“Hãy gắng sức”
“Hãy gắng sức vào cửa hẹp, vì, ta nói cùng các ngươi, nhiều người sẽ tìm cách vào mà không vào được” (LU-CA 13:24).
1. Đa số người ta muốn gì?
Hỏi em Robbie 6 tuổi tại sao em thích đi họp ở Phòng Nước Trời thì em sẽ trả lời rằng: “Tại vì em được học biết về Đức Giê-hô-va và về địa-đàng nơi đó em có thể sống mãi mãi với nhiều thú vật hiền lành”. Đứa em bà con của Robbie là Dustin mới 3 tuổi cảm biết thói quen của cha mẹ cũng biết đến đúng giờ thì thốt lên: “Muốn đi Phòng Nước Trời!” Những gì Robbie nói lên và Dustin đang học để nói lên là điều hấp dẫn đối với đa số người—đó là sự sống đời đời. Người ta muốn được “cứu”. Nhưng làm thế nào được? Có phải giản dị là chỉ cần dự buổi họp tôn giáo không?
2. a) Tại sao sự cứu rỗi không thể tự kiếm được? b) Lời của Giê-su trong Lu-ca 13:24 chỉ rõ phải làm gì để được cứu?
2 Sự cứu rỗi không thể tự kiếm được do sự có mặt tại buổi họp hay bằng cách nào khác nhưng mà do nơi sự ban cho của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên Giê-hô-va Đức Chúa Trời đòi hỏi sự cố gắng của chúng ta, nếu chúng ta muốn nhận lãnh sự ban cho của Ngài là sự sống đời đời (Rô-ma 6:23). Những cố gắng đó là gì? Một là phải gắng sức hết mình trong việc phụng sự Ngài! Hành động này phải được thúc đẩy bởi lòng biết ơn chân thật. Có lần một người đã hỏi Con Ngài là Giê-su Christ: “Lạy Chúa, có phải chỉ ít kẻ được cứu chăng?” Giê-su trả lời không riêng cho người hỏi mà cũng cho tất cả những ai chú ý đến sự cứu rỗi, gồm cả chúng ta. Ngài đáp: “Hãy gắng sức vào cửa hẹp, vì ta nói cùng các ngươi, nhiều người sẽ tìm cách vào mà không vào được” (Lu-ca 13:23, 24).
3. a) Tại sao câu hỏi của người đàn ông là bất thường? b) Giê-su liên hệ chúng ta vào câu trả lời của ngài như thế nào?
3 Người vô danh đó đã đặt câu hỏi một cách bất thường. Ông ta hỏi: “Có phải chỉ ít kẻ được cứu chăng?” mà không hỏi: “Tôi sẽ có phần trong số ít kẻ được cứu chăng?” hay là: “Làm thế nào tôi có thể được cứu?” Có lẽ vì theo triết lý Do-thái là chỉ một số người giới hạn sẽ hưởng sự cứu rỗi, cho nên ông đã nêu lên câu hỏi có vẻ ước đoán như vậy.a Dù sự tò mò của ông do bởi nguồn gốc nào đi nữa, Giê-su nhanh trí chuyển câu hỏi từ lý thuyết không thực tế đó thành sự áp dụng thực tiễn—sự áp dụng cá nhân. Ngài bắt người hỏi phải suy nghĩ mình cần làm gì để được cứu. Nhưng hơn thế nữa, vì lời của Giê-su nói “(Các ngươi) hãy gắng sức” nói với nhiều người, nên nó cũng làm cho ta suy nghĩ sâu xa về cách thờ phượng của chúng ta.
4. Chúng ta phải làm gì để đạt được sự sống đời đời?
4 Vì vậy, sự sống đời đời không dễ đạt được như vài người tưởng tượng. Giê-su nhấn mạnh cần phải gắng sức, cố gắng không ngừng, như là cách duy nhất để “vào cửa hẹp” vậy. Sự cố gắng không mệt mỏi này được bổ sung bởi đức tin bền vững được xây dựng trên sự vâng theo lời dạy dỗ của Giê-su. Vậy để đạt được sự cứu rỗi, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ “nghe lời Ngài”; chúng ta phải bền chí “làm theo” các lời đó (Lu-ca 6:46-49; Gia-cơ 1:22-25).
Bạn phải “phấn đấu” ngay bây giờ
5. a) Giê-su có ngụ ý gì khi nói “hãy gắng sức”? b) Những lời đó tăng thêm ý nghĩa cho quan điểm về thánh chức của bạn thế nào?
5 Câu “hãy gắng sức” có nghĩa là gì? Trong tiếng Hy-lạp thành ngữ đó là a·go·ni΄ze·sthe, đến từ chữ (a·gon΄) có nghĩa là “nơi tranh giải”. Bản dịch Kingdom Interlinear Translation dịch là “phấn đấu”. Cũng từ động từ Hy-lạp này trong Anh ngữ có chữ “agonize” (phấn đấu gần chết). Vậy hãy tưởng tượng đến một đấu trường thời xưa và hình dung những người đang “phấn đấu gần chết” hay là cố gắng hết sức mình để được giải thưởng. Vì thế mặc dầu động từ Hy-lạp liên hệ này có thể là một từ ngữ chuyên môn để diễn tả một cuộc thi đua gay go trong thời Hy-lạp xưa, nó cũng nhấn mạnh lời khuyên của Giê-su là hành động với hết sức mình. Sự cố gắng nửa chừng sẽ không đi đến đâu hết (Lu-ca 10:27; so sánh I Cô-rinh-tô 9:26, 27).
6. Tại sao chúng ta phải cố gắng hết sức mình ngay bây giờ?
6 Khi nào và cho đến bao giờ chúng ta phải “gắng sức vào cửa hẹp”? (Lu-ca 13:24). Hãy xem kỹ lời của Giê-su trong Lu-ca 13:24 và chú ý thế nào Ngài dùng thể hiện tại “hãy gắng sức” để tương phản với thể tương lai “sẽ tìm”. Vậy ngay bây giờ là lúc phải phấn đấu. Hiển nhiên, những kẻ chần chờ không vào bây giờ sẽ tìm cách vào lúc thuận tiện cho riêng họ. Nhưng lúc đó thì đã quá trễ, cửa cho cơ hội đó sẽ bị đóng chặt và gài then. Giê-su nói tiếp trong Lu-ca 13:25 là một khi người chủ nhà đã khóa cửa rồi người ở ngoài sẽ bắt đầu gõ cửa và năn nỉ: “Lạy Chúa, xin mở cho chúng tôi! Chủ sẽ trả lời rằng: Ta không biết các ngươi đến từ đâu”. Hậu quả thật đáng buồn thay cho những người ngay bây giờ không để sự thờ phượng Đức Giê-hô-va là mục tiêu chính trong đời sống của họ (Ma-thi-ơ 6:33).
7. Phi-líp 3:12-14 chỉ rõ sự gắng sức liên tục thế nào? và tại sao điều đó là cần thiết?
7 Sự phấn đấu của chúng ta cần phải liên tục, hàng ngày. Không ai trong chúng ta đã hoàn toàn vào hẳn qua “cửa hẹp”. Sứ đồ Phao-lô nhận thấy điều đó. Cuộc chạy đua cho sự sống của ông cần nhiều cố gắng tích cực hàng ngày. Ông viết: “Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Giê-su Christ giựt lấy rồi. Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục-đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu-gọi trên trời trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 3:12-14, chúng tôi viết nghiêng).
8. a) Điều gì cản trở “nhiều người” đến sự sống đời đời? b) Điều này có cảnh cáo gì cho chúng ta?
8 “Nhiều kẻ” là ai và tại sao họ không vào được? “Nhiều kẻ” ở đây chỉ về tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, nhất là hàng ngũ giáo phẩm của họ. Họ giả bộ như biết Giê-su rất mật thiết, thuộc phần vào gia đình của ngài bởi tự cho là họ “ăn và uống với ngài”. Nhưng vì họ muốn sự cứu rỗi theo ý riêng, không phải theo ý Đức Chúa Trời nên Giê-su đã từ chối thẳng thừng là không biết họ và coi họ như là “những kẻ làm dữ” (Lu-ca 13:26, 27). Những kẻ bị khóa cửa ở ngoài không vào được tức không được sự sống đời đời có thể gồm cả những người chểnh mảng trong việc thi hành thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va và bây giờ đang có thái độ “tà tà, lè phè” trong sự thờ phượng thật. Sự sốt sắng của họ đối với quyền lợi của Nước Trời đã lạnh nhạt dần, trở nên không nóng không lạnh (Khải-huyền 3:15, 16). Thật sự, họ vẫn còn “bề ngoài giữ điều nhơn-đức”—đi rao giảng và nhóm họp cho có lệ—nhưng thiếu chứng cớ của loại đức tin thật sự là sức mạnh thúc đẩy trong sự thờ phượng thanh sạch (So sánh II Ti-mô-thê 3:5). Họ không nhận thấy rằng chỉ tìm cách để vào được “cửa hẹp” thì không đủ, phải phấn đấu để vào được cửa đó.
Tại sao phải qua “cửa hẹp”
9. Tại sao việc vào cửa hẹp đòi hỏi sự phấn đấu hết sức?
9 Cửa hẹp dẫn đến sự cứu rỗi được mở cho tất cả mọi người. Nhưng “nhiều kẻ” không thích phấn đấu để vào. Những yếu tố nào khiến cho việc vào cửa hẹp đòi hỏi sự cố gắng hết sức? Một người trước hết phải có sự hiểu biết đúng đắn về lẽ thật trong Kinh-thánh và biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng Giê-su Christ (Giăng 17:3). Điều này có nghĩa là phải loại qua một bên những tập quán và thực hành của các tôn giáo của thế gian này, kể cả các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Điều đó đòi hỏi sự làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời như Giê-su đã làm khi còn ở trên đất (I Phi-e-rơ 2:21). Là một tín đồ đã dâng mình và chịu phép báp-têm, người đó phải tránh theo chủ nghĩa vật chất, sự vô luân và sự ô uế của thế gian (I Giăng 2:15-17; Ê-phê-sô 5:3-5). Phải lột bỏ những sự này và thay thế vào đó những đức tính của tín đồ đấng Christ (Cô-lô-se 3:9, 10, 12).
10. Có sự liên quan nào giữa sự tự chủ và việc chúng ta đạt được sự sống đời đời?
10 Một “số ít” biết giá trị của lòng sốt sắng trong thánh chức, kèm theo bởi việc bày tỏ bông trái của thánh linh gồm có sự tự chủ (Ga-la-ti 5:23). Với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Giê-hô-va, họ phấn đấu để kiểm soát chi thể của họ và hướng dẫn nó đi đến mục tiêu của sự sống đời đời (I Cô-rinh-tô 9:24-27).
Lời của Giê-su có nghĩa gì cho bạn?
11. a) Một số người cần cố gắng hết sức trong những phương diện nào của đời sống, và tại sao? b) Tất cả có thể cố gắng hết mình trong công tác nào?
11 Dù chúng ta là một người mới chịu phép báp-têm hay đã hoạt động với tổ chức của Đức Giê-hô-va hàng mấy chục năm rồi, chúng ta cũng không thể lùi bước trong sự cố gắng làm hài lòng Ngài. Như lời của Giê-su chỉ rõ, chúng ta phải hết lòng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, sẵn lòng đi vào cửa hẹp bằng mọi giá. Mặc dù Giê-su đã không chỉ bàn tới sự cải thiện hay tăng gia chức vụ đối với Đức Chúa Trời, sự cố gắng hết sức là cần thiết cho một số người trong chúng ta để cải tiến hạnh kiểm hay loại bỏ những tật xấu để cho chúng ta “không làm cho ai vấp-phạm” (II Cô-rinh-tô 6:1-4). Một số khác trong vòng chúng ta cần chăm chú đến sự học hỏi cá nhân kỹ lưỡng để mà “lòng thương-yêu của anh em càng ngày càng chan-chứa hơn trong sự thông-biết và sự suy-hiểu” (Phi-líp 1:9-11). Còn những người khác cần cố gắng nhiều thêm để tham dự thường xuyên vào buổi nhóm họp trong hội-thánh, gồm cả buổi Học Cuốn Sách tại nhà riêng (Hê-bơ-rơ 10:23-25). Nhưng tất cả chúng ta có thể xem lại thánh chức rao giảng của chính mình để biết nếu chúng ta có thật sự gắng hết sức mình để làm “việc của người giảng tin mừng” không (II Ti-mô-thê 4:5).
12. Để thử mức cố gắng về thiêng liêng của mình, chúng ta có thể hỏi những câu hỏi nào?
12 Tiến bộ trong sự cố gắng hết sức mình để làm vui lòng Đức Giê-hô-va, càng ngày càng nhiều người đạt đủ điều kiện để làm khai thác phụ trợ, khai thác đều đều và làm trong nhà Bê-tên. Nhưng về phần bạn thì sao? Nếu bạn là một người tuyên bố về Nước Trời, bạn có thể làm khai thác phụ trợ nhiều lần trong một năm hay là ngay cả trở thành một người khai thác đều đều không? Nếu bạn đã là một người khai phụ trợ rồi, bạn có mong muốn tiến tới để làm khai thác đều đều không? Nếu không, tại sao không xem xét việc này? Làm như thế bạn sẽ có thể được ban phước trong sự vun trồng một mối liên lạc mật thiết hơn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ (Thi-thiên 25:14).
Bạn có thể gắng sức để làm khai thác không?
13. a) Nếu bạn muốn làm khai thác, có hai điều nào là cần thiết? b) Để làm khai thác, phương diện nào trong đời sống có thể cần được điều chỉnh?
13 Nếu bạn có thể là một người khai thác đều đều nhưng không làm, bạn có thể “gắng sức” để điều chỉnh trong nếp sống bạn hầu có thể làm khai thác không? Phải có hai điều cần thiết. Thứ nhất là bạn phải có lòng mong muốn. Thứ hai bạn phải có hoàn cảnh thuận tiện. Nếu bạn thiếu lòng mong muốn, hãy cầu nguyện. Hãy nói chuyện với những người khai thác. Hãy tăng gia công tác rao giảng của bạn với tư cách người tuyên bố. Tham gia vào công tác khai thác phụ trợ mỗi khi có thể được. Nếu hoàn cảnh của bạn không cho phép bây giờ, hãy xem nếu có thể nào điều chỉnh lại được không. Một chị đang đi làm có thể không cần phải đi làm chăng? Một người đã quá tuổi về hưu có thể không cần phải tiếp tục làm việc. Có những điều thật ra không cần thiết cho đời sống như lối sống xa hoa, những cuộc đi nghỉ hè tốn kém, xe hơi kiểu mới nhất hay những thứ giống vậy (Lu-ca 12:15; I Giăng 2:15-17).
14. a) Tại sao một cặp vợ chồng nọ không hài lòng chỉ làm người tuyên bố trong hội-thánh? b) Họ đặt ra mục tiêu nào cho con cái họ?
14 Một người cha có ba con trai, hai con dưới 13 tuổi, bắt đầu làm khai thác cách đây sáu năm. Tại sao vậy? Anh giải thích: “Tôi muốn làm nhiều hơn, vì nếu tôi có thể làm người khai thác đều đều mà không làm thì tôi không sống xứng đáng với sự dâng mình của tôi”. Vợ anh cũng bắt đầu trở thành người khai thác đều đều. Tại sao? Chị ấy nói: “Tôi đã làm khai thác phụ trợ thường xuyên trong bốn năm qua và cuối cùng tôi nhận thấy việc đó trở thành dễ dàng. Tôi muốn dự phần nhiều hơn vào công việc sẽ không bao giờ được lập lại này và làm gương cho các con chúng tôi”. Cả hai người, vợ lẫn chồng, học biết lẽ thật sau khi học xong Đại học. Người cha nói: “Cha mẹ chúng tôi đòi hỏi chúng tôi phải học bốn năm Đại học”. Thế thì họ đặt mục tiêu nào cho các con trai của họ? “Tôi cho các con tôi biết là chúng tôi muốn chúng làm khai thác và ở ít nhất bốn năm trong nhà Bê-tên”.
15. a) Vài người đã cố gắng để làm người khai thác đều đều vì những lý do nào? b) Về phần bạn thì muốn được phụng sự trọn thời gian vì lý do nào?
15 Sau đây là các lý do tại sao nhiều người khác đã quyết định trở thành người khai thác đều đều:
“Trên phương diện thiêng liêng tôi đã không tiến được mấy và điều đó làm tôi khó chịu” (Robert H.)
“Tôi đã không bao giờ hài lòng là một người tuyên bố đều đều” (Rhea H.)
“Khai thác làm cho đời sống có hướng đi và có ý nghĩa” (Hans K.)
“Tôi muốn phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn và cách của tôi để làm như vậy là khai thác” (Charanjit K.)
“Tôi sẽ nuối tiếc nếu tôi đã không dùng năng sức và tuổi trẻ để góp phần trong công việc to tát này” (Gregory T.)
“Đức Giê-hô-va chỉ ban ơn cho sự cố gắng. Tôi cần cố gắng để Ngài ban ơn” (Graceann T.)
“Khai thác giúp tôi biểu lộ tình cảm tôi đối với Đức Giê-hô-va” (Marco P.)
“Làm việc trọn ngày ngoài đời không đem lại cho tôi niềm hạnh phúc như tôi thấy giữa những người khai thác” (Nancy P.)
Có những lý do nào nữa bạn có thể kể thêm ở đây?
Bạn có đang làm hết sức mình không?
16. Chỉ có người khai thác mới cố gắng hết mình phải không? Xin giải thích.
16 Một số Nhân-chứng Giê-hô-va đã thành thật cầu nguyện xem xét lại hoàn cảnh cá nhân và thấy họ đang làm hết sức mình trong hoàn cảnh hiện tại của họ. Có lẽ bạn là một người trong số đó. Nếu vậy, hãy biết là Đức Giê-hô-va và Con Ngài chú ý đến bạn và thật sự hài lòng về công tác hết lòng của bạn (So sánh Lu-ca 21:1-4). Thí dụ, trong vài nước vì hoàn cảnh chính trị và kinh tế khó khăn, các anh em chúng ta phải làm chín giờ mỗi ngày, năm hay sáu ngày mỗi tuần, chỉ để đủ sống qua ngày. Trong vài xứ nơi mà công việc của Nhân-chứng Giê-hô-va bị ngăn cấm, những người khai thác—và số người khai thác lẽ thật càng ngày càng tăng tại những nước này—thường là những người đã về hưu, những người trẻ tuổi có việc làm ban đêm, những bà mẹ (với con nhỏ) đã được chính quyền cho phép ở nhà không phải đi làm.
17. Thế nào trường hợp của Ép-ba-phô-đích cho thấy rõ là Đức Giê-hô-va không đo mức độ cố gắng của chúng ta chỉ riêng bởi số lượng công việc mà chúng ta làm để phụng sự Ngài?
17 Tuy nhiên bạn có thể nói: “Tôi ước ao được sức khoẻ, nếu tôi chỉ được trẻ lại lần nữa!” Nhưng xin đừng vội nản lòng. Sự cố gắng của chúng ta không phải bị đo lường khắt khe bằng số lượng chúng ta làm trong thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời. Bạn có nhớ Ép-ba-phô-đích không? Khi ông bệnh số lượng công tác hoạt động hết sức mà ông có thể làm cho “công-việc của Chúa” đã không thể bằng với lúc ông khỏe mạnh, nhưng sứ đồ Phao-lô đã khen ông về sự gắng sức của ông. Thật như lời Phao-lô, chúng ta nên “tôn-kính những người như vậy” (Phi-líp 2:25-30).
18. a) Những người với hoàn cảnh giới hạn có thể ủng hộ công tác trọn thời gian trong hội-thánh thế nào? b) Bạn có thể làm gì để khuyến khích tinh thần khai thác trong hội-thánh của bạn?
18 Mặc dầu vậy, bạn có thể ủng hộ công việc khai thác trong hội-thánh. Như thế nào? Gắng sức hết mình để bày tỏ tinh thần khai thác. Thí dụ, nếu bạn không thể khai thác lúc này vì trách nhiệm gia đình, bạn có thể giúp người khác trong gia đình, vợ, con, anh hay là em bạn để họ khai thác không? Những người có sức khỏe kém hay bị tàn tật có thể thật sự chú ý đến những người có thể khai thác, đi rao giảng với họ nếu hoàn cảnh cho phép (So sánh I Cô-rinh-tô 12:19-26). Bằng cách này tất cả hội-thánh có thể hết sức đẩy mạnh công việc khai thác. Kết quả sẽ có thể rất khích lệ cho tất cả anh em!
19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
19 Sự gắng sức hết mình có nghĩa gì cho bạn? Có nghĩa là tiến bộ đến việc chịu phép báp-têm chăng? Hay là bỏ được các tật xấu nào đó? Hay làm vững mạnh sự liên lạc của bạn với Đức Giê-hô-va? Có nghĩa là khai thác phụ trợ không? Hay khai thác đều đều? Hay phụng sự trong nhà Bê-tên? Bất cứ việc gì đòi hỏi bạn để tiến bộ thiêng liêng điều đó cần sự cố gắng hết mình ngay bây giờ. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy tiếp tục gắng sức để vào cửa hẹp đưa đến sự sống đời đời!
[Chú thích]
a Số người được cứu đã là vấn đề bàn cãi nhiều bởi những nhà lãnh đạo Do-thái giáo. Một cuốn tham khảo Kinh-thánh có ghi chú: “Một trong những sự tưởng tượng huyền bí lạ lùng của nhóm lãnh đạo Do-thái giáo là cố gắng tính số người được cứu qua những chữ trong đoạn này hay đoạn khác”.
Những điểm để suy xét
◻ Giê-su có ý gì khi ngài bảo “hãy gắng sức”?
◻ Lời của Giê-su áp dụng cho bạn khi nào và thế nào?
◻ Tại sao “nhiều người” sẽ không thể vào được cửa hẹp?
◻ Làm thế nào những người với hoàn cảnh giới hạn có thể cố gắng hết mình?
◻ Chúng ta phải gắng sức trong bao lâu để vào được cửa hẹp?