể hiện với anh em đồng đạo rất nổi bật, là dấu hiệu nhận diện họ là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su (Giăng 13:34, 35). Khi đối xử với anh em đồng đạo bằng tình yêu thương và lòng tôn trọng, họ thật sự đang bước theo Chúa Giê-su và làm cho lòng ngài tràn đầy vui mừng!
18. Chủ chúng ta buồn lòng về điều gì, và làm thế nào chúng ta có thể khiến ngài vui lòng?
18 Cũng hãy nhớ rằng Chủ chúng ta buồn lòng về những môn đồ không bền chí chịu đựng, họ đã để cho tình yêu thương của mình với Đức Giê-hô-va nguội lạnh và ngưng phụng sự ngài (Khải huyền 2:4, 5). Tuy nhiên, Chúa Giê-su hài lòng với những môn đồ bền chí chịu đựng đến cuối cùng (Ma-thi-ơ 24:13). Vậy, chúng ta hãy luôn ghi nhớ mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Hãy tiếp tục theo tôi” (Giăng 21:19). Giờ đây, hãy xem xét một số ân phước mà Vua Mê-si sẽ mang lại cho những người bền chí chịu đựng đến cuối cùng.
Ân phước dồi dào dành cho tôi tớ trung thành của Vua Mê-si
19, 20. (a) Việc bước theo Chúa Giê-su mang lại những ân phước nào ngay bây giờ? (b) Làm thế nào việc noi theo Đấng Ki-tô giúp chúng ta có Cha Muôn Đời?
19 Bước theo Chúa Giê-su là bí quyết để có một đời sống đầy ân phước ngay từ bây giờ. Nếu chấp nhận Đấng Ki-tô là Chủ bằng cách làm theo sự hướng dẫn của ngài và noi gương ngài, chúng ta sẽ nhận được những điều vô giá mà người thế gian không thể tìm được. Chúng ta sẽ có công việc đầy ý nghĩa và thỏa nguyện, có gia đình gồm anh em đồng đạo yêu thương nhau chân thật, có lương tâm trong sạch và bình an tâm trí. Nói cách khác, chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và thỏa nguyện. Nhưng không chỉ có thế.
20 Đức Giê-hô-va ban cho những người có hy vọng sống mãi mãi trên đất “Cha Muôn Đời” là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su thay thế cha của nhân loại là A-đam, người đã gây ra đau khổ cho con cháu (Ê-sai 9:6, 7). Khi chấp nhận ngài là “Cha Muôn Đời” bằng cách thể hiện đức tin nơi ngài, chúng ta có niềm hy vọng vững chắc về sự sống vĩnh cửu. Qua đó, chúng ta cũng đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Như chúng ta đã học, việc nỗ lực noi gương Chúa Giê-su hằng ngày là cách tốt nhất để vâng theo mệnh lệnh: “Là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, anh em hãy bắt chước ngài”.—Ê-phê-sô 5:1.
21. Môn đồ Chúa Giê-su phản chiếu ánh sáng nào trong thế gian tăm tối này?
21 Khi bắt chước Chúa Giê-su và Đức Giê-hô-va, chúng ta có một đặc ân tuyệt vời. Chúng ta phản chiếu một ánh sáng diệu kỳ. Trong thế gian tăm tối này, khi mà hàng tỉ người bị Sa-tan lừa gạt và có những tính cách giống hắn, chúng ta noi theo Chúa Giê-su trong việc phản chiếu ánh sáng chói lọi nhất, ánh sáng của những sự thật trong Kinh Thánh, ánh sáng của các đức tính của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, ánh sáng của sự vui mừng, bình an và tình yêu thương. Bên cạnh đó, chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn và đây là mục tiêu cao quý nhất của bất cứ tạo vật thông minh nào.
22, 23. (a) Những người tiếp tục trung thành theo Chúa Giê-su sẽ nhận được các ân phước nào trong tương lai? (b) Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
22 Cũng hãy nghĩ đến những điều Đức Giê-hô-va muốn làm cho bạn trong tương lai qua Vua Mê-si. Không lâu nữa, vị Vua ấy sẽ dẫn đầu cuộc chiến công chính chống lại thế gian gian ác của Sa-tan. Chúa Giê-su sẽ nắm chắc phần thắng! (Khải huyền 19:11-15). Sau đó, Triều Đại Một Ngàn Năm của ngài sẽ bắt đầu. Chính phủ của ngài sẽ áp dụng giá chuộc để giúp mọi người trung thành đạt đến tình trạng hoàn hảo. Hãy hình dung bạn tràn trề sức sống, trẻ mãi không già, vui mừng chung vai sát cánh với gia đình nhân loại để biến trái đất thành địa đàng! Khi Triều Đại Một Ngàn Năm kết thúc, Chúa Giê-su sẽ giao Nước lại cho Cha (1 Cô-rinh-tô 15:24). Nếu tiếp tục trung thành theo Đấng Ki-tô, bạn sẽ nhận được ân phước tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng—“sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”! (Rô-ma 8:21). Đúng vậy, chúng ta sẽ nhận được tất cả những ân phước mà A-đam và Ê-va đã đánh mất. Là con trai, con gái trên đất của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ được giải thoát vĩnh viễn khỏi dấu vết của tội lỗi từ A-đam. Quả thật, “sẽ không còn sự chết”.—Khải huyền 21:4.
23 Hãy nhớ lại chàng trai trẻ giàu có được đề cập trong chương 1. Anh ta đã từ chối lời mời của Chúa Giê-su: “Hãy đến làm môn đồ tôi” (Mác 10:17-22). Đừng bao giờ mắc sai lầm đó! Hãy vui mừng và nhiệt tình đón nhận lời mời có một không hai ấy. Hãy quyết tâm bền chí chịu đựng và tiếp tục bước theo Người Chăn Tốt Lành mỗi ngày. Khi làm thế, chúng ta sẽ được sống để thấy ngài làm cho mọi ý định của Đức Giê-hô-va trở thành hiện thực!