Bạn có giữ mình tinh sạch dưới mọi khía cạnh không?
“Các ngươi hãy đi, hãy đi, đi ra khỏi đó! Đừng động đến đồ ô-uế, hãy ra khỏi giữa nó. Các ngươi là kẻ mang khí-dụng Đức Giê-hô-va, hãy làm cho sạch mình!” (Ê-SAI 52:11).
1. a) Làm thế nào một chiếu chỉ của nhà vua cho phép đem các khí dụng của Đức Giê-hô-va trở lại Giê-ru-sa-lem? b) Một số các khí dụng đó đã bị làm ô uế thế nào?
Sau 70 năm nô lệ, đột nhiên họ được tự do! Một chiếu chỉ của vua ban ra khoảng năm 538 trước tây lịch cho phép dân Do-thái trở về “đặng cất lại đền-thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (E-xơ-ra 1:2, 3). Kế đến, một diễn biến khác đáng ngạc nhiên: “Vua Si-ru [xứ Phe-rơ-sơ] cũng trả lại những khí dụng của đền-thờ Đức Giê-hô-va mà Nê-bu-cát-nết-sa đã đem đi khỏi Giê-ru-sa-lem” (E-xơ-ra 1:7, 8). Trong số đó có những khí dụng thánh bị Bên-xát-sa và các đại thần của hắn làm hoen ố trong đêm nước Ba-by-lôn sụp đổ bằng cách dùng các khí dụng đó để ngợi khen các thần giả! (Đa-ni-ên 5:3, 4). Bây giờ những người trước kia bị lưu đày có thể đem những khí dụng đó trở lại Giê-ru-sa-lem và dùng vào việc ngợi khen Đức Giê-hô-va!
2. a) Những người trở lại hẳn nhớ lại lời tiên tri nào của Ê-sai? Lời tiên tri đó áp dụng cho ai? b) Tại sao họ được khuyên chớ động đến bất cứ vật gì ô uế?
2 Khi náo nức sửa soạn khởi hành, những người Do-thái chắc hẳn nhớ lại những lời này của nhà tiên tri Ê-sai: “Các ngươi hãy đi, hãy đi, đi ra khỏi đó! Đừng động đến đồ ô-uế, hãy ra khỏi giữa nó. Các ngươi là kẻ mang khí-dụng Đức Giê-hô-va, hãy làm cho sạch mình!” (Ê-sai 52:11). Dĩ nhiên, chính các người Lê-vi lo việc chuyên chở các khí dụng (Dân-số Ký 1:50, 51; 4:15). Tuy nhiên, Ê-sai có tiên tri rằng tất cả những người trở lại sẽ mang khí dụng cách danh dự. Như vậy tất cả đều có trách nhiệm phải tinh sạch. Họ không phải vơ vét của cải đáng giá của người Ba-by-lôn như khi người Y-sơ-ra-ên rời xứ Ê-díp-tô. (So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 12:34-38). Họ phải tránh khỏi những động lực duy vật hay ích kỷ khi trở lại. Cũng như đối với “thần-tượng như [phân thú]” của xứ Ba-by-lôn, chỉ việc động đến là một người bị hoen ố ngay.a (Giê-rê-mi 50:1, 2). Chỉ khi nào họ giữ mình tinh sạch về mọi phương diện, người Do-thái mới có thể bước đi trong “đường thánh” dẫn về Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 35:8, 9).
3. Ai mang “khí-dụng” của Đức Giê-hô-va ngày nay? Tại sao việc giữ mình tinh sạch là một thách đố đối với họ?
3 Các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay cũng phải là những người tinh sạch để mang “khí-dụng” cho Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô trích dẫn những lời của Ê-sai và áp dụng cho tín đồ đấng Christ vào thời ông, nói rằng: “Chúng ta... hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho việc nên thánh của chúng ta” (II Cô-rinh-tô 6:17 đến 7:1). Ngoài việc sống trong một thế gian ô uế, chúng ta còn phải phấn đấu với các khuynh hướng di truyền đầy tội lỗi (Sáng-thế Ký 8:21). Giê-rê-mi 17:9 nhắc nhở chúng ta: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?”. Một số người tự dối mình và dối người khác vì tin rằng đời sống họ tinh sạch và được Đức Chúa Trời chấp nhận, trong khi thật ra không phải vậy. Họ thực hành một hình thức đạo đức giả. Do đó, mỗi người trong chúng ta phải tự hỏi: «Tôi có đang cố gắng hết sức để được tinh sạch dưới mọi khía cạnh trước mặt Đức Giê-hô-va không?» Để được giúp đỡ trong việc này, bây giờ chúng ta hãy chú tâm đến bốn khía cạnh của sự tinh sạch.
Sự tinh sạch thể chất: Một điều ưu tiên
4. a) Tại sao trong vòng dân Đức Giê-hô-va sự tinh sạch thể chất là một điều ưu tiên? b) Tại sao đôi khi có thể khó giữ được một tiêu chuẩn sạch sẽ cao?
4 Trong vòng dân Đức Giê-hô-va ngày nay sự tinh sạch thể chất là một điều ưu tiên cũng như vào thời xưa (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17-21; 40:30-32). Thật thế, chúng ta có tỏ ra kính trọng “khí-dụng của Đức Giê-hô-va” không, nếu chúng ta để tóc, tay, mặt, răng hay móng tay bẩn thỉu, hoặc nếu thân thể chúng ta xông mùi hôi hám khó chịu? Dù sao chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn thấp kém của thế gian (Rô-ma 12:2).
5. a) Tại sao quan trọng chúng ta phải giữ các tiêu chuẩn cao về sự sạch sẽ của chúng ta? Hãy nêu ra vài thí dụ địa phương về cách có thể áp dụng lời khuyên này. b) Các trưởng lão có thể giúp đỡ thế nào?
5 Làm sao chúng ta có thể tỏ ra khác biệt hẳn với thế gian nếu chúng ta chấp nhận theo các tiêu chuẩn thấp kém của thế gian? Một chỗ ở dơ bẩn hay một nơi thờ phượng bừa bãi tạo dịp cho «đạo Đức Chúa Trời bị chê-bai», phải không? (Tít 2:5). Nhưng khi chúng ta thực hành việc vệ sinh cá nhân, lượm rác tại các địa điểm hội nghị, giúp gìn giữ sạch sẽ Phòng Nước Trời và giữ nhà cửa chúng ta—ngay dù đó là một chỗ ở khiêm tốn nhất—cho có ngăn nắp và sạch sẽ, hẳn là chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời! (So sánh I Phi-e-rơ 2:12). Hỡi các trưởng lão, hãy làm gương tốt về việc giữ sạch sẽ cá nhân. Chớ nên “ngại” nói hay “giấu” lời khuyên bảo thích hợp khi cần (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20).
6. Chúng ta nên ăn mặc theo tiêu chuẩn nào khi dự nhóm họp và rao giảng?
6 Nói gì về quần áo chúng ta mặc khi thờ phượng tại các buổi nhóm họp hay khi đi rao giảng? Quần áo hẳn nên «khiêm tốn và gọn ghẽ», phải không? (I Ti-mô-thê 2:9; Hê-bơ-rơ 10:23-25). Chớ nên lý luận rằng chúng ta có bổn phận phải ăn mặc đứng đắn chỉ khi nào chúng ta có phần trong chương trình nhóm họp. Quần áo xốc xếch là điều khiếm nhã và không thích hợp cho sự thờ phượng. Các cặp sách nếu quá cũ và các Kinh-thánh nếu có các trang giấy rách góc hoặc dơ bẩn cũng làm giảm sự chú ý đến thông điệp Nước Trời.
Tránh sự đầu độc tâm trí
7. Thể theo Phi-líp 4:8, chìa khóa của tâm trí tinh sạch là gì?
7 Phao-lô khuyên nơi Phi-líp 4:8: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhơn-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. Tuy thế, khắp nơi chúng ta bị bủa vây bởi những sự cám dỗ để nhìn kỹ vào “điều sâu-hiểm của quỉ Sa-tan” (Khải-huyền 2:24).
8. Các nguy hiểm do nhiều hình thức giải trí khác nhau gây ra có thể được giải thích cụ thể thế nào? Hãy nêu ra các thí dụ địa phương.
8 Chẳng hạn, một số người dùng các máy thu và phát hình bằng băng nhựa (vi-đê-ô) gặp phải các vấn đề khó khăn trầm trọng bởi vì có rất nhiều băng khiêu dâm và quá bạo động trên thị trường. Tại Âu châu, một tín đồ đã có vợ mà lại xem các băng dâm đãng sau khi vợ anh đi ngủ. Mầm tội lỗi bén rễ thật sâu, đưa đến việc ngoại tình. (So sánh Gia-cơ 1:14, 15). Tại một nước ở Phi châu, một nhóm thanh thiếu niên Nhân-chứng mượn các bạn học ở trường các cuộn băng dâm đãng để xem khi cha mẹ chúng đi vắng nhà. Tuy nhiên, một trưởng lão tại xứ Ni-giê-ri nhận định: «Mối nguy hiểm lớn hơn thường là do các chương trình truyền hình thường lệ miêu tả sự bạo động, án mạng, chiến tranh, những cảnh làm tình và sự khinh miệt việc chung thủy trong hôn nhân». Những tờ báo nhỏ và rẻ tiền, tạp chí khiêu dâm, truyện ngắn kích thích tình dục, điện ảnh và âm nhạc đồi trụy cũng là những nguy hiểm đang thịnh hành.
9. a) Tại sao chúng ta phải biết chọn lọc điều gì chúng ta nghe, nhìn và đọc? b) Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu đối diện với các sách báo không đàng hoàng?
9 Chúng ta không thể làm nhơ bẩn tâm trí chúng ta bằng những điều “dầu nói đến... cũng đã là hổ-thẹn rồi” (Ê-phê-sô 5:12). Vậy chúng ta nên biết chọn lọc điều gì ta nghe, nhìn và đọc. Hãy đề phòng và phản ứng nhanh chóng để gạt bỏ các sách báo không đàng hoàng (Thi-thiên 119:37). Điều này sẽ đòi hỏi sự tự chủ thật sự, có lẽ phải «đãi thân-thể bạn cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục» hiểu theo nghĩa bóng (I Cô-rinh-tô 9:27). Dù sao đi nữa, hãy luôn luôn nhớ rằng “Đấng không thấy được” quan sát điều gì chúng ta lén lút nhìn xem (Hê-bơ-rơ 11:27). Vậy hãy tránh điều gì khả nghi. “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10).
“Phải cẩn-thận” giữ mình tinh sạch về luân lý đạo đức
10. Một lý do tại sao nhiều người bị khiển trách hay bị khai trừ mỗi năm là gì? b) Nguyên tắc nào của Kinh-thánh nên hướng dẫn các hành vi chúng ta khi đi nghỉ hè hay tại nơi làm việc?
10 Phao-lô cảnh cáo nơi Ê-phê-sô 5:5: “Vì anh em phải biết rằng kẻ gian-dâm, ô-uế, tham-lam, tức là kẻ thờ hình-tượng, không một kẻ nào được dự phần kế-nghiệp của nước đấng Christ và Đức Chúa Trời”. Thế mà mỗi năm có hằng ngàn người bị khiển trách hay bị khai trừ vì cớ tình dục vô luân—«[tội] phạm đến chính thân-thể» (I Cô-rinh-tô 6:18). Nhiều khi đó chỉ là hậu quả của việc không “cẩn-thận theo lời Chúa” (Thi-thiên 119:9). Chẳng hạn, nhiều người anh em chểnh mảng việc đề phòng về đạo đức trong kỳ nghỉ hè. Bỏ bê nhóm họp và kết hợp với các anh em, họ kết bạn với những người thế gian đi nghỉ hè. Lý luận rằng những kẻ này «thật là tử tế», một số tín đồ đấng Christ đã nhập bọn với họ trong các hoạt động khả nghi. Cũng thế, những người khác đã trở nên quá thân thiện với bạn đồng nghiệp. Một trưởng lão tín đồ đấng Christ đã dính líu với một nữ nhân viên đến đỗi anh ta đã bỏ rơi gia đình để đi ở với bà kia! Hậu quả là bị khai trừ. Quả thật, Kinh-thánh nói đúng làm sao: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”! (I Cô-rinh-tô 15:33).
11. Tại sao các buổi họp vui chơi giữa tín đồ đấng Christ nên được trông nom đúng mức?
11 Có báo cáo này từ Nam Phi châu: “Một nguy hiểm khác đe dọa sự đứng đắn về đạo đức của nhiều người là các buổi họp vui chơi quá đông đảo... một số các buổi họp mặt ấy diễn ra sau những buổi hội nghị địa hạt”. Tuy nhiên, các buổi họp mặt nhỏ hơn và được trông nom kỹ hơn giữa anh em tín đồ thì hiếm khi biến thành những dịp “mê ăn-uống” (Ga-la-ti 5:21). Nếu đồ uống có chất rượu được dọn ra, hãy làm sao cho có sự kiểm soát và chừng mực. “Rượu khiến người ta nhạo-báng”, và dưới tác dụng của rượu một số anh em đã giảm việc đề phòng về đạo đức hay để cho vài nhược điểm thầm kín sống dậy (Châm-ngôn 20:1). Như vậy, hai anh trẻ kia đã phạm tội đồng tính luyến ái sau khi dùng rượu quá độ.
12, 13. a) Một số người tự bào chữa thế nào cho hành vi vô luân? Tại sao lý luận thế là lầm to? b) Làm thế nào chúng ta có thể đề phòng chống lại những mối đe dọa cho đạo đức tốt?
12 Khi bị quyến rũ phạm tội, hãy nhớ lại rằng, bất luận bề ngoài chúng ta có thể tỏ ra tinh sạch tới đâu, bản thể bên trong của chúng ta mới đáng kể (Châm-ngôn 21:2). Một số người hiển nhiên nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ việc nhiều lần tái phạm các hành vi vô luân bởi vì họ yếu đuối. Nhưng đó không phải là “đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác”, hay sao? (Giu-đe 4). Một số người ngay cả tưởng rằng “Đức Giê-hô-va không thấy chúng ta đâu” (Ê-xê-chi-ên 8:12). Tuy vậy, hãy nhớ rằng “chẳng có vật nào được giấu-kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa-trình” (Hê-bơ-rơ 4:13).
13 Như thế hãy đề phòng chống lại những mối đe dọa cho đạo đức tốt! “Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh-đồ. Chớ nói lời tục-tĩu, chớ giễu-cợt, chớ giả-ngộ tầm-phào, là những điều không đáng” (Ê-phê-sô 5:3, 4). “Hãy gớm sự dữ”, cho dù xác thịt có thể ưa thích điều đó đến đâu đi nữa (Rô-ma 12:9).
Giữ mình tinh sạch về thiêng liêng
14, 15. a) Một số người đã để sơ hở thế nào khiến dễ bị đầu độc về thiêng liêng? b) Làm thế nào những kẻ bội đạo đã dùng “lời nói mà làm tàn-hại người lân-cận mình”? c) Thật ra những kẻ bội đạo nhơ nhớp về các phương diện nào, và chúng đã quên đi điều gì?
14 Một số người đã để sơ hở khiến dễ bị đầu độc về thiêng liêng bằng cách vặn máy truyền thanh và truyền hình vào các chương trình bàn về tôn giáo. Tại một nước ở Phi châu một số người nhìn các kịch truyền hình nói tốt về sự mê tín dị đoan của các tôn giáo cổ truyền thờ vật linh thiêng. Dù sao, sứ đồ Phao-lô có cảnh cáo về một mối nguy hiểm càng tử độc hơn nhiều—những kẻ bội đạo vốn “phá-đổ đức-tin của một vài người” (II Ti-mô-thê 2:16-18). Ngày nay vẫn còn những kẻ như thế! (II Phi-e-rơ 2:1-3). Và đôi khi chúng còn thành công trong việc đầu độc tư tưởng người khác. Như Châm-ngôn 11:9 nói, “kẻ ác lấy lời nói mà làm tàn-hại người lân-cận mình”.
15 Những kẻ bội đạo thường kêu gọi đề cao bản ngã, cho rằng chúng ta đã bị tước đoạt quyền tự do, kể cả quyền tự do tự ý giải thích Kinh-thánh. (So sánh Sáng-thế Ký 3:1-5). Thật ra, những kẻ đầu độc mạo nhận này không làm gì khác hơn là đưa người ta trở về các giáo lý ghê tởm của “Ba-by-lôn lớn” (Khải-huyền 17:5; II Phi-e-rơ 2:19-22). Những kẻ khác kêu gọi đề cao xác thịt, xúi giục những người bạn cũ “đừng lo” rao giảng từ nhà này sang nhà kia bởi vì công việc khiêm nhường này “không cần thiết” hay “không phù hợp với Kinh-thánh”. (So sánh Ma-thi-ơ 16:22, 23). Thật ra, những kẻ ăn nói ngọt ngào ấy có thể trông dáng tinh sạch bề ngoài trên phương diện thể chất và luân lý đạo đức. Nhưng bên trong chúng nhơ nhớp về phương diện thiêng liêng, đắm mình vào tư tưởng tự phụ, độc lập. Chúng đã quên đi tất cả những gì chúng đã học về Đức Giê-hô-va, về danh thánh và các đức tính của Ngài. Chúng không còn nhìn nhận nữa rằng tất cả những gì chúng học về lẽ thật của Kinh-thánh—hy vọng vinh hiển về Nước Trời và một địa-đàng trên đất và việc từ bỏ các giáo lý sai lầm, như thuyết Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử, sự hành hạ đời đời và nơi luyện tội—đúng, chúng quên rằng đã từ bỏ được tất cả những điều này là nhờ trung gian “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47).
16. Làm thế nào người công bình được giải cứu “nhờ tri-thức [sự hiểu biết]”?
16 Đáng chú ý là một giám thị vòng quanh tại Pháp đã nhận xét: “Một số anh em bị lường gạt vì thiếu sự hiểu biết chính xác”. Đó là lý do tại sao Châm-ngôn 11:9 nói: “Các người công-bình nhờ tri-thức [sự hiểu biết] mà được cứu khỏi”. Điều này không có nghĩa là để tai nghe lời những kẻ bội đạo nói hay nghiên cứu các sách báo của chúng. Thay vì thế, có nghĩa là đạt đến việc “hiểu [chính xác] sự mầu-nhiệm của Đức Chúa Trời” nhờ siêng năng học hỏi Kinh-thánh và các sách báo của Hội Tháp Canh căn cứ trên Kinh-thánh. Có được sự hiểu biết chính xác này rồi, ai lại trở nên tò mò đến đỗi quan tâm tới các lời khoa trương của kẻ bội đạo? Mong sao không một ai “lấy lời dỗ-dành mà lừa-dối anh em”! (Cô-lô-se 2:2-4). Nên tránh như tránh thuốc độc bất cứ lối tuyên truyền nào của tôn giáo giả dù đến từ đâu! Thật ra, bởi lẽ Chúa chúng ta dùng “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để chuyển đến chúng ta “những lời của sự sống đời đời”, tại sao chúng ta lại muốn nhìn sang nơi khác bao giờ? (Giăng 6:68).
Bạn sẽ giữ mình tinh sạch không?
17, 18. Tại sao rất quan trọng phải vun trồng a) sự tinh sạch về thể chất, b) sự tinh sạch về tâm trí, c) sự tinh sạch về luân lý đạo đức, và d) sự tinh sạch về thiêng liêng?
17 Do đó giữ mình tinh sạch trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời bao hàm nhiều việc. Chúng ta tô điểm cho thông điệp Nước Trời bằng cách giữ thân thể, nhà cửa, quần áo và Phòng Nước Trời của chúng ta được sạch sẽ về thể chất. Giữ tâm trí tinh sạch sẽ giúp chúng ta được tinh sạch về luân lý đạo đức và thiêng liêng. Điều này đòi hỏi chúng ta nghe theo lời khuyên của Phao-lô nơi Phi-líp 4:8, là phải để cho tâm trí chúng ta chuyên nghĩ về những điều chân thật, thanh sạch và đáng khen.
18 Chúng ta cũng có thể hiểu rõ hơn bao giờ hết là chúng ta phải giữ mình tinh sạch về luân lý đạo đức trong cả lời nói lẫn việc làm. Đức Giê-hô-va cảnh cáo chúng ta cách tỏ tường rằng những ai phạm phải bất cứ hình thức vô luân nào sẽ không hưởng Nước Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Bất luận những việc nhơ nhớp như thế dường như có thể thú vị đến đâu, nếu chúng ta gieo cho xác thịt, chúng ta sẽ gặt sự hư nát do xác thịt (Ga-la-ti 6:8). Sau rốt, có vấn đề giữ mình tinh sạch về thiêng liêng, tinh sạch về giáo lý. Sự tinh sạch như thế giúp chúng ta giữ cho lòng và trí được trong sạch. Vậy chúng ta luôn luôn được thức đẩy để tìm kiếm những tư tưởng của Đức Chúa Trời về các vấn đề, chứ không phải tư tưởng riêng của chúng ta.
19. Cả những người được xức dầu lẫn “đám đông” có thể nhận sự giúp đỡ nào hầu tiếp tục giữ mình tinh sạch dưới mọi khía cạnh?
19 Chẳng bao lâu nữa kẻ chủ mưu chính của mọi sự ô uế—Sa-tan Ma-quỉ—cùng với các quỉ sứ của hắn, sẽ bị quăng vào vực thẳm. Từ đây cho đến đó, mong sao tất cả các tôi tớ Đức Giê-hô-va—thuộc những người được xức dầu và thuộc “đám đông”—tiếp tục giữ mình tinh sạch với tư cách những người mang khí dụng của Đức Giê-hô-va (Khải-huyền 7:9, 13-15; 19:7, 8; 20:1-3). Trận chiến gay go và không cho phép thuyên giảm lực lượng. Dù sao đi nữa, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va ban cho “thần-linh của thánh-đức” Ngài cách rộng rãi (Rô-ma 1:4). Tổ chức tinh sạch của Ngài, với các trưởng lão, cũng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta bằng cách nói những lời khuyên lành mạnh, dựa vào Kinh-thánh. Với sự giúp đỡ như thế và sự cương quyết của chúng ta, chúng ta có thể giữ mình tinh sạch dưới mọi khía cạnh!
[Chú thích]
a Chữ Hê-bơ-rơ khi xưa để chỉ thần tượng như phân thú, gil·lu·limʹ, là một từ ngữ khinh miệt có nghĩa gốc là “cục phân”—một điều đáng gớm ghiếc đối với người Do-thái (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12-14; I Các Vua 14:10; Ê-xê-chi-ên 4:12-17).
Câu hỏi để ôn lại
◻ Tại sao những người Do-thái từ Ba-by-lôn trở về phải ăn ở tinh sạch?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể chú ý đến sự tinh sạch về thể chất?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ tâm trí để khỏi bị đầu độc?
◻ Làm thế nào chúng ta đề phòng chống lại các mối nguy hiểm cho luân lý đạo đức?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể giữ sự tinh sạch về thiêng liêng?
[Hình nơi trang 9]
Nhà ở của chúng ta nên làm gương về sự sạch sẽ
[Hình nơi trang 10]
Tín đồ đấng Christ phải có óc phán đoán tốt để tránh các cuộn băng nhựa thâu hình và các chương trình truyền hình nào có thể đầu độc tâm trí
[Hình nơi trang 11]
Các buổi họp mặt nhỏ có thể xây dựng về luân lý đạo đức