CHƯƠNG 7
Bạn có xem sự sống theo quan điểm Đức Chúa Trời không?
“Nguồn sự sống ở nơi ngài”.—THI THIÊN 36:9.
1, 2. (a) Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà quý giá nào? (b) Đức Giê-hô-va cung cấp điều gì để giúp chúng ta có đời sống tốt nhất?
Đức Giê-hô-va ban cho mỗi chúng ta một món quà tuyệt vời, đó là sự sống (Sáng thế 1:27). Ngài muốn chúng ta có đời sống tốt nhất. Vì vậy, ngài cung cấp những nguyên tắc giúp chúng ta quyết định khôn ngoan. Chúng ta nên dựa trên những nguyên tắc đó để “phân biệt điều đúng, điều sai” (Hê-bơ-rơ 5:14). Khi làm thế, chúng ta đang để Đức Giê-hô-va uốn nắn hầu có lối suy nghĩ sáng suốt. Khi sống theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời và cảm nghiệm đời sống mình tốt hơn, chúng ta thấy rõ những nguyên tắc ấy quý giá đến mức nào.
2 Đời sống rất phức tạp và thường phát sinh những tình huống mà không có điều luật cụ thể trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, có thể chúng ta phải đưa ra quyết định về những phương pháp điều trị liên quan đến máu. Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra quyết định làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va? Kinh Thánh chứa đựng những nguyên tắc giúp chúng ta biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự sống và huyết. Khi hiểu những nguyên tắc này, chúng ta sẽ quyết định khôn ngoan và giữ được lương tâm tốt (Châm ngôn 2:6-11). Giờ đây, hãy xem xét vài nguyên tắc trong số đó.
ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ SỰ SỐNG VÀ HUYẾT?
3, 4. (a) Làm thế nào Đức Chúa Trời cho thấy ngài xem huyết là thánh? (b) Huyết tượng trưng cho điều gì?
3 Kinh Thánh dạy rằng huyết là thánh vì nó tượng trưng cho sự sống. Sự sống rất quý giá đối với Đức Giê-hô-va. Sau khi Ca-in giết em trai mình, Đức Giê-hô-va phán với ông: “Máu của em con từ đất kêu thấu đến ta” (Sáng thế 4:10). Máu của A-bên tượng trưng cho sự sống của ông. Thế nên khi nhắc đến máu của A-bên, Đức Giê-hô-va muốn nói đến sự sống của ông.
4 Sau trận Đại Hồng Thủy thời Nô-ê, Đức Chúa Trời cho phép loài người ăn thịt. Nhưng ngài nói rõ rằng: “Các con không được phép ăn thịt còn máu, tức là còn sự sống” (Sáng thế 9:4). Mệnh lệnh này áp dụng cho tất cả con cháu của Nô-ê, trong đó có chúng ta. Rõ ràng, đối với Đức Giê-hô-va, huyết tượng trưng cho sự sống. Chúng ta cũng cần có quan điểm như thế về huyết.—Thi thiên 36:9.
5, 6. Làm thế nào Luật pháp Môi-se cho chúng ta biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự sống và huyết?
5 Trong Luật pháp mà Đức Giê-hô-va ban cho Môi-se, ngài phán: “Nếu một người... ăn bất kỳ loại huyết nào thì ta chắc chắn sẽ chống lại kẻ đó và diệt trừ nó khỏi dân chúng. Vì sự sống của sinh vật ở trong máu”.—Lê-vi 17:10, 11.
6 Luật pháp Môi-se quy định rằng khi một người giết thú vật để làm thức ăn thì phải đổ máu nó trên đất. Hành động này có nghĩa là sự sống của con vật được trả lại cho Đấng Tạo Hóa là Đức Giê-hô-va (Phục truyền luật lệ 12:16; Ê-xê-chi-ên 18:4). Nhưng Đức Giê-hô-va không đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải tỉ mỉ lấy hết sạch máu khỏi con vật. Một khi đã cẩn thận cắt tiết con vật thì họ có thể ăn thịt nó với lương tâm trong sạch. Qua việc tôn trọng huyết của con vật, họ cho thấy mình tôn trọng Đấng Ban Sự Sống là Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, Luật pháp cũng đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải dâng thú vật làm vật tế lễ để chuộc tội.—Xin xem Phụ lục 19 và 20.
7. Điều gì cho thấy Đa-vít tôn trọng huyết?
7 Chúng ta có thể thấy giá trị của huyết qua điều Đa-vít làm trong khi chiến đấu với quân Phi-li-tia. Lính của Đa-vít thấy ông rất khát nên họ liều mạng xông vào khu vực nguy hiểm của kẻ thù để lấy nước cho ông. Nhưng khi họ đem nước về, Đa-vít không chịu uống mà “đổ nó ra dâng cho Đức Giê-hô-va”. Ông nói: “Ôi Đức Giê-hô-va, con chẳng thể uống nước này! Làm sao con có thể uống máu của những người đã liều mạng sống mình?”. Đa-vít hiểu rõ sự sống và huyết quý giá thế nào đối với Đức Chúa Trời.—2 Sa-mu-ên 23:15-17.
8, 9. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay nên có quan điểm nào về huyết?
8 Đến thời các tín đồ thời ban đầu, dân Đức Chúa Trời không còn phải dâng thú vật làm vật tế lễ. Nhưng họ vẫn cần có quan điểm đúng về huyết. “Kiêng huyết” là một trong số ít những điều thuộc Luật pháp mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi các tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải giữ. Điều này quan trọng như việc tránh gian dâm hoặc thờ thần tượng.—Công vụ 15:28, 29.
9 Ngày nay cũng tương tự như vậy. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va là Nguồn Sự Sống và mọi sự sống đều thuộc về ngài. Chúng ta cũng nhìn nhận huyết là thánh và tượng trưng cho sự sống. Vì vậy, chúng ta muốn xem xét các nguyên tắc Kinh Thánh khi phải đưa ra quyết định về phương pháp điều trị liên quan đến máu.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ LIÊN QUAN ĐẾN MÁU
10, 11. (a) Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về việc truyền máu toàn phần hoặc bốn thành phần chính của máu? (b) Mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tự quyết định về điều gì?
10 Nhân Chứng Giê-hô-va nhận biết rằng “kiêng huyết” không chỉ là tránh ăn hoặc uống huyết, nhưng còn bao gồm việc không chấp nhận tiếp máu, không hiến máu và không trữ máu của mình để tiếp cho mình. Điều này cũng bao gồm việc không chấp nhận truyền một trong bốn thành phần chính của máu là hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.
11 Bốn thành phần chính này của máu có thể được chiết xuất thành những phần nhỏ hơn gọi là các chất chiết xuất từ máu. Mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tự quyết định có chấp nhận những chất chiết xuất từ máu hay không. Điều này cũng áp dụng cho những phương pháp điều trị dùng chính máu của bệnh nhân. Mỗi người phải tự đưa ra quyết định về việc máu của mình sẽ được sử dụng theo cách nào trong quá trình phẫu thuật, xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị hiện tại.—Xin xem Phụ lục 21.
12. (a) Tại sao quyết định của chúng ta trong những vấn đề liên quan đến lương tâm rất quan trọng với Đức Giê-hô-va? (b) Làm sao để đưa ra quyết định khôn ngoan về một phương pháp điều trị nào đó?
12 Đức Giê-hô-va có thật sự quan tâm đến quyết định của chúng ta trong những vấn đề liên quan đến lương tâm không? Có. Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến suy nghĩ và động cơ của chúng ta. (Đọc Châm ngôn 17:3; 24:12). Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định liên quan đến một phương pháp điều trị, chúng ta cần cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn, rồi nghiên cứu về phương pháp điều trị ấy. Sau đó, chúng ta nên vận dụng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện để đưa ra quyết định. Chúng ta không nên hỏi người khác sẽ làm gì nếu ở trong hoàn cảnh của mình, và người khác cũng không nên tìm cách tác động đến quan điểm của chúng ta. Mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ “gánh lấy phần riêng của mình”.—Ga-la-ti 6:5; Rô-ma 14:12.
LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHO THẤY NGÀI YÊU THƯƠNG CHÚNG TA
13. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua các điều luật và nguyên tắc của ngài liên quan đến máu?
13 Bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta làm đều là vì lợi ích của chúng ta và cho thấy ngài yêu thương chúng ta (Thi thiên 19:7-11). Tuy nhiên, chúng ta không chỉ vâng lời ngài vì các mệnh lệnh của ngài đem lại lợi ích cho mình, nhưng chúng ta làm thế vì yêu thương ngài. Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta tránh tiếp máu (Công vụ 15:20). Hơn nữa, điều này cũng bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Đa số người ta ngày nay biết về các rủi ro của việc tiếp máu, và nhiều bác sĩ tin rằng việc phẫu thuật không dùng máu sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bệnh nhân. Rõ ràng, đường lối của Đức Giê-hô-va luôn khôn ngoan và yêu thương.—Đọc Ê-sai 55:9; Giăng 14:21, 23.
14, 15. (a) Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài những điều luật nào để bảo vệ họ? (b) Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc nằm sau những điều luật ấy như thế nào?
14 Luật pháp của Đức Chúa Trời luôn đem lại lợi ích cho dân ngài. Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa những điều luật để giúp họ tránh các tai nạn nghiêm trọng. Ví dụ, một luật quy định rằng người chủ nhà phải xây lan can quanh sân thượng để không ai bị ngã từ trên đó xuống (Phục truyền luật lệ 22:8). Một luật khác nói rằng nếu ai đó có một con bò hung dữ thì người ấy phải canh chừng nó để nó không tấn công hoặc giết chết người khác (Xuất Ai Cập 21:28, 29). Nếu người Y-sơ-ra-ên nào không vâng theo những điều luật này thì sẽ phải chịu trách nhiệm khi có người bị thiệt mạng.
15 Qua những điều luật ấy, chúng ta thấy rõ sự sống rất quý giá đối với Đức Giê-hô-va. Điều này nên tác động thế nào đến chúng ta? Chúng ta muốn cho thấy mình tôn trọng sự sống bằng cách chăm sóc nhà cửa và xe cộ của mình, cũng như để ý đến cách mình lái xe và cách mình chọn hình thức giải trí. Một số người, đặc biệt là người trẻ, hành động liều lĩnh và lờ đi các mối nguy hiểm tiềm tàng vì họ nghĩ rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra cho mình. Nhưng Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta làm thế. Ngài muốn chúng ta xem trọng sự sống của chính mình cũng như của người khác.—Truyền đạo 11:9, 10.
16. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về việc phá thai?
16 Đức Giê-hô-va xem trọng sự sống của mọi người, ngay cả sự sống của một bào thai. Theo Luật pháp Môi-se, nếu một người vô tình làm một thai phụ bị thương, khiến người mẹ hoặc đứa con bị chết thì Đức Giê-hô-va kết tội người đó là giết người. Dù đây là tai nạn nhưng vì có người bị thiệt mạng nên “phải lấy mạng đền mạng”. (Đọc Xuất Ai Cập 21:22, 23). Đối với Đức Chúa Trời, một bào thai cũng là một sinh mạng. Khi biết điều này, bạn nghĩ ngài có quan điểm nào về việc phá thai? Bạn nghĩ ngài cảm thấy thế nào khi chứng kiến hàng triệu bào thai bị phá bỏ mỗi năm?
17. Điều gì có thể an ủi một phụ nữ từng phá thai trước khi biết về Đức Giê-hô-va?
17 Nói sao nếu một phụ nữ đã phá thai trước khi biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về điều đó? Người ấy có thể tin chắc rằng mình có thể được Đức Giê-hô-va tha thứ dựa trên cơ sở là sự hy sinh của Chúa Giê-su (Lu-ca 5:32; Ê-phê-sô 1:7). Một người từng phạm sai lầm đó trong quá khứ không cần tiếp tục mang mặc cảm tội lỗi nếu đã thật sự ăn năn. Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót và trắc ẩn... Phương mặt trời mọc cách xa phương mặt trời lặn bao nhiêu, ngài cũng đem sai phạm chúng ta cách xa chúng ta bấy nhiêu”.—Thi thiên 103:8-14.
TRÁNH TƯ TƯỞNG THÙ GHÉT
18. Tại sao chúng ta nên nỗ lực hết sức để loại bỏ tư tưởng thù ghét?
18 Lòng tôn trọng món quà sự sống mà Đức Chúa Trời ban phải xuất phát từ đáy lòng chúng ta, bao gồm cảm nghĩ của chúng ta về người khác. Sứ đồ Giăng viết: “Ai ghét anh em mình là kẻ giết người” (1 Giăng 3:15). Cảm xúc không thích một người có thể phát triển thành lòng thù ghét mà chúng ta không hay biết. Lòng thù ghét có thể khiến một người coi thường hoặc vu cáo người khác, thậm chí là mong cho họ chết. Đức Giê-hô-va biết chúng ta cảm thấy thế nào về người khác (Lê-vi 19:16; Phục truyền luật lệ 19:18-21; Ma-thi-ơ 5:22). Nếu nhận thấy mình có tư tưởng thù ghét với ai đó, chúng ta cần nỗ lực để loại bỏ chúng.—Gia-cơ 1:14, 15; 4:1-3.
19. Quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự hung bạo nên tác động thế nào đến chúng ta?
19 Chúng ta có thể tỏ lòng tôn trọng sự sống qua một cách khác nữa. Qua Thi thiên 11:5, chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va “ghét kẻ nào yêu sự hung bạo”. Nếu chọn hình thức giải trí hung bạo, chúng ta cho thấy mình yêu sự hung bạo. Sao chúng ta lại muốn đưa những cách ăn nói, ý tưởng và hình ảnh hung bạo vào tâm trí mình? Thay vì thế, chúng ta nên lấp đầy tâm trí bằng những ý tưởng trong sạch và bình an.—Đọc Phi-líp 4:8, 9.
KHÔNG THUỘC VỀ NHỮNG TỔ CHỨC KHÔNG TÔN TRỌNG SỰ SỐNG
20-22. (a) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về thế gian của Sa-tan? (b) Làm thế nào dân Đức Chúa Trời cho thấy họ “không thuộc về thế gian”?
20 Thế gian của Sa-tan không tôn trọng sự sống. Trước mắt Đức Giê-hô-va, thế gian này mang tội đổ máu, tức giết người. Hàng thế kỷ qua, các thế lực chính trị đã gây ra cái chết cho hàng triệu người, trong đó có nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh miêu tả những thế lực hay chính phủ này như những con thú dữ tợn và hung hăng (Đa-ni-ên 8:3, 4, 20-22; Khải huyền 13:1, 2, 7, 8). Trong thế giới ngày nay, buôn bán vũ khí trở thành một ngành kinh doanh lớn. Người ta thu được lợi nhuận khổng lồ qua việc buôn bán vũ khí giết người. Rõ ràng, “cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác”.—1 Giăng 5:19.
21 Tuy nhiên, những tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính “không thuộc về thế gian”. Dân Đức Giê-hô-va giữ trung lập về chính trị và không tham gia chiến tranh. Họ không giết người, cũng như không ủng hộ bất kỳ tổ chức giết người nào (Giăng 15:19; 17:16). Khi bị bắt bớ, tín đồ đạo Đấng Ki-tô không đáp trả bằng bạo lực. Chúa Giê-su dạy chúng ta nên yêu thương ngay cả kẻ thù của mình.—Ma-thi-ơ 5:44; Rô-ma 12:17-21.
22 Tôn giáo cũng đứng đằng sau cái chết của hàng triệu người. Về Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm, Kinh Thánh nói như sau: “Nơi nó thấy có huyết của các nhà tiên tri, của những người thánh cùng tất cả những người đã bị giết trên đất”. Thế nên chúng ta hiểu tại sao Đức Giê-hô-va đưa ra mệnh lệnh: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó”. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va không dính líu đến bất cứ tôn giáo sai lầm nào.—Khải huyền 17:6; 18:2, 4, 24.
23. “Ra khỏi” Ba-by-lôn Lớn bao hàm điều gì?
23 “Ra khỏi” Ba-by-lôn Lớn bao hàm việc cho thấy rõ mình không còn thuộc về bất cứ tôn giáo sai lầm nào. Ví dụ, chúng ta cần chắc chắn rằng tên của mình đã được rút khỏi tôn giáo trước đây. Nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn thế. Chúng ta cũng phải ghét và bác bỏ những việc làm xấu xa của tôn giáo sai lầm, chẳng hạn như việc họ chấp nhận và ủng hộ chính trị, sự gian dâm và tham lam. (Đọc Thi thiên 97:10; Khải huyền 18:7, 9, 11-17). Đây là những điều đã dẫn đến cái chết của hàng triệu người trong suốt những năm qua.
24, 25. Tại sao khi biết về Đức Giê-hô-va, chúng ta có được bình an và lương tâm trong sạch?
24 Trước khi biết về Đức Giê-hô-va, chúng ta đều từng ủng hộ những việc làm xấu xa của thế gian Sa-tan theo một cách nào đó. Nhưng giờ đây chúng ta đã thay đổi. Chúng ta đã chấp nhận giá chuộc và dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời. Chúng ta cảm nghiệm “kỳ thanh thản” mà Đức Giê-hô-va mang lại. Chúng ta có được bình an và lương tâm trong sạch vì biết rằng mình làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.—Công vụ 3:19; Ê-sai 1:18.
25 Ngay cả nếu trước đây từng thuộc về một tổ chức không tôn trọng sự sống, chúng ta có thể được Đức Giê-hô-va tha thứ dựa trên cơ sở giá chuộc. Chúng ta thật sự biết ơn món quà sự sống mà Đức Giê-hô-va ban. Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn bằng cách làm mọi điều có thể để giúp người khác học về Đức Giê-hô-va, rời bỏ thế gian Sa-tan và vui hưởng tình bạn mật thiết với Đức Chúa Trời.—2 Cô-rinh-tô 6:1, 2.
CHIA SẺ CHO NGƯỜI KHÁC VỀ NƯỚC TRỜI
26-28. (a) Đức Giê-hô-va giao cho Ê-xê-chi-ên công việc đặc biệt nào? (b) Ngày nay, Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta làm gì?
26 Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va bảo nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên cảnh báo dân chúng rằng Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt và cho họ biết cần làm gì để được sống sót. Nếu Ê-xê-chi-ên không cảnh báo dân chúng thì Đức Giê-hô-va sẽ bắt ông chịu trách nhiệm về cái chết của họ (Ê-xê-chi-ên 33:7-9). Ê-xê-chi-ên đã cho thấy ông tôn trọng sự sống bằng cách nỗ lực hết sức để chia sẻ thông điệp quan trọng này.
27 Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng giao cho chúng ta sứ mạng cảnh báo người khác rằng thế gian Sa-tan sắp bị hủy diệt, đồng thời giúp họ tìm hiểu về Đức Giê-hô-va để được sống sót và vào thế giới mới (Ê-sai 61:2; Ma-thi-ơ 24:14). Chúng ta muốn nỗ lực hết sức để chia sẻ thông điệp đó cho người khác. Mong sao chúng ta có thể nói giống như Phao-lô: “Tôi vô tội về huyết của mọi người, vì tôi đã không ngần ngại nói cho anh em tất cả ý định của Đức Chúa Trời”.—Công vụ 20:26, 27.
28 Ngoài ra, chúng ta cần giữ thanh sạch trong một số khía cạnh khác của đời sống. Hãy xem vài khía cạnh trong chương kế tiếp.