“Bánh của sự sống”—cho tất cả những ai muốn hưởng
“Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô-cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế-gian tức là thịt ta” (GIĂNG 6:51).
1. Nhân loại phải đương đầu với tình trạng nguy kịch nào ngày nay?
Từ lâu rồi nhân gian vẫn ăn bánh mì để sống, bánh mì là thức ăn phổ biến nhất trên đất. Do đó nó được gọi là cột trụ của đời sống. Nhưng ngày nay bánh mì trở nên hiếm và nạn đói thành một vấn đề nguy kịch. Một phần tư dân số trên đất hiện thiếu ăn hay bị đói. Mới đây báo The Globe and Mail của thành phố Toronto, Gia-nã-đại, đã đăng tải: “Nạn đói giống như chiến tranh không còn biết đâu là ranh giới nữa”. Tờ báo này trích lời nói của một nhân vật lãnh đạo trong chương trình cứu trợ khẩn cấp của Liên hiệp quốc tại Phi châu, cảnh cáo rằng Phi châu đang ở trên thềm của “một trong những thảm kịch lớn nhất của nhân loại, một trong những vấn đề gay go nhất, mà chúng ta chưa bao giờ gặp phải”.
2, 3. a) Sự thiếu thốn thức ăn là một phần của điềm gì? b) Nạn đói kém sẽ được giải quyết như thế nào? c) Điều gì khác là cần thiết, và Ê-sai 25:8 cho biết lời bảo đảm vui mừng nào?
2 Giê-su đã tiên đoán là sự thiếu thốn về thức ăn sẽ là một phần của điềm về sự hiện diện của Ngài trong quyền Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:3, 7, 32, 33; 25:31, 32; Lu-ca 21:11). Chúng ta vui mừng thay vì Nước ngài đã gần đến rồi! Chẳng còn bao lâu nữa vị Vua đầy vinh hiển này sẽ thắng mọi kẻ thù nghịch của nhân loại, diệt trừ sự bất công chính trị và kinh tế là nguồn của bao nhiêu khổ đau tàn nhẫn. Sau đó nhân gian sẽ vui sướng mà nhận lãnh bánh ăn hàng ngày (Ma-thi-ơ 6:10, 11; 24:21, 22; Đa-ni-ên 2:44; Châm-ngôn 29:2).
3 Dưới sự trị vì của một chính phủ công bình, trái đất tươi tốt của chúng ta sẽ có thể sản xuất thức ăn “dư dật”, có thể thỏa mãn gấp mấy lần số dân hiện tại (Thi-thiên 72:12-14, 16, 18). Đức Giê-hô-va sẽ làm “một tiệc yến” đủ thức ăn ngon cho dân Ngài (Ê-sai 25:6). Song cần có một điều khác nữa. Với thời gian trôi qua, liệu dân chúng có còn ốm đau và chết không? Phước thay, sách Ê-sai 25:8 nói tiếp về Đức Giê-hô-va như sau: “Ngài (sẽ) nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau hết nước mắt khỏi mọi mặt”. Làm sao điều này sẽ được thực hiện?
Sự sắp đặt đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va
4. Đức Giê-hô-va đã có sự sắp đặt đầy yêu thương nào tại xứ Ê-díp-tô?
4 Khi Giô-sép được giao chức cai quản kho lương thực ở xứ Ê-díp-tô thì có thức ăn đầy dẫy. Đó là vì sau khi được vua Pha-ra-ôn bổ nhiệm, Giô-sép đã khôn ngoan lo trữ cho bảy năm đói kém được báo trước, và Đức Giê-hô-va đầy yêu thương đã ban phước thêm cho Giô-sép (Sáng-thế Ký 41:49). Thức ăn được dư dật cho dân dùng, và còn dư để trữ. Khi cha của Giô-sép là Gia-cốp, các anh em của Giô-sép và gia đình họ xuống xứ Ê-díp-tô để đoàn tụ cùng Giô-sép, họ được hưởng nhiều lợi ích nhờ sự cung cấp này của Đức Chúa Trời. Có thể nhân dịp này dân Y-sơ-ra-ên đã biết đến bánh mì làm bằng bột có men, vì dường như bánh mì xuất phát từ xứ Ê-díp-tô.
5. a) Đức Giê-hô-va đã cung cấp thức ăn nơi đồng vắng như thế nào? b) Ai đã được dự phần trong sự ân phước này cùng với dân Y-sơ-ra-ên, và tại sao?
5 Sau đó Đức Giê-hô-va lại cung cấp một lần nữa cho dân Ngài. Dịp này xảy đến khi hàng triệu người Y-sơ-ra-ên rời xứ Ê-díp-tô để đi qua đồng vắng Si-nai. Làm thế nào đám dân đông như vậy có thể tìm được đồ ăn nơi sa mạc xa lạ và khô cằn? Mặc dù trước đó dân sự chứng tỏ thiếu đức tin làm Đức Giê-hô-va nổi giận, Ngài vẫn “mở các cửa trời, cho mưa ma-na xuống trên họ đặng ăn, và ban cho lúa mì từ trên trời”. Trong suốt 40 năm, Ngài đã “lấy bánh trời mà cho chúng nó ăn no-nê” (Thi-thiên 78:22-24; 105:40; Xuất Ê-díp-tô Ký 16:4, 5, 31, 35). Và xin nhớ là không phải chỉ có dân Y-sơ-ra-ên đã tin nơi Đức Giê-hô-va và cùng họ đi ra khỏi xứ Ê-díp-tô nữa. Đức Chúa Trời cũng ban ma-na cho họ ăn (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38).
6. a) Loài người có nhu cầu nào lớn hơn, và tại sao? b) Các của-lễ hy sinh của Y-sơ-ra-ên nhấn mạnh điều gì và là hình bóng của điều gì?
6 Tuy nhiên nhân loại luôn luôn có nhu cầu lớn hơn là cần “bánh từ trời”. Ngay chính những người ăn ma-na được cung cấp nhờ phép lạ của Đức Chúa Trời, họ cũng già đi và qua đời, vì tình trạng di truyền của tội lỗi khiến sự chết không thể tránh được, dù ăn thứ gì đi nữa (Rô-ma 5:12). Các của-lễ hy sinh của dân Y-sơ-ra-ên là một phương tiện để gìn giữ liên lạc tốt với Đức Chúa Trời, song các của-lễ này đồng thời cũng nhấn mạnh sự tội lỗi của dân tộc. Các của-lễ này “không bao giờ cất tội-lỗi được”. Hơn nữa, các của-lễ chỉ là hình bóng cho “một của-lễ duy nhất của Giê-su, nhờ đó mà tội lỗi được cất đi “đời đời”. Từ địa vị được cất lên cao trên trời, Giê-su hiện có thể áp dụng giá trị của của-lễ hy sinh này (Hê-bơ-rơ 10:1-4, 11-13).
“Bánh thật từ trên trời”
7. a) Các lời của Giê-su ở đoạn 6 của sách Giăng phải được hiểu trong khung cảnh mới nào? b) Tại sao Giê-su quở trách đám đông?
7 Bây giờ chúng ta hãy mở sách Giăng đoạn 6. Các lời phán của Giê-su ở đây không nối tiếp các điều ghi nơi đoạn 5. Đoạn văn khác đi vì một năm đã trôi qua. Giờ là năm 32 tây lịch. Khung cảnh không còn là giữa người Do-thái tự cho mình là công bình tại thành Giê-ru-sa-lem mà là với dân quê ở miền Ga-li-lê. Giê-su mới vừa làm phép lạ để cho 5.000 người ăn khi chỉ có năm bánh mạch nha và hai con cá nhỏ. Ngày hôm sau đám đông người đi theo Giê-su chờ được ăn miễn phí nữa. Do đó Giê-su phán cùng họ: “Các ngươi tìm ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no. Hãy làm việc, chớ vì đồ-ăn hư-nát, nhưng vì đồ-ăn còn lại đến sự sống đời đời”. Giê-su được Cha sai đến để cung cấp loại đồ ăn đó cho tất cả những ai muốn thực hành đức tin nơi ngài. Đó là “bánh thật từ trên trời”, có hiệu quả lâu dài hơn là bánh ma-na mà dân Y-sơ-ra-ên khi xưa đã được ăn (Giăng 6:26-32).
8. Làm thế nào ta có thể đạt được sự sống đời đời?
8 Tiếp theo đó Giê-su giảng về các lợi ích của “đồ-ăn” này: “Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát... Đây là ý-muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau-rốt” (Giăng 6:35-40).
9, 10. a) “Bánh của sự sống” khác với ma-na như thế nào? b) Theo Giăng 6:42-51 Giê-su ban xác thịt ngài vì lợi ích của ai? c) Những người này “ăn xác thịt ngài” như thế nào?
9 Các người Do-thái thiên về vật chất này chỉ trích các lời nói đó của Giê-su. Họ chỉ xem Giê-su như là con của Giô-sép và Ma-ri. Giê-su cảnh cáo họ: “Các ngươi chớ lằm-bằm với nhau. Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau-rốt”. Sau đó ngài lập lại: “Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi đã ăn bánh ma-na trong đồng vắng, rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn chẳng hề chết. Ta là bánh hằng sống tự trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô-cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế-gian tức là thịt ta” (Giăng 6:42-51).
10 Như vậy Giê-su hy sinh xác thịt ngài vì “sự sống của thế-gian”—cả thế gian gồm những người đáng được cứu chuộc và bất cứ “ai” trong nhân loại ăn “bánh” này theo nghĩa tượng trưng, bằng cách bày tỏ đức tin nơi quyền năng cứu chuộc của sự hy sinh của Giê-su, thì sẽ được vào con đường dẫn đến sự sống đời đời. Ở đây, “vô-số người ngoại-bang” mà được ăn ma-na cùng với dân Y-sơ-ra-ên nơi đồng vắng tượng trưng cho đám đông các “chiên khác” của Giê-su, hiện đang ăn cách tượng trưng xác thịt của Giê-su, cùng với những người xức dầu còn sót lại của dân “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. Họ làm điều đó bằng cách đặt đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su (Ga-la-ti 6:16; Rô-ma 10:9, 10).
11. Các lời nói nào khác của Giê-su làm chướng tai người Do-thái và tại sao?
11 Tại miền Ga-li-lê nhiều người nghe Giê-su lấy làm chướng tai về các lời của ngài. Khi đang nói về đề tài xác thịt của ngài, Giê-su giảng tiếp: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau-rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ-ăn, huyết ta thật là đồ-uống” (Giăng 6:53-55). Quả thật là chướng tai! Không những ý nghĩ ăn thịt người làm người Do-thái tởm, song luật pháp ghi ở Lê-vi Ký 17:14 cấm ngặt việc ăn “huyết của xác-thịt nào”.
12. a) Giê-su nhấn mạnh điều gì ở đây? b) Các câu Kinh-thánh nào cho thấy điều này không hạn chế cho những người đồng kế tự với Giê-su?
12 Dĩ nhiên, ở đây Giê-su muốn nhấn mạnh là bất cứ ai muốn đạt sự sống đời đời phải đặt đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su khi sau này ngài dâng thân thể hoàn toàn của mình và đổ huyết sống mình vì thế gian (Hê-bơ-rơ 10:5, 10; I Phi-e-rơ 1:18, 19; 2:24). Sự sắp đặt này không phải chỉ dành cho những người đồng kế tự với Giê-su, nhưng cũng phải bao gồm đám đông “vô-số người”, được sống sót qua cơn “đại-nạn”, vì họ “đã giặt, và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Sự kiện họ tin nơi sự hy sinh của Giê-su và cũng bày tỏ đức tin qua công việc thánh chức dành cho Đức Chúa Trời, khiến họ sẽ được che chở qua cơn đại nạn lớn nhất của trái đất. Tương tự như vậy, Ra-háp đã được xưng công bình và sống sót khi Giô-suê tiêu diệt thành Giê-ri-cô (Khải-huyền 7:9, 10, 14, 15; Giô-suê 6:16, 17; Gia-cơ 2:25).
“Sự sống trong các ngươi”
13. a) Khi so sánh Giăng 5:26 và Giăng 6:53, chúng ta lưu ý điều gì? b) Từ ngữ có lối dùng văn phạm nào thường thấy trong tiếng Hy-lạp giúp chúng ta hiểu Giăng 6:53? c) Như vậy, có “sự sống trong các ngươi” có nghĩa là gì, và các chữ này áp dụng cho ai?
13 Nơi Giăng 6:53, 54 Giê-su cho thấy “sự sống đời đời” cũng đồng nghĩa với “có sự sống trong các ngươi”. Nhưng trong đoạn văn này từ ngữ “sự sống trong các ngươi” hình như khác với từ ngữ mà Giê-su dùng nơi Giăng 5:26. Những từ ngữ có lối văn phạm tương tự như “sự sống trong các ngươi” cũng được thấy ở nơi khác trong Kinh-thánh phần Hy-lạp. Ví dụ: “Có muối trong lòng mình” (Mác 9:51) và “Chính (trong) mình họ phải chịu báo-ứng” (Rô-ma 1:27).a Trong các ví dụ này câu không có nghĩa là có quyền lực ban muối hoặc báo ứng cho người khác. Đúng ra nó có nghĩa là sự toàn vẹn từ bên trong hoặc sự đầy đủ. Như vậy, theo cả đoạn văn ở Giăng 6:53, có “sự sống trong các ngươi” mang ý nghĩa là sau cùng hưởng được sự sống cách trọn vẹn. “Bầy nhỏ” gồm những người kế tự Nước Trời hưởng được điều này khi họ được sống lại để lên trời. Các “chiên khác” sẽ hưởng điều đó sau thời kỳ 1.000 năm đã mãn, khi họ đã vượt qua sự thử thách và được xưng là công bình để nhận lãnh sự sống đời đời trong địa-đàng trên đất (I Giăng 3:2; Khải-huyền 20:4, 5).
14. Ai khác sẽ được hưởng lợi ích của “bánh từ trên trời”, và thế nào?
14 Những người khác cũng có thể hưởng lợi ích của “bánh từ trên trời”. Về kẻ “ăn thịt ngài và uống huyết ngài” nhưng rồi chết đi Giê-su có nói: “Nơi ngày sau-rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại”. Theo Kinh-thánh, những tín đồ đấng Ky-tô được xức dầu đã chết sẽ được sống lại “lúc tiếng kèn chót”, điều này xảy ra khi Giê-su “hiện đến” trong sự vinh hiển của Nước Trời (I Cô-rinh-tô 15:52; II Ti-mô-thê 4:1, 8). Song những người có hy vọng thuộc “chiên khác” mà chết đi thì sẽ ra sao? Lời nói của Ma-thê lúc La-xa-rơ chết đi đáng cho chúng ta lưu ý, vì lúc bấy giờ dân Do-thái kính sợ Đức Chúa Trời chỉ có một hy vọng là sự sống lại trên đất. Ma-thê đã bày tỏ đức tin mình khi nàng nói: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi (La-xa-rơ) sẽ sống lại” (Giăng 11:24). Như thế thì chúng ta là những người đang sống trong thời kỳ đấng Christ hiện diện có thể hy vọng rằng những người trung thành của “đám đông” mà đã chết rồi sẽ được sống lại trước ở trên đất, hầu họ có thể được dùng “bánh từ trên trời” một lần nữa với viễn tượng là sự sống đời đời. Đó là một hy vọng lớn lao thay, một hy vọng vững chắc vì chính Giê-su đã được sống lại từ cõi chết! (I Cô-rinh-tô 15:3-8).
“Ở trong ta (Giê-su)”
15. Lời của Giê-su nói “ở trong ta” áp dụng cho ai và tại sao bạn trả lời như thế?
15 Giê-su nói tiếp: “Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người” (Giăng 6:56). Điều này áp dụng cho “bất cứ ai” tin nơi sự hy sinh của Giê-su, với hy vọng có “sự sống trong chính mình”. Tất cả những ai bày tỏ đức tin như vậy có thể gọi là “ở trong” Giê-su. Tất nhiên, “đám đông” có hy vọng sống trên đất không “ở trong đấng Christ” với ý nghĩa là đồng kế tự với ngài, là thành phần của lớp người vợ của đấng Ky-tô sẽ được sống lại trên trời giống như ngài (Rô-ma 8:1, 10; I Cô-rinh-tô 1:2; II Cô-rinh-tô 5:17; 11:2; Ga-la-ti 3:28, 29; Ê-phê-sô 1:1, 4, 11; Phi-líp 3:8-11). Song tất cả những người có hy vọng sống trên đất có thể, nói đúng hơn là phải, hoàn toàn phù hợp với Cha và Con trong sự hiểu biết và làm theo “ý-muốn tốt-lành của Đức Chúa Trời” giống như “bầy nhỏ” vậy (Rô-ma 12:2; so sánh Giăng 17:21).
16. a) Bằng những cách trọng yếu nào tất cả những ai nơi sự hy sinh của Giê-su được “ở trong” ngài? b) Sự đồng nhất về mục tiêu và cố gắng của họ được thể hiện như thế nào?
16 Bởi thế, giá trị của sự hy sinh của thịt và huyết của đấng Ky-tô được dành sẵn cho mọi người ngày nay nếu họ thực hành đức tin và tất cả những ai chấp nhận sự hy sinh đó có thể “ở trong” Giê-su bằng nhiều cách trọng yếu. Tất cả sẽ trở nên thành phần của gia đình khắp vũ trụ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong “thời kỳ sau-rốt” gay go này, họ được hưởng sự đoàn kết về tín ngưỡng, mục tiêu và hoạt động cùng với anh em trên khắp thế giới. Vì thực hành đức tin nơi Giê-su, họ có thể làm những “việc lớn hơn” trong phạm vi lớn hơn là trong thời kỳ Giê-su sống trên đất. Và chúng ta nên lưu ý rằng hiện nay hàng triệu người trong “đám đông” hợp thành 99,7 phần trăm của những người đang làm công việc của Đức Giê-hô-va (Giăng 14:12; Rô-ma 10:18). Sự đồng nhất về mục tiêu và cố gắng được thể hiện qua công việc rao giảng làm chứng trên khắp đất và việc ủng hộ Hội Tháp Canh trong các chương trình xây cất (Thi-thiên 110:3). Còn thêm bao nhiêu người nữa trong thế gian này sẽ có đức tin và đến hưởng sự đoàn kết quý báu này, chúng ta sẽ biết trong tương lai. Theo sự báo cáo mới nhất thì có 3.229.022 Nhân-chứng Giê-hô-va hoạt động.
17. Tất cả những người có mặt ở Lễ Kỷ niệm cần hiểu rõ những điều gì?
17 Chúng ta mong rằng sẽ có thêm nhiều người chú ý đến dự Lễ Kỷ niệm năm 1987. Vào dịp đó hàng triệu người thuộc các “chiên khác” sẽ đến có mặt, cùng với số càng ngày càng nhỏ dần chừng vài ngàn người thuộc “bầy nhỏ”—tất cả bày tỏ lòng biết ơn sâu xa về sự sắp đặt đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va qua trung gian của Giê-su, họ đều nhận biết thịt và huyết của đấng Ky-tô là tốt quan trọng như thể nào. Song mỗi người cần biết rõ địa vị của mình. Việc dùng các món biểu hiệu trong Lễ Kỷ niệm không ban cho sự sống đời đời. Các món đó là biểu tượng cho sự hy sinh của Giê-su, trước tiên được áp dụng liên quan đến “giao-ước mới”. Những người xức dầu này được ở trong giao ước mới và chỉ họ mới dùng các món biểu hiệu. Mỗi người phải biết mình có phần trong “giao-ước mới” hay không (I Cô-rinh-tô 11:20, 23-26). Những ai không có ở trong “giao-ước mới” và không được Giê-su kết ước để trị-vì trong Nước Trời thì không dùng các món biểu hiệu ở Lễ Kỷ niệm, dầu vậy họ cần nhận thức tầm quan trọng của thịt và huyết mà Giê-su đã hy sinh cho họ (Lu-ca 22:14-20, 28-30). Sự hy sinh này là phương tiện giúp họ đạt đến “sự sống đời đời trên đất”.
18. Việc nhận thức rõ tất cả ý nghĩa của sự hy sinh của Giê-su sẽ mang đến hạnh phúc nào?
18 Như vậy mong rằng chúng ta đến Lễ Kỷ niệm với sự nhận thức rõ rệt về tất cả những gì mà sự hy sinh của Giê-su mang đến cho nhân loại. Mong rằng những ai thuộc “bầy nhỏ” quý mến việc họ đã được kêu gọi, và mong rằng đám đông đang gia tăng của những người thuộc các “chiên khác” vui mừng với hy vọng được có “sự sống trong chính họ” một cách hoàn toàn trên đất, trong khi họ quý mến dây liên lạc đoàn kết hiện có với Cha và Con, và với số càng ngày càng nhỏ dần của các anh em được xức dầu còn sống trên đất. Chúng ta được hạnh phúc thay, vì “bánh từ trên trời” vẫn còn được dành sẵn cho tất cả những ai muốn có!
[Chú thích]
a Cũng xem Ma-thi-ơ 3:9; 9:3; 13:21; Mác 5:30; 6:51; Lu-ca 7:39, 49; 12:17; 18:4; Giăng 5:42; 11:38; Công-vụ các Sứ-đồ 10:17; II Cô-rinh-tô 1:9.
Câu hỏi ôn lại
◻ Vào năm 33 tây lịch Giê-su đề cập đến hai loại ma-na nào, và được cung cấp cho ai?
◻ Giê-su mời ai “ăn thịt và uống huyết” ngài, và họ làm điều đó như thế nào?
◻ Có “sự sống trong các ngươi” nghĩa là gì, và điều này được thực hiện như thế nào và khi nào?
◻ Mọi người ngày nay có thể có phần vào hạnh phúc nào liên quan đến “bánh từ trên trời”?