CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
Ông trung thành trước thử thách
1, 2. Phi-e-rơ hy vọng gì khi Chúa Giê-su giảng ở Ca-bê-na-um? Nhưng chuyện gì đã xảy ra?
Phi-e-rơ thấp thỏm nhìn gương mặt những người nghe Chúa Giê-su giảng. Họ đang ở nhà hội tại thành Ca-bê-na-um. Đó là quê nhà của Phi-e-rơ. Ông đã sinh sống bằng nghề đánh cá ở nơi này, ven bờ phía bắc của biển Ga-li-lê. Nhiều bạn bè, thân nhân và bạn chài của ông sống ở đây. Chắc chắn Phi-e-rơ hy vọng những người đồng hương cũng nhận biết Chúa Giê-su như ông và háo hức học về Nước Trời từ người thầy vĩ đại nhất. Nhưng dường như mọi chuyện không xảy ra như mong đợi.
2 Nhiều người không muốn nghe nữa. Một vài người lầm bầm, phản đối điều Chúa Giê-su nói. Tuy nhiên, vấn đề làm Phi-e-rơ bối rối nhất chính là phản ứng của một số môn đồ Chúa Giê-su. Gương mặt họ không còn lộ vẻ hạnh phúc khi có thêm sự hiểu biết, phấn khởi khi khám phá điều mới và vui mừng khi biết sự thật. Giờ đây, họ có vẻ bực bội, thậm chí tức giận. Một số người nói rằng lời dạy của Chúa Giê-su thật chướng tai. Vì không muốn nghe nữa, họ rời khỏi nhà hội và bỏ Chúa Giê-su.—Đọc Giăng 6:60, 66.
3. Nhiều lần đức tin của Phi-e-rơ đã giúp ông như thế nào?
3 Giờ là thời điểm khó khăn đối với Phi-e-rơ và các sứ đồ khác. Phi-e-rơ không hiểu hết những lời Chúa Giê-su nói hôm đó. Chắc hẳn ông biết nếu hiểu theo nghĩa đen, những lời này có thể gây xúc phạm. Vậy Phi-e-rơ sẽ làm gì? Đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối lòng trung thành của ông với Chủ mình bị thử thách. Chúng ta hãy xem làm thế nào đức tin của Phi-e-rơ giúp ông đương đầu với những thử thách ấy và giữ lòng trung thành.
Trung thành khi người khác bất trung
4, 5. Những hành động của Chúa Giê-su trái với mong đợi của người ta như thế nào?
4 Chúa Giê-su thường làm Phi-e-rơ ngạc nhiên. Nhiều lần, Chủ của ông nói và hành động trái với sự mong đợi của người ta. Chỉ một ngày trước đó, Chúa Giê-su làm phép lạ cung cấp thức ăn cho đoàn dân hàng ngàn người. Họ đã đáp lại bằng cách cố ép ngài làm vua. Nhưng ngài làm nhiều người ngạc nhiên khi lánh đi và hối thúc các môn đồ lên thuyền, dong buồm hướng về Ca-bê-na-um. Trong lúc các môn đồ đang gặp bão vào đêm ấy, Chúa Giê-su lại làm họ ngạc nhiên khi đi bộ trên mặt biển Ga-li-lê. Lúc đó, ngài dạy Phi-e-rơ một bài học quan trọng về đức tin.
5 Sáng hôm sau, các môn đồ thấy đoàn dân đã chèo thuyền theo họ. Thế nhưng, xem ra người ta chỉ muốn nhận thêm thức ăn từ phép lạ của Chúa Giê-su, chứ không phải khao khát điều tâm linh. Chúa Giê-su quở trách họ vì đã theo tinh thần vật chất (Giăng 6:25-27). Sau đó, cuộc thảo luận tiếp tục ở nhà hội tại Ca-bê-na-um, và Chúa Giê-su lại hành động trái với sự mong đợi của người ta khi cố gắng dạy một sự thật thiết yếu nhưng khó hiểu.
6. Chúa Giê-su đã nêu minh họa nào? Những người nghe ngài phản ứng ra sao?
6 Chúa Giê-su không muốn những người này xem ngài là nguồn cung cấp thức ăn, nhưng muốn họ xem ngài là sự sắp đặt về thiêng liêng đến từ Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là qua sự sống và cái chết của ngài với tư cách một con người, nhiều người có cơ hội sống đời đời. Vì vậy, Chúa Giê-su ví ngài như ma-na, tức bánh từ trời vào thời Môi-se. Khi một số người phản đối, ngài dùng một minh họa sống động khác, giải thích rằng ai muốn nhận sự sống thì phải ăn thịt và uống huyết ngài. Khi nghe điều đó, sự phản đối càng thêm gay gắt. Một số người nói: “Lời này thật chướng tai, ai nghe cho được?”. Từ lúc đó, nhiều môn đồ đã quyết định không theo Chúa Giê-su nữa.a—Giăng 6:48-60, 66.
7, 8. (a) Phi-e-rơ chưa hiểu gì về vai trò của Chúa Giê-su? (b) Phi-e-rơ đáp lại câu hỏi của Chúa Giê-su như thế nào?
7 Phi-e-rơ sẽ làm gì? Lời giảng của Chúa Giê-su hẳn cũng khiến ông bối rối. Ông chưa hiểu rằng Chúa Giê-su phải chết để thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng Phi-e-rơ có muốn lén bỏ đi như những môn đồ có tính hay thay đổi đã bỏ Chúa Giê-su vào hôm đó không? Không. Có một tính quan trọng đã làm Phi-e-rơ khác biệt với bọn họ. Đó là gì?
8 Chúa Giê-su quay sang các sứ đồ và hỏi: “Các anh có muốn bỏ đi không?” (Giăng 6:67). Ngài hỏi 12 sứ đồ, nhưng Phi-e-rơ là người lên tiếng. Trước nay ông vẫn thế. Có thể Phi-e-rơ là người lớn tuổi nhất trong số họ. Dù sao đi nữa, chắc chắn ông là người trực tính nhất trong nhóm. Hình như hiếm khi Phi-e-rơ ngần ngại nói lên cảm nghĩ của mình. Trong trường hợp này, ông phát biểu cảm nghĩ bằng một câu rất hay và đáng nhớ: “Thưa Chúa, chúng tôi sẽ theo ai đây? Chúa có những lời mang lại sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 6:68.
9. Phi-e-rơ biểu lộ lòng trung thành với Chúa Giê-su ra sao?
9 Chẳng phải những lời ấy khiến bạn cảm động sao? Đức tin của Phi-e-rơ nơi Chúa Giê-su đã giúp ông vun đắp một đức tính quý là trung thành. Phi-e-rơ thấy rõ Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi duy nhất mà Đức Giê-hô-va cung cấp, và Chúa Giê-su giải cứu người ta qua sự dạy dỗ về Nước Trời. Phi-e-rơ biết là dù có một số điều làm ông bối rối, nhưng chỉ có một con đường để theo nếu muốn nhận ân huệ của Đức Chúa Trời và sự sống vĩnh cửu.
Chúng ta cần trung thành làm theo những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, ngay cả khi chúng trái với mong đợi hoặc sở thích của mình
10. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo lòng trung thành của Phi-e-rơ?
10 Bạn có cảm thấy như thế không? Đáng buồn thay, nhiều người trong thế gian ngày nay cho rằng họ yêu thương Chúa Giê-su nhưng lại không trung thành khi gặp thử thách. Để giữ lòng trung thành với Chúa Giê-su, chúng ta phải có cùng quan điểm với Phi-e-rơ về những sự dạy dỗ của ngài. Chúng ta cần học, hiểu ý nghĩa và sống theo những sự dạy dỗ ấy, ngay cả khi ngạc nhiên vì những điều đó trái với mong đợi hoặc sở thích của mình. Chỉ khi chứng tỏ lòng trung thành, chúng ta mới có hy vọng nhận được sự sống vĩnh cửu mà Chúa Giê-su muốn ban cho.—Đọc Thi-thiên 97:10.
Trung thành khi bị khiển trách
11. Chúa Giê-su dẫn các môn đồ thực hiện chuyến hành trình nào? (Cũng xem chú thích).
11 Không lâu sau giai đoạn bận rộn ấy, Chúa Giê-su dẫn các sứ đồ và một vài môn đồ thực hiện chuyến hành trình dài lên phía bắc. Từ biển Ga-li-lê trong xanh, đôi khi người ta thấy được đỉnh núi Hẹt-môn phủ tuyết, ở cực bắc ranh giới Đất Hứa. Ngọn núi ấy càng hiện ra sừng sững khi nhóm người dần đi lên cao hơn, đến những làng gần Sê-sa-rê Phi-lípb. Trong phong cảnh hữu tình này, nơi có thể thấy được phần lớn Đất Hứa trải về phía nam, Chúa Giê-su hỏi những người theo ngài một câu quan trọng.
12, 13. (a) Tại sao Chúa Giê-su muốn biết dân chúng nghĩ gì về ngài? (b) Khi trả lời Chúa Giê-su, Phi-e-rơ đã thể hiện đức tin thật ra sao?
12 “Dân chúng nói tôi là ai?”, Chúa Giê-su muốn biết điều đó. Chúng ta có thể hình dung khi Phi-e-rơ nhìn vào đôi mắt tinh anh của Chúa Giê-su, ông lại thấy sự tử tế và thông minh tột đỉnh của Chủ mình. Chúa Giê-su muốn biết người ta kết luận thế nào về những điều họ được nghe và thấy về ngài. Các môn đồ của Chúa Giê-su trả lời bằng cách lặp lại những quan niệm sai lầm và phổ biến về việc ngài là ai. Nhưng Chúa Giê-su muốn biết nhiều hơn. Liệu những người gần gũi ngài nhất cũng sai lầm như thế không? Ngài hỏi: “Còn anh em nói tôi là ai?”.—Lu 9:18-20.
13 Một lần nữa, Phi-e-rơ nhanh nhảu đáp lời. Ông nêu lên kết luận của nhiều người có mặt ở đó bằng những lời rõ ràng, mạnh dạn: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Chúng ta có thể hình dung nụ cười hài lòng của Chúa Giê-su khi ngài nồng nhiệt khen Phi-e-rơ. Chúa Giê-su nhắc Phi-e-rơ nhớ rằng chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chứ không phải con người, đã tiết lộ rõ ràng sự thật thiết yếu này cho những ai có đức tin thật. Phi-e-rơ đã được mở mắt để nhận ra ai là Đấng Mê-si, hay Đấng Ki-tô, được hứa từ trước. Đó là một trong những sự thật quan trọng nhất mà Đức Giê-hô-va từng tiết lộ!—Đọc Ma-thi-ơ 16:16, 17.
14. Chúa Giê-su ban cho Phi-e-rơ một số đặc ân quý giá nào?
14 Một lời tiên tri xưa gọi Đấng Ki-tô là hòn đá mà thợ xây loại bỏ (Thi 118:22; Lu 20:17). Chúa Giê-su nhắc đến những lời tiên tri như thế khi ngài cho biết Đức Giê-hô-va sẽ thiết lập một hội thánh trên chính hòn đá mà Phi-e-rơ vừa nhận ra. Rồi ngài ban cho Phi-e-rơ một số đặc ân quý giá trong hội thánh ấy. Ngài không đặt Phi-e-rơ đứng đầu các sứ đồ, như một số người lầm tưởng, nhưng ngài giao cho ông một số nhiệm vụ. Ngài giao cho Phi-e-rơ “các chìa khóa của Nước Trời” (Mat 16:18, 19). Đặc ân của Phi-e-rơ là mở ra hy vọng vào Nước Trời cho ba nhóm người: trước hết là người Do Thái, tiếp theo là người Sa-ma-ri và cuối cùng là người ngoại, tức những người không thuộc dân Do Thái.
15. Tại sao Phi-e-rơ can Chúa Giê-su, và ông nói gì?
15 Dù vậy, sau này Chúa Giê-su cho biết những ai được ban cho nhiều sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn, và điều này đúng trong trường hợp của Phi-e-rơ (Lu 12:48). Chúa Giê-su tiếp tục cho biết những sự thật thiết yếu về Đấng Mê-si, kể cả việc ngài sắp chịu khổ và chết tại thành Giê-ru-sa-lem. Phi-e-rơ lo sợ khi nghe những điều này. Ông kéo ngài riêng ra và can: “Sao Chúa lại nghĩ mình phải chịu khổ như vậy? Điều đó sẽ không xảy ra đâu”.—Mat 16:21, 22.
16. Chúa Giê-su chỉnh Phi-e-rơ ra sao? Chúng ta thấy lời khuyên thực tế nào trong lời Chúa Giê-su?
16 Chắc chắn Phi-e-rơ có ý tốt, thế nên lời đáp của Chúa Giê-su hẳn làm ông ngạc nhiên. Chúa Giê-su quay lưng khỏi Phi-e-rơ và nhìn các môn đồ, rất có thể những người ấy cũng nghĩ như Phi-e-rơ, rồi ngài phán: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra sau Ta. Ngươi thật làm trở ngại cho Ta, vì ngươi không nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người” (Mat 16:23, Đặng Ngọc Báu; Mác 8:32, 33). Những lời của Chúa Giê-su cũng là lời khuyên thực tế cho tất cả chúng ta. Thật dễ để đặt lối suy nghĩ của loài người lên trên lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Nếu làm thế, dù với ý giúp đỡ, có thể chúng ta vô tình ủng hộ ý định của Sa-tan thay vì ý định của Đức Chúa Trời. Vậy Phi-e-rơ đã phản ứng thế nào?
17. Chúa Giê-su có ý gì khi bảo Phi-e-rơ “lui ra sau” ngài?
17 Hẳn Phi-e-rơ biết Chúa Giê-su không gọi ông là Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt theo nghĩa đen. Suy cho cùng, Chúa Giê-su không nói với Phi-e-rơ như ngài đã nói với Sa-tan. Với Sa-tan, Chúa Giê-su nói: “Hãy đi cho khuất mắt ta!”; còn với Phi-e-rơ, ngài nói: “Hãy lui ra sau Ta” (Mat 4:10). Chúa Giê-su không bỏ Phi-e-rơ, sứ đồ mà ngài thấy có nhiều điểm tốt. Ngài chỉ chỉnh lại lối suy nghĩ sai lầm của ông về vấn đề này. Rõ ràng, Phi-e-rơ không nên đứng trước Chủ mình như một chướng ngại vật. Ông nên là người đứng phía sau, hỗ trợ cho Chủ.
Chỉ khi khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị và rút kinh nghiệm, chúng ta mới có thể ngày càng đến gần Chúa Giê-su và Cha ngài, Đức Giê-hô-va
18. Phi-e-rơ biểu lộ lòng trung thành ra sao? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương ông?
18 Phi-e-rơ có cãi lại, giận dữ hay hờn dỗi không? Không. Ông khiêm nhường chấp nhận sự khiển trách. Qua đó, ông lại biểu lộ lòng trung thành một lần nữa. Tất cả những người theo Chúa Giê-su đôi lúc cũng cần được khiển trách. Chỉ khi khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị và rút kinh nghiệm, chúng ta mới có thể ngày càng đến gần Chúa Giê-su và Cha ngài, Đức Giê-hô-va.—Đọc Châm-ngôn 4:13.
Lòng trung thành được ban thưởng
19. Câu nói nào của Chúa Giê-su gây sửng sốt? Có lẽ Phi-e-rơ thắc mắc điều gì?
19 Chẳng bao lâu sau, Chúa Giê-su nói một câu khác gây sửng sốt: “Quả thật, tôi nói với anh em rằng có vài người đang đứng đây sẽ không chết trước khi thấy Con Người đến trong Nước ngài” (Mat 16:28). Chắc hẳn những lời này khiến Phi-e-rơ tò mò, không biết lời Chúa Giê-su có nghĩa gì. Vì vừa bị khiển trách nặng, có lẽ ông thắc mắc liệu mình sẽ nhận được những đặc ân như thế không.
20, 21. (a) Hãy miêu tả khải tượng mà Phi-e-rơ đã chứng kiến. (b) Làm thế nào cuộc trò chuyện giữa các nhân vật trong khải tượng đã giúp Phi-e-rơ chỉnh lại suy nghĩ?
20 Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, Chúa Giê-su dẫn Gia-cơ, Giăng và Phi-e-rơ lên “một ngọn núi rất cao”, có lẽ là núi Hẹt-môn, chỉ cách đó vài kilômét. Dường như lúc ấy là ban đêm vì cả ba người phải cưỡng lại cơn buồn ngủ. Nhưng khi Chúa Giê-su cầu nguyện, một sự việc đã xảy ra khiến họ bừng tỉnh.—Mat 17:1; Lu 9:28, 29, 32.
21 Chúa Giê-su bắt đầu biến hóa trước mắt họ. Gương mặt ngài bắt đầu chiếu sáng, cho đến khi rực rỡ như mặt trời. Áo ngài trắng tinh và sáng ngời. Rồi có hai nhân vật đứng bên Chúa Giê-su, một tượng trưng cho Môi-se và một tượng trưng cho Ê-li. Họ nói chuyện với Chúa Giê-su “về sự ra đi của ngài, là điều phải được ứng nghiệm tại Giê-ru-sa-lem”, hẳn đó là cái chết và sự sống lại của ngài. Rõ ràng Phi-e-rơ đã sai khi nghĩ là Chúa Giê-su sẽ không phải trải qua sự khổ sở như thế!—Lu 9:30, 31.
22, 23. (a) Phi-e-rơ thể hiện lòng nhiệt tình và nồng ấm ra sao? (b) Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng nhận được một phần thưởng nào khác?
22 Phi-e-rơ cảm thấy muốn được dự phần vào khải tượng phi thường này theo cách nào đó, và có lẽ cũng muốn nó kéo dài hơn. Có vẻ như Môi-se và Ê-li sắp từ biệt Chúa Giê-su. Do đó, Phi-e-rơ lên tiếng: “Thưa thầy, thật vinh hạnh cho chúng tôi được có mặt ở đây. Hãy để chúng tôi dựng ba cái lều, một cái cho thầy, một cái cho Môi-se và một cái cho Ê-li”. Dĩ nhiên hình ảnh tượng trưng cho hai tôi tớ đã qua đời từ lâu của Đức Giê-hô-va không cần lều. Phi-e-rơ thật sự không biết mình đang nói gì. Dù thế, chẳng phải bạn thích gần gũi Phi-e-rơ vì lòng nhiệt tình và nồng ấm của ông hay sao?—Lu 9:33.
23 Trong đêm đó, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng nhận được một phần thưởng khác. Một đám mây xuất hiện trên núi và bao phủ họ. Từ trong đám mây có tiếng nói, là tiếng của Đức Chúa Trời! Ngài phán: “Đây là Con của ta, người mà ta đã chọn. Hãy nghe lời người”. Rồi khải tượng chấm dứt, và chỉ còn họ ở trên núi với Chúa Giê-su.—Lu 9:34-36.
24. (a) Khải tượng về sự biến hóa giúp ích cho Phi-e-rơ như thế nào? (b) Ngày nay chúng ta có thể được lợi ích từ khải tượng đó bằng cách nào?
24 Khải tượng về sự biến hóa quả là sự ban cho quý báu đối với Phi-e-rơ, và cả chúng ta! Hàng chục năm sau, Phi-e-rơ viết về đặc ân được thấy trước Chúa Giê-su là vua vinh hiển trên trời và được “chứng kiến sự uy nghiêm rực rỡ của ngài”. Khải tượng đó xác nhận nhiều lời tiên tri trong Lời Đức Chúa Trời và củng cố đức tin Phi-e-rơ để ông đương đầu với những thử thách phía trước. (Đọc 2 Phi-e-rơ 1:16-19). Khải tượng đó cũng có thể củng cố đức tin chúng ta nếu chúng ta noi theo Phi-e-rơ bằng cách trung thành với Chủ được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm, học từ ngài, chấp nhận sự khiển trách và sửa trị của ngài cũng như khiêm nhường đi theo ngài mỗi ngày.
a Chúng ta thấy rõ tính dễ dao động của đoàn dân nơi nhà hội khi so sánh phản ứng vào hôm đó với lời nói của họ chỉ một ngày trước, lúc họ phấn khởi cho rằng ngài là đấng tiên tri của Đức Chúa Trời.—Giăng 6:14.
b Từ bờ biển Ga-li-lê, đoàn người đi quãng đường dài 50km (khoảng 210m dưới mực nước biển lên cao khoảng 350m trên mực nước biển) băng qua những vùng có cảnh quan tuyệt đẹp.