CHƯƠNG 17
“Hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình”
“Hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình, và. . . hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời”.—GIU-ĐE 20, 21.
1, 2. Bạn đang tham gia vào công trình xây dựng nào, và tại sao chất lượng của công việc là rất quan trọng?
Bạn đang siêng năng tập trung vào một dự án xây dựng. Công trình này đã bắt đầu được một thời gian và sẽ còn tiếp tục kéo dài. Công việc tuy khó nhưng đến nay nó đã mang lại cho bạn nhiều thỏa nguyện. Dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, bạn quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc hoặc lơ đễnh, bởi vì chất lượng của công việc sẽ ảnh hưởng đến đời sống, ngay cả tương lai của bạn. Tại sao? Vì công trình xây cất ấy chính là bản thân bạn!
2 Môn đồ Giu-đe đã nhấn mạnh rằng chúng ta cần xây dựng chính bản thân mình. Khi khuyến khích các tín đồ Đấng Christ “giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời”, ông cũng cho biết bí quyết để thực hiện điều đó: “Hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình” (Giu-đe 20, 21). Bằng những cách nào bạn có thể xây dựng chính mình và củng cố đức tin để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời? Chúng ta hãy tập trung vào ba khía cạnh của công trình xây dựng mà có thể giúp bạn vững mạnh đức tin hơn.
TIẾP TỤC XÂY DỰNG ĐỨC TIN NƠI NHỮNG ĐÒI HỎI CÔNG BÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
3-5. (a) Sa-tan muốn chúng ta có quan điểm sai lầm nào về những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta nên nghĩ gì về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời, và điều đó khiến chúng ta cảm thấy thế nào? Xin minh họa.
3 Trước hết, chúng ta cần củng cố đức tin nơi luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong quá trình học sách này, bạn đã xem xét nhiều đòi hỏi công bình của Đức Giê-hô-va liên quan đến hạnh kiểm. Bạn nghĩ sao về những đòi hỏi ấy? Sa-tan âm mưu lừa gạt và khiến bạn xem luật pháp, nguyên tắc và tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va là điều gò bó, thậm chí khắc nghiệt. Đây là mưu kế từng rất hữu hiệu trong vườn Ê-đen và được Sa-tan tiếp tục sử dụng cho đến ngày nay (Sáng-thế Ký 3:1-6). Mưu kế ấy có đánh lừa được bạn không? Câu trả lời phần lớn tùy thuộc vào thái độ của bạn.
4 Chúng ta hãy xem một minh họa: Khi đang đi dạo trong một công viên xanh tươi, bạn nhìn thấy một hàng rào cao và vững chắc, ngăn một phần của công viên lại. Khung cảnh bên kia hàng rào trông rất đẹp và hấp dẫn. Ban đầu, bạn có thể nghĩ hàng rào đó là một vật cản phi lý, hạn chế sự tự do của bạn. Nhưng khi nhìn kỹ phía bên kia hàng rào, bạn thấy một con sư tử hung dữ đang rượt đuổi con mồi! Khi ấy, bạn nhận ra rằng hàng rào đó thật sự là một vật bảo vệ. Ngay bây giờ, có con thú hung dữ nào đang đuổi theo bạn không? Lời Đức Chúa Trời cảnh báo: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”.—1 Phi-e-rơ 5:8.
5 Sa-tan là một kẻ săn mồi nguy hiểm. Vì không muốn chúng ta trở thành con mồi của Sa-tan, nên Đức Giê-hô-va đã lập ra những luật lệ để bảo vệ chúng ta khỏi “mưu-kế” của hắn (Ê-phê-sô 6:11). Vì thế, mỗi khi suy ngẫm luật pháp của Đức Chúa Trời, chúng ta nên xem chúng là biểu hiện của tình yêu thương của Cha trên trời. Khi chúng ta có quan điểm như thế, luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ trở nên nguồn mang lại sự an toàn và niềm vui mừng. Môn đồ Gia-cơ đã viết: “Kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy. . . thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời”.—Gia-cơ 1:25.
6. Cách tốt nhất để xây dựng đức tin nơi luật pháp và nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời là gì? Xin cho thí dụ.
6 Sống theo điều răn của Đức Chúa Trời là cách tốt nhất để củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng Lập Luật và sự khôn ngoan trong luật pháp Ngài. Chẳng hạn, “luật-pháp của Đấng Christ” bao gồm mệnh lệnh Chúa Giê-su giao, đó là dạy người ta “hết cả mọi điều mà [ngài] đã truyền” (Ga-la-ti 6:2; Ma-thi-ơ 28:19, 20). Tín đồ Đấng Christ cũng xem trọng chỉ thị tiếp tục nhóm lại để thờ phượng và xây dựng lẫn nhau (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va cũng bao gồm việc đều đặn và thường xuyên cầu nguyện với Ngài từ đáy lòng (Ma-thi-ơ 6:5-8; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Khi sống theo những điều răn ấy, chúng ta càng thấy rõ đó quả là sự hướng dẫn đầy yêu thương. Vâng giữ những điều răn của Đức Chúa Trời mang lại sự thỏa nguyện sâu xa và niềm vui thật sự mà chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy được ở bất cứ nơi đâu trong thế giới hỗn loạn này. Khi suy ngẫm về những lợi ích mà cá nhân bạn nhận được nhờ sống phù hợp với luật pháp của Đức Chúa Trời, chẳng phải đức tin bạn càng mạnh mẽ hơn sao?
7, 8. Làm thế nào Lời Đức Chúa Trời làm vững lòng những người lo lắng là họ không thể giữ vững lối sống công bình qua năm tháng?
7 Đôi khi một số người có thể lo lắng rằng thật khó để vâng giữ luật pháp của Đức Giê-hô-va qua năm tháng, vì họ sợ thất bại trong một khía cạnh nào đó. Nếu bạn đã từng cảm thấy như thế, xin hãy ghi nhớ những lời này: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi. Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển” (Ê-sai 48:17, 18). Có bao giờ bạn ngừng lại để ngẫm nghĩ xem những lời này khích lệ mình đến thế nào không?
8 Trong những câu này, Đức Giê-hô-va nhắc chúng ta nhớ về những lợi ích mình nhận được khi vâng lời Ngài. Đức Chúa Trời hứa hai điều. Thứ nhất, sự bình an của chúng ta sẽ như con sông—bình lặng, tràn trề và không ngừng chảy. Thứ hai, sự công bình của chúng ta sẽ như sóng biển. Nếu đứng trên bờ biển và nhìn những con sóng cuồn cuộn xô vào bờ hết lớp này đến lớp khác, chắc hẳn bạn có cảm giác về một điều gì đó mãi trường tồn. Bạn biết những con sóng đó sẽ tiếp tục vỗ vào bờ cho đến vô tận. Đức Giê-hô-va nói rằng sự công bình hay lối sống ngay thẳng của bạn có thể tồn tại mãi mãi như thế. Bao lâu bạn cố gắng trung thành với Ngài, bấy lâu Ngài sẽ không để bạn thất bại! (Thi-thiên 55:22). Những lời hứa ấm lòng này chắc hẳn củng cố đức tin của bạn nơi Đức Giê-hô-va và những đòi hỏi công bình của Ngài, phải không?
“TẤN-TỚI SỰ TRỌN-LÀNH”
9, 10. (a) Tại sao tiến tới sự thành thục là mục tiêu chính yếu của tín đồ Đấng Christ? (b) Làm thế nào cái nhìn thiêng liêng giúp chúng ta có được niềm vui?
9 Khía cạnh thứ hai trong công trình xây dựng bản thân được nói đến trong câu Kinh Thánh sau: “Chúng ta phải. . . tấn-tới sự trọn-lành” (Hê-bơ-rơ 6:1). “Trọn-lành” hay thành thục về thiêng liêng là mục tiêu tốt đẹp mà tín đồ Đấng Christ nên vươn đến. Không giống như sự hoàn hảo—một điều quá xa tầm tay của con người hiện nay—sự thành thục về thiêng liêng là một mục tiêu có thể đạt được. Hơn nữa, khi trở thành người thành thục, tín đồ Đấng Christ sẽ tìm được niềm vui lớn hơn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tại sao có thể nói như thế?
10 Một tín đồ Đấng Christ thành thục sẽ nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va (Giăng 4:23). Sứ đồ Phao-lô viết: ‘Kẻ sống theo xác-thịt thì chăm những sự thuộc về xác-thịt; còn kẻ sống theo thánh linh thì chăm những sự thuộc về thánh linh’ (Rô-ma 8:5). Có quan điểm xác thịt không mang lại niềm vui bao nhiêu, vì nó khiến người ta có khuynh hướng ích kỷ, thiển cận và chú trọng đến của cải vật chất. Còn quan điểm theo thánh linh, tức cái nhìn thiêng liêng, đem lại nhiều vui mừng, vì nó giúp người ta hướng đến “Đức Chúa Trời hạnh-phước” là Đức Giê-hô-va (1 Ti-mô-thê 1:11). Một người có cái nhìn thiêng liêng sẽ sốt sắng làm vui lòng Đức Giê-hô-va và có niềm vui dù gặp thử thách. Tại sao? Vì thử thách cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ Sa-tan là kẻ dối trá, đồng thời giúp chúng ta xây dựng lòng trung kiên và làm vui lòng Cha trên trời.—Châm-ngôn 27:11; Gia-cơ 1:2, 3.
11, 12. (a) Phao-lô nói gì về “tâm-tư” của tín đồ Đấng Christ, và từ được dịch là “luyện-tập” có ý nghĩa gì? (b) Cơ thể phải trải qua quá trình luyện tập nào để trưởng thành, và để vận động một cách thành thạo hơn?
11 Sự thành thục về thiêng liêng có được qua quá trình luyện tập. Hãy cùng xem câu Kinh Thánh này: “Đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhân, cho kẻ hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ” (Hê-bơ-rơ 5:14). Phao-lô nói “tâm-tư” hay khả năng nhận thức của chúng ta được “luyện-tập”. Từ Hy Lạp được dịch là “luyện-tập” ở đây dường như rất thông dụng tại các nơi tập thể dục của nước này vào thế kỷ thứ nhất, vì từ này có thể mang ý nghĩa là ‘được luyện tập giống như một vận động viên thể dục dụng cụ’. Chúng ta hãy xem quá trình luyện tập này bao hàm những gì.
12 Khi mới sinh ra, cơ thể của chúng ta chưa được luyện tập. Thí dụ, một em bé không thể nhận thức được vị trí của tay chân mình. Vì thế, em thường vung tay một cách không kiểm soát, thậm chí tự đánh vào mặt, khiến chính em bị đau và bất ngờ. Nhưng qua thời gian, cơ thể của em được luyện tập. Ban đầu, em tập bò, rồi chập chững bước đi, và sau đó có thể chạy được.a Vậy còn một vận động viên thể dục dụng cụ thì sao? Khi xem vận động viên ấy nhảy và xoay người trên không một cách uyển chuyển và cực kỳ chính xác, chắc chắn bạn nghĩ rằng cơ thể người ấy giống như một cỗ máy hoạt động vô cùng hài hòa. Kỹ năng của vận động viên ấy không phải tự nhiên mà có, nhưng đòi hỏi vô số giờ tập luyện cần mẫn. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết việc luyện tập thân thể đó “ích-lợi chẳng bao-lăm”. Trái lại, rèn luyện khả năng nhận thức của chúng ta cho phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời có giá trị hơn biết bao!—1 Ti-mô-thê 4:8.
13. Làm thế nào chúng ta có thể rèn luyện khả năng nhận thức?
13 Cuốn sách này thảo luận về nhiều điều giúp bạn rèn luyện khả năng nhận thức và trở nên người thành thục về thiêng liêng để có thể giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Hãy cầu nguyện và xem xét những nguyên tắc và luật pháp của Đức Chúa Trời khi đứng trước những quyết định hằng ngày. Nếu phải quyết định một điều nào đó, hãy tự hỏi: “Những luật pháp hoặc nguyên tắc nào của Kinh Thánh liên quan đến vấn đề này? Làm sao tôi có thể áp dụng chúng? Đường lối nào sẽ làm vui lòng Cha trên trời của tôi?” (Châm-ngôn 3:5, 6; Gia-cơ 1:5). Khi quyết định dựa theo những cách như thế, bạn sẽ càng rèn luyện khả năng nhận thức của mình. Sự luyện tập đó sẽ giúp bạn đạt đến và tiếp tục giữ được sự thành thục về thiêng liêng.
14. Chúng ta phải có lòng khao khát như thế nào để lớn mạnh về thiêng liêng, nhưng chúng ta phải cẩn thận điều gì?
14 Dù chúng ta có thể trở nên thành thục, nhưng sự lớn mạnh về thiêng liêng là một tiến trình không ngừng. Sự phát triển tùy thuộc vào thức ăn. Vì thế, Phao-lô lưu ý: “Đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhân”. Bí quyết để xây dựng đức tin là tiếp tục hấp thu những thức ăn thiêng liêng đặc. Ngoài ra, khi áp dụng đúng những gì học được, bạn đang hành động khôn ngoan. Kinh Thánh nói: “Sự khôn-ngoan là điều cần-nhứt”. Vì thế, chúng ta cần vun trồng lòng khao khát chân thành về những lẽ thật quý báu từ Cha trên trời (Châm-ngôn 4:5-7; 1 Phi-e-rơ 2:2). Dĩ nhiên, đạt được sự hiểu biết và sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời không phải là lý do để chúng ta trở nên tự cao hay kiêu ngạo. Chúng ta cần thường xuyên xem xét chính mình để tính tự cao hoặc những khuyết điểm khác không bắt rễ và phát triển trong lòng. Phao-lô viết: “Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức-tin chăng. Hãy tự thử mình”.—2 Cô-rinh-tô 13:5.
15. Tại sao tình yêu thương là điều thiết yếu để tiến bộ về thiêng liêng?
15 Công trình xây dựng một ngôi nhà có thể hoàn tất, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Bảo trì và sửa chữa rất quan trọng, và khi hoàn cảnh thay đổi, ngôi nhà có thể phải được xây thêm phòng. Chúng ta cần làm gì để trở nên thành thục và gìn giữ tình trạng thiêng liêng của mình? Điều quan trọng nhất là vun trồng tình yêu thương. Chúng ta cần phát triển tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và các anh em đồng đạo. Nếu không có tình yêu thương, tất cả kiến thức và việc làm của chúng ta đều vô ích—giống như những âm thanh ồn ào, vô nghĩa (1 Cô-rinh-tô 13:1-3). Nhờ có tình yêu thương, chúng ta có thể trở thành một tín đồ Đấng Christ thành thục và tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng.
GIỮ TÂM TRÍ TẬP TRUNG VÀO HY VỌNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN
16. Sa-tan cổ vũ lối suy nghĩ nào, và Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta công cụ nào để bảo vệ mình?
16 Chúng ta hãy xem xét một khía cạnh nữa trong công trình xây dựng bản thân. Để xây dựng mình trở nên một môn đồ chân chính của Chúa Giê-su, bạn cần cẩn thận gìn giữ cách suy nghĩ của mình. Kẻ cai trị thế giới là Sa-tan rất lão luyện trong việc khiến người ta có lối suy nghĩ tiêu cực, bi quan, hay nghi ngờ và tuyệt vọng (Ê-phê-sô 2:2). Những suy nghĩ như thế rất nguy hiểm đối với một tín đồ Đấng Christ, giống như nấm làm mục rữa một căn nhà gỗ. Nhưng vui mừng thay, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta một công cụ chính yếu để bảo vệ mình—đó là niềm hy vọng.
17. Lời Đức Chúa Trời minh họa thế nào về tầm quan trọng của niềm hy vọng?
17 Kinh Thánh liệt kê nhiều phần khác nhau của bộ khí giới thiêng liêng cần thiết cho chúng ta trong trận chiến chống lại Sa-tan và thế gian này. Một phần quan trọng của bộ khí giới ấy là mão trụ, tức “sự trông-cậy về sự cứu-rỗi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8). Trong thời Kinh Thánh, một người lính biết rằng nếu không có mão trụ, anh ta sẽ không sống sót trên chiến trường. Mão trụ thường được làm bằng kim loại và bên trong được lót một cái mũ bằng nỉ hoặc da. Nhờ có nó, phần lớn những đòn tấn công trực tiếp vào đầu sẽ dội ra và không làm người lính bị thương. Như mão trụ bảo vệ đầu, niềm hy vọng có thể gìn giữ tâm trí hay suy nghĩ của bạn.
18, 19. Chúa Giê-su nêu gương mẫu nào trong việc gìn giữ niềm hy vọng? Làm sao chúng ta có thể noi gương ngài?
18 Chúa Giê-su nêu gương mẫu chính trong việc gìn giữ niềm hy vọng. Hãy nhớ những gì ngài đã chịu đựng trong đêm cuối cùng của cuộc đời làm người trên đất. Một người bạn thân cận phản bội ngài vì tiền. Một người bạn khác thậm chí chối không biết ngài. Những người bạn khác thì bỏ ngài và chạy trốn. Chính dân tộc của ngài bác bỏ ngài, đòi quân lính La Mã hành hạ ngài cho đến chết. Dường như có thể nói rằng Chúa Giê-su đã đối mặt với những thử thách nặng nề nhất mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp phải. Điều gì đã giúp ngài chịu đựng? Kinh Thánh trả lời nơi Hê-bơ-rơ 12:2 như sau: “Đức Chúa Jêsus. . . vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy [cây khổ hình], khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”. Chúa Giê-su không bao giờ để mất đi “sự vui-mừng đã đặt trước mặt [ngài]”.
19 Đó là sự vui mừng nào? Chúa Giê-su biết nếu chịu đựng thử thách, ngài sẽ góp phần làm thánh danh Đức Giê-hô-va, và đưa ra bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy Sa-tan là kẻ dối trá. Không hy vọng nào có thể cho Chúa Giê-su niềm vui mừng lớn hơn thế! Ngài cũng biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng dồi dào cho sự trung thành của ngài—đó là không lâu sau, Chúa Giê-su được vui hưởng những điều tuyệt vời khi đoàn tụ với Cha ngài. Chúa Giê-su luôn nghĩ đến niềm hy vọng ấy trong suốt khoảng thời gian tồi tệ nhất. Chúng ta cũng cần làm như thế. Chúng ta cũng có một niềm vui mừng ở trước mặt mình. Đức Giê-hô-va xem trọng mỗi người trong chúng ta bằng cách cho chúng ta đặc ân góp phần làm thánh danh cao cả của Ngài. Chúng ta có thể chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối qua việc đứng về phía Đức Giê-hô-va, xem Ngài là Đấng Tối Thượng của chúng ta, đồng thời giữ mình trong tình yêu thương của Ngài. Chúng ta làm thế bất chấp những thử thách và cám dỗ mà mình có thể phải đương đầu.
20. Điều gì có thể giúp bạn giữ cho suy nghĩ của mình được tích cực và đầy hy vọng?
20 Đức Giê-hô-va không chỉ sẵn lòng ban thưởng cho tôi tớ trung thành, mà Ngài còn mong muốn làm thế (Ê-sai 30:18; Ma-la-chi 3:10). Đức Chúa Trời vui thích khi làm thỏa nguyện những ước muốn đúng đắn của tôi tớ Ngài (Thi-thiên 37:4). Vì thế, hãy kiên quyết giữ tâm trí hướng đến niềm hy vọng đặt trước mặt bạn. Đừng bao giờ có lối suy nghĩ tiêu cực, bại hoại và gian dối của thế gian Sa-tan. Nếu cảm thấy tinh thần thế gian đang xâm nhập vào lòng và trí bạn, hãy tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va vì “sự bình-an của [Ngài] vượt-quá mọi sự hiểu-biết”. Sự bình an mà Đức Chúa Trời ban cho sẽ bảo vệ lòng và trí bạn.—Phi-líp 4:6, 7.
21, 22. (a) Đám đông “vô-số người” đang ấp ủ niềm hy vọng sáng ngời nào? (b) Khía cạnh nào trong niềm hy vọng của tín đồ Đấng Christ có ý nghĩa nhất đối với bạn, và bạn quyết tâm làm gì?
21 Quả là một hy vọng tuyệt diệu làm sao! Nếu bạn là thành viên của đám đông “vô-số người”, những người sẽ được “ra khỏi cơn đại-nạn”, hãy ngẫm nghĩ về đời sống mà không lâu nữa bạn sẽ nhận được (Khải-huyền 7:9, 14). Khi Sa-tan và các quỉ của hắn bị giam cầm, bạn sẽ cảm nhận được sự khuây khỏa mà bây giờ bạn khó có thể hình dung được. Thật vậy, chưa có ai trong chúng ta sống mà không bị áp lực từ những ảnh hưởng bại hoại của Sa-tan. Khi không còn những áp lực này nữa, quả là niềm vui lớn được làm việc để biến cả trái đất thành địa đàng dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su và 144.000 vua đồng cai trị trên trời! Thật hào hứng biết bao trước viễn cảnh nhìn thấy bệnh tật không còn nữa, đón chào những người thân yêu quá cố được sống lại, và sống một đời sống đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời! Khi càng tiến đến sự hoàn toàn, chúng ta càng đến gần một phần thưởng lớn hơn được ghi nơi Rô-ma 8:21, đó là “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”.
22 Đức Giê-hô-va muốn bạn có được sự tự do nhiều đến độ mà bạn không thể tưởng tượng được. Con đường dẫn đến sự tự do ấy chính là sự vâng lời. Thế nên, nỗ lực của bạn ngay bây giờ để vâng lời Đức Giê-hô-va mỗi ngày rất đáng công! Vậy, bằng mọi cách, hãy tiếp tục xây dựng chính mình trên nền đức tin rất thánh, hầu bạn có thể giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho đến mãi mãi!
a Các nhà khoa học nói rằng cơ thể của chúng ta hình thành một giác quan đặc biệt gọi là cảm thụ bản thể, tức khả năng định hướng tư thế và cảm nhận vị trí của tay chân. Chẳng hạn, giác quan này có thể giúp bạn vỗ tay được dù đang nhắm mắt. Có trường hợp một bệnh nhân bị mất giác quan này đã không thể đi, đứng hoặc thậm chí ngồi.