Giê-su, một gương mẫu để theo sát
“Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu anh em noi dấu chơn ngài” (I PHI-E-RƠ 2:21).
1, 2. Phi-e-rơ đã từng là hạng người thế nào khi làm thánh chức cùng với Giê-su?
Trong ba năm rưỡi Si-môn, sau được biết dưới tên là Sê-pha hay Phi-e-rơ, đã có đặc ân kết hợp mật thiết với Giê-su (Giăng 1:35-42). Sau khi làm môn đồ của Giê-su được khoảng một năm, ông đã trở thành một trong 12 sứ đồ (Mác 3:13-19). Các sách tin mừng (Phúc-âm) thuật lại Phi-e-rơ là người dạn dĩ, bồng bột và đa cảm. Ông là người đã từng nói sẽ không bao giờ chối Chúa, cho dù điều gì xảy ra. Tuy nhiên, dưới áp lực, ông đã chối ngài ba lần, đúng như Giê-su đã nói trước (Ma-thi-ơ 26:31-35; Mác 14:66-72).
2 Phi-e-rơ là sứ đồ có nói với Giê-su: “Chúa sẽ chẳng rửa chơn tôi bao giờ”. Rồi thì, khi Giê-su sửa ông, ông đi đến thái cực kia và nói: “Lạy Chúa, chẳng những rửa chơn mà thôi, lại cũng rửa tay và đầu nữa” (Giăng 13:1-17). Si-môn Phi-e-rơ đó lại cũng là người đã dạn dĩ rút gươm ra chém đứt tai phải của Man-chu, đầy tớ thầy tế lễ thượng phẩm, khi Giê-su bị bắt. Cũng bởi thế mà Giê-su sửa ông: “Hãy nạp gươm ngươi vào vỏ; ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?” (Giăng 18:10, 11).
3. Trường hợp cá nhân của Phi-e-rơ có thể dạy chúng ta điều gì?
3 Những trường hợp này và trường hợp khác đã nói lên điều gì về Phi-e-rơ? Ông đã rất thường suy nghĩ và hành động khác với Giê-su. Hơn nữa, không phải ông luôn luôn có tâm trí của đấng Christ. Điều này nhiều khi cũng đúng đối với chúng ta. Chúng ta không suy nghĩ phù hợp với tư tưởng của Giê-su. Vì bản tính bất toàn chúng ta có phản ứng sai lệch (Lu-ca 9:46-50; Rô-ma 7:21-23).
4. Sau đó có gì xảy ra đã ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của Phi-e-rơ? (Xem Ga-la-ti 2:11-14).
4 Tuy nhiên, từ ngày lễ Ngũ tuần về sau, Phi-e-rơ bắt đầu đổi khác. Được thánh linh thúc đẩy, ông đã dẫn đầu trong công việc rao giảng giữa những người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ, đoạn 2 đến 5). Dưới sự soi sáng của thánh linh, ông cũng tự sửa chữa tư tưởng về người ngoại cho phù hợp với tâm trí của đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ, đoạn 10). Phi-e-rơ tỏ ra khiêm nhường, một đức tính thiết yếu cho chúng ta nếu chúng ta muốn hòa hợp với Giê-su (Ma-thi-ơ 18:3; 23:12).
Không thấy nhưng biết rõ
5, 6. Vì chưa hề thấy Giê-su, chúng ta có gặp trở ngại nào để làm theo gương mẫu của ngài không?
5 Vào lúc Phi-e-rơ viết lá thư thứ nhất của ông, khoảng năm 62-64 tây lịch, hẳn ông đã có thì giờ suy gẫm về thời gian ông làm thánh chức với Giê-su và hiểu rõ hơn tâm trí của ngài. Trong mấy hàng đầu của lá thư, Phi-e-rơ nhìn nhận một sự kiện giản dị: đó là việc phần lớn các anh em ở Tiểu Á chưa bao giờ được trực tiếp biết Giê-su như chính Phi-e-rơ đã từng biết ngài. Nhưng điều đó có ngăn cản họ có tâm trí của đấng Christ và bắt chước gương mẫu của ngài không? Phi-e-rơ nói: “Ngài là đấng anh em không thấy, mà yêu-mến; dầu bây giờ anh em không thấy ngài, nhưng tin ngài, và vui-mừng lắm một cách không xiết kể và vinh-hiển: nhận được phần thưởng về đức-tin anh em, là sự cứu-rỗi linh-hồn mình” (I Phi-e-rơ 1:8, 9).
6 Những lời của Phi-e-rơ phải được áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người trong dân tộc của Đức Giê-hô-va ngày nay. Chúng ta không được trực tiếp biết Giê-su, nhưng nếu chúng ta “tìm-tòi suy-xét” và “tìm cho biết” giống như các nhà tiên tri đã làm khi xưa, lúc đó chúng ta có thể hấp thụ được tâm trí của đấng Christ và biết rõ ngài hơn (I Phi-e-rơ 1:10, 11).
Giê-su, Gương mẫu Toàn thiện
7, 8. a) Phi-e-rơ có lời khuyên tổng quát nào trong lá thư thứ nhất của ông? b) Chữ hy·po·gram·mos΄ có ý nghĩa căn bản nào? Phi-e-rơ áp dụng chữ đó thế nào?
7 Khi hiểu rõ hơn tư tưởng của Giê-su và dưới sự hướng dẫn của thánh linh, Phi-e-rơ có thể khuyên các anh em cùng đạo với ông làm thế nào phản ảnh được tâm trí của đấng Christ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của họ (II Ti-mô-thê 3:16). Bởi thế ông khuyên tất cả các tín đồ đấng Christ, những “người ở trọ”, kiêng giữ những sự ham muốn của xác thịt. Ông khuyến khích họ giữ hạnh kiểm tốt trong đời sống hàng ngày của họ, dù đang chịu khổ vì sự công bình (I Phi-e-rơ 2:11, 12).
8 Vài hàng sau đó Phi-e-rơ đưa ra một lời thí dụ thâm thúy: “Nhưng, nếu anh em làm lành, mà nhịn-chịu sự khốn-khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời. Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu anh em noi dấu chơn ngài” (I Phi-e-rơ 2:20, 21). Chữ Hy Lạp được dịch là “gương” hay “gương mẫu” trong nhiều bản dịch khác là hy·pogram·mosʹ. Nghĩa đen của chữ này là “kiểu mẫu để chép” hay “bản viết mẫu, kể cả tất cả những chữ cái của mẫu tự, được phát cho trẻ em bắt đầu học làm mẫu để chép và tập viết” (A Greek-English Lexicon of the New Testament, của J. H. Thayer). Bởi thế, đôi khi thầy giáo dùng một bút nhọn viết sẵn cho học trò những chữ mẫu trên bảng sáp để chúng bắt chước viết giống như vậy ở phía dưới. Học trò phải nhìn mẫu đó và viết lại giống như vậy. Ở đây Phi-e-rơ dùng một lập luận hùng hồn, vì trong phần Kinh-thánh Hy Lạp ông là người duy nhất dùng chữ hy·po·gram·mos΄. Như thế ông nhấn mạnh sự kiện Giê-su đã để lại một gương mẫu toàn thiện để các môn đồ ngài noi theo.
9. Chữ Hy Lạp được dịch là “tâm trí” bao hàm điều gì? (So sánh Ma-thi-ơ 20:28).
9 Sau đó Phi-e-rơ dạy cho chúng ta bài học về sự nhịn nhục chịu khổ của Giê-su. “Vậy, vì đấng Christ đã chịu khổ trong xác-thịt, thì anh em cũng phải lấy ý (Hy Lạp, en΄noi·an) đó làm giáp-trụ” (I Phi-e-rơ 4:1). Một lần nữa ở đây ông dùng một chữ ít được nghe, en΄noi·a, chỉ gặp được hai lần trong phần Kinh-thánh Hy Lạp. (Xem Hê-bơ-rơ 4;12, bản dịch The Kingdom Interlinear Translation). Theo J. H. Thayer, enʹnoi·a có nghĩa “tâm trí, sự hiểu biết, ý muốn; lối suy nghĩ và cảm giác”. Do đó, chúng ta phải điều chỉnh lối suy nghĩ và cảm giác của mình cho giống như Giê-su. Nhưng chúng ta có thể điều chỉnh thế nào? Và chúng ta phải làm thế đến mức nào?
10. Phi-e-rơ muốn nói gì khi dùng chữ “hãy mang khí giới”?
10 Phi-e-rơ đặc biệt dùng động từ Hy Lạp ho·pliʹsa·sthe, nghĩa là “mang khí giới để làm lính trận”. Một người lính nào chỉ miễn cưỡng mang khí giới có lẽ khó sống sót lâu trên bãi chiến trường. Do đó những lời của Phi-e-rơ không khuyến khích bắt chước cách khơi khơi lối suy nghĩ của Giê-su. Chúng ta phải hết lòng muốn có “tâm-tình” hay “ý” của đấng Christ (I Phi-e-rơ 4:1). Điều này khiến chúng ta nhớ lại Phao-lô có nhấn mạnh là một tín đồ đấng Christ phải mặc lấy “mọi khí-giới của Đức Chúa Trời” để có thể đứng vững chống lại Sa-tan và thế gian của hắn (Ê-phê-sô 6:11-18).
Tâm tình của đấng Christ cho người làm vợ
11. Phi-e-rơ khuyên gì cho các người tín đồ đấng Christ làm vợ?
11 Vào khoảng giữa lá thư của ông, Phi-e-rơ nói với những người làm vợ làm chồng. Trong thế giới ngoại đạo đó khi xưa người đàn bà có rất ít quyền lợi; bởi thế người nữ tín đồ đấng Christ có chồng không tin đạo rất khó giữ trọn lòng trung thành. Nàng bị mắng chửi, hành hạ khổ sở và có thể bị chồng ly dị vì nàng đã từ bỏ các thần giả của tổ tiên. Ngày nay tình thế cũng gần giống như vậy. Nhưng một lần nữa Phi-e-rơ nhấn mạnh tầm quan trọng có được tâm tình của đấng Christ, sẵn sàng chịu khổ vì sự công bình. Ông nói: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo (giống như đấng Christ vâng phục Đức Chúa Trời theo các câu trước đó), vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính” (I Phi-e-rơ 3:1, 2).
12. a) Một người vợ biết vâng phục, có tâm tình dịu dàng phản ảnh gương mẫu của Giê-su thế nào? (I Cô-rinh-tô 11:3). b) Đức Chúa Trời xem tâm tình dịu dàng của nàng ra sao? Và chồng nàng có lẽ sẽ xem điều đó ra sao?
12 Đúng vậy, đôi khi có thể chinh phục được người hôn phối không tin đạo bằng sự “cung-kính” và gương phục tùng “tinh-sạch” của vợ, chứ không nhất thiết bởi được nghe vợ giảng đạo liên miên (I Phi-e-rơ 3:2). “Tâm-thần dịu-dàng im-lặng” của nàng, “giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”, cũng có thể giúp chồng thâu thập kết quả nhờ có tâm trí của đấng Christ trong đời sống hàng ngày (I Phi-e-rơ 3:4). Tại sao tâm thần dịu dàng đó phản ảnh tâm thần của Giê-su? Bởi vì chính Giê-su nói: “Hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:29).
Tâm tình của đấng Christ cho người làm chồng
13. Chồng phải đối xử với vợ thế nào? (Ê-phê-sô 5:28, 29, 33).
13 Cũng thế, người chồng phải phản ảnh tâm tình của đấng Christ khi bày tỏ yêu thương chân thật đối với vợ. Phi-e-rơ khuyên: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là giống yếu-đuối hơn... nên phải kính-nể họ” (I Phi-e-rơ 3:7). Trong thế gian ngoại đạo thời xưa, lời khuyên này là một điều đáng ngạc nhiên—kính nể một người đàn bà! Nhưng hội-thánh đấng Christ phải khác thế gian. Trong hôn nhân giữa tín đồ đấng Christ phải có phẩm giá và sự tôn trọng lẫn nhau (I Phi-e-rơ 4:3, 4).
14. Một người chồng có thể tỏ ra kính nể và tôn trọng vợ thế nào?
14 Giê-su luôn luôn có sự tôn trọng đối với các môn đồ ngài và đối với đám đông theo ngài (Mác 6:30-44). Điều này phù hợp với lời khuyên của Phi-e-rơ cho các người chồng lưu ý đến nữ tính của vợ. Một bản dịch Tây Ban Nha diễn tả: “Về phần các người chồng: hãy tế nhị trong đời sống chung, tỏ ra quan tâm đến vợ, vì thể chất của nàng mỏng manh hơn” (Nueva Biblia Española). Nếu noi theo gương mẫu của Giê-su, người chồng quan tâm tới khía cạnh tế nhị trong đời sống của vợ, kể cả trong những ngày nàng phải chịu khó khăn, khi nàng cần được đối xử dịu dàng hơn, nhẫn nại hơn và được tôn trọng nhiều hơn. Chắc chắn người chồng yêu thương biết tự chủ và không đòi hỏi nhiều vào những dịp ấy. Tình yêu thương thật biết tự hy sinh. (So sánh Lê-vi Ký 15:24; 20:18; I Cô-rinh-tô 7:3-6).
15. Giê-su làm gương mẫu thế nào về sự lãnh đạo?
15 Đành rằng “chồng là đầu vợ”, nhưng phải theo gương mẫu của ai để làm vai trò lãnh đạo đó? Phao-lô làm sáng tỏ vấn đề khi nói thêm: “khác nào đấng Christ là đầu hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:23). Sự xác định rõ này cho thấy trong hôn nhân giữa tín đồ đấng Christ không được có sự chuyên chế và bạo ngược nhỏ nhen. Khi đối xử với các môn đồ của ngài, Giê-su không hề lạm dụng quyền hành của ngài, Giê-su không hề lạm dụng quyền hành của ngài (quyền lãnh đạo), nhưng, trái lại, ngài dùng quyền đó phù hợp với các nguyên tắc của Kinh-thánh. (So sánh Ma-thi-ơ 16:13-17, 20; Lu-ca 9:18-21).
Gương mẫu của Giê-su cho những người đàn ông
16. a) Tại sao Phi-e-rơ hiểu rất rõ cần phải có sự khiêm nhường? b) Đặc biệt những ai phải biểu lộ đức tính này?
16 Lúc làm thánh chức Giê-su năng nhấn mạnh đức tính khiêm nhường. Ngài có nói lời thí dụ về những người được mời vào một bữa tiệc cưới: “Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên” (Lu-ca 14:11). Phi-e-rơ ý thức rất rõ tâm tình của Giê-su dưới khía cạnh này. Làm sao ông quên được gương của Giê-su khi rửa chân cho các môn đồ? (Giăng 13:4-17). Bởi thế, trong lá thư I Phi-e-rơ ông khuyên các trưởng lão và những người trẻ tuổi nên biểu lộ thái độ khiêm nhường. Các trưởng lão không nên hống hách cai trị hội-thánh, nhưng “làm gương tốt cho cả bầy”. Những người trẻ tuổi phải vâng phục các trưởng lão. Nhưng rồi tất cả họ, già hay trẻ, phải “trang-sức bằng khiêm-nhường; vì Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường” (I Phi-e-rơ 5:1-5).
17. Chữ Hy Lạp dịch là “trang-sức” (hãy mặc lấy, NW) nhấn mạnh thế nào việc phục vụ khiêm nhường?
17 Ở đây Phi-e-rơ lại diễn tả sự khiêm nhường bằng cách dùng một chữ rất độc đáo. Ông nói: “Phải trang-sức (Hy Lạp, eg·kom·boʹsa·sthe) bằng khiêm-nhường”. Động từ này xuất phát từ một chữ gốc có nghĩa là thắt nút hay nối lại, và ý nghĩa này liên quan đến “khăn choàng hay áo khoác của các đầy tớ được quấn ngang hông... để phân biệt kẻ nô lệ với kẻ có tự do; bởi thế, trang sức bằng khiêm nhường như kẻ nô lệ mặc áo khoác đó... tức là hãy tỏ ra khiêm nhường như tỏ địa vị thấp kém của mình đối với người khác” (A Greek-English Lexicon of the New Testament, của J. H. Thayer).
18. a) Những người đàn ông dâng mình cho Đức Chúa Trời nên nhớ phải có động lực nào? b) Tại sao đặc biệt nhiều chị là một gương mẫu về sự khiêm nhường?
18 Ngày nay những người đàn ông đã dâng mình cho Đức Chúa Trời có thể áp dụng lời khuyên đó như thế nào? Bằng cách nhìn nhận rằng mỗi trách nhiệm trong hội-thánh đấng Christ là một công tác đòi hỏi sự khiêm nhường. Một số người có thể lầm tưởng rằng làm một tôi tớ chức vụ, một trưởng lão, một giám thị vòng quanh, giám thị địa hạt hay giám thị ở nhà Bê-tên là đạt tới một địa vị đem lại uy tín và quyền thế. Nhưng nghĩ vậy chứng tỏ không có tâm tình của đấng Christ. Nếu chúng ta có tâm tình của đấng Christ, chúng ta không có tham vọng ích kỷ. Động lực thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời và phục vụ anh em chúng ta phải là động lực thanh sạch. Thí dụ, nhiều chị tín đồ đấng Christ đang dẫn đầu trong việc làm khai thác và giáo sĩ. Những chị khác là những người tuyên bố hăng hái cho tin mừng dù bị bắt bớ hay gặp phải sự chống đối trong gia đình. Và họ làm tất cả những điều này, dù không có mảy may hy vọng trở thành tôi tớ chức vụ hay giám thị!
Sự yêu thương: điều chính yếu trong gương mẫu của Giê-su
19. Điều chính yếu trong gương mẫu của Giê-su là gì? Làm sao chúng ta biết được điều đó?
19 Phi-e-rơ còn nhấn mạnh nhiều nhất điều gì khác về tâm tình của đấng Christ? Ông viết: “Nhứt là trong anh em phải có yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Phi-e-rơ 4:8). Giê-su phản ảnh sự yêu thương đó thế nào? Ngài dạy: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:12, 13). Sau đó ít lâu, Giê-su đã hy sinh sự sống của ngài vì nhân loại. Và chắc chắn sự yêu thương của ngài đã che đậy vô số tội lỗi! Do đó, nếu chúng ta có cùng tâm tình với Giê-su, chúng ta cũng sẽ “yêu-thương sốt-sắng” lẫn nhau và tha thứ cho nhau (Cô-lô-se 3:12-14; Châm-ngôn 10:12).
20. Tất cả chúng ta phải làm gì nếu muốn theo sát gương mẫu của Giê-su?
20 Gương mẫu của Giê-su được tóm tắt trong một chữ: yêu thương. Nếu quả thật chúng ta theo sát gương mẫu của Giê-su trong mọi ý tưởng, lời nói và hành động của chúng ta, chúng ta cũng thực hành sự yêu thương. Phi-e-rơ viết: “Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhơn-từ và đức khiêm-nhượng. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa-sả trả rủa-sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành” (I Phi-e-rơ 3:8, 9).
Bạn có nhớ không?
◻ Chúng ta phải làm theo gương mẫu của Giê-su thế nào?
◻ Người vợ tín đồ đấng Christ phải làm theo gương mẫu của Giê-su thế nào?
◻ Người chồng tín đồ đấng Christ phải tôn trọng vợ mình thế nào?
◻ Phi-e-rơ nhấn mạnh sự khiêm nhường thế nào?
◻ Điều chính yếu trong gương mẫu của Giê-su là gì?
[Hình nơi trang 9]
Thầy giáo viết bài mẫu (hy·po·gram·mosʹ) ở phía trên; học trò cố gắng làm bản chép giống hệt