Kinh-thánh—Một cuốn sách cho cả nhân loại
“Tôi nhìn xem, thấy vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi”.
Đám đông này là ai? Và họ đang làm gì?\
Kinh-thánh nói tiếp: “Tay cầm nhành chà-là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con”. Không, đó không phải là một đám đông hung bạo đang đòi hỏi một cái gì hay biểu tình cho một lý tưởng nào đó. Trái lại, đó là một đám đông người đầy hạnh phúc và niềm vui vì họ vừa trải qua một kinh nghiệm vô cùng phấn khởi. “Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại-nạn... Chúng sẽ không đói, không khát nữa... Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng”.
Một thông điệp cho cả nhân loại
Sự mô tả về đám đông có tính cách quốc tế này nằm trong quyển sách cuối cùng của Kinh-thánh, tức Khải-huyền, đoạn 7, câu 9 đến 17. Sự mô tả gợi đầy hình ảnh cho thấy trước về một thời kỳ mà loài người sẽ không còn bị chia rẽ bởi chủng tộc, ngôn ngữ và quốc tịch nữa. Nhưng họ sẽ hợp nhất trong hòa bình và hòa hợp, và được giải thoát khỏi sự sợ hãi và thiếu thốn. Đại khái đó là thông điệp độc nhất về tương lai mà chỉ Kinh-thánh hứa cho cả nhân loại.
Nhưng có lẽ bạn tự hỏi: «Làm sao thông điệp này được xem là độc nhất? Mọi người khắp nơi trên thế giới đã chẳng nói đến hòa bình và hợp nhất sao?» Đúng, họ có nói. Vì sống giữa một kỷ nguyên đầy sự căng thẳng quốc tế, tình trạng ngày càng nguy ngập do các cuộc tranh đấu chính trị, chủng tộc, kinh tế và tôn giáo, ai đầy đủ lý trí lại không lưu tâm đến vấn đề hòa bình thế giới? Tuy nhiên, rất lâu trước khi nảy sinh các cuộc xung đột quốc tế và trước khi người ta lo sợ cho sự sống còn của nhân loại như ngày nay, Kinh-thánh đã thông báo một thời kỳ mà tất cả nhân loại sẽ vui hưởng hòa bình và hợp nhất dưới sự cai trị của một chính phủ duy nhất, tức Nước Đức Chúa Trời.
Ý định ban đầu cho nhân loại
Ngay từ ban đầu, Kinh-thánh đã dự trù một tương lai cho cả nhân loại. Điều răn thứ nhất mà Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa, đã ban cho A-đam và Ê-va là: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng-thế Ký 1:28). A-đam và Ê-va không trở thành tổ tiên của một chủng tộc hay một quốc gia đặc biệt nào, nhưng họ là tổ tiên của tất cả nhân loại. Sứ đồ Phao-lô đã xác nhận điều đó khi ông đi rao truyền thông điệp của Kinh-thánh cho người Hy-lạp ở thành A-thên. Ông đã nói với họ rằng Đức Chúa Trời “đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:26).
Chúng ta phải công nhận rằng quan điểm mà tất cả nhân loại đều là anh em vượt khá xa trước tư tưởng của mọi người nói chung. Ngay hiện nay, mặc dù đã nói bao nhiêu về hòa bình và tình huynh đệ quốc tế, phải chăng những thành kiến về chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia vẫn còn tiếp tục nằm trong số những nguyên nhân chia rẽ lớn lao nhất giữa nhân loại đó sao? Tuy nhiên, Kinh-thánh đã chiến thắng những hàng rào này và còn vượt qua nhiều chướng ngại khác. Kinh-thánh nói với mọi người trong tất cả các nước như với một đại gia đình và trình bày trái đất như một chỗ ở rộng lớn cho tất cả nhân loại. Theo ý nghĩa này, Kinh-thánh quả là một cuốn sách cho cả nhân loại.
Viễn ảnh được thấy cả nhân loại cùng sống như một gia đình hạnh phúc trên toàn thể trái đất đã có thể được thực hiện nếu A-đam và Ê-va tiếp tục vâng lời Đức Giê-hô-va. Nhưng điều này đã không xảy ra như vậy. Kinh-thánh cho chúng ta biết: “Cho nên, như bởi một người (A-đam) mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).
Do đó không có một chủng tộc hay một quốc gia nào là cao hơn hay kém hơn một chủng tộc hay một quốc gia khác. Hơn nữa, Kinh-thánh ngỏ lời với tất cả nhân loại một cách không thành kiến và không tư vị. Kinh-thánh cho biết một cách giản dị rằng “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Mặc dù tại vài nơi người ta được giàu có hơn trên phương diện vật chất, được giáo dục tốt hơn, hay sao đi nữa, chúng ta có thể nào chối cãi là bất cứ nơi nào con người vẫn gặp phải cùng những vấn đề căn bản như bệnh tật, già nua, bất toàn và sự chết không?
Một lời hứa tốt đẹp cho cả nhân loại
Mặc dù tình trạng của loài người đã trở thành nguy ngập, con người không phải là mất hết hy vọng. Đức Giê-hô-va đã can thiệp đúng lúc bằng một lời hứa. Ngài đã phán bảo với Áp-ra-ham rằng: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước” (Sáng-thế Ký 22:18). Hãy lưu ý rằng lời hứa này thuộc trong sự tín ngưỡng của ba tôn giáo chính trên thế giới: Do-thái giáo, đạo đấng Christ và Hồi giáo. Nhưng chỉ một mình Kinh-thánh tiết lộ bằng cách nào lời hứa nói trên được thực hiện dần dần khi ghi chép mọi việc mà Đức Giê-hô-va đã làm cho Áp-ra-ham và con cháu của người, kể cả với nước Y-sơ-ra-ên thời xưa.
Nhưng chính điều này làm cho nhiều người dị nghị. Họ nghĩ rằng đó là một trường hợp điển hình của sự tư vị hay thành kiến quốc gia. Do đó họ đã chối bỏ Kinh-thánh hay ít ra một phần lớn của Kinh-thánh viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ mà họ xem như là một chuyện cổ truyền của một dân tộc nào đó. Nhưng lý luận này có căn bản vững chắc không? Tại sao Đức Giê-hô-va đã tin cậy Áp-ra-ham đến thế và đã ban cho ông lời hứa này?
Kinh-thánh giải thích: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công-bình cho người; và người được gọi là bạn Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 2:23). Điều đáng quan tâm là cuốn kinh Coran của Hồi giáo cũng xác nhận rằng sở dĩ Đức Chúa Trời đã xem Áp-ra-ham như bạn của Ngài là vì đức tin của ông. “Người nào có một tôn giáo tốt hơn là kẻ bày tỏ sự phục tùng tuyệt đối trước Allah, và ai làm điều thiện và noi theo đức tin của Ibrahim [Áp-ra-ham], người được Allah coi như một người bạn” (SURAH IV, câu 125, kinh Coran, bản dịch của M. H. Shakir).
Còn những người Y-sơ-ra-ên thì sao? Hơn 400 năm sau khi Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham, Môi-se nói với họ: “Đức Giê-hô-va tríu-mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương-yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ-phụ các ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:7, 8).
Vậy thì không phải vì Áp-ra-ham hay vì những người Y-sơ-ra-ên là một chủng tộc hay một quốc gia vượt cao trên các quốc gia khác, cũng không phải vì họ tốt gì hơn các dân tộc khác mà Đức Giê-hô-va đã chọn lựa họ. Nhưng đúng ra là do lòng yêu thương và ân điển của Đức Chúa Trời căn cứ theo đức tin và những việc làm đúng của họ. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nhấn mạnh điều này khi ông nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35).
Như vậy, mặc dù Đức Giê-hô-va đã có liên lạc đặc biệt với nước Y-sơ-ra-ên trong một thời gian, nhưng Ngài thật sự đã dự trù mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Kinh-thánh không tường thuật lại mối liên lạc giữa Ngài với nước Y-sơ-ra-ên với mục đích đề cao tinh thần của chủ nghĩa quốc gia hay để đề cao một nước này trên một nước khác. Trái lại, “mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4). Đúng vậy, những biến cố này nhấn mạnh tình yêu thương và lòng nhịn nhục mà Đức Chúa Trời đã biểu lộ để thực hiện hy vọng cho toàn thể nhân loại được hợp nhất lại trong hòa bình và hòa hợp. Làm thế nào mối hy vọng này sẽ trở thành thực tế?
Một sự quản trị để thực hiện hòa bình
Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhơn từ Ngài—để dự trù một sự quản trị trong khi kỳ mãn—hội hiệp muôn vật lại trong đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất” (Ê-phê-sô 1:9, 10, NW). “Sự quản trị” này là thế nào?
Từ ngữ này được dịch ra từ tiếng Hy-lạp oi·ko·no·mi΄a, có nghĩa căn bản là “sự quản trị một gia đình”. Như vậy, mặc dù ngày nay nhân loại bị chia rẽ trên địa hạt chính trị, chủng tộc, kinh tế, và tôn giáo, Đức Chúa Trời đã có ý định loại bỏ mọi yếu tố gây ra sự chia rẽ và hội hợp lại tất cả những người vâng lời thành một gia đình đầy hạnh phúc trên khắp thế giới. Làm thế nào điều này có thể xảy ra được? Ngài sẽ thực hiện ý định của Ngài qua Nước Trời trong tay của Con Ngài là Giê-su Christ (Ky-tô) (Đa-ni-ên 2:44; Ê-sai 9:5, 6).
Ngày nay, trong một thế giới đầy dẫy sự căng thẳng và vấn đề khó khăn, hằng triệu người trên khắp đất đã vui mừng đón nhận bức thông điệp của Kinh-thánh về hòa bình và hợp nhất. Họ tiến bước như một “đám đông vô số người” mô tả trong sách Khải-huyền. Nói một cách tượng trưng, họ đã cầm nhành chà là đứng trước ngôi Đức Chúa Trời, khen ngợi và vâng phục “Đấng ngồi trên ngôi” là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và “Chiên Con” là Giê-su Christ (Ky-tô) (Khải-huyền 7:9, 10).
Bức thông điệp này có làm bạn hứng khởi không? Dù bạn thuộc về một chủng tộc nào, quốc tịch nào hay ngôn ngữ nào đi nữa, nếu bạn xem xét và chấp nhận bức thông điệp của Kinh-thánh, bạn có thể kết hợp với “đám đông” quốc tế này. Cùng với họ, bạn sẽ có thể xác nhận một cách đầy tin cậy: “Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở” (II Phi-e-rơ 3:13).
Quả thật, Kinh-thánh có thể là một cuốn sách cho chính bạn!
[Hình nơi trang 4]
A-đam và Ê-va là tổ tiên của tất cả nhân loại
[Hình nơi trang 5]
Áp-ra-ham bỏ xứ mình ra đi và được ân phước của Đức Chúa Trời nhờ đức tin và việc làm đúng