Hòa bình đến từ Đức Chúa Trời—Khi nào?
“Đức Chúa Trời bình-an sẽ kíp giày-đạp quỉ Sa-tan dưới chơn anh em” (Rô-ma 16:20).
1, 2. a) Một nhà hiền triết Ấn-độ nói gì về chiến tranh và hòa bình? b) Ai sung sướng được hưởng sự bình an đến từ Đức Chúa Trời?
Năm 1938 Mohandas Gandhi có trù liệu như sau: “Nếu cuộc thi đua võ trang điên rồ cứ tiếp diễn, hậu quả sau cùng không thể tránh được là một cuộc tàn sát chưa hề có trong lịch sử. Và nếu như có nước nào thắng trận, thì chính nước đó cũng chỉ khắc khoải giữa sống và chết”. Đúng ra, ông đã có sự nhìn xa hơn thời đại của ông.
2 Trước đó, năm 1931, ông Gandhi có nói với vị Toàn quyền người Anh: “Giá mà nước ông và nước tôi thỏa thuận với nhau dựa trên những giáo điều do đấng Christ liệt kê trong Bài Giảng trên Núi, hẳn chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề, không những của hai nước chúng ta nhưng cũng cho toàn thể thế giới nữa”. Đúng như nhà hiền triết Ấn-độ có nêu ra, bài giảng của Giê-su chỉ đường đưa đến hòa bình trường cửu. Trong bài giảng đó Giê-su nói: “Phước cho những kẻ có sự bình an, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9, NW). Bây giờ có nhiều “con” hưởng được sự bình an đến từ Đức Chúa Trời. Dần dần tất cả những người nhu mì trên đất sẽ cảm thấy “được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:11). Nhưng chúng ta có thể tin cậy về viễn ảnh đó không?
3. Tại sao ngày nay trên đất không có hòa bình thật sự?
3 Ngày nay có một mối đe dọa về sự hủy diệt toàn cầu bao trùm nhân loại. Một cuộc khảo cứu mới đây cho thấy: “Từ Thế chiến thứ hai đến nay người ta đã chi phí từ 3 đến 4 ngàn tỷ Mỹ kim để dự trữ một kho vũ khí hạch tâm, nếu dùng đến, sẽ có nghĩa là sự tự sát tập thể, thật là vô lý kinh khủng... Tiềm năng của các vũ khí hạch tâm trong kho được tính bằng đơn vị là hàng triệu tấn thuốc nổ TNT (megaton), đủ để giết hại 58 tỷ mạng người, hay giết đi giết lại mỗi người hiện đang sống đến 12 lần”.a Tuy vậy, cuộc thi đua điên rồ cứ gia tăng nhịp độ. Thật thế, những siêu cường quốc đặt nền tảng của cái mà họ gọi là hòa bình trên một quan niệm tạm dịch “tiêu diệt lẫn nhau chắc chắn” viết tắt là MAD (Mutually Assured Destruction; và MAD cũng có nghĩa là điên rồ). Chắc chắn đây không phải là hòa bình đến từ Đức Chúa Trời đâu.
4. a) Lúc này cảnh trạng của thế giới ra sao? b) Tuy vậy những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có hy vọng mạnh mẽ nào?
4 Trong mọi phương diện, cảnh tượng thế gian này thật đáng buồn. Trước đây xã hội con người chưa hề chịu đựng cảnh chính trị thối nát, nhiều tội ác bạo động, nhiều lũng đoạn kinh tế hay nhiều sự vô tin kính và xáo trộn tôn giáo hơn là trong thời buổi hiện nay. Không bao giờ lời nói này được thấy nghiệm đúng hơn về nhân loại là “muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc”. Tuy nhiên Đức Chúa Trời hứa rằng nhân loại do Ngài sáng tạo “sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:31, 32). Những ai yêu chuộng hòa bình, thờ phượng Đức Chúa Trời của Kinh-thánh, Đấng Thống trị hoàn vũ là Đức Giê-hô-va, được cam kết là sẽ nhận được sự tự do đó. Đó là sự tự do dựa trên hòa bình thật sự, hòa bình trường cửu (Ê-xê-chi-ên 37:26-28). Nhưng hòa bình đó sẽ đến bao giờ và thế nào?
Quan điểm của Đức Chúa Trời về “Kỳ và Mùa”
5. Câu hỏi nào được nêu ra liên quan đến I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1?
5 Sứ đồ Phao-lô đã an ủi những tín đồ đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca bằng cách giải thích sự sống lại liên quan thế nào đến “kỳ Chúa đến” (tức thời kỳ hiện diện của Giê-su). Ông nói tiếp: “Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15; 5:1).
6. Làm sao chúng ta biết “kỳ và mùa” là quan trọng đối với Đức Chúa Trời?
6 Những lời của sứ đồ này có phải nói là “Kỳ và Mùa” không quan trọng đối với Đức Chúa Trời không? Không phải vậy đâu! (Truyền-đạo 3:1). Bởi vì đúng “khi kỳ-hạn đã được trọn”, vào cuối thời kỳ 69 tuần lễ năm, “Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài”. Và thánh chức của Giê-su kéo dài ba năm rưỡi—từ năm 29 tây lịch đến năm 33 tây lịch—đúng như đã được tiên tri (Ga-la-ti 4:4; Đa-ni-ên 9:24-27). Giê-su được phong làm Vua ở “Giê-ru-sa-lem trên trời” năm 1914, đúng vào cuối “các kỳ dân ngoại” (Lu-ca 21:24; Hê-bơ-rơ 12:22; Ê-xê-chi-ên 21:27; Đa-ni-ên 4:31, 32). Cũng thế, “hoạn-nạn lớn” sẽ bắt đầu vào “ngày và giờ” đã được Đức Giê-hô-va ấn định, “không chậm-trễ” (Ma-thi-ơ 24:21, 36; Ha-ba-cúc 2:3).
7. Tại sao Phao-lô không cần phải viết cho người Tê-sa-lô-ni-ca về “kỳ và mùa”?
7 Tuy nhiên, đến đây Phao-lô không cần phải viết về “thời và kỳ”. Những tín đồ đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca đã biết rồi rằng đó là “thời” kết liễu hệ thống mọi sự Do-thái, chấm dứt hẳn 20 năm sau đó, tức năm 70 tây lịch. Lòng nhiệt thành và “sự vui-vẻ [trái của thánh linh]” của họ thật đáng làm gương (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:4-7). Ngày nay, cũng giống thế, các Nhân-chứng Giê-hô-va hoàn toàn ý thức các thế chiến và những biến cố thảm khốc khác kể từ năm 1914 là “điềm” của sự hiện diện vô hình và vinh hiển của Giê-su với quyền thế Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:3-8; 25:31).
8. Tại sao chúng ta phải giữ mình tỉnh thức và tích cực hoạt động?
8 Sứ đồ còn tiếp tục trấn an các anh em cùng đạo và nói: “Vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2). Dù chúng ta không biết thì giờ chính xác, ngày thi hành phán xét đó tiến tới mỗi lúc một gần hơn. Ngày đó sẽ bùng nỗ thình lình, bất thần, khi giờ mà Đức Giê-hô-va đã ấn định sẽ điểm. Bởi thế chúng ta phải giữ mình tỉnh thức và tích cực hoạt động (Lu-ca 21:34-36).
Lời kêu gọi “bình-hòa” sẽ vang lên
9. a) Tiếng reo nào vang lên, và tại sao các tín đồ thật của đấng Christ không tham dự vào tiếng reo đó? b) Ai đề xướng lời kêu gọi này, và họ giống như những nhà cai trị vào thời Giê-rê-mi thế nào?
9 Rồi Phao-lô cảnh cáo chúng ta về lời kêu gọi: “Bình-hòa và an-ổn” mà người ta sẽ tung ra vào giai đoạn thượng đỉnh của thời kỳ đấng Christ “hiện diện” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3). Chúng ta sẽ sớm nghe thấy tiếng reo đó không? Lời kêu gọi hòa bình và an ninh thế giới ấy có thể phát nguồn từ đâu? Dĩ nhiên không phải từ các môn đồ của Giê-su vì ngài có nói họ và Nước Trời không “thuộc về thế-gian” (Giăng 15:19; 17:14, 16; 18:36). Những người làm vang rền tiếng reo đó hẳn phải là những phần tử của thế gian nghịch lại Nước Đức Chúa Trời gần đến. Chúng thuộc về thế gian “phục dưới quyền ma-quỉ”, Sa-tan (I Giăng 5:19). Giống như những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo vào thời Giê-rê-mi, những kẻ này nói “sự hiện-thấy bởi lòng mình”, cho rằng “các ngươi sẽ được bình-an”, lầm tưởng là hòa bình ấy đến từ Đức Chúa Trời. Lời tuyên bố của họ sẽ tỏ ra sai lầm biết bao! (Giê-rê-mi 23:16, 17, 19, 20).
10. Hàng loạt biến cố nào đưa đến tình hình thế giới hiện nay?
10 Hàng loạt biến cố đưa đến tiếng reo “Bình-hòa và an-ổn”. Năm 1920 Hội Quốc Liên được sanh ra sau khi trận Đại chiến (ngày nay được gọi là Thế chiến thứ nhất) chấm dứt. Mục đích của Hội này là ngăn cấm mãi mãi chiến tranh trên đất. Nhưng Thế chiến thứ hai quăng Hội vào vực thẳm. Ngày 24-10-1945 tổ chức này được hồi sinh từ đống tro tàn với danh hiệu mới, Liên Hiệp Quốc. (So sánh Khải-huyền 17:8). Mục tiêu chính yếu của tổ chức sau này là “duy trì hòa bình và an ninh thế giới”. Những nhà sáng lập tổ chức này bày tỏ sự cương quyết “cứu vớt những thế hệ kế tiếp khỏi thảm họa chiến tranh”. LHQ có bảo đảm được hòa bình và an ninh ấy không?
11. Thế giới đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng trầm trọng như thế nào?
11 Dù một số trong các người sáng lập LHQ có thể thành thật đến đâu, tổ chức đó, cũng giống như Hội Quốc Liên trước đó, đã thất bại và không thực thi được mục đích của tổ chức ghi trong bản hiến chương. Ngày nay thế giới như đang ngồi trên một thùng thuốc nổ chứa vũ khí hạch tâm. Tai nạn xảy ra hồi tháng 4 năm 1986 ở Chernobyl, Liên bang Sô-viết, khiến mưa phóng xạ bủa xuống phần lớn Âu châu, chứng tỏ rằng ngay dù được dùng vào những mục tiêu hòa bình, nguyên tử năng có một tiềm lực khủng khiếp. Một số quốc gia ở phía Nam Thái bình dương đang tìm cách ngăn cản các cuộc thí nghiệm nguyên tử trong vùng của họ. Nhưng nếu có một cuộc chiến tranh nguyên tử toàn diện bùng nổ, không nơi nào sẽ có người sống sót.
“Hòa bình và An ninh” có thể được không?
12. LHQ đã đưa ra tuyên ngôn gì cho năm 1986, và các quốc gia hưởng ứng thế nào?
12 Hoàn toàn ý thức được sự khủng hoảng trầm trọng, Liên Hiệp Quốc tuyên bố năm 1986 là Năm hòa bình quốc tế. Các quốc gia đã đón nhận sáng kiến này với một tâm trạng khác nhau. Phần lớn các nước đều ủng hộ Năm hòa bình quốc tế của LHQ bằng cách này hay cách khác, nhưng họ đều thấy rằng chiến tranh nguyên tử là mối đe dọa hòa bình chính yếu. Trong khi đó các cuộc chiến tranh lẻ tẻ đã tiếp tục diễn ra trên khắp trái đất; tính ra thì kể từ Thế chiến thứ hai cho đến nay có chừng 150 trận chiến nhỏ gây ra tổng số người chết là hơn 30.000.000 người. Có thể nói được rằng có nước nào thật sự có sáng kiến hành động theo những lời nổi tiếng nơi Ê-sai 2:4 khắc trên bức tường đối diện với tòa nhà LHQ không?
13. Những nhà lãnh đạo tôn giáo ủng hộ ra sao?
13 Các tôn giáo thế gian không chậm trễ ủng hộ Năm hòa bình quốc tế của LHQ. Giáo hoàng Gioan Phao lồ II đã hô hào ngày 1-1-1986 là một Ngày hòa bình quốc tế và khuyến khích các lãnh tụ quốc gia dẫn đầu cho việc lập ra một căn bản cần phải có để mang lại hòa bình toàn diện. Ông cũng kêu gọi các tôn giáo thế giới hãy họp nhau lại để cầu nguyện tại Assisi, Ý-đại-lợi, trong Năm hòa bình quốc tế. Tổng giám mục tại Canterbury, Giáo chủ Anh-giáo và các nhóm Phật tử đã nồng nhiệt hưởng ứng lời kêu gọi đó. Hội đồng Giáo hội Quốc tế đã đưa ra một bản tuyên ngôn về Năm hòa bình quốc tế, yêu cầu bắt đầu giải tán vũ khí hạch tâm ngay lập tức.
14. Chỉ thế nào thì một đồ án cho hòa bình có thể thành công được?
14 Tuy nhiên, về việc khôi phục “hòa bình và an ninh”, ý muốn của “Đức Chúa Trời bình-an” là gì? Lời tiên tri của Đức Chúa Trời có nói những cá nhân bất toàn và các quốc gia có thể đem lại hòa bình không? Tuyệt đối không! “Thành quả chắc chắn” tùy nơi Đức Giê-hô-va thực thi các vấn đề phù hợp với sự công bình của Ngài và để ngợi khen Ngài (Ê-sai 55:11; 61:11).
“Tai-họa thình-lình vụt đến” sắp tới
15. Kế tiếp Phao-lô thông báo điều gì sắp xảy ra?
15 Sứ đồ Phao-lô nói cho chúng ta biết điều gì sắp xảy ra: “Khi người ta sẽ nói: Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho đờn-bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3).
16. Tại sao những đường lối của các quốc gia không phải là đường lối của Đức Chúa Trời?
16 Khi mới đọc thoáng qua những lời này, người ta có lẽ lấy làm lạ. Nhưng Kinh-thánh làm sáng tỏ vấn đề. Đường lối của các quốc gia ngày nay không phải là đường lối của Đức Chúa Trời (Ê-sai 55:8, 9). Lý do để Ngài cho phép nhiều chính thể của loài người tiếp tục hiện hữu là để giải quyết vấn đề tranh chấp mà Sa-tan Ma-quỉ, con Rắn xưa đầy thủ đoạn, đã đưa ra cách đây chừng 6.000 năm về trước. Khi Sa-tan thuyết phục được thủy tổ chúng ta chọn con đường độc lập đối với Đức Chúa Trời, hắn phủ nhận việc con người thật sự cần đến sự cai trị của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 3:4, 5).
17. Sự cai trị của loài người đã viết ra những trang sử nào, và điều này chứng tỏ gì?
17 Trải qua hàng ngàn năm sau đó Đức Chúa Trời đã cho phép loài người thí nghiệm tất cả mọi chính thể mà người ta có thể tưởng tượng được. Dù một chính thể nào đó kéo dài vài năm ngắn ngủi hay hàng trăm năm, bất cứ chính thể nào cũng đã thất bại não nề trong việc đem lại hòa bình và an ninh thật sự. Chiến tranh, tội ác, sự khiếp hãi và sự chết tiếp tục bao trùm đời sống của con người dưới mọi chính thể loài người. Trong suốt lịch sử “người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai-hại cho người ấy” (Truyền-đạo 8:9). Ngày nay không khác gì. Bây giờ bất cứ ai ý thức được vấn đề tranh chấp đều có thể nói giống như nhà tiên tri của Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23).
18. Tại sao tiếng reo “Bình-hòa và an-ổn” của các quốc gia sẽ tỏ ra vô ích?
18 Lúc này là lúc giải quyết vấn đề tranh chấp một lần cho mãi mãi. Chỉ sự cai trị của Đức Chúa Trời mới có thể đem lại hòa bình và an ninh thật sự cho nhân loại. Tuy nhiên, khi các quốc gia reo hò “Bình-hòa và an-ổn”, ấy không phải là chúng ủng hộ sự cai trị của Đức Chúa Trời đâu. Chúng muốn tiếp tục đô hộ theo những ý thức hệ kiêu ngạo riêng của chúng. Nhưng nay đã hết hạn rồi! Các quốc gia cảm thấy phải làm một việc gì hùng hổ lắm. Nếu không tất cả sẽ chết hết trong một chiến tranh hạch tâm nào đó. Thế thì chúng sẽ làm điều mà Giê-rê-mi đã tiên tri: “Họ rịt vít-thương cho dân ta cách sơ-sài mà rằng: Bình-an! bình-an! mà không bình-an chi hết”. Nhưng thật hoài công! (Giê-rê-mi 6:14; 8:11, 15).
Sự cuối cùng đã được tiên tri
19. “Ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ đến như thế nào?
19 Sứ đồ Phao-lô nói: “Tai-họa thình-lình vụt đến”. Nhà tiên tri Ê-sai nói thêm: “Nầy, những kẻ mạnh-bạo đương kêu-rêu ở ngoài; các sứ-giả cầu-hòa khóc-lóc đắng-cay” (Ê-sai 33:7). Kinh-thánh cho thấy nhiều lần rằng sự thi hành phán xét của Đức Giê-hô-va trên các quốc gia và những kẻ ác sẽ đến nhanh chóng, bất ngờ—quả “như kẻ trộm trong ban đêm vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3; Giê-rê-mi 25:32, 33; Sô-phô-ni 1:14-18; II Phi-e-rơ 3:10). “Ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ đến rất thình lình, ngay lúc mà thế giới hô hào lớn tiếng rằng người ta đã đạt được một trình độ thăng bằng nào đó về bình-hòa và an-ổn. Dân tộc của Đức Chúa Trời sẽ nhận ra giá trị thật của tiếng reo “Bình-hòa và an-ổn” đó và sẽ được an toàn trong nơi trú ẩn mà Đức Giê-hô-va cung cấp cho họ (Thi-thiên 37:39, 40; 46:1, 2; Giô-ên 3:16).
20. a) LHQ là con “thú” kiểu nào? b) Đức Giê-hô-va xem tôn giáo giả thế nào, và tại sao?
20 Trong Kinh-thánh, đường lối của Hội Quốc Liên và sau đó Liên Hiệp Quốc, được tả giống như “một con thú sắc đỏ sặm” có bảy đầu (tượng trưng nó từ các cường quốc thế giới mà ra) và mười sừng (ám chỉ tất cả các chính phủ ủng hộ nó ngày nay). Kinh-thánh ví nó như một “con thú” chính trị, giống như người ta ví nước Anh như “con sư tử” và nước Nga như “con gấu”. Trên lưng nó có một mụ đàn bà ngồi cỡi nó, “Ba-by-lôn lớn, là mẹ kẻ tà-dâm và sự đáng gớm-ghê trong thế-gian” (Khải-huyền 17:3-8). Điều này diễn tả đúng cách các tôn giáo giả theo quan niệm của Đức Giê-hô-va. Tôn giáo giả không đại diện cho Đức Chúa Trời, cũng không đại diện cho Nước Trời công bình của Ngài. Y thị phạm tội tà dâm thiêng liêng khi tham gia vào chính trị. Một thí dụ là tôn giáo và LHQ thỏa thuận với nhau trong phong trào hòa bình và an ninh thế giới. Tôn giáo giả cũng muốn được hòa bình và an ninh lắm chứ, khỏi phải nghe thông điệp về sự phán xét của Đức Chúa Trời do các Nhân-chứng Giê-hô-va công bố. Để đạt đến mục tiêu đó, nó xúi giục một số chính phủ cấm đoán hoạt động rao giảng của các Nhân-chứng Giê-hô-va (Thi-thiên 2:1-3).
21. a) Hành động nào báo hiệu “ngày của Đức Giê-hô-va” bắt đầu? b) “Ngày” đó sẽ tiếp diễn cho đến tột đỉnh là gì?
21 “Ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ bủa đến như thế nào? Trong giai đoạn lịch sử đen tối nhất này của nhân loại, quả thật ngày ấy sẽ đến “như kẻ trộm”! Đó là khi Đức Chúa Trời vận động để một số quốc gia trong con thú LHQ thình lình quay lại tấn công các tôn giáo giả. Nó sẽ tỏ rõ lòng thù ghét ngấm ngầm đối với Ba-by-lôn lớn, lột trần mặt nạ và xé nát y thị. Sự thi hành phán xét đó sẽ tới nhanh chóng đến đỗi các cựu tình nhân chính trị của y thị sẽ tán thán: “Khốn thay! Khốn thay! Ba-by-lôn là thành lớn, là thành cường-thạnh kia! Trong một giờ mà sự phán-xét ngươi đã đến rồi!” Nhưng các quốc gia và quân đội của chúng cũng sẽ tấn công dân tộc của Đức Chúa Trời nữa. Chừng đó Vua của các vua là Giê-su sẽ tiêu diệt tất cả những kẻ thù đó và quăng Sa-tan Ma-quỉ là tên đầu xỏ phe đối lập xuống vực thẳm (Khải-huyền 17:16, 17; 18:10; 19:11-21; 20:1-3; so sánh Ê-xê-chi-ên 38:11, 16, 18-23).
22. a) Những ai có đức tin ngày nay có viễn ảnh huy hoàng nào trước mặt? b) Bạn có thể hưởng sự hòa bình đến từ Đức Chúa Trời như thế nào?
22 Sau cùng hòa bình và an ninh thật sự sẽ được hưng thịnh dưới Nước của Đức Chúa Trời! (Thi-thiên 72:1, 7; Ê-sai 9:5, 6). Sung sướng thay, ngày nay có nhiều người “tỉnh-thức và giè-giữ” sẽ sống để thấy điều đó (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:4-6). Một đám đông “vô-số người... bởi mọi nước”, tin nơi sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va qua giá chuộc của Giê-su, sẽ được cứu khỏi “cơn đại-nạn” để hưởng sự hòa bình đời đời đến từ Đức Chúa Trời (Khải-huyền 7:9-17; 21:3, 4). Mong sao bạn có mặt trong số đó!
[Chú thích]
a Trích ra từ cuốn World Military and Social Expenditures 1985 (Chi phí thế giới năm 1985 cho quân sự và xã hội).
Bạn sẽ trả lời sao?
◻ Tại sao “kỳ và mùa” quan trọng đối với Đức Chúa Trời và đối với chúng ta?
◻ Chúng ta nên có quan niệm gì về việc “ngày của Đức Giê-hô-va” tiến đến gần?
◻ Ai tham gia vào tiếng reo ghi ở I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3, và khi nào?
◻ Những biến cố rất quan trọng nào nối tiếp theo tiếng reo đó?