Hãy coi chừng cái bẫy của sự tham lam
“Hãy lo giữ mình tránh mọi thứ tham lam” (LUCA 12:15, bản dịch của linh-mục Nguyễn Thế Thuấn).
1. Tại sao lời cảnh cáo của Phao-lô về sự tham lam rất thích hợp cho thời nay?
Chúng ta đang sống trong một thế gian thờ phượng tiền bạc. Sự buôn bán không ngớt khêu gợi con người ham làm giàu. Sự thành công trên đường đời thường được đo lường qua số lương bổng. Bởi vậy, Kinh-thánh cho nhiều lời cảnh cáo chống sự tham lam và tật xấu khác giống thế là sự thèm thuồng tỏ ra rất thích hợp cho thời nay (Cô-lô-se 3:5; I Ti-mô-thê 6:10). Theo tự điển, sự tham lam và sự thèm thuồng giống nhau ở điểm là đều “có hay tỏ ra một ham muốn mạnh về của cải, nhất là của cải vật chất”. Sự tham lam có thể nghiêm trọng như tội tà dâm hay thờ hình tượng, bởi Phao-lô có nói: “Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc chắt-bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy” (I Cô-rinh-tô 5:11; Ê-phê-sô 5:3, 5).
2. Giê-su và Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta những lời cảnh giác nào về sự tham lam?
2 Giê-su cảnh cáo môn đồ ngài: “Hãy lo giữ mình tránh mọi thứ tham lam” (Luca 12:15, bản dịch của linh-mục Nguyễn Thế Thuấn). Chính Đức Giê-hô-va cũng đã đưa ra một điều răn về tật xấu ấy nằm trong Mười điều răn: “Ngươi chớ tham nhà kẻ lân-cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân-cận ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17; Rô-ma 13:9).
Mỗi người đều phải coi chừng
3. Lòng tham đã lôi cuốn Ê-va và sau đó dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?
3 Thật ra không ai có thể chểnh mảng trong sự đề phòng tật xấu tham lam thèm thuồng. Khi Ê-va phạm tội nơi vườn Ê-đen, đó là vì tính tham lam: “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt” (Sáng-thế Ký 3:6). Một lần nọ khi đi trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên đã tỏ ra tham lam một cách đáng tởm. Khi mà Đức Giê-hô-va đáp ứng lại lời than phiền của họ là chỉ có ma-na để ăn thôi, không có gì khác, Ngài ban cho họ rất nhiều chim cúc. Nhưng họ tỏ ra quá ham ăn nên bị trừng phạt gắt gao (Dân-số Ký 11:4-6, 31-33).
4. Có những thí dụ nào khác trong lịch sử cho thấy những nguy hiểm do sự tham lam?
4 Về sau, tại trận đánh ở Giê-ri-cô, chính sự tham lam đã thúc đẩy A-can đánh cắp vàng, bạc và một áo choàng đắt tiền trong số các đồ chiếm được nơi ấy (Giô-suê 7:20, 21). Sự tham lam cũng đã thúc đẩy Ghê-ha-xi, một người phụ việc cho Ê-li-sê tìm cách kiếm lợi về việc Na-a-man được chữa lành bệnh hủi (phung cùi) nhờ phép lạ (II Các Vua 5:20-27). Vua A-háp là một người tham lam khác. Vua để cho vợ ngoại đạo là Giê-sa-bên âm mưu hãm hại người láng giềng là Na-bốt để vua có thể chiếm vườn nho của người (I Các Vua 21:1-19). Sau hết có Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, một trong số những người rất thân cận với Giê-su, đã tham lam lợi dụng địa vị mình để ăn cắp tiền trong quỹ chung. Và lòng tham cũng đã xui giục hắn phản bội Giê-su với số tiền là 30 nén bạc (Ma-thi-ơ 26:14-16; Giăng 12:6).
5. Ta học được gì qua kinh nghiệm của các loại người khác nhau đã rơi vào cạm bẫy của sự tham lam?
5 Tất cả những kẻ tham lam nói trên đều bị trừng phạt. Nhưng bạn có để ý các loại người khác nhau đã sa vào cạm bẫy của sự tham lam không? Ê-va là một người đàn bà hoàn toàn sống nơi địa-đàng. A-can và những người Y-sơ-ra-ên thì đã được chính mắt thấy các phép lạ của Đức Giê-hô-va. A-háp là một ông vua, có lẽ là người giàu nhứt trong xứ. Ghê-ha-xi và Giu-đa được ân phước gần gũi những người thánh thiện và được nhiều đặc ân công tác. Tuy thế mà tất cả đã trở nên tham lam. Bởi thế mà bất cứ người nào—dù giàu có đến đâu, dù có đặc ân công tác đến đâu hay có đến đâu, dù có đặc ân công tác đến đâu hay có kinh nghiệm phụng sự đến đâu—đều có thể sa vào cạm bẫy của sự tham lam. Bởi thế, cũng không có chi lạ khi Giê-su đã cảnh giác như sau: “Hãy coi chừng mọi sự thèm thuồng!” (Lu-ca 12:15, NW).
6. Ta cần phải làm gì nếu muốn tránh cạm bẫy của sự tham lam?
6 Nhưng làm sao làm được điều ấy? Cần phải có sự tự chủ và thường xuyên tự xét mình. Sự tham lam bắt nguồn từ trong lòng. Muốn tránh được cạm bẫy của sự tham lam chúng ta phải luôn luôn xem xét lòng mình để coi có sự tham lam đang bén rễ trong ấy không. Kinh-thánh giúp chúng ta làm việc ấy. Như thế nào? Trước nhứt bởi vì Kinh-thánh ghi lại những gì Giê-su và các môn đồ đã nói về sự tham lam. Các lời ấy sẽ giúp chúng ta tự đặt cho mình một số câu hỏi để cho chúng ta thấy lập trường của mình đối với sự tham lam như thế nào.
Xem xét các động lực thúc đấy chúng ta
7. Câu trả lời của Giê-su cho người có sự cãi lẫy về gia tài giúp ta tự xem xét mình ra sao?
7 Lời cảnh cáo của Giê-su về sự thèm thuồng đã được đưa ra nhân dịp lời yêu cầu của một trong các người nghe ngài: “Thưa thầy, xin biểu anh tôi chia gia-tài cho tôi”. Giê-su đáp: “Hỡi người kia, ai đặt ta làm quan xử kiện hay là chia của cho các ngươi?” (Lu-ca 12:13, 14). Rồi ngài tiếp tục nói các lời cảnh cáo về sự thèm thuồng. Giê-su không muốn dính líu vào một vụ cãi lẫy về các vấn đề vật chất, vì ngài có nhiệm vụ quan trọng về thiêng-liêng cần phải thực hiện (Giăng 18:37). Nhưng cuộc đàm thoại trên cho chúng ta dịp tự đặt cho mình một số câu hỏi. Thí dụ chúng ta không nghèo túng gì lắm nhưng chúng ta nghĩ mình có quyền trong chuyện tranh giành đất đai hay của cải nào đó, hay tranh giành một gia tài nào đó. Ta có thể tranh đấu đến giới hạn nào để thắng? Chúng ta sẽ hy sinh việc phụng sự Đức Giê-hô-va hay sự giao hảo với anh em đến mức nào để cố đạt được những gì mà ta cho là mình có quyền được hưởng? (Châm-ngôn 20:21; I Cô-rinh-tô 6:7).
8. Làm sao ta tránh giống các người thông giáo mà Giê-su nói đến ở Lu-ca 20:46, 47?
8 Chúng ta hãy xem một lời khác của Giê-su khi ngài cảnh giác các môn đồ như sau: “Hãy giữ mình về các thầy thông-giáo, là người... nuốt gia-tài của đờn bà góa” (Lu-ca 20:46, 47). Thật là một hình thức tham lam tàn ác thay! Các tín đồ đấng Christ tất nhiên có bổn phận chăm sóc người góa bụa chớ đâu cướp giựt họ (Gia-cơ 1:27). Tuy vậy, thí dụ bạn biết một góa phụ nọ vừa mới được bảo hiểm bồi thường một số tiền khá to, và bạn thì lại cần gấp một khoảng tiền. Ý nghĩ đầu tiên của bạn có phải là đến gặp người góa phụ trên, nghĩ rằng bà sẽ là người dễ cho bạn khuyến dụ nhứt, hay nghĩ là bà có bổn phận phải giúp bạn vì “bà có dư tiền” không? Hay thí dụ bạn đã mượn tiền rồi và bây giờ bạn gặp khó khăn trong việc trả nợ. Có thể nào bạn cho là hoãn việc trả tiền lại cho bà ấy cũng được không sao, vì “bà ta sẽ không đòi gắt đâu” hay có lẽ bạn nghĩ “thật ra bà ta không cần tiền” chăng? Chúng ta phải coi chừng kẻo các vấn đề tiền bạc khiến cho ta không còn biết tôn trọng các nguyên tắc tốt đẹp nữa.
9. Bằng cách nào ta có thể rơi vào cạm bẫy của sự “vì lợi mà nịnh-hót người ta”?
9 Giu-đe cũng kể một cách khác khiến ta có thể sa vào cạm bẫy của sự tham lam. Ông nói về những người đã lén lút xâm nhập vào hội-thánh đạo đấng Christ và gây sự bại hoại bởi lòng tham và lối ăn ở xấu xa của họ, các kẻ này “chối Đấng Chủ-tể và Chúa có một của chúng ta, là Đức Chúa Giê-su Christ” (Giu-đe 4). Các kẻ ấy cũng “vì lợi mà nịnh-hót người ta” (Giu-đe 16). Chúng ta không muốn như thế. Nhưng hãy suy nghĩ: Chúng ta có thường bỏ nhiều thì giờ cho các anh em tín đồ khá giả và không mấy chú ý các anh em nghèo hơn trong hội-thánh không? Nếu có, có thể nào chúng ta làm thế là hy vọng được lợi lộc gì không? (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:33; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:5). Khi chúng ta tỏ ra hiếu khách với các anh có trách nhiệm trong hội-thánh, chúng ta làm thế vì sự yêu thương hay là ta mong được đền đáp bằng đặc quyền nào đó? Nếu là trường hợp sau này thì có lẽ chúng ta cũng “vì lợi mà nịnh-hót người ta” đó chăng?
10. Bằng các cách nào một người có thể làm lợi về tài chánh do sự thờ phượng Đức Giê-hô-va? Nếu làm như thế thì người đã theo gương ai?
10 Một sự thể hiện của lòng tham lam làm Giê-su nổi giận là việc thấy “có người buôn-bán bò, chiên, bò-câu, và người đổi bạc dọn hàng ở đó”. Lòng nhiệt thành đối với nhà của Đức Giê-hô-va đã khiến ngài đuổi các người ấy khỏi đền thờ và phán: “Đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn-bán” (Giăng 2:13-17). Chúng ta có lòng nhiệt thành như vậy không? Vậy ta nên tự hỏi mình: Tôi có nói về chuyện làm ăn tại Phòng Nước Trời không? Tôi có đề nghị chuyện mua bán với các anh em trong đạo vì biết họ sẽ ngại từ chối mình không? Tôi có lợi dụng các anh em bạn bè nơi hội-thánh để nới rộng các sự tiếp xúc có tính cách thương mại không? Chắc chắn là chúng ta không nên lợi dụng các mối giao hảo với anh em thiêng-liêng của chúng ta để trục lợi.
11. Các nguyên tắc nào trong đạo đấng Christ giúp ta giữ thái độ tốt khi làm công việc thương mại với anh em mình?
11 Nói như thế có phải là tín đồ đấng Christ không thể nào có giao thiệp thương mại với nhau không? Nhưng nên phân biệt có nơi cũng như có lúc cho việc làm ăn, và có nơi có lúc khác dành cho sự thờ phượng (Truyền-đạo 3:1). Trong sự giao thiệp thương mại, người tín đồ đấng Christ không bao giờ quên các nguyên tắc Kinh-thánh. Khi một tín đồ đã ký một khế ước thương mại thì không nên tìm cách lợi dụng các chỗ sơ hở của luật pháp để trốn tránh các bổn phận tinh thần của mình (Ma-thi-ơ 5:37). Người ấy cũng không nên trở thành quá tàn nhẫn hay quá gay gắt nếu thương vụ không thành công khiến mình bị lỗ lã. Sứ-đồ Phao-lô có viết cho anh em ở Cô-rinh-tô: “Thật vậy, anh em có sự kiện-cáo nhau, là phải tội rồi. Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian lận là hơn!” (I Cô-rinh-tô 6:7). Vậy bạn thì sao, vì quyền lợi hội-thánh, bạn có chấp nhận chịu thiệt hơn là kiện cáo anh em ra trước tòa án không?
12. Các nguyên tắc nào trong Kinh-thánh sẽ giúp những người làm nghề thương mại tránh được cạm bẫy của sự tham lam?
12 Mọi tín đồ đấng Christ tham gia vào việc thương mại cần phải hết sức cẩn thận. Ngày nay có nhiều người thường xử dụng những cách làm ăn buôn bán thất đức, tuy nhiên người tín đồ đấng Christ thì không thể hành động như thế. Người nên luôn luôn nhớ rằng mình là một môn đồ của đấng Christ và không muốn mang tiếng là kẻ gian manh hay có những lối làm ăn bất lương (So sánh Châm-ngôn 20:14; Ê-sai 33:15). Người cũng không bao giờ nên quên là Giê-su khuyên ta không nên nô lệ vào tiền bạc, tôn sùng nó, và Giăng đã cảnh giác chúng ta về “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” (I Giăng 2:16; Ma-thi-ơ 6:24). Nếu bạn làm trong ngành thương mại, bạn có chống lại sự cám dỗ khêu gợi lòng tham của người ta để bán cho được nhiều hang không? Hay bạn sẽ lợi dụng tánh khoe khoang kiêu ngạo của họ để đẩy mạnh việc buôn bán của bạn? Bạn có điều hành công việc làm ăn mình cách thế nào để khỏi phải hổ thẹn khi trình bày công việc của bạn trong lời cầu nguyện Đức Giê-hô-va không? (Ma-thi-ơ 6:11; Phi-líp 4:6, 7).
13, 14. a) Các tín đồ giàu có phải duy trì sự chừng mực nào? Và những tín đồ không giàu có thì sao? b) Lời cầu nguyện ở Châm-ngôn 30:8 giúp chúng ta học quan điểm đúng về vấn đề tiền bạc như thế nào?
13 Sau cùng, Phao-lô đã viết cho Ti-mô-thê như sau: “Còn như kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất” (I Ti-mô-thê 6:9). Giàu không là một cái tội mặc dù sự giàu có cũng mang lại nhiều sự khó khăn và cám dỗ (Ma-thi-ơ 19:24-26). Nguy hiểm là ở chỗ quyết “muốn nên giàu-có”. Thí dụ một trưởng lão đã nói: “Khó khăn thường xảy ra khi một tín đồ nhìn một anh em khác giàu có rồi tự nhủ: Tại sao tôi lại không thể trở nên như anh ấy được?”
14 Kinh-thánh khuyên dạy chúng ta: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Nếu bạn giàu có, bạn có xem đó là một sự ban cho, một điều mà mình có thể xử dụng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va không? Vào một dịp nọ, Giê-su bảo một thanh niên giàu có là nếu muốn theo ngài thì anh ta phải bỏ lại tất cả tài sản của anh. Nếu Giê-su nói với bạn như thế, liệu bạn sẽ chọn giữ của cải hay chọn đi theo Giê-su? (Ma-thi-ơ 19:20-23). Nếu bạn không giàu thì bạn có bằng lòng với tình trạng đó không? Bạn có thể tránh được cạm bẫy của sự thèm thuồng không? Bạn có sẵn sàng tin tưởng nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”? (Cũng xem Châm-ngôn 30:8).
Giàu có nơi Đức Chúa Trời
15, 16. a) Giê-su đã dùng chuyện ví dụ nào để nhấn mạnh lời của ngài về sự tham lam? b) Vấn đề khó khăn chính của người trong chuyện ví dụ của Giê-su là gì?
15 Sau khi Giê-su cảnh giác các kẻ nghe ngài “hãy giữ mình tránh mọi thứ tham-lam”, ngài liền nói tiếp về chuyện một người giàu có ruộng đất, sinh lợi cho ông nhiều lắm. “Người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản-vật. Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho-tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu-trử sản-vật và gia-tài vào đó; rồi sẽ nói với linh-hồn ta rằng: Linh-hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui-vẻ. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai? Hễ thâu-trử của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu-ca 12:16-21).
16 Người này có phạm tội trọng nào như tống tiền hay trộm cắp không? Chuyện ví dụ không nói thế. Tuy nhiên người ấy có vấn đề là đặt tin tưởng nơi tiền bạc để đảm bảo tương lai cho mình, quên đi một điều quan trọng hơn là nên “giàu có nơi Đức Chúa Trời”. Các tín đồ thật của đấng Christ đã tránh được cạm bẫy của sự tham lam và như thế không thuộc thế gian này chính bởi xem sự giao hảo của họ với Đức Giê-hô-va như điều quan trọng nhứt trong cuộc sống họ (Giăng 17:16).
17. Người tín đồ có thăng bằng xem vấn đề sinh nhai như thế nào?
17 Giê-su có lần đã khuyên: “Ấy vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm” (Ma-thi-ơ 6:31, 32). Đúng thế, tất cả chúng ta đều phải đối phó với các khó khăn mà “các dân ngoại” gặp phải. Phần đông chúng ta phải làm việc cực nhọc để có thể mua những thứ cần thiết để sống như đồ ăn, đồ uống, quần áo (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12). Nhưng chúng ta từ chối không chịu để các việc ấy cản trở ta “giàu-có nơi Đức Chúa Trời”.
18. Sự tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tránh được cạm bẫy của sự tham lam ra sao?
18 Đức Giê-hô-va là cội nguồn của mọi của cải (Công-vụ các Sứ-đồ 14:15, 17). Ngài hứa sẽ chăm lo đặc biệt đến các tôi tớ của Ngài. Giê-su đã nói: “Cha các ngươi trên trời vốn biết các ngươi cần các thứ ấy. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:32, 33; Thi-thiên 37:25). Bạn có tin nơi lời hứa ấy không? Bạn có tin là Ngài sẽ giữ lời hứa ấy không? Bạn có thỏa lòng với những gì Đức Giê-hô-va cung cấp cho bạn không? Nếu có, bạn sẽ tránh được cạm bẫy của sự tham lam (Cô-lô-se 3:5). Việc phụng sự Đức Giê-hô-va và mối giao hảo của bạn với Ngài sẽ luôn luôn được đặt lên hàng đầu, và toàn thể nếp sống của bạn sẽ chứng minh cho đức-tin của bạn nơi Ngài.
Bạn còn nhớ không?
◻ Những loại người nào bị ảnh hưởng bởi sự tham lam?
◻ Bằng cách nào chúng ta có thể đề phòng sự tham lam?
◻ Sự tham lam đôi khi được bày tỏ như thế nào?
◻ Các câu hỏi nào giúp chúng ta xem mình có tránh được cạm bẫy của sự tham lam hay không?
◻ Sự bảo vệ thật tốt chống lại tính tham lam là gì?
[Câu nổi bật nơi trang 9]
Trong sự giao thiệp thương mại, người tín đồ đấng Christ không bao giờ quên các nguyên tắc Kinh-thánh