THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh
Tháp Canh
THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN
Việt
  • KINH THÁNH
  • ẤN PHẨM
  • NHÓM HỌP
  • bsi07 trg 4-6
  • Sách Kinh Thánh quyển 25—Ca-thương

Không có video nào cho phần được chọn.

Có lỗi trong việc tải video.

  • Sách Kinh Thánh quyển 25—Ca-thương
  • “Cả Kinh-thánh”—Xác thực và hữu ích, Tập 15
  • Tiểu đề
  • TẠI SAO HỮU ÍCH
“Cả Kinh-thánh”—Xác thực và hữu ích, Tập 15
bsi07 trg 4-6

Sách Kinh Thánh quyển 25—Ca-thương

Người viết: Giê-rê-mi

Nơi viết: Gần Giê-ru-sa-lem

Hoàn tất: 607 TCN

THẬT thích hợp khi đặt tên Ca-thương cho sách này của Kinh Thánh! Đây là lời bi ca nói lên niềm đau xót sâu xa về một thảm kịch trong lịch sử dân riêng của Đức Chúa Trời—sự kiện thành Giê-ru-sa-lem bị Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn phá hủy vào năm 607 TCN. Trong bản tiếng Hê-bơ-rơ, tên sách được đặt theo từ đầu tiên ʼEh·khahʹ!, nghĩa là “Ôi!” Các dịch giả bản Septuagint gọi sách này là Threʹnoi, có nghĩa “Bi ca; Ai oán ca”. Bản Talmud của Ba-by-lôn dùng từ Qi·nohthʹ, mang nghĩa “Bi ca; Ta thán ca”. Dịch giả Jerome dịch tên sách sang tiếng La Tinh là Lamentationes, có nghĩa ca thán. Do đó, trong tiếng Việt, tên sách được dịch là Ca-thương.

2 Trong các bản dịch tiếng Việt, sách Ca-thương được xếp sau sách Giê-rê-mi. Tuy nhiên, người Do Thái thường xếp sách này vào phần Hagiographa hay Văn Thơ, cùng với Nhã-ca, Ru-tơ, Truyền-đạo và Ê-xơ-tê—một bộ gồm năm sách nhỏ, gọi là năm Meghil·lohthʹ (cuộn). Trong một số bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hiện đại, sách Ca-thương nằm giữa sách Ru-tơ hoặc Ê-xơ-tê và Truyền-đạo. Tuy nhiên, trong những bản cổ xưa thì sách Ca-thương được xếp sau sách Giê-rê-mi, như trong bản Kinh Thánh chúng ta dùng hiện nay.

3 Dù sách không đề cập đến tên người viết, nhưng hầu như chắc chắn là sách này do Giê-rê-mi sáng tác. Trong bản Septuagint tiếng Hy Lạp có thêm một lời mở đầu. Bản Nguyễn Thế Thuấn dịch phần đó như sau: “Xảy ra là, sau khi Israel bị đày và Yêrusalem thành hoang địa, tiên tri Yêrêmya ngồi khóc; ông xướng lên bài ai ca này trên Yêrusalem và nói”. Jerome cho rằng lời mở đầu này là phần mạo nhập nên đã loại ra khỏi bản dịch của ông. Tuy nhiên, theo tục truyền của người Do Thái thì chính Giê-rê-mi đã viết sách Ca-thương, và điều này được chứng thực qua bản tiếng Sy-ri cổ, bản Vulgate tiếng La-tinh, bản Targum của Jonathan và bản Talmud của Ba-by-lôn, cũng như nhiều bản dịch khác.

4 Một số nhà phê bình tìm cách chứng minh rằng Giê-rê-mi không phải là tác giả sách Ca-thương. Tuy thế, một sách bình luận Kinh Thánh (A Commentary on the Holy Bible) cho biết rằng chi tiết chứng minh tác quyền của Giê-rê-mi là “lời miêu tả sống động nơi chương 2 và 4 về thành Giê-ru-sa-lem, đây rõ ràng là cách diễn tả của người tận mắt chứng kiến; bên cạnh đó, sự đồng cảm sâu sắc và tính chất tiên tri, cũng như văn phong, cú pháp và tư tưởng trong suốt các bài bi ca đều mang tính cách của Giê-rê-mi”.a Có nhiều câu tương tự giữa sách Ca-thương và sách Giê-rê-mi, chẳng hạn như những câu miêu tả tâm trạng đau khổ tột độ khi ‘mắt tuôn nước mắt’ (Ca 1:16; 2:11; 3:48, 49; Giê 9:1; 13:17; 14:17), sự phẫn nộ vì lối sống bại hoại của các nhà tiên tri và thầy tế lễ. (Ca 2:14; 4:13, 14; Giê 2:34; 5:30, 31; 14:13, 14) Những lời nơi Giê-rê-mi 8:18-22 và Giê-rê-mi 14:17, 18 chứng tỏ ông có khả năng viết theo thể bi ca như trong sách Ca-thương.

5 Người ta thường cho rằng sách được viết không lâu sau khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ vào năm 607 TCN. Giê-rê-mi vẫn nhớ như in cảnh khủng khiếp khi thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây và chìm trong biển lửa, và ông đã miêu tả sống động niềm đau xót của mình. Một nhà bình luận nhận xét rằng sách không diễn tả trình tự từng nỗi đau của tác giả, nhưng lặp đi lặp lại ở nhiều chỗ. Ông nói tiếp: “Chính ý tưởng xáo trộn. . . là một trong những bằng chứng chắc chắn nhất cho thấy sách được viết không lâu sau khi xảy ra sự kiện, vào lúc cảm xúc của tác giả vẫn còn mạnh mẽ”.b

6 Đối với các học giả Kinh Thánh, bố cục của sách rất đáng chú ý. Sách gồm năm chương, tức năm bài thơ được phổ nhạc. Bốn chương đầu tiên thuộc thể thơ chữ đầu, mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái, lần lượt theo thứ tự 22 chữ cái trong bảng mẫu tự Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, chương thứ ba có 66 câu, vậy có ba câu liên tiếp bắt đầu cùng một chữ cái trước khi sang chữ cái kế tiếp. Còn chương thứ năm, dù có 22 câu nhưng không thuộc thể thơ chữ đầu.

7 Sách Ca-thương nói lên nỗi đau tột cùng trước cảnh Vua Nê-bu-cát-nết-sa vây hãm, chinh phục và thiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem. Nó cũng nổi bật hơn hẳn những sách khác về tính chất sống động và bi ai trong các bài thơ. Tác giả bày tỏ lòng thương cảm sâu sắc trước cảnh hoang tàn, khốn khổ và hỗn độn mà ông chứng kiến. Đói kém, gươm đao và những cảnh khủng khiếp khác khiến cả thành chìm trong nỗi khốn đốn tột cùng—tất cả là hình phạt đến từ Đức Chúa Trời vì tội lỗi của dân chúng, của các nhà tiên tri và thầy tế lễ. Tuy nhiên, tác giả vẫn giữ vững hy vọng và niềm tin nơi Đức Giê-hô-va, dâng lời cầu nguyện xin Ngài thương xót và phục hưng dân Ngài.

TẠI SAO HỮU ÍCH

13 Sách Ca-thương miêu tả lòng tin tưởng tuyệt đối của Giê-rê-mi nơi Đức Chúa Trời. Trước cảnh thành bị thất thủ và trong tâm trạng đau xót tột độ, hoàn toàn không thể tìm thấy nguồn an ủi nơi con người, nhà tiên tri này đã trông đợi nơi sự giải cứu đến từ Đức Chúa Trời tối cao của vũ trụ, Đức Giê-hô-va. Sách Ca-thương hẳn thúc đẩy tất cả những người thờ phượng chân chính tiếp tục vâng phục Đức Chúa Trời và giữ lòng trung kiên, đồng thời đưa ra lời cảnh cáo đáng sợ cho những ai không màng đến danh cao cả Ngài và ý nghĩa của danh ấy. Trong lịch sử, chưa có cảnh thành phố đổ nát nào được miêu tả bằng những lời than khóc thống thiết và đau thương đến thế. Đó là một trong những giá trị của sách này vì cho thấy rõ quan điểm nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với những kẻ vẫn tiếp tục phản nghịch, ngoan cố và không ăn năn.

14 Sách Ca-thương cũng mang lại lợi ích qua việc tường thuật về sự ứng nghiệm của một số lời cảnh báo và tiên tri đến từ Đức Chúa Trời. (Ca 1:2—Giê 30:14; Ca 2:15—Giê 18:16; Ca 2:17—Lê 26:17; Ca 2:20—Phục 28:53) Sách Ca-thương cung cấp một bằng chứng hùng hồn về sự ứng nghiệm của lời cảnh báo nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:63-65. Ngoài ra, sách còn nhắc đến một số câu thuộc các sách khác trong Kinh Thánh. (Ca 2:15—Thi 48:2; Ca 3:24—Thi 119:57) Đa-ni-ên 9:5-14 đã chứng minh tính xác thực của Ca-thương 1:5 và 3:42 khi cho thấy rõ tai họa xảy đến với dân Do Thái là vì chính tội lỗi của họ.

15 Quả vậy, thành Giê-ru-sa-lem phải gánh chịu số phận bi thảm! Nhưng trong nỗi bi thảm, sách cũng nói lên lòng tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ tỏ lòng nhân từ và thương xót, Ngài sẽ nhớ đến Si-ôn và đem dân Ngài trở về. (Ca 3:31, 32; 4:22) Sách nói lên hy vọng về ‘ngày mới’, là ngày sẽ giống như thuở xưa, thời Vua Đa-vít và Sa-lô-môn trị vì ở Giê-ru-sa-lem. Trên thực tế, giao ước Đức Giê-hô-va lập với Đa-vít về một nước đời đời vẫn còn hiệu lực! “Sự thương-xót của Ngài chẳng dứt; mỗi buổi sáng thì lại mới luôn”. Và Đức Giê-hô-va vẫn luôn thương xót những người yêu mến Ngài cho đến khi dưới quyền cai trị công bình của Nước Trời, mọi vật sống đều cất tiếng cảm tạ: “Đức Giê-hô-va là cơ-nghiệp ta”.—5:21; 3:22-24.

[Chú thích]

a Xuất bản năm 1952, do J. R. Dummelow biên tập, trang 483.

b Studies in the Book of Lamentations của Norman K. Gottwald, 1954, trang 31.

    Ấn phẩm Tiếng Việt (1984-2025)
    Đăng xuất
    Đăng nhập
    • Việt
    • Chia sẻ
    • Tùy chỉnh
    • Copyright © 2025 Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania
    • Điều khoản sử dụng
    • Quyền riêng tư
    • Cài đặt quyền riêng tư
    • JW.ORG
    • Đăng nhập
    Chia sẻ