Phước cho ai thương xót người khốn khó
“Ai khinh-bỉ kẻ lân-cận mình phạm tội; Còn ai thương-xót người khốn-khó lấy làm có phước thay” (CHÂM-NGÔN 14:21).
1, 2. Việc gì đã xảy ra cho ba gia đình ở Phi-luật-tân, do đó chúng ta nên xem xét những câu hỏi nào?
Trong lúc ba gia đình ở tỉnh Pangasinan, xứ Phi-luật-tân, đang dự buổi nhóm họp của tín đồ đấng Christ, thì một trận hỏa hoạn thiêu hủy nhà họ ra tro. Khi trở về họ không còn gì để ăn và không biết ngủ ở đâu. Các anh em tín đồ, khi biết được tai họa đó, đã vội vàng đem thực phẩm và sắp đặt cho họ ở với những người khác trong hội-thánh. Sáng hôm sau các anh em tín đồ trở lại với tre và các vật liệu khác để xây cất. Tình yêu thương anh em này đã khiến những người hàng xóm có cảm tưởng tốt. Ba gia đình bị hỏa hoạn cũng thấm thía về cử chỉ này nữa. Nhà của họ bị cháy, nhưng đức tin của họ và những đức tính khác của tín đồ đấng Christ vẫn còn nguyên vẹn và còn được tăng thêm vì sự chăm sóc đầy yêu thương của anh em (Ma-thi-ơ 6:33; so sánh I Cô-rinh-tô 3:12-14).
2 Những kinh nghiệm như thế có sưởi ấm lòng bạn không? Những điều đó khiến chúng ta tin cậy nơi lòng nhân đạo và, hơn thế nữa, nơi sức mạnh của đạo thật đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 28:2). Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rõ giá trị của sự dạy dỗ trong Kinh-thánh bảo phải “làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin” không? (Ga-la-ti 6:10). Và làm sao cá nhân chúng ta có thể áp dụng tốt hơn trong vấn đề này?
Gương mẫu tuyệt hảo cho chúng ta
3. Chúng ta biết chắc điều gì về sự quan tâm của Đức Chúa Trời đối với chúng ta?
3 Môn đồ Gia-cơ nói với chúng ta: “Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống” (Gia-cơ 1:17). Lời đó thật đúng thay, vì Đức Giê-hô-va cung cấp dư dật về thiêng liêng lẫn vật chất cho chúng ta! Tuy nhiên, Ngài cho điều nào là ưu tiên? Điều thiêng liêng! Thí dụ, Ngài cho chúng ta Kinh-thánh để chúng ta có được sự hướng dẫn thiêng liêng và niềm hy vọng. Niềm hy vọng này tập trung nơi sự ban cho của Con Ngài mà sự hy sinh đó là nền tảng để chúng ta được tha tội và có hy vọng sống đời đời (Giăng 3:16; Ma-thi-ơ 20:28).
4. Bằng cớ nào cho thấy Đức Chúa Trời hiển nhiên cũng chú ý đến nhu cầu vật chất của chúng ta?
4 Đức Giê-hô-va cũng chú ý đến lợi ích vật chất cho chúng ta. Sứ đồ Phao-lô lý luận về điều này với những người ở thành Lít-trơ. Dù họ không phải là người thờ phượng thật, họ không thể phủ nhận là Đấng Tạo-hóa “đã giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:15-17). Vì sự yêu thương của Ngài, Đức Giê-hô-va đã cung cấp cả nhu cầu thiêng liêng lẫn vật chất cho chúng ta. Bạn không nghĩ là điều đó góp phần vào sự kiện Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, hay sao? (I Ti-mô-thê 1:11).
5. Chúng ta học được gì qua cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên xưa?
5 Cách đối xử của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên xưa chứng tỏ Ngài chú ý cách thăng bằng cả về nhu cầu thiêng liêng lẫn vật chất cho những người thờ phượng Ngài. Trước hết Ngài ban Luật pháp cho dân sự Ngài. Các vua phải chép một bổn cho riêng họ, và dân sự phải nhóm lại theo kỳ định để nghe đọc Luật pháp của Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18; 31:9-13). Luật pháp cung cấp sự sắp đặt về đền tạm hay đền thờ và về các thầy tế lễ để dâng của-lễ hy sinh hầu cho dân sự có thể được ơn của Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại đều đều trong những ngày hội thiêng liêng, đó là những dịp chính hằng năm trong sự thờ phượng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:1-17). Kết quả của những điều đó là mỗi cá nhân người Y-sơ-ra-ên có thể được giàu có về thiêng liêng trước mặt Đức Chúa Trời.
6, 7. Đức Giê-hô-va chứng tỏ trong Luật pháp Ngài thế nào về sự quan tâm của Ngài đối với nhu cầu thể chất của dân Y-sơ-ra-ên?
6 Tuy nhiên, Luật pháp cũng biểu lộ thế nào Đức Chúa Trời chú ý đến hoàn cảnh thể chất của tôi tớ Ngài. Có lẽ bạn nghĩ đến các luật ban cho dân Y-sơ-ra-ên nói về cách giữ vệ sinh và cách để làm giảm thiểu sự truyền nhiễm bệnh tật (Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:11-21; 23:10-14). Nhưng chúng ta chớ nên quên những sự sắp đặt đặc biệt của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ nghèo và kẻ khốn khó. Sức khỏe yếu hay tai nạn như hỏa hoạn hay lụt lội có thể làm cho một người Y-sơ-ra-ên trở nên nghèo khó. Ngay trong Luật pháp của Ngài, Đức Giê-hô-va nhận biết rằng không phải ai cũng giống nhau về tình trạng kinh tế (Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:11). Nhưng Ngài không chỉ tỏ thông cảm mà thôi đối với những người bị nghèo và khốn khó. Ngài làm sắp đặt để giúp đỡ họ.
7 Thực phẩm là nhu cầu cấp bách cho những người nghèo đó. Vì vậy Đức Chúa Trời ra chỉ thị rằng những người nghèo trong dân Y-sơ-ra-ên được tự do đi mót lúa trong ruộng, vườn nho hay vườn cây ô-li-ve (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:19-22; Lê-vi Ký 19:9, 10; 23:22). Đường lối của Đức Chúa Trời không khuyến khích dân Ngài lười biếng hay sống nhờ sự bố thí của kẻ khác khi mà họ có thể làm việc được. Một người Y-sơ-ra-ên đi mót phải cố gắng, có thể làm nhiều giờ dưới sức nóng mặt trời để gom đủ đồ ăn để ăn trong ngày. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng đó là cách mà Đức Chúa Trời sắp đặt để cung cấp cho những kẻ nghèo (So sánh Ru-tơ 2:2-7; Thi-thiên 69:33; 102:17).
8. a) Những người Do-thái được thúc đẩy làm gì cho anh em họ? (So sánh Giê-rê-mi 5:26, 28). b) Bạn so sánh thế nào thái độ mà Đức Chúa Trời muốn dân Do-thái phải có với thái độ thông thường ngày nay?
8 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn nhấn mạnh sự quan tâm của Ngài đến kẻ khốn khó qua lời tuyên bố ghi trong Ê-sai 58:6, 7. Lúc đó, khi những người Y-sơ-ra-ên tự mãn làm bộ kiêng ăn, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời tuyên bố: “Sự kiêng ăn mà ta chọn-lựa, há chẳng phải là... thả cho kẻ bị bức-hiếp được tự-do, bẻ gãy mọi ách, hay sao? Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo-khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần-truồng thì mặc áo cho, và chớ hề trớ-trinh (trốn tránh, NW) những kẻ cốt-nhục mình, hay sao?” Một số người ngày nay khư khư giữ cái mà họ gọi là «vòng rào tiện nghi» quanh họ. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác chỉ khi nào điều đó không đòi hỏi sự hy sinh cá nhân hay bất tiện cho họ. Rõ ràng là một tinh thần khác hẳn với những điều được nhấn mạnh trong lời của Đức Chúa Trời qua Ê-sai (Cũng xem Ê-xê-chi-ên 18:5-9).
9. Luật pháp khuyên bảo gì về việc cho vay mượn tiền và Đức Chúa Trời khuyến khích thái độ nào?
9 Trường hợp vay mượn tiền chứng minh việc quan tâm đến những anh em nghèo trong dân Y-sơ-ra-ên. Một người Y-sơ-ra-ên có thể chờ đợi được trả tiền lời khi cho ai mượn tiền để làm ăn hay bành trướng công việc giao thương của họ. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va nói không được lấy lời trên số tiền cho anh em nghèo vay mượn, nếu không sự quẫn bách có thể xui khiến người này làm điều sái quấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:25; Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:7, 8, 11; 23:19, 20; Châm-ngôn 6:30, 31). Thái độ của Đức Chúa Trời đối với những người bất hạnh là một gương mẫu cho dân sự Ngài noi theo. Ngài còn hứa với chúng ta: “Ai thương-xót kẻ nghèo tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người” (Châm-ngôn 19:17). Hãy tưởng tượng: cho Đức Giê-hô-va mượn, với sự cam đoan là Ngài sẽ trả lại cho bạn dư dật biết mấy!
10. Sau khi xem xét gương mẫu của Đức Chúa Trời, bạn có thể tự hỏi những câu hỏi nào?
10 Vậy tất cả chúng ta nên tự hỏi: Quan điểm và cách đối đãi của Đức Chúa Trời đối với kẻ khốn khó có nghĩa gì cho tôi? Tôi có học được từ gương mẫu hoàn toàn của Ngài và có ý bắt chước gương đó không? Tôi có thể cải tiến hầu làm người theo hình ảnh của Đức Chúa Trời về phương diện này không? (Sáng-thế Ký 1:26).
Con giống như Cha
11. Sự quan tâm của Giê-su tương xứng với sự quan tâm của Cha ngài thế nào? (II Cô-rinh-tô 8:9).
11 Giê-su Christ “là sự chói-sáng của sự vinh-hiển Đức Chúa Trời và hình-bóng của bổn-thể Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:3). Vì vậy chúng ta có thể tin rằng ngài phản ảnh sự quan tâm của Cha ngài đối với những người chú ý đến sự thờ phượng thật. Đúng thế, Giê-su cho thấy sự nghèo khó về thiêng liêng mới là sự nghèo khó cần được giải quyết trước hết. Ngài nói: “Phước cho những ai ý thức đến nhu cầu thiêng liêng vì nước ở trên trời thuộc về họ” (Ma-thi-ơ 5:3, NW; so sánh Lu-ca 6:20). Ngài cũng nói thêm: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế; ấy là để làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 18:37). Vì thế không phải mọi người biết ngài chỉ vì ngài làm phép lạ hay chữa lành bệnh mà vì ngài dạy dỗ khéo léo (Mác 10:17-21; 12:28-33). Về điểm này hãy chú ý đến Mác 6:30-34. Chúng ta đã đọc có lần khi Giê-su tìm chỗ yên tịnh để nghỉ ngơi, rồi “thấy đoàn dân đông lắm... như chiên không có người chăn”. Ngài đã phản ứng thế nào? “Ngài bèn khởi-sự dạy-dỗ họ nhiều điều”. Đúng vậy, ngài đã sẵn lòng hy sinh chính mình để đáp ứng nhu cầu lớn nhất của họ: biết lẽ thật để có thể sống đời đời (Giăng 4:14; 6:51).
12. Chúng ta học được gì về quan điểm của Giê-su ở Mác 6:30-34 và Mác 6:35-44?
12 Trong khi Giê-su chú tâm vào nhu cầu thiêng liêng của những người Do-thái khiêm nhường, ngài đã không quên các nhu cầu vật chất của họ. Lời tường thuật của Mác cho thấy là Giê-su cũng ý thức đến việc họ cần đồ ăn vật chất. Lúc đầu các sứ đồ đề nghị giải tán đám đông để họ đi “mua đồ-ăn”. Giê-su không đồng ý. Sau đó các sứ đồ góp ý kiến là lấy ra một số tiền trong quỹ chung họ mang theo để mua thực phẩm (cho đám đông). Thay vì thế, Giê-su chọn cách làm phép lạ để cung cấp một bữa ăn căn bản gồm bánh và cá cho đủ 5.000 người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con. Ngày nay vài người nghĩ Giê-su làm phép lạ là cách dễ dàng để thỏa mãn nhu cầu của đám đông. Nhưng dù sao chúng ta chớ nên quên rằng ngài hành động vì sự quan tâm chân thật (Mác 6:35-44; Ma-thi-ơ 14:21).a
13. Giê-su cho bằng cớ gì khác về sự quan tâm của ngài đối với lợi ích của dân?
13 Có lẽ bạn đã đọc các sự tường thuật trong Phúc-âm (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng) chứng tỏ không phải Giê-su chỉ có thông cảm với người nghèo mà thôi nhưng cũng đối với những người bất hạnh khác nữa. Ngài đã giúp người bệnh hoạn và kẻ buồn khổ nữa (Lu-ca 6:17-19; 17:12-19; Giăng 5:2-9; 9:1-7). Không phải ngài chỉ chữa lành cho những kẻ tình cờ ở gần ngài. Đôi khi ngài còn đi xa để giúp đỡ những người bị bệnh (Lu-ca 8:41-55).
14, 15. a) Tại sao chúng ta biết chắc rằng Giê-su mong muốn các môn đồ ngài biểu lộ sự quan tâm như ngài? b) Chúng ta cần phải tự hỏi điều gì?
14 Tuy nhiên, có phải chỉ những nhu cầu của môn đồ nghèo và khốn khó (hay của người đang tìm lẽ thật) mới được quan tâm đến do những ai có thể cứu giúp bằng cách làm phép lạ mà thôi không? Không. Tất cả các môn đồ của Giê-su đều phải quan tâm đến họ và hành động cho hợp lẽ. Thí dụ, ngài khuyên người giàu tỏ ý muốn được sự sống đời đời: “Hãy bán hết gia-tài mình, phân-phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của-cải ở trên trời” (Lu-ca 18:18-22). Giê-su cũng khuyên: “Khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo-khó, tàn-tật, què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi; đến kỳ kẻ công-bình sống lại, ngươi sẽ được trả” (Lu-ca 14:13, 14).
15 Một tín đồ đấng Christ là người đi theo Giê-su, vậy mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: Tôi bắt chước đến mức nào thái độ và hành động của Giê-su đối với người nghèo, khốn khó và bất hạnh? Tôi có thể nói một cách chân thật, như sứ đồ Phao-lô đã nói: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước đấng Christ” không? (I Cô-rinh-tô 11:1).
Phao-lô—Một gương mẫu tốt
16. Sứ đồ Phao-lô có sự chú ý đặc biệt nào?
16 Bàn về vấn đề này, hợp lý là nhắc đến Phao-lô, vì ông cũng là một gương mẫu tốt cho chúng ta bắt chước. Như chúng ta đã biết, ông chú ý trước hết đến nhu cầu thiêng liêng của người khác. Ông làm người “khâm-sai của đấng Christ... nài-xin anh em: hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:20). Phao-lô được bổ nhiệm đặc biệt để đi rao giảng và xây dựng hội-thánh giữa những dân không phải là Do-thái. Ông viết: “Sự giảng tin mừng cho kẻ không chịu phép cắt-bì đã giao cho tôi” (Ga-la-ti 2:7).
17. Làm sao chúng ta biết Phao-lô cũng chú trọng đến những nhu cầu vật chất nữa?
17 Nhưng vì Phao-lô nói rằng ông bắt chước đấng Christ, ông có chú trọng (như Đức Giê-hô-va và Giê-su) đến những bệnh tật hay sự khốn khó của những anh em cùng đạo không? Hãy để chính Phao-lô tự trả lời. Ông nói tiếp ở Ga-la-ti 2:9: “Gia-cơ, Sê-pha (Phi-e-rơ), Giăng là những người... trao tay hữu giao-kết cùng chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại”. Rồi ngay trong câu kế Phao-lô thêm: “Các người ấy chỉ dặn-dò tôi phải nhớ đến kẻ nghèo-nàn, là điều tôi cũng đã ân-cần làm lắm” (Ga-la-ti 2:10). Vậy Phao-lô biết rằng dù ông là một sứ đồ làm giáo sĩ mang nhiều trách nhiệm đối với các hội-thánh, ông không thể quá bận rộn đến nỗi không chú ý đến lợi ích vật chất cho những anh chị em của ông.
18. Phao-lô đã nói tới “người nghèo” nào ở Ga-la-ti 2:10 và tại sao phải chú ý tới họ?
18 Cũng vậy, “người nghèo” mà ông nói đến ở Ga-la-ti 2:10 chính là những tín đồ người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Trước đó có những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp đã “phàn-nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa-bụa của họ bị bỏ-bê trong sự cấp-phát hằng ngày”, về thực phẩm (Công-vụ các Sứ-đồ 6:1). Vì thế, khi nhắc đến việc ông là sứ đồ cho dân ngoại, Phao-lô đã nói rõ ràng là ông không bỏ quên anh em tín đồ nào hết (Rô-ma 11:13). Ông hiểu rõ cần chăm sóc về vật chất cho các anh em nữa, vì ông nói: “Hầu cho trong thân không có sự phân-rẽ, mà các chi-thể phải đồng lo-tưởng đến nhau. Lại, trong các chi-thể, khi có một cái nào chịu đau-đớn, thì các cái khác đều cùng chịu” (I Cô-rinh-tô 12:25, 26).
19. Chúng ta có bằng chứng gì là Phao-lô và những người khác đã hành động cho quyền lợi của người nghèo?
19 Khi các tín đồ ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê gặp khó khăn vì bị nghèo khó, có nạn đói tại địa phương hay vì bị bắt bớ, vài hội-thánh ở xa đã đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ họ. Dĩ nhiên họ đã nhớ cầu nguyện xin Đức Chúa Trời nâng đỡ và an ủi cho các anh em đó. Nhưng không phải họ ngừng tại đó. Phao-lô viết: “Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai vui lòng quyên tiền để giúp những thánh-đồ ở thành Giê-ru-sa-lem đang nghèo-túng” (Rô-ma 15:26, 27). Những người đóng góp tiền bạc cho những anh em khốn khó đã “được giàu trong mọi sự để làm đủ mọi cách bố-thí, hầu cho người khác bởi chúng tôi mà tạ ơn Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 9:1-13). Những sự “ban cho” đó là điều làm cho họ có hạnh phúc nhiều, phải không?
20. Tại sao những anh em đã đóng góp để giúp “người nghèo” lại được phước?
20 Những anh em đã chia xẻ tài chánh với “những thánh-đồ ở thành Giê-ru-sa-lem đang nghèo-túng” có thêm một cớ để được phước. Giúp đỡ người khốn khó khiến cho họ được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể thấy tại sao như thế bằng cách chú ý rằng chữ Hy-lạp cho từ ngữ “quyên tiền để giúp” trong đoạn Rô-ma 15:26 và “sự bố-thí” trong II Cô-rinh-tô 9:13 đều chứa đựng ý nghĩa về “dấu hiệu của sự kết hợp chứng cớ của sự anh em đồng nhất, ngay cả món quà”. Chữ này được dùng trong câu Hê-bơ-rơ 13:16, rằng: “Chớ quên việc lành và lòng bố-thí (chia xẻ với người khác, NW), vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời”.
Chúng ta sẽ được phước không?
21. Chúng ta có thể kết luận là điều gì sẽ cho chúng ta một nền tảng để đạt tới hạnh phúc?
21 Trong bài bàn luận này chúng ta đã xem xét những chứng cớ trong Kinh-thánh cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Giê-su và sứ đồ Phao-lô đều quan tâm đến những người khốn khó. Chúng ta đã lưu ý là họ đều đặt nhu cầu thiêng liêng trước tiên. Nhưng họ cũng đều chứng tỏ một cách rất thực tế sự quan tâm đến những người nghèo, bệnh tật và những kẻ gặp phải điều bất hạnh. Họ có thể tìm được hạnh phúc qua việc cung cấp sự giúp đỡ thực tế. Vậy chắc chúng ta hẳn cũng thế, phải không? Sứ đồ Phao-lô khuyến khích chúng ta “nhớ lại lời chính Đức Chúa Giê-su có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
22. Bạn cần chú ý đến những khía cạnh nào trong vấn đề này?
22 Tuy nhiên, bạn nên tự hỏi: Chính cá nhân tôi có thể làm gì? Làm thế nào tôi biết ai thật sự thiếu thốn? Làm sao tôi có thể giúp đỡ cách thực tế, tử tế và thiết thực, đồng thời không khuyến khích họ lười biếng? Làm sao tôi có thể chú ý đến cảm nghĩ của người khác và giữ thăng bằng với bổn phận rao giảng tin mừng của tín đồ đấng Christ? Bài sau đây sẽ nói về những khía cạnh của vấn đề này, đặt một nền tảng cho bạn để có thêm sự vui mừng.
[Chú thích]
a Điều đáng lưu ý là chính Giê-su đã không hổ thẹn hay quá kiêu ngạo để nhận khi người khác giúp đỡ ngài về vật chất (Lu-ca 5:29; 7:36, 37; 8:3).
Bạn đã thấy rõ không?
◻ Đức Chúa Trời chứng tỏ gì về sự quan tâm của Ngài đối với nhu cầu thiêng liêng lẫn vật chất của chúng ta?
◻ Điều gì chứng tỏ Giê-su còn quan tâm đến mọi người ngoài việc dạy họ lẽ thật?
◻ Phao-lô đã làm gương tốt thế nào đối với người nghèo?
◻ Sau khi xem xét các gương tốt của Đức Giê-hô-va, của Giê-su và của sứ đồ Phao-lô, bạn có thể thấy cần phải làm gì?
[Hình nơi trang 10]
Các tín đồ đấng Christ nói chung và các trưởng lão nên áp dụng lời khuyên của Giê-su trong Lu-ca 14:13, 14