Thời gian thử thách và sàng sẩy
“Và Chúa mà các ngươi tìm-kiếm sẽ thình-lình vào trong đền-thờ Ngài, [cùng với] thiên-sứ của sự giao-ước mà các ngươi trông-mong... Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạn và làm cho sạch” (MA-LA-CHI 3:1, 3).
1, 2. a) Dân của Đức Chúa Trời vào thế kỷ thứ 5 trước tây lịch ở trong tình trạng nào? b) Tại sao chúng ta nên chú ý đến lời tiên tri của Ma-la-chi?
“Đức Chúa Trời của sự chánh-trực ở đâu?” Những kẻ đã nêu ra câu hỏi thách đố ấy vào thế kỷ thứ năm trước tây lịch cũng đã chủ trương: “Người ta hầu-việc Đức Chúa Trời là vô-ích”. Sự bại hoại tôn giáo và luân lý ở giữa dân tộc của Đức Chúa Trời, dân Do-thái, đã đưa đến việc họ hồ nghi sự công bình của Ngài. Nhưng mắt của Đức Chúa Trời, Đấng không hề ngủ, nhìn thấy mọi sự. Và Ngài đã sai nhà tiên tri Hê-bơ-rơ là Ma-la-chi đến báo cho họ biết sẽ có một công việc thanh lọc, một thời gian thử thách và sàng sẩy. Hẳn họ sẽ biết “Đức Chúa Trời của sự chánh-trực” ở đâu khi Ngài bất thần đến để phán xét họ! (Ma-la-chi 2:17; 3:1, 14, 15).
2 Chúng ta chú ý đến lời tiên tri của Ma-la-chi không phải chỉ dưới khía cạnh lịch sử mà thôi. Tại sao? Vì hiển nhiên lời đó có sự ứng nghiệm vào thời của chúng ta ngày nay (Rô-ma 15:4). Đúng vậy, dân của Đức Giê-hô-va ngày nay đã và đang trải qua một thời kỳ thử thách và sàng sẩy! Thế nào? Xem xét kỹ lời tiên tri của Ma-la-chi sẽ giúp chúng ta biết câu trả lời.
3. Công việc luyện kim vào thời xưa làm thế nào?
3 Nhưng, trước hết, tại sao Đức Giê-hô-va bắt dân sự Ngài trải qua sự thử thách và sàng sẩy? Vì là “[Đấng] thử lòng”, Ngài đã dự định luyện lọc dân sự Ngài (Châm-ngôn 17:3; Thi-thiên 66:10). Vào thời mà Kinh-thánh được viết ra, muốn luyện một chất kim loại người ta đun nóng chất kim loại đó đến nhiệt độ nóng chảy, đoạn vớt bỏ đi các chất bẩn hoặc cặn bã. Một cuốn Bách-khoa Tự-điển viết: “Người thợ luyện kim, đứng hoặc ngồi, kiểm soát công việc đó cách hết sức chăm chú, cho đến khi... chất kim loại [lỏng] có dạng một cái gương thật bóng láng, phản chiếu được mỗi vật ở gần đó; ngay đến người thợ luyện kim, lúc nhìn xuống khối kim loại có thể thấy mặt mình trong đó như là đang soi gương, và nhờ vậy mà có thể ấn định cách rất đúng độ tinh khiết của chất kim loại đó. Nếu người hài lòng, thì tắt lửa, và nhắc kim loại xuống khỏi lò lửa; nhung nếu kim loại chưa được tinh khiết, người bỏ thêm chì vào khối kim loại và luyện nó lại” (Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature, do J. McClintock and J. Strong). Vàng hay bạc mà được luyện như thế có giá trị lớn hơn. (So sánh Khải-huyền 3:18).
4. Tại sao Đức Giê-hô-va để cho dân của Ngài chịu thử thách và sàng sẩy?
4 Đức Giê-hô-va để cho dân Ngài chịu thử thách và sàng sẩy, hay làm cho sạch, hầu giúp họ phản ảnh cách trung thực hơn hình ảnh của Ngài (Ê-phê-sô 5:1). Giống như trong việc luyện kim, Ngài hớt bỏ cặn bã bằng cách loại đi những giáo lý và thực hành ô uế (Ê-sai 1:25). Ngài cũng sàng sẩy ra khỏi dân sự của Ngài những ai khước từ không chịu phục tùng công việc thanh lọc đó cùng những kẻ làm “gương xấu và những kẻ làm ác”. Điều này khiến cho “con-cái nước thiên-đàng”, những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, chiếu sáng rực rỡ hầu cho một lớp người với hy vọng sống trên đất cũng có thể được nhóm lại và gắn bó với tổ chức để sống sót (Ma-thi-ơ 13:38, 41, 43; Phi-líp 2:15).
Sứ mạng của Ma-la-chi
5, 6. a) Ai đã đặc biệt chịu trách nhiệm về mức độ thiêng liêng thấp kém của dân Y-sơ-ra-ên vào thời Ma-la-chi? Tại sao? b) Những người Y-sơ-ra-ên nói chung đã chịu ảnh hưởng xấu thế nào về việc này?
5 Ma-la-chi nói tiên tri sau năm 443 trước tây lịch, gần một thế kỷ sau khi dân Do-thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn trở về. Hơn 70 năm trôi qua từ khi đền thờ xây cất lại bởi Xô-rô-ba-bên được khánh thành. Tình trạng thiêng liêng của những người Y-sơ-ra-ên suy sụp xuống tới một mức độ rất thấp. Ai đặc biệt chịu trách nhiệm? Chính các thầy tế lễ! Thế nào? Chúng “khinh-dể” danh của Đức Giê-hô-va bằng cách chấp nhận những của-lễ bệnh hoạn và què quặt (Ma-la-chi 1:6-8). Chúng “làm cho nhiều người vấp-ngã trong luật-pháp” bằng cách bỏ bê việc giáo dục dân sự và tỏ ra thiên vị khi phán xét (Ma-la-chi 2:6-9; Gia-cơ 3:1).
6 Vì lẽ đó dân Y-sơ-ra-ên nói chung đã bắt đầu tự hỏi phụng sự Đức Chúa Trời có ích gì, và khước từ ngay đến việc dâng thuế một phần mười mà luật pháp đòi hỏi (Ma-la-chi 3:6-10, 14, 15; Lê-vi Ký 27:30). Họ còn thiếu tôn trọng Luật pháp của Đức Chúa Trời một cách thậm tệ hơn nữa là một số người trong họ đã đối “đãi cách phỉnh-dối” với vợ, chắc hẳn bằng cách ly dị vợ để cưới đàn bà trong dân ngoại. Kìa xem, những việc thực hành dường ấy, như ma thuật, ngoại tình, nói dối và lường gạt lúc bấy giờ đã lộng hành giữa dân sự của Đức Chúa Trời! (Ma-la-chi 2:10-16; 3:5).
7, 8. Sứ mạng của nhà tiên tri Ma-la-chi là gì?
7 Sứ mạng của Ma-la-chi thật rõ ràng. Ông thẳng thắn phô trương lỗi lầm của các thầy tế lễ cẩu thả, và ông giúp dân sự ý thức được thực trạng thiêng liêng của họ. Tuy nhiên, ông cho biết rằng Đức Chúa Trời của sự yêu thương và thương xót sẵn sàng tha thứ. Đức Giê-hô-va kêu gọi: “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi” (Ma-la-chi 3:7). Ma-la-chi tiên tri rằng “Chúa” sẽ đến để phán xét đền thờ của Ngài. Các thầy tế lễ cần phải tẩy uế để rồi “sẽ dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công-bình” (Ma-la-chi 3:1-3). Ngoài ra, dân sự được báo rằng “Chúa” sẽ “vội-vàng làm chứng” nghịch cùng những kẻ cứ muốn đeo đuổi những thực hành gớm ghiếc (Ma-la-chi 3:5).
8 Ma-la-chi đã trung thành với sứ mạng; ông rao vang lời cảnh cáo. Những điều ông nói đem lại lợi ích cho các thầy tế lễ và cho dân sự vào thời ông. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ qua trước khi một số khía cạnh trong lời tiên tri của ông được ứng nghiệm lần thứ nhất.
Sự ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất
9. Trong sự ứng nghiệm của lời tiên tri do Ma-la-chi, ai là “sứ-giả”? Tại sao bạn trả lời như vậy?
9 Đấng Quan Xét Lớn phán ra từ ngôi cao cả của Ngài ở trên trời: “Nầy, ta sai sứ-giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta” (Ma-la-chi 3:1a). Ai là “sứ-giả” đó? Người viết Kinh-thánh là Mác liên kết lời tiên tri ở Ma-la-chi 3:1 với Ê-sai 40:3 và áp dụng cả hai lời tiên tri này cho Giăng Báp-tít (Mác 1:1-4). Giê-su Christ sau đó cũng nhận diện Giăng là “sứ-giả” (Ma-thi-ơ 11:10-14). Như thế vào mùa xuân năm 29 tây lịch Giăng Báp-tít đã bắt đầu hoạt động làm “sứ-giả”, một người đi mở đường. Ông phải dọn đường cho Đức Giê-hô-va đến để phán xét, bằng cách chuẩn bị người Y-sơ-ra-ên để họ sẵn sàng đón nhận Giê-su Christ, vị Đại biểu chính của Đức Chúa Trời.
10. Giăng Báp-tít đã “sửa-soạn cho Chúa [Đức Giê-hô-va] một dân sẵn lòng” như thế nào? (Lu-ca 1:17).
10 Khi sai Giăng đi trước mở đường, Đức Chúa Trời đã biểu hiệu lòng nhân từ của Ngài đối với dân Do-thái. Dân này vốn ở trong một liên lạc bởi giao ước với Đức Giê-hô-va nên cần phải ăn năn về những tội vi phạm Luật pháp. Giăng đã nói rõ ràng và thẳng thắn trong những vấn đề tín ngưỡng và vạch trần sự giả hình tôn giáo (Ma-thi-ơ 3:1-3, 7-12). Ông đã khuyến giục những người Do-thái chân thật chờ đợi đấng Christ để có thể theo ngài (Giăng 1:35-37).
11. Làm sao chúng ta có thể nhận ra ai là “Chúa” sẽ thình lình vào trong đền thờ?
11 Lời tiên tri của Ma-la-chi nói tiếp: “Và Chúa mà các ngươi tìm-kiếm sẽ thình-lình vào trong đền-thờ Ngài, [cùng với] thiên-sứ của sự giao-ước mà các ngươi trông-mong. Nầy, Ngài đến, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy” (Ma-la-chi 3:1b). Ai là “Chúa” sẽ vào trong đền thờ cách “tình-lình”, hay bất ngờ? Chữ Hê-bơ-rơ được dùng ở đây là ha·’Adhohn’. Định quán từ ha đứng trước chức hiệu ’A·dhohn’ (“Chúa; Chủ”) khiến cho chức hiệu này chỉ được áp dụng duy nhất cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà thôi. Thật thế, Đức Giê-hô-va sẽ vào trong “đền thánh của Ngài” (Ha-ba-cúc 2:20; Thi-thiên 11:4).
12. Ai là “thiên-sứ của sự giao-ước”, và ngài là “thiên-sứ” của “giao-ước” nào?
12 Sau khi đề cập đến một sứ giả, Ma-la-chi cho thấy có “Chúa” sẽ vào trong “đền-thờ Ngài”, và theo sau Ngài thì có một ai khác, một sứ giả khác, “thiên-sứ của sự giao-ước”. Ai thế? Tình thế đã diễn ra cho thấy có lý để kết luận rằng “thiên-sứ của sự giao-ước” là Giê-su Christ, đấng đã được Giăng Báp-tít giới thiệu cho môn đồ mình như là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:29-34). Đấng Mê-si là “thiên-sứ” (hay sứ giả) của “giao-ước” nào? Những sự kiện hiển nhiên ghi nơi Lu-ca 1:69-75 và Công-vụ các Sứ-đồ 3:12, 19-26 cho thấy đó là giao ước Áp-ra-ham, nhờ đó mà người Do-thái là những người đầu tiên nhận được cơ hội trở nên những người thừa kế Nước Trời.
13. “Chúa” Giê-hô-va sẽ vào trong đền thờ theo nghĩa nào?
13 “Chúa” Giê-hô-va đã không đích thân vào trong đền thờ hiểu theo nghĩa đen tại Giê-ru-sa-lem (I Các Vua 8:27). Ngài đã đến với tính cách tượng trưng, nghĩa là được đại diện bởi Giê-su Christ, “thiên-sứ của sự giao-ước”, đấng nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến và được thánh linh của Đức Chúa Trời ủng hộ.a
14. a) Tại sao việc Giê-su làm sạch đền thờ năm 30 tây lịch hiển nhiên chỉ là một dấu hiệu báo trước điều sẽ xảy ra trong tương lai? b) Đền thờ đã được làm sạch ra sao và khi nào để làm ứng nghiệm Ma-la-chi 3:1?
14 Vào mùa xuân năm 30 tây lịch, Giê-su vào trong đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem và đuổi những kẻ đã biến đền thờ thành “nhà buôn-bán” ra ngoài (Giăng 2:13-16). Nhưng đó chỉ là một dấu hiệu báo trước sự ứng nghiệm gần đến của lời tiên tri do Ma-la-chi. Sau khi việc này đã xảy ra thì “sứ-giả” Giăng vẫn còn tiếp tục làm báp têm và hướng các môn đồ mình đến cùng Giê-su (Giăng 3:23-30). Tuy nhiên, vào ngày 9 tháng Ni-san năm 33 tây lịch, Giê-su đi vào thành Giê-ru-sa-lem với vẻ chiến thắng, tự trình diện với tư cách là Vua (Ma-thi-ơ 21:1-9; Xa-cha-ri 9:9). Giăng đã làm xong công việc của ông và trước đó chừng một năm đã bị vua Hê-rốt chém đầu. Như thế, khi Giê-su vào trong đền thờ ngày 10 tháng Ni-san, ngài đã chính thức đến với tư cách “thiên-sứ của sự giao-ước”, đại biểu tư pháp của “Chúa” Giê-hô-va, và làm ứng nghiệm Ma-la-chi 3:1. Giê-su làm sạch đền thờ, bằng cách đuổi những kẻ buôn bán ở đó ra ngoài và lật đổ mấy cái bàn của những người đổi bạc. Ngài dạy: “Há chẳng có lời chép [nơi Ê-sai 56:7]: Nhà [của Đức Giê-hô-va] sẽ gọi là nhà cầu-nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm-cướp” (Mác 11:15-18).
15. Với tư cách một lớp người, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái đã phản ứng thế nào trước công việc thanh lọc? nhưng có một số thầy tế lễ đã làm gì?
15 Như thế các nhà lãnh đạo tôn giáo trong dân Y-sơ-ra-ên được thông báo là giờ của họ đã điểm. Với tư cách một lớp người, họ đã khước từ không chịu chấp nhận “thiên-sứ của sự giao-ước” của Đức Giê-hô-va. Họ không “đương nổi ngày Ngài đến”, vì họ đã khước từ không chịu khiêm nhường phục tùng công việc thanh lọc của Đấng Luyện kim Lớn (Ma-la-chi 3:2, 3). Họ đáng bị sàng sẩy ra ngoài để bị hủy diệt. Tuy nhiên, hẳn là đã có một số “con trai Lê-vi” có lòng tốt, vì chẳng bao lâu sau khi Giê-su chết thì “cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:7).
16. Một “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” đã bủa xuống nước Y-sơ-ra-ên xưa đó ra sao và khi nào?
16 Khi Giê-su đã làm sạch đền thờ rồi thì ngày hôm sau, ngày 11 Ni-san, ngài tố cáo mãnh liệt những nhà tôn giáo giả hình và nói tiên tri về sự hủy diệt của đền thờ và hệ thống mọi sự Do-thái (sách Ma-thi-ơ, đoạn 23, 24). Thật thế, “Đức Chúa Trời của sự chánh-trực” đã đến và “vội-vàng làm chứng nghịch” cùng quốc gia Do-thái ấy 37 năm sau đó, vào năm 70 tây lịch, khi “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” đã bủa xuống họ (Ma-la-chi 2:17; 3:5; 4:5, 6). Lúc ấy thì nước Y-sơ-ra-ên nói chung, một tổ chức giống như cái cây không sanh bông trái tốt, đã bị “đốn và chụm” qua sự hủy diệt bởi tay người La-mã (Lu-ca 3:3-14). Mọi sự ấy xảy đến chỉ “vì [họ] không biết lúc mình đã được thăm viếng” (Lu-ca 19:44).
Sự ứng nghiệm vào thời nay
17. Điều gì cho thấy rằng lời tiên tri của Ma-la-chi sẽ ứng nghiệm nữa vào thời nay?
17 Nhưng nói gì về sự ứng nghiệm lần thứ hai, hay vào thời nay, của lời tiên tri do Ma-la-chi? Vào thế kỷ thứ nhất, sự ứng nghiệm ban đầu đã xảy ra sau khi Giê-su được thánh linh xức dầu để trở thành Vua được chỉ định trong Nước Đức Chúa Trời. Điều hữu lý là phải có một sự ứng nghiệm khác của lời tiên tri này sau khi Giê-su Christ đã được lên ngôi ở trên trời năm 1914. Chính lời tiên tri đã cho thấy sẽ được ứng nghiệm “trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” (Ma-la-chi 4:5). Dù cho “ngày của Đức Giê-hô-va” đã đến một lần rồi trên hệ thống Do-thái năm 70 tây lịch, Kinh-thánh báo trước về một “ngày của Đức Giê-hô-va” trong tương lai, vào thời kỳ “hiện diện” này của đấng Christ (Ma-thi-ơ 24:3; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2; II Phi-e-rơ 3:10-13).
18. Năm 1922, dân của Đức Chúa Trời đã nhận thức được thế nào là đang ở trong một thời kỳ phán xét?
18 Ngay từ năm 1922, dân của Đức Giê-hô-va đã được lưu ý là đang sống trong một thời kỳ phán xét làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ma-la-chi. Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 1-9-1922 nói: “Nhưng lời tiên tri của Ma-la-chi chỉ được ứng nghiệm một phần vào thời Chúa của chúng ta đến lần thứ nhất, và sẽ còn được ứng nghiệm nữa vào thời mà đấng Mê-si sẽ đến với sự vinh hiển và quyền lực, và khi mà ngài sẽ phán xét dân sự ngài... Giờ đây, thời kỳ phán xét lại đến một lần nữa; những ai tự xưng là dân của ngài được thử thách như bởi lửa, và các con cái chân thật của Lê-vi đang được gom góp lại để phụng sự”.
19. Trong sự ứng nghiệm thời nay, một “sứ-giả” đã được phái đến mở đường bằng cách nào?
19 Như Ma-la-chi 3:1 cho thấy, một sứ giả đặc biệt đã được phái đến mở đường. Sứ giả này thật ra không phải là một cá nhân nào, nhưng là một lớp người giống như Giăng Báp-tít. Kể từ năm 1881 lớp người này đã dùng một cơ quan hiện nay là Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society) vào một công việc giáo dục rộng lớn về Kinh-thánh. Kết quả là nhiều lẽ thật căn bản đã được làm sáng tỏ trong lòng những người yêu chuộng Kinh-thánh. Vài điều đã được làm sáng tỏ là: Con người không có một linh hồn bất tử, nhưng chính mình là một linh hồn; không có địa ngục nóng bỏng; Giê-su Christ sẽ không trở lại với thể xác thịt; Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một, chứ không phải một Chúa Ba Ngôi. Thật thế, công việc đó đã «dọn đường trước mặt Đức Giê-hô-va» sửa soạn cho sự phán xét của Ngài.
20. a) Hiển nhiên là Đức Giê-hô-va đã vào trong đền thờ khi nào? b) Điều này đưa đến những câu hỏi nào?
20 Thình lình, “Chúa” Giê-hô-va đến trong đền thờ thiêng liêng của Ngài. Khi nào? Theo khuôn mẫu như lần ứng nghiệm thứ nhất. Vào thời đó Giê-su đã đến và làm sạch đền thờ ba năm rưỡi sau khi ngài đã được xức dầu làm Vua nơi sông Giô-đanh. Phù hợp với khuôn mẫu này, bởi vì ngài đã được lên ngôi làm Vua vào mùa thu năm 1914, hợp lý là ngài sẽ tháp tùng “Chúa” Giê-hô-va vào trong đền thờ thiêng liêng ba năm rưỡi sau đó. Thể theo lời tiên tri, điều gì sẽ xảy ra kể từ khi đó? Sự thử thách và sàng sẩy. Nhưng điều đó đưa đến một vài câu hỏi quan trọng: Có bằng chứng nào cho thấy có sự thanh lọc đó? Sự thanh lọc đó còn tiếp tục cho đến ngày nay không? Và tất cả những điều này ảnh hưởng thế nào đến cá nhân bạn? Chúng ta hãy xem trong bài kỳ tới.
[Chú thích]
a Trong một số trường hợp các thiên sứ nói chuyện tựa hồ như họ là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì họ đại diện cho Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 31:11-13; Các Quan Xét 2:1-3; so sánh Sáng-thế Ký 16:11, 13).
Bạn có thể nhớ không?
◻ Tại sao Đức Giê-hô-va để cho dân Ngài trải qua sự thử thách và sàng sẩy?
◻ Giăng Báp-tít đã phụng sự thế nào với tư cách một “sứ-giả”, một người mở đường?
◻ Vào thế kỷ thứ nhất, Giê-su đã đến đền thờ với tư cách “thiên-sứ của sự giao-ước” như thế nào?
◻ Làm sao chúng ta biết rằng lời tiên tri của Ma-la-chi sẽ ứng nghiệm vào thời nay?
[Hình nơi trang 22]
Với tư cách một sứ giả, Giăng Báp-tít sửa soạn dân chúng để tiếp đón “thiên-sứ của sự giao-ước” sắp đến